Đi
tìm sự thật lịch sử về vua Gia Long
Thụy Khuê
Một ngày mùa xuân năm 2014, tôi lên khu La Tinh, vào
hàng sách quen, xuống hầm tìm sách cũ, tình cờ thấy một bộ sách quý, nhưng có
lẽ không ai để ý, và cũng không có người mua, nên họ bán son. Như kẻ bắt được
vàng, tôi mua ngay. Đó là bộ sách đồ sộ: Histoire de la Mission de Cochinchine
1658-1823 (Lịch sử truyền giáo ở Nam Hà 1658-1823) gồm 4 cuốn, do linh mục
Andrien Launay sưu tập những thư từ của các giáo sĩ đến truyền đạo ở nước ta
(và một phần nhỏ về Miên, Lào), gửi về cho các vị lãnh đạo của họ trụ trì tại
tu viện Macao, là chi nhánh của Hội Thừa Sai Roma, trong hai thế kỷ.
Tôi nghĩ trong bộ sách này, tất phải có thư của Bá Đa
Lộc (Pigneau de Béhaine). Quả đúng như vậy, thư của Bá Đa Lộc giữ một phần quan
trọng. Dĩ nhiên có những thư ông viết bằng tiếng La tinh, tôi không đọc được,
nhưng phần lớn còn lại là tiếng Pháp.
Những lá thư này, mở ra cho tôi một chân trời mới,
một sự thật văn bản mà những điều đã viết trước đây về Bá Đa Lộc không có, thậm
chí những gì tôi đọc được, hoàn toàn trái ngược với những lời Bá Đa Lộc viết
trong những thư báo cáo với các vị thừa sai cấp trên ở Macao và Roma trong tập
sách này. Câu chuyện dài dòng lắm, ở đây
tôi chỉ xin kể vài nét chính. Ví dụ, Bá Đa Lộc cho biết: Ông đi tầu với Hoàng
tử Cảnh về Nam Hà tay không, không có một thứ khí giới nào, để giúp nhà vua và
sau đó cũng không có tầu bè khí giới nào, được ông vận động đến Việt Nam giúp
vua Gia Long -lúc đó còn là Nguyễn Ánh- cả. Rồi ông mô tả những khó khăn của
ông trong triều, bị sự chống đối của các bà hoàng, mẹ, vợ, vua, vì việc Hoàng
tử không chịu cúng lễ tổ tiên, mà ông gọi là «lạy xác chết»... Ông gặp khó khăn với các quan đại thần, can vua
không để cho Hoàng tử gần cận ông nữa... Bá Đa Lộc đã có định bỏ đi, và đã thật
sự chuẩn bị trốn, khi vua Quang Trung sắp đánh vào
Tóm lại, lịch sử đời Bá Đa Lộc do chính ông ghi lại
trong những bức thư này là lịch sử của một người gặp khó khăn và thất bại,
trong những mưu toan của mình, nhiều lúc phải lẩn trốn... khác hẳn với lịch sử
vinh quang của Đức Bá Đa Lộc trong cuốn Monseigneur Pigneau de Béhaine évêque
d'Adran (Đức Giám Mục Bá Đa Lộc) của Alexis Faure in năm 1891, được coi là cuốn
sách mẫu mực cho những người viết sử, trong đó Bá Đa Lộc được tôn vinh có vai
trò «lập quốc» bên cạnh Gia Long,
công ông sánh ngang công lao của Richelieu bên cạnh Louis XIII: Bá Đa Lộc đã
cứu sống Gia Long lúc trẻ, đã đem Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, và đã được
Louis XVI chấp thuận đưa quân về giúp... Rồi Bá Đa Lộc giữ địa vị «tướng quốc» chủ trương mọi việc về chính
trị cũng như quân sự, ông đã đưa những «sĩ
quan» Pháp về giúp vua huấn luyện và thành lập quân đội, xây dựng thành đài,
chiến thắng Tây sơn... không có việc gì là không có tay ông nhúng vào.
Những trang thư trong bộ sưu tập của Launay, khiến
tôi mở mắt ra lần đầu, cũng là lần đầu tiên tôi thấy le lói một thứ ánh sáng,
có thể giúp tôi tìm thấy sự thực lịch sử, mà tôi mong mỏi từ thời trẻ. Khi được
vào trường trung học Gia Long, tôi có hai mặc cảm đối lập: thứ nhất, kiêu hãnh
vì được học trường nữ học lớn nhất miền
Năm 1962, khi sang Pháp du học, tôi đã gặp biết bao
cảnh ngộ vui buồn. Nhưng đáng kể nhất là những ngày ở trường, thày dạy và bạn
bè đối xử rất tốt. Chính họ đã xoá hẳn ác cảm đối với người Pháp thực dân, mà
tôi đã tiếp nhận qua sách vở. Tôi biết ơn bà thày lý hoá, bỏ bữa ăn trưa để kèm
ba đứa học trò Việt mới sang, chưa thạo tiếng Pháp; tôi biết ơn những đứa bạn đã
tận tình ghi «cua» giúp, trong những
ngày tháng đầu tiên, vì tiếng Pháp i-tờ của tôi. Một đứa đưa tôi về nhà ăn
Noël, trong không khí gia đình đầm ấm, tựa như người mình ăn Tết. Ai cũng tử tế
và săn sóc tôi, nhất là bà nó, bà cụ coi tôi như cháu cụ, không phân biệt gì
cả. Không khí trọn vẹn hạnh phúc, nếu như cả nhà không gọi tôi một cách âu yếm
là «la petite indochinoise». Tôi
không dám sửa lời người lớn, chỉ nói với con bạn: «Tao là người Việt, không phải người Đông dương». Nó cười xuề xoà: «Nhằm nhò gì ba cái vặt vãnh, mày là người gì
cũng thế, tao biết là được rồi!»
Trong cảnh được thương yêu chiều chuộng đó, tôi nhận
thấy ý nghiã của cái nhìn: bà và mẹ nó luôn luôn nhìn tôi với ánh mắt yêu thương
rất mực, nhưng không chỉ yêu thương, mà còn có thêm một chút gì như thương hại,
nhất là khi họ chép miệng nói với những người hàng xóm: «Tội nghiệp con bé Đông Dương!» Mấy lời ngắn gọn ấy dường như bao
hàm ý nghiã: «Tội nghiệp con bé chưa được
là người như chúng ta, nó là người Đông dương. Người Đông dương là một thứ dưới
người».
Ánh mắt thương hại của bà cụ, ân nhân đầu tiên trong
cuộc đời du học, đã thấm vào tôi, khiến tôi chấp nhận «mặc cảm Đông dương» trong suốt quãng đời tiếp nối, cho đến khi đọc được
những lời do chính Bá Đa Lộc viết, năm 2014, in trong tập sách vừa mua. Những lời này đã giải toả trong óc tôi, «tội cõng rắn cắn gà nhà» của vua Gia
Long, mà tôi đã bị đầu độc, ngay từ khi ra đời, giúp tôi có đủ bằng chứng, để
trở lại con người tự do, không mặc cảm, bởi vì, bây giờ tôi biết rằng triều đại
cuối cùng của nước tôi, là một triều đại rực rỡ, đã được xây dựng hoàn toàn
trên hai tay của một thiếu niên anh hùng: Nguyễn Ánh.
1773, Tây Sơn khởi nghiệp ở Bình Định, thừa dịp này
chúa Trịnh Sâm đem quân đánh chúa Nguyễn, 1775, Hoàng Ngũ Phúc chiếm Huế. 13
tuổi (1775), Nguyễn Ánh chạy cùng với Định Vương Nguyễn Phước Thuần vào Gia Định,
trong một đất nước loạn lạc lầm than, năm bè, bẩy mối. Năm 15 tuổi (1777), hai
chúa Nguyễn cuối cùng, Định Vương và Tân Chính Vương bị sát hại, một mình
Nguyễn Ánh chạy thoát. Năm 16 tuổi (1778) Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định, các tướng
tôn làm Đại Nguyên Soái. Hơn hai mươi năm sau, Nguyễn Vương thống nhất nước
Nam, tạo nền móng cho một quốc gia hùng mạnh vào bậc nhất trong vùng Đông Nam
Á, mà con ông, Minh Mạng sẽ hoàn thành sứ mạng. Ngày 31-5-1802, Nguyễn Vương
lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Gia Long.
Nhưng năm 1962, tôi chưa suy nghĩ sâu xa về những điều
ấy, lúc đó tôi chỉ cảm thấy trong tình thương bao la của người bà đứa bạn tốt,
một bà cụ nhà quê vùng Ardennes tuyết trắng buốt giá, miền bắc nước Pháp, có
trong tia mắt đầy từ tâm, lửa ấm, một ánh thương hại hướng về đứa con gái «anh-đô-si-noa» bạc phước. Ánh mắt bà cụ
với lòng trắc ẩn, khiến tôi không sao quên được, bởi vì nó không đến từ sự độc
ác, hận thù, mà đến từ tình thương, từ lòng tốt của con người. Nhưng cũng chính
nó đã thành thực cho tôi biết «giá trị»
của những người Việt như tôi đối với người Pháp thời ấy. Và trong bao nhiêu năm,
vì ánh mắt ấy, tôi đã chấp nhận số phận «anh-đô-si-noa»,
như một thân phận yếu kém, dưới người, không bao giờ có thể ngoi lên để trở
thành một người như người Pháp, như con Marie-France, bạn tôi, cháu bà cụ.
Mặc cảm này chôn sâu trong lòng tôi, nhiều năm sau. Đến
khi có con, rồi có cháu, tôi mới nhận thấy không có nấc thang cách biệt nào
giữa người và người, giữa các loại người, các màu da, giữa các dân tộc, chủng
tộc. Nhận thức này không thông qua lý thuyết, sách vở, hay các bản tuyên ngôn
nhân quyền, mà nhờ sự quan sát tư chất con người qua chính con, cháu mình. Sau
nhiều năm viết phê bình và nghiên cứu, có những chủ đề dẫn tôi sang địa hạt
lịch sử, lại càng nghiệm thấy, những sự khác biệt này là do đầu óc con người
gây ra.
Sự thắc mắc đầu tiên của tôi là tại sao, tất cả các
sử gia Việt Nam mà tôi đọc được từ nhỏ đến giờ đều đồng lòng «kết án» các vua nhà Nguyễn: Gia Long,
Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã «giết đạo»
và «bế quan toả cảng», không cho linh
mục vào giảng đạo và người Âu vào «buôn
bán» nên mới bị người Pháp «trừng trị»,
đem quân vào đánh. Chính những trang sử do người Việt viết, đã bầy ra những «sự thể» này, khiến tất cả người Việt đọc
sử nước mình đều phải nhập tâm: mình mất nước là lỗi tại mình, lỗi tại nhà
Nguyễn. Không thể trách ai được.
Sau khi đã thu thập những tài liệu đáng kể, để có thể
phản bác lại những lập luận trên đây trong sử Việt, mà tôi được học từ nhỏ, tôi
quyết định viết cuốn Vua Gia Long và người Pháp. Lúc đó là năm 2014, thấy ít ai
có thể hiểu mình, ngoài giáo sư Nguyễn Văn Trung. Ông ở
Giáo sư Nguyễn Văn Trung dặn dò: «Phải cẩn thận lắm, vì đụng tới Cadière là đụng
vào cả một nền kinh viện nghiên cứu được mọi người thừa nhận và có nhà dòng hậu
thuẫn cả trăm năm rồi».
Càng đi sâu vào tài liệu, tôi càng thấy rõ thâm ý của
hai vị học giả và sử gia này: Những điều mà đầu thế kỷ XIX, Bissachère và
Sainte-Croix, là hai người Pháp sang Việt Nam đầu tiên viết hồi ký để lại, lấy
sự bôi nhọ lịch sử nước Nam làm chuẩn mốc. Sách của họ, nếu không được hai nhà
nghiên cứu Cadière và Maybon chép lại và tôn thành sự thật lịch sử, thì có lẽ đã
rơi vào quên lãng như những cuốn sách tồi tệ khác. Nhưng đến đầu thế kỷ XX, tức
là đúng 100 năm sau, những điều họ viết bậy bạ, được hai vị học giả và sử gia
có uy tín này trân trọng trích dẫn, làm
nền cho những bài viết và sách của họ, khiến những sự bịa đặt của Bissachère và
Sainte-Croix trở thành sự thực lịch sử. Và đúng như lời giáo sư Nguyễn Văn
Trung: học giả Cadière và tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Vieux Amis de
Huế) là một kinh viện ngự trị trên nghiên cứu ở Việt
Công lao dựng nghiệp này là do Bá Đa Lộc, từ A đến Z.
Hành trình này được sử gia Maybon xác định và «chứng minh» trong cuốn Histoire moderne du pays d'Annam (Lịch sử
hiện đại nước Nam) (1920) bằng những giai đoạn:
- Bá Đa Lộc cứu sống Nguyễn Ánh, lúc 16 tuổi, khỏi
bàn tay Tây Sơn.
- Bá Đa Lộc, đưa Hoàng tử Cảnh sang Pháp. Ngày
28-11-1787, Bá Đa Lộc ký hòa ước cầu viện với Pháp. Nhưng khi vua Louis XVI,
không áp dụng hiệp ước này, Bá Đa Lộc tự xoay sở kiếm tiền mua tàu bè vũ khí về
giúp.
- Bá Đa Lộc đưa những «sĩ quan» Pháp vào Việt
Đọc cuốn «Lịch
sử hiện đại nước
Câu chuyện huyễn sử do Maybon viết, được Cadière tiếp
sức, với tư cách học giả, tìm kiếm và khảo sát thêm, để trở thành «sự thực lịch sử».
«Sự thực»
này sẽ được Cadière chính thức hoá trên bình diện nghiên cứu, nửa đầu thế kỷ
XX, qua tập san Đô Thành Hiếu Cổ. Đến giữa thế kỷ XX, được đưa vào từ điển
Larousse của Pháp, kể từ bản in năm 1955.
Về sự thật lịch sử, chúng tôi đã tìm cách chứng minh
lại, qua các văn bản gốc, trong sách Vua Gia Long và người Pháp, ở đây chỉ xin
vắn tắt vài dòng về việc ai cứu Gia Long: Trong lúc cấp bách, Nguyễn Ánh chạy cùng
với một người hầu, là chú tiểu đồng con hát; người trẻ tuổi này đã tìm được
chiếc thuyền chở chủ đi trốn, đưa đến cha Hồ Văn Nghị. Cha Nghị và thầy giảng
Toán đã chăm nuôi, cứu sống Nguyễn Ánh. Hồ Văn Nghị trở thành người tin cẩn của
vua cho đến khi khi qua đời ngày 19-2-1801, một năm trước khi Nguyễn Vương lên
ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long, ngày 31-5-1802.
Những việc trên đây cho thấy, chỉ qua một vài chi
tiết nhỏ, người ta cũng có thể tạo dựng «lịch
sử» theo đúng hướng người Pháp thực dân mong muốn: xác định công lao của người
Pháp khi đến Việt Nam, qua công trạng «cứu
vua và lập quốc» của Bá Đa Lộc. «Công
trạng» này sẽ làm nền tảng cho «món
nợ» lớn lao, khiến người Việt phải «đời
đời» mang ơn người Pháp, và khi họ «vô
ơn» với những ân nhân, ngược đãi đạo Gia Tô, họ phải chịu sự «trừng phạt» của Pháp. «Công trạng» này còn gây tinh thần tự ti
mặc cảm trong lòng người Việt khi đứng trước người Pháp, kể cả các học giả Việt
Nam, khiến các vị này đã chấp nhận tất cả những lập luận sai lầm của học giả Pháp,
mà không kiểm chứng, hoặc thấy mà không dám nói ra. Ở đây tôi chỉ nói đến một
vài học giả Việt
Đầu tiên hết là học giả Trương Vĩnh Ký, với cuốn sử
Cours d'Histoire Annamite, (Giáo trình lịch sử Việt
Vua Minh Mạng, dưới ngòi bút của Trương Vĩnh Ký, đã
làm những việc như thế này: bạc đãi các «sĩ
quan» Pháp đã giúp vua Gia Long dựng nghiệp, tàn bạo và ngược đãi các giáo
sĩ, bắt về kinh dịch sách, lúc không cần, đuổi họ ra biên giới, cho chết dần vì
bệnh. Minh Mạng nổi những «cơn thịnh nộ
khốc liệt như bị cái ác lôi kéo vì nóng giận hay vì ghen tuông mù quáng»: «Tham vọng cầm đầu của ông là vô độ, chính
trị lạnh lùng, bất chính, tàn phũ» đối với các nước làng giềng. Trong gia đình,
khi lên ngôi, đã tiếm vị của hai cháu (con hoàng tử Cảnh), «nghe nói» thông dâm với với chị dâu, khi
bà này có mang, bèn kết bà tội loạn luân với con, và kết án tử hình cả ba mẹ
con... Trương Vĩnh Ký dẫn ra những «tội
ác» này, để làm tiền đề cho câu sau: «Sau
những tội ác mà sự vô liêm sỉ và đạo đức giả đen tối nhất, pha trộn với lòng
hiểm ác thâm độc, dường như tranh nhau địa vị như thế, ta có cần phải ngạc
nhiên trước thái độ của nhà vua đối với các sĩ quan Pháp và các vị thừa sai?
Không, dĩ nhiên là không. Minh Mạng, bản chất độc ác, lạnh lùng, đen tối và
gian trá, từ nay có thể làm tất cả, mà biết chắc chắn là không bao giờ quá.»
(Nguyên văn tiếng Pháp: «Faut-il après un pareil crime, où le
cynisme et l'hypocrisie la plus noire, se mêlant à la plus profonde
scélératesse, semblaient se disputer la palme, s'étonner de sa conduite envers
les officiers français et les missionnaires? Non, évidemment. Minh Mạng, nature
méchante, froide, sombre et fausse, pouvait désormais tout entreprendre, sûr de
ne jamais aller au-delà») [1*].
[*1] Theo bản điện tử điện tử in trên Internet, trang 168.
Không cần bàn
đến sự bịa đặt của những thông tin này mà sự thực lịch sử ngày nay đã rõ ràng. Chỉ
nguyên cách đưa những tin «nghe nói»
(dit-on) vào lịch sử và việc phán đoán một người không cùng thời với mình (khi
vua Minh Mạng băng hà, Trương Vĩnh Ký mới bốn tuổi) bằng những chữ: bản chất độc
ác, lạnh lùng, đen tối... là đã thấy rõ cách làm việc của Trương Vĩnh Ký. Làm
sao ông biết được bản chất (nature) của vua Minh Mạng, khi ông không sống cùng
và chỉ biết nhà vua qua những thông tin «nghe
nói» (dit-on) mà ngày nay người ta gọi là những lời «đồn thổi»? Chưa kể ông sẵn sàng bịa ra những thông tin kiểu «vua Gia Long sai Puymanel và Le Brun xây
thành Gia Định», mà sau này Nguyễn Đình Đầu chép lại, để chứng minh thành
quách Việt Nam đều do người Pháp xây cả.
Nhưng điều
tai hại là những trang sử bôi nhọ vua Minh Mạng và triều Nguyễn này nằm trong
cuốn sách lịch sử đầu tiên viết bằng tiếng Pháp cho học trò Nam kỳ học và các
sử gia Pháp-Việt dùng. Trương Vĩnh Ký đã «đầu
độc» lũ trẻ bằng sự kết tội triều đình, bôi nhọ vua Minh Mạng, cấp cho trẻ
em một cái nhìn sai lạc về triều Nguyễn, về mối quan hệ Pháp-Việt. Cuốn sách
của ông, còn là cuốn lịch sử Việt Nam đầu tiên mà người Pháp đọc được, như
nhiều tác giả kể lại, nên có lẽ chính nó đã làm nền tảng cho những người đi
sau, như linh mục Louis Eugène Louvet, khi viết cuốn La Cochinchine Religieuse
(Đạo giáo ở Nam kỳ), in mười năm sau (1885) có đủ củi lửa để vẽ thêm chân rết
kết án Minh Mạng là bạo chúa Néron. Và Alexis Faure, khi viết cuốn Monseigneur
Pigneau de Béhaine évêque d'Adran (Đức Giám Mục Bá Đa Lộc) in năm 1891, đã tôn
sùng Bá Đa Lộc lên hàng Tể tướng bên cạnh Gia Long, như Richelieu bên cạnh
Louis XIII của Pháp.
Vai trò chính
yếu của Trương Vĩnh Ký trong buổi giao thời -mà ông được coi là nhà bác học
biết nhiều thứ tiếng- là gì? Nguyễn Văn Trấn trong tiểu sử Trương Vĩnh Ký, ghi
lại những điều sau đây: Ông được cử làm thông ngôn cho phái đoàn Phan Thanh
Giản đi sứ Pháp, về tới Sài Gòn ngày 18-3-1864, Trương Vĩnh Ký trở lại chức
phận thông ngôn ở Soái phủ Sài Gòn. Người ta giao ông dịch tài liệu cho tờ công
báo, chữ Tây, Le Courrier de Saigon. Số đầu ra ngày 1 tháng Giêng 1964. Người
ta cũng đã cho Trương Vĩnh Ký làm trợ bút tờ Gia Định Báo. Làm từ 1866 tới 1868
được nhắc lên làm Chủ bút (Quyết định của Pháp soái Dupré, ký ngày 16 tháng
Chín 1868). Đồng thời Pétrus Ký được phong giáo sư và rồi cũng trở thành ông đốc
Trường Thông ngôn (Mở từ 16-7-1864) [2*].
[*2] Theo Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký con người và sự thật, Ban Khoa Học Xã Hội Thành ủy, TPHCM, 1993, trang 28-29.
Kể từ khi phụ
trách tờ Gia Định Báo, Trương Vĩnh Ký đã phát triển và phổ biến đường lối chính
thống của người Pháp thực dân: loại bỏ văn hóa Trung Hoa, chữ Hán, chữ Nôm và độc
tôn chữ Quốc ngữ. Công lao khai phá của ông với chữ Quốc ngữ, không ai chối cãi
được; nhưng công lao này có phải cũng là
để phục vụ chính sách của người Pháp: dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nôm và chữ
Hán, để cắt đứt người Việt với quá khứ văn hóa của dân tộc mình?
Hai cuốn lịch
sử Cours d'Histoire Annamite, (Giáo trình lịch sử Việt Nam) in năm 1875,
và Biên tích Đức Thầy, Pinho Quận công
(1897) viết về Bá Đa Lộc, phù hợp hoàn toàn với chính sách viết lại lịch sử của
người Pháp thời ấy: Họ muốn công lao dựng nước phải là của Bá Đa Lộc, và các «sĩ quan» Pháp, việc mất nước là tội của
triều đình: từ Minh Mạng, đã vô ơn với những người Pháp đến giúp Gia Long, rồi «độc ác, hãm hại các thừa sai, bế quan toả
cảng»... Vì vậy, người Pháp mới phải nhúng tay vào. Họ muốn tạo cho sự xâm
lược của họ một lý do chính đáng, nên mới giao cho các học giả việc viết lại
lịch sử.
Học giả
Cadière và Maybon là hai người Pháp «khai
sinh» chiến dịch viết lại lịch sử Pháp Việt, từ nguồn cội, kể từ năm 1912,
khi linh mục Cadière cho in những tài liệu đầu tiên liên quan đến việc người
Pháp đến giúp Gia Long, trên tập san của Trường Viễn đông Bác cổ (BEFEO), số 12
và năm 1917, ông mở rộng địa bàn trên tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH) do ông
làm chủ bút. Đến năm 1920, khi cuốn Histoire moderne du pays d'Annam, của
Maybon ra đời, Cadière giới thiệu và ca tụng nồng nhiệt. Một năm sau, 1921, khi
Thống chế Joffre đi kinh lý Việt Nam, đến Huế, Cadière đã đọc bài diễn văn tiếp
đón Thống chế, nêu cao thành tích rằng mình đã tìm được hết các tài liệu để
chứng minh «sự thực lịch sử»: Công
nghiệp của Gia Long hoàn toàn do người Pháp chủ xướng, từ quân đội đến thành
trì.
Tới đây, tôi
lại được «sáng mắt» thêm một lần nữa:
Cadière và Maybon không phải là hai vị học giả và sử gia đầu tiên thực hiện
việc viết lại lịch sử Pháp-Việt, mà học giả Trương Vĩnh Ký đã bắt đầu từ trước,
từ năm 1875; với cuốn Cours d'Histoire Annamite, ông đã dẫn đường cho một số người
Pháp, như Louis Eugène Louvet, viết cuốn Đạo giáo ở Nam kỳ (1885), Alexis Faure
viết cuốn Đức Giám Mục Bá Đa Lộc (1891), rồi Trương Vĩnh Ký viết tiếp cuốn sử
thứ nhì Biên tích Đức Thầy, Pinho Quận công (1897) để xác định công lao của Bá Đa
Lôc và các «sĩ quan» Pháp. Charles
Gosselin viết cuốn Đế quốc An Nam (1904) lập lại những điều buộc tội nhà Nguyễn
của Trương Vĩnh Ký và kết luận: «Những
hoàng đế này [của nước Nam] phải chịu trách nhiệm sự suy đồi và sụp đổ của nước
họ, phải gánh vác một mình, sự nhục nhã trước lịch sử» (Gosselin, L'Empire
d' Annam, Perrin et Cie, 1904, trang XVII).
Sau Trương Vĩnh
Ký, các học giả Việt Nam khác, cũng không làm gì để lật lại thế cờ. Nhà nghiên
cứu Nguyễn Đình Đầu, trong bài viết giá trị về lịch sử xây dựng thành phố Sài
Gòn và các thành trì ở trong Nam, đã dùng lại những đồ thị do người Pháp vẽ, họ
trình bày thành Gia Định [và tất cả các thành trì khác trên toàn cõi Việt Nam,
từ Huế đến Hà Nội] bằng một thứ đồ thị có răng cưa, biểu hiệu thành Vauban,
trong khi các thành trì Việt Nam, từ Diên Khánh, đến Huế, Hà Nội, Sơn Tây, tường
đều xây thẳng, không có dấu vết gì Vauban cả. Nguyễn Đình Đầu còn dẫn lời Trương
Vĩnh Ký, trong cuốn Biên tích Đức Thầy, Pinho Quận công, nói rằng: «Tháng 2 trong năm (1790) vua dạy ông Olivier
với ông Le Brun coi xây thành Gia Định tại Tân Khai». Và ông còn cho biết,
theo lời Trương Vĩnh Ký trong cuốn sách này, thì Bá Đa Lộc trở về Sài Gòn đem
theo «mấy chiếc tàu chở súng lớn cỡ 100
cỗ, súng tay mấy ngàn cây, thuốc đạn cụ túc (đầy đủ) về giúp vua An Nam»,
và «Việc tổ chức và rèn tạo bộ binh của
Nguyễn Ánh là do Olivier de Puymanel, làm lớn đứng đầu hết» [3*].
[*3] Theo Nguyễn Đình Đầu, Điạ lý lịch sử thành phố, in trong cuốn Điạ chí văn hoá thành phố HCM, 1987, Nxb TPHCM, trang 183).
Khi những sai
lầm, bịa đặt của người đi trước, được người sau chép lại như một sự thật không
cần kiểm chứng, thì thực khó hiểu. Tại sao có sự đồng tình mù quáng như thế
trong nghiên cứu khoa học?
Năm 1964, học
giả Đào Duy Anh hiệu đính và viết tựa cho cuốn Gia Định Thành Thông Chí của
Trịnh Hoài Đức, do Nguyễn Mộng Khương và Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch. Trong bài Tựa, Đào
Duy Anh nói đến những thiếu sót của Gabriel Aubaret khi dịch cuốn sách này sang
tiếng Pháp (1864), như phiên âm sai, không hiểu rõ chữ Hán, nhưng ông không
nhắc gì đến việc Aubaret đã loại hẳn chương Thành trì chí, là chương Trịnh Hoài
Đức mô tả thành Gia Định và các thành trì trong Nam, ra ngoài. Bởi vì, trừ
thành Gia Định [là thành cũ của Cao Miên sửa lại] Trịnh Hoài Đức nói rõ tên
từng vị quan phụ trách đắp tất cả các thành trì ở miền Nam, không có người Pháp
nào cả. Việc này không thể «phổ biến ra
ngoài» được, nên Aubaret phải bỏ không dịch! Tệ hơn nữa, trong bài Tựa
sách, Aubaret còn cả gan lên giọng trách Trịnh Hoài Đức đã «vô ơn» không nhắc đến Giám mục Bá Đa Lộc
và các «sĩ quan lỗi lạc», đặc biệt về
việc xây thành Gia Định, là «công cuộc vĩ
đại do Đại tá Pháp Olivier [de Puymanel] thực hiện»! Sự gian dối của Aubaret,
chẳng lẽ Đào Duy Anh không thấy, mà bài tựa ông viết năm 1964, đâu còn người
Pháp nữa, sao học giả họ Đào vẫn không «dám»
nói ra sự gian dối này?
Đến năm 2018,
khi tôi về nước, đi thăm thành Hà Nội và Sơn Tây, bước vào vẫn thấy người ta
giới thiệu với du khách, thành này do Pháp xây theo kiểu Vauban, mặc dù tường
thành thẳng tắp, không có chỗ nào lồi ra, là đặc điểm của thành Vauban. Không
hiểu du khách Pháp nghĩ gì về sự «nhận vơ»
đáng buồn này, như thể ta vẫn mong muốn được Pháp đô hộ thêm một lần nữa.
Trong 60 năm
ở Pháp, tôi cố gắng gột rửa đầu mình khỏi mặc cảm thấp hèn, yếu kém của con bé «anh-đô-si-noa», trong hành động cũng như
trong tư tưởng, và chỉ thật sự thấy được cân bằng và bình yên, khi biết rõ về
vua Gia Long, về người thiếu niên dũng cảm và kiên định đã tay không dựng lại cơ
đồ, tái tạo một nước Việt Nam thống nhất, sau hơn hai trăm năm phân liệt.
Cơ đồ ấy, sau
gần một trăm năm lệ thuộc Pháp, đã sản xuất ra những người «anh-đô-si-noa» như tôi, ra đời với mặc
cảm bé mọn thấp hèn trước bất cứ người Âu Mỹ nào. Mặc cảm này đã ăn sâu vào trí
óc khiến cả những người có học, hiểu biết lịch sử cũng không dám cãi lại người
Âu, ở những chỗ họ ngụy biện, gian dối, mà đôi khi còn về hùa với họ trong việc
ngụy trá và ngụy biện lịch sử. Ánh mắt thương hại của bà cụ quê mùa miền
Ardennes đã khiến tôi phản bác lại những sai lầm của một số người Pháp. Riêng
những sai lầm của người mình, thì mình phải tự xử.
Chỉ khi nào,
ta bỏ được sự tự hào với những gì có người Pháp nhúng tay vào, như thể nếu có
bàn tay của Pháp, thì mọi thứ sang trọng lên: «thành trì Pháp xây tất nhiên phải hay hơn thành trì người Việt», «Sách Pháp viết chắc chắn đúng hơn sách ta
viết»... Chỉ khi nào ta bỏ được những thành kiến ấy, thì ta mới gột rửa được
phần nào đầu óc bị trị.
Đi sau vua Gia Long hơn hai thế kỷ. Dường như chúng
ta vẫn chưa khôi phục được tinh thần tự tin, tự chủ, khi trực diện với người
ngoại quốc mà vị Hoàng Đế đầu tiên của triều Nguyễn đã khai phóng.
No comments:
Post a Comment