Wednesday, March 16, 2022

Nato và Valadimir Putin, bên nào là nguyên nhân đưa đến cuộc chiến Ukraine ?

 

 

Ý Dân: Nato và Valadimir Putin,
bên nào là nguyên nhân đưa đến cuộc chiến Ukraine ?

Tại sao và hâu quả sẽ như thế nào ?

Ý Dân

https://vietorg.com/article.php?&QRY=S&CP=0&L=vi&M=1&CID=1321


Quân đội Nga đang vượt qua biên giới đẻ tiến vào Ukraine

Cuộc chiến Nga-Ukraine bùng nổ và đang xảy ra là kết qủa của sự xung đột giữa Nga, dưới sự lãnh đạo của TT Valadimir Putin, và khối NATO - không phải xung đột giữa Nga và Ukraine. Sự xung đột đó âm ỉ bắt đầu kể từ khi Liên Bang Sô Viết (USSR) sụp đổ vào năm 1991 và kéo dài cho đến nay.

Thật không may, Ukraine là nạn nhân của cả hai phía. Đối với Nga, Putin trừng phạt Ukraine bằng quân sự để buộc NATO phải giải quyết những đòi hỏi mà từ lâu Nga đã đặt vấn đề với NATO tại Âu Châu, nhưng bị NATO phớt lờ. Đối với Phương Tây, nếu suy nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy, cuộc chiến Ukraine là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy war). Tây Phương dùng cuộc chiến này để làm suy yếu Nga về mọi mặt - một địch thủ có tiềm năng đáng gờm.

Để có một cái nhìn trung thực và chính xác về cuộc chiến này chúng ta thử tìm hiểu cặn kẽ, tỉ mỉ về diễn tiến của những bất đồng giữa Nga và NATO ngày càng gia tăng đến khi hai bên không thể đi đến một thỏa hiệp chung. Khi mà Putin cảm thấy bị NATO ép vào chân tường, không có lối thoát, buộc lòng môt mất môt còn phải dùng vũ lực như là giải pháp cuối cùng (the last resort). Putin đã không dám đánh NATO mà đánh Ukraine để làm áp lực với NATO.

Qua những diễn tiến dưới đây, chúng ta cũng có thể đoán được thâm ý và quyết sách vì sao NATO tiếp tục bành trướng Âu Châu, dù rằng USSR và WARSAW PACT không còn nữa và bất chấp sự phản đối và bất mãn tột cùng của Putin. Đồng thời, qua cuộc chiến Ukraine chúng ta có thể thấy số phận của nước Nga có thể đã được NATO định đoạt từ trước.

TT Valadimir Putin bị NATO dồn vào chân tường, không lối thoát, buộc lòng phải phản ứng:

Có nhiều lý do để Putin nghi ngờ và lo ngại về những tính toán của các nước phương Tây đối vơi Nga, có thể tóm gọn những lý do chính sau đây:

1) Lịch sử:

Mặc dầu trong quá khứ đã từng xâm lấn các nước khác để mở rộng bờ cõi, nhưng Nga cũng đã nhiều lần bị các nước khác xâm phạm vào lãnh thổ mình, ví dụ: Balan chiếm đóng Kremlin 1610-1612, Thụy Điển tràn qua Nga 1708-1709, Pháp (Napoleon) 1812, Đồng Minh đóng quân vào Thế Chiến Thứ Nhất 1914-1918, Đức Quốc Xã lấn chiếm Liên Bang Sô Viết 1941. Ngoài ra có hai biến cố đã ghi đậm nét làm cho Putin và giới lãnh đạo Kremlin không bao giờ quên: Bức Tường Bá Linh sụp đổ năm 1989 và Liên Bang Sô Viết tan rã 1991.

Bức tường Bá Linh sụp đổ 1989

2) Quan hệ Mỹ-Nga không mấy thân thiện:

Boris Jeltsin và Valadimir Putin

Khoảng thời gian từ 1990-2007, Cả Boris Jeltsin lẫn Valadimir Putin đều muốn xích lại gần hơn với Tây Phương đặc biệt là Mỹ. Nga đã hợp tác với NATO và thành lập Hội Đồng Nga-NATO (Russian-NATO Council (RNC) vào năm 2002 như một cơ chế tham vấn, xây dựng đồng thuận, hợp tác, quyết định chung và hành động chung. Trong RNC, các quốc gia thành viên NATO riêng lẻ và Nga đã làm việc như những đối tác bình đẳng về nhiều vấn đề an ninh cùng quan tâm, điển hình như liên hiệp quân sự chống khủng bố và ma túy (3*), v.v... tại chiến trường Afghanistan.


Putin muốn xích lại gần hơn với nước Mỹ

Có lần Putin đã tỏ ý muốn xin gia nhập thẳng vào NATO mà không phải qua thủ tục nộp và xét đơn (application processing procedure) như các quốc gia thành viên khác (có lẽ có một số điều kiện và tiêu chuẩn đòi hỏi mà Nga không hội đủ), đã bị cựu Tổng Thư Ký NATO George Robertson từ chối (4*).

Putin xin gia nhập NATO nhưng bị Tổng Thư Ký George Robertson từ chối

Dưới thời TT Obama, Bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton không mấy thiện cảm với Putin, vì Putin đã giúp TT Bashar al-Assad thành công trong cuộc chiến ở Syria, đẩy lùi những nhóm Hối Giáo Ly Khai được hậu thuẫn bởi Tây Phương.

Nhân một cuộc biểu tình của dân Nga tại Mạc Tư Khoa vào năm 2011 tố cáo Putin gian lận bầu cử (8*), TT Putin đã nghi ngờ và lên tiếng đổ tội cuộc biểu tình đó do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chủ xướng dưới sự điều động của bà Hillary Clinton. Từ đó, ông Putin và bà Hillary có một hố ngăn cách rất sâu rộng. Hố ngăn cách càng sâu hơn, khi TT Putin đem quân qua xâm chiếm và sát nhập Crimea vào nước Nga vào năm 2014.


Dân Nga biểu tình tại Moscow tố cáo Putin gian lận bầu cử

Vào năm 2016 khi đang vận động bầu cử, Ông Donald Trump đã tuyên bố: «TT Putin là người bạn tốt. Nếu đắc cử tôi sã gần gũi và làm việc chung với ông ta». Có lẽ TT Donald Trump đã có ý định kết hợp với TT Putin và Kim Jong Un của Bắc Hàn để chống Trung Cộng ? Thật không may bà Hillary Clinton, một ứng cử viên sáng giá vượt trội và có nhiều hy vọng hơn Donald Trump, đã thất cử. Điều này đã làm cho bà Clinton dấy lên một sự nghi ngờ và tố cáo TT Donald Trump gian lận vì có bàn tay của Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 của Mỹ.

TT Donald Trump thân thiện với TT Valadimir Putin

Thật ra, TT Donald Trump rất khôn ngoan đã dùng một cách xã giao khéo léo (tactfulness) theo ngạn ngữ Anh: «Đến gần bạn, nhưng đến gần hơn với kẻ thù (be close to friend, but be closer to enemy». Ông cũng đã dùng mẹo này khi tìm cách tiếp cận với cả Putin lẫn Kim Jong Un của Bắc Hàn và cả với Tập Cận Bình trong thời kỳ đầu.

Tiếc thay, đảng Dân Chủ đối lập và báo chí truyền thông cánh tả của Mỹ khi ấy không «care» thâm ý của Ông, đã dán nhãn cho TT Donald Trump làm việc cho Nga (Russian Agent). Chính điều này đã làm cho TT Donald Trunp lúng túng và khó xích lại gần hơn với TT Putin. Qua cuộc phỏng vấn của đài Fox News, Ông đã phải nhấn mạnh: «Tôi không làm việc cho nước Nga. Tôi là tổng thống Mỹ, tôi phục vụ cho nước Mỹ (Make America Great Again)» .

Trong nhiệm kỳ TT Donald Trump, Chính phủ của Ông đã có một loạt gồm 52 hành động lên án và trừng phạt Nga (9*), kể cả việc bà Nikki Haley, Đại Sứ Hoa Kỳ tại LHQ, đã mạnh mẽ tố cáo trước Hội Đồng Bảo An LHQ về việc Putin đã viện trợ vũ khí hóa học giúp chính quyền Syria của TT Assad giết nhiều người trong cuộc chiến tại đó. Chính quyền TT Donald Trump cũng đã tiếp tục lên tiếng chỉ trích một cách rất gắt gao và áp đặt thêm nhiều lệnh cấm vận về vụ Nga sát nhập Crimea 2014.

Đại Sứ Mỹ bà Nikki Haley tố cáo Nga cung cấp vũ khí hóa học cho chính quyền Assad của Syria giết thường dân vô tội tại Hội Đồng Bảo An LHQ

Đến nhiệm kỳ TT Biden bây giờ, từng là phó TT của Obama, những hy vọng của TT Putin muốn trở nên thân thiện với Mỹ đã trở thành mây khói.

3) NATO bội tín đã làm sói mòn niềm tin và hy vọng của Valadimir Putin:

- NATO được thành lập vào tháng 4 năm 1949, khởi đầu chỉ có 12 nước thành viên: Bỉ, Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Anh, Canada, Pháp, Lục Xâm Bảo, Ý, Băng Lan, Hòa Lan và Na Uy. Mục đích là ngăn chận sự bành trướng của Liên Bang Sô Viết và Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Âu Châu. Bảo vệ các quốc gia thành viên không bị các nước khác tấn công. Để đối lại, Liên Bang Sô Viết cũng có Hiệp ước WARSAW, tương tự, gồm các nước thành viên: An Ba Ni, Bung Ga Ri, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hung Ga Ri, Ba Lan, Lỗ Mani và Nga.

Điểm đặc biệt trong thời gian chiến tranh lạnh hai khối NATO và WARSAW chưa một lần xung đột trực tiếp với nhau, thay vào đó chỉ có xung đột bằng vũ trang tại các nước nằm ngoài hai khối như là một chiến tranh ủy nhiệm (proxy wars). Việt Nam là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Hiệp Ước Warsaw giải thể - The dissolution of Warsaw Pact March 31, 1991

Sau khi Liên Bang Sô viết tan rã vào năm 1991, Moscow giải thể WARSAW và yêu cầu NATO cũng làm như vậy. Điều này đã không xảy ra, NATO đã không những không giải tán mà còn tiếp tục thâu nhận thêm nhiều thành viên mới.

- Sau khi nước Đức Thống Nhất đã được Mỹ mời gia nhập NATO vào năm 1990. Trong dịp này TT George W. Bush (Bush cha) đã hứa nếu Đức trở thành hội viên, NATO sẽ không nới rộng ảnh hưởng về hướng Đông dù chỉ một tấc, có nghĩa sẽ chấm dứt thâu nhận thành viên mới. Nhưng sau đó khi có thành viên khác gia nhập, bị Nga đặt vấn đề, NATO chối là chưa bao giờ hứa hẹn như vậy. Trên thật tế, đã có nhiều chứng từ, báo cáo đã ghi đầy đủ về sự hứa hẹn đó (1*).

Cuộc họp hội nghị thượng đỉnh tại Camp David của TT George Bush 1990

Ngoài ra, trong số những quốc gia tiếp tục gia nhập NATO, như là: Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung Ga Ri (2009); Bun Ga Ri, Lỗ Ma Ni, Nam Tư, Estonia, Lithunia, Slovenia, Latvia, Crotia và An Ba Ni (2004-2009), đa số trước đây từng là hội viên của Hiệp Hội WARSAW.

Nỗi sợ hãi của Nga tăng lên vào cuối những năm 2000 khi NATO tuyên bố ý định kết nạp Gruzia và Ukraine vào một thời điểm không xác định trong tương lai.

TT Volodymyr Zelenskyy của Ukraine xin gia nhập NATO

Những diễn tiến trên đã làm cho TT Putin nghi ngờ ý định của NATO.  Qúa bất mãn, tại một hội nghị thường niên ở Munich vào năm 2007, TT Putin đã phát biểu: «NATO has put it front-line forces right on our borders. This expansion represents a serious provocation that reduces the level of mutual trust and we have the right to ask against whom is this expansion intended ? What happened to the assurances that our Weston partners made after the dissolution of the Warsaw Pact ?». (1*) Tạm dịch: «NATO đã và dang cài đặt những lực lượng tiền phương ở ngay trên biên giới của chúng tôi. Sự mở rộng này thể hiện một hành động khiêu khích nghiêm trọng làm giảm mức độ tin cậy lẫn nhau và chúng tôi có quyền đặt câu hỏi những sự mở rộng đó hiện đang nhắm đến ai ? Điều gì đã xảy ra với những bảo đãm mà các đối tác phương Tây đã cam kết với chúng tôi khi Hiệp Ước Warsaw tan rã?».

 

Putin phát biểu tại Hội Nghị Hàng Năm tại Munich 2007

Đối với Điện Kremlin, quan điểm cho rằng Ukraine, một trụ cột của Liên Xô có quan hệ lịch sử chặt chẽ với Nga, sẽ gia nhập NATO là lằn ranh đỏ. «Không nhà lãnh đạo Nga nào có thể đứng yên khi đối mặt với các bước tiến tới việc trở thành thành viên NATO của Ukraine. Đó sẽ là một hành động thù địch đối với Nga», Putin cảnh báo Thứ trưởng Bộ Chính trị Hoa Kỳ William J. Burns, người hiện là giám đốc CIA, trong những tuần trước Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008 của NATO. (7*)

Vậy mà, gần đây NATO bỏ ngoài tai, thâu nhận thêm MontenegroNorth Macedonia (2017-2019) là hai nước nắm trong sân sau của Nga.

Không những vậy, NATO đã chính thức tỏ ý muốn thâu nhận thêm những nước Bosnia and Herzegovina, Georgia, Thụy Điển, Phần Lan, SerbiaUkraine.

Trước khi xua quân qua biên giới Ukraine, Putin đã tuyên bố Nga là nước bị NATO bắt nạt. NATO đã biến phần lớn các quốc gia trước đây, từng là thành viên thuộc khối Liên Bang Sô Viết, trở thành thành viên của NATO. Các nước này nằm sát cạnh biên giới hoặc sân sau, đe dọa nền an ninh của Nga. Vòng đai NATO ngày càng vây chặt quanh biên giới nước Nga.

Việc Ukraine - nước lớn thứ nhì sau Nga, nằm sát biên giới, có địa chính trị rất quan trọng, có nên văn hóa và lịch sử lâu dài gắn chặt với dân tộc Nga - làm đơn xin gia nhập NATO như giọt nước làm tràn ly, với tư cách lãnh tụ nước Nga, Putin đã bị dồn vào chân tường, không lối thoát, nên chỉ còn con đường một mất một còn phải dùng vũ lực buộc Ukraine phải từ bỏ ý định gia nhập NATO và chọn con đường trung lập (buffer country) là giải pháp duy nhất.

Những khuyến cáo đối với NATO và Chính Phủ Hoa Kỳ:

- Vào ngày 26 tháng 6 năm 2007, Một nhóm gồm 50 chuyên gia về chính sách đối ngoại gồm cựu thượng nghị sỹ, tướng lãnh, viên chức ngoại giao, giáo sư đại học phần đông là những nhân vật thuộc nhóm Think Tank hoạt động cho Chính phủ Hoa Kỳ đã ký gởi cho TT Bill Clinton một kiến nghị chống đối sự mở rộng của NATO ở Âu Châu, cho rằng chính sách này là một sai lầm (1).

- George F. Kennan, một Nhà Ngoại Giao và một Sử Gia, nổi tiếng là cha đẻ của Chinh Sách Be Bờ (Containment Policy) trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, đẫ lên tiếng: «Tôi cho rằng đây là một sai lầm về chiến lược, không có bất kỳ lý do gì cần thiết để làm như vậy, không có ai đe dọa ai cả».

- Vào năm 2008, William J Burn, Cựu Đại Sứ Mỹ tại Nga, đã phát biểu: «Ukraine vào NATO là vượt lằn ranh đỏ đối với giới tinh hoa Nga. Từ những người thấp kém khúm núm trong Điện Cẩm Linh cho đến những nhà bình luận tự do và sắc bến đối với Putin, tôi không thấy ai cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO khác hơn là một thách thức trực tiếp với lợi ích của nước Nga».

- Robert M Gates, một cựu Viên Chức Phân Tích Tình Báo thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ dưới thời TT Bush và Obama, cảnh cáo: «Nỗ lực đưa Georgia và ukraine vào NATO thực sự là một việc làm quá sức. Động thái này là một trường hợp liều lĩnh phớt lờ những người Nga coi là lợi ích quốc gia quan trọng của họ».

- Cựu viên chức Phân Tích Tình Báo khác, Strobe Talbot, cũng đã lên tiếng: «Nhiều người Nga coi NATO là dấu tích của thời chiến tranh lạnh. Họ chỉ ra rằng họ đã giải tán Hiệp Ước WARSAW và hỏi tại sao phương tây (NATO) đã không làm như vậy ?».

- Năm 2015, cựu Tổng Bí Thư USSR Mikhail Gorbachev, đã từ Anh bay qua điều trần trước Thượng viện Quốc Hội Hoa Kỳ: «Tôi nghĩ những nhà lập Pháp Hoa Kỳ đã phạm một lỗi lầm rất lớn. Với những bảo đãm rằng nước Nga chẳng phải có gì phải lo ngại không thuyết phục được tôi. Quí vị không thể xúc phạm một dân tộc, một quốc gia mà cho rằng sẽ không có hậu qủa gì sẽ xảy ra». (6*)


Cựu Tổng Bí Thư USSR Mikhail Gorbachev điều trần trước Thượng viện Quốc Hội Hoa Kỳ 

- Ông John J Mearsheimer, giáo sư dạy ngành Political Science lâu năm tại R Wendell Harrison, trong một bài nói chuyện về đề tài «Tại sao Ukraine là lỗi của Tây Phương?» (Why Ukraine the West Fault?) tại đại học đường Chicago, ông đặt vấn đề: «NATO đang tiến dần về Đông Âu vây quanh biên giới Nga mà không nghĩ đên hậu qủa sẽ xảy ra. Đặt trường hợp nếu Hiệp Ước WARSAW vẫn còn và họ tiến dần qua các nước châu Mỹ, như Cuba, Guatamela, Mexico, Canada, v.v... sát biên giới Hoa Kỳ. thử hỏi Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào ? (Mỹ phòng thủ Châu Mỹ bằng hoc thuyết Monroe). Chuyện gì đã xảy ra nếu Krushshev từ chối việc tháo gở hỏa tiễn khỏi Cuba vào năm 1962 qua yêu cầu của TT John F. Kennedy?» (5*)

Vận mệnh của nước Nga đã được định đoạt bằng quyết sách của Mỹ và các nước đồng minh qua việc duy trì và nới rộng của NATO tại Đông Âu ?

Nga là một đế quốc có lãnh thổ và kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, có tài nguyên dồi dào vô tận, có trữ lượng và khí đốt đủ để cung cấp cho toàn nhân loại trong một thời gian dài. Nếu để Nga ngủ yên trong vài năm và tự do trao đổi mậu dịch với thế giới, Nga - mà không phải là Trung Cộng - là một đối thủ đáng gờm về mọi mặt đối với Mỹ và khối EU.

Sở dĩ NATO không theo vết chân của WARSAW giải tán ngay sau khi USSR tan rã, có thể NATO đã cẩn thận muốn đề phòng trường hợp nước Nga sẽ phục hồi đế chế USSR khi nền kinh tế Nga phát triển. Khi ấy Nga có thể sẽ dùng sức mạnh năng lượng, kinh tế như vũ khí chiến lược để đè bẹp cả Mỹ lẫn EU.

NATO tiếp tục nới rộng ảnh hưởng ở Đông Âu, vì thấy nhiều biểu hiện có vẻ hung hăng của Nga ỏ chiến trường Syria, những xung đột vói các nước quanh vùng Đông Âu như Chechnya, North Caucasus, Georgia, Crimea,.. Còn Trung Cộng thì bành trướng ở Á Châu, tuyến bố đường lưỡi bò 9 đoạn tại biển đông là sân sau, chiếm Hông Kông, chuẩn bị chiếm Đài Loan, lấn chiếm đất biên giới của Việt Nam, Ân Độ, Parkistan, v.v...

Sự tái hiệp lực của hai nước này hiện nay là một đe dọa cho nền an ninh và hòa bình của thế giới tự do. Một sự trổi dậy của con quái vật Cộng Sản sau khi vết trọng thương, mà Liên Bang Sô Viết tan rã vào cuối thế kỹ trước, đã tạm bình phục; nay sẵn sàng đứng dậy tiếp tục tung hoành ngang dọc.

Thật ra, Mỹ và các nước đồng minh không phải không biết «Chiến Dịch Đông Tiến» của NATO cận kề biên giới Nga sẽ đem đến hậu qủa xung đột bằng vũ trang. Như đã nói ở trên vào năm 2008 TT Putin đã cảnh báo NATO đặt nước Nga vào vị trí thù địch với phương Tây, ám chỉ nước Nga sẽ phản ứng bằng một cuộc chiến tranh nếu NATO vượt lằn ranh đỏ mà Putin đã vạch ra - đó là UKraine gia nhập NATO.

Mỹ và các nước đồng minh đã dùng NATO như đòn bẫy đẩy TT Putin vào thế phải ra tay khởi động một cuộc chiến tranh (mà không phải Mỹ) tại Ukraine để tạo nên một ác cảm của cả thế giới dành cho cá nhân Putin - một lãnh tụ đôc tài, một cựu giám đốc tình báo KGB của Nga Cộng để lại. Mỹ đã thành công kéo cả thế giới về phía đồng minh ủng hộ mình.

Hình ảnh nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của TT Biden, già nua, lú lẫn, yếu về cả thể chất lẫn tinh thần, không quyết đoán, thiếu tài điều binh, cho thấy nước Mỹ đang suy nhược - một cái lầm chết người cho Putin và cho những ai đánh giá sai lầm vê sức mạnh của nước Mỹ.

Những lời khen tặng «Putin là thiên tài, smart guy» và chê bai TT Biden thậm tệ của TT Donald Trump là những lời khích tướng có hậu ý, đã làm Putin vững tâm xua quân Nga xông vào chiến địa và cửa tử ở Ukraine.

Nên nhớ về nền chính trị của Mỹ, trong lúc đang tranh cử cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều tranh nhau quyết liệt để dành phần thắng cho đảng mình. Nhưng khi đối đầu với nước kẻ thù, cả hai đảng rất đoàn kết, tất cả đều vì quyền lợi của nước Mỹ (Không như ai kia khôn nhà dại chợ, coi ngoại bang gần gũi hơn, để biển đảo cho họ giữ giùm) 

Trước đây, Mỹ đã thành công trong việc làm sụp đổ khối Liên Bang Sô Viết tan rã bằng một chiến lược rất thông minh mà đối phương không thể ngờ tới - hy sinh thí chốt VNCH tại MNVN, bắt xe Trung Cộng, để cuối cùng chiếu bí tướng Liên Sô, đưa đến một sụp đỗ toàn diện Chủ nghĩa Cộng sản tại Đông Âu. Một chiến thắng vẻ vang ván cờ quốc tế về ý thức hệ mà không phải gây một cuộc tắm máu cho nhân loại.

Lịch sử nay tái diễn lần thứ hai, Mỹ đang kềm chân Trung Cộng bằng cách để cho Trung Cộng e dè theo dõi diễn tiến cuộc chiến Ukraine đến hồi kết thúc.

Không phải khi Mỹ đối đầu trực tiếp với quân Nga, TT Biden sợ sẽ làm leo thang chiến tranh thành Thế Chiến Thứ Ba. Đó là cách giải thích hợp lý lấy lệ vì sao Mỹ chưa ra tay với quân Nga mà thôi. Có lẽ Mỹ muốn kéo dài cuộc chiến để Putin kiệt sức vì sa lầy rồi buông súng đầu hàng hoặc rút lui có trật tự. Bởi nếu sợ Thế Chiến Thứ Ba, thì Mỹ đã không cảnh cáo Trung Cộng đừng đụng đến Đài Loan, nếu không Mỹ sẽ can thiệp mà Trung Cộng cũng là siêu cường vũ khí hạt nhân vậy. 

Bằng bất cứ giá nào Mỹ sẽ không để Ukraine mất vào tay của Putin. Nếu không NATO sẽ mất hết ảnh hưởng ở Đông Âu, Mỹ sẽ mất uy thế với đồng minh, và tạo một cơ hội tốt để Tập Cận Bình ra tay tính sổ Đài Loan.  

Với sự đồng lòng của cả thế giới chống Putin và ủng hộ Ukraine, chế độ của Putin không trụ vững được lâu. Sự cấm vận toàn diên của cả thế giới sẽ để lại hâu quả di hại lâu dài cho nước Nga trong nhiều thập niên tới, khó mà ngóc đầu lên nổi, cho dù quân Nga kết thúc cuộc chiến ở Ukraine, thắng, huề hay bại. Nếu thua trận, nước Nga sẽ phải bồi thường chiến tranh về thiệt hại nhân mạng và tài sản mà quân Nga gây nên cho nước này.

Cá nhân Putin sẽ trả một giá rất đắt, mất hết quyền bính, tài sản, và phải đối mặt với một bản án tội ác chiến tranh, hay có thể mất mạng do nhân dân và quân đội Nga đứng dậy.

Sự sụp đổ của chính quyền Valadimir Putin và Đế Quốc Nga sẽ là một tấm gương răn đe để Tập Cân Bình hết dòm ngó đến Đài Loan và các nước láng giềng chung quanh. Nhưng chưa hết, Mỹ sẽ có những độc chiêu khác dành cho Trung Cộng vì Chủ Nghĩa Cộng Sản vẫn còn hiện hữu trên hành tinh này.

Phải chăng qua vai trò của NATO tại Đông Âu và hậu qủa của cuộc chiến Ukraine, trật tự thế giới đang được tái phối trí mà trong trật tự đó Đệ Nhất Siêu Cường không ai khác hơn vẫn mãi là Mỹ, nước đàn anh của khối tự do?

_______________________________ 

Tài liệu tham khảo:

(*1) Did NATO push Ukraine into war ? https://www.youtube.com/watch?v=TzgPJeYZaOU

(*2) Putin: The West delibrately creating scenario of war | Russian – Ukraine Tension https://www.youtube.com/watch?v=Wux5xa95M3Q

(*3) Russia–NATO relations: https://en.wikipedia.org/wiki/Russia%E2%80%93NATO_relations#:~:text=Relations%20between%20the%20NATO%20military,several%20important%20agreements%20on%20cooperation.

(*4) https://www.theguardian.com/world/2021/nov/04/ex-nato-head-says-putin-wanted-to-join-alliance-early-on-in-his-rule

(*5) John J Mearsheimer, R Wendell Harrison Distinguish Professor - Why Ukraine the West Fault ? The Causes and Consequences of Ukraine Crisis https://www.youtube.com/watch?v=JrMiSQAGOS4

(*6) Gobachev comments on NATO - https://www.youtube.com/watch?v=3wB9uL2lKaw

(*7) Why NATO Has Become a Flash Point With Russia in Ukraine
https://www.cfr.org/backgrounder/why-nato-has-become-flash-point-russia-ukraine?gclid=CjwKCAjw8sCRBhA6EiwA6_IF4drmg2AAiMCk-VMVm_SPOM6pCfI8AtNn7JS-1rSO00FliNoSSKefEhoCQuAQAvD_BwE

(*8) Why Putin hates Hillary https://www.politico.com/story/2016/07/clinton-putin-226153

(*9) TRUMP ADMINISTRATION ACTIONS ON RUSSIA https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2018/09/25/on-the-record-the-u-s-administrations-actions-on-russia/

No comments:

Post a Comment