Tuesday, June 7, 2022

Cung Tiến - Cánh Hạc Về Trời

 

 

Cung Tiến - Cánh Hạc Về Trời

http://www.dslamvien.com/2022/06/cung-tien-canh-hac-ve-troi.html

Vương Trùng Dương
(Đặc San Lâm Viên)

«Vàng tung cánh hạc đi đi mãi

Trắng một màu mây vạn vạn đời»

(Thôi Hiệu - Vũ Hoàng Chương dịch)


Chiều Thứ Bảy, 4 tháng 6 năm 2022, nhận được email của nhà văn Việt Hải ở Los Angeles, báo tin nhạc sĩ Cung Tiến đã qua đời tại Los Angeles. Hưởng thọ 83 tuổi.

Thực ra, nhạc sĩ Cung Tiến đã qua đời trước đó gần một tháng, vào ngày 10 tháng 5 năm 2022. Theo di nguyện của ông thì những người thân, gia đình và bạn hữu, hãy giữ yên lặng cho đến khi có tin cáo phó chính thức từ gia đình ông.

Thấm thoát đã 12 năm qua, lúc đó tôi phụ trách Section B của nhật báo Saigon Nhỏ (7 số trong tuần, chủ đề mỗi ngày khác nhau, Thứ Bảy là Văn Học Nghệ Thuật).

Khi nhận được thiệp mời Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) sẽ thực hiện chương trình nhạc Cung Tiến với chủ đề Vết Chim Bay vào tối Thứ Bảy, 10 tháng Bảy, 2010 tại La Mirada Theater, La Mirada, Nam California. Tôi email cho Việt Hải viết về Cung Tiến. Tuần lễ sau nhận được bài viết của Việt Hảỉ «Cung Tiến: Những Tình Khúc Lãng Mạn Về Cố Nhân». Bài nầy đăng tải trên nhật báo Saigon Nhỏ, số ra ngày thứ Bảy, 12 tháng 6 năm 2010. Trang Văn Học Nghệ Thuật với chủ đề về Cung Tiến. Nhân tiện giới thiệu đêm nhạc Cung Tiến.

Trích những dòng chính của Việt Hải:

Nhà báo Vương Trùng Dương hỏi tôi có bài viết nào về nhạc sĩ Cung Tiến không để anh đăng báo nhân dịp Đêm Cung Tiến «Vết Chim Bay» được tổ chức vào trung tuần tháng Bảy nầy tại Nam California

Trước những năm 75, Giáo sư Cung Thúc Tiến giảng dạy học tại trường đại học Kinh Thương (tức Kinh Tế & Thương Mại, Economics & Business) nơi tôi mài đũng quần trên ghế nhà trường. Trái ngược với môn Kinh Tế, Tài Chánh gồm nhiều số liệu, dữ kiện đo lường, những lý thuyết mang nhiều thống kê, toán học, những thực tế của đời sống thường nhật, dù giảng dạy và làm việc với nghề nghiệp xét ra chẳng có tí ti lãng mạn, nhưng tâm hồn của nhạc sĩ Cung Tiến phải nói là lãng mạn vô song, nhạc dâng nỗi niềm nhớ thương biết bao giờ nguôi, buổi chiều nhung nhớ cố nhân len lén trở về với tâm tư cô đơn...

Bài viết của Việt Hải khá dài với dòng nhạc bán cổ điển (semi-classic) của một thời ở trời Tây, liên tưởng đến những ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Cung Tiến.

Về tiểu sử Cung Tiến đã được đề cập rất nhiều. Trích bài viết của Việt Hải:

Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1938 tại Hà Nội. Thời kỳ trung học, Cung Tiến học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh. Năm 1954 di cư vào Nam, trong khoảng thời gian 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Australia ngành kinh tế và ông có theo tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại Nhạc Viện Sydney.

Trong những năm 1970 đến 1973, với một học bổng cao học của Hội Đồng Anh (British Council) để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại Cambridge, Anh Quốc, ông đã dự các lớp nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại tại đó.

Vào đầu thập niên 1980 Cung Tiến phổ nhạc từ 12 bài thơ trong tù cải tạo của Thanh Tâm Tuyền mang tên «Vang Vang Trời Vào Xuân», tập nhạc này được viết cho giọng hát và Piano và được trình bày lần đầu tiên tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào năm 1985.

Năm 1987, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh Phụ Ngâm, soạn cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3, 1988 tại San Jose với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh 1988.

Năm 1992, Cung Tiến hoàn thành tập Ta Về, thơ Tô Thùy Yên, cho giọng hát, nói, ngâm và dàn nhạc cụ thính phòng. Năm 1993, với tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc quan họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác, ông đã soạn Tổ Khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng. Năm 1997, ca đoàn Dale Warland Singers, đã đặt ông một bản hợp ca nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn nổi tiếng quốc tế này. Năm 2003, Cung Tiến đã trình làng một sáng tác nhạc đương đại Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành dựa trên một điệu dân ca Quan họ. Ông là hội viên của hội nhạc sĩ sáng tác ở Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ.

Cung Tiến sáng tác rất ít và phần lớn các tác phẩm của ông đều sau 1954, trừ bài Thu Vàng, Hoài Cảm được ông viết năm 1953 khi mới 15 tuổi, nhưng chúng thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến bởi cùng phong cách trữ tình lãng mạn. Tự nhận mình là một kẻ amateur trong âm nhạc, viết nhạc như một thú tiêu khiển, Cung Tiến không chú ý tác quyền và lăng xê tên tuổi mình trong lĩnh vực âm nhạc. Các nhạc phẩm Hoài Cảm, Hương xưa của ông được xếp vào những ca khúc bất hủ của tân nhạc Việt Nam.

Với các ca khúc tiêu biểu: Đêm (thơ Thanh Tâm Tuyền) - Đêm Hoa Đăng - Đôi Bờ (thơ Quang Dũng) - Hoài Cảm - Hoàng Hạc Lâu (thơ Thôi Hiệu - Vũ Hoàng Chương dịch) - Hương Xuân - Hương Xưa (viết tặng Duy Trác) - Kẻ Ở (Mai Chị Về) (thơ Nguyễn Đình Tiên, thường bị nhầm là của Quang Dũng) - Lệ Đá Xanh (thơ Thanh Tâm Tuyền, viết tặng Phạm Đình Chương) - Mùa Hoa Nở - Nguyệt Cầm (ý thơ Xuân Diệu) - Thu Vàng - Thuở Làm Thơ Yêu Em (lời Trần Dạ Từ) - Vết Chim Bay (thơ Phạm Thiên Thư)…

Về tác phẩm văn chương:

 Hồi Ký Viết Dưới Hầm (bản dịch tác phẩm của M. Dostoievski, 1969).

Một Ngày Trong Ðời Ivan Denissovitch (dịch từ A. Solzhenitsyn, 1969). Một Ngày của Ivan Denissovitch kể về những gì xẩy đến cho một người tù cải tạo tên Ivan Denissovitch trong một ngày dưới chế độ bạo ngược cộng sản Stalin.

Trong lãnh vực văn học, giữa thập niên 50 và 60, với bút hiệu Thạch Chương, Cung Tiến cũng đã từng đóng góp những sáng tác, nhận định và phê bình văn học, cũng như dịch thuật, cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan Điểm và Văn. (Khi định cư ở Hoa Kỳ có viết cho số báo Việt ngữ với bút hiệu Đăng Hoàng)…

Và cuối bài với cuộc tâm tình của Cung Tiến với phóng viên Mặc Lâm, đài RFA ngày 13 tháng 4, năm 2006.

oOo

Tháng 3 năm 2018, tôi viết bài Thanh Tâm Tuyền, Giữa Lòng Cuộc Đời tưởng niệm 12 năm ngày mất của ông. Nhân bài viết nầy ca sĩ Bích Liên (BS Hội Ung Thư Việt-Mỹ) tặng tôi hai tập nhạc (sáng tác và phối âm) của Cung Tiến.

Tuyển Tập Ca Khúc I  «Hoàng Hạc Lâu» ấn hành ở Minnesota năm 2010 với những nhạc phẩm: Mắt Biếc, Lệ Đá Xanh, Nguyệt Cầm, Hương Xưa, Đêm, Thu Vàng, Thuở Làm Thơ Yêu Em, Kẻ Ở, Hoài Cảm, Đi Núi, Khói Hồ Bay, Đôi Bờ, Vết Chim Bay, Bản Tango Cuối, Hoàng Hạc Lâu. Trong tuyển tập nầy tác giả ghi rõ sáng tác năm nào và thêm phần hòa âm năm nào. Chẳng hạn nhạc phẩm Hương Xưa, khi ấn hành ở Sài Gòn chỉ hai trang, trong tuyển tập nầy (khổ 8.5 X 11) đến bảy trang.

Tuyển Tập Ca Khúc II «Vang Vang Trời Vào Xuân» cùng năm 2010. Trong Lời Chú Giải Của Tác Giả ghi:

Năm 1981, họa sĩ Duy Thanh từ San Francisco gửi cho tôi tập văn/thơ/nhạc Tắm Mát Ngọc Sông Đào, do nhà Lá Bối mới in ở Paris, gồm những sáng tác của một số văn nghệ sĩ miền Nam gửi lén ra từ các «trại cải tạo».

Trong tuyển tập nầy có một số thơ của một Trần Kha nào đó. Duy Thanh, hằng thư tín với gia đình Thanh Tâm Tuyền còn kẹt ở Sài Gòn, bảo rằng ấy là «thơ bạn ta» đấy. Quả nhiên, khi đọc, tôi nghe thấy đúng là thi phong của Thanh Tâm Tuyền. Sau nầy tại Minnesota, gặp lại nhà thơ lúc nào vẫn thấy «còn cô độc» này, tôi hỏi «Sao lại Trần Kha. Muốn làm Kinh Kha chăng?», Thanh Tâm Tuyền đáp: «Tôi đâu có đặt tên kỳ quặc ấy. Giá như ‘Trầm Kha’ thì nghe còn đỡ hơn».

Để nhớ tới và vinh danh, người bạn thiết, lúc ấy vẫn còn đang «lao cải» trong các «trại học tập cải tạo» của Cộng sản Bắc Việt, năm 1981-1883 tôi đã lựa 10 bài «ngục trung thi» của ông để hoàn thành một liên khúc (song cycle) mang tên Vang Vang Trời Vào Xuân ...

Thanh Tâm Tuyền và Cung Tiến thân nhau từ ngày vào Nam (Cung Tiến theo thân phụ vào Nam năm 1952). Ca khúc Lệ Đá Xanh (ý thơ Thanh Tâm Tuyền, 1956) Cung Tiến phổ nhạc năm 1957. Bài thơ Đêm (1955) của Thanh Tâm Tuyền được Cung Tiến phổ nhạc năm 1968. Tháng 4 năm 1990, Thanh Tâm Tuyền định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO, lúc đầu ở tiểu bang Louisiana, sau định cư ở Roseville, tiểu bang Minnesota, gần gũi với Cung Tiến.

Tuyển tập Vang Vang Trời Vào Xuân dày 88 trang, gồm 10 ca khúc: Long Giao, Trăng Tù, Hái Chè Dưới Trời Mưa Tháng Bảy, Bài Hát Tự Do, Nhổ Cỏ Hương Nhu Nhớ Bạn, Chiều Cuối Tuần Qua Xóm Nghèo, Chiều Nắng Hanh Trên Đồi Hương Nhu, Vang Vang Trời Vào Xuân.

Tuyển tập ca khúc với những bài thơ viết trong trong trại tù của Thanh Tâm Tuyền ở vùng rừng núi hẻo lánh Bắc Việt, cách biệt thế giới bên ngoài, với «ngục trung thi» mang tên Vang Vang Trời Vào Xuân thoạt nghe không thích nghi nhưng đọc bài thơ Vang Vang Trời Vào Xuân của Thanh Tâm Tuyền mới cảm nhận:

Mặt trời hồng như trăng

Thức lòng ta buổi sớm

Gió núi thổi rộn ràng

Gọi nghe biển dậy sóng

Đứng vững không khuỵu chân

Trên mảnh đất nghèo khổ

Thở hít tận vô cùng

Ngây say đóa hồng rợ

Vang vang trời vào xuân

Ta bật kêu mừng rỡ

Ơi bạn bè xa xăm

Tim ta cũng cháy đỏ

Rực thắm bóng trăng ngàn.

Trong tuyển tập nầy, ngoài 10 ca khúc phổ thơ trong tù còn có các nhạc phẩm soạn cho hợp ca như Mùa Hoa Nở, Đêm Hoa Đăng và Đường Hoa.

Tháng 10 năm 2020, trong loạt bài «Viết trong mùa đại dịch», tôi viết bài Một Thoáng «Hương Xưa», trong đó dẫn chứng lời ca «Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa. Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô. Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ.Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó»… mà vài tác giả viết chưa đúng về chú giải (đàn nguyệt, đàn nhị… theo GS Trần Văn Khê) và điển tích. «Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô» nói đến chuyện tình Tây Thi với Ngô Phù Sai và Phạm Lãi. Cô Tô ở đây là Cô Tô đài, không phải là Cô Tô trong bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế: «Cô Tô thành nội Hàn San tự». Tây Thi là một trong tứ đại mỹ nhân, thi hào Lý Bạch nói về Tây Thi:

Phong động hà hoa thuỷ điện hương,

Cô Tô đài thượng yến Ngô vương.

Tây Thi tuý vũ kiều vô lực,

Tiếu ỷ đông song bạch ngọc sàng.

(Gió lay động sen trong toả hương thơm ngát

Trên đài Cô Tô, vua Ngô mở yến tiệc

Múa trong cơn say, Tây Thi mệt lả

Cười cựa mình vào giường ngọc bên song)

Tây Thi là người tình của Phạm Lãi nhưng vì vận nước phải dâng cho Ngô Phù Sai. Phù Sai cho xây Cô Tô đài để làm chỗ vui chơi, chính nơi nầy Phù Sai đắm chìm vào tửu sắc nên bị Việt Vương Câu Tiễn phục thù.

Mối tình Trương Quỳnh Như và Phạm Thái thời Lê mạt - sơ Nguyễn trong Tiêu Sơn Tráng Sĩ của nhà văn Khái Hưng.

Robert Schumann: «Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người».

Gioachino Rossini: «Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim».

Beethoven: «Âm nhạc khơi ngọn lửa trong tim người đàn ông và dâng lệ lên mắt người phụ nữ»

J. B Bach: «Âm nhạc có thể giúp tinh thần rũ sạch mọi bụi trần của cuộc sống thường ngày».

Qua những điều ghi nhận đó, thể hiện trong những ca khúc trữ tình của Cung Tiến.

Nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác không nhiều nhưng những ca khúc trữ tình của ông như Thu Vàng, Hoài Cảm, Nguyệt Cầm, Hương Xưa… trải qua nhiều thập niên từ trong nước vào thập niên 50, 60 đến nay ở hải ngoại vẫn được xem là những tình khúc bất hủ.

Bài thơ Viết Chim Bay của Phạm Thiên Thư với 4 câu thơ cuối:

Cõi người có bao nhiêu

Mà tình sầu vô lượng

Còn chi trong giả tưởng

Hay một vết chim bay!

Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu qua nhiều bản dịch, Cung Tiến chọn bản dịch của của nhà thơ Vũ Hoàng Chương với hình ảnh hai câu thơ:

Vàng tung cánh hạc đi đi mãi

Trắng một màu mây vạn vạn đời.

Thứ Bảy, 10 tháng Bảy năm 2010, Cung Tiến từ Minnesota đến xuất hiện trong tại La Mirada Theater, La Mirada, Nam California trong chương trình văn nghệ Vết Chim Bay. 12 năm sau, Cung Tiến vĩnh biệt cõi trần với vết chim bay. «Vàng tung cánh hạc đi đi mãi» nhưng những nhạc phẩm của ông còn gởi lại trong lòng mọi người. «Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa. Hẹn nhau một kiếp xa xôi. Nhớ nhau muôn đời mà thôi!» (Hoài Cảm)

Little Saigon, 06/6/2022
Vương Trùng Dương
(Đặc San Lâm Viên)

No comments:

Post a Comment