Saturday, August 8, 2020

Tính xã hội trong chính trị

  

Tính xã hội trong chính trị

I. Tính xã hội là một thuộc tính của nhân bản

Nhân bản là lấy con người làm gốc. Một nền chính trị mang tính nhân bản phải lấy con người và hạnh phúc của con người làm trọng tâm của mọi quan tâm chính trị. Có như thế, xã hội mới được ổn định và phát triển, vì xã hội được cấu tạo bởi con người, nên nền tảng của xã hội là con người.

Con người và xã hội luôn luôn đi đôi và gắn liền với nhau. Thật vậy, con người luôn luôn sống chung với nhau thành những tập thể, và những tập thể ấy cũng tự động kết hợp với nhau thành những tập thể lớn hơn, rồi những tập thể lớn này lại kết hợp với nhau thành những tập thể lớn hơn nữa, và cứ thế tiếp tục mãi thành một tập thể lớn nhất là thế giới. Kết hợp với nhau thành xã hội, đó là khuynh hướng rất tự nhiên của con người. Do đó, tính xã hội là một thuộc tính cốt yếu của nhân bản.

Nói cách khác, cá nhân con người không thể sống và phát triển một cách đơn độc hay một mình được, mà luôn luôn cần sự giúp đỡ hay hợp tác của người khác. Tính cần lẫn nhau khiến con người phải sống chung với nhau thành những tập hợp, gia đình, đoàn thể, hay nói chung là xã hội.

Quả thật, khi vừa sinh ra, con người đã phải cần ngay sự bao bọc, chở che, bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng bởi cha mẹ mình. Do đó, xã hội đầu tiên của con người là gia đình. Gia đình là xã hội nhỏ nhất, nhưng lại là gương mẫu nhất cho tất cả mọi xã hội khác, trong đó, mọi thành viên đều yêu thương, giúp đỡ nhau, thỏa mãn những nhu cầu của nhau một cách vô vị lợi.

Nhưng một mình gia đình nhỏ bé của mình cũng khó có thể tồn tại và phát triển được, vì có rất nhiều nhu cầu mà gia đình mình không thể cung cấp được, mà cần đến một xã hội rộng lớn hơn gồm rất nhiều gia đình hợp lại. Thật vậy, làm sao gia đình nhỏ bé của mình có thể cung cấp được các thức ăn thức uống đủ loại, quần áo, xe cộ, phương tiện di chuyển, nhu cầu học hành, an ninh bản thân, v.v... Những phương tiện ấy đến từ những gia đình khác, từ xã hội, từ quốc gia, có khi từ những quốc gia khác.

Xã hội được cấu trúc giống như một thân thể gồm vô số tế bào khác nhau, các tế bào gần nhau và giống nhau kết hợp thành các mô, các mô kết hợp thành các cơ quan, các cơ quan khác nhau với những nhiệm vụ khác nhau làm nên một thân thể. Trong xã hội, các cá nhân tương tự như những tế bào khác nhau, các tập thể nhỏ như gia đình giống như các mô, các tập thể lớn giống như những cơ quan trong thân thể, v.v... Không một tế bào, một mô hay một cơ quan nào có thể sống biệt lập tách rời khỏi thân thể… Mọi cơ quan đều cần thiết cho cả thân thể. Cái đầu tuy quan trọng nhất và điều khiển toàn thân, nhưng nếu thiếu bất cứ một bộ phận nào, hay có bộ phận nào bị đau, thì cái đầu chẳng thể điều khiển tốt được cơ quan ấy, và công việc của toàn thân thường bị trở ngại. Do đó, tình trạng lành mạnh hay đau yếu của các tế bào, của các mô ảnh hưởng đến sự lành mạnh hay đau yếu của cả cơ quan, và ngược lại. Rồi tình trạng lành mạnh hay đau yếu của các cơ quan cũng ảnh hưởng đến sự lành mạnh hay đau yếu của cả thân thể, và ngược lại. 

Cũng vậy, sự phát triển hay hạnh phúc của các thành phần của xã hội, ở cấp cá nhân hay cấp tập thể, đều ảnh hưởng đến sự phát triển hay hạnh phúc của cả xã hội, và ngược lại. Do đó, muốn các cá nhân trong xã hội phát triển và hạnh phúc, chúng ta cần tạo một môi trường xã hội lành mạnh; và ngược lại, muốn có môi trường xã hội lành mạnh, ta cần giúp các cá nhân phát triển và hạnh phúc.

Do đó, tính xã hội là một thuộc tính căn bản của người, nên muốn thực hiện tính nhân bản, các nhà chính trị phải quan tâm đến tính xã hội của con người.

II. Tương quan giữa cá nhân và xã hội:

Mục đích mà các nhà chính trị hay các đảng phái chính trị chân chính phải theo đuổi là làm sao để mọi người dân, và từng người dân trong xã hội, trong quốc gia được hạnh phúc, có điều kiện phát triển về đủ mọi mặt của cuộc sống con người.

Nói tới hạnh phúc thì chỉ có cá nhân mới cảm nghiệm được hạnh phúc mà thôi. Nếu nói một tập thể hay xã hội hạnh phúc, chẳng hạn như gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc, thì chỉ có nghĩa thực tế là các cá nhân trong các tập thể hay xã hội ấy đều cảm nghiệm được hạnh phúc, chứ tập thể hay xã hội với tư cách là một tập hợp thì không phải là một chủ thể có thể cảm nghiệm được hạnh phúc cả. Vì thế, muốn cho gia đình, xã hội, dân tộc hay đất nước được hạnh phúc, thì phải làm sao để mọi cá nhân và từng cá nhân trong những tập thể ấy được hạnh phúc. Không thể làm cho một tập thể hạnh phúc mà không quan tâm đến hạnh phúc của các cá nhân được.

Sau hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai, khi Liên Hiệp Quốc được thành lập, những người soạn thảo hiến chương Liên Hiệp Quốc đã nhận ra nguyên nhân đã dẫn đến hai cuộc thế chiến là do các nhà chính trị đã quá đề cao vai trò của quốc gia, của xã hội, chỉ quan tâm đến các quốc gia, các xã hội mà quên đi yếu tố cốt lõi nhất của quốc gia và xã hội con người. Cuối cùng, họ đi đến kết luận là muốn tránh chiến tranh, tránh những thảm kịch mới cho thế giới thì mọi hoạt động chính trị phải lấy con người là trọng tâm, phải nhằm mục đích cuối cùng của chính trị là hạnh phúc của con người. Quốc gia hay xã hội tuy rất cần thiết cho con người, chỉ nên được coi là phương tiện phục vụ cho mục đích của nó là hạnh phúc của mỗi con người.

Tuy nhiên, cá nhân không thể được hạnh phúc nếu xã hội không tạo điều kiện cho cá nhân được hạnh phúc. Chủ nghĩa xã hội của cộng sản là một chủ nghĩa không tưởng vì họ chỉ quan tâm tới sự phát triển hay sự toàn hảo của xã hội mà không hề quan tâm đến hạnh phúc của các cá nhân. Chính vì thế, con người trong các chế độ xã hội chủ nghĩa thường sống trong đau khổ, vì cá nhân bị coi là phương tiện để thực hiện một xã hội hoàn hảo. Kết quả là chẳng cá nhân nào được hạnh phúc, và xã hội vì thế chẳng thể hoàn hảo được, mà trái lại, lại đầy dẫy những khuyết điểm, những bất công. Khi hạnh phúc của mọi cá nhân trong xã hội được coi là mục đích, thì xã hội tự động sẽ trở nên hoàn hảo.

(Chủ nghĩa xã hội cộng sản mà tôi nói tới ở đây, là thứ chủ nghĩa xã hội cộng sản đúng nghĩa chứ không phải là thứ xã hội chủ nghĩa giả danh mà chế độ độc tài CSVN đang áp dụng. Chủ nghĩa mà CSVN đang áp dụng không phải là chủ nghĩa xã hội đích thực mà là chủ nghĩa của một đảng mafia, hay nói đúng hơn là một đảng ăn cướp. Chủ nghĩa cộng sản tự bản chất đã là một chủ nghĩa tồi tệ, không tưởng, nhưng chủ nghĩa mà CSVN đang áp dụng cho xã hội Việt Nam còn tồi tệ hơn chủ nghĩa xã hội của cộng sản bội phần).

III. Cần phân biệt mục đích và phương tiện

Sự toàn hảo của xã hội chỉ là phương tiện, còn hạnh phúc của cá nhân trong xã hội ấy mới chính là mục đích mà các nhà chính trị chân chính phải nhắm tới. Cá nhân không thể hạnh phúc được nếu cơ cấu xã hội quá tệ, không hợp lý. Nhưng cá nhân cũng không thể hạnh phúc được nếu người ta chỉ quan tâm tới sự toàn hảo của xã hội như là đích phải đạt tới mà không đếm xỉa hay quan tâm đủ tới hạnh phúc của các cá nhân. Quan tâm kiểu này khiến người ta sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của các cá nhân trong xã hội để thực hiện sự toàn hảo của xã hội.

Nếu xã hội được toàn hảo mà cá nhân trong đó không hạnh phúc thì sự toàn hảo ấy có ích lợi gì?

Trong một gia đình nọ, ông chồng muốn mọi đồ đạc trong nhà phải luôn luôn ngăn nắp, sạch sẽ, nên thường xuyên trách mắng vợ mỗi khi thấy đồ đạc trong nhà không được như vậy. Cách hành xử hay trách cứ của ông khiến bà vợ thường buồn phiền và hoà khí trong nhà không còn. Gia đình khi ấy không còn là một tổ ấm mà là một hỏa ngục, mặc dù nhà rất ngăn nắp sạch sẽ. Cuối cùng, bà vợ phải nói: tôi thà sống trong một căn nhà lộn xộn hoặc dơ bẩn một chút mà vợ chồng vui vẻ hoà thuận với nhau, còn hơn phải sống trong một căn nhà thật ngăn nắp sạch sẽ nhưng vợ chồng luôn luôn bất bình với nhau.

Nói chung, một căn nhà ngăn nắp sạch sẽ bao giờ cũng giúp gia đình sống thoải mái hạnh phúc hơn. Nhưng nếu coi sự ngăn nắp sạch sẽ như mục đích phải đạt tới mà sẵn sàng hy sinh sự vui vẻ hoà thuận trong gia đình, thì có thể ta sẽ có một căn nhà ngăn nắp sạch sẽ nhưng hạnh phúc thì không có.

Cũng vậy đối với những điều kiện khác của hạnh phúc, như tiền bạc, nhà cửa, tiện nghi vật chất, v.v... Tất cả những thứ đó đều có thể giúp chúng ta hạnh phúc, nhưng chúng chỉ là những phương tiện. Quá chú tâm thực hiện cho bằng được những phương tiện ấy đến nỗi làm tổn hại hạnh phúc (hay hòa khí, sức khỏe…) chung thì những cố gắng ấy đều trở thành «nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì». Cũng vậy, tiền bạc, nhà cửa khang trang, địa vị xã hội, v.v...  rất ích lợi cho hạnh phúc chung, nhưng nếu vì lo kiếm tiền, lo tạo dựng những thứ ích lợi ấy mà làm mất hạnh phúc của mình thì những thứ ích lợi ấy đã bị chính mình biến thành có hại.

Do đó, đừng bao giờ lấy phương tiện làm mục đích, hoặc biến mục đích thành phương tiện. Trong cuộc sống, sự phân biệt giữa mục đích và phương tiện, giữa điều chính yếu và những thứ phụ thuộc là điều rất quan trọng. Chỉ có thể hy sinh phương tiện cho mục đích, hay hy sinh những thứ phụ thuộc cho cái chính yếu, chứ không thể ngược lại.

IV. Những mâu thuẫn trong bản tính của con người và xã hội

Xã hội bao gồm những cá nhân hoặc những tập thể các cá nhân vốn có bản tính tự nhiên là khác biệt nhau và bất toàn. Sự bất toàn và khác biệt nhau, đó là hai thuộc tính tự nhiên của con người mà những người có lương tri, nhất là những người làm chính trị, phải ý thức và tôn trọng. Không ý thức và tôn trọng hai thuộc tính ấy là phi nhân bản. Chẳng hạn, trong khi chính mình không hoàn hảo và cũng không thể hoàn hảo được, mà cứ đòi hỏi người khác hay đòi hỏi một tập thể phải hoàn hảo, thì đó là phi nhân bản. Hay đòi hỏi người khác phải suy nghĩ hay phát biểu giống như mình, nếu không được như vậy thì kết án họ là sai, đồng thời chụp cho họ những thứ mũ xấu xa, thì đó là phi nhân bản, vì không ý thức được sự khác biệt tất yếu giữa người với người trong xã hội. Còn thông cảm và dễ tha thứ cho những bất toàn của tha nhân thì nhân bản hơn nhiều.

a) Tính bất toàn

Cổ nhân nói: «Nhân vô thập toàn» (= là con người thì chẳng ai hoàn hảo cả).  Bất toàn là thuộc tính căn bản của con người. Nhưng bên cạnh bản tính bất toàn ấy lại có một bản tính khác cũng rất căn bản của con người, đó là ý muốn trở nên hoàn hảo. Thật vậy, mặc dù chẳng ai hoàn hảo, nhưng ai cũng muốn chính mình và mọi sự liên quan tới mình trở nên hoàn hảo, nhất là ai cũng có khuynh hướng đòi hỏi người khác (hơn là đòi hỏi chính mình) phải hoàn hảo.

Trên đời, ta thấy có biết bao người đang cố gắng tu luyện bản thân để trở nên hoàn hảo hơn. Vì càng hoàn hảo thì con người càng dễ hạnh phúc và làm cho người chung quanh hạnh phúc. Do đó, song song với việc chấp nhận những khiếm khuyết của con người, các nhà chính trị phải khuyến khích và tạo điều kiện để từng người và từng tập thể trở nên hoàn hảo hơn, trong giới hạn hợp lý của mình. Giới hạn hợp lý ở đây là không vượt quá mức độ khiến con người bị mất hạnh phúc hoặc mất khả năng phát triển.

Những người chủ trương nhân bản phải luôn tôn trọng hai thuộc tính vốn mâu thuẫn ấy trong bản tính con người, nghĩa là vừa phải chấp nhận sự bất toàn, lại vừa phải giúp con người trở nên hoàn hảo hơn. Giải quyết thỏa đáng sự mâu thuẫn giữa hai thuộc tính ấy tùy thuộc rất nhiều vào sự khôn ngoan, khéo léo của những nhà chính trị nhân bản.

Sự bất toàn hay những lầm lỗi, sai phạm có thể ví như một căn bệnh cần chữa trị, nếu không chữa hoặc chữa không khỏi, người bệnh sẽ đau đớn, khó chịu. Để khỏi bệnh, uống thuốc là cần thiết, nhưng uống thuốc cho đúng cách đúng liều còn cần thiết và quan trọng hơn cả chính việc uống thuốc. Vì nếu uống không đúng thuốc hoặc không đúng liều lượng, bệnh chẳng những không khỏi mà còn trở nên nặng hơn. Cũng vậy, đối với lầm lỗi của một ai đó, việc sửa sai người ấy là chuyện cần thiết, nhưng sửa sai cho đúng cách và đúng liều lượng còn cần thiết hơn chính hành động sửa sai rất nhiều.

Trong việc giáo dục con cái chẳng hạn, cổ nhân ta có câu «giáo đa thành oán» (=dạy dỗ nhiều quá sinh oán hận). Những bậc cha mẹ khôn ngoan thường khuyên lơn, trách mắng hoặc trừng phạt con cái một cách vừa phải, biết lựa những lúc thuận tiện nhất để khuyên bảo, và dùng những hình thức khôn ngoan nhất để sửa trị. Phương cách sửa trị cũng phải thay đổi tuỳ theo tâm lý của từng đứa con. Nói chung, nói ngọt với con cái thường có tác dụng hơn; đúng như cổ nhân nói «nói ngọt, lọt đến xương». Tiếng Việt nói: «dạy dỗ», nghĩa là muốn dạy thì phải dỗ. Tuy nhiên cũng có những đứa phải nói nặng lời, có đứa phải dùng đến hình phạt hay biện pháp mạnh mới thành công. Nếu cách sửa lỗi không phù hợp với tâm lý của từng đứa con, việc sửa lỗi ấy không có kết quả mỹ mãn.

Trong cuộc sống chung giữa vợ chồng cũng vậy, không ai là người thập toàn cả, ai cũng có một tật xấu nào đó làm người phối ngẫu của mình phải khó chịu và chịu đựng. Việc sửa lỗi cho nhau để giúp nhau nên hoàn thiện, để gia đình đầm ấm hơn, thoải mái hơn, trong một mức độ nào đó là cần thiết. Nhưng nếu không khéo thì chuyện sửa lỗi sẽ làm bầu khí gia đình nặng nề, chẳng những không hòa thuận được như trước mà còn tệ hại hơn, có khi tới mức hai người phải chia tay. Chẳng hạn người chồng gặp bạn bè uống rượu say bị vợ cằn nhằn, nói nặng lời, đồng thời tố cáo hết những tật xấu của chồng ra. Người chồng đang say xỉn không còn sáng suốt như bình thường, khi bị chạm tự ái liền nổi giận, xỉ vả lại, có thể còn bạo hành với vợ nữa. Nhiều trường hợp chỉ vì không chịu đựng những tật xấu nho nhỏ của nhau mà chuyện bé bị xé thành to, để rồi gia đình trở nên như hỏa ngục, cuối cùng hai vợ chồng phải đưa nhau ra tòa ly dị. Gia đình ly tán, cả hai đều bị thiệt hại lớn, nhưng tội nghiệp nhất là những đứa con còn nhỏ.

Trong xã hội cũng như trong gia đình, nhiều cá nhân cũng như tập thể có những sai trái cần phải sửa đổi để xã hội nên hoàn thiện hơn. Nhưng sửa đổi bằng cách mạt sát, chửi rủa, chụp mũ những người lầm lỗi chẳng những không làm cho xã hội trở nên tốt hơn, mà làm cho xã hội trở nên tồi tệ và suy yếu, vì làm cho sự chia rẽ, hận thù trong xã hội gia tăng. Một nhà chính trị nhân bản không bao giờ lại hành xử cách phi chính trị như vậy. Thiết tưởng nếu chưa nghĩ ra cách sửa sai khôn ngoan, không gây thiệt hại cho cá nhân hay tạo sứt mẻ tình đoàn kết trong xã hội, thì chưa nên sửa sai vội. Hãy chấp nhận nguyên trạng cho tới khi có cách giải quyết khôn ngoan nhất. Khá nhiều cộng đồng bị suy yếu do những khuyết điểm của các cá nhân hay đoàn thể trong đó thì ít, mà do cách sửa sai phản nhân bản, thiếu khôn ngoan của người khác thì nhiều.

b) Tính khác biệt

Nhìn vào vũ trụ, ta thấy sự vật hết sức đa dạng, nghĩa là có đủ loài đủ kiểu khác biệt nhau. Thế giới sẽ trở nên đơn điệu và buồn tẻ biết bao nếu thiếu sự đa dạng và khác biệt ấy. Thử tưởng tượng xem: nếu trên đời chỉ có một loài hoa duy nhất cho dù hết sức đẹp, hoa nào cũng giống «y» hệt hoa nào, thì chúng đâu thỏa mãn nhu cầu thích cái đẹp của con người như khi có hàng trăm ngàn loài hoa khác nhau như trong thế giới ta đang sống đây! Thế giới này sẽ ra sao nếu chỉ có một loài chim, một loại cá, hay tệ hơn, chỉ có một loài thú duy nhất? Thân thể của ta sẽ ra sao nếu chỉ là một khối thịt đồng nhất, không có những cơ quan khác biệt nhau?

Vũ trụ tuy đa dạng và đầy khác biệt về tính chất, nhưng vẫn có thể hài hòa, bổ túc cho nhau, ăn khớp với nhau. Sự khác biệt ấy vô cùng cần thiết để vũ trụ tốt đẹp, hài hòa, tương tự như một bộ máy phải có những bộ phận rất khác biệt nhau mới có thể chạy được. Không một bộ máy nào chạy được khi mọi chi tiết cấu thành nó đều hoàn toàn giống nhau.

Con người cũng vậy, thế giới con người cũng có đủ mọi chủng tộc, ngôn ngữ, nền văn hóa, tôn giáo, khuynh hướng... rất khác biệt nhau. Trong cùng một chủng tộc, một nền văn hóa, thậm chí trong cùng một gia đình, chẳng ai hoàn toàn giống ai: «bá nhân bá tính». Đó là điều hết sức tự nhiên. Sự khác biệt giữa người với người là một định luật tự nhiên và tất yếu.

Do đó, người có tính nhân bản luôn luôn ý thức rằng sự khác biệt giữa người với người là luật tự nhiên trong xã hội cũng như trong vũ trụ, đồng thời luôn luôn tôn trọng sự khác biệt ấy. Vi phạm hay đi ngược lại luật tự nhiên thường gây nên đau khổ và bất lợi cho mình, cho tha nhân, cho xã hội. Thật vậy, càng muốn loại trừ sự khác biệt, càng muốn thống nhất bằng cách ép người khác theo mình, giống mình, thì càng tạo nên chia rẽ và đau khổ. Vì nói chung, chẳng mấy ai thích hay chấp nhận bị ép buộc trở nên giống người khác cả.

Nhưng khổ nỗi nhu cầu của xã hội là phải thống nhất ý kiến. Chẳng hạn, một gia đình muốn mua một căn nhà, nhưng người chồng muốn mua nhà loại này, có những tính chất này, người vợ muốn mua nhà loại kia, có những tính chất kia, các con lại thích những căn nhà khác hẳn. Nếu đòi hỏi phải tôn trọng sự khác biệt thì làm sao thỏa mãn được những ước muốn khác nhau ấy? Chẳng lẽ mua ba bốn căn nhà khác nhau cho sở thích mỗi người thì làm sao đủ tiền? làm sao sống chung để giúp đỡ tương trợ nhau? Cái khó khi giải quyết là: được ý người này thì mất ý người kia.

Tình trạng «chín người mười ý» thách đố sự khôn khéo của các nhà chính trị nhân bản, vì họ vừa phải tôn trọng sự khác biệt giữa các cá nhân cũng như tập thể trong xã hội, vừa phải tìm được sự thống nhất thỏa đáng của các thành viên trong xã hội vốn có suy nghĩ hay chủ trương khác biệt nhau. Do sự phức tạp của vấn đề, nên việc giải quyết nhân bản sự khác biệt này sẽ được bàn thảo trong một bài xã luận khác.

Để kết luận

Làm chính trị đã khó, mà làm chính trị theo chiều hướng nhân bản còn khó hơn, vì phải tôn trọng bản tính tự nhiên của con người, mà trong bản tính tự nhiên của con người có rất nhiều yếu tố mâu thuẫn và xung đột lẫn nhau. Giải quyết những mâu thuẫn và xung đột ấy không phải chuyện dễ, nó đòi hỏi sự hiểu biết, nhạy bén, khôn ngoan, tinh tế, khả năng tính toán, nói chung là sự khôn khéo ở mức độ rất cao. Để dễ hiểu điều này, tôi xin đưa ra một vài minh họa.

Cách giải quyết các tình huống xã hội tương tự như một hàm số, trong đó «y» tượng trưng cho kết quả, còn «x» tượng trưng cho mức độ hành động của chủ thể giải quyết.

− Hàm số ấy có khi rất đơn giản, tương tự như dạng y=ax+b, trong đó trị số của «x» càng lớn thì trị số của «y» càng cao. Chẳng hạn như trong việc kiếm tiền thì càng làm việc nhiều thì càng được trả lương nhiều, càng có nhiều tiền.

− Nhưng thường thì phức tạp hơn, tương tự như dạng y=ax2+bx+c, trị số «y» chỉ tiến tới trị số cực đại hay cực tiểu ứng với một trị số nào đó của «x» mà thôi. Không phải «x» càng lớn thì «y» cũng càng lớn theo như hàm số bậc một ở trên. Muốn đạt được kếtc quả tốt nhất, thì chỉ nên phản ứng tới một mức độ nào đó, nếu vượt quá mức độ đó thì kết quả ắt giảm đi. Chẳng hạn khi làm việc cho một công ty khai thác quặng sắt tại Mỹ, kỹ sư Fréderick Winslow Taylor (1856-1915) đã thí nghiệm với các công nhân của ông như sau: Khi mới tới làm việc tại công ty, ông ghi nhận các công nhân đang dùng một loại sẻng mỗi lần xúc được 38 pound quặng, thì mỗi ngày xúc được 21 tấn quặng. Ông nhận thấy sẻng đó quá lớn so với sức lực của công nhân. Vì thế ông đã cho họ dùng một loại sẻng nhỏ hơn mỗi lần xúc được 21 pound thì lạ thay, số quặng xúc được mỗi ngày tăng lên thành 30 tấn. Sau ông lại cho công nhân dùng sẻng 18 pound thì năng xuất tăng lên tới 38 tấn/ngày. Ðó là hiệu suất tối đa có thể đạt được khi thay đổi các loại sẻng. Nếu tiếp tục làm xẻng nhỏ hơn, thì xẻng càng nhỏ, năng xuất càng giảm đi chứ không hề tăng lên như trước.

− Hai hàm số trên chỉ là hai hàm số đơn giản để minh họa cho một số tình huống đơn giản nhất mà các nhà chính trị nhân bản phải giải quyết. Trong thực tế, các tình huống không đơn giản như thế. Có những hàm số phức tạp hơn nhiều, như hàm số bậc ba, bậc bốn, hoặc những bậc cao hơn nữa, chẳng hạn như hàm số y=ax3+bx2+cx+d, hoặc y=ax4+bx3+cx2+dx+e, trong đó «y» có nhiều trị số cực đại hoặc cực tiểu khác nhau, ứng với nhiều trị số «x» thích hợp khác nhau. Những hàm số này nhằm minh họa những tình huống phức tạp nhưng có nhiều cách giải quyết khôn ngoan khác nhau và đạt được những hiệu quả tối đa khác nhau, mỗi hiệu quả chỉ ứng với một số phản ứng ở mức độ thích hợp khác nhau. Những cách phản ứng ngoài những cách phản ứng ấy thì đều không có kết quả cao.

Quả thật, làm chính trị đã khó, mà làm chính trị theo chiều hướng nhân bản còn khó hơn. Nhưng chỉ có những cách giải quyết biết tôn trọng bản tính tự nhiên và những nhu cầu tự nhiên của con người, nghĩa là có tính nhân bản, thì mới thật sự đem lại hạnh phúc cho con người và xã hội ở mức độ cao nhất có thể.

Nguyễn Chính Kết

No comments:

Post a Comment