Saturday, August 8, 2020

Nhân bản và Dân chủ, Nhân quyền

 

Nhân bản
và Dân chủ - Nhân quyền

Nhân bản là lấy con người và hạnh phúc của con người làm gốc. Theo quan điểm của đại đa số nhân loại, con người chỉ được hạnh phúc khi mình muốn gì được nấy, khi mọi sự xảy ra đều như ý mình muốn. Chính vì thế, vào những ngày tết, người ta thường chúc cho nhau được «vạn sự như ý».

Lời chúc «vạn sự như ý»

Lời chúc này may ra chỉ có thể trở thành hiện thực khi người ta sống một mình, còn khi sống với người khác, cho dù với vợ hay chồng mình, hay với người hợp tính với mình nhất chẳng hạn, thì không thể người này được «vạn sự như ý» mà người kia không bao giờ bị phật ý. Vì vô số trường hợp thường xảy ra là hễ thuận ý người này thì lại nghịch ý người kia. Biết bao trường hợp gia đình bị tan nát, hai vợ chồng phải đi đến chỗ ly dị, không thể sống chung với nhau được chỉ vì ý muốn của họ thường xuyên khác biệt nhau. Khi cùng xem tivi, chồng muốn nghe nhạc, nhưng vợ lại muốn coi kịch, hay để giải quyết một vấn đề, chồng muốn cách này, nhưng vợ muốn cách khác, v.v... Không biết chiều ý nhau, không biết hy sinh ý riêng mình, mà cứ muốn áp đặt, bắt người khác phải nghĩ, phải nói, phải làm theo ý mình, thì bản thân mình được như ý, được hạnh phúc, nhưng người kia thì phải bực mình khó chịu. Chỉ hai người sống chung với nhau mà việc cả hai đều được «vạn sự như ý» đã khó thực hiện, huống hồ khi có hàng ngàn, hàng triệu người cùng chung sống trong một xã hội, một quốc gia thì khó biết chừng nào!?

Do đó, «vạn sự như ý», xét cho cùng chỉ là lời chúc cho vui chứ không thực tế. Thậm chí lời chúc ấy có thể có hại cho đời sống chung xã hội, vì nó có khuynh hướng làm ta chỉ muốn mọi người phải chiều theo ý mình, và cho rằng chỉ khi được như vậy thì mới là hạnh phúc. Người có tâm thức muốn vạn sự phải được như ý mình, dễ trở thành những người độc tài. Những người lãnh đạo mà có tâm thức này thì họ sẽ phải là những nhà độc tài. Nếu một dân tộc mà đa số có tâm thức muốn «vạn sự phải được như ý», nghĩa là có tâm thức độc tài, thì chắc chắn chính quyền do họ lập hay bầu lên phải là một chính quyền độc tài. Người Mỹ có câu: «such people, such government» (dân nào chính phủ nấy), thật đúng, vì chính phủ là từ dân mà ra chứ không từ đâu khác: nếu dân có tâm tính độc tài, thì chính phủ làm sao có được tâm tính dân chủ?

Quan niệm cho rằng «vạn sự như ý» mới là hạnh phúc, không chỉ có hại trong đời sống xã hội, mà có hại cả trong đời sống tâm linh. Thật vậy, với quan niệm này, khi cầu nguyện, ta chỉ muốn Thượng Đế hay thần thánh nào đó chiều theo ý ta, chứ ta không quan tâm tới điều mà Thượng Đế muốn nơi ta, là điều mà đúng ra ta phải thật sự quan tâm. Quan niệm đó khiến ta dễ dàng trở nên ích kỷ (selfish), quy kỷ (egocentric), coi mình là tâm điểm của vũ trụ vạn vật… lúc nào cũng chỉ nghĩ đến điều mình muốn, mà không quan tâm đến điều người khác muốn.

Nhân bản và dân chủ trong xã hội

Con người không thể sống một mình mà hạnh phúc được, nhưng có nhu cầu phải sống với người khác để lập thành gia đình, làng xã, phường khóm, hoặc thành một dân tộc, một quốc gia, v.v... Nói chung, con người phải sống thành xã hội. Nói cách khác, thuộc tính quan trọng của nhân bản là tính xã hội.

Như đã nói trên, con người ai cũng muốn «vạn sự như ý», đồng thời ai cũng có nhu cầu sống với người khác. Nhưng sống với người khác thì không thể «vạn sự như ý» được. Nếu sống với người khác mà ta cứ ép họ phải chiều theo ý muốn của mình, thì họ sẽ hết sức bực bội, khó chịu. Còn nếu ta cứ bị họ ép buộc ta phải làm theo ý của họ, thì ta sẽ phải đối diện với tình trạng «vạn sự bất như ý», và ta sẽ cảm thấy bất hạnh, đau khổ.

Vậy, trong xã hội hay trong một đất nước, làm cho mọi người được «vạn sự như ý» để mọi người được hạnh phúc là chuyện không tưởng. Thật vậy, con người trong xã hội thì «bá nhân bá tánh», «chín người mười ý», người này được vừa ý và hạnh phúc thì có người không vừa ý và đau khổ. Vậy thì làm sao để con người trong xã hội được hạnh phúc? Đó là một nan đề xã hội mà biết bao nhà xã hội học đã tìm cách giải quyết. Nhưng cho tới nay, chưa ai có được cách giải quyết giúp tất cả mọi người trong xã hội không trừ ai đều được vừa ý. Thế giới chỉ có được những phương cách tương đối tốt nhất so với những phương cách dở hơn mà thôi. Tốt nhất chỉ có nghĩa là so với những phương cách khác, thì phương cách này giúp cho nhiều người hơn cả được như ý hay hạnh phúc, chứ không thể làm cho mọi người đều như ý được.

Thật vậy, nếu không thể thực hiện được lý tưởng là giúp cho mọi người đều được như ý, thì giải pháp nào giúp cho nhiều người được ưng ý nhất thì đó là giải pháp tốt nhất. Và dẫu sao cũng đành phải chấp nhận là có một thiểu số nào đó không vừa ý. Điều này thật dễ hiểu tương tự như khi có ai đó cho ta một số tiền lấy từ một ngân quỹ, ta muốn lấy bao nhiêu tuỳ ý, miễn là không được lấy hết toàn bộ ngân quỹ, thì người khôn sẽ lấy ở mức tối đa có thể. Coi ý muốn của đa số trọng hơn của thiểu số chính là nguyên lý của thuyết dân chủ mà những người theo lý tưởng nhân bản chấp nhận được. Đó là làm sao để số người được ưng ý và hạnh phúc nhiều nhất có thể, và tìm cách giảm thiểu thiệt hại cho thiểu số còn lại. Chính vì thế, người nhân bản luôn luôn ủng hộ cho thuyết dân chủ.

Ngược lại, giải pháp nào chỉ giúp cho thiểu số được ưng ý còn đa số phải chấp nhận bất ưng ý thì đó là một giải pháp dở, nếu không nói là dại dột. Tương tự như khi được chọn một trong hai mối lợi, một lớn một nhỏ, mà ta lại chọn mối lợi nhỏ thì thật là dại. Xét về mặt xã hội học, thì đây là một giải pháp dở, vì nó chỉ đem lại sự ưng ý hay hạnh phúc cho một thiểu số, và bắt đa số phải hy sinh và chịu thiệt cho cái thiểu số kia. Tuy nhiên, đây chính là phương cách mà những kẻ có khuynh hướng độc tài chủ trương. Họ là những người ham thích quyền bính, và muốn lạm dụng quyền bính ấy để ép buộc người khác phải chiều theo ý muốn hay chủ trương của họ. Theo cách này thì chỉ nhóm thiểu số của họ tức những kẻ nắm được quyền bính là có lợi, còn đa số phải chấp nhận chịu thiệt để họ có lợi.

Đó là xét về mặt ý chí, nghĩa là về nguyện vọng và ý muốn của mọi người trong tập thể. Các tôn giáo, các tổ chức nhân quyền, và pháp luật của đa số các quốc gia trên thế giới coi mọi người có mặt trên trần gian này đều bình đẳng với nhau. Do đó, tính nhân bản đòi buộc phải coi trọng và tìm cách thỏa mãn nguyện vọng và ý muốn của càng nhiều người càng tốt, đồng thời cũng phải tìm cách giảm đến mức tối thiểu sự thiệt hại của nhóm thiểu số không được ưng ý. Đó cũng là chủ trương của các chế độ dân chủ trên thế giới.

Nhưng nếu xét về sự khôn ngoan sáng suốt thì rõ ràng có sự bất bình đẳng. Thật vậy, trí tuệ, kiến thức, khả năng suy nghĩ, tầm nhìn, cũng như đạo đức của mọi người trong một tập thể hay xã hội, hiển nhiên là có sự chênh lệch với nhiều mức độ khác nhau. Những người có khả năng suy nghĩ sáng suốt, trầm tĩnh, biết nhìn xa trông rộng, hầu như luôn luôn là thiểu số. Do đó, để có được những quyết định khôn ngoan và sáng suốt, nhất là trong những trường hợp quan trọng liên quan đến vận mệnh, sự sống còn, sự phát triển, quyền lợi hay nguyện vọng chung của cả xã hội, của đất nước, thì việc lấy ý kiến của đa số làm quyết định chung của cả tập thể không hẳn là khôn ngoan. Tương tự như trong một gia đình đông con và con cái trong nhà còn nhỏ, thì cha mẹ hiểu biết và nhìn xa trông rộng hơn con cái rất nhiều. Nếu quyết định chung của cả nhà dựa theo ý kiến của đa số như nguyên tắc dân chủ đòi buộc thì chắc chắn những ý kiến non nớt và thiển cận của con cái sẽ thắng ý kiến khôn ngoan của cha mẹ. Điều này cho thấy nguyên tắc dân chủ coi ý kiến của đa số trọng hơn của thiểu số không phải lúc nào cũng đem lại những kết quả phù hợp với nguyện vọng, ước muốn hay quyền lợi chung của cả xã hội..

Nguyên tắc dân chủ cũng có những khiếm khuyết và hạn chế của nó. Tuy nhiên, những người đã từng kinh qua nhiều chế độ trên thế giới và hiện đang sống trong một thể chế dân chủ như tại Hoa KỳCanada, Pháp, Úc, v.v... đều thấy chế độ dân chủ là chế độ tương đối tốt nhất. Tốt nhất không có nghĩa là nó luôn luôn tốt trong mọi trường hợp. Trong bài phát biểu của Thủ tướng Winston Churchill tại Hạ viện Anh, ông cho rằng trong số những thể chế chính trị mà nhân loại đã từng áp dụng thì dân chủ là thể chế tốt nhất (xem chú thích *1).

(*1) Nguyên văn câu nói hóm hỉnh của Thủ tướng nước Anh Winston Churchill trong bài diễn văn tại Hạ viện Anh ngày 11-11-1947 như sau: «Democracy is the worst form of government except for all those others that have been tried» (tạm dịch là «Không kể những hình thức cai trị đã được thử nghiệm thì dân chủ là hình thức tồi tệ nhất»). Xin đặc biệt lưu ý chữ «Except / Không kể» trong câu trên. Kiểu nói chơi chữ của Churchill cũng tương tự như câu của thầy giáo trong một lớp học nói: «Không kể các học sinh đang học với tôi đây, thì tôi là người dốt nát nhất trong lớp học này». Câu của Churchill có thể quảng diễn thành: nếu không so sánh với những hình thức cai trị đã được thử nghiệm, mà chỉ so sánh những hình thức cai trị tốt hơn mà nhân loại chưa phát minh ra, thì dân chủ mới là «hình thức tồi tệ nhất»; còn nếu so sánh với những hình thức cai trị đã được thử nghiệm trên thế giới, thì dân chủ là hình thức tốt nhất. 

Điều đó có nghĩa là thể chế dân chủ không phải là thể chế không có khuyết điểm. Nó có nhiều mặt tốt hơn hẳn các chế độ độc tài hay phong kiến, nhưng nó vẫn có những hạn chế của nó. Do đó, bổn phận của các nhà xã hội học và nhân bản học là phải suy nghĩ để tìm ra cách cải thiện những gì còn khiếm khuyết trong các thể thế dân chủ đang hiện hành, hoặc sáng kiến ra những hình thái cai trị tốt đẹp hơn thể chế dân chủ. Chắc chắn đó không phải là những chế độ phong kiến, độc tài, quân phiệt mà nhân loại đã phải trải qua một cách khốn khổ trong quá khứ. Thông thường, các nhà độc tài thường nêu lên những khuyết điểm của thể chế dân chủ để biện minh cho thể chế độc tài họ đang áp dụng mà không hề đề cập đến vô số khuyết điểm của thể chế ấy.

Để có được một quyết định sáng suốt khi áp dụng phương cách phổ thông đầu phiếu theo hướng dân chủ, trong đó mọi người đều có quyền góp ý qua lá phiếu, có những tập thể dành cho những thành viên mà tập thể công nhận là khôn ngoan, sáng suốt hơn người, được sử dụng nhiều lá phiếu hơn người bình thường. Chẳng hạn họ được sử dụng 2 đến 5 lá phiếu, trong khi người bình thường chỉ sử dụng một lá phiếu. Tuy nhiên, vấn đề là ai có quyền đánh giá mức độ khôn ngoan hiểu biết của những người này và ai có quyền quyết định cho họ được sử dụng bao nhiêu lá phiếu... Phương cách này có thể dễ dàng áp dụng không trở ngại trong những tập thể nhỏ, nhưng khó có thể áp dụng cho những tập thể lớn như quốc gia, v.v...

Nhân bản và Nhân quyền

Yếu tố hay giá trị quan trọng nhất đối với hạnh phúc của con người, đó là được sống tự do, thoải mái. Bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine «Chó rừng và chó giữ nhà» (Le Loup et le Chien / The Wolf and the Dog) (*2) phần nào nói lên điều ấy. Kinh nghiệm của những người Việt Nam tị nạn cộng sản là họ thà từ bỏ nhà cửa sang trọng hay ruộng vườn thẳng cánh cò bay để vượt biên tìm tự do, thà chấp nhận chết ngoài biển hay trong rừng sâu để thoát khỏi cái đất nước do cộng sản cai trị, hơn là được sống nơi quê cha đất tổ nhưng trong cảnh «chim lồng, cá chậu» của chế độ độc tài cộng sản. Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ có câu: «Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền bất khả xâm phạm; trong đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc» (All men are created equal. They are endowed by their Creator with certain inalienable rights, among these are Life, Liberty, and the pursuit of Happiness). Câu ấy nói lên những yếu tố quan trọng nhất để con người có thể sống hạnh phúc, đó là những quyền căn bản của con người, gồm «quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc».

(*2) Bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine:

− Nguyên văn tiếng Pháp: «Le Loup et le Chien»:  (http://www.lesfables.fr/livre-1/le-loup-et-le-chien)

− Bản dịch tiếng Việt: «Chó rừng và chó giữ nhà»: (http://poem.tkaraoke.com/16592/Cho_Rung_Va_Cho_Giu_Nha.html)

− Bản dịch tiếng Anh: «The Wolf and the Dog»: (http://oaks.nvg.org/fonta1.html#wolfdog)

Nhân bản là lấy nhân phẩm và hạnh phúc của con người làm gốc. Mà nhân phẩm và hạnh phúc của con người chỉ thực hiện được khi các quyền nói trên của con người được xã hội tôn trọng. Do đó, tất cả những nhà chính trị nhân bản và những đảng phái chính trị chủ trương nhân bản chẳng những tôn trọng các quyền của con người mà còn ra sức bảo vệ, cổ võ, giúp mọi người hiểu rõ những nhân quyền của mình, đồng thời sẵn sàng tranh đấu đòi buộc những kẻ nắm quyền lực phải tôn trọng những nhân quyền ấy.

***

Tóm lại, các chính quyền, các đảng phái chính trị, các nhà chính trị theo chủ trương nhân bản luôn luôn quan tâm đến con người và quyết tâm tạo hạnh phúc cho mọi người trong xã hội. Mà con người chỉ được hạnh phúc khi các quyền con người của họ được tôn trọng và không bị xâm phạm hay chà đạp, đồng thời những nguyện vọng hay ước muốn của họ được thỏa mãn.

Chúng ta đang sống trong một thế giới tương đối, đương nhiên không một chính quyền hay đảng phái cầm quyền nào có thể làm cho tất cả mọi người đều được ưng ý, vì «chín người mười ý». Hễ người này vừa ý thì có kẻ không vừa ý, nói cách khác, được ý người này thì mất ý người kia. Nếu không thỏa mãn được ý muốn của tất cả mỗi người, thì tính nhân bản đòi buộc ta phải làm sao để số người được ưng ý và hạnh phúc nhiều tối đa có thể. Đó là nguyên lý của dân chủ.

Cho dù luôn luôn tôn trọng và đề cao dân chủ, nhưng những nhà chính trị nhân bản vẫn luôn luôn ý thức sự hạn chế của nguyên lý dân chủ lấy «đa số hơn thiểu số». Khi cần có những quyết định khôn ngoan để có thể thỏa mãn được nguyện vọng và ý muốn của đa số, thì ta vẫn phải quan tâm tới ý kiến của những người hiểu biết có tầm nhìn xa trông rộng, dù số người này chỉ là một thiểu số trong xã hội.

Nguyễn Chính Kết


No comments:

Post a Comment