Wednesday, May 6, 2020

Kháng thư gửi ông Tập Cận Bình

Kháng thư
gửi ông Tập Cận Bình


CPVNCH

Kính gửi ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trung Nam Hải, Bắc Kinh.

Thưa ông Chủ tịch,

Ngày 18 tháng 4 năm 2020, Quốc Vụ Viện Bắc Kinh thông báo về việc Hoàng Sa của Việt Nam trở thành huyện Nam Sa (Nansha dictrict), quần đảo Trường Sa của Việt Nam trở thành huyện Tây Sa (Xisha dictrict), trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam.

Quyết định nội bộ và đơn phương của quí vị hoàn toàn không có giá trị với bất cứ ai, còn bất chấp công pháp quốc tế về Luật biển (United Nations Convention of the Law of the Sea- 1982) trong lúc chính quí vị là Hội Viên Thường Trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Tôi cần long trọng nhắc lại cho quí vị nhớ rằng:

a- Nước Việt Nam chúng tôi đã sở hữu hai quần đảo này từ nhiều thế kỷ. Chúng tôi còn lưu giữ sắc chỉ của vua Minh Mạng triều Nguyễn, phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm 1835.

b- Theo những chứng cứ từ bản đồ cổ xưa để lại: những bản đồ đồ của chúng tôi từ 300 năm trước đã có những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về nước Việt Nam. Trong khi đó bản đồ của quý quốc vào các năm 1933-1980 cũng không hề có các quần đảo nầy:

20 bản đồ Hoàng Sa do các nước phương Tây và Việt Nam vẽ, từ năm 1618 đến 1859, cho thấy vùng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong khi đó, 20 bản đồ các nước phương Tây vẽ về Trung Quốc từ năm 1626 đến 1980, cho thấy miền Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Hai sách bản đồ Atlas, một cuốn do Nhà nước Trung Hoa phát hành tại Nam Kinh năm 1933, cuốn còn lại do Phái bộ truyền giáo Trung Quốc phát hành tại Anh năm 1908 cũng chỉ rõ lãnh thổ nước này dừng lại ở đảo Hải Nam.

c- Các hội nghị quốc tế dưới đây cũng đều nhìn nhận chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

Tuyên bố Cairo năm 1943, Tuyên ngôn Hội nghị Potsdam năm 1945, Hòa ước San Francisco năm 1951 và Hội nghị Genève năm 1954 đều đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài ra chỉ cần nhìn bản đồ Biển Nam Hải, quần đảo Hoàng Sa (Paracels) của Việt Nam nằm trong vĩ tuyến 17 trước các tỉnh Quảng trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi ở Trung Phần Việt Nam, cách xa đảo Hải Nam của quí vị 294 km hướng Tây Nam

Quần đảo Trường Sa (Spratley) của Việt Nam chúng tôi lại còn cách xa đến 1100 km hướng Nam của đảo Hải Nam.

Vị trí địa lý của Hoàng Sa và Trường Sa cùng sự chiếm đóng và sinh sống của quân nhân và cư dân Việt từ hơn 3 thế kỷ trên hai quần đảo này càng làm cho sự công bố chủ quyền của quí quốc trên hai quần đảo của nước chúng tôi, rõ rang là một hành vi ngang ngược trước một thưc trạng hiển nhiên.

Hành vi này chỉ kế tiếp nhưng làm nổi bật hành động bạo lực của quí vị xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974 và một phần Trường sa năm 1988, không tôn trọng luật pháp quốc tế (UNCLOS) và vi phạm trầm trọng Định Ước ngày 2 tháng 3, 1973 của Hiệp Định Paris ngày 27 tháng 1, 1973, mà chính quí vị đã ký kết cùng 11 quốc gia khác trước sự hiện diện của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, «cam kết tôn trọng triệt để và thực hiện chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam v.v…» đương nhiên gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vì những lý do nói trên, chúng tôi cực lực phản đối hành động phi pháp và thô bạo của quí vị xâm phạm lãnh hải của Việt Nam chúng tôi và long trọng tuyên bố quyết định của Quốc Vụ Viện Bắc Kinh ngày 18/04/2020 là hoàn toàn vô giá trị.

Sự rút lui mọi hoạt động quân sự lẫn dân sự của quí vị khỏi các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chúng tôi nhiệt liệt đòi hỏi, chắc chắn sẽ là một đóng góp quan trọng cho nền an ninh và hòa bình của toàn vùng Đông Ấ-Thái Bình Dương và cho hòa khí giữa hai nước Trung Hoa và Việt Nam chúng tôi.

Trân trọng kính chào ông Chủ tịch.

Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại,

Ngày 5 tháng 5 năm 2020,

Thủ Tướng Chính Phủ
LS Lê Trọng Quát



CPVNCHNguyên Quốc Vụ Khanh Việt Nam Cộng Hòa. 

No comments:

Post a Comment