Friday, July 8, 2022

Các nhóm lãnh đạo Việt Cộng dưới nét nhìn của Bà Dương Thu Hương

 

 

Các nhóm lãnh đạo Việt Cộng dưới nét nhìn của Bà Dương Thu Hương.

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái phỏng vấn bà Dương Thu Hương

Trích một đoạn trong bài của Phạm Bá Hoa:

Thưa quý vị, với nội dung này tôi trích dẫn và tóm lược bài viết trong Wikipedia + bài phỏng vấn của nhà báo Đinh Quang Anh Thái năm 2005 + bài phỏng vấn của Nguyễn Huy Đức năm 2006 + và bài phỏng vấn của Quốc Phương đài BBC năm 2009.

Người được phỏng vấn là bà Dương Thu Hương, người phụ nữ bên thắng cuộc. (Bên Thắng Cuộc là tựa một quyển sách của Huy Đức)

Bà từng là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, bị khai trừ khỏi đảng vào năm 1989.

Năm 1994, Bà được Bộ Trưởng Văn Hoá Pháp -ông Jacques Toubon- trao tặng Huân Chương Văn Hoá Nghệ Thuật (Chevalier des Arts et des Lettre).

Tháng 4/2006, bà được mời sang Paris (Pháp), sau đó sang New York (Hoa Kỳ) dự hội nghị Văn Bút Quốc Tế.

Xin có đôi lời để mong quý vị thông cảm, sở dĩ tôi giữ nguyên những chữ quá mạnh -nếu không nó là chói tai- khi Bà Dương Thu Hương trả lời phỏng vấn của đài BBC, và sau đó là nhà báo Đinh Quang Anh Thái, vì đó là tính cách của Bà.

Và đây là lời của Bà Dương Thu Hương:

«Tôi chào đời năm 1947 tại tỉnh Thái Bình trên đất Bắc.

«Năm 1955 -lúc ấy 8 tuổi- tôi trong đoàn học sinh tiểu học, do nhà trường dẫn đi dự buổi đấu tố những người bị xếp vào hàng địa chủ trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, và bị giết chết ngay tại chỗ.

«Tôi thật sự hãi hùng vì những cách giết những người bị đấu tố!

«Năm 1967, theo tiếng gọi của nhà nước, tôi trong số 120 bạn học cùng trường, đã cắt máu xin theo đoàn quân vào Nam đánh Mỹ cứu nước, vì những bài học chính trị mà họ đã dạy chúng tôi, thì Mỹ Ngụy rất tàn ác với gười dân trong đó, cho nên người dân rất khổ...

«Năm 1968, tôi theo đoàn quân vào chiến trường miền Nam để cứu dân tộc trong Nam.

«Sau những năm tháng bị cuốn vào cuộc chiến đẫm máu, đến tận bây giờ, cuộc chiến đó vẫn ám ảnh tôi. Nhớ lại, số học sinh của cả bốn lớp 10 của trường gồm 120 học sinh chúng tôi vào chiến trường miền Nam.

«Sau 7 năm, chiến tranh kết thúc, chúng tôi chỉ còn lại 2 người: Tôi thì bị bom làm tai bên phải bị điếc, còn người kia là cậu Lương bị cụt một tay, và trở nên ngớ ngẩn.

«Chưa hết. Khi tôi đi tìm mộ của những bạn đã chết, tôi mới biết là trong những trận đánh mà chúng tôi thua, thì không lưu lại tên tuổi của bất cứ người nào đã chết, cũng không chôn cất người nào. Và họ giải thích rằng:

«“Dân tộc ta là dân tộc anh hùng phải chiến thắng quân thù, nhưng trận này chưa thắng, nên không thể kiểm kê các liệt sĩ được. Cho nên hàng trăm người chết dưới đáy hồ, dưới đáy vực, không cần tìm tung tích”.

«Và dấu mốc quan trọng làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi, là khi “đoàn quân của bên thắng cuộc” vào Sài Gòn, trưa ngày 30 Tháng Tư 1975.

«Từ ngày đó, là ngả rẽ trong đời tôi. Khi mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười, thì tôi ngồi bên lề đường, và khóc. Tôi khóc, vì thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách oan phí.

«Vào Sài Gòn, tôi không choáng ngộp vì nhà cao cửa rộng, vì xe cộ trên đường phố thênh thang, mà tôi choáng ngộp vì những tác phẩm của những nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do mà tôi không thể tưởng tượng được.

«Trong nhà sách, trưng bày vô số những tác phẩm của các tác giả tôi từng biết tên cũng như chưa biết tên, và cả tác phẫm của các tác giả ngoại quốc nổi danh,với nội dung trong các lãnh vực xã hội, đặc biệt là những tác phẫm chính trị, có cả tác phẫm của Karl Marx, Lénine nữa.

«Đến các phương tiện truyền đạt tin tức, như Radio, Tivi, Cassette, ..v..v... Những tác phẩm, những phương tiện truyền đạt tin tức, hình ảnh, đối với người dân miền Bắc chúng tôi, chỉ là những giấc mơ không tưởng.

«Ở miền Bắc chúng tôi, tất cả báo chí, sách vở, đều do nhà nước quản trị. Những cán bộ được đảng tin tưởng, mới được nghe đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn dân chúng tôi chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể ở từng khu phố. Tôi muốn nói là, người dân chỉ được nghe một tiếng nói mà thôi. 

«Vào được Sài Gòn, tôi mới hiểu rõ rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ. Vì nó chọc mù mắt con người, nó bịt lỗ tai mỗi người dân.

«Trong khi đó ở miền Nam, mọi người trong xã hội tự do nghe bất cứ thứ đài nào trong nước, và cả đài phát thanh của Pháp, của Anh, của Mỹ, tùy người dân muốn. Ðó mới là chế độ của nền văn minh.

«Và thật chua chát, khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ.»

Sự chống đối mạnh mẽ của Bà, đã đẩy bà vào nhà tù Việt Cộng từ tháng 4 đến tháng 11 năm 1991.

Bà nói tiếp: «Năm 1998, trong bài diễn văn tôi đọc ở Đại Hội Nhà Văn, tôi nói rằng: “Đảng cộng sản phải biết ơn nhân dân. Bởi vì xưa nay họ chỉ nói nhân dân phải biết ơn đảng thôi. Tôi phân tích rằng, cả một dân tộc đã đổ xương máu để kháng chiến chống Pháp, và những gì dân tộc đạt được là do truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, nhưng đảng cộng sản đã cướp tất cả công đó, và nhận vơ là công của đảng. Họ còn dậy dỗ quần chúng là phải biết ơn đảng. Hành động như thế vừa đểu cáng, vừa vô ơn bạc nghĩa, và tự cao tự đại. Những kẻ như thế, không xứng đáng để lãnh đạo dân tộc.

«Vẫn trong năm 1998, trong một hội nghị của trí thức Hà Nội, tôi đọc bài diễn văn với tựa là “Nhân Cách Trí Thức”. Đọc xong, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh tỏ ra đắc ý với nội dung, ông ta đến ôm tôi và hôn tôi thắm thiết, đồng thời xin bài diễn văn của tôi. Đến lúc giải lao, người thư ký của ông ta tìm tôi và chuyển đề nghị của ông Linh muốn tặng tôi một căn nhà theo tiêu chuẩn cấp cho hàng Bộ Trưởng. Cùng lúc, người thư ký này muốn tôi im lặng để cho đảng tự cải sửa. Tôi trả lời rằng, tất cả những việc tôi làm là vì dân tộc chứ không phải vì bản thân tôi. Tôi không giàu có, nhưng cũng có một căn nhà đủ để ở. Tôi nhờ ông ta nói với ông Tổng Bí Thư rằng, hiện giờ đang có 20.000 giáo viên tiểu học ở Hà Nội không có nhà để ở, nếu nhà nước có dư nhà thì nên cấp cho họ có chổ ở.»

Bà còn nói rằng: «Tổng Bí Thư Việt Cộng Nguyễn Văn Linh chửi tôi là “con đĩ chống đảng. Lúc đó tôi nói với một ông trong ban tổ chức đảng rằng, nếu tôi là đĩ thì may cho cái đảng này; nhưng vì tôi không được làm đĩ, nên tất cả năng lực của tôi đều dồn vào việc ỉa vào mặt đảng. Họ đã chửi tôi như vậy thì từ giờ trở đi mọi sự đều rõ ràng, không còn con đường thứ ba nữa. Nghĩa là tôi dấn thân đến cùng trong mục tiêu đấu tranh cho dân chủ.

«Tôi chẳng có gì phải kiêng dùng những danh từ mà nhiều người cho là thô bỉ, như là “ỉa vào mặt kẻ cầm quyền”. Vì đó là cách nói thuần của người Việt Nam răng đen mắt toét như tôi. Là ngôn ngữ đích xác của người nông dân, khi họ biểu lộ thái độ khinh bỉ và bất chấp. Tôi hành động như thế là có dự tính, chứ không phải ngẫu hứng. Tôi rất ghét những thứ ngôn ngữ nhờ nhờ nhạt nhạt. Chế độ hiện nay tại Việt Nam, chỉ sống bằng xác chết thôi. Nó không có giá trị gì trong thời đại này cả. Những người lãnh đạo chế độ hoàn toàn vô năng và tham nhũng.»

Những kinh nghiệm trong chiến tranh, những chua chát của tháng 4 năm 1975, được Bà gói ghém trong những tác phẩm «Những Thiên Đường Mù», «Bên Kia Bờ Ảo Vọng», «Khải Hoàn Môn», «Đỉnh Cao Chói Lọi», và «No Man Land» là bản Anh ngữ, dịch sang tiếng Pháp là «Terre Des Oublis».

Và đây là nhận định của nhà báo Đinh Quang Anh Thái về bà Dương Thu Hương: «Từ nhận thức trên đây, báo chí Pháp gọi bà là “Con Sói Đơn Độc” ngay giữa bầy sói của mình. Vì hầu như không có người nào trong hàng ngũ lên tiếng đấu tranh cho dân chủ sau năm 1975, mà có lối nói như “chém đinh chặt sắt” như bà. Trong khi Bà tự nhận mình là người đàn bà nhà quê.»

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái nêu câu hỏi: «Bà đã tiêu phí tuổi trẻ trong chiến tranh, để rồi bị chế độ mà bà phục vụ đày đọa vì họ nói bà làm giặc, bản thân bà thì không ai dám giao tiếp vì sợ bị liên lụy. Vậy, có bao giờ bà chùn bước không?»

Bà trả lời: «Không. Không bao giờ chùn bước».

«Bà có tin vào thuyết nhân quả không?»

Bà trả lời: «Có. Tôi hoàn toàn tin vào thuyết nhân quả. Tôi hoàn toàn tin vào kiếp sau. Khi dậy các con tôi, tôi không yêu cầu các con tôi phải trở thành bác sĩ, kỹ sư, hay tiến sĩ, mà yêu cầu duy nhất của tôi là các con tôi phải làm con người tử tế trong gia đình, trong xã hội, vì đạo đức là cốt lõi của con người».

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái nhận định: «Bà Dương Thu Hương có nguyên tắc sống đạo đức rạch ròi, không khoan nhượng. Tôi xin phép biếu bà chút quà, thì Bà quát lên: Tôi không nhận bất cứ vật chất nào của bất cứ ai».

Thậm chí những bữa ăn tại Paris, bà giành trả tiền và khẳng định rằng: «

Nếu Anh trả tiền thì từ nay đừng phỏng vấn tôi nữa’.

Câu cuối cùng trong bài viết của Đinh Quang Anh Thái như sau: «Tôi đành bó tay chịu thua “mụ nhà quê mắt toét. Đó là cách mà tôi vẫn gọi bà Hương mỗi khi điện thoại thăm hỏi Bốp chát, bõ bã, không khoan nhượng, chính là Bà Dương Thu Hương. Đạo đức cốt lõi, cũng chính là Bà Dương Thu Hương.Và bây giờ, “Con Sói Đơn Độc” đã bước vào tuổi 70, vậy mà ngọn lửa đấu tranh cho một tương lai Việt Nam tươi sáng vẫn ngùn ngụt cháy trong trái tim bà.»

No comments:

Post a Comment