Những
kẻ phá luật
Nguyễn
Tường Tuấn
Người đầu tiên có mặt trên đất nước Hoa Kỳ là thổ dân
Indian, còn lại tất cả chúng ta bất kể mầu da trắng, đen, vàng, nâu... đều là
những di dân đến sau. Lịch sử của hơn 300 năm trước, không thể đòi hỏi phải
giống như hôm nay. Từ thời nguyên thuỷ đến hiện đại, con người đã trải qua bao
nhiêu thay đổi? Văn hoá, nếp sống, phong tục của từng vùng miền, một trăm năm
trước không thể giống như bây giờ. Đó là lịch sử, không phe nhóm, đảng phái nào
có thể thay đổi.
Nữ thi sĩ Emma Lazarus (1849-1887) con của một gia
đình Do Thái lập nghiệp lâu đời tại Thành phố New York, cô rất đau khổ, về tình
trạng những người Do Thái bị bức hại trong những cuộc tàn sát tại Nga. Và tình
nguyện tham dự tổ chức giúp đỡ người tị nạn Do Thái đến Hoa Kỳ. Trong chương
trình gây quỹ xây dựng tượng Nữ thần Tự do tại New York, Emma Lazarus viết bài
thơ để đời, nói về trái tim nhân hậu, về người mẹ của những người lưu vong: Nữ
thần Tự do. Đứng trông ra cửa biển, một tay nâng cao ngọn đuốc soi đường và tay
kia là bản Hiến pháp. Chúng ta hãy để tâm hồn lắng đọng, nghe trong tiếng sóng
biển, nỗi lòng Emma Lazarus gửi gấm dưới chân tượng: «Hãy trao cho ta sự mệt mỏi, khốn khổ của các ngươi - Hỡi những đám đông
khao khát hơi thở tự do - Những rác rưởi nơi bờ biển đông đúc - Hãy trao cho ta
những kẻ vô gia cư vùi dập trong bão tố - Ta sẽ thắp ánh đèn soi sáng cánh cửa
vàng.» (Give me your tired, your poor, Your huddled masses yearning to
breathe free, The wretched refuse of your teeming shore, Send these, the
homeless, tempest-tost to me, I lift my lamp beside the golden door!) Dưới ngọn
đuốc tự do, cánh cửa vàng đã mở rộng, đón những kẻ bần cùng khốn khổ, ban bình
an cho những ai lưu vong tù đầy! Ngôi nhà của những người can đảm, rộng mở cho
mọi sắc dân, mầu da, và chủng tộc! Bạn ơi, hãy để lại sau lưng những gông tù
kềm kẹp, những uất hận đau thương, những quá khứ hãi hùng, và cùng bắt tay cho
một khởi đầu mới.
Emma Lazarus qua đời trong thầm lặng, vì ung thư ngày
19/11/1887 ở tuổi 38. Trong cáo phó đăng trên nhật báo The New York Times, ca
ngợi cô là một thi sĩ Mỹ với tài năng hiếm có. Bài thơ tuyệt vời vẫn chưa ai
biết! Cho đến tháng 5/1903, người bạn gái thân thiết của Emma Lazarus, cô
Georginia Schuyler, đã khắc bài thơ trên bảng đồng và đem đặt trong căn phòng
dưới chân tượng. Đúng 17 năm, sau ngày tượng được dựng, hằng triệu triệu du
khách đến thăm viếng đã chiêm ngưỡng lời thơ, và cảm nhận được niềm bao dung
của đất nước Hoa Kỳ. Rồi đây, quá khứ u buồn sẽ quên đi, con cái những di dân
ngồi chung một mái trường. Chúng lớn lên, lập gia đình cùng nhau, pha trộn tất
cả mầu da, chủng tộc, tạo nên một quốc gia hùng mạnh, mang tên Hiệp Chủng Quốc
Hoa Kỳ.
II.
Trong những ngày qua, mảnh đất được bao bọc bởi hai
bờ biển, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương nổi sóng. Một nhóm con cái những di
dân, nhân danh tự do, ồn ào đứng lên, biểu tình bạo động, đốt phá, cướp bóc!
Thậm chí tại thành phố Seattle , tiểu bang Washington , họ còn chiếm
cả sáu khu phố, thành lập một «khu tự trị»,
đuổi cảnh sát, dựng chướng ngại vật trên đường phố! Súng đã nổ, thêm một nạn
nhân qua đời? Ngọn đồi của những người phản kháng (CHOP - Capital Hill of
Protestors) không còn bình an!
* «Black Lives
Matter» BLM khẩu hiệu chính trị, hàm ý sinh mạng người da đen là quan
trọng. Thế còn sinh mạng người da trắng, da nâu, da vàng thì sao? Chẳng lẽ
không quan trọng? Hẳn bạn thấy có điều gì đó không đúng, khi đề cao một mầu da
trong đất nước đa sắc tộc, đa văn hoá? Đồng ý là người da đen có một lịch sử bị
áp bức, nô lệ, trong những ngày đầu đặt chân lên nước Mỹ. Chúng tôi vô cùng
kính trọng và chia sẻ niềm đau với các bạn. Nhưng đó là chuyện của trăm năm
trước, không ai có thể thay đổi dĩ vãng, nhưng chúng ta có thể xây dựng tương
lai bằng những hành vi chính trực hôm nay. Tổ tiên người Việt chúng tôi ngàn
năm trước đã từng bị người Tầu bắt xuống bể mò ngọc trai, hơn một trăm năm gần
đây bị thực dân Pháp xua vào rừng làm phu cạo mủ, sống với muỗi sốt rét, cong
lưng kéo xe cho ông tây bà đầm. Và hôm nay, đất nước vẫn còn quằn quại trong
gông cùm cộng sản vì đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi! Nỗi đau còn đó! Nhưng không có
nghĩa là chúng tôi được phép hận thù người Trung Hoa, Pháp hay Mỹ! Chúng tôi
cũng không thể đòi những công dân Hoa Kỳ hôm nay phải đền bù cho những ngày tù
tội, khổ sai của gần một triệu cựu chiến binh Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, đã
trải qua hằng chục năm trong những trại tù cộng sản. Đau thương giữ kín trong
lòng, chúng tôi cũng không được quyền đòi Quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ phải đền
mạng cho gần nửa triệu người Việt đã bỏ mình trên Biển Đông, trong rừng rậm,
trên đường tìm tự do! Muốn bay cao, chúng ta phải can đảm gỡ bỏ những gánh nặng
của quá khứ, cho hành trang nhẹ nhàng.
Các bạn da đen thân quý, một nhóm nhỏ anh chị em của
các bạn, nổi giận biểu tình đòi đập phá tượng đài Tổng thống Abraham Lincoln
bên giòng sông Potomac, xin đừng quên ngày lịch sử 28/8/1963. Hãy cho chúng tôi
mời bạn đi ngược thời gian. Không xa lắm, mới chỉ 57 năm trước, thế hệ thân
sinh của các bạn, hơn một triệu người tuần hành trong kỷ luật, để nghe bài diễn
văn nổi tiếng của nhà lĩnh đạo phong trào Nhân quyền, Mục sư Martin Luther
King, vĩ nhân của nhân loại, đọc trước thềm tượng đài Tổng thống Abraham
Lincoln. Nghe diễn văn của Ngài, có lẽ nhiều người trong chúng ta ai cũng mong
muốn mình có mặt trong số đông đó, và cảm nhận niềm hãnh diện vô bờ bến của
người da đen.
Mục sư Martin Luther King đang ở trên trời, và nhắc
nhở mọi người, «Trong tiến trình tranh
đấu để đạt được vị trí xứng đáng, chúng ta không được phép hành động sai trái»
. Bạo động không phải là điều Mục sư Martin Luther King chấp nhận? Đốt phá các
cửa tiệm lớn, khiêng hàng đống bao túi cướp giật, vơ vét không chừa thứ gì,
chắc sẽ khiến Mục sư Martin Luther King không khỏi mủi lòng cho đám con cháu
hoang đàn. Chính những ai ồn ào nhân danh giá trị người da đen, đang làm mất đi
phẩm chất tốt đẹp của tiền nhân mình.
Tranh đấu cho lý tưởng tự do là chính đáng. Mỗi chúng
ta có bổn phận để lại cho những thế hệ sau một gia tài hãnh diện như Mục sư
King đã từng làm, Ngài nói, «Chúng ta
không thể thoả mãn khát vọng tự do, bằng cách uống những chén đắng của hận thù» (Let us not seek to satisfy our thirst for freedom by drinking from the cup of bitterness and hatred).
Hình ảnh chiếu trên truyền hình, một phụ nữ da trắng bị thành viên BLM bắt quỳ trên đường phố Seattle, xin lỗi người da đen chỉ vì khác mầu da. Câu chuyện không ai có thể tưởng tượng lại xẩy ra nơi thế kỷ 21 này! Các bạn đã làm mất đi chính nghĩa!
Hình ảnh chiếu trên truyền hình, một phụ nữ da trắng bị thành viên BLM bắt quỳ trên đường phố Seattle, xin lỗi người da đen chỉ vì khác mầu da. Câu chuyện không ai có thể tưởng tượng lại xẩy ra nơi thế kỷ 21 này! Các bạn đã làm mất đi chính nghĩa!
Ngày 2/6/20 bà nữ Thị trưởng Lily Mei, thành phố
Fremont, California, người ủng hộ biểu tình ôn hoà, bị đám đông yêu cầu quỳ
xuống, và bà Thị trưởng gốc Hoa này đã cương quyết từ chối, «Tôi chỉ quỳ trước Chúa khi cầu nguyện».
Những phụ nữ trên đã làm gì để bị bắt phải quỳ? BLM đang uống những chén đắng
đầy mùi vị hận thù!
Các bạn da đen thân quý! Chúng ta không thể đến với
nhau bằng lời đầu môi, chót lưỡi, đạo đức giả. Mầu da của mỗi chúng ta do
Thượng Đế ban cho, tôi không nghĩ là xúc phạm nếu bạn gọi tôi là tên «da vàng». Nhưng bọn «kên kên chính trị» chúng dùng ngôn ngữ «người da mầu» để đánh lừa niềm tự hào
của các bạn. Khốn nạn, chỉ riêng hai chữ «da
mầu» thôi cũng đã nói lên tính kỳ thị thượng đẳng rồi! Với kẻ lừa đảo, bọn «kên kên chính trị» đất nước Hoa Kỳ chỉ
có hai mầu «da trắng» và «da mầu» bạn và tôi, chúng ta trong nhóm
thứ hai. Thế không phải là kỳ thị thì là gì? Coi chừng những viên thuốc độc bọc
đường trong ngôn ngữ!
Tiếng chuông tự do đã vang lên trước tượng đài Tổng
thống Abraham Lincoln, người anh hùng giải phóng nô lệ. Tiếng chuông dồn dập
theo từng lời nói của Mục sư Martin Luther King, đi vào trái tim nhân loại. «Ngày hôm nay tôi có giấc mơ!» (I have a
dream today!) «Tôi có giấc mơ, có một
ngày nào đó, bốn đứa con của tôi lớn lên trong đất nước không bị phán xét bởi
mầu da, nhưng bởi chính tư cách của chúng» Giấc mơ của một nhân cách vĩ
đại!
Năm mươi bẩy năm trôi qua, đất nước Hoa Kỳ đã từng có
một Tổng thống da đen - Bộ trưởng Tư pháp - Cố vấn An ninh Quốc gia - Bộ trưởng
Ngoại giao - Tướng lĩnh bốn sao, chỉ huy những chiến trường vang danh quốc tế -
Cầu thủ các đội bóng nổi tiếng - Danh ca hàng đầu thế giới - Oprah Winfrey -
Micheal Jordan - Scottie Pippen... Nhiều vô kể, và họ là những người da đen,
mang lại niềm hãnh diện cho chủng tộc. Đừng nhân danh cái chết của Goerge
Floyd, để xoá đi bao nhiêu tên tuổi đáng kính của các nhân vật nổi tiếng nêu
trên. Đừng đem đá sỏi đổi lấy châu báu ngọc ngà.
Các bạn da đen thân quý! Cũng đừng để một nhóm nhỏ,
những người ngây thơ bị bọn «kên kên
chính trị» đầu độc, chỉ vì câu chuyện không may của George Floyd. Tại sao
chúng ta không nhìn sự việc qua lăng kính trong sáng, một người cảnh sát dùng
bạo lực quá lố đưa đến nạn nhân thiệt mạng? Không, đang vào mùa bầu cử, bọn «kên kên chính trị» phải tô lên bức tranh
hai mầu trắng, đen. Nếu cảnh sát là người da đen, và nạn nhân da trắng, thì sẽ
không có gì phải ồn ào cả, Fake News chẳng hơi đâu lải nhải 24/7. Bọn chúng
đánh hơi, xách động thành một phong trào, đòi giải thể cảnh sát, cắt giảm ngân
sách... Chúng đã thành công phần nào, người dân Mỹ từ nay trở đi nhìn mọi người
qua lăng kính hai mầu trắng đen, và quên rằng chúng ta đều là con cái của
Thượng Đế! Mầu da có khác, nhưng máu trong chúng ta cùng một mầu!
Có ai biết hay nhớ đến câu chuyện thương tâm xẩy ra
vào ngày Chủ nhật 14/6/20, sĩ quan cảnh sát Julian Keen Jr., cùng đồng nghiệp
chận lại một người lái xe bạt mạng tại La Belle, Florida . Cảnh sát viên Julian Keen làm việc
với người tài xế tên Eliceo Hernandez, 20 tuổi. Không may, anh đã bị tên này hạ
sát! Anh Julian Keen Jr., là một cảnh sát viên người da đen, hy sinh trong khi
thi hành nhiệm vụ, các bạn BLM ở đâu sao không lên tiếng?
Tội nghiệp, một cảnh sát da đen ra đi đầy chính
nghĩa, xứng đáng để tôn vinh. Nhưng không thể khai thác chính trị, không thể
xách động «kỳ thị mầu da». Thôi anh
Julian Keen Jr. nhé, bình an trên nước Chúa trời! Chúng tôi cầu nguyện cho anh.
Mục sư Martin Luther King, xin Ngài hãy dẫn dắt con
cháu quay về đường ngay lẽ phải! «BLM»
Nếu còn sống, chắc Ngài không bao giờ cho phép cái khẩu hiệu chính trị sai trái
đó tồn tại. Hai cái sai cộng lại không thể thành đúng, tranh đấu cho quyền làm
người của bạn, không có nghĩa là tước đoạt cái quyền đó của người khác!
* Bạn có quyền hãnh diện về mầu da, chủng tộc của
mình. Hãnh diện về người phụ nữ da đen, can đảm, biểu tượng cho tinh thần tranh
đấu bất bạo động, bà Rosa Louis McCauley Parks (1913-2005) đã được Quốc hội Hoa
Kỳ vinh danh «Người mẹ của phong trào tự
do». Xin cho chúng tôi được chung vui cùng các bạn niềm hãnh diện vô biên
đó. Nhưng cũng xin phép được nói lời chân tình, bà Rosa Louis McCauley Parks
tranh đấu cho chỗ ngồi bình đẳng trên xe buýt ngày 1/12/1955, tại thành phố Montgomery , tiểu bang Alabama , để xoá bỏ vĩnh viễn khu vực dành
cho người da mầu (colored section) ở cuối xe buýt. Nhưng bà Rosa Parks không hề
đòi lập ra một khu vực thượng đẳng khác dành cho người da đen, tất cả mầu da
đều bình đẳng, ai lên trước ngồi trước, đến sau ngồi sau. BLM đang làm cho
những người các mầu da khác sợ hãi, điều này đúng hay sai?
IV.
BLM không thể so sánh với phong trào tranh đấu cho
nhân quyền của cố Mục sư Martin Luther King. Xin các bạn đừng nổi giận, với
trái tim chân thành, chúng tôi chỉ nói lên sự thật. Không đả phá, cũng chẳng
dám phê bình, chỉ ước mong giúp các bạn làm tốt hơn. Để chúng ta cùng nhau xây
dựng một nước Mỹ mọi người đều yêu thương nhau như anh em. Đến với nhau bằng
trái tim, thay vì phán xét qua mầu da.
Tổ chức BLM được thành lập năm 2013, phát xuất từ câu
chuyện cảnh sát viên George Zimmerman (Hispanic) hạ sát anh Trayvon Martin một
thiếu niên da đen 17 tuổi vào tối ngày 26/2/12 tại thành phố Sanford, tiểu bang
Florida. Ra toà, cảnh sát viên 38 tuổi, George Zimmerman được tha bổng với lý
do tự vệ.
Hai người sáng lập BLM là Alicia Garza, Opal Tometi,
và Patrisse Cullors. Hiện nay, BLM đã lan toả ra nhiều quốc gia trên thế giới,
đi xa hơn tiến đến bạo động, đập phá các tượng đài danh nhân quốc gia. Tại tiểu
bang Oregon , BLM đã dùng cờ Mỹ phủ mặt bức
tượng Tổng thống Washington
và đốt, nhiều tiểu bang khác cũng đang xẩy ra phong trào giật đổ tượng đài các
danh nhân lịch sử Hoa Kỳ trong thời gian nội chiến. Cẩn thận, các bạn đang bị
bọn «kên kên chính trị» lợi dụng!
Chúng ta hãy nghe chính những người trong cộng đồng da đen cất lên tiếng nói.
* Để lấy lòng cử tri da đen, bà Nancy Pelosi với tư
cách Chủ tịch Quốc Hội đã ra lệnh hạ 4 bức chân dung của các vị tiền nhiệm,
liên quan đến giai đoạn lịch sử kỳ thị mầu da. Ông Benjamin Crump, người da
đen, đồng thời là luật sư của anh George Floyd, nạn nhân vừa qua đời và được
đảng Dân chủ phong thánh. Trong chương trình truyền hình Fox News' Neil Cavuto,
Thứ bẩy 20/6/20, Luật sư Benjamin Crump không đồng ý việc những người biểu tình
BLM vội vàng đòi hạ những bức tượng liên quan đến cuộc nội chiến bắc nam trước
đây, theo ông làm như vậy có khác gì lập lại sự sai trái của lịch sử? «Tôi nghĩ chúng ta cần phải tìm hiểu cách nào
để vinh danh những người đã đóng góp cho xã hội, nếu họ không có công trạng,
chúng ta cũng cần phải nhìn qua một lăng kính rộng rãi, những gì tiêu biểu tốt
nhất bản sắc dân tộc Mỹ. Hãy xem lại điều đó». Lịch sử cả trăm năm của nước
Mỹ, những bức tranh, tượng hiện diện từ bao năm nay tại toà nhà Quốc hội Hoa
Kỳ, tốt hay xấu tuỳ theo suy nghĩ chính trị của cá nhân, nhưng lịch sử muôn đời
vẫn là lịch sử! Ngay cả những người da đen trí thức, cũng không đồng ý với việc
làm hồ đồ, kiếm phiếu, chà đạp lên lịch sử của bà Nancy Pelosi. Lịch sử cũng sẽ
không quên ghi tên bà trong những chương đen tối nhất: Chính trị gia cơ hội.
* Candace Owens, phụ nữ Mỹ da đen, 35 tuổi, trước đây
là thành viên đảng Dân chủ, nhưng đổi qua Cộng hoà và đứng ra thành lập tổ chức
BLEXIT năm 2018. Mục tiêu của BLEXIT là đánh thức cộng đồng da đen thoát khỏi
cái bẫy «nạn nhân», mà một số «kên kên chính trị» thuộc đảng Dân chủ
đưa họ vào trong nhiều năm qua, chiêu bài «kỳ
thị mầu da» năm nào cũng thế, dùng đi dùng lại mỗi kỳ bầu cử, chuyện nhỏ xé
ra to, thổi bùng lên thành ngọn lửa tranh đấu. Rồi những lời hứa, bánh vẽ rẻ
tiền, được tung ra, miễn phí tất cả, miếng bánh thiu nhưng vẫn bán được không
phải vì ngon, nhưng vì vẫn có người thích ăn!
Hãy nghe tiếng nói cảnh tỉnh của Candace Owens, «Những người cánh tả nói chúng ta là nạn
nhân, họ khiến gia đình chúng ta đổ vỡ, người cha xa gia đình, cổ vũ phong trào
phá thai với con số 19 triệu hài nhi da đen bị giết từ năm 1973 đến nay, và tạo
ra sự chia rẽ bằng cách bảo chúng ta người da trắng kỳ thị» (The Left has
told us we are victims, they have corrupted our families by taking fathers out
of the home, supporting the abortion of more than 19 million black babies since
1973, and created division by telling us that all white people are racist).
Theo Pew Research Center, trong dân số những người
trưởng thành trên nước Mỹ, người da đen chiếm 12%, và tỷ lệ da đen trong tù là
33% (Fact Check: Romney's Reach on World Opinion of U.S.
(www.pewresearch.org/fact-tank/2019/04/30/shrinking-gap-between-number-of-blacks-and-whites-inprison).
Candace Owens là một tấm gương can đảm của thế hệ trẻ
da đen hôm nay. Cô nhận xét, đảng Dân chủ đã nhiều năm lợi dụng người da đen
cho mục tiêu chính trị, «Chúng ta bị rao
bán bởi nhiều điều dối trá, bất lợi cho cộng đồng da đen, bất lợi cho cộng đồng
da trắng, và bất lợi cho cả nước Mỹ» Lời nói chân thật thường không bao giờ
vừa lòng kẻ sống trong tăm tối, họ từ chối ra khỏi chiếc hang an toàn, vì sợ
ánh sáng. Candace Owens, không sợ hãi vì cô biết lẽ phải ở cùng mình, «Thú thật: Tôi không đồng ý với George Floyd,
và từ chối xem anh như thánh tử đạo. Nhưng tôi mong ánh sáng công lý sẽ đến với
gia đình anh» (Confession: I DO NOT support George Floyd and I refuse to
see him as a martyr. But I hope his family receives justice).
* Muhammad Ali Jr., con trai của cố Võ sĩ Quyền anh
nổi tiếng khắp thế giới Muhammad Ali (1942-2016) trả lời cuộc phỏng vấn của New
York Post, anh nói, «Cha tôi tin rằng tất
cả mọi người đều đáng được trân trọng» (All Lives Matter) - «Ông ấy sẽ không chấp nhận sự kỳ thị của
những người BLM, tạo ra một phong trào giận dữ giữa nhóm người này, với nhóm
khác» (His father would’ve hated the ‘racist’ Black Lives Matter protests,
claiming the movement is ‘pitting back people against everyone else).
Theo Muhammad Ali Jr., cha tôi sẽ nói, «Họ không là gì cả, chỉ là quỷ dữ» (They
ain't nothing but devils) và ông nói thẳng «BLM
là một phong trào “kỳ thị”, nếu còn sống hôm nay, ông sẽ đứng về phía Donald
Trump».
V.
Các bạn Việt Nam thân mến, nhìn vào hình ảnh
những cuộc biểu tình của BLM vừa qua, bạn có thấy?
- Trong cộng đồng da đen có một nhân vật nổi tiếng
nào xuất hiện? Không hề có, chỉ toàn là thanh thiếu niên tuổi trên dưới 30, ăn
mặc không giống ai, cầm loa học làm lãnh tụ! Tại sao? Những người thức giả,
đáng kính trong cộng đồng da đen họ không xuất hiện ủng hộ BLM? Tại sao? Hỏi
tức là trả lời.
- Trong số những người đi biểu tình, mang khẩu hiệu
BLM, tại sao thanh thiếu niên da trắng nhiều hơn da đen? Bạn có bao giờ đặt câu
hỏi, đằng sau những người anh em da trắng, ồn ào kia, có tổ chức chính trị nào
đứng sau lưng không? Hình ảnh cho chúng ta thấy rõ sự thức tỉnh của cộng đồng
da đen, tin vui.
- Khu vực tự trị CHOP tại Seattle đang được chính bà
Thị trưởng Jenny Durkan, đảng Dân chủ, hai tuần trước còn ủng hộ sự chiếm đóng
bất hợp pháp, chiều ngày 22/6/20 đã phải tuyên bố, «Bây giờ là lúc mọi người phải trở về nhà» (It's time for people to
go home!) Khi bài viết đến tay bạn, cũng là lúc CHOP đi vào lịch sử.
Trò chơi chấm dứt! Game Over! Cơn bão «Black Lives Matter» rồi cũng sẽ trở
thành lịch sử! Những tàn phá, đổ vỡ sẽ được xây lại đẹp hơn. Giấc mơ của Mục sư
Martin Luther King sẽ trở thành hiện thực, người Mỹ chúng ta sẽ không còn phán
xét nhau bằng mầu da nữa, nhưng bằng tư cách của mỗi người.
Nguyễn Tường Tuấn
23/6/2020
23/6/2020
No comments:
Post a Comment