Tính
nhân bản trong chính trị
Cổ nhân có câu: «Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong» (Thuận với Trời mới tồn
tại được, còn nghịch với Trời thì sẽ bị tiêu vong). Một trong những nghĩa căn
bản của chữ Thiên là «Tự Nhiên», là
lẽ tự nhiên, là sự hợp tình hợp lý. «Thuận
Thiên» (hay «Nghịch Thiên») là
phù hợp (hay không phù hợp) với lẽ tự nhiên, với bản tính Trời cho, hay với sự
hợp tình hợp lý.
Áp dụng tính «thuận Thiên» trong những hoạt
động của con người: Muốn thành công, muốn đem lại hạnh phúc cho con người
trong xã hội, chúng ta cần tuân thủ những gì phù hợp với bản tính hay bản chất
của con người, nghĩa là tôn trọng tính nhân
bản.
Trong đấu tranh hay trong lãnh vực chính
trị, muốn thành công và đem lại kết quả tốt đẹp cho xã hội, cho đất nước, chúng
ta cũng phải tôn trọng tính nhân bản.
Nhân bản là gì?
1/
Nhân là người, bản là gốc. Nhân bản là lấy con người làm gốc, nghĩa là ưu tiên
phục vụ con người, quan tâm tới quyền lợi và hạnh phúc của con người.
2/
Khi đã lấy con người làm gốc, thì mọi đường lối, chủ trương, hành động phải phù
hợp với bản tính con người.
Một
đường lối chính trị mang tính nhân bản là một đường lối không những ưu tiên
phục vụ con người, quan tâm tới quyền lợi và hạnh phúc của con người mà còn
phải phù hợp với bản tính của con người.
Bản tính con người thế nào?
a) Con người không phải là
thiên thần
Trên
trái đất này, con người là một sinh vật cao cấp nhất, hơn hẳn các động vật khác
và thực vật. Nhưng con người không phải là thiên thần. Con người luôn luôn
bị chi phối bởi những cặp khuynh hướng đối nghịch: hướng thiện hay hướng
thượng, và hướng ác hay hướng hạ, v.v...
Tự
bản chất, con người luôn luôn muốn những gì tốt đẹp, cao quý, hạnh phúc… đó là
chiều hướng thượng hay hướng thiện. Nhưng con người lại bị một lực khác ngay từ
trong nội tâm lôi kéo mình xuống, xui giục hay thúc đẩy con người làm điều ác,
điều xấu. Trong Kinh Thánh Tân Ước, tác giả thư Rôma đã phải than phiền về điều
này: «Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì
điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm»
(Roma 7,15). Tự nhiên thì tôi luôn luôn muốn làm điều tốt, điều thiện, và không
bao giờ muốn làm điều xấu, điều ác. Nhưng không hiểu sao có một lực gì đó trong
tôi cứ thúc đẩy tôi làm điều xấu, điều ác là điều mà tôi không hề muốn làm. Một
trong những tính chất của con người là như vậy!
Blaise
Pascale viết: «L’homme n’est ni ange ni
bête, et le malheur veut que qui veut faire l’ange fait la bête» (Con người không phải là thiên thần,
cũng không phải là thú vật, và khốn thay ai cứ muốn làm thiên thần thì lại trở
thành con thú). Chế độ cộng sản là một chế độ phi nhân bản khi đưa ra nguyên
tắc «làm theo khả năng, hưởng theo nhu
cầu» mà chỉ khi con người là thiên thần mới thực hiện nổi. Chính vì thế chế
độ cộng sản đã biến đời sống con người xuống đời sống thú vật.
Do
đó, người lãnh đạo một tập thể, một xã hội hay một đất nước, cần phải có phương
cách nào giúp con người gia tăng điều thiện và giảm thiểu điều ác.
b) Con người có thể sai
lầm
Một
tính chất khác của con người là tính «có
thể sai lầm». Cổ ngữ latinh có câu: «Errare
humanum est» (dịch thoáng: «sai lầm
là chuyện thường tình của con người»). Một người khôn ngoan luôn luôn nghĩ
mình có thể sai lầm và người khác cũng có thể sai lầm. Sai lầm thường dẫn đến
tai hại. Một chủ gia đình sai lầm thì có thể khiến gia đình ấy khổ hay đi
xuống. Một tỉnh trưởng sai lầm thì ảnh hưởng xấu đến cả tỉnh. Người lãnh đạo
một đất nước mà sai lầm thì gây tai hại cho cả một đất nước. Mà đã làm người
thì dù khôn ngoan đến đâu vẫn có thể sai lầm.
Do
đó, trong chính trị, muốn giảm bớt những quyết định sai lầm, người lãnh đạo một
đảng phái, nhất là một đất nước, cần luôn luôn ý thức rằng mình có thể sai lầm,
để luôn luôn suy xét kỹ lưỡng khi quyết định, nhất là luôn luôn biết tham khảo
và lắng nghe những ý kiến của những người cộng sự.
Khi
mình nhận ra bản tính người vốn «có thể
sai lầm» của chính mình thì mình sẽ dễ dàng thông cảm cho những sai lầm hay
lỗi phạm của người khác, nhờ đó ta có tính khoan dung, là một đức tính rất cần
thiết cho một người lãnh đạo để có thể cảm hóa người khác.
c) Con người dễ dàng thay
đổi
Sai
lầm thì mọi người không trừ ai đều có kinh nghiệm. Nhưng con người còn có tính
hay thay đổi, và đây là điều không phải ai cũng ý thức được. Suy nghĩ của con
người tuỳ thuộc rất nhiều yếu tố tạo thành và cũng tuỳ theo rất nhiều yếu tố mà
thay đổi. Thật vậy, khi tôi nghèo tôi suy nghĩ và hành xử thế này, nhưng khi
tôi giàu tôi lại suy nghĩ và hành xử thế khác. Nhiều điều khi nghèo tôi cho là
đúng, nhưng khi trở nên giàu tôi không cho là đúng nữa. Những điều khi nghèo
tôi cho là sai, nhưng khi giàu tôi lại cho là đúng. Vì thế cổ nhân ta có câu: «Giàu đổi bạn, sang đổi vợ».
Cũng
tương tự như thế, khi có quyền lực, địa vị trong tay, tôi không còn suy nghĩ
hoặc hành xử như khi tôi còn là một dân đen. Bây giờ là một dân oan, bị
cướp đất cướp nhà, bị tước đoạt hết tài sản, tôi than trách những kẻ có quyền
đã lạm dụng quyền lực gây bất công cho kẻ khác. Là nạn nhân của bất công, tôi
luôn luôn nghĩ: nếu nắm quyền lực trong tay, tôi sẽ dẹp hết bất công, và quyết không
gây bất công cho ai. Nhưng đến lúc tôi thật sự nắm quyền lực trong tay, tôi
quên hết tất cả những gì tôi quyết tâm lúc còn là dân oan, và nếu tôi không
phản tỉnh, rất có thể tôi cũng sẽ gây bất công cho người khác không khác gì
những người đang nắm quyền lực đã từng gây bất công cho tôi.
Do
đó, khi ý thức được bản tính dễ thay đổi của mình, người làm chính trị, nhất là
những người lãnh đạo đất nước, mới tìm cách hạn chế tất cả những thay đổi theo
chiều hướng xấu nơi mình và nơi người khác.
Các
chế độ dân chủ luôn luôn xác định nhiệm kỳ là 2, 3 hoặc 4 năm cho một chức vụ
nào đó, vì nhiều lý do, trong đó có lý do là con người có thể thay đổi từ tốt
thành xấu nhất là khi nắm quyền lực trong tay. Các chế độ độc tài hay chế độ
cộng sản chủ trương họ phải «muôn đời
trường trị» trên dân tộc của mình, là những chế độ phi nhân vì họ làm như
con người của họ không bao giờ thay đổi.
d) Con người thì đa dạng
Cổ
nhân nói: «Bá nhân bá tánh» (trăm
người trăm tánh khác nhau, chẳng ai giống ai). Trời sinh ra con người vốn như
vậy. Ngay như trong những đứa con ta sinh ra, được nuôi dưỡng và giáo dục y như
nhau, nhưng mỗi đứa mỗi tánh, mỗi đứa một khuynh hướng, một tài năng, một cách
suy nghĩ khác nhau. Có tìm cách cho chúng giống nhau cũng không được. Nếu là
một người trọng nhân bản, ta phải tôn trọng sự khác biệt ấy nơi con người, và
phải ứng xử sao cho phù hợp với sự đa dạng ấy.
Làm
chính trị, ta phải làm sao để có thể tạo được sự thống nhất, sự đoàn kết đồng
thời vẫn tôn trọng tính khác biệt ấy.
Các
nhà độc tài không tôn trọng tính đa dạng này. Do muốn thống nhất mọi người theo
một kiểu dáng duy nhất, họ sẵn sàng «kéo
cẳng vịt cho dài , thu giò hạc ngắn lại» khiến cả dân tộc phải điêu đứng
đau khổ.
oOo
Muốn
xây dựng xã hội tốt đẹp, cũng như muốn tương quan giữa mình với mọi người được
tốt đẹp, người ta phải đề cao những phẩm chất cao quý của con người, nhưng
không nên quên đi tính chất yếu đuối, hay sai lầm, tính hay thay đổi, sự đa
dạng hay những hạn chế khác của con người để đối xử cho phù hợp.
Hai khuynh hướng chính trị khác
nhau
Trong
thế giới, chúng ta thấy có những khuynh hướng chính trị khác nhau. Những khuynh
hướng nào tôn trọng tính nhân bản thì dễ dẫn đến thành công và đem lại tự do,
hạnh phúc cho xã hội và quốc gia. Ngược lại, những khuynh hướng phi nhân bản
thường đem lại thất bại và gây đau khổ cho người dân.
Những
quốc gia đặt nặng tính nhân bản là những quốc gia theo thể chế dân chủ như Hoa
Kỳ, Canada, nhiều nước Âu Châu như Pháp, Đức, v.v… VNCH trước đây cũng là một
nước dân chủ.
Đặc
tính của dân chủ thì tôn trọng tính khác biệt và đa dạng của con
người, cho phép con người được suy nghĩ khác nhau, hành động khác nhau, miễn là
không làm hại đến người khác hoặc gây bất lợi cho xã hội hay tập thể. Vì thế,
quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận được tôn trọng. Để thống nhất một đường
lối chung, các nước dân chủ thường dùng lá phiếu bầu cử để biết được ý kiến của
đa số. Ý kiến của đa số sẽ là ý kiến chung của cả tập thể mà thiểu số phải
theo. Phe thiểu số được quyền trở thành phe đối lập, có nhiệm vụ kiểm soát việc
làm của phe đa số.
Trái
lại với dân chủ là độc tài. Các chế độ độc tài không tôn trọng tính nhân bản,
chẳng hạn không tôn trọng tính đa dạng và sự khác biệt giữa người với người.
Trong chế độ độc tài, kẻ nắm quyền hay cướp được chính quyền ép buộc tất cả mọi
người phải tuân theo ý muốn hay đường lối của mình, ai suy nghĩ hay hành động
khác với mình, không theo ý của mình thì bị tiêu diệt.
Con
người không phải là thiên thần, nên luôn luôn có thể sai lầm, yếu đuối, kể cả
những người lãnh đạo đất nước đức độ tài ba nhất. Vì thế, để hạn chế những sai
phạm của người dân cũng như của các quan chức cai trị dân, các quốc gia dân chủ
đặt nặng vấn đề luật pháp. Luật pháp
phải hết sức hợp lý, thể hiện sự khôn ngoan cũng như tính nhân bản, đồng thời
phải có tính nghiêm minh, nghĩa là phải được tất cả mọi người triệt để tôn
trọng không trừ ai, từ người dân thấp kém nhất đến những người nắm quyền cao
nhất đất nước. Tất cả mọi người đều phải tuân theo pháp luật, không ai được
đứng trên pháp luật. Ai vi phạm pháp luật, dù là người có quyền lực cao nhất
nước, cũng đều bị xử phạt theo pháp luật. Đó là tính pháp trị hay tính «thượng
tôn pháp luật» trong những nước tự do dân chủ.
Tính
pháp trị nghiêm minh khiến cho một vị lãnh đạo đất nước dù có bất tài thất đức,
hay có muốn lạm dụng quyền lực để làm bậy cũng không thể gây thiệt hại nghiêm
trọng cho đất nước. Vì luôn luôn có một quyền lực cao hơn giám sát và xử lý
người ấy qua những cơ quan quyền lực khác.
Một
tính chất khác của con người đó là: bất kỳ ai nắm quyền đều bị
cám dỗ lạm dụng quyền lực của mình. Thật vậy, bất cứ ở đâu có quyền lực
thì ở đấy dễ xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy
thuộc về ai. Để hạn chế những bất lợi do tính yếu đuối này của con người, các
quốc gia dân chủ chủ trương phân quyền (separation of powers) và
kiểm
soát lẫn nhau (checks and balances). Quyền lực chính được chia làm 3
ngành: lập pháp, hành pháp và tư pháp, gọi là «tam quyền phân lập», do
ba hệ thống quyền lực độc lập nhau phụ trách. Ba hệ thống này kiểm soát và hạn
chế lẫn nhau. Nhờ vậy, không hệ thống nào có thể lạm quyền để gây hại nghiêm
trọng cho quốc gia. Bất kỳ một kẻ lạm quyền trong một hệ thống nào đều có thể
bị phát giác và bị pháp luật xử lý. Người cùng một hệ thống quyền lực không thể
bao che tội lỗi cho nhau. Và mọi chức vụ đều có nhiệm kỳ nhất định để
người dân có thể bầu một người khác xứng đáng hay tài đức hơn thay thế người
đương nhiệm nếu người này không còn phù hợp.
Trái lại, những quốc gia độc tài như CSVN
hay Trung cộng thì cả ba quyền trên đều do đảng cộng sản độc quyền chi phối,
nên tình trạng lạm quyền trong các chế độ độc tài luôn luôn trở nên nghiêm
trọng. Những kẻ nắm quyền lực có quyền đứng trên luật pháp, tha hồ vi phạm luật
pháp và bao che lẫn nhau mà không hề bị xét xử. Trái lại, họ có thể lạm dụng
quyền lực để bắt bớ, kết án người vô tội khi những người này làm điều gì có hại
cho họ. Điều này khiến đất nước, quyền lợi chung và người dân bị thiệt hại vô
kể, và bất công tràn lan trong cả nước.
***
Nói chung, người làm chính trị trong xã
hội loài người, muốn thành công, muốn thật sự đem lại trật tự, sự ổn định và
hạnh phúc cho xã hội, cho người dân trong nước, cần phải tôn trọng tính nhân bản
trong đường lối và cách hành xử của mình. So sánh các thể chế khác nhau trên
thế giới, ta thấy các quốc gia dân chủ là những quốc gia biết tôn trọng tính
nhân bản nên có đường lối trị dân sáng suốt, đem lại sự thịnh vương, thoải mái
cho toàn dân. Còn những quốc gia theo thể chế độc tài là những quốc gia theo
đường lối cai trị phi nhân, không tôn trọng và hành xử phù hợp bản chất của con
người nên thường làm người dân bị khốn khổ, và làm cho cả đất nước tụt hậu
nhiều mặt. Có thể nói: sự khác biệt căn bản giữa dân chủ và độc tài nằm ở chỗ
có tôn trọng tính nhân bản của con người hay kh.
Thiết tưởng những người đang đấu tranh
cho tự do dân chủ, nếu muốn xây dựng một đất nước tự do hạnh phúc thật sự, cần
phải thực tập tính nhân bản ngay trong cuộc sống cũng như trong mọi cách hành
xử của mình.
Nguyễn
Chính Kết
No comments:
Post a Comment