Monday, July 29, 2019

Nhân trường hợp Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt: nghĩ về nội tình Giáo hội Việt Nam



Nhân trường hợp 
Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt:
nghĩ về nội tình Giáo hội Việt Nam

Vinh Mỹ
Vừa qua một nhóm người công giáo Việt Nam đã đệ trình Đức Thánh Cha Phanxico thỉnh nguyện thư xin cứu xét trường hợp Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã bị bức bách phải xin từ chức Tổng Giám Mục Hanoi vì «lý do sức khỏe» đến nay đã gần 7 năm. Ngài hiện đang ở trong một nhà dòng khổ tu nơi xa vắng, như một ngọn đèn bị bỏ dưới bục, Thỉnh nguyện thư xin Đức Thánh Cha cho đặt ngọn đèn này lại trên giá nến bằng cách giao cho Ngài một trọng trách trong Giáo hội để Ngài được phục vụ dân Chúa theo đúng khả năng của Ngài.
Tuy nhiên, trường hợp Đức Cha Kiệt chỉ là cái phần nổi của một tảng băng lớn trong đời sống hiện tại của Giáo hội Việt Nam. Đường khổ nạn của Đức Cha Kiệt không phải chỉ mới bắt đầu khi ngài phải từ chức, mà đã xảy ra trước đó 2 năm, khi ngài nhận được lá thư ngày 30 tháng 01 năm 2008 của Đức Hồng Y Bertone ra lệnh cho Ngài phải đình chỉ ngay lập tức những buổi cầu nguyện tập thể, và phải rút ngay Thánh giá và tượng thánh ra khỏi tòa khâm sứ Tòa thánh, nơi mà chính phủ cộng sản muốn chiếm đoạt và Đức Cha Kiệt và giáo dân nhất định bảo vệ.
Như thế, Đức Cha Bertone đã bắt buộc Đức Cha Kiệt phải chấm dứt một cuộc đối kháng bất bạo động, chỉ bằng lời cầu nguyện, khi nhà cầm quyền cộng sản vi phạm công lý và các quyền con người của con cái Chúa.
Việc can thiệp này của Đức Cha Bertone trực tiếp vào vấn đề nội bộ của một Giáo hội địa phương là một điều tối kỵ và tệ hại mà trước đây Giáo hội Balan, đặc biệt là Đức Hồng y Giáo chủ Wyszynski và Tổng Giám Mục Wojtyla (sau là Giáo Hoàng Gioan Phaolo II) đã một thời cực lực phản đối. Các ngài đã «bắn tin cho Tòa thánh hiểu rằng không có chuyện chấp thuận dù trong ý tưởng, sự có mặt ở Balan một đại diên thường trực của Tòa Thánh» (1).
Và Tổng Giám Mục Wyszynski trong Đại Hội đồng Giám mục năm 1978 đã lặp lại những lời khuyến cáo về cái gọi là đối thoại với cộng sản và vai trò thực sự của Ban Tôn Giáo chính phủ, cơ quan được thiết lập trong các nước cộng sản Đông Âu để tìm hết cách tru diệt các tôn giáo. Ngài tuyên bố rõ ràng: «Tòa Thánh không được thảo luận với họ, nhất là không được qua mặt hàng giám mục địa phương.». Mgr Tomasek, giáo chủ Tchèque cũng đồng quan điểm và xin «ngưng ngay chính sách can thiệp của Vatican».
Rõ ràng là Đức Cha Bertone của Tòa Thánh đã coi khinh đấng bản quyền Giáo hội địa phương, phủ nhận quyền lãnh đạo và thực thi nhiệm vụ của Ngài, làm mất uy thế của Ngài trước giáo dân, tự tiện hiến dâng cho cộng sản cái mà Đức Cha Kiệt đã từ chối nhân danh công lý và vì lợi ích Giáo hội.
Thứ đến, Đức Cha Bertone đã vi phạm chỉ thị của Đức Hồng y Ottaviani, chưởng lý Thánh bộ Giáo lý Đức tin của Giáo triều La mã. Theo chỉ thị đó thì nhân viên ngoại giao Vatican «không được làm suy giảm hay làm chán nản khí thế phản kháng của người công giáo trong các nước cộng sản». (2)
Tuy nhiên đó không phải là một lầm lỗi của một cá nhân Đức Cha Bertone! Cũng không phải là một trường hợp riêng lẻ chỉ xảy ra một lần ở Việt Nam; nhưng đó là hành động thường xuyên của Vatican kể từ đầu thập niên sáu mươi khi Vatican áp dụng chính sách ngoai giao Ostpolitik, chủ trương thỏa hiệp với các chế độ cộng sản. Chinh sách đó đã gây nên không biết bao nhiêu là đau khổ cho con cái Chúa sống dưới chế độ độc tài cộng sản trị, chỉ vì họ muốn chống lại sự áp bức bất công của chế độ.
Đức Hồng y Alois Stepinac, Giáo chủ Yougoslavie, chứng nhân và nạn nhân của chính sách đó đã phải kêu lên: «cộng sản không là gì khác mà chính là «hình ảnh sống động của hỏa ngục, một “mendacium incarnatum” (hiện thân của dối trá); với nó mọi thỏa hiệp hoặc cộng tác bất kỳ dưới hình thức nào đều bất khả thi, xét theo quan điểm công giáo» (thư đề 3 tháng 10 năm 1956). Và lịch sử chứng minh ngài đã nói đúng.
Trường hợp Đức Cha Kiệt cũng không khác vói trường hợp Đức Tổng Giám Mục Mindszenty Hồng y Giáo Chủ Hung gia Lợi trước đây. Ngài bị trục xuất khỏi Budapest năm 1971 do sự dàn dựng của Vatican với chính phủ Hung mặc dầu Ngài nhất mực kháng cự. Hai năm sau, Ngài lại bị Đức Thánh Cha Phaolo VI cách chức Tổng Giám Mục Esztergom (kèm chức Giáo chủ), để có thể bổ nhiệm Laszlo Lekaï, một Giám mục thân cọng lên thay, từ đó hàng Giáo phẩm Hung hoàn toàn chịu tuyên thệ trung thành với chính phủ cộng sản.
Tổng Giám Mục Mindszenty bị cách chức vì suốt 10 năm trời Vatican đã làm hết cách để xin ngài tự nguyện làm đơn xin từ chức (vì lý do sức khỏe?!) nhưng Ngài luôn luôn từ chối. Từ năm 1963 Vatican đã cử Đức Hồng y König Tổng Giám Mục Vienne rồi Tổng Giám Mục Casaroli đến Budapest nhiều lần để khuyên dụ mà không được. Ngài giải thích rằng Ngài không thể vâng theo Đức Giáo Hoàng vì: «chức Giáo chủ không những làm Ngài trở thành thủ lãnh một Giáo hội bị áp bức mà còn làm Ngài thành một một biểu tượng quốc gia, một chiến hào cho sự phản kháng và hy vọng của dân tộc Hung». Trong hồi ký, Đức Hồng y trách cứ vị ngoại giao Vatican «đã không nghe tiếng nói của Giáo hội Hung chính thống bị chính quyền bịt miệng, ít chú trọng đến số phận của giáo dân». Ngài còn nói: «Ngoại giao Vatican không hiểu gì thực tế cứ để cho cộng sản lôi kéo vào những cuộc thương thảo có lợi cho chúng, và chỉ mang lại nhiều khó khăn thêm cho người công giáo Hung…» Ngài còn nói với Tổng Giám Mục Casaroli trong buổi tiếp kiến tháng 4 năm 1964: «Nếu thiên hạ không làm con lừa thì bolchevich đã chết tiệt từ lâu… ». (3)
Đức Thánh Cha Phaolo VI đã xử sự như thế - theo như Ngài nói – «không phải vì không biết, hoặc bất chấp những gì xảy ra cho Giáo hội sau bức màn sắt, nhưng vì thấm nhuần đức nhẫn nhục Công giáo và để tránh một tai nạn khủng khiếp hơn». Ngài thật sự khiếp sợ như thế vì Ngài đinh ninh rằng, các thể chế cộng sản tàn ác sẽ thống trị bất tận (!) và phải tìm cho Giáo hội không phải một cách sống «modus vivendi», mà một lối để khỏi chết «modus non moriendi» như Đức Hồng Y Villot đã nhận xét. Chính vì thế mà Ngài đã truyền chức Giám mục cho những người do cộng sản đề cử, và bỏ rơi những chủ chăn chân chính bị cộng sản tru diệt.
Hành động như thế, Vatican đã trúng kế cộng sản vì chính sách của các nước đó là «thành lập một Ủy ban tôn giáo quốc doanh, qui tụ những người công giáo trung thành với chế độ cộng sản; tiếp theo là thiết lập một giáo hội càng ngày càng xa rời rồi dần đi đến ly khai với Roma; giai đoạn cuối cùng là từng bước một dùng thủ đoạn hủy diệt đời sống tôn giáo, trước hết là lo việc thành lập một đội ngũ giám mục quốc doanh do việc thủ tiêu những giám mục trung thành với giáo hội và thay vào đó bằng những giám mục do chế độ lựa chọn và đề cử, thứ đến biến lễ nghi công giáo thành thứ nghi lễ chỉ có hình thức hoặc biến thành lễ hội trần tục».
May cho Giáo hội, tiến trình đó đã được Giáo Hoàng Gioan Phaolo II chận lại, hay đúng hơn là chuyển hướng, ngài «tâm niệm rằng Ospolitik dưới thời hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm là một sai lầm». (4)
Balan và các nước Đông Âu đã đứng lên diệt trừ cộng sản và thiết lập lại các chế độ tự do dân chủ, bình thường hóa quan hệ với Vatican, (thứ quan hệ mà các nước cộng sản đã lợi dụng để nhử Vatican bỏ mồi chạy theo bắt bóng, hy sinh cả những giá trị cao quí nhất của Giáo hội đó là giáo lý và truyền thống), không để thần quyền (Giáo hội) bị thế quyền (nhà nước) chi phối khi họ ngụy biện nói là «để cứu các linh hồn, chúng tôi có đủ can đảm để thương thảo cả với ma quỉ!». đó chỉ là cách nói lộng ngôn, trái hẳn với giáo lý và Phúc âm của Chúa. (5)
Bức tường Bá Linh đã bị giật sập, chế độ cộng sản đã bị đào thải ở Âu châu, nhưng nó còn ngự trị trên ba bốn nước trong đó không may, và khốn nạn thay có nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Và như chúng ta đã thấy, Ostpolitik vẫn tiếp tục được Đức Cha Bertone và Vatican triệt để áp dụng như không có gì đã xảy ra! Vatican vẫn chạy theo ve vãn chế độ cộng sản làm khổ cho dân công giáo việt nam. Nếu chỉ là việc tiếp đón niềm nở ở Roma những lãnh tụ cộng sản Việt nam thì là việc nhỏ, chỉ làm những giáo dân chứng kiến phải buồn lòng. Nhưng khi Vatican thỏa thuận để cộng sản ưu tiên trong việc bổ nhiệm các Giám mục thì Vatican đã để thế quyền can thiệp và chi phối phạm vi thần quyền của Giáo hội.
Tình hình đã xảy ra tại Việt Nam là «Khi một địa phận trống ngôi, Tòa Thánh để cử 3 ứng cử viên và chính thể cộng sản loại bỏ những người không vừa ý họ» (6)
Có khi cả 3 người đều không vừa ý và bị loại cả 3 và phải chờ mãi cho đến khi có người được cộng sản chấp thuận. Vị được cộng sản lựa chọn đó sẽ được Giáo hội tấn phong làm đấng chăn chiên đích thực được Chúa Thánh Linh lựa chọn để điều khiển Giáo hội theo đúng con đường của Chúa! Thật là nghịch lý!
Tất cả các Giám mục, Tổng Giám mục Việt nam hiện nay đều được bầu theo một qui trình đó, kể cả Tổng Giám Mục Kiệt. Trên thực tế, Giáo hội Việt Nam đang được diều khiển bởi hàng Giám mục được lựa chọn bởi chính thể vô thấn cộng sản, thù nghịch vói công giáo! Như thế chúng ta mới hiểu tại sao khi giáo dân công giáo phản kháng những tàn ác bất công và vi phạm nhân quyền, tự do, kể cả tự do tôn giáo, thì không cần chính thể cộng sản phải lên tiếng, giám mục tự nguyện biết phải lo đền ơn cộng sản bằng cách dùng quyền Giáo hội ban cho để dập tắt mọi đối kháng của giáo dân, cấm cả cầu nguyện cho những người bị áp bức, cấm than vãn, cấm cả rên khóc!
Những Giám mục gây thiệt hại là những vị im tiếng, những vị mà Đức Giáo Hoàng Bênêdicto gọi là chó câm, không chịu sủa khi kẻ trộm vào nhà! Có một vài vị xông xáo tỏ ra mình bênh vực con chiên, chống lại bất công tàn ác cộng sản, nhưng với thời gian và sau vài «vụ la ó», người ta thấy rõ đó chỉ là thứ lửa chắn, đốt lên để dập tắt ngọn lửa đấu tranh của dân công giáo, giúp giữ an ninh trật tự cho cộng sản. Chính quyền cộng sản nắm chặt họ băng cách cho ăn cà rốt và ăn đòn.
Trở lại trường hơp Đức Cha Kiệt! Đức Cha Kiệt bị cộng sản đòi phải rời ghế Tổng Giám Mục Hà nội vì chính họ đã loại ra những ứng viên sáng giá khác và nhận cho Ngài chức vụ đó với hy vọng Ngài cũng sẽ ngoan ngoãn như những vị khác. Thế mà nay Ngài lại xử sự chống lại những đòi hỏi của họ. Chắc họ thầm nghĩ: nếu họ không chọn thì Ngài đâu được chức vị đó! Họ cho đó là một sự phản bội và hình phạt phải là cân xứng: Phải cách chức Ngài! Họ vận dụng những điệp viên nằm vùng ở Vatican (mấy Đưc ông người việt) và ở tòa đại sứ Viet Nam ở Ý thương thảo đổi chác với Tòa thánh, và kết quả là Đức Cha Kiệt «bị» từ chức, rồi chỉ vài tuần sau đó Vatican được chấp thuận gửi một đại diện không thường trực tới Việt Nam.
Bình luận hai sự kiện nầy ký giả Sandro Magister đã viết như sau trong tờ La Chiesa Cattolica xuất bản tại Roma ngày 3/8/2010: «Cái giá phải trả cho một thỏa thuận ngoại giao: Vatican được phép cử một đại diện tới Việt Nam nhưng buộc phải thay Tổng Giám Mục Hà nội vì ông làm mất lòng họ».
Để kết thúc, tôi xin trich dẫn điểm 2 của bản thỉnh nguỵện gồm 31 điểm do ông Augustin Navratil và một nhóm giáo dân Tiệp khắc ban bố năm 1986, dưới sự bảo trợ của Hồng y Tomasek để đòi tự do tôn giáo: «Chúng tôi đòi hỏi các giới chức nhà nước không được can thiệp vào việc tuyển chọn các giám mục. Sự bổ nhiệm đó phải là việc nội bộ của Giáo hội, nhà nước không được can thiệp vào» không lẽ người công giáo Việt Nam cũng phải thỉnh nguyện như thế (mutatis mutandis) với cả Tòa Thánh!
__________
 (1) Lecomte La vérité l’emportera toujours sur le mensonge pp. 64-67;
 (2) Ottaviani in: la politica del dialogo p. 83, 84) ;
 (3) Philippe Chenaux. L’Eglise catholique et le communiste en Europe p. 276
 (4) Lecomte. -La vérité l’emportera toujours sur le mensonge p. 72
 (5) Leconte - p. 61
 (6) «Au Vietnam cette procédure est codifiée par un accord avec le Saint-Siège. Lorsqu’un diocèse est vacant, Rome présente trois candidats et les autorités vietnamiennes excluent ceux qui ne leur conviennent pas.» in: Chiesa cattolica, Roma 3/8/2010.

No comments:

Post a Comment