Wednesday, August 15, 2018

Tuyên bố & kế hoạch hành động Potomac



Tuyên bố & kế hoạch hành động Potomac

Trong 3 ngày 24-26 tháng 7 năm 2018 vừa qua, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo triệu tập cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên về tự do tôn giáo. Tổng cộng 85 quốc gia đồng quan điểm với Hoa Kỳ đã tham dự. Mục đích chính của cuộc họp chưa từng có này là dấy lên một nỗ lực quốc tế rộng lớn và dài lâu để tạo sự thay đổi ở những quốc gia và khu vực nơi mà tình hình tự do tôn giáo đang rất u ám, trong đó có Việt Nam.

Cuộc họp 3 ngày tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đưa ra hai văn kiện quan trọng; Tuyên Bố Potomac và Kế Hoạch Hành Động Potomac.



Tuyên bố Potomac*
Lời mở đầu:

Điều 18 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nêu rõ: «mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin, và tự do, dù với tư cách cá nhân hoặc trong tư cách cộng đồng với những người khác và một cách công cộng hoặc riêng tư, thể hiện tôn giáo hay niềm tin của trong việc giảng dạy, thực hành, thờ phượng và tuân thủ.»  Sự tự do thể hiện đức tin của mình là một quyền con người do Thượng Đế ban thuộc về mỗi người. Quyền tự do tìm kiếm sự thiêng liêng và hành động một cách phù hợp -- bao gồm quyền của một cá nhân hành động nhất quán với lương tâm của mình -- là tâm điểm của quá trình trải nghiệm của nhân loại. Các Chính Quyền không thể tước đi quyền đó. Thay vào đó, mỗi quốc gia phải chia sẻ trách nhiệm trang trọng này nhằm bảo vệ và che chở tự do tôn giáo.

Ngày nay, chúng ta còn cách xa lý tưởng được đề ra trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 70 năm trước -- rằng «mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo.» Quyền này đang bị tấn công trên khắp thế giới. Gần 80 phần trăm dân số toàn cầu được báo cáo là đang chịu những hạn chế nghiêm trọng về quyền này.  Sự bức hại, đàn áp và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo, niềm tin, hoặc không niềm tin là một thực tế xảy ra hàng ngày cho rất nhiều người. Đã đến lúc chúng ta phải trực diện với những thách thức này.

Bảo vệ quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin là trách nhiệm chung của cộng đồng toàn cầu. Tự do tôn giáo là điều cần thiết để đạt được hòa bình và ổn định trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Nơi nào tự do tôn giáo được bảo vệ, các quyền tự do khác -- như tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tụ tập một cách hòa bình -- cũng đều phát triển.  Các biện pháp bảo vệ việc thực hành tự do tôn giáo đóng góp trực tiếp cho tự do chính trị, phát triển kinh tế và thể chế pháp trị. Nơi nào tự do tôn giáo không hiện hữu, chúng ta thấy có sự xung đột, bất ổn và khủng bố.

Thế giới của chúng ta cũng trở nên một nơi tốt đẹp hơn khi tự do tôn giáo được phát triển mạnh mẽ. Xuyên qua lịch sử nhân loại, tín ngưỡng của cá nhân và của cộng đồng và sự biểu hiện của đức tin là yếu tố thiết yếu cho sự phát triển xã hội.  Những người có đức tin đóng một vai trò vô giá trong cộng đồng chúng ta. Đức tin và lương tâm thúc đẩy mọi người phát huy sự hòa bình, khoan dung và công bằng; giúp đỡ người nghèo; chăm sóc người bệnh; an ủi người cô đơn; tham gia vào các cuộc tranh luận công khai; và phục vụ quốc gia của họ.

Tự do tôn giáo là một quyền con người có ảnh hưởng rộng lớn, phổ quát và sâu sắc mà tất cả mọi người và các quốc gia có thiện ý phải bảo vệ khắp toàn cầu.

Với ý nghĩ đó, vị Chủ Toạ Cuộc Họp Cấp Bộ Trưởng Nhằm Phát Huy Tự Do Tôn Giáo tuyên bố:

Mọi người ở mọi nơi đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Mọi người đều có quyền sở hữu bất kỳ một đức tin hay niềm tin nào đó, hoặc không thứ nào cả, và có quyền thay đổi đức tin.

Tự do tôn giáo là phổ quát và không thể cách ly ra khỏi con người, và các quốc gia phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người này.

Lương tâm của một người là bất khả xâm phạm. Quyền tự do lương tâm, như được nêu ra trong các công ước về nhân quyền, là tâm điểm của tự do tôn giáo.

Mọi người đều bình đẳng trên căn bản người đó là một thành phần của nhân loại.  Chúng ta không được phân biệt đối xử với người khác dựa trên tôn giáo hoặc niềm tin của người đó. Mọi người đều được bảo vệ một cách bình đẳng trước pháp luật bất kể họ theo tôn giáo nào hay không có tôn giáo. Quyền công dân hoặc việc thực hiện quyền con người và các quyền tự do căn bản không phải tuỳ thuộc vào căn cước hoặc di sản tôn giáo.

Sự ép buộc để bắt một người chấp nhận một tôn giáo nào đó là không phù hợp với và vi phạm quyền tự do tôn giáo. Việc dùng vũ lực hay hình phạt để buộc các tín hữu của một tôn giáo nào đó hoặc những người không theo đạo chấp nhận các niềm tin khác, buộc họ từ bỏ đức tin của họ, hoặc buộc họ tiết lộ đức tin của họ là hoàn toàn trái ngược với quyền tự do tôn giáo.

Tự do tôn giáo áp dụng cho mọi cá nhân như người sở hữu quyền đó. Người tín hữu có thể thực hiện quyền này một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, và ở nơi công cộng hay tại chốn riêng tư. Trong khi các tôn giáo tự thân không có quyền con người, song các cộng đồng và định chế tôn giáo được thụ hưởng chúng thông qua các quyền con người của các thành viên của mình.

Những người thuộc về các cộng đồng đức tin và những người không theo một tôn giáo nào đều có quyền tự do tham gia các cuộc thảo luận công cộng trong xã hội của họ. Việc một chính quyền thành lập một tôn giáo chính thức hoặc một đức tin truyền thống không được làm phương hại đến tự do tôn giáo hoặc cổ suý sự phân biệt đối xử đối với các tín hữu thuộc các tôn giáo khác hoặc những người không theo một niềm tin nào.

Sự hưởng thụ tích cực quyền tự do tôn giáo hoặc niềm bao hàm nhiều hình thức biểu thị và một phạm vi rộng về thực hành. Chúng có thể bao gồm việc thờ phượng, tuân thủ, cầu nguyện, thực hành, giảng dạy và các hoạt động khác.

Cha mẹ và người giám hộ hợp pháp có quyền bảo đảm việc giáo dục tôn giáo và đạo đức cho con cái của họ phù hợp với lòng tin của chính họ.

Tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử chung của nhân loại và trong các xã hội ngày nay. Các di tích và vật thể văn hóa quan trọng cho các sinh hoạt tôn giáo trong quá khứ, hiện tại và tương lai cần được bảo tồn và tôn trọng.


Kế hoạch hành động Potomac*

«Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin, và tự do, dù với tư cách cá nhân, hoặc trong tư cách cộng đồng với những người khác và một cách công cộng hoặc riêng tư, thể hiện tôn giáo hay niềm tin của mình trong việc giảng dạy, thực hành, thờ phượng và tuân thủ.»
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Đối mặt với những thách thức với tự do tôn giáo trên toàn thế giới, vị Chủ Toạ Cuộc Họp Cấp Bộ Trưởng Nhằm Phát Huy Tự Do Tôn Giáo trình bày Kế Hoạch Hành động Potomac này như một khuôn khổ cho hoạt động quốc gia và đa quốc gia. Cộng đồng quốc tế được khuyến khích dựa trên các quy định của Kế Hoạch Hành Động này để đối phó với các vi phạm và lạm dụng tự do tôn giáo hoặc trong các trường hợp bức hại liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, hay phi tín ngưỡng:

Bảo vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo hoặc Tín Ngưỡng của Con Người

Các quốc gia nên cùng nhau tăng cường vận động và phối hợp để thúc đẩy và bảo vệ tự do tôn giáo và chống lại các bức hại các cá nhân vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Trong tinh thần đó, các quốc gia nên thực hiện các việc làm sau để:

• Mạnh mẽ lên án các hành vi phân biệt đối xử và dùng bạo lực dưới danh nghĩa một tôn giáo hoặc chống lại một tôn giáo nào đó, hoặc phi tôn giáo, và áp lực để quy trách ngay lập tức đối với những người chủ trương bạo lực đó, bao gồm các nhân viên chính phủ hay phi chính phủ.

• Bảo vệ các thành viên của cộng đồng tôn giáo, các thành viên bất đồng chính kiến, và những người không có niềm tin trước các mối đe dọa đến tự do, an toàn, sinh kế và an ninh của họ liên quan đến tín ngưỡng của họ.

• Tôn trọng quyền tự do của cha mẹ trong việc chọn lựa cho con cái họ giáo dục tôn giáo và đạo đức phù hợp với lương tâm và lòng tin của chính họ, và để đảm bảo các thành viên của cộng đồng tôn giáo thiểu số và những người không có đạo không bị truyền giáo qua hình thức áp lực để gia nhập vào các đức tin khác.

• Bảo vệ khả năng phát hành các ấn phẩm và tài liệu tôn giáo của các tín đồ, các cơ cấu và các tổ chức tôn giáo với số lượng mà họ mong muốn, cũng như nhập khẩu và phổ biến các tài liệu tôn giáo.

• Gia tăng sự hiểu biết toàn cầu về ảnh hưởng của việc đàn áp tự do tôn giáo vì nó có thể dẫn tới chủ nghĩa bạo lực cực đoan, sự phân biệt phe phái, sự xung đột, sự bất an và bất ổn.

• Đảm bảo rằng các cáo buộc nguỵ tạo của «chủ nghĩa cực đoan» không được đem ra sử dụng như một lý do để áp chế tự do cá nhân khi họ thể hiện hay thực hành đức tin tôn giáo của họ, hoặc bằng cách hạn chế quyền tự do nhóm họp một cách hoà bình và lập hội.

• Loại bỏ những cấm cản dẫn đến sự hạn chế khả năng của các tín hữu và những người không theo đạo trong việc thể hiện đức tin hay tín ngưỡng của họ qua việc tuân thủ và thực hành, với tư cách cá nhân hoặc trong tư cách cộng đồng với những người khác, dưới các hình thức như nhóm họp hòa bình, thờ phượng, tuân thủ, cầu nguyện, thực hành, giảng dạy và các hoạt động tôn giáo khác.

• Phát biểu dưới hình thức song phương, cũng như qua các diễn đàn đa phương, lên án các vi phạm hoặc di hại đến quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Đối Mặt với các Giới Hạn Pháp Lý

Các quốc gia nên thúc đẩy tự do tôn giáo và đưa ra các luật lệ và chính sách phù hợp và tương đồng với các định chế nhân quyền quốc tế về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Trong tinh thần đó, các quốc gia nên thực hiện các việc làm sau để:

• Bảo vệ quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, hoặc tín ngưỡng và bảo đảm các cá nhân có thể tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin, hoặc không có niềm tin, sẽ không bị trừng phạt hoặc bị đe doạ bằng bạo lực, và khuyến khích việc bãi bỏ các quy định xử phạt hoặc phân biệt đối xử đối với các cá nhân khi họ thay đổi tôn giáo hay niềm tin.

• Khuyến khích mọi hệ thống đăng ký tôn giáo do nhà nước quản lý nhằm chính thức công nhận các cộng đồng tôn giáo là tùy nghi, không bó buộc, và không rườm rà, để tạo điều kiện dễ dàng cho việc thực hành tôn giáo của các cộng đồng tín hữu một cách tự do và hợp pháp.

• Cho phép các cộng đồng tôn giáo tự do thiết lập các nơi thờ phượng dễ dàng đi lại hay tụ họp ở nơi công cộng hoặc chốn riêng tư, để tự họ tổ chức theo cấu trúc với cấp bậc và thể chế của riêng họ, để họ đào tạo nhân viên phục vụ tôn giáo và thành viên trong cộng đồng của họ, và để họ lựa chọn, bổ nhiệm và thay thế nhân sự phù hợp với tín ngưỡng của họ mà không có sự can thiệp của chính phủ.

• Bãi bỏ các luật cấm phỉ báng các thần linh hay giáo sỹ, vốn dĩ rất chủ quan, và thường dẫn đến chủ trương phe phái và chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Việc thi hành các luật đó sẽ ngăn cản việc thực hiện các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và biểu hiện đức tin, và dẫn đến các vi phạm hay di hại đến nhân quyền khác.

• Nhận thức rằng sự tôn trọng tự do tôn giáo có thể mở cửa cho các giáo sỹ của các tôn giáo tham gia vào các nỗ lực xây dựng nhằm ngăn chặn và chống lại chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và xung đột bạo lực, và hợp tác một cách tương tự với những người phi tôn giáo.

• Khuyến khích sự thiết lập các luật và chính sách cho phép việc phản đối vì lý do lương tâm để phù hợp với niềm tin tôn giáo của những người trong lứa tuổi thi hành quân dịch và cho phép họ lựa chọn các nghĩa vụ khác thay thế cho việc thi hành quân dịch.

Vận Động cho Quyền Bình Đẳng và Bảo Vệ cho Tất Cả Mọi Người, bao gồm Các Thành Viên của Các Tôn Giáo Thiểu Số

Các quốc gia nên phát huy quyền con người của các thành viên thuộc tôn giáo thiểu số, các thành viên bất đồng chính kiến ​​với tôn giáo đa số, và những người không có niềm tin, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Trong tinh thần đó, các quốc gia nên thực hiện các việc làm sau để:

• Đối xử với tất cả mọi người bình đẳng theo luật - bất kể tôn giáo, tín ngưỡng của mỗi cá nhân, hoặc người không có tôn giáo - và đảm bảo các viên chức thực thi pháp luật có biện pháp bảo vệ tất cả mọi người, bao gồm cả các thành viên của tôn giáo thiểu số, tránh xa các hành động gây hại hoặc phân biệt đối xử vì lý do đức tin hay tín ngưỡng của họ.

• Ngăn chặn sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo hoặc tín ngưỡng trong việc tiếp cận công lý, công việc làm, giáo dục và nhà ở, trong việc xem xét về tình trạng cá nhân và trong luật gia đình, và trong cơ hội được phát biểu ý kiến trước các diễn đàn công cộng.

• Đảm bảo rằng tất cả mọi người, kể cả các thành viên của cộng đồng tôn giáo thiểu số, không bị cưỡng bức thay đổi đạo, và họ được hưởng quyền và nhận sự bảo vệ một cách bình đẳng theo luật mà không bị phân biệt đối xử.

• Phản ứng nhanh chóng với các cuộc tấn công thể chất và sự hủy diệt hoặc phá hoại các địa điểm thiêng liêng hoặc tài sản dựa trên lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, và buộc những mgười gây ra sự việc đó chịu trách nhiệm về hành động của họ.

• Khuyến khích việc giảng dạy về giá trị của sự hiểu biết và sự cộng tác trong nội bộ của các đức tin và giữa các đức tin với nhau; và thúc đẩy sự hiểu biết tổng quát về các tôn giáo trên thế giới hầu giảm bớt những hiểu lầm và các khuôn mẫu không đẹp được gán ghép cho một tôn giáo nào đó.

• Nuôi dưỡng tự do tôn giáo và tính đa nguyên qua sự phát huy khả năng các tín hữu của tất cả các cộng đồng tôn giáo, bao gồm cả các di dân lao động, thực hành tôn giáo của họ, và đóng góp một cách công khai và bình đẳng cho xã hội.

• Khuyến khích các cơ quan thẩm quyền tố cáo và lên án sự phân biệt đối xử công khai và tội phạm nhắm vào các cá nhân vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ, hoặc vì họ không theo đạo.

Đối Phó Với Tội Diệt Chủng và Các Tội Ác Ảnh Hưởng Đến Số Đông Người

Các quốc gia nên sử dụng các phương tiện ngoại giao, nhân đạo và các phương tiện cần thiết khác để bảo vệ dân chúng không bị đối đầu vói sự diệt chủng, với tội ác chiến tranh, với sự tàn sát một dân tộc nào đó và tội ác chống nhân loại, kể cả khi những sự việc này được thi hành dựa trên lòng xác tín vì tôn giáo. Trong tinh thần đó, các quốc gia nên thực hiện các việc làm sau để:

• Hành động ngay lập tức để bảo vệ dân chúng của họ khỏi bị diệt chủng, hứng chịu tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và sự tàn sát một dân tộc nào đó.

• Lên án các thông điệp hoặc các câu chuyện thúc đẩy bạo lực chống lại những người thuộc một tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào đó, hoặc thúc đẩy sự căng thẳng nội bộ của một tôn giáo hay giữa các tôn giáo với nhau, do các viên chức chính quyền hay những người không liên quan đến chính quyền thực hiện.

• Thực hiện những bước nhằm hỗ trợ các nỗ lực điều tra, và giữ dìn bằng chứng và lập hồ sơ các nghi phạm khi làm báo cáo liên quan đến trọng tội, bao gồm tội diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, hoặc sự tàn sát một dân tộc nào đó.

• Buộc những người gây ra tội ác phải chịu trách nhiệm về các hành động đưa đến tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh, tàn bạo với số đông người, và tàn sát một dân tộc và các tội phạm liên quan; và sử dụng các cơ chế để thúc đẩy việc chịu trách nhiệm về hành động của mình, công lý và sự hòa giải.

• Xem xét nhu cầu của những người sống sót và gia đình của những người sống sót do tội ác gây ra, và giúp đỡ, hỗ trợ cho họ và cung ứng vật lực/tài lực để giúp họ xây dựng lại và hàn gắn lại các nỗi đau thương mà các cộng đồng và cá nhân bị hứng chịu trong các vùng bị ảnh hưởng sau cuộc chiến.

• Hợp tác với các nạn nhân tình nguyện và những người sống sót sau những hành động tàn bạo với một số đông người để phát triển và phổ biến các thông tin, và giáo dục quần chúng về kinh nghiệm, sự phục hồi và sự sinh tồn của các nạn nhân này.

Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa

Các quốc gia nên tăng cường nỗ lực bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa, bao gồm cả di sản văn hoá của các cộng đồng tôn giáo thiểu số bị đe dọa, đặc biệt là trong các khu vực xảy ra các vụ xung đột, và bảo tồn các địa điểm có các di sản văn hóa, thậm chí các di sản văn hoá của cả những cộng đồng còn ít người ở lại hoặc di cư sang các nước khác. Trong tinh thần đó, các quốc gia nên thực hiện các việc làm sau để:

• Thiết lập và thực thi các chính sách để giới thiệu hay cải thiện việc lập danh sách các di tích và vật thể văn hóa nhằm phát huy sự tôn trọng và bảo vệ di sản, bao gồm những nơi thờ phượng, các địa điểm liên quan đến tôn giáo, đền thờ và nghĩa trang, và thực thi các biện pháp bảo vệ các địa điểm có thể dễ dàng bị phá phách hoặc hủy diệt bởi các viên chức chính quyền hoặc bởi những người không liên quan đế chính quyền.

• Bảo vệ các di sản và giúp các chính phủ khác làm như vậy, qua các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo chuyên môn cho các viên chức có nhiệm vụ liên quan, cũng như cung cấp các hỗ trợ khẩn cấp cho các địa điểm/di tích văn hoá đang gặp nguy hiểm.

• Hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng nhằm đem lại sự an toàn, bảo vệ, sửa chữa và/ hoặc ổn định các di sản văn hóa của họ.

• Khuyến khích sự tham gia của dân chúng địa phương trong việc bảo tồn di sản văn hóa, và mời gọi các thành viên của cộng đồng tôn giáo và những người khác, bao gồm cả các vị lãnh đạo của họ, tham dự vào việc huấn luyện và đào tạo về cách bảo vệ di sản văn hóa của họ để tránh không bị hư hại và/ hoặc bị cướp bóc.

• Hỗ trợ những nỗ lực nhằm khôi phục các di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với nhiều cộng đồng trong khu vực xảy ra sự xung đột để thúc đẩy quan hệ nội tại và giữa các đức tin khác nhau nhằm xây dựng lại niềm tin.

• Nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ, về ý nghĩa và lịch sử của di sản văn hóa, bằng cách hợp tác làm việc với và qua các đối tác tôn giáo và các nhà lãnh đạo cộng đồng khác.


Củng Cố Sự Đáp Ứng

Các quốc gia nên hành động để đối phó với các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo đang tiếp tục tăng trưởng trên toàn thế giới. Trong tinh thần đó, các quốc gia nên xem xét việc ủng hộ Tuyên Bố Potomac và thực hiện các việc làm sau để:

• Nới rộng việc hỗ trợ tài chính để giúp đỡ cho những người bị bức hại vì vận động, qua sự liên kết hoặc thực hành, cho tự do tôn giáo, hoặc cho những người không theo đạo; và hỗ trợ công tác xây dựng năng lực cho các tổ chức vận động cho tự do tôn giáo, và khuyến khích các quỹ (foundation) tư nhân tăng tài trợ cho những tổ chức nhắm đến mục tiêu đó.

• Tăng cường luật lệ, bảo đảm sự xét xử công bằng và khả năng của các cơ chế để bảo vệ quyền tự do tôn giáo và các quyền con người khác.

• Cung cấp thêm các dịch vụ ngoại giao thông qua việc thiết lập các chức vụ như đại sứ đặc biệt hoặc lập ra các mục tiêu chính tại Bộ Ngoại Giao, và hỗ trợ hành động tập thể thông qua các nhóm như Nhóm Liên Lạc Quốc Tế về Tự do Tôn Giáo hoặc Tín ngưỡng, và Hội đồng Quốc tế về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng.

• Đào tạo và trang bị cho các nhà ngoại giao về ý nghĩa và giá trị của tự do tôn giáo và cách thức nhằm nâng cao các hoạt động của tự do tôn giáo.

• Nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, đề xuất lấy ngày 3 tháng 8, ngày đầu tiên của vụ thảm sát người Yezidis tại Sinjar do ISIS chủ trương, là ngày tưởng niệm quốc gia hoặc quốc tế hàng năm để tưởng nhớ đến những người sống sót sau cuộc đàn áp tôn giáo này.

• Cho phép và hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự và các đối tác tôn giáo trong nỗ lực của họ để vận động, và tổ chức thay mặt cho tự do tôn giáo, đa nguyên, hòa bình và khoan dung và các giá trị liên hệ.

• Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các diễn đàn trong nước, hoặc sử dụng các nhóm hiện hữu, mà tại nơi đó các nhóm tôn giáo, các tổ chức dựa trên đức tin, và xã hội dân sự có thể gặp gỡ để thảo luận về các lo ngại liên quan đến tự do tôn giáo ở trong và ngoài nước, cũng như thông qua các cơ quan ở cấp vùng.

• Khuyến khích các bộ và các viên chức chính phủ tham gia và lắng nghe các diễn đàn trong nước một cách thường xuyên, và nếu được, thực thi các đề xuất có ý nghĩa.

• Khuyến khích các dự án đầu tư kinh tế quốc gia thúc đẩy sự cộng tác và xây dựng niềm tin giữa các cộng đồng khác nhau và thể hiện lợi ích kinh tế, xã hội và cá nhân qua sự tôn trọng tự do tôn giáo và đa nguyên.

• Đào tạo và hỗ trợ các đối tác thuộc cộng đồng tôn giáo, bao gồm các đối tác tôn giáo, để xây dựng sự phục hồi và để ngăn chặn bạo lực cực đoan và khủng bố ảnh hưởng tiêu cực đến tự do tôn giáo, bằng cách phổ biến các thông điệp chính đáng, kêu gọi sự tham gia của các thành viên cộng đồng đang gặp nguy cơ, và thực hiện quan hệ đối tác trong nội bộ của các tín ngưỡng và giữa các tín ngưỡng với nhau.

Toàn bộ hai văn kiện này có thể truy cập tại trang

*Bản dịch của BPSOS

No comments:

Post a Comment