Sunday, January 9, 2022

Vụ Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam

 

Vụ Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam

«Lạy Chúa, xin ban cho chúng con những Mục Tử đích thực,
chứ không chỉ ban những kẻ mang danh mục tử!
»

Khi Linh mục Đặng Hữu Nam bị bề trên của mình là Giám mục Giáo phận Vinh không cho phép dâng Thánh Lễ và làm những công việc Mục Vụ của Linh mục nữa, tôi thấy nhiều Giáo dân lên tiếng bày tỏ phẫn nộ, cho rằng Giám mục ra lệnh đó sai. Là một Giáo dân Công giáo đấu tranh cho Tự do Tôn giáo và Nhân quyền, Dân chủ tại hải ngoại, tôi không nắm vững sự việc, nên không dám phán đoán ai đúng ai sai. Vì thế, do sự kiện này liên quan đến những người theo Chúa Giêsu, nên tôi chỉ nêu lên những tiêu chuẩn để phán đoán, những tiêu chuẩn dựa trên quan điểm của Ngài mà Ngài từng dạy bảo khi sinh thời và đã được ghi lại trong Tân Ước, để những ai theo Ngài có thể dựa vào đó mà phán đoán, suy nghĩ và hành động đúng ý Ngài.

Trước hết, về tình trạng Xã hội và Giáo Hội trong thế giới hiện nay, quá khứ cũng như tương lai, Chúa Giêsu đã mô tả qua dụ ngôn cỏ lùng của Ngài (xem Mt 13,24-30). Qua dụ ngôn này, Ngài cho thấy trong bất cứ tập thể nào, dù trong các Tôn giáo hay trong các Tổ chức dân sự, trong hàng ngũ lãnh đạo hay trong giới thường dân, cũng luôn có người tốt kẻ xấu. Nghĩa là nói theo dụ ngôn của Chúa Giêsu, thì vừa có lúa vừa có cỏ lùng cùng mọc chung với nhau, trông rất giống nhau, rất khó phân biệt. Chỉ đến mùa gặt mới phân biệt dễ dàng, lúc đó, lúa được đưa vào kho, cỏ lùng thì đem đốt. Nhóm 12 đồ đệ theo Chúa Giêsu thời của Ngài cũng không ngoại lệ, huống gì các đồ đệ theo Ngài mấy chục thế kỷ sau. Do đó, đối với người Kitô hữu, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong Xã hội, trong Tôn giáo, trong cả giới lãnh đạo lẫn thường dân, đều lẫn lộn người tốt kẻ xấu.

Áp dụng dụ ngôn cỏ lùng trên để nhìn vào thực tế Xã hội và Tôn giáo, tôi xin lấy thí dụ cụ thể trong các Tôn giáo tại Việt Nam để mọi người dễ hiểu. Chúng ta thấy các Tu sĩ, Linh mục, Giám mục, Thượng tọa, Hòa thượng, Soeurs, Nicô, v.v... luôn được người dân trọng vọng, dành cho rất nhiều ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để họ dễ dàng thi hành lý tưởng cứu nhân độ thế. Tôi luôn trân trọng lý tưởng ấy và cũng luôn ủng hộ sự trọng vọng và ưu đãi ấy dành cho họ, vì trên nguyên tắc, họ rất xứng đáng được trọng vọng và ưu đãi như vậy.

Những người thật sự hiến thân làm Tu sĩ để cứu nhân độ thế, họ bất cần hay coi rất nhẹ sự trọng vọng hay ưu đãi kia. Tuy nhiên, bên cạnh những Tu sĩ đáng kính ấy, vẫn luôn có những kẻ làm tu sĩ không phải để cứu nhân độ thế, mà chủ yếu để được hưởng sự trọng vọng và ưu đãi kia. Những Tu sĩ đích thực coi việc cứu nhân độ thế là mục đích nên họ coi nhẹ những ưu đãi Xã hội hay Tôn giáo dành cho họ, đến nỗi họ sẵn sàng chấp nhận sự bạc đãi, kể cả tù đày hay cái chết, khi lương tâm đòi hỏi họ thực hành lý tưởng cứu nhân độ thế. Còn những tu sĩ không chính danh, mà tôi dùng từ «hữu danh vô thực» để gọi họ, thường coi việc hưởng sự trọng vọng và ưu đãi Xã hội hay Tôn giáo dành cho giới Tu sĩ là mục đích. Với mục đích hưởng thụ như thế, những tu sĩ «hữu danh vô thực» không bao giờ chấp nhận hy sinh quá mức so với những lợi lộc hay ưu đãi mà Tôn giáo hay Xã hội dành cho họ.

2 hạng Tu sĩ trên, nếu không có tiêu chuẩn đúng đắn để phân biệt, người bình thường khó mà phân biệt được. Cũng như 1 cô gái, khi có 2 chàng trai đến ngỏ lời yêu đương: 1 chàng thật tình yêu thương cô, và 1 chàng có tính sở khanh hay đào mỏ. Cả 2 đều nói những lời yêu đương tha thiết, đều tặng những món quà cô thích. Biết ai thật sự yêu thương mình đây? Những tay sở khanh hay đào mỏ thường rành nghệ thuật tán tỉnh, lấy lòng hơn người yêu thương cô thật sự. Cũng như thời nay, khi đi chợ, các bà nội trợ rất khó phân biệt hàng giả hàng thật, vì hàng giả nhiều khi còn «có vẻ thật» hơn cả hàng thật nữa: nào là tươi hơn, xanh hơn, thơm hơn...

Muốn biết thật giả, phải có những phép thử. Người ta thường dùng lửa để thử vàng, hoặc cà vào 1 loại đá xem màu sắc hiện lên trên đá ấy, để xác định lượng phần trăm vàng trong đó. Với những chàng ngỏ lời yêu thương cô gái kia, có lẽ chỉ khi cô gặp hoạn nạn hay phôi pha nhan sắc, hay cô có những phép thử khôn ngoan, mới biết được ai thật sự thương mình.

Để giúp người Kitô hữu phân biệt được 2 hạng Tu sĩ mà Chúa Giêsu gọi là Mục Tử, nghĩa là người chăn chiên. Ngay sinh thời, Chúa Giêsu đã đưa ra tiêu chuẩn để phân biệt. Ngài nói: «Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, không thiết gì đến chiên» (Ga 10,11-13).

Như vậy, theo Chúa Giêsu, phép thử để phân biệt Mục Tử thật với mục tử giả mà Ngài gọi là «kẻ chăn thuê», đó là chỉ việc xét xem các Mục Tử ấy phản ứng thế nào khi sói đến. Mục Tử thật và mục tử giả phản ứng rất khác nhau, rất dễ phân biệt. Mục Tử thật thì «hy sinh mạng sống mình cho chiên». Còn mục tử giả hay «kẻ chăn thuê» thì «khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên».

Chế độ Cộng sản đến Việt Nam, tuy làm cho Dân Tộc Việt Nam đau khổ và thiệt hại trăm bề, nhưng lại giúp cho người dân Việt Nam một phép thử tuyệt diệu để phân biệt được đâu là Mục Tử thật, đâu là mục tử giả trong các Tôn Giáo cũng như trong Xã hội, đó là phép thử «bằng sói». Cứ để «sói» đến với «chiên» thì sẽ phân biệt được ngay ai là Mục Tử thật, ai là mục tử «hữu danh vô thực». Chắc chắn những mục tử thích làm bạn với «sói», nhất là hùa với «sói» để bách hại «chiên» của mình, không màng gì đến những đau khổ mà «chiên» đang phải chịu vì «sói», thì người có trí khôn bình thường nhất cũng có thể nhận định được chân tướng của những mục tử ấy.

Người Việt có câu: «Lúc gian nan mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới biết bạn là ai!», chứ lúc bình thường thì ai giao thiệp với mình cũng đều tỏ ra dễ thương dễ mến khiến mình đều tưởng là bạn cả. Nhưng đến lúc mình gặp hoạn nạn, gian nan, chỉ lúc ấy mình mới biết ai thật sự tốt với mình: rất có thể lại là những người bình thường ăn nói cộc lốc, chẳng dễ thương mấy… Còn những người luôn lịch sự dễ thương với mình, đến khi mình gặp hoạn nạn thì không ngờ họ lại ngoảnh mặt đi.

Trong Tân Ước, ngoài chuyện Mục Tử thật và mục tử giả hay «kẻ chăn thuê», Chúa Giêsu còn nói đến những «Ngôn Sứ thật» và «ngôn sứ giả». Dù là thật hay giả thì cả 2 loại này đều tự xưng mình là Ngôn Sứ, nhưng thật hay giả thì người ta chỉ có thể căn cứ vào cách sống hay hành động của họ mà nhận định. Ngôn Sứ trong Cựu Ước và theo quan niệm của Chúa Giêsu không chỉ là những người nói Lời của Thiên Chúa hay nói với tư cách đại diện cho Thiên Chúa như các định nghĩa phiến diện trên vài trang web, mà điều quan trọng và chính yếu chính là người LÀM CHỨNG cho Thiên Chúa, nghĩa là cho bản chất của Ngài là Chân Lý, Công Lý và Tình Thương.

Nếu Ngôn Sứ chỉ là những người nói Lời của Thiên Chúa hay nói với tư cách đại diện cho Thiên Chúa thì các Ngôn Sứ trong quá khứ đã chẳng đến nỗi bị giết, bị bách hại, và Chúa Giêsu chẳng cần định nghĩa các Ngôn Sứ thật qua những câu Kinh Thánh như:

● «Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên Trời thật lớn lao. Quả vậy, các Ngôn Sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế» (Mt 5:11-12).

«Hỡi Giêrusalem! Ngươi giết các Ngôn Sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi !» (Mt 23:37).

● «Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người xây mồ cho các Ngôn Sứ và tô mả cho những người công chính. Các người nói : “Nếu như chúng ta sống vào thời của Tổ Tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các Ngài mà đổ máu các Ngôn Sứ”. Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các Ngôn Sứ. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của Tổ Tiên các người đi !» (Mt 23,29-32).

Khi Chân Lý, Công Lý và Tình Thương bị chà đạp, sự giả dối lan tràn, hàng triệu người là nạn nhân của bất công xã hội, tình trạng hận thù trở thành phổ biến các nơi, mà những người mang danh là Ngôn Sứ vẫn luôn câm miệng, thì đó là ngôn sứ gì? Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 gọi họ là «những con chó câm». Nhất là khi mình lại dùng quyền trong Tôn Giáo để bịt miệng những người dám làm chứng cho Chân Lý, Công Lý và Tình Thương, thì mình là ai? Chúa Giêsu từng cảnh giác chúng ta đừng vì vẻ bề ngoài đạo đức hay vì quyền cao chức trọng của những ngôn sứ giả mà để mình bị lừa: «Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi» (Mt 7,15).

Nếu ngày xưa Chúa Giêsu đã từng bị các tư tế, kinh sư, luật sĩ và những người Pharisêu, Xađốc thù ghét, chỉ vì Ngài dám làm chứng Chân Lý, Công Lý và Tình Thương gây bất lợi cho họ, thì nếu Ngài xuất hiện vào thời đại này, không chắc Ngài sẽ thoát được sự bách hại và cái chết do những tư tế, kinh sư, luật sĩ và những người Pharisêu, Xađốc thời đại mới này gây nên. Cũng thế, nếu Karl Marx xuất hiện ở Việt Nam hiện nay, bảo đảm ông ta sẽ bị CSVN bắt và cho vào tù mút chỉ với bản án «âm mưu lật đổ chính quyền». Chắc chắn như vậy!

Ôi! Số phận của các Ngôn Sứ thời nào cũng thế thôi! Chỉ có những ngôn sứ giả mới được trọng vọng và sống yên thân thôi, nhất là trong xứ sở của loài «sói»! Thật vậy, Chúa Giêsu từng nói : «Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế». (Lc 6,26).

Gioan Nguyễn Chính Kết,
Houston, Texas, Hoa Kỳ, 
ngày 10.01.2022.

 

1 comment: