Saturday, September 5, 2020

Hồ Chí Minh - Những cơ hội thoát chết


Hồ Chí Minh
Những cơ hội thoát chết
Bút Sử

                           Nguyễn Tất Thành


Trong giai đoạn trước khi trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng Sản Việt Nam với đầy quyền lực, phải ghi nhận rằng Hồ Chí Minh (HCM) ít nhất có vài lần đã thoát khỏi tử thần. Nếu không nói là Hồ may mắn thì đó phải là sự trợ giúp của những cá nhân, những thành phần không phải cộng sản nhưng ảnh hưởng phong trào thiên tả đang nổi dậy nhiều nơi trong thời kỳ đầu của sự triệt tiêu chế độ thuộc địa. Họ là ai, đã làm gì đối với  cái mầm của chế độ độc tài toàn trị cùng những hệ lụy?

Đơn xin học trường thuộc địa của HCM
                                 Đơn xin học trường thuộc địa của Nguyễn Tất Thành

Vì hoàn cảnh gia đình nghèo túng, cha là Nguyễn Sinh Sắc bị sa thải chức quan ông ta phải đi về miền Nam kiếm sống, nên Nguyễn Tất Thành cũng phải tìm cách sinh nhai. Tháng 6, 1911, Thành vào một chiếc tàu Pháp tại Saigon xin việc và được nhận làm một chân phụ bếp.

Tàu  Latouche Tréville đến cảng Le Havre  nước Pháp vào 15/7/1911. Hai tháng sau, 15/9/1911, Thành viết thư xin học Trường Thuộc Địa (École Coloniale), trường chuyên đào tạo nhân viên hành chánh cho chính quyền thuộc địa. Thư xin học của Thành bị từ chối.

Nếu Thành được học và trở nên một nhân viên của chính phủ thuộc địa Pháp thì cuộc đời Thành đã khác, nhất là có cuộc sống khá giả hơn. Tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam cho rằng Thành ra đi “tìm đường cứu nước” không có cơ sở chứng minh. Thật ra, lúc ở Anh, Thành mới bắt đầu nhen nhúm ý tưởng “cách mạng” khi chung quanh Thành toàn là những thành phần công nhân, họ đang liên kết hoạt động trong phong trào thiên tả chống lại chủ nhân. Khi Thành qua Pháp vào 1917, các phe cánh thiên tả đã chuẩn bị đón tiếp. Sau đó Thành về cùng sinh hoạt chung nhóm trí thức lưu vong, trong đó có ông Phan Chu Trinh.

Từ Bến Nhà Rồng, Saigon, tàu ghé nhiều nơi trên thế giới như Âu Châu, Phi Châu, kể cả vài cảng ở nước Mỹ. Tàu Amiral Latouche-Triville hay trở  về lại Pháp tại các cảng Le Havre, Marseilles…rồi lại đi. Những lần ghé bến tại các nơi, tàu không thể ở lâu. Thế  nên HCM hay kể về những sinh hoạt tại Mỹ như làm trong khách sạn Parker House Hotel, thuộc thành phố Boston; đi các vùng miền Nam nước Mỹ chứng  kiến nhóm KKK kỳ thị dân da đen…Luận điệu một chiều này cũng được những tác giả nước ngoài cho là không có bằng chứng, ngoại trừ hai lá thư HCM viết cho ông Phan Chu Trinh khi tàu ghé bến New York và Boston.

Unfortunately, none of the details of his trip to the United States can be corroborated. (Ho Chi Minh, William Duiker, 2000, page 51) – Không may  cho ông, không có một chi tiết nào trong những gì ông kể là có chứng cứ.

Trách sao nước Pháp lúc này không chấp nhận cho Nguyễn Tất Thành học, vì như thế nước Việt Nam chắc hẳn tránh khỏi nhiều tang tóc do tên quốc tế cộng sản HCM gây ra.

Xử tử khiếm diện

Quân Tưởng Giới Thạch lùng bắt cộng sản mạnh mẽ những năm 1927 trở đi. Vào 5/5/1927, HCM lúc này có mang bí danh Nguyễn Ái Quốc, bỏ người vợ là Tăng Tuyết Minh ở Canton chạy qua Hong Kong. Sau đó Hồ, cũng có bí danh Lý Thụy, chạy các nơi, qua Pháp, Thái Lan các năm 1928, 1929 với tên họ mới. Có  lần Quốc cạo đầu ở trong một tu viện Thái. Tại sao?

October 10, 1929, a tribunal in Vinh condemned him in absentia to death on the charge of fomenting rebellion in Annam..One one occasion, he was closely pursued and had to hide in a pagoda, with his hair cut short in order to disguise himself. (Ho Chi Minh, Duiker, 2000, page 151)
Vào ngày 10/10/1929, một tòa án tại Vinh kết tội xử tử khiếm diện đối với ông ta, với lý do kích động sự phiến loạn tại Trung Phần…Một trường hợp, ông gần như bị bắt nên ông ta phải trốn trong một ngôi tu viện, ngụy trang với tóc cắt ngắn để che giấu thân thế.

Phong trào Sô Viết Nghệ Tĩnh nổi dậy đủ nói lên có sự liên hệ với cộng sản Liên Sô. Pháp và triều đình Huế có cớ truy nã quốc tế cộng sản Nguyễn Ái Quốc là vậy.

1930 tại Hong Kong,  Quốc thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, sau đổi thành Đông Dương. Án xử tội vẫn còn nguyên, tình báo Pháp và Anh vẫn còn săn lùng.

Vào ngày 6/6/1931, lúc 2 giờ sáng, Quốc mang giấy tờ tên Tống Văn Sơ (Sung Man Cho) bị cảnh sát Hong Kong ập vào bắt.  Đêm đó, trong phòng còn có một phụ nữ hiện diện khai là cháu của Tống Văn Sơ tên Lý Sâm. Sau đó cảnh sát điều tra biết rõ thân thế và cho Quốc vào tù ở Hong Kong.

Khu phố Kowloon, Hong Kong, nơi Quốc bị cảnh sát ập vào

Luật sư thiên tả Francis Loseby và Stafford Cripps đã tạo cơ hội cho Quốc ra khỏi tù. Họ tìm đường cho ông ta lẫn trốn qua các nơi như Singapore, Xiamen Hạ Môn, Shanghai Thượng Hải, cuối cùng tới Moscow vào đầu năm 1933. Tài liệu cho thấy Cứu Tế Đỏ thuộc Quốc Tế Cộng Sản đứng sau lưng Loseby để sắp xếp mọi chuyện. Tin Nguyễn Ái Quốc đã chết trong nhà tù Hong Kong do Loseby tung ra để đánh lạc hướng tình báo Pháp và Anh đến ngày nay người ta còn bàn tán.

Kết luận là cũng nhờ những người Anh, trong bộ phận tòa án xử những vấn đề liên quan tới thuộc địa, đã cứu Nguyễn Ái Quốc thoát chết, từ tội bị xử tử đã tới nơi là cái nôi của chủ nghĩa cộng sản và được đàn anh bảo vệ an toàn, cũng như sắp xếp cho ông ta học tập để có hoạt động khá hơn.

OSS giúp trị bệnh sốt rét cho HCM

Tiền thân của CIA là OSS (Office of Strategic Services).  Vào 7/1945, OSS  có những công tác huấn luyện Việt Minh trong việc đương đầu với Nhật. OSS Dear Team phát giác HCM bị bệnh sốt rét rất nặng. Hồ co ro nằm trong một cái lều nhỏ là tổng hành dinh dựng bằng tre trong khu làng vùng Bắc Việt.

HCM bị bệnh sốt rét nằm co ro trong lều, rừng Bắc Việt

Deer Team found Ho deathly ill, “shaking like a leaf and obviously running a high fever.”  – OSS Dear Team phát giác Hồ bệnh sắp chết, run rẩy như chiếc lá rơi và rõ ràng ông ta đang bị sốt rét rất nặng. (from Water’s Edge)

 Tác giả Duiker ghi lại lời của một sĩ quan Pháp giả dạng là người Mỹ trong nhóm – described him as “cunning, fearless, sly, clever, powerful, deceptive, ruthless – and deadly.” – diễn tả ông ta như là người xảo trá, bạo dạn, ranh mãnh, lanh lợi, có quyền lực, lừa bịp, tàn nhẫn – và làm chết người.

One of the OSS members who had been parachuted into the area was a nurse; he quickly diagnosed Ho Chi Minh’s illness as a combination of malaria and dysentery, and injected him with quinine and sulfa drugs.(Ho Chi Minh, William Duiker, 2000, page 302)

Một nhân viên của OSS là y tá nhảy dù vào khu vực; anh ta liền chẩn bệnh cho Hồ Chí Minh- bệnh sốt rét và kiết lỵ (nóng lạnh và tiêu chảy). Anh y tá chích cho ông ta thuốc quinine và kháng sinh sulfa.

Tác giả Duiker đồng thời trích lời của Võ Nguyên Giáp về hiện tượng này. Ông Giáp viết kể lại là nhờ món thuốc thiên nhiên do dân tộc thiểu số cung cấp đã cứu mạng của HCM. Từ hôn mê (coma) HCM liền trở nên tỉnh táo sau khi ăn tô cháo trộn với củ cây rừng mà ông người Tày đã đốt rồi nghiền nát. Ông Giáp khen thật là huyền diệu! Giáp còn ghi là HCM đã có những lời sau cùng như trăn trối để lại cho ông ta trong cơn nguy kịch. Tác giả Duiker phản bác lại rằng chỉ có tài liệu của Hoa Kỳ, như phần trình bày trên, là nhờ thuốc quinine.

Thuốc quinine xuất hiện đầu tiên vào 1820 do nhóm bác sĩ người Pháp tìm ra từ vỏ cây (cinchona bark). Sau này có bác sĩ Yersin, chuyên về vi khuẩn, về Việt Nam tiếp tục gầy dựng và truyền bá thuốc. Quinine nổi tiếng nhất bắt đầu vào thập niên 40. Thuốc hiệu nghiệm đã cứu mạng rất nhiều bộ đội bị sốt rét trong thời chiến tranh với Pháp và trên miền rừng trường sơn xâm lăng miền Nam.

Vào 2/1950, vừa sau khi được Mao Zedong trợ giúp chống Pháp, HCM sang Moscow gặp Stalin. Hồ xin Stalin thuốc quinine. Vốn Stalin không có cảm tình gì với HCM nên lần gặp mặt này hai bên rất nhạt nhẽo, mặc dù Hồ đăm đăm nhìn thần tượng Stalin không chớp mắt (Khrushchev kể). Stalin ký tên vào tờ báo theo yêu cầu của HCM, rồi sau đó sai đệ tử đánh cắp tờ báo lại. “Cho hắn nửa tấn quinine đi!” Ra lệnh đàn em gửi cho HCM nửa tấn quinine kiểu này phải là lối mỉa mai của Stalin, mà một số nhận xét cho rằng chắc Stalin không hiểu nửa tấn quinine là bao nhiêu.

Thuốc quinine đi vào lịch sử lâu đời. Biết hiệu quả của thuốc đối với bệnh sốt rét, nóng lạnh (fever) cũng là triệu chứng của người bị corona virus, Tổng Thống Donald Trump đã lên tiếng trong lúc chưa tìm ra được thuốc gì để trị. Hydroxychloroquine cũng là dạng của quinine. Nếu ông Giáp cho rằng nhờ củ cây rừng gì đó (không có tên) đã cứu mạng HCM qua cơn bệnh sốt rét thổ tả thì tại sao Hồ lại phải qua Nga gặp Stalin xin thuốc quinine về trị sốt rét cho bộ đội?

Vậy có phải nhờ những người Mỹ thuộc OSS của Hoa Kỳ đã cứu mạng HCM. Lòng nhân từ của những người Mỹ này cũng là cơ hội HCM được sống lại để tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa cộng sản vô nhân, không tưởng, tà quái vô thần, làm ra cuộc chiến hằng triệu người chết.

Tóm lại, hai trường hợp được thoát chết điển hình kể trên đã tạo đà cho HCM và bầy đàn của ông ta tiếp tục gây tai họa cho nhân loại. Lãnh đạo cộng sản nói chung luôn chủ trương lừa dối để cai trị trong nhiều thập niên qua. Họ không ngại đem chính sách ngu dân trình bày trước công chúng bằng những mỹ từ cao đẹp, thế nên con số không ít người dân Việt Nam xem cái ác xảy ra hằng ngày là chuyện bình thường. Thấy tội ác mà làm ngơ không lên tiếng có phải cũng là có tội không kém!

Viết lịch sử trung thực rất cần thiết cho những thế hệ bị Đảng tẩy não nhiều năm, và đó là bổn phận của những ai còn lương tri. Xin kết thúc bài viết bằng trích đoạn bài thơ “Vì Ấu Trĩ” của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện:

"Cả nước đã quy về một mối
Một mối hận thù, một mối đau thương!
Hạnh phúc, niềm mơ, nhân phẩm, luân thường
Đảng tới là tan nát cả!
Lịch sử sang trang, phũ phàng, tai họa
Nào đâu chính nghĩa thắng gian tà?
Đau đớn này không chỉ riêng ta
Mà tất cả!
Cả những kẻ đã nằm trong mả
Và những bào thai trong bụng mẹ chót sinh ra
Chúng sẽ có quyền nguyền rủa lũ ông cha
Đã đẩy chúng sa xuống hầm tai vạ…"


Bút Sử
6/2020

Sources: Ho Chi Minh, William Duiker, 2000; Khrushchev Remembers, Edward Crankshaw and Strobe Talbott, 1970

No comments:

Post a Comment