Wednesday, September 18, 2024

But Ky Toi Phai Song

 

Bản cáo trạng đanh thép
về chế độ Cộng sản Việt Nam
qua bút ký «Tôi Phải Sống»
của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ.

Nguyễn Đức Cung

Buffon (1707-1788), một nhà văn Pháp có nói: «Văn tức là người» (Style, c’est l’homme). Văn chương chính là phản ảnh một phần hay toàn bộ của cuộc sống trong đó có chế độ xã hội và con người. Sự xuất hiện khá đặc biệt của tập Bút kỷ Tôi Phải Sống của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ giữa thời điểm có sự sôi động khắp nơi trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại trùng hợp với vụ án Bùi Đình Thi được Sở Di Trú Hoa Kỳ đem ra thẩm tra lại về tư cách tị nạn của đương sự dĩ nhiên có làm tăng thêm sức hấp dẫn ngoại vi của tác phẩm này nhưng quả thật những gì đã kết tinh lại để làm thành nên tác phẩm đó còn có những giá trị thâm sâu hơn, mãnh liệt và trường cửu hơn mà chúng tôi xin đưa ra phân tích giới thiệu trong buổi ra mắt hôm nay.


Đây không phải lần đầu tiên một cuốn sách do chính một nạn nhân chế độ Cộng Sản viết để nói lên tiếng nói dõng dạc cáo buộc chế độ bất nhân độc ác nhất, chế độ Cộng sản mà tuồng như Thủ tướng Churchill (1874-1965) của nước Anh đã nói lên cơ chế cực kỳ đặc biệt của nó là «chế độ phân chia sự nghèo nàn một cách rất công bình cho mọi người». Trước tác giả Nguyễn Hữu Lễ, đã có một vài tác phẩm nói về chế độ nhà tù của Cộng Sản Việt Nam như Vượt Thoát của Phạm Quang Giai, Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp, Một Đời Người của Huỳnh Văn Cao, Cuộc Chiến Chưa Tàn của Trần Nhật Kim hoặc một số tác giả miền Bắc như Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn v.v... Dĩ nhiên mỗi tác phẩm có một văn phong và sắc thái riêng nói lên được các khía cạnh của chế độ lao tù Cộng sản, và ít nhiều khuôn mặt của cuộc sống Việt Nam trước đây và hiện tại. Với tác phẩm Bút Kỷ Tôi Phải Sống của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ chúng tôi có sự liên tưởng đến những tác phẩm văn chương có tầm vóc quốc tế viết về các trại tù của Nga như

Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago, 1918- 1956) của Văn hào Nga Alexander Solzhenitsyn, cuốn Người là lang sói với người: Vượt qua khỏi ngục tù (Man is wolf to man: Surviving the Gulag c ủa Janusz Bardach, Kathleen Gleeson và Adam Hochschild, cuốn Những câu chuyện Kolyma (Kolyma Tales) của Varlam Shalamov hay cuốn Gulag: một câu chuyện lịch sử (Gulag: A history) của Anne Applebaum v.v...


Với Bút Ký Tôi Phải Sống của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ dày 650 trang, được in ấn khá đẹp mắt với bìa trước và sau nền đen tượng trưng cho số phận tối tăm của dân tộc, điểm mấy nụ hoa hướng dương héo là kiếp đọa đày của những tấm thân tù ngục luôn ngước trông về chân trời tự do trên khung ngang nhỏ màu đỏ là máu của đồng bào Việt Nam trong đó có chính máu của tác giả. Tác phẩm này vừa phát hành đã được đón nhận vô cùng nhiệt liệt từ các giới văn nghệ, thân hữu và cộng đồng Việt Nam như báo chí từng phản ảnh, mà sở dĩ tác giả đã có được những thành tựu với tác phẩm đầu tay như vậy chắc chắn là do chính nội dung đặc biệt của cuốn sách mà chúng tôi thử phân tích để giới thiệu cùng quý vị sau đây được gọi là những sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Đây là một tác phẩm viết theo thể hồi ký, chia làm ba phần trong đó có 11 chương. Với sự phân mục rõ ràng, tác phẩm Bút ký Tôi Phải Sống dẫn dắt độc giả đi từ những hình ảnh đầu tiên của tác giả ở nhà thờ Bưng Trường, rồi họ đạo Mai Phốp, những kỷ niệm của tác giả trong cuộc sống đồng quê Nam Bộ lớn lên cùng với thời gian cho đến khi tác giả quyết chọn lựa cuộc sống làm linh mục. Sau 7 năm theo học ở Đại chủng viện Thánh Giuse, Sài gòn, tác giả được thụ phong linh mục năm 1970, phục vụ tại giáo phận Vĩnh long. Sau ngày 30-4-1975, tác giả thuyên chuyển về họ đạo La mã, chứng kiến và chịu đựng những đối xử bất công của CS tại địa phương, tác giả quyết định đổi thay nhiệm sở và xin phép giáo quyền ra đi. Bị bắt tại vùng biên giới Cao miên, giam ở Ban Mê Thuột rồi giải về nhà tù Phan Đăng Lưu ở Sài gòn, lên trại Hàm Tân ở Phan Thiết có ý định vượt ngục, bị đưa ra bắc trên tàu Sông Hương, dự định cướp tàu nhưng phải bỏ kế hoạch, chuyển ra trại Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh, tác giả nuôi dưỡng ý định vượt ngục và luôn tìm cách thực hiện. Năm 1977, tác giả bị dẫn giải đi trại Cổng Trời ở Hà Tuyên, toan tính thực hiện cuộc vượt ngục nhưng vì Trung Quốc chuẩn bị đánh ở biên giới, nên lại được di chuyển về trại Thanh Cẩm ở Thanh Hóa. Tại đây, cùng với bốn người bạn khác, ông tổ chức vượt ngục nhưng không thành công, bị đánh đập gần chết, năm 1982 cũng lại dự trù một chuyến vượt ngục khác nhưng không thực hiện được, lại về trại Nam Hà năm 1988 và sau đó ít lâu được thả ra. Năm 1989, tác giả vượt biên thành công đến Thái Lan. Cuộc đời tù ngục của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ từ năm 1976 đến năm 1988 là cả một trang sử đầy máu và nước mắt trong một số phận quá ư bi thảm của kiếp tù tội. Trong tác phẩm này, ngoài những ý nghĩa sống căn bản mà tác giả theo đuổi và tính chất bạo tàn của chế độ lao tù Cộng Sản được xem như là những sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tác giả đã dụng tâm chuyển tải đến độc giả một số thông điệp có liên quan đến tương lai của cả một dân tộc và có thể nói đó là lý do vì sao tác giả quyết tâm phải sống, phải sinh tồn giữa những phút giây trên biên giới tử sinh.

Trước hết, tôi cho rằng Bút ký Tôi Phải Sống được xây dựng trên một nền tảng vững chắc là đức tin Ki-Tô giáo mà tác giả ngay từ thời ấu thơ đã hấp thụ được từ một nền giáo dục gia đình Công Giáo với người cha, bà mẹ luôn luôn cần mẫn siêng năng trong kinh nguyện và các anh chị em đều là những người con biết tuân phục kỷ luật gia đình và giáo lý tôn giáo. Nhà thờ Bưng Trường, họ đạo Mai Phốp vốn là những nơi tác giả quanh quẩn trong những ngày thơ ấu qua những buổi đọc kinh, những dịp lễ và môi trường đó là những cái nôi đạo hạnh giúp cho vốn liếng đức tin của mình bám rễ dần dần. Những sự uốn nắn giáo dục từ các Dì phước Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn mà tác giả nhận được thuở ấu thơ và hình ảnh của những linh mục trông coi họ đạo như Lê Vĩnh Trình, Nguyễn Văn Tỏ đã gây những ấn tượng đầu đời nơi tác giả. Khi vừa hai mươi tuổi, tác giả đã có ý hướng làm linh mục vì «trong cương vị một Linh mục, tôi sẽ có dịp phục vụ số người cùng khổ hữu hiệu hơn» (trang 136). Lời khuyên của người cha luôn luôn văng vẳng bên tai «Bây giờ con lớn khôn rồi, hãy tự quyết định về phần con, nhưng đã theo tiếng Chúa gọi thì hãy đi cho tới cùng» (trang 137). Năm 1970, tác giả Bút ký Tôi Phải Sống được thụ phong linh mục. Bước vào đời sống phục vụ tha nhân qua thiên chức Linh mục mà người ta thường có thể ví là một Alter Christus (Chúa Ki-Tô thứ hai) tác giả có dịp nhận rõ trách nhiệm của mình và những nỗi cơ cực của người dân quê và tác giả đã cố gắng đi theo lý tưởng mình chọn lựa.

Sau ngày 30-4-1975, tôn giáo đã bị thử thách trước bạo quyền Cộng Sản, tác giả cho biết «trong cương vị một cha sở, tôi không thể im lặng trước một thứ tà thuyết vô thần và thái độ chống báng tôn giáo một cách quá trắng trợn của họ.» (trang 27). Tại họ đạo La mã thuộc quận Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre là nơi tác giả được cử đến trông coi từ tháng 7 năm 1975, không khí căng thẳng của thời cuộc đã trào dâng. Tác giả luôn luôn ý thức việc cần thiết của sự cầu nguyện, nhất là trong tất cả mọi biến cố của cuộc đời từ khi nhỏ cho đến tuổi trưởng thành. Sự cầu nguyện có lúc ngây ngô như cầu cho Dì Tư đau để được nghỉ học (trang 83) lại cũng có khi thật cảm động như trường hợp cầu cho người bạn tên Quỳ đang bị đậu mùa nhưng rồi cũng không tránh khỏi cái chết. (trang 94).

Trong suốt Bút kỷ Tôi Phải Sống, nhất là khi bị bắt ở biên giới Việt Miên, tháng 5 năm 1976 trải qua biết bao nhiêu trại giam, chịu đựng biết bao nhiêu nhục hình, thử thách bên bờ của vực thẳm tử sinh, tác giả không bao giờ quên cầu nguyện. Thiên chức linh mục của tác giả đã giúp cho ông luôn luôn quyết hành sử đứng đắn trách nhiệm của mình nhất là khi sa vào vòng lao lý. Tác giả đã quyết tâm «Mặc dù dòng đời đang thay đổi, môi trường sống thay đổi, nhưng con người Linh mục của tôi thì không.» (trang 183). Cuộc sống của tác giả trước kia đã có những ràng buộc với môi trường đức tin, khi làm linh mục lại có rất nhiều bạn hữu cũng cùng lớp ở đại chủng viện hoặc quen biết nhiều vị giám mục hay linh mục trong khi thi hành sứ vụ tông đồ cho nên đó chính là những yếu tố rất vững vàng giúp cho tác giả sống cuộc sống hiên ngang, can đảm bảo vệ chân lý, bảo vệ đức tin. Tình anh em trong hàng ngũ linh mục được tác giả nhắc tới rất cảm động như trường hợp tác giả đối với linh mục Thạnh trước ngày chia tay nhau để tìm đường vượt biên. «Mày ở lại mạnh giỏi, cầu nguyện cho tao. Nếu còn sống, sẽ có ngày gặp lại» (trang 67), và tập thể linh mục cùng chung vòng lao lý với tác giả cũng được đánh giá rất cao: «Hoàn cảnh tù đày nghiệt ngã có khi đã đẩy con người xuống đáy tầng địa ngục. Lúc đó, bản tính bất toàn của con người muốn tìm một chút thoải mái riêng tư cũng bộc lộ qua cách hành sử của vài anh em Linh mục, kể cả tôi. Dầu vậy, xét chung, tôi phải ghi nhận là tập thể Linh mục trong tù lúc đó là một tập thể rất tốt. Đại đa số là những con người hiền hậu, rộng lượng và đầy tình bác ái. Không phải chỉ đối xử tốt trong tình thương yêu với nhau mà thôi, mà còn tốt với tất cả mọi tù nhân khác, khi điều kiện có thể giúp đỡ họ được». (trang 547). Chúng tôi đã cẩn thận đếm được trong suốt tập bút ký Tôi Phải Sống đã có trên 30 chỗ nhắc đến việc cầu nguyện, từng trường hợp có một ý nghĩa khác nhau. Thí dụ, trong lần phải nói ra lập trường của mình là có yên tâm cải tạo hay không trước mặt ban giám thị trại Nam Hà, tác giả cho biết «Suốt đêm đó tôi trằn trọc không ngủ được vì phải làm một sự lựa chọn lớn, sự lựa chọn có thể ảnh hưởng tới mạng sống mình. Đêm đó tôi cầu nguyện thật nhiều, tôi có thói quen cầu nguyện khi gặp sự khó, xin Chúa soi sáng cho tôi biết phải làm như thế nào.» (trang 283). Luôn luôn trong tác phẩm, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ thường nhắc nhở mình đến sứ vụ tông đồ của thiên chức linh mục trong cảnh sống lao tù, là chỗ dựa tin cậy của những người chung quanh, nhất là những kẻ đồng đạo, như ở trang 226, «Sự có mặt của cha Khâm và tôi trong trại tù hơn một ngàn người ở đây cũng là một niềm vui và là nguồn an ủi cho một số đông các anh em Công giáo.» hoặc «Thời gian này cũng là lúc tôi thấy rõ vai trò của một Linh mục trong nhà tù cộng-sản, là một chỗ dựa tinh thần cho nhiều người» (trang 227). Lần cầu nguyện ở trại Nam Hà sau hơn 10 năm trở lại có lẽ làm cho độc giả cảm động với đoạn văn sau đây. «Đêm đó, trong lúc tuyệt vọng, tôi ngồi trong màn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết ý Chúa muốn gì nơi con. Con đã tù 13 năm và chịu bao nhiêu thứ cực hình. Các anh em khác chưa ai phải chịu cảnh khốn khổ như con, nhưng đã được về tất cả, riêng con phải tiếp tục chịu cảnh này. Xin cho con biết ý Chúa muốn gì nơi con» Cầu nguyện xong, tôi ngồi yên lặng, và lúc đó tôi có cảm tưởng như nghe một tiếng nói bên tai: Cha muốn con tiếp tục ở đây với những tù nhân khốn khổ còn lại, để con yêu thương, an ủi, giúp đỡ và chia xẻ đời con với họ. Và cuối cùng, cha muốn con được cùng chết với họ ở đây trong môi trường lao lý này. Thật bất ngờ như một phép lạ! Tự nhiên một nỗi vui vô cùng lớn lao xâm chiếm tâm hồn tôi.» (trang 552). Trong tác phẩm Tôi Phải Sống, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã có nhắc đến gần khoảng 38 Linh mục (có cha Gérard Gagnon, người Canada) và 8 vị Giám mục, Hồng y Việt Nam với những liên hệ ở cuộc đời thường bên ngoài hay có khi là những giao dịch trong tù. Tất cả các vị đó như những điểm tựa quý báu cho tác giả trong khi hành sử thiên chức linh mục và chứng nhân của Đức Ki-Tô trong chốn lao tù.

Kinh Thánh có nói: «Khởi điểm của sự khôn ngoan chính là lòng kính sợ Chúa» (Initium sapientiae, timor Domini). Khởi điểm này chính là bàn đạp để mọi giáo dân trong đó có gia đình đạo hạnh tác giả dựa lên, bám víu vào để sống đạo. Tác giả cũng đã hành động khôn ngoan trong tinh thần kính sợ Thiên Chúa.

Thêm vào đó, tinh thần bác ái, thương yêu của một vị linh mục luôn luôn có dịp thể hiện đối với tha nhân trong cuộc sống đời thường thí dụ chuyện người mù hát dạo trên chuyến đò ngang (trang 51), hoặc nỗi xót xa đối với tuổi thơ trong thời chiến (trang 58) cũng như trong hoàn cảnh lao lý linh mục đã dàn trải lòng thương yêu, nhẫn nhục, hy sinh trước biết bao trường hợp đau thương, bất công, sỉ nhục kể cả đến khi bị đánh đập chết đi sống lại nhiều lần dưới bàn tay độc ác của một chế độ lao tù dã man nhất của nhân loại. «Chuyện của Bùi Đình Thi đã ba năm qua. Lúc mới bị đồn, anh cũng điên tiết lắm, nhưng bây giờ anh đã nguôi ngoai rồi. Anh đã tha thứ cho nó, vì tha thứ làm tâm hồn anh được thảnh thơi...», lời

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ nói chuyện với Bình Thanh, người em kết nghĩa trong tù (trang 512).

Ngoài ra, tác phẩm Bút kỷ Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ còn được xây dựng trong tình tự quê hương chắt lọc từ một cuộc sống gắn bó với quê hương đất nước. Các địa danh quê mùa, mộc mạc như Bưng Trường, Mai Phốp, Cầu Đá, Bàu Dơi, Cái Bông... bỗng dưng đã đi vào lịch sử văn học nhờ ngòi bút tài năng của ông. Ưa thích cảnh sống chốn thôn quê với những thú vui của tuổi trẻ như bắt chuột, bẫy chim, câu cá, tác giả cảm thông được với những nỗi khổ đau của dân quê, những vất vả cực nhọc của công việc đồng áng được diễn tả trong đoạn văn sau đây: «Ngoài cá ra còn hai thứ khác cũng làm tôi chết mê chết mệt là chim và chuột đồng. Chuột sanh sôi nẩy nở rất nhiều và rất nhanh trên các cánh đồng lúa, nhất là sống trong vùng đất hoang vu chưa khai phá. Cái thú nhà quê của đứa trẻ con nhà nông như tôi biến quãng đời thơ ấu đó thành chuỗi ngày thần tiên.» (trang 79). Tác giả trực tiếp thấy được những cảnh áp bức bất công mà dân chúng ở nông thôn phải gánh chịu, một cổ hai tròng, nhất là chứng kiến những cảnh đàn áp, ngược đãi, sách nhiễu của Cộng sản sau ngày miền Nam bị mất. Những cái mà tác giả gọi là «trò hề chế độ» thí dụ lối bầu cử áp đặt không một chút tự do qua cuộc bầu quốc hội đầu tiên sau khi CS chiếm xong miền Nam, hoặc cảnh một số người xun xoe chạy theo chế độ mới để xin hưởng được một chút quyền thế mà hàng ngũ linh mục cũng có loại người như vậy thí dụ trường hợp của cha N.V.L., cũng được ghi lại.

Những hình ảnh đau thương do cuộc chiến Pháp-Việt Minh gây ra mà tác giả chứng kiến từ nhỏ cũng để lại nhiều ý niệm khổ đau của dân tộc trong lòng tác giả. Những biến cố gây tang thương điêu đứng cho dân tộc khiến cho con thuyền quốc gia chao đảo từ việc cố TT Ngô Đình Diệm bị đảo chính cho đến các hoạt động khủng bố, phá hoại của MTGPMN ở Nam Bộ như giật cầu, pháo kích trường học, chợ búa, thủ tiêu ám sát, thu thuế kèm theo những việc làm thất nhân tâm, áp bức của một số viên chức chính quyền quốc gia khiến cho tác giả quyết định dấn thân giúp đỡ những kẻ cùng khốn chung quanh mình trong chức vụ là một linh mục. Những hình ảnh tươi mát, dịu dàng của một vài cô thôn nữ đứng xõa tóc bên con kênh rạch chằng chịt ở miền quê Vĩnh Long cũng được tác giả đưa vào cuốn sách. Những chiếc cống, chiếc cầu, con thuyền tam bản, cảnh đi câu, tát đìa, rộng cá, lần lượt xuất hiện dưới ngòi bút linh động của nhà văn. Những con người thân thương trong gia đình tác giả như người cha đạo hạnh, người mẹ gương mẫu, chị

Hai cần cù đảm đang, những vị linh mục khả kính với những nét đặc thù trong cá tính, những người bạn linh mục, chống Cộng hay theo đuôi chính quyền mới cũng được tác giả ghi lại để tô điểm thêm cho bức tranh tình tự dân tộc này.

Tuy nhiên phần nổi bật nhất trong toàn bộ tác phẩm đó là tính cách bạo tàn của chế độ lao tù Cộng Sản và thân phận bi thảm của con người mà tác giả là chứng nhân và là vai chính dự phần vào phần số đau thương đó.

Trước hết, tính cách tàn bạo của chế độ lao tù Cộng Sản nằm ngay trong cái gọi là chính sách tập trung cải tạo của Hà Nội. Đó là chế độ bỏ tù không kêu án, tức là ra lệnh tập trung cải tạo, mỗi «lệnh» ba năm, và hết ba năm lại ra một «lệnh» khác. Đây là «loại tù...mù, tức là đi tù nhưng không có kêu án, được gọi cái tên thật đẹp nhưng đầy gian trá là “Tập Trung Cải Tạo». (trang 263). Và đây là những điệp khúc được đưa ra làm mồi để câu nhữ những phần tử nhẹ dạ cả tin: «Cải tạo tốt, lao động tốt là con đường ngắn nhất để được về sum họp với gia đình! » (trang 266). Xin hãy nghe tác giả Nguyễn Hữu Lễ nói rõ hơn: «Nếu chưa ai biết, tôi xin nói lúc đó chúng tôi đi tù...mù, tức là bị nhốt vào tù mà không có kêu án nên không ai biết được lúc nào mình sẽ được tha và lúc nào cũng nuôi niềm hy vọng được thả về. Vì thế chiêu bài “sự khoan hồng của đảng và nhà nước là miếng mồi thật thơm để nhử bọn chó săn, làm cho chúng rỏ nước dãi và săn lùng hăng hơn, phản bội anh em nhiều hơn, hại anh em nặng nề hơn. Có người còn nhẫn tâm giết chết anh em để lập công.» (trang 276).

Thứ đến, tính cách tàn bạo của chế độ lao tù Cộng sản còn thể hiện rõ nét trong cái gọi là học tập khai báo, nghĩa là tự kiểm điểm lại tất cả quá khứ của mình cùng cha mẹ anh chị em, chú bác cô dì để viết lại. Xin hãy nghe tác giả Tôi Phải Sống trình bày về vấn đề này: «Mới nghe qua việc khai báo lý lịch cũng chẳng thấy có gì là nặng nề và đáng ngại, nhưng sự thực không phải đơn giản như cái tên gọi của nó. Đây là một trong những điều tôi sợ nhất trong tù. Mỗi lần khai báo như vậy, các tù nhân phải “đào mả 3 đời nhà mình lên và giao nạp cho đảng! Việc đào gia phả này được lập đi lập lại nhiều lần, không có thời kỳ nhất định. Tôi không hiểu được hết mục đích của việc làm này, nhưng chắc trong đó phải có ý đo lường sự thành thật của tù nhân. Vì thế, nguyên tắc sống còn là phải nhớ cho bằng được lần đầu mình đã khai báo thế nào, để lần sau và những lần sau nữa cũng phải viết y như vậy, không thêm không bớt. Có người không để ý nguyên tắc sống còn này, tưởng là càng thành thật khai báo thì càng mau được về sớm, nên đã thêm vào nhiều chi tiết trong lần khai báo tiếp theo. Họ đã phải trả cái giá thật đắt cho hành động dại khờ này.» (trang 281).

Vấn đề học tập khai báo chính là dịp để cán bộ cộng sản chửi rủa một cách tàn tệ, làm nhục một cách công khai những người tù thua trận, đánh phủ đầu các tầng lớp quan chức của chế độ cũ, chẳng hạn như tại trại Long Thành, trong đợt học tập khai báo lần đầu tiên khoảng giữa tháng 8 năm 1975, trong khi học tập về 9 đề tài sơ khởi, một cán bộ giáo dục của Cộng sản đã lớn tiếng thóa mạ gọi «ngụy quyền là cặn bã của cặn bã trong xã hội Việt Nam». Trong đợt học tập khai báo tổ chức cho Khu A, trại Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh vào tháng 5 năm 1977 qua phần phát biểu được chỉ định tại hội trường trong một buổi «lên lớp», Cựu Nghị Sĩ Huỳnh Văn Cao đã can đảm, công khai phản pháo lại luận điệu hạ cấp trên đây với giọng nói rất hùng hồn, đầy lý lẽ chắc nịch và được toàn thể anh em tù nhân gần bốn trăm người có mặt trong hội trường hôm đó vỗ tay vang lên như sấm.

Chính sách khai báo học tập mà Cộng sản đem ra áp dụng trong các trại tù sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm thực sự đã được áp dụng cho tù binh Pháp kể từ năm 1947 cho tới khi chiến cuộc Việt Pháp kết thúc năm 1954. Trong một cuốn sách do linh mục Tuyên úy Nhảy Dù người Pháp tên là Paul Jeandel viết sau ba năm bị Việt Minh tẩy não trong trại tập trung ở Việt Bắc, có nhiều phần nói về chính sách tẩy não đó. Sau đây là một đoạn có liên quan tới vấn đề khai báo tẩy não đó đã được ký giả Bernard Fall trích lại trong cuốn sách Street Without Joy (Con Phố Buồn Hiu), trang 305: «Các hình thức hành hạ thời trung cổ không có nghĩa lý gì so với chính sách tẩy não trong lối nhục hình thời đại nguyên tử này... Chính sách đó đã chặt đẽo tâm hồn anh và tháp lên đó cơ phận khác. Sự thuyết phục thay thế hình phạt. Nạn nhân phải chấp nhận và biện minh cho những biện pháp áp đảo chính họ. Họ phải nhận tội và tin vào những tội ác chính họ không bao giờ phạm. Tôi đã thấy những người được đưa đi khỏi Trại số 1 mất thần như người chết mà chẳng hay biết gì cả vì họ đã mất hết bản sắc của mình để trở thành những con người máy hô khẩu hiệu. Ngay chính tôi, không mất Đức tin, nhưng gần như mất cả lý trí.» (Nhà xuất bản Stackpole Books, 1989). Chính nhà văn Nguyễn Tuân, sau những đợt tẩy não nhân vụ Nhân Văn Giai Phẩm 1956, đã thú nhận với bạn bè rằng sở dĩ ông còn sống là vì biết ... sợ.

Sau nữa, tính cách tàn bạo trong chế độ lao tù Cộng Sản thể hiện rõ nét trong thành phần nhân sự chế độ sử dụng để cai quản các nhà tù, trại giam sau năm 1975.

Đa số công an đều là những hạng người có lý lịch ba đời bần cố nông, nhất là những kẻ chấp hành việc quản lý tù nhân. Số đông đều là những thành phần ít học, quê mùa, mù quáng tin tưởng tuyệt đối vào đảng nên khi thi hành chính sách đối với tù nhân miền Nam họ tỏ ra sắt máu, quyết liệt vì ý thức đấu tranh giai cấp. Bút ký Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã biểu lộ được tài năng của ông trong lối vẽ lại chân dung các tên cai tù Cộng sản mà tôi tin rằng ông thật sự nhớ lại trong những lần phải tiếp xúc với bọn đó. Viết về vụ bắt đi cùm Linh mục Vũ Đức Khâm, tác giả Nguyễn Hữu Lễ viết: «Thiếu úy Xuân đứng đó, giương cặp mắt lừ đừ trắng dã nhìn thẳng vào chúng tôi, nói thật gọn nhẹ: “Anh Vũ Đức Khâm, vào buồng mang tất cả nội vụ ra ngoài». (trang 224).

Sau đây là hình ảnh một tên cán bộ trại Thanh Cẩm, được cực tả bằng những nét rất gợi hình như sau: «Vừa bước vô tới hội trường giữa sân trại, một cảnh tượng lạ lùng đập vào mắt khiến tôi ngạc nhiên và vẫn còn nhớ mãi, đó là hình ảnh của cán bộ trực trại. Lão này độ ngoài 50 tuổi, người ngợm trông bẩn thỉu và bèo nhèo như một cái nùi giẻ, loại nùi giẻ của thợ máy xe... “Cái nùi giẻ đó đang say rượu, chân nam đá chân chiêu, tay cầm gậy trúc cao quá đầu, múa may theo từng nhịp và la hét quát tháo ầm ĩ. Rõ ràng là ông ta muốn dằn mặt bọn “lính mới ” chúng tôi.» (trang 335).

Cần nói thêm chính sách «dùng tù giết tù» nói lên bản chất tàn bạo của chế độ nhà tù Cộng sản. Chính sách đó không chỉ áp dụng cho loại tù hình sự mà còn áp dụng cả cho tù chính trị khắp nơi trong nước nhất là sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm. Cộng sản cho tù hình sự ở chung với tù chính trị, dùng bọn đầu gấu hình sự làm đội trưởng trong các nhóm tù chính trị để đưa tù chính trị vào «kỷ luật máu», và khi cần dùng tay bọn hình sự để giết tù chính trị mà chính họ không cần động thủ. Bút ký Tôi Phải Sống có rất nhiều dẫn chứng về chính sách này. Khi gặp Bác sĩ Lê Thiện Điền, một cán bộ của Tân Đại Việt bị bắt sau năm 1975, ở chung với tôi tại trại Nam Hà, ông cho biết chính ông đã bị cán bộ CS nhốt chung với bọn hình sự miền Bắc ở các trại Tân Lập, Vĩnh Quang, cốt để bọn này giết ông, nhưng may mắn thay, chính nhờ ông thương yêu bọn chúng, chữa trị thương tật, bệnh hoạn, mà bọn hình sự lại nuôi sống ông và bảo vệ cho ông. Bác sĩ Lê Thiện Điền hiện nay ở Thị Nghè, không đi chương trình HO.

Dĩ nhiên ba trong những chương bi thảm nhất trong Bút ký Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đó là chương 7, 8 và 9 là những chương đặc biệt nói về cuộc vượt ngục của tác giả cùng các ông Đặng Văn Tiếp, Lâm Thành Văn, Trịnh Tiếu, và Nguyễn Sĩ Thuyên mà hậu quả thất bại đã đưa đến việc tên trật tự Bùi Đình Thi đánh chết ông Đặng Văn Tiếp, đánh đến gần chết tác giả, bỏ đói cho chết ông Lâm Thành Văn và hành hạ một số các anh em tù nhân khác có liên hệ đến cuộc vượt ngục trong đó có cả hành động côn đồ của tên Trương Văn Phát. Đọc những chương sách viết trong máu và nước mắt đó chắc chắn nhiều người rất bàng hoàng xúc động và nguyền rủa bọn mặt người lòng thú cam tâm làm chó săn cho CS. Những phần đó trong tác phẩm đã vạch rõ bản chất bạo tàn của chế độ lao tù CS.

Sự lựa chọn những vùng thiên nhiên thật khắc nghiệt như trại Cổng Trời nơi có cao độ 2500 mét so với mặt biển với quanh năm mây phủ ít khi có bóng mặt trời, vùng trại Thanh Cẩm xung quanh ba mặt núi vây án ngữ trước mặt là sông Mã, trại Nam Hà trước đây nổi danh qua tên gọi Đầm Đùn với khu vực đá vôi nóng bỏng da thịt và chung quanh không có một cây cối gì có thể giúp «mưu sinh thoát hiểm» được, tất cả các yếu tố thiên nhiên khắc nghiệt đó đã cộng tác cùng với chế độ lao tù CS để biến những nơi giam hãm thành tử địa đối với tù nhân. Thân phận bi thảm của người tù chính trị miền nam coi như đã được quyết định qua cái gọi là chính sách «tập trung cải tạo» và nếu không có áp lực quốc tế cùng sự thương thảo của phái đoàn Hoa Kỳ John Vessey, CS chắc chắn không bao giờ thả anh chị em chúng ta ra.

Với một chế độ hình ngục bạo tàn như vậy, thân phận bi thảm của người tù còn thua cả số phận con sâu, cái kiến chìm lấp trong chuỗi thời gian vô định dưới cái chết thường xuyên đe dọa do cai tù đánh đập, đầu gấu hay đại bàng trị tội, đói và rét hoành hành, khu kỷ luật hay kiên giam với cùm xích câu thúc thân thể đêm ngày cùng với bệnh tật rình rập, lai vãng thường xuyên mà không một chút thuốc men trị liệu. Xin đọc đoạn văn sau đây để thấy số phận bi đát của người tù chính trị miền Nam lúc sa cơ: «Cách đó không xa, tôi thấy một tốp chừng mươi tên cán bộ đang vây quanh anh Tiếp, hò hét và đánh đấm túi bụi. Trông thấy cảnh đó tự nhiên tôi nhớ lại một câu thành ngữ La-tinh mà tôi đã học hồi còn ở Chủng viện: “Người đối với người còn hơn chó sói. Hình ảnh anh Tiếp đứng cao lêu khêu trên đồi sắn, lúc này sắn non mới lên cao độ một gang tay, mình mẩy anh ướt đẫm, tả tơi, chung quanh là một lũ cán bộ cộng-sản đang điên cuồng gào thét, đánh đập, khiến tôi liên tưởng tới một cảnh trong cuốn phim “Cuộc Đời Chúa Cứu Thế”, lúc Chúa Giêsu vác Thánh giá lên đỉnh đồi Golgôtha, một đám đông quân dữ đang vây quanh hồ hét, đánh đập. Tôi chẳng biết so sánh như vậy có phạm thượng hay không, nhưng đó là cảm nghĩ mà tôi thấy thật rõ rệt lúc bấy giờ. Vừa trông thấy tôi, một bọn khác xông vào và tôi chịu số phận y như anh Tiếp. Lúc đó anh Thuyên ở đâu và số phận anh ra sao tôi không biết.» (trang 414).

Ngoài ra, có thể nói bàng bạc trong toàn bộ tác phẩm Bút ký Tôi Phải Sống chính là ước vọng Tự Do mà tác giả đã ôm ấp trên bước đường vô định từ khi giã từ xứ đạo nhỏ ở quê nhà để lên Sài gòn tìm cách vượt biên. Lúc bị bắt giam lần đầu tiên ở nhà tù quận Đức Lập ở Ban Mê Thuột, tác giả đã «chấp nhận hoàn cảnh hiện tại và quyết tâm lợi dụng tất cả mọi trường hợp thuận tiện để hoán cải số phận của mình.» (trang 181). Về sau, tác giả thổ lộ: «Từ ngày gặp nhau trên trại Cổng Trời, anh Tiếp và tôi đều nghĩ rằng, chỉ có một cách duy nhất để sống còn là vượt ngục, vì chúng tôi biết nhà cầm quyền cộng-sản đã quyết định cho chúng tôi chết dần chết mòn trong trại tù» (trang 361). ở một chỗ khác người ta đọc thấy: «Phải nói là từ lúc bị bắt, không một lúc nào sự ước muốn tự do không hành hạ tôi», (trang 549), đó là sự nhìn nhận dứt khoát của tác giả. Tác giả đã nhận thức rất rõ về số phận của mình với những lời lẽ rất chắc nịch: «Tôi đã từng biết dưới chế độ cộng-sản ở Nga ở Tàu và các nước cộng-sản khác, những người không đồng ý với chế độ sẽ bị thanh trừng, hoặc đưa lên các trại tập trung và rất nhiều người không bao giờ trở lại. ở Việt Nam cũng thế. Vì vậy, từ lúc bị bắt vào tù, tôi coi việc vượt ngục là con đường sống.» (trang 245). Trong suốt 13 năm lao lý, lúc nào tác giả cũng tìm cách thực hiện chủ tâm vượt ngục dù có phải trả bằng cái giá cuối cùng là cái chết.

Tuy nhiên, Bút ký Tôi Phải Sống không kết thúc ở việc đòi hỏi công lý cho những người bị thua thiệt mà tầm vóc tác phẩm đã vươn lên vị trí cao hơn khi tác giả kêu gọi sự tha thứ và tình thương nơi con người. Tác giả đi đến kết luận khi nói rằng: «Không bao giờ oán trách con người, không bao giờ thù hận con người, không bao giờ tiêu diệt con người nhưng bằng mọi giá phải loại bỏ bất cứ chế độ xấu xa nào đã khuyến khích và dung dưỡng sự hận thù giữa người với người, và thay vào đó một xã hội lành mạnh để con người được phát triển phần LƯƠNG THIệN của mình.» (trang 598). Đối với tác giả, «Thể chế chính trị nào rồi cũng sẽ qua đi, triều đại nào rồi cũng sẽ sụp đổ, chỉ có Dân Tộc là trường tồn.» (trang 598) và ông tha thiết kêu gọi: «Hãy để những dị biệt của quá khứ lại phía sau và cùng nhau xây dựng một tương lai xán lạn cho Dân Tộc trong một xã hội Tự Do, Công Bằng và Phát Triển.» (trang 605).

Tính cách nhân bản qua Bút kỷ Tôi Phải Sống thể hiện trong suốt chiều dài của tác phẩm, trong từng môi trường của cuộc đời tác giả từ khi còn là một cậu bé nhà quê cho đến lúc trưởng thành, sống đời sống một linh mục, đến khi vào tù Cộng Sản, nếm đủ mọi tân toan da diết của mười ba năm trong địa ngục trần gian.

Xét về mặt văn chương của Bút kỷ Tôi Phải Sống, cuốn sách trên 650 trang, với những đoạn tả chân dung con người, tả sự việc, những tình tiết khúc mắc, hấp dẫn, điêu luyện trong lời văn, tài hoa trong chuyển mạch, đã dẫn dắt, lôi cuốn người đọc khi vào chuyện cho đến phần kết thúc, cũng đã nói lên giá trị của tác phẩm đầu tay của linh mục Nguyễn Hữu Lễ. Tính cách thuần hậu trong ngôn từ và mộc mạc trong lời văn, lời đàm thoại nhiễm sắc thái ngôn ngữ của người dân miền quê Nam Bộ đã thu hút độc giả khiến ta có thể chia xẻ được với tác giả những cảm thức nồng nàn tình người, tình quê hương của một vùng đất đau thương vì chiến cuộc, thê lương vì nạn nước mất nhà tan sau ngày 30-4-1975.

Trong nền văn học tiền chiến Việt Nam, người ta thường đánh giá cao những tác phẩm tả chân về xã hội như Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, Tôi kéo xe của Tam Lang, Bút Nghiên của Chu Thiên, Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng v.v... Mỗi một tác phẩm đều phản ảnh rất rõ chân dung của một phần hay toàn bộ khuôn mặt xã hội tác giả sinh sống. Chúng ta cũng thường có dịp nghe thấy người cộng sản hay tự hào về cái gọi là nền văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa của họ trong đó người văn nghệ sĩ chú trọng miêu tả về cuộc đời thường của người dân, của nhân dân hay một khía cạnh nào đó của đời sống xã hội mà chức năng của người văn nghệ sĩ đòi phải có nhiệm vụ nói tới. Không cần phải cột buộc vào những khuôn thước tả chân của văn chương tiền chiến hay màu mè với những mẫu mực của «văn học hiện thực», tác phẩm Bút kỷ Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ chắc chắn đã đi vào lòng người với những hình ảnh phản chiếu rõ rệt đời thường đầy đau thương và bi hận của người dân sau ngày miền Nam mất vào tay CS, cuộc sống tù tội bi thảm của những người thua trận, của chính tác giả và các bạn linh mục với những tuổi đời khác nhau và tất cả những người tác giả đã gặp hay cùng chia xẻ đắng cay trong lao tù. Kinh nghiệm sống, từng trải, va chạm, xử lý các tình huống trong cuộc đời chính là chất liệu giúp cho tác giả đi vào văn nghệ - qua tập bút ký đầy máu và nước mắt xen lẫn màu đen và điểm đôi chút màu hồng - bằng con đường rộng rãi thênh thang, bù đắp vào những 13 năm dài đằng đẳng thừa chết thiếu sống trong ngục tù Cộng-sản Việt-nam.

Nhà văn Boileau (1636-1711) của Pháp có nói một câu:

«Quan niệm mà chín chắn, nói ra sẽ rõ ràng,
Và tiếng dùng để mô tả cũng gặp được dễ dàng»

(Ce qui se concoit bien, s ’énonce clairement,
Et le mot pour le dire arrive aisément.)

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã trải qua một cuộc sống đầy ý nghĩa với những kinh nghiệm bản thân vô cùng phong phú và đắt giá, nhất là giai đoạn trong lao tù Cộng Sản, thì khi phản ảnh lại cuộc sống đó dưới hình thức văn chương, dĩ nhiên văn tài của tác giả sẽ xuất hiện bằng tất cả sự dễ dàng, thanh thoát, chân thực mà giá trị nội tại của Bút ký Tôi Phải Sống đa phần cũng là ở những chỗ đó. Bút ký Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã trình diện cùng cộng đồng Việt Nam, được sự ủng hộ rất nồng nhiệt từ mọi giới có thể xem như là một biến cố văn học và chính trị lớn trong tập thể người dân Việt ở hải ngoại. Người ta sẽ luôn nhớ đến tác giả tập bút ký này với câu nói: «Trước khi làm Linh mục, tôi là một người Việt nam.» Hy vọng trong tương lai, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ sẽ cho chúng ta thưởng thức tài nghệ của tác giả trong một tác phẩm văn học có tầm vóc lớn khác nữa. [*]

Nguyễn Đức Cung
Jersey City, NJ. ngày 24 tháng 10 năm 2003.

Trên đây là bài nói chuyện của ông Nguyễn Đức Cung trong buổi ra mắt tác phẩm Bút ký Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, tổ chức tại Thành phố Philadelphia, Tiểu bang Pennsylvania ngày 25 tháng 10 năm 2003 với sự tham dự của gần 400 quan khách và đồng hương.



[*] Đọc trên mạng, tôi được biết Bút ký Tôi Phải Sống đã được dịch sang Anh ngữ «I MUST LIVE!» để đáp ứng nhu cầu giới trẻ đọc tiếng Anh, và buổi ra mắt ấn phẩm sẽ được tổ chức vào ngày Chúa Nhật, 29/9/2024 vào lúc 1 PM tại 14361, Beach Blvd, Westminster, CA 92683 với sự hiện diện của LM Nguyễn Hữu Lễ.

No comments:

Post a Comment