Wednesday, July 13, 2022

Chính Sách Tù Binh Qua Các Triều Đại

  

Chính Sách Tù Binh Qua Các Triều Đại

http://www.dslamvien.com/2022/07/chinh-sach-tu-binh-qua-cac-trieu-dai.html

Bùi Quý Chiến
(Đặc San Lâm Viên)

Sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, nền tự chủ của nước ta luôn bị kẻ thù truyền kiếp phương bắc xâm phạm.

Biên giới phía nam nước ta cũng thường bị Chiêm thành cướp phá.

Mặt khác, muốn phát triển, dân tộc ta chỉ có con đường Nam tiến vì phía bắc là kẻ thù bá quyền, phía tây là núi rừng và phía đông là biển.

Do đó không triều đại nào không có chiến tranh.

Sau mỗi chiến thắng quân ta thường bắt được một số tù binh trong đó có cả quốc vương và tướng lãnh của đối thủ.

Theo lệ xưa, tù binh được đưa về kinh đô để vua làm lễ hiến phù ở nhà Thái miếu. Tù binh được coi là chiến lợi phẩm. Lễ hiến phù là lễ dâng chiến công lên các Tiên đế.

Sau lễ hiến phù, tù binh được đối xử tùy theo chính sách của mỗi triều đại.

Tù Binh Dưới Triều Tiền Lê

1- Tù binh Nhà Tống 

Năm 981 nhân cuộc chuyển ngai vàng từ Ấu chúa Đinh Tuệ sang Lê Hoàn, nhà Tống bên Tàu đem quân sang đánh nước ta.

Quân Tống chia 2 cánh: Hầu Nhân Bảo và Tôn Hoàng Hưng theo đường bộ qua Lạng sơn, Lưu Trừng theo đường biển vào sông Bạch Đằng.

Vua Lê Đại Hành đích thân chống giặc ở sông Bạch Đằng nhưng thế giặc mạnh quá phải rút lui. Vua đem quân về Chi Lăng chặn địch.

Hầu Nhân Bảo bị dụ vào địa thế hiểm trở và bị quân ta chém đầu. Quân Tống tan vỡ, tướng Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt.

Thấy bộ binh đại bại, Lưu Trừng phải rút thủy quân về nước.

Tướng nhà Tống là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt giữ như con tin cho tới 5 năm sau mới được trao trả cho nhà Tống.

2- Tù binh Chiêm thành

Năm 982 vua Lê Đại Hành cử 2 sứ giả là Từ Mục và Ngô Tử Cảnh sang Chiêm Thành thiết lập bang giao , không ngờ sứ giả bị vua Chiêm bắt giữ. Vua Đại Hành nổi giận thân chinh đem quân sang trừng phạt.

Tướng Chiêm là Tỳ Mi Thuế bị chém chết, vua Chiêm bỏ chạy. Quân ta đốt phá kinh thành, bắt được nhiều tù binh và cung nữ, tịch thu nhiều bảo vật.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Đại Hành là vị vua thân chinh đi đánh Chiêm thành. Cuộc viễn chinh kéo dài một năm.

Tù binh Chiêm thành gồm 360 người bị giam giữ cho tới năm 992, tức là 10 năm sau, mới được tha về nước.

Tù Binh Dưới Triều Lý

1- Tù binh Chiêm thành

 - Năm 1020 vua Lý Thái Tổ sai con là Thái Tử Phật Mã đem quân sang trừng phạt Chiêm Thành vì thường cướp phá ở biên giới.

Phật Mã tấn công trại Bố Chính bắt được tướng Chiêm đem về.

 - Năm 1044 Lý Thái Tông thân chinh đi đánh Chiêm thành, vua Chiêm là Sạ Đẩu bị tướng Chiêm là Quách Gia Di chặt đầu để xin hàng.

Thái Tông bắt vương phi Mỵ Ê và đoàn cung nữ chuyên múa hát cùng 5 ngàn tù binh mang về. Trên đường về tới sông Lý Nhân, vua truyền cho Mỵ Ê sang hầu bên thuyền ngự, Mỵ Ê quấn mền quanh người rồi nhảy xuống sông tuẫn tiết. Nay ở Lý Nhân còn có đền thờ Mỵ Ê.

Về tới kinh đô, vua làm lễ hiến phù, dâng tù binh lên nhà Thái Miếu. Sau đó tù binh được định cư và lập nghiệp ở trấn Vĩnh Khang thuộc Nghệ An và trấn Đăng Châu thuộc Hưng Hóa (nay là Yên bái và Lào cai). Họ được sống chung thành cộng đồng và đặt tên hương ấp theo tiếng Chàm (ngày nay làng Bà Già ở Nghệ An nguyên là làng Đa Gia Ly của người Chàm đọc trại ra).

Các cung nữ chuyên múa hát được ở trong nội cung.

 - Năm 1069 Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm thành bắt được quốc vương Chế Củ và 3 vạn tù binh đem về.

Chế Củ hiến 3 châu: Bố Chính , Địa Lý và Ma Linh để được tha về nước.

Bố Chính nay là các huyện Quảng Trạch , Bố Trạch và Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình. Địa Lý nay là  huyện Lệ Minh tỉnh Quảng Bình . Ma Linh nay là huyện Bến Hải tỉnh Quảng Trị.

 - Năm 1103 Lý Giác ở Nghệ an làm phản, chạy sang Chiêm thành giúp Quốc vương Chế Ma Na lấy lại 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh. Vua Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt sang đánh Chiêm Thành , Chế Ma Na thua chạy phải trả lại 3 châu.

 2- Tù binh Nhà Tống

- Năm 1075 , được tin Tống triều âm mưu xâm chiếm nước ta, vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đánh phủ đầu Lưỡng Quảng. Thường Kiệt tấn công châu Khâm và châu Liêm thuộc Quảng Đông. Tôn Đản vây hãm châu Ung thuộc Quảng Tây.

Hành quân thắng lợi, quân ta rút về đem theo tù binh và thân thuộc của họ.

Năm sau Tống triều cho đại quân sang đánh báo thù. Hai bên cầm chân nhau ở sông Phú lương.

Lo ngại cuộc chiến kéo dài không lợi, Nhân Tông cho sứ sang Tống triều xin hòa. Vua Tống thấy đánh mãi không thắng, mặt khác quân sĩ tổn thất khá nặng nên thuận rút quân về nhưng chiếm giữ châu Quảng Nguyên thuộc Cao Bằng.

Năm 1078 Nhân Tông sai sứ sang đòi lại các châu huyện Quảng Nguyên. Vua Tống đòi phải trả lại tù binh trong trận đánh Lưỡng Quảng. Bên Tống đòi một ngàn người nhưng ta chỉ trả 221 người. Trai tráng từ 15 tới 20 tuổi bị xăm vào trán hàng chữ «Thiên tử binh», từ 20 tuổi trở lên bị xăm «Đầu Nam triều», phụ nữ bị xăm vào cánh tay trái «Quan khách».

Tù Binh Dưới Triều Trần

1- Tù binh Chiêm thành

- Năm 1252 Trần Thái Tông thân chinh đi đánh Chiêm thành.

Vua Chiêm chạy thoát, vương phi là Bố Gia La bị bắt cùng cung nữ và một số tù binh.

- Năm 1306 Chế Mân dâng châu Ô và châu Rí làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Người Chiêm trong 2 châu này không tuân phục . Vua Trần Anh Tông cho Đoàn Nhữ Hài sang chiêu dụ, chọn người trong bọn họ cho làm quan và cho họ tự trị.

- Năm 1307 Chế Mân chết, Chế Chí lên nối ngôi.

Chế Chí thường cho quân cướp phá biên giới nên năm 1311 vua Anh Tông thân chinh đi đánh để trừng phạt. Chế Chí bị bắt đem về kinh đô, người em là Chế Đà A Bà được cho nối ngôi.

Chế Chí được phong Hiệu Thuận Vương và sống ở Gia Lâm như bị an trí. Không lâu sau đó Chế Chí chết và được hỏa táng theo phong tục Chiêm Thành. Sự kiện này khiến người Chiêm oán thù người mình.

- Năm 1397 tướng Chiêm Thành là Chế Đa Biệt và em cùng thân thuộc sang quy phục nhà Trần. Đa Biệt được phong chức Kim Ngô Vệ Tướng Quân, người em được phong Cấm Vệ Đô và được giao nhiệm vụ trấn giữ châu Hóa (nguyên là châu Rí do Chế Mân dùng làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân).

2 -Tù binh Mông Cổ

- Năm 1256 tướng Mông cổ là Ngột Lương Hợp Thai chiếm được Đại Lý (nay là Vân Nam) của nhà Tống. Hợp Thai cho sứ sang dụ nước ta đầu hàng. Vua Trần Thái Tông nổi giận sai bắt giam sứ giả. Không thấy sứ trở về, Hợp Thai cho người thứ hai đi sứ lần nữa nhưng cũng bị Thái Tông sai bắt giam. Cho tới sứ giả thứ ba cũng bị bắt giam, Hợp Thai mới biết bèn đem quân sang đánh nước ta.

Vì thế yếu, Thái Tông phải bỏ kinh thành chạy về sông Thiên Mạc (Hưng Yên). Hợp Thai vào Thăng Long thấy 3 sứ giả của mình bị trói ở trong ngục; khi được cởi trói, một người chết. Tức giận, Hợp Thai cho quân cướp phá và tàn sát cả già trẻ trai gái trong thành.

Vì không quen thủy thổ, quân Mông Cổ bị bệnh và nản lòng nên bị quân ta phản công phải rút về Vân Nam.

- Năm 1279 Mông Cổ diệt nhà Tống và chiếm trọn nước Tàu. Trước đó Mông Cổ thiết lập triều Nguyên. Nguyên chủ là Hốt Tất Liệt sai con là Thoát Hoan lấy cớ mượn đường sang đánh Chiêm Thành để đánh nước ta. Mặt khác Nguyên chủ sai Toa Đô theo đường biển đi đánh Chiêm Thành.

Vì thế yếu Hưng Đạo Vương rước xa giá vào Thanh Hóa và chia quân phòng thủ các nơi hiểm yếu. Thoát Hoan chiếm Thăng Long.

Toa Đô đánh Chiêm Thành không thắng bèn kéo quân ra đánh Nghệ An. Trấn thủ Nghệ An là Trần Kiện đầu hàng.

Trần Quang Khải được lệnh đem quân vào cầm chân Toa Đô. Thoát Hoan cho Ô Mã Nhi đem thủy quân vào yểm trợ Toa Đô.

Không vượt qua được tuyến phòng thủ của Quang Khải , Toa Đô và Ô Mã Nhi phải xuống thuyền ra bắc kết hợp với Thoát Hoan.

Trần Nhật Duật được lệnh chặn đánh Toa Đô ở bến Hàm Tử (thuộc Hưng Yên). Bị đánh bại , Toa Đô phải rút về Thiên Trường.

Không còn lo phòng thủ phía nam, Trần Quang Khải được lệnh ra khôi phục Thăng Long. Quang Khải đánh thắng thủy quân của giặc tại bến Chương Dương, Thoát Hoan phải bỏ Thăng Long chạy lên Kinh Bắc (Bắc Ninh), Toa Đô cũng lui quân về Tây Kết.

Tình thế thuận lợi, Hưng Đạo Vương tung đại quân ra phản công. Quang Khải và Nhật Duật cô lập Toa Đô với Thoát Hoan. Quân ta thắng lớn ở Tây Kết, Toa Đô bị chém đầu, Ô Mã Nhi xuống thuyền nhỏ trốn về nước. Đầu Toa Đô được dâng lên vua Nhân Tông. Cảm thương cho một dũng tướng chết vì trung thành với Nguyên chủ, vua lấy áo bào đắp lên đầu Toa Đô rồi sai mai táng tử tế.

Tổng quản quân Nguyên trong trận Tây Kết là Trương Hiển bị bắt cùng 3 vạn tù binh. Khi trao trả tù binh, Trương Hiển xin ở lại và gia nhập quân đội triều Trần. Sau này Trương Hiển tử trận trong cuộc chiến với Ai Lao, được truy phong tước Minh Tự và được thờ ở miếu Thái Thường.

Được tin quân mình đại bại ở Tây kết, Thoát Hoan quyết định rút về nước. Hưng Đạo Vương dẫn đại quân tấn công buộc Thoát Hoan phải rút vào con đường do Vương cho quân mai phục sẵn. Thoát Hoan rút tới Vạn Kiếp bị Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Khoái chặn đánh, tướng Nguyên là Lý Hằng bị trúng tên chết. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng đặt trên xe cho quân kéo chạy. Tới châu Tư Minh, Thoát Hoan bị 2 người con của Hưng Đạo là Hưng Võ Vương Nghiễn và Hiếu Vương Uý chặn đánh, tướng Nguyên là Lý Quán tử trận, Thoát Hoan cùng Phàn Tiếp và A Bát Xích chạy thoát về Tàu.

 - Năm 1287 Nguyên chủ lại sai Thoát Hoan đem quân sang đánh nước ta. Quân Nguyên chia làm 2 cánh : Thoát Hoan theo đường bộ, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp theo đường biển. Thoát Hoan đánh chiếm đồn Vạn kiếp. Ô Mã Nhi và A Bát Xích đem thủy quân từ Lục Đầu Giang đánh lên sông Hồng. Hưng Đạo Vương lui về giữ Thăng Long. Thượng Hoàng và Nhân Tông tạm lánh vào Thanh Hóa, Ô Mã Nhi đuổi theo không kịp phải quay về. Khi về tới Long Hưng là nơi có Chiêu Lăng an táng Tổ tiên nhà Trần, Ô Mã Nhi cho quân phá nát lăng mộ.

Thoát Hoan vây hãm Thăng Long nhưng không hạ được thành phải quay về Vạn Kiếp. Vì lương thực gần hết, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem thủy quân ra cửa Đại Bàng để hộ tống thuyền lương của Trương văn Hổ. Trần Khánh Dư chặn đánh Mã Nhi ở ải Vân Đồn (thuộc Quảng Yên) nhưng bị thua phải rút lui.

Đánh thắng Khánh Dư, Mã Nhi chủ quan khinh địch. Thay vì đi theo đoàn thuyền chở lương để hộ tống, Mã Nhi dẫn thủy quân đi trước, đoàn thuyền chở lương nặng nề đi sau. Khai thác lỗi lầm của Mã Nhi, Khánh Dư chỉnh đốn lại quân ngũ và mai phục chờ đoàn thuyền của Văn Hổ.

Đoàn thuyền lọt ổ phục kích, Khánh Dư cướp phá toàn bộ lương thực. Mã Nhi đi trước đã xa nên không biết sự thật phía sau. Khánh Dư tha vài tù binh để báo hung tín cho Thoát Hoan biết.

Mất hết lương thực, Thoát Hoan muốn cho người về nước cầu cứu nhưng bị Hưng Đạo Vương kiểm soát chặt chẽ biên giới, không ai có thể qua lọt. Thoát Hoan buộc phải rút quân về. Thủy quân của Mã Nhi và Phàn Tiếp theo sông Bạch Đằng. Đại quân của Thoát Hoan theo đường bộ. Tướng Trình Bằng Phi và Trương Quân đi đoạn hậu.

Hưng Đạo Vương sai Nguyễn Khoái gấp đem quân lén tới sông Bạch Đằng, cắm cọc nhọn khắp lòng sông để chuẩn bị trận đánh quyết định. Vương cùng đại quân vượt Hóa Giang lên Bạch Đằng đúng lúc thủy quân của giặc cũng vừa tới. Vương cho Nguyễn Khoái khiêu chiến rồi nhắm lúc thủy triều xuống thì vờ thua chạy. Mã Nhi đuổi theo, tới bãi cọc chiến thuyền của giặc đụng cọc lật nhào. Quân Nguyên lớp bị chết đuối, lớp bị quân của Vương phục sẵn trên bờ giết chết. Ô Mã Nhi cùng Phàn Tiếp và Tích Lệ Cơ Ngọc bị bắt.

Nghe tin thủy quân tan vỡ, Thoát Hoan cùng quân sĩ tháo chạy. Tới ải Nội Bàng, giặc bị Phạm Ngũ Lão chặn đánh, tướng Nguyên là Trương Quân bị chém chết. Giặc chạy tiếp tới ải Nữ Nhi lại bị quân ta chặn đánh, tướng Nguyên là A Bát Xích và Trương Ngọc tử trận. Thoát Hoan được Trình Bằng Phi bảo vệ về tới châu Tư Minh. Áo Lỗ Xích đi đoạn hậu cũng thoát chết về với chủ tướng. Sau đó Thoát Hoan cùng tùy tùng rút về Yên Kinh.

Hưng Đạo Vương rước xa giá về Thăng Long. Khi về tới Long Hưng, Nhân Tông đem bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và Tích Lệ Cơ Ngọc làm lễ hiến phù ở Chiêu Lăng. Lẽ ra lễ hiến phù làm ở nhà Thái miếu nhưng vì Ô Mã Nhi cho quân đập phá Chiêu Lăng nên vua làm lễ ở đó để Ô Mã Nhi tạ tội.

Năm 1289 Nhân Tông sai Nguyễn Thịnh đưa Tích Lệ Cơ Ngọc và các đầu mục về nước. Phàn Tiếp bị bệnh chết được hỏa thiêu và vợ con được cấp ngựa đem tro cốt về quê quán. Riêng Ô Mã Nhi vì tàn ác, nhất là cho quân đập phá Chiêu Lăng, nên vua không muốn tha. Nhưng cần hòa hiếu với nhà Nguyên nên vua nghe theo kế của Hưng Đạo Vương: cho Hoàng Tá Thốn đưa Ô Mã Nhi về nước bằng đường biển, nửa đêm đánh đắm thuyền cho Ô Mã Nhi chết đuối.

Tù Binh Dưới Triều Lê

1- Tù binh Chiêm Thành

- Vì Chiêm Thành thường cướp phá biên giới, năm 1446 Lê Nhân Tông sai Lê Thụ và Lê Khả đem quân sang trừng phạt. Vua Chiêm là Bí Cai cùng vương phi, cung nữ và tù binh bị bắt đem về kinh đô. Vua làm lễ hiến phù ở nhà Thái miếu. Sau đó Bí Cai và vương phi bị an trí tại kinh thành, số còn lại được tha về nước.

Người Chiêm xin nhà Minh can thiệp cho vua Chiêm về nước nhưng Nhân Tông viện lẽ Bí Cai thường cướp phá biên giới nên phải giam giữ.

- Năm 1471 vua Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành bắt được Trà Toàn và 3 vạn tù binh. Vua chia Chiêm Thành ra 3 nước: Chiêm Thành, Hoa Anh và Nam Bàn. Vùng Chiêm động và Cổ Lũy trước đây do Chiêm Thành nhượng cho Hồ Qúy Ly; khi họ Hồ bị nhà Minh diệt, Chiêm Thành lấy lại vùng này. Nay Thánh Tông thu hồi Chiêm Động và Cổ Lũy và nới rộng thêm tới đèo Cù Mông.

Trên đường về Thăng Long, Trà Toàn bị bệnh chết.

Khi Toàn bị bắt, em là Trà Toại trốn vào rừng mưu khởi nghĩa. Vua sai Lê Niệm đi đánh bắt được Toại và vợ con đem về kinh đô. Vua cho Toại và vợ con an trí ở ngoài cửa Bảo Khánh.

2- Tù binh trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh.

 - Năm 1418 Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương và khởi nghĩa chống giặc Minh từ Lam sơn (Thanh hóa).

Khởi đầu vì thế yếu nên 3 lần Vương phải lui về căn cứ Chí Linh. Năm 1423 vì bị vây hãm hết cả lương thực nên Vương phải xin hòa. Tướng Minh là Trần Trí đánh mãi không thắng nên thuận cho hòa. Trần Trí thường cấp lương thực cho Vương. Đáp lại, Vương cũng cho đem vàng bạc ra tạ. Sau vì nghi ngờ Vương không thật lòng, Trần Trí bắt giữ Lê Trăn là sứ giả của Vương. Từ đó hai bên tuyệt giao.

Quả thật bấy giờ Vương được hào kiệt khắp nơi theo về phò tá, đủ cả văn võ. Mặt khác, những người cộng tác với giặc nay quay về quy phục chính nghĩa.

 - Năm 1424 Vương thay đổi chiến lược: tiến quân vào chiếm Nghệ An sau đó mới tiến quân ra đánh Đông Quan (Thăng Long). Vương hạ được thành Đa Căng, tướng Minh là Lương Nhữ Hốt bỏ chạy. Kế đến thành Trà Long bị hạ, tướng Minh là Trần Trung tử trận. Tiếp theo, Vương thắng giặc tại Khả Lưu, tướng Minh là Hoàng Thành tử trận và tướng Chu Kiệt bị bắt.

 - Năm 1425 Vương vây hãm thành Nghệ An, Đinh Lễ vây Tây Đô (do Hồ Quý Ly xây dựng), Trần Nguyên Hãn và Lê Nỗ đánh chiếm Tân Bình và Thuận Hóa.

Không hạ được thành Nghệ An, Vương chuyển quân ra Đông Đô. Vương chia quân ra làm 3 đạo: một đạo đánh lên Tuyên Quang để ngăn chặn cứu viện từ Vân Nam, một đạo đánh lên Lạng Giang để ngăn chặn viện binh từ Lưỡng Quảng, một đạo vây hãm thành Đông Quan.

Trên đường lên Tuyên Quang, quân ta đánh bại Trần Trí, tướng Minh là Vi Lạng bị bắt. Trần Trí bj Minh đế giáng xuống làm lính.

Phương Chính từ Nghệ an ra tăng cường thành Đông Quan.

Minh đế cũng sai Vương Thông và Mã Anh đem quân sang tăng viện Đông Quan. Vương Thông chia quân ra tổ chức thành 3 tiền đồn: Vương Thông lập đồn lũy ở bến Cổ Sở, Phương Chính ở Sa Thôi, Mã Kỳ ở Thanh Oai.

Mã kỳ bị Lý Triện đánh bại phải chạy trốn. Thừa thắng, Lý Triện đánh bại Vương Chính. Mã Kỳ và Vương Chính phải rút về với Vương Thông.

Quân ta bị Vương Thông dụ vào bãi chông bằng sắt, voi bị chông không tiến lên được. Quân Minh mai phục sẵn liền xông ra đánh, quân ta thiệt hại nặng phải rút về Cao Bộ. Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem quân tới tăng viện Lý Triện.

Bắt được kế hoạch tấn công của Vương Thông, quân ta mai phục ở Tụy Động chờ địch. Quân Minh bất ngờ lọt ổ phục kích bị tổn thất rất nặng, Thượng thư Trần Hiệp và Nội quan Lý Lượng bị chém chết, Vương Thông cùng Vương Chính và Mã Kỳ chạy về Đông quan.

Được tin thắng lớn ở Tụy Động, Vương từ Lỗi Giang tiến quân ra hạ trại gần thành Đông Quan. Vương Thông cho người ra gợi ý Vương kiếm con cháu nhà Trần lập làm vua, quân Minh sẽ bãi binh về nước. Vương nhận thấy cuộc kháng chiến kéo dài chỉ khiến dân tình khốn khổ nên cho người tìm  kiếm được Trần Cao là cháu 3 đời của Trần Nghệ Tông. Trần Cao được tôn lên làm vua, Vương tự xưng là Vệ Quốc Công.

Vương Thông đưa thư xin hòa và hẹn đem quân về nước.

Thật sự Vương Thông chỉ hoãn binh để củng cố phòng thủ và lén đưa thư về cầu cứu Minh đế. Bắt được thư cầu viện, Vương giận, tuyệt giao với Vương Thông.

Tiếp tục cuộc chiến, Vương cho quân đi đánh chiếm được các thành Điên Diên, Thị Kiều, Tam Giang, Xương Giang và Kỳ Ôn.

Tướng Minh trấn thủ thành Nghệ An và Diễn Châu là Thái Phúc và Tiết Tụ đầu hàng.

Trong khi vây hãm Đông Quan, Vương chia Đông đô thành 4 đạo và đặt quan văn võ để cai trị.

Tù binh được đưa về Thiên Trường, Kiến Xương, Lý Nhân, Tân Hưng và được đối xử tử tế.

Những người cộng tác với giặc được chuộc tội bằng tiền.

Ngay sau khi đại bại ở Tụy Động khiến Thượng thư Trần Hiệp bị chém chết, Vương Thông đã cho người về nước cầu viện.

Minh đế sai các tướng Liễu Thăng, Lương Minh, Thôi Tụ, Binh Bộ Thượng Thư Lý Khánh và Công Bộ Thượng Thư Hoàng Phúc theo đường Quảng Tây qua cửa Ba Lụy (Nam Quan). Cánh quân thứ hai theo đường Vân Nam qua cửa Lê Hoa gồm các tướng Mộc Thạnh, Từ Hanh và Đoàn Trung.

Quân ta đón đánh địch từ cửa Ba Lụy, vừa đánh vừa lui. Khinh thường, Liễu Thăng dẫn đầu một toán lính đuổi theo. Tới chỗ hiểm yếu ở ải Chi lăng, Liễu Thăng lọt ổ phục kích bị chém đầu. Quân Minh tan vỡ bỏ chạy. Quân ta đuổi theo, tướng Lương Minh bị chém chết, tướng Lý Khánh tự tử. Hoàng Phúc và Thôi Tụ dẫn tàn quân chạy về thành Xương Giang nhưng thành này đã bị quân ta chiếm giữ nên giặc phải lập đồn lũy giữa đồng trống để chống cự. Quân ta thừa thắng tiến tới dứt điểm trận chiến, Hoàng Phúc và Thôi Tụ bị bắt.

Thôi Tụ không chịu khuất phục nên Vương sai chém đầu.

Ở cửa Lê Hoa, Mộc Thạnh chờ tin thuận lợi từ cánh quân của Liễu Thăng rồi mới xuất phát. Vương cho đem tì tướng và ấn tín của Liễu Thăng làm bằng chứng cho Mộc Thạnh biết Liễu Thăng đã bị chém chết. Mộc Thạnh khiếp sợ bỏ chạy, quân ta đuổi theo gây tổn thất nặng cho quân Minh.

Để Vương Thông biết quân cứu viện đã bị tan rã, Vương sai đem Hoàng Phúc với 2 hổ phù và ấn tín của Liễu Thăng đưa cho Vương Thông.

Lần này Vương Thông thật lòng xin hòa. Vương và Vương Thông lập đàn thề bãi binh về nước.

Vương cấp 500 thuyền, giao cho Phương Chính và Mã Kỳ quản lãnh để đưa quân về bằng đường biển. Lương thực và ngựa giao cho Hoàng Phúc và Sơn thọ quản lãnh. Mã Anh dẫn quân về bằng đường bộ .

Tổng số tù binh trao trả gồm:

- 280 tướng và tì tướng,

- 2,137 viên quan lại,

- 13,578 lính chính quy và 13.180 lính trợ lực.

Tù Binh Trong Thời Trịnh / Nguyễn Phân Tranh

1- Tù binh Trịnh.

Năm 1648 Chúa Trịnh Tráng sai Đỗ Văn Hiển đem quân thủy bộ vào đánh chúa Nguyễn Phúc Lan. Quân Trịnh đại bại tại Nhật lệ. Quân Nguyễn bắt được 3 tướng là Gia, Lý và Mỹ (sử không chép họ), 60 tì tướng và 3 vạn lính. Chúa Nguyễn tha các tướng và tì tướng về Bắc, 3 vạn lính được cho định cư và lập nghiệp từ Điện Bàn, Thăng Hoa tới Phú Yên. Họ được chia ra 50 người một ấp, được cấp lương thực 6 tháng. Ngoài việc khẩn hoang họ còn được phép khai thác lâm sản.

Từ đó làng mạc nối tiếp nhau từ Quảng Nam tới Phú Yên.

2- Tù binh Chiêm thành

Năm 1692 vua Chiêm thành là Bà Tranh cho quân cướp phá và giết hại dân ta ở Diên Ninh. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính đem quân sang tiễu trừ. Bà Tranh bị bắt giải về Huế. Toàn phần lãnh thổ còn lại của Chiêm Thành từ sông Phan Rang tới Bình Thuận bị sát nhập vào nước ta và được lập thành trấn Thuận Thành.

Bà Tranh bị giam ở núi Ngọc Trản (thuộc huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên). Sau đó ít lâu Bà Tranh bị bệnh chết.

3- Tù binh Chân lạp.

Năm 1642 nước Chân lạp rối loạn. Nguyên nhân do vua Nặc Ông Chân lấy vợ Mã lai và bỏ đạo Phật theo đạo Hồi của vợ.

Hoàng tộc, triều đình và dân chúng có nhiều người chống đối.

Bị vua đàn áp, phe chống đối cầu cứu chúa Hiền. Chúa sai Nguyễn Phúc Yến đem quân sang can thiệp.

Nặc Ông Chân bị bắt giải về Quảng Bình (nơi chúa đang yểm trợ cuộc hành quân vượt sông Gianh chiếm 7 huyện ở phía nam sông Cả).

Chúa tha Nặc Ông Chân về nước. Từ đó Chân Lạp chịu làm phiên thần và triều cống chúa Nguyễn.

Bùi Quý Chiến
(Đặc San Lâm Viên)

---------------------------------------------

Tham khảo

- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên.

- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn,

- Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.

- Việt Sử Xứ Đàng Trong của Phan Khoang.

No comments:

Post a Comment