Thursday, June 9, 2022

Gia cua su thong nhat nuoc Duc

 

 

Cái Giá Của Sự Thống Nhất Nước Đức

Phạm Hồng-Lam

Tôi viết bài này đã lâu, khi khi nước Đức chuẩn bị kỉ niệm 25 năm ngày thống nhất đất nước (03.10.1990 – 03.10.2015). Người Đức mừng kỉ niệm một phép lạ có một không hai. Nó đưa niềm vui đến cho dân tộc họ, nhưng lại tạo hoàng mang và sợ hãi cho các quốc gia láng giềng và liên hệ. Tại sao?

Nếu đã không có số tiền 55 tỉ đồng Mác mà Liên-xô đã đòi được từ Tây Đức, thì thời đó không chỉ Liên-xô tan rã , mà cả nước Nga cũng chẳng có được một tình trạng như ngày nay. Liên-xô chịu để Đức thống nhất không phải với điều kiện, là Nato không được mở ra về phía đông, như Wladimir Putin vẫn khẳng định, mà là để có được số tiến không lồ kia, hầu cứu sống chính mình.

 Một chút lịch sử

Nước Đức có lỗi cả trong hai trận đại chiến I. và II. tại Âu châu. Vì là nước kẻ thù bại trận trong thế chiến II, Đức bị liên minh bốn cường quốc Anh, Mĩ, Nga và Pháp chiếm đóng, mỗi cường quốc chiếm một phần lãnh thổ. Một câu hỏi rất quan trọng đặt ra sau chiến tranh: Nên chia nước Đức ra thành nhiều quốc gia nhỏ, để tránh hậu hoạ cho tương lai thế giới, hay nên để cho dân tộc này tái lập thống nhất và có chủ quyền?

Khi các cường quốc đang cố tìm giải đáp, thì tham vọng cộng sản quốc tế của Nga lộ hình. Và thế giới rơi vào cuộc chiến tranh lạnh. Trước nguy hiểm từ phương đông đỏ, ba cường quốc Anh, Mĩ và Pháp quyết định cho ba miền nước Đức do họ chiếm đóng thống nhất lại làm một, thành nước Cộng Hoà Liên Bang Đức (BRD, Tây Đức). Đối lại, Nga cũng biến phần đất họ kiểm soát thành nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức (DDR, Đông Đức).

Số phận nước Đức như thế được coi là đã an bài. Mãi mãi. Chẳng ai, ngay cả người Đức, nghĩ rằng, đất nước này có ngày sẽ tái thống nhất. Tuy nhiên, trong bản hiến pháp tái lập quốc 1949 của Tây Đức, người ta đã nhìn xa và đưa vào một Điều 23 nói rằng: hiến pháp này hiệu lực cho các phần đất thuộc lãnh thổ của Tây Đức; nó cũng sẽ có hiệu lực cho những phần đất khác, sau khi các lãnh thổ này quyết định gia nhập Tây Đức! Một điều khoản bị quên bẵng suốt 41 năm, bỗng dưng trở thành hồng ân, bởi vì nó cuối cùng đã giúp cho dân tộc này dễ dàng và đơn giản trong việc quyết định tái thống nhất, và đặt các quốc gia chống lại việc tái thống nhất nước Đức trước một thực tại pháp lí khó có thể cản ngăn được.

Phải đợi 20 năm sau ngày tái thống nhất, các hồ sơ được giải mật. Nhờ đó, chúng ta đã có thể hiểu được tình thế vô cùng tế nhị và gay go của biến cố. Đọc lại tài liệu, ta biết, việc thống nhất đạt được là do kết quả của nhiều yếu tố hỗn hợp, nhưng trong đó có ba yếu tố quan trọng:

·    Sự đấu tranh can đảm của các nhà dân chủ ở Đông Đức,

·    Cuộc sụp đổ của Liên-xô và

·    Trực giác và quyết tâm của thủ tướng Kohl, đúng ra là sự nhạy bén của các cố vấn của ông.

Năm 1989 là một thời điểm đầy biến động của thế giới. Tại Âu châu: Công đoàn Đoàn Kết đấu tranh tại Ba-lan; dân ở Đông Đức xuống đường biểu tình, trước để chống lại sự gian lận bầu cử của chính quyền cộng sản, sau chuyển sang đòi tự do dân chủ, cuối cùng xô đổ tường Bá-linh; Hung mở cửa biên giới cho người Đông Đức tràn qua Áo về Tây Đức tị nạn. Tại trời đông, các sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ và bị đàn áp dã man ở Thiên An Môn…

Có thể tìm hiểu việc thống nhất qua nghiên cứu các diễn tiến dồn dập của các biến cố thời đó hoặc qua theo dõi thái độ và lập trường của các nước có liên quan. Tôi chọn con đường thứ hai, dễ trình bày hơn, dù cách này không phản ảnh được diễn tiến thời cuộc của biến cố.

 Lập trường của các nước có liên quan trong việc Đức thống nhất.

1.                    Pháp với tổng thống Mitterand:

Tế nhị nhất là quan hệ giữa Đức và Pháp. Trong thế kỉ 19., Napoleon chiếm một phần Đức, làm nhục nước này. Sang thế kỉ 20., Đức lại làm nhục Pháp, đặc biệt làm nhục dân tộc này qua việc chiếm đóng Pháp trong thế chiến II. Hai dân tộc không đội trời chung. Vì thế, sau chiến tranh thứ II, tổng thống de Gaulle (Pháp) và thủ tướng Adenauer (Đức) đã đưa ra chương trình thống nhất Au châu, nhằm mở ra một tương lai chung sống hoà bình không những giữa hai dân tộc này mà cho cả các dân tộc các nước âu châu khác. Sự thống nhất âu châu, mà nay là Liên Hiệp Âu Châu với 28 nước, có thể nói chính là cái khung chung để khoá Đức vào trong đó. Dù vậy, trong thâm tâm, người Pháp vẫn ngờ vực và không bao giờ muốn có một nước Đức độc lập và hùng mạnh trở lại ở Âu châu và sát nách mình. Tâm lí của con cáo già Mitterand cũng thế. Một mặt, ông nhất quyết chống lại việc tái thống nhất Đức; mặt khác, ông cũng thính ngửi ra được điều gì tất phải tới.

Vì thế, khi nghe thủ tướng Kohl đột ngột trình bày trước Quốc Hội Đức ngày 28.11.1989 chương trình 10 điểm của ông về tương lai của BRD và DDR, Mitterand hết sức giận dữ suốt nhiều tiếng đồng hồ. Ông nói với các cố vấn: Một cường quốc sát nách chúng ta sẽ hình thành và, với lực và tiền, nó sẽ tạo nên một cấu trúc mới ở Âu châu.

Nghe sự chẳng lành, Đức phái ngay đại diện sang Pháp. Cuộc đối thoại với Mitterand chỉ diễn ra trong 45 phút và nội dung tóm lại trong một câu xa gần của ông: „Đức chỉ có thể hi vọng thống nhất, nếu nó đứng trong một cộng đồng vững mạnh”. Đại diện Đức hiểu ngay tín hiệu.

Đầu tháng giêng 1990, Kohl bay sang Pháp. Sau một buổi chiều đi dạo với Mitterand, ông nhận được đèn xanh: Nội bộ nước Đức có thể bàn chuyện thống nhất; đối lại, tiến trình hội nhập âu châu, mà cụ thể lúc đó là thống nhất đồng Euro (Âu kim), cũng phải được cấp tốc thảo luận. Tháng 12.1990 các nước âu châu về Straßbourg họp bàn chuyện Euro. Tháng 12.1992 họ kí các hiệp ước Maastrict quyết định năm 2002 sẽ thống nhất tiền tệ.

Các sử gia và chính trị gia hiện đang tranh cãi về câu hỏi: Có phải Đức đã mua sự thống nhất của mình bằng đồng Euro hay không? Phía Pháp (cụ thể là Hubert Védrine, cố vấn của Mitterand) cho rằng: Không có việc tiến nhanh hội nhập âu châu – mà cụ thể lúc đó là hội nhập đồng Euro – thì không có thống nhất Đức quốc. Phía Đức trái lại (qua cố vấn của Kohl lúc đó là Joachim Bitterlich) khẳng định: Có hay không có thống nhất Đức quốc, thì việc thống nhất âu châu trước sau gì cũng đến.

Một đánh giá khách quan sẽ như thế này: Không có việc ra điều kiện cụ thể giữa thống nhất nước Đức với thống nhất Euro. Nhưng nhờ có biến cố nước Đức, tiến trình hội nhập âu châu, đặc biệt hội nhập tiền tệ, đã được tiến hành nhanh chóng. Đây là điều cả hai phía đều hiểu và muốn tiến tới. Và qua thái độ thuận tình của mình, Mitterand đã giúp Kohl trở thành vị thủ tướng có công thống nhất quốc gia. Còn Kohl, khi chấp nhận thống nhất tiền tệ, đã giúp Mitterand đi vào lịch sử như là một người đã phá bỏ được đồng Mark đầy quyền lực của Đức.

2.                    Anh với thủ tướng Magaret Thatcher.

Bà thủ tướng Anh là người quyết liệt, từ đầu đến cuối, chống thống nhất. Ngay trong những ngày dồn dập mùa thu 1989, sáu tuần lễ trước khi tường Bá-linh sập, bà bay sang Nga gặp Gorbachow để khẳng định một điều „dứt khoát không đồng í thống nhất”. Sau khi Kohl đưa ra tuyên bố 10 điểm, thủ lãnh các nước trong Cộng Đồng Âu Châu về họp tại Straßbourg. Một cuộc họp lạnh lùng chưa bao có cho các đại diện của Đức. Tại đây, bà Thatcher từ chối đưa vấn đề biên giới của nước Đức vào nghị trình họp và thẳng thừng nói: „Hai lần chúng ta đánh bại Đức. Nay họ lại trở lại”. Cũng như các nhà lãnh đạo chính trị khác, bà nổi tam bành một phần là vì hành động của Kohl. Kohl đã không tham khảo ai cả, khi ra tuyên bố 10 điểm, khiến các nước bực mình vì cảm thấy bị qua mặt. Thật ra, tuyên bố này không đề cập tới chuyện „thống nhất”; trong điểm cuối, thứ 10, ông chỉ nói xa xa là phải làm sao để „tạo được tình trạng hoà bình ở Âu châu”, trong đó nước Đức rồi đây „có thể tái lập được sự thống nhất của nó”. Dân Đức giật mình, hoang mang nhưng vô đỗi hân hoan trước quả bom của ông Kohl, vì nó cho phép họ lần đầu tiên trong đời dám nghĩ tới chữ thống nhất. Các chính đảng trong nước không ai biết trước nội dung bài diễn văn. Ngay cả ngoại trưởng Genscher thuộc đảng liên minh cầm quyền cũng không biết gì cả. Kohl hành động theo trực giác. Ông muốn đặt thế giới trước một sự đã rồi. Nhưng „trực giác” này thực ra là một gợi í của cố vấn chính trị Horst Teltschik. Teltschik sợ ngoại trưởng Genscher dành mất hết công lao của Kohl, vì cho tới lúc đó mọi chuyện đều do Genscher chạy đôn chạy đáo lo toan. Lại nữa, phía Mĩ cũng có chút nghi ngại rằng, Genscher có thể có liên hệ đậm tình với phía cộng sản. Thành ra Kohl phải đánh bất thần. Và cú đánh bất thần này kết cuộc đã đưa ông lên hàng chính trị gia quốc tế; cho tới lúc đó các nhà chính trị trong nước coi ông chỉ là một anh chính trị cấp vùng mà thôi.

Dù ông Kohl rất tế nhị và khiêm tốn đưa ra một hi vọng về tương lai, các nhà đấu tranh ở Đông Đức nắm bắt được ngay tín hiệu. Cho tới lúc đó, hàng trăm ngàn người Đông Đức biểu tình vào mỗi chiều tối thứ hai chỉ đòi tự do, dân chủ. Nay bỗng dưng khẩu hiệu „Wir sind ein Volk!” (Chúng tôi là một dân tộc!) tràn ngập và hô vang đường phố.    

3.                    Mĩ với tổng thống Bush (cha)

Mĩ không có kinh nghiệm lịch sử đầy sợ hãi trước con hổ Đức như các nước lân bang ở Âu châu, nên họ nhìn vấn đề đơn giản hơn. Tổng thống Bush cũng khó chịu, khi thấy ông Kohl hành động mà chẳng trao đổi với mình, nhưng chẳng mấy âu lo chuyện thống nhất. Điều kiện duy nhất của Mĩ: Chỉ chấp thuận thống nhất, nếu nước Đức thống nhất gia nhập Nato. Vào thời điểm lúc đó, điều kiện này cũng có nghĩa là không tán thành thống nhất. Ai cũng biết, làm sao Liên-xô chấp nhận được điều đó. Nhưng thật bất ngờ. Kohl chấp nhận ngay điều kiện của Bush. Vì ông hiểu rằng, nếu Đức chọn trung lập, thì Nato sẽ vỡ; Nato vỡ, Mĩ sẽ rút khỏi Âu châu, và hai cường quốc nguyên tử Anh và Pháp lại có cớ xáp lại gần nhau hơn để chống Đức. Ngược lại, Bush thấy có nhu cầu phải ủng hộ Kohl, vì lập trường rõ ràng của Kohl muốn ở lại trong Nato, trong lúc hầu hết dân Đức cho biết sẵn sàng hi sinh Nato để được thống nhất. Ngoài điều kiện duy nhất trên đây, Mĩ hoàn toàn không có một giải pháp thứ hai nào cả cho Đức. Trong một cuộc họp cao cấp nội bộ, có người đề nghị: Nếu như cuối cùng Liên-xô không chấp nhận cho Đức thống nhất, thì Mĩ sẽ cùng với Anh và Pháp đơn phương tuyên bố từ bỏ đặc quyền pháp lí của họ trên nước này; và như vậy chỉ còn lại Nga với 350.000 quân của họ hiện trú đóng ở Đông Đức sẽ nguy; chỉ riêng việc nuôi ăn cho đạo quân này cũng đủ đưa Liên-xô tới sập tiệm. Nhưng đây cũng chỉ là một gợi í. Nó rất khó được Anh và Pháp chấp thuận.  

Tóm lại, tình hình đầu năm 1990: Âu châu chống thống nhất, Mĩ ra điều kiện không thể thực hiện được. Liên-xô chống điều kiện của Mĩ.

4.                    Liên-xô và chủ tịch Gorbachov

Bài toán đơn giản: Muốn giữ DDR thì phải cần tiền, mà LX lúc đó thì khánh kiệt.

Canh bạc lớn bắt đầu từ sáng ngày 21.11.89, lúc đó tường Bá-linh đã sập. Cố vấn ngoại vụ của Bộ Chính Tri LX là Nikolai Portugalow có hẹn với cố vấn của Kohl là Horst Teltschik. LX lúc đó tìm cách vớt những gì còn có thể vớt được để có lợi cho mình. Portugalow cho biết hai điểm: Gorbachow đang bị áp lực rất mạnh của Bộ Chính Trị; họ đòi phải đánh ở DDR. Về sau mới biết là có một sư đoàn thiết giáp đã sẵn sàng ứng chiến, nhưng may dân biểu tình Đông Đức đã giữ được kỉ luật bất bạo động, không để bị khiêu khích. Và điểm thứ hai: Nước Đức nên ra khỏi Nato và rút hết vũ khí nguyên tử; đây là điều kiện một mất một còn của Bộ Chính Trị LX.

Giữa tháng 2.1990 Kohl bay sang gặp Gorbachow với tinh thần, như cố vấn của ông tiết lộ về sau, sẵn sàng đáp ứng, nếu họ có đòi tới 100 tỉ Mác đi chăng nữa! Nhưng quả lạ lùng, Gorbachow chỉ nói ỡm ờ một câu: „Chính người Đức biết họ muốn đi con đường nào”. Gorbachow nói điều đó vì bản tính đạo đức hay vì tình thế bắt buộc? Thật ra, từ đầu 1990 LX đã rơi vào tình trạng khánh kiệt tài chánh, hết khả năng thanh toán. Cả DDR cũng vậy. DDR kêu cứu, mà LX đành chịu. Về sau, chúng ta biết được lúc đó nội tình liên-xô đã hoàn toàn mất phương hướng, hoảng loạn vì khánh kiệt tài chánh. Gorbachow đành phải đánh tiếng vay phía tư bản, nhưng Mĩ và Liên Hiệp Vương Quốc (LHVQ) không cho, vì sợ mất vốn; còn Pháp thì quá yếu; chỉ còn lại Đức.

Trong khi đó, cuộc bầu cử Quốc Hội mới ở DDR ngày 18.3.1990 đã đẩy đảng Liên Minh Dân Chủ Ki-tô Giáo (CDU) vừa mới lập từ số không lên 48% số phiếu. Đạt được kết quả này một phần là nhờ quyết định đổi tiền thần sầu của chính phủ Kohl trước đó, cho phép dân DDR đổi ngang: 1 Mác đông ăn 1 Mác tây. Kết quả bầu cử cũng làm bối rối bốn cường quốc, là vì theo điều 23 hiến pháp Tây Đức, chỉ cần đa số 2/3 của Quốc Hội Đông Đức là một sớm một chiều DDR có thể sát nhập vào BRD. LX vì thế không còn trì hoãn được nữa.

Họp phái đoàn LX và Đức. LX ra giá (đồng í cho Đức ở lại trong Nato) 36 tỉ; Đức ép giá 3 tỉ. Hai bên kì kèo xuống tới 18,5 tỉ bên bán và 6 tỉ bên mua, thì bế tắc, hết họp. Về sau, Kohl gọi thẳng cho Gorbachow đề nghị 8 tỉ, thì bị mắng và doạ phải bắt đầu lại từ đầu. Cuối cùng hai bên đồng í 12 tỉ cộng thêm 3 tỉ vay không lời. Ngoài ra, Đức phải gánh tất cả tổn phí việc rút 350.000 lính LX trú đóng ở Đông Đức và phải lo chu cấp cho họ cho đến khi tất cả rời khỏi nước. Tổng kết lại, Đức phải chi cho LX trước sau tất cả 55 tỉ Mác.   

5.                    Quan hệ với Ba-lan

Nhưng vẫn chưa xuôi chảy, vì còn ông bạn Ba-lan. Hận thù giữa Đức và Ba-lan còn sâu hơn giữa Đức và Pháp. Đức làm nhục Pháp, nhưng không coi thường dân Pháp. Nước Ba-lan bị Đức thời Tộc-xã (NaZi) coi là miếng đất không có chủ, nên Hitler và Stalin đã ngầm kí hiệp ước chia nhau đất Ba-lan, mỗi anh ngoạm một miếng, còn người Ba-lan thì bị hai anh coi là loại dân mang căn tính nô lệ và lười biếng! Sau thế chiến II., các cường quốc thắng trận cắt một phần đất phía đông của Đức giao cho Ba-lan và lấy sông Oder và Neiss làm ranh giới giữa hai nước. Ba-lan đuổi dân Đức trên phần đất được chia về lại Đức, khiến cho nhiều triệu người phải rời quê hương đi tị nạn. Dân này có thế lực mạnh trong đảng Liên Minh Dân Chủ Ki-tô Giáo (CDU) của ông Kohl, họ không công nhận biên giới mới do các cường quốc ấn định, luôn đòi Ba-lan phải bồi thường cho họ và họ muốn được trở về chốn cũ. Trong tuyên bố 10 điểm, Kohl đã tránh không đề cập gì chuyện biên giới giữa Đức và Ba-lan. Điều này khiến Ba-lan lại càng nghi ngờ và quyết liệt chống thống nhất. Không phải là một cường quốc thắng trận, nhưng Ba-lan có ông bạn Mitterand. Ông này nhất mực bắt Đức phải giải quyết. Do đó, Quốc Hội Đức cuối cùng đã phải vội vàng ra quyết nghị công nhận giữ nguyên trạng biên giới phía đông của mình, trước khi có được những bước đi tiếp trong tiến trình tái thống nhất.

Như vậy, mọi nút thắt đã được tháo gỡ. Hai nước Đức giờ đây có thể tiến hành các thủ tục pháp lí nội bộ về việc thống nhất. Nhưng ai sẽ hợp thức hoá và bảo đảm cho quyết định của họ? Và dù sao, theo pháp lí, đặc quyền của tứ cường trên nước Đức vẫn còn giá trị. Nên để cho một nghị hội quốc tế của 53 nước lâm chiến trong thế chiến II. hợp thức hoá việc thống nhất? Như thế thì còn đâu là vai trò của tứ cường nữa! Thành ra rốt cuộc tứ cường đã tự dành lấy cho mình vai trò đó. Nhưng Đức không chịu để toàn quyền cho tứ cường quyết định. Họ bảo, dân tộc họ cũng có phẩm giá và nay là 1990 chứ không phải 1945, và tứ cường ngày nay không thể hành xử như tứ cường trước đây. Các nước thành viên trong Nato như Italia, Hoà-lan, Bỉ, Lục-xâm-bảo cũng đòi được có tiếng nói, nhưng đã bị Genscher bực bội gạt phăng: „You are not part of the game!” Cuối cùng, người ta đã đi đến công thức „2 + 4” (chứ không phải 4 + 2) nghĩa là 2 nước Đức (chủ động) họp cùng 4 cường quốc để quyết định.

Ngày 11.09.90 Quốc Hội hai nước Đức biểu quyết sẽ thống nhất vào ngày 03.10.1990.

Cùng hôm đó, các phái đoàn của Đức và tứ cường đã có mặt tại Moskau, để sẽ cùng kí „Hiệp Ước Quy Định Chung Kết Về Nước Đức” vào 12 giờ 45 trưa hôm sau, ngày 12.09.1990. Genscher chưa bao giờ vui như hôm đó. Ông ăn tối với ngoại trưởng Liên Hiệp Vương Quốc Douglas Hurd. Hurd đòi phải thêm vào Hiệp Ước điều khoản cho phép Nato được tập trận trên phần đất DDR. Nhưng LX cự tuyệt. Cuối cùng, Hurd hứa sẽ du di chuyện này.

Gần 1 giờ sáng ngày 12 tháng 9, Genscher hân hoan về phòng ngủ, thì được cấp báo, phái đoàn LHVQ nhất quyết không kí, nếu không thêm vào điều khoản kia! Phải chăng đay là lệnh của Thatcher từ bên nhà truyền qua? Genscher điên tiết, muốn gặp ngay bộ trưởng ngoại giao Mĩ Baker. Nhưng ông này vừa phải uống thuốc ngủ và đã lên giường, người ta không muốn đánh thức ông. Genscher liền lấy Taxi phóng ngay sang khách sạn của phái đoàn Mĩ. Ông trực tiếp dựng Baker dậy trong tấm áo choàng tắm của khách sạn. Ngái ngủ, nhưng Baker hiểu ngay sự việc, và nhờ sự dàn xếp ngay sau đó của ông, LHVQ cuối cùng đã đặt bút kí.

Buổi lễ kí hiệp ước về một nước Đức thống nhất diễn ra trong lặng lẽ, không hoa trên bàn, không rượu mừng trên tay, trong một phòng nhỏ của Khách Sạn Tháng 10.

Khác hẳn với cuộc kí kết trước đó một tuần, ngày 04.09.1990 tại Thành Đô bên Trung Quốc giữa hai đảng cộng sản tàu và việt: lén lút, nhưng có hoa chào, có rượu mừng, có những cái hôn xã hội chủ nghĩa với tràng cười hể hả của chủ, chen lẫn với những tiếng thở phào sảng khoái của tớ.

Augsburg, 15.09.2015

Tài liệu tham khảo

- Eckhard Jesse, Das Ende der DDR. Aus Politik und Zeitgeschichte, số 33-34, 2015

- Michael Sauga, Stefan Simons, Klaus Wiegrefe, Der Preis der Einheit. Der Spiegel số 39/2010

- Michael Sauga, Stefan Simons, Klaus Wiegrefe, Allein gegen alle. Der Spiegel số 39/2010

- Marc Hujer, Gregor Peter Schmitz, „Es ging um den Jackpot”. Phỏng vấn cựu ngoại trưởng Mĩ Condoleeza Rice về cuộc đấu tranh để thống nhất nước Đức, về nỗi túng quẫn của M. Gorbachow, về công lao của H. Kohl và lỗi lầm của G. Schröder. Der Spiegel số 39/2010.

No comments:

Post a Comment