Wednesday, August 15, 2018

Quyền lực lãnh đạo của Tập Cận Bình bị thách thức?



Quyền lực lãnh đạo của Tập Cận Bình bị thách thức?

Chỉ mới hồi tháng 3 năm nay, thế giới và 1 tỷ người dân Hoa Lục chứng kiến uy quyền của Tập Cận Bình lên đến tột đỉnh khi quốc hội Trung Cộng bỏ phiếu quyết định bỏ điều quy định của hiến pháp giới hạn một người chỉ được giữ chức Chủ tịch nước tối đa 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Điều đó được coi là hành động mở toang cửa cấm, dọn đường cho Tập tiếp tục nắm quyền lực tối cao thêm một thập niên nữa (và thậm chí lâu hơn thế nếu muốn) ở cả 3 vị trí quan trọng nhất: Chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng Cộng sản (CPC) và Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC).

Từ khi lên nắm quyền năm 2012, song song với những bước loại trừ các đối thủ có tầm cỡ, Tập tìm đủ mọi cách để củng cố quyền lực, kể cả các biện pháp kiểm duyệt gắt gao và trừng phạt nặng nề để hòng dập tắt mọi chống đối, cả trong lẫn ngoài đảng. Vì thế kết quả biểu quyết của Quốc hội Trung Cộng tháng 3/2018 được kể là chiến thắng rõ ràng của Tập.

Thế nhưng chưa đầy 5 tháng sau đó, một loạt rắc rối như vụ bê bối vắc-xin thuốc chủng ngừa cho ấu nhi, cuộc chiến thương mại với Mỹ đã gây ra nhiều hoang mang lo lắng trong xã hội Hoa lục, nhất là trong hàng ngũ đảng viên. Điều đó đã giúp những người có quan điểm chỉ trích Tập thêm bạo dạn và từ đó, nhiều hoài nghi về khả năng kiểm soát toàn diện tình hình của Tập Cận Bình đã xuất hiện công khai, điều ít thấy trước đó.

*

Gần đây nhất và được công luận trong và ngoài Trung Cộng chú ý nhất là bài viết của một nhà khoa bảng có tiếng tại Hoa lục, giáo sư Hứa Chương Nhuận thuộc Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh. GS Hứa Chương Nhuận mạnh mẽ phê bình chính sách cứng rắn của Tập Cận Bình, đả kích việc Tập phục hồi quan niệm chính thống của chủ nghĩa CS và «để cho bộ máy tuyên truyền của đảng tung ra tràn ngập những lời lẽ nịnh nọt lấy lòng lãnh đạo». Ông đã thẳng thắn chỉ trích mạnh mẽ các chính sách cứng rắn của Tập qua cái gọi là «Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc trong thời đại mới».

Trong bài xã luận đăng trên trang web của Viện Kinh tế Nguyên Tắc, một tổ chức tư vấn độc lập về chính sách kinh tế và dân chủ hiến định có uy tín nhất ở Trung Quốc hiện nay, GS Hứa viết: «Toàn dân, trong đó có cả giới tinh hoa Trung Quốc nay đều thấy không an tâm về hướng đi của đất nước cũng như về sự an toàn của chính bản thân mình, và sự lo ngại ngày càng tăng đã lan rộng thành nỗi hoảng sợ trong toàn xã hội». Hơn thế, GS Hứa Chương Nhuận còn thúc giục quốc hội Trung Cộng «can đảm hủy bỏ kết quả biểu quyết hồi đầu tháng 3 vừa rồi, tức quyết định hủy bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ Chủ tịch nhà nước của Tập Cận Bình».

Nhiều học giả, trí thức Hoa lục cho rằng phát biểu của GS Hứa thật là dũng cảm. Họ thú nhận, tuy có cùng suy nghĩ như vậy nhưng không dám nói ra và rất nhiều người trong giới học giả, trí thức Hoa lục đã truyền nhau bài viết này của Hứa Chương Nhuận. Dù bài viết đã bị cơ quan kiểm duyệt ngăn cản nhưng cuối cùng bài này đã được loan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở Hoa lục.

Nhiều học giả Tây phương có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về chế độ CS Trung Hoa đã có chung nhận định rằng «nội dung bài viết và văn phong rất mạnh sẽ của GS Hứa Chương Nhuận đã gây chấn động mạnh mẽ trong xã hội cũng như trong suốt cả hệ thống đảng và nhà nước CS Trung Hoa».

Một số chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Cộng cho rằng cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ có thể kiềm chế được để ngăn ngừa hậu quả «lưỡng bại câu thương» sẽ gây ra nguy cơ sụp đổ, nếu như Bắc Kinh có cách hành xử linh hoạt hơn, và giảm bớt giọng điệu hiếu thắng.

Một nhà trí thức hàng đầu khác của Trung Cộng, Giáo sư Giả Khánh Quốc (thuộc khoa Quan hệ quốc tế thuộc của Đại học Bắc Kinh) nói rằng «Trung Quốc nên lựa chọn một hình ảnh khiêm tốn hơn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Đừng tạo ra không khí cực đoan theo kiểu Trung Quốc giờ đây đã mạnh đủ sức sắp thế chỗ của Mỹ đến nơi».

*

Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh tìm cách đối phó với sức ép thương mại khổng lồ từ phía Mỹ thì cùng lúc nổ ra cơn sóng ngầm phẫn nộ trong công chúng khi vụ Công ty Trường Sinh chuyên sản xuất dược phẩm tại Hoa lục bị phanh phui đã «sản xuất giả thuốc chủng ngừa cho trẻ em sơ sinh».

Nguyên nhân dẫn đến tâm lý giận dữ trong dư luận, là vì chính phủ nhà cầm quyền Trung Cộng đã từng cam kết sẽ xử tận gốc vấn đề sản xuất thuốc giả sau những vụ bê bối tương tự từng xảy ra trước đây. Từ năm 2010 tới nay thì đây là cuộc khủng hoảng thứ 3 ở Trung Cộng về nạn thuốc chủng ngừa giả liên quan đến vắc xin từ năm 2010, khiến nhiều người dân Hoa lục mất hẳn niềm tin vào ngành dược phẩm nội địa, và châm ngòi cho làn sóng phản ứng quyết liệt trong tầng lớp trung lưu khiến nhà cầm quyền đã hai lần phải cam kết điều tra, xét xử tận nơi và thanh lọc ngành sản xuất dược phẩm quá nhiều tai tiếng.

Vụ thuốc chủng ngừa giả bùng ra trong lúc vào ngày 31/7 Tập đã phải triệu tập phiên họp với 25 Ủy viên Bộ Chính trị đảng CS để đưa ra báo động về những khó khăn của nền kinh tế Trung Cộng tuy vẫn cam kết duy trì mức tăng trưởng kinh tế ổn định.

Theo bản tin chính thức của Tân Hoa Xã sau cuộc họp này thì trong phần tổng kết cuộc họp, Tập tuyên bố «Nền kinh tế quốc gia vẫn ổn định nhưng sẽ phải đối mặt với một số thách thức và vấn đề mới trong khi môi trường bên ngoài đang có những thay đổi rõ rệt».

*

Gì thì gì, giới quan sát quốc tế cho rằng, dù (Tập và bộ máy quyền lực của ông ta) muốn hay không thì sự bất mãn sẽ càng lúc càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn.

Theo tạp chí Times của Mỹ, trong một bài nhận định mới đây thì cho rằng «tâm trạng bất mãn trong giới học giả, trí thức và trong cả giới đảng viên CS tuy vậy không lập tức đe dọa được quyền lực của Tập và bộ máy CS Trung Hoa. Cho tới hiện nay thì nhiều người dân Hoa lục vẫn ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng được coi là rất cứng rắn của Tập, cũng như điều mà Tập đã thề là “quyết xây dựng Trung Hoa trở thành một đại cường, không nhượng bộ trong việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ”».

Thế nhưng điều không thể phủ nhận, theo nhận định của một số đảng viên CS cao cấp cũng như nhiều nhà quan sát ngoại quốc là «tâm lý hoài nghi về chính sách cứng rắn của Tập đang ngày càng tăng lên trong giới trí thức, các cựu quan chức đảng và nhà nước Trung Cộng có tư tưởng tự do hơn, và trong tầng lớp trung lưu».

Theo nhiều cựu quan chức đảng và nhà nước tại Trung Cộng thì những lời chỉ trích đường lối và chính sách của Tập và của bộ máy cầm quyền dần dần sẽ tích tụ thành tâm lý bất mãn sâu sắc hơn, từ đó khiến quyền lực của Tập bị giảm dần đi, đồng thời sẽ tạo cho các quan chức cấp cao trong đảng có thêm can đảm thắc mắc về những quyết sách của cá nhân Tập đưa ra. (Mặc dù nguyên nhân quan trọng trong việc giới quan chức cao cấp bất mãn là họ lo ngại phản ứng bất mãn của người dân nếu lan rộng và bùng nổ có thể đe dọa tới vị thế cầm quyền của đảng CS!).

Một cựu ký giả nổi tiếng của Úc nhiều năm thường trú tại Hoa lục và hiện đang là một nhà nghiên cứu lão thành tai Viện nghiên cứu

Richard McGregor, cựu nhà báo tại Trung Quốc và hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Lowy của Úc nhận định rằng «Trong những tuần gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy tâm lý phản đối quyền lực tuyệt đối của Tập đã bắt đầu xuất hiện và xuất hiện công khai chứ không lén lút như trước. Vấn đề vẫn khó trả lời là những phê phán đó trên thực tế có ý nghĩa gì». Theo ông McGregor, «Nếu điều đó có nghĩa là cuộc đấu tranh nội bộ đang trở nên gay cấn thì sẽ có thể dẫn đến tình trạng tê liệt chính sách và mất ổn định chứ không đơn thuần là một cuộc tranh cãi tự do hơn, cởi mở hơn đâu. »

Trong bài viết của mình, GS Hứa Chương Nhuận còn thách thức một chuyện vẫn còn là điều cấm kị chính trị khác, đó là ông thúc giục nhà nước Trung Cộng hãy xóa án cho những người trước đây bị xét xử trong vụ án Tứ Lục (tức vụ mồng bốn tháng sáu, tức hoạt động kháng nghị ủng hộ dân chủ, chống tham nhũng nổ ra tại nhiều đô thị ở Hoa Lục năm 1989; hoạt động này đã bị kết thúc sau vụ đàn áp đẫm máu ở quảng trường Thiên An Môn). Năm 2019 sẽ là dịp kỷ niệm 30 năm vụ bạo động đẫm máu này; và khi đó chắc chắn sẽ là một thời điểm rất căng thẳng đối với đảng và nhà nước Trung Cộng.

Giới trí thức và các cựu quan chức trong đảng vốn vẫn nghi ngờ «âm mưu độc tài» của Tập Cận Bình cũng có thể nắm lấy cơ hội kỷ niệm 40 năm Hội nghị Trung ương ĐCSTQ họp năm 1978 (được coi là mở đầu cho thời đại «Cải cách mở cửa» của Đặng Tiểu Bình). Mặc dù Tập đã chính thức từ bỏ một số chính sách thực dụng của Đặng nhưng đa số nhân vật có thế lực trong đảng CSTQ vẫn sùng kính Đặng. Những cựu quan chức có đầu óc cởi mở vẫn coi Đặng Tiểu Bình là thần tượng, họ cho rằng Đặng là hình ảnh một nhà lãnh đạo ôn hòa hơn, và qua đó làm nổi bật thói tự cao tự đại ngông cuồng hiện nay họ cho rằng do Tập Cận Bình đem lại.

Một học giả Mỹ thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế Weatherhead Center (thuộc Đại học Harvard) nói «Ngày nay, Tập càng lúc càng rời xa những tư tưởng của Đặng Tiểu Bình, thí dụ như Đặng chủ trương giới học giả cần được phép tranh luận công khai, và cần có đường lối cụ thể tách bạch quyền lực giữa đảng với nhà nước. Vì thế, đối với những người phê phán Tập, thì Đặng Tiểu Bình có thể được đưa ra như một vũ khí biểu tượng rất có ích, vì tới nay Đặng vẫn được tiếng là một nhà cải cách».

*

Mới đây, một số phản ứng của nhà cầm quyền Trung Cộng cho thấy «có lẽ áp lực căng thẳng từ cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ và phản ứng bất bình trong nước đã khiến Bắc Kinh nay phải vội vã tìm cách xoa dịu sự bất mãn đang lan tràn trong công luận».

Rõ rệt nhất phải kể đến một loạt bài đăng trên tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng và nhà nước Trung Cộng, đã mỉa mai những kẻ từng mạnh miệng tuyên bố «Trung Cộng đã trở thành siêu cường về mặt kỹ thuật công nghệ qua mặt Hoa Kỳ», đồng thời khuyến cáo báo chí và các cơ quan truyền thông đại chúng về «hậu qủa nghiêm trọng khó lường của việc tự thổi phồng sức mạnh Trung Quốc». Tuy hiện vẫn còn quá sớm để biết liệu những lời chỉ trích trong nước có thể ảnh hưởng tới giới lãnh đạo Trung Cộng cỡ nào nhưng việc Bắc Kinh đã có một số điều chỉnh về giọng điệu chính sách đối ngoại là chuyện đáng lưu ý.

Có một số dấu hiệu cho thấy có thể đảng CS nay cũng giảm bớt việc ca ngợi Tập, có lẽ sau khi GS Hứa Chương Nhuận qua bài viết cho rằng «cần phải hãm bớt những hoạt động tuyên truyền mang tính sùng bái cá nhân» từng diễn ra thời Cách mạng văn hóa (1966-1976) do Mao Trạch Đông khởi xướng.

Từ giữa tháng 7 vừa qua, người dân thủ đô Bắc Kinh chứng kiến cảnh nhà cầm quyền bắt đầu gỡ bỏ nhiều chân dung của Tập Cận Bình vốn trưng bày tràn lan khắp nơi tại Bắc Kinh. Điều đó cho thấy, dường như nhà nước Trung Cộng cố gắng làm giảm bớt mối lo ngại về chủ nghĩa sùng bái cá nhân trước thềm hội nghị thường niên tại Bắc Đới Hà sắp diễn ra (hội nghị hàng năm quy tụ các nhà lãnh đạo đương quyền và đã về hưu của đảng và nhà nước Trung Cộng để bàn bạc thảo luận về những quyết sách quốc gia quan trọng nhất).

Thế nhưng một chuyên viên về Truyền thông tại Đại học Hồng Kông mới đây nói rằng «trong suốt tháng Bảy vừa qua, tờ Nhân dân nhật báo, cái loa chính thức của đảng và nhà nước Trung Cộng, vẫn thường xuyên viết và loan tin về Tập trên trang nhất, với tần suất không giảm bao nhiêu».

Vẫn theo chuyên viên này thì «bên cạnh đó, chương trình học tập thời thanh niên của Tập phải phấn đấu lao động» ở thôn Lương Gia Hà (Tây bắc Hoa lục) - trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, sau khi cha Tập là Tập Trọng Huân đã bị kiểm thảo và trừng phạt như rất nhiều quan chức cao cấp Đảng lúc ấy- vẫn xuất hiện thường xuyên trên các trang báo nhà nước.

Đồng thời, nguy cơ bị bắt bớ, sách nhiễu khi dám lên tiếng chỉ trích Tập hoặc/và đảng, nhà nước Trung Cộng vẫn là một thực tế hiển nhiên.

Gần đây nhất, hôm 3/8 an ninh Trung Cộng đã ập vào nhà riêng và bắt giữ một nhà trí thức có nhiều ý kiến bất đồng với nhà cầm quyền khi ông này đang trả lời cuộc phỏng vấn qua điện thoại của đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA.

Người bị bắt là học giả Tôn Văn Quảng, năm nay đã ngoài 80 tuổi, cựu giáo sư đại học Sơn Đông, sinh sống tại thành phố Tế Nam.

Giáo sư Tôn đang nói chuyện với ban tiếng Quan Thoại của đài VOA về các khoản đầu tư ra ngoại quốc của nhà cầm quyền Trung Cộng. Cuộc phỏng vấn này được thực hiện sau khi ông Tôn Văn Quảng công bố một bức thư ngỏ chỉ trích quyết định của Tập Cận Bình về việc chi tiền viện trợ cho nước ngoài, các khoản vay và đầu tư. GS Tôn thúc giục Tập nên thay vào đó hãy tập trung đầu tư vào nội địa. Đồng thời trong bức thư cũng có phần chỉ trích quyết định của Tập Cận Bình trong việc hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nhà nước.

Trong khi nói chuyện đang diễn ra thì có tiếng ồn ào, rồi và GS Tôn ngưng phát biểu nói với đài VOA là có khoảng 6 tới 8 nhân viên Công an ập vào nhà.

Câu chuyện được đài VOA thu âm cho thấy giọng của GS Tôn nói lớn với những viên Công an rằng «Tôi có làm gì sai đâu? Người dân thì còn nghèo nên đừng ném tiền công quỹ sang Phi châu nữa. Làm vậy không tốt cho đất nước, xã hội».

Có tiếng xô đầy, giằng co và nghe được lời cuối cùng của GS Tôn Văn Quảng là «Tôi có quyền tự do ngôn luận» trước khi đường dây điện thoại bị cắt. Cho tới nay không ai biết GS Tôm đã bị giải đi giam giữ ở đâu, nhưng một người bạn nói có lẽ ông và vợ đang bị Công an giam tại một khách sạn địa phương, nơi ông đã bị giam giữ trước đó.

*

Sự kiện này chứng minh rõ ràng về tình trạng đàn áp các nhà đấu tranh nhân quyền và những tiếng nói ly khai đã ngày càng tăng từ khi Tập Cận Bình nắm quyền không hề giảm sút. Mọi chỉ trích đảng Cộng Sản và cá nhân Tập -dù nhẹ nhàng đến đâu- cũng đều bị kiểm duyệt và trấn áp.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói những gì vừa xảy ra cho GS Tôn là «thực tế hàng ngày trong đời» một nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc vì «bất cứ lúc nào, Công an, Mật vụ cũng có thể ập vào nhà bắt họ đi thẩm vấn, giam giữ, tra tấn hoặc ngược đãi, đơn giản chỉ vì họ can đảm thách thức đường lối tuyên truyền của đảng và nhà nước, hoặc/và nói chuyện, tiếp xúc với truyền thông nước ngoài».

Điểm khác biệt giữa 2 GS Tôn và Hứa là hoàn cảnh sống hiện nay của họ, trong khi ông Tôn còn sống trong nước thì Hứa Chương Nhuận hiện là giáo sư thỉnh giảng ở Nhật. Cuối bài báo, GS Hứa viết «Tôi đã nói những điều tôi phải nói, và tôi phó thác cho số phận, Thượng Đế sẽ quyết định sự hưng vong của chúng ta.»

Dư luận trong và ngoài Trung Cộng đang chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra với GS Hứa Chương Nhuận. Đó có thể sẽ là phép thử để xem liệu Tập Cận Bình có đối xử khoan dung hơn đối với những phê bình, chỉ trích hay không…


No comments:

Post a Comment