Tuesday, April 5, 2022

Làm sao có thể «nói chuyện phải quấy» với một tay trùm dối trá?

  

Làm sao có thể «nói chuyện phải quấy» với một tay trùm dối trá?

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/lam-sao-co-the-noi-chuyen-phai-quay-voi-mot-tay-trum-doi-tra/

Lê Tây Sơn
2 tháng 4, 2022

Vladimir Putin trên một bức tường ở Warsaw, Ba Lan, ngày 23 Tháng Ba 2022 (ảnh: STR/NurPhoto via Getty Images)

Cũng như các chế độ độc tài khác, nước Nga được xây dựng trên một «đế chế dối trá». Đó là trở ngại lớn nhất đối với các cuộc đàm phán hòa bình. Hòa bình đâu không thấy, nguy cơ trở thành nạn nhân của những cam kết bịp bợm là rất cao. Đã có những bài học lịch sử đau thương.

Nói dối không chớp mắt!

Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi của tuần này, nhiều người có cảm giác hy vọng là Nga có thể giảm bớt cuộc tấn công tàn bạo tại một số thành phố của Ukraine sau khi một vị tướng của họ tuyên bố «Giai đoạn 1» của cái gọi là «chiến dịch quân sự đặc biệt» đã kết thúc để chuyển sang «Giai đoạn 2» giải phóng vùng Donbas thân Nga. Thứ Ba tuần này, sau khi các đặc phái viên Nga thảo luận với phái đoàn Ukraine tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, Thứ trưởng Quốc phòng Nga cũng thông báo «sẽ rút lực lượng và giảm mạnh hoạt động quân sự quanh hai thành phố Kyiv và Chernihiv để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau».

Nhưng chẳng có mấy ai tin những lời hứa suông của hai quan chức trên. Thậm chí nhiều người còn xem đây là màn đánh lừa để quân Ukraine mất cảnh giác và để phía Nga «câu» thời gian. May mắn là trong thời đại hình ảnh vệ tinh chụp trong thời gian thực, những dối trá liên quan đến dịch chuyển quân đội đều bị Mỹ phát hiện dễ dàng. Và trên thực tế, sau khi bị Mỹ vạch trần «âm mưu nói dối», quân Nga mới chịu rút quân ra khỏi vài nơi, ví dụ quanh nhà máy điện hạt nhân không còn vận hành Chernobyl.

Những người theo dõi tình hình nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin biết rõ là các cam kết của Nga chỉ nên xem như «lời nói gió bay», tin là tự sát. Ngay cả khi giá dầu giảm và thị trường chứng khoán leo thang trước những dấu hiệu sẽ có đột phá trong thương lượng hòa bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tỏ ra hoài nghi. Ông cảnh giác: «Chúng ta sẽ xem liệu họ có tuân theo những gì do chính họ đề xuất hay không?». Hãy đợi đấy! Biden nói đúng, làm ăn với Putin rất mệt, vì nhìn đâu cũng thấy cái bẫy và lừa đảo.

Quả đúng như thế, vài giờ sau tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Nga, đạn pháo và tên lửa Nga vẫn tiếp tục bắn vào các tòa nhà ở Chernihiv và ngoại ô Kyiv. Thị trưởng Chernihiv Vladyslav Atroshenko nhận xét: «Cuộc bắn phá cấp tập vào thành phố của chúng tôi lại một lần nữa cho thấy Nga luôn nói dối!». Đột nhiên, những tuyên bố đầy tính «nhân văn» của một quan chức hàng đầu Nga ở Istanbul được thay thế bằng những tuyên bố đen tối từ một quan chức khác ở Moscow. Làm sao người ta tin được số thương vong đầu tiên Nga đưa ra về lực lượng của mình là con số thật? Hầu như tất cả những gì phía Nga nói về cuộc chiến đều sáo rỗng.

Dù tuyên truyền không bắn phá khu dân cư nhưng quân Nga đã tấn công và phá hủy vô số trường học và bệnh viện; Kharkiv, Ukraine, ngày 25 Tháng Ba (ảnh: MARCUS YAM / LOS ANGELES TIMES)

Nói dối có bề dày lịch sử

Không cần đến cuộc chiến với Ukraine để nước Nga của Putin trình diễn màn tập kích những thông tin sai lệch đánh lừa người dân Nga và thế giới. Sự lừa dối đã bắt đầu từ nhiều thập niên trước, và chúng chưa bao giờ dừng lại. Dối trá đã trở thành «văn hóa» và thói quen khó bỏ. Dối trá để duy trì quyền lực và dối trá để che giấu những tin xấu nội bộ. Cuộc chiến Ukraine là một cơ hội nữa để thế giới thấy sự dối trá đã phát triển đến mức độ nào trong thời gian thực.

Trong vô số lời hứa và cam kết không được tuân thủ, nổi cộm nhất là «Bản ghi nhớ Budapest» (Budapest Memorandum) ký năm 1994, khi Nga, để đổi lấy thỏa thuận chuyển giao vũ khí hạt nhân của Ukraine từ thời Liên Xô, tuyên bố hùng hồn «sẽ tôn trọng biên giới, chủ quyền và độc lập của Ukraine». Một ví dụ nữa là trong thỏa thuận Đạo luật thành lập (Founding Act) ký năm 1997 giữa Nga với NATO, Nga hứa không chỉ cam kết thực hiện dân chủ và pháp quyền, mà còn hứa «kiềm chế trước các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại bất kỳ quốc gia nào; chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của nó».

Putin đã xây dựng một đế chế dối trá ngay từ những ngày đầu lên nắm quyền. Ông ta viện ra những nguyên nhân vẫn còn mờ mịt của các vụ đánh bom chung cư ở Moscow năm 1999 để lấy cớ nghiền nát Chechnya, gây thương vong và đau khổ cùng cực cho dân thường. Bằng cách khoe cơ bắp và các tài vặt mỗi khi có dịp, Putin tự phong cho mình là «Người bảo vệ mạnh mẽ» nhân dân Nga, ngay từ lúc mới giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên. Hai thập niên sau đó, Putin để lại nhiều dấu vết của sự dối trá, nham hiểm và tàn bạo, mà đáng chú ý nhất là cái chết bí ẩn của các đối thủ quan trọng nhất; những người chỉ trích ông ta; các lãnh đạo đối lập và các nhà báo muốn nói lên sự thật.

Những tai nạn bất ngờ và những vụ đầu độc liên tiếp diễn ra, cả ở trong nước và nước ngoài. Rồi những cáo buộc bịa đặt để đưa vào tù những ai dám thách thức quyền lực của Putin. Lãnh đạo Nga còn ra lệnh can thiệp vào các cuộc bầu cử ở các quốc gia dân chủ. Giống như các chế độ độc tài tôn sùng cá nhân khác, chiến thuật của Putin được những cận thần nhân rộng và thực hiện mệnh lệnh. Putin dối trá thế giới và cấp dưới cũng không dám cung cấp cho ông ta những thông tin thực về sự thất bại của quân Nga, vì sợ. Tình báo phương Tây cho biết Putin đã bị các cận thần, cơ quan tình báo và các tướng lãnh nói dối về «cuộc động binh chắc thắng, nhanh và dễ như lấy đồ trong túi»!

Hình ảnh Putin dưới nét cọ của họa sĩ TvBoy tại Plaza de Sant Jaume, Barcelona, Tây Ban Nha (ảnh: Paco Freire/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Gậy ông đập lưng ông

Mới đây, tình báo Mỹ khẳng định Putin đã bị các tướng lĩnh của ông ta đánh lừa về mức độ thiệt hại của lực lượng Nga ở Ukraine. Nếu Putin đang trở thành nạn nhân của văn hóa lừa đảo từ các thành viên thân cận của mình vào thời điểm quan trọng này, thì đây sẽ là một vở kịch tuyệt vời nữa để xem: Chuyên gia đánh lừa hàng đầu thế giới bị cấp dưới đánh lừa. Kẻ nói dối vô địch bị cấp dưới báo cáo láo! «Gậy ông đập lưng ông»!

Các quan chức Ukraine không hề ngây thơ. Ngoài việc cảnh giác trước nguy cơ bị đầu độc thâm hiểm và hèn hạ tại ngay bàn đàm phán, họ nói rằng các cuộc đàm phán hiện tại sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp ngoài «màn tung hỏa mù» để Nga tập hợp lực lượng, thay tướng và tấn công tàn ác hơn. Nhiều nhà quan sát cũng đồng ý như thế. Tin vào Nga thà tin vào… củ khoai! Cuộc chiến chống Ukraine có vô số lời nói dối. Từ việc ra luật cấm truyền thông gọi là «cuộc chiến tranh» đến sự phủ nhận liên tục của Putin và các phụ tá đây là cuộc xâm lược và lời vu vạ ngớ ngẩn «Ukraine được điều hành bởi phát xít và đang đe dọa Nga». Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, sự dối trá vẫn tiếp tục không suy giảm, thậm chí phi lý hơn bao giờ hết, trong khi những phản bác ngày càng có trọng lượng.

Nguyên tắc «Tin những gì tôi nói, không phải những gì bạn thấy» đã có hiệu lực khi người phát ngôn Dimitry Peskov của Putin nói với CNN rằng «Nga chỉ tấn công các mục tiêu quân sự», dù cả thế giới đều nhìn thấy các mục tiêu dân sự cũng bị đánh bom, gồm cả các trường học và bệnh viện. Người dân Nga được nghe nói dối là Ukraine đang phát triển vũ khí sinh học, bất chấp việc Mỹ và các đồng minh từng cảnh báo rằng Nga có thể dùng sự dối trá này như cái cớ để tấn công sinh học hoặc hóa học Ukraine.

Một người ở Nga nói với một nhà báo phương Tây là hiện cô ta không tin bất cứ điều gì do bất cứ ai nói, ở cả hai bên. Đây là kết quả tất nhiên của việc phải bơi lâu ngày trong một đại dương dối trá! Vậy thì làm sao chính phủ Ukraine có thể đàm phán với một chính phủ không thể tin tưởng, không thể giữ lời và tuân thủ các cam kết của mình? Dù cuộc chiến này kết thúc như thế nào và vạch ra đường ranh giới mới như thế nào, Nga vẫn sẽ đứng ở bên kia biên giới. Đó là thực tế của Ukraine. Một ngày nào đó, Putin sẽ không còn nắm quyền nữa. Nhưng hiện tại, cuộc chiến này sẽ không được giải quyết trên bàn đàm phán, ngay khi cả hai bên đạt được một thỏa thuận khả thi.

Để thành công trên bàn đàm phán, Ukraine, với sự giúp đỡ của phương Tây, phải giành ưu thế quân sự để đánh tan những điều bịa đặt của Putin. Putin sẽ tiếp tục nói dối người dân của mình và với thế giới về cách cuộc chiến diễn ra. Người dân Nga có thể không biết sự thật cho đến khi ông ta thôi nhiệm, nhưng đối với những người Ukraine đang chịu đựng sự tàn phá của Nga; đối với những người lính Nga và những người chết để bảo vệ đế chế dối trá của Putin, thì sự thật phải được phô bày.

Lê Tây Sơn

No comments:

Post a Comment