Đài Loan và cội nguồn Bách Việt
TS. Nguyễn Đức Hiệp
Năm 2000, một sự kiện lịch sử xảy ra ở ven bờ Thái Bình Dương. Sự kiện
đó không phải là Thế vận hội 2000 ở Sydney mà thế giới chú ý đến trong vài
tuần, mà là một diễn biến ít người để ý đến. Một sự kiện sẽ có ảnh hưởng lâu
dài đến chính trị và có thể làm thay đổi cách nhìn với thế giới bên ngoài của
nhiều nước trong vùng. Sự kiện đó là kết quả bầu cử ở hòn đảo Đài Loan nhỏ bé.
Ứng cử viên Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) của đảng Dân chủ Tiến bộ
(Democratic Progressive Party) đã thắng Quốc dân đảng và trở thành tổng thống
Đài Loan, một sự thay đổi chính quyền không đổ máu, không bạo động lần đầu tiên
trong lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc. Lịch sử của Trung Quốc? Thực ra
trong tâm của vị tân tổng thống thì hướng đi của chính sách mà ông đã theo đuổi
từ nhiều năm trước, mà đại đa số dân đã đồng ý, thì hòn đảo này với dân số hơn
20 triệu sẽ không còn là bộ phận của Trung Quốc nữa. Nó sẽ là một quốc gia khác
đứng ngoài quỹ đạo của dân tộc Trung Hoa, nó không còn dính gì trực tiếp đến
Trung Quốc hay lịch sử Trung Quốc nữa, cũng như Hoa Kỳ hơn 200 trăm năm trước
đây đã cắt rìa khỏi nước Anh để tạo riêng vận mệnh lịch sử của mình.
Phản ứng của Trung Quốc thật dữ dội và giận dữ, báo chí Trung Quốc dùng
những lời lẽ nặng nề chưa từng thấy với một cá nhân, không kém những từ ngữ
dùng trong cách mạng văn hóa với các kẻ thù giai cấp và đế quốc xưa kia trong
thập niên 1960. Mấy tuần trước ngày bầu cử, hải quân Trung Quốc đã tập trận bắn
tên lửa ở eo biển Đài Loan. Trên đất liền, Trung Quốc dàn tên lửa hướng về Đài
Loan đe dọa tinh thần dân chúng, đặt áp lực với chủ ý sẽ làm cử tri run sợ
chiến tranh mà phải bầu cho ứng cử viên Quốc dân đảng!. Oái ăm thay, Quốc dân
đảng là kẻ thù trước đây của Đảng cộng sản Trung Quốc. Lúc này thì cả hai lại
cùng chính sách, cùng quan điểm rút từ một nền tảng tư tưởng trung ương tập
quyền Đại Hán truyền thống lâu đời.
Điều gì đã gây ra sự cố động đất như vậy?. Ngoài sự kiện ông Trần Thủy
Biển là một người Đài Loan bản xứ chính cống, không phải từ lục địa đi đến khi
Quốc dân đảng thua bỏ chạy sang, thì tư tưởng và hoài bão của ông, đại diện cho
hoài bảo của đa số người Đài Loan bản xứ, chính là điều mà Trung Quốc sợ hãi
hơn hết. Thật sự thì không phải mà đột nhiên có sự tự phát, xuất hiện một tư
tưởng tự chủ như vậy, mà nó đã có một lịch sử khá lâu dài. Tư tưởng ấy đã bị đè
nén, thay thế bởi một tư tưởng khác từ bên ngoài ép đặt trên văn hóa, tư tưởng
của dân tộc Đài Loan trong nhiều năm qua.
Tôi đặc biệt chú ý đến lịch sử Đài Loan và hoài bảo của người dân khi
tôi viếng Đài Loan trong một dịp dự hội nghị Khoa học về môi trường khí quyển ở
thành phố Đài Trung (Taichung), do hai Viện Hàn lâm khoa học Đài Loan và Hàn
lâm Khoa học Úc tổ chức vào tháng 6/2000. Trước đây tôi chỉ có để ý và nghiên cứu
chút ít về người bản xứ thổ dân sống ở Đài Loan trước khi người Hoa từ lục địa
di dân sang.
Bài này có mục đích tìm hiểu những diễn biến về sự thay đổi trong xã
hội, văn hóa và tư tưởng của người dân Đài Loan trong vòng 20 năm nay. Nó gợi
lại trong lịch sử và trong tiềm thức của người Việt những gì tương tự mà dân
tộc Việt Nam
đã trải qua cách đây hơn 1.000 năm.
1. CÁCH MẠNG VĂN HÓA HAY TUYÊN NGÔN ĐỘC
LẬP?
Buổi lễ nhậm chức tổng thống ngày 20/5/2000 ở Đài Bắc được tổ chức trong
vườn sân trước các bậc thềm của dinh Tổng thống, một kiến trúc thời Minh Trị
xây trước đây làm dinh cho viên toàn quyền của Nhật khi họ còn cai trị Đài
Loan. Dinh này cũng biểu trưng quyền lực của Quốc dân đảng trong bao năm trước
đây khi họ nắm quyền hơn nữa thế kỷ. Những sự kiện xảy ra ở buổi lễ mang đầy
những biểu tượng đáng kể, mà một nhà nghiên cứu ở Viện Xã hội học, thuộc Viện
Hàn lâm Trung Hoa (Academia Sinica) ở Đài Bắc đã viết lại như sau trên diễn đàn
điện tử thảo luận về Đông Nam Á (Southeast Asia Discussion List, SEASIA-L) (1).
Buổi lễ bắt đầu 9g50 sáng, mọi người quan khách trong và ngoài nước
tưởng sẽ nghe bài quốc ca Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) đầu tiên,
nhưng tất cả đều ngạc nhiên khi một nhóm nhạc sĩ thổ dân của bộ lạc Bunum bản
xứ (thuộc tộc Austronesian) đứng lên hát bài ca dân tộc truyền thống «Báo tin vui». Sau đó là các phần trình
diễn của các bộ lạc bản xứ Austronesian khác, tiếp theo là bài hát dân ca của
người Hakka (Hẹ hay Khách Gia) và dân ca người Holo. Chỉ khi Tổng thống Trần
Thủy Biển và phó tổng thống bà Annette Lu bước ra từ dinh Tổng thống thì bài
quốc ca mới được hát sau cùng. Người hát quốc ca không khác hơn là cô ca sĩ nổi
tiếng ở Đài Loan (và Trung Quốc) Chang Hui-mei (Amei), gốc người thổ dân bộ lạc
Puyma. Cô có nhiều thính giả không những ở Đài Loan mà còn rất được ái mộ ở
Trung Quốc lục địa. Trước kia không bao giờ có sự có mặt của văn hóa địa phương
trong những nghi lễ trịnh trọng. Nay thì ngay cả bài quốc ca cũng xuống hàng
thứ yếu. Sự phá vỡ nghi thức này rất có ý nghĩa. Nó có chủ đích cho thấy là
chính phủ mới từ đây về sau sẽ theo đuổi chính sách đứng trên quan điểm của
người địa phương (Hoklo, Hakka, Austronesian) chứ không như chính phủ Quốc dân
đảng trước kia đứng trên quan điểm trọng Hán.
Hiểu được hậu ý của chính phủ Trần Thủy Biển, Trung Quốc đã giận dữ,
ngay cả Amei cũng không thoát khỏi sự tức giận ấy. Sau khi cô tham dự và hát
bài quốc ca Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) ở lễ nhậm chức của Tổng thống Trần
Thủy Biển, chính phủ Trung Quốc ra lệnh tẩy chay Amei, đài truyền hình, truyền
thanh từ ngày đó không được trình chiếu, phát hành các bài hát của ca sĩ Amei.
Báo chí cấm đề cập đến cô, ngay cả các biểu ngữ quảng cáo không được đăng các
hình ảnh ca sĩ Amei. Ở Bắc Kinh và Thượng Hải, hình Amei trên các bảng quảng
cáo nước ngọt Sprite của công ty Coca-Cola đã bị bôi xoá đi. Tuy vậy các đĩa CD
của cô, người ta vẫn còn có thể tìm thấy được ở một số các cửa hàng nếu chịu
khó truy lùng. Wu Bai, một ca sĩ nam nổi tiếng ở Đài Loan và Trung Quốc, cũng
chịu chung một số phận, khi ông hát và ủng hộ Trần Thủy Biển.
Bài diễn văn của Trần Thủy Biển rất ít đề cập đến sự quan hệ với Trung
Quốc (một vấn đề thời sự nóng bỏng lúc đó), mà hầu hết là về lịch sử và văn hóa
Đài Loan, về cải tổ chính trị và chính sách đối nội. Trần Thủy Biển nói đến từ «Đài Loan» 40 lần, từ «Trung Hoa Dân Quốc» 9 lần, từ «Trung Quốc» chỉ 1 lần, nhưng từ «Formosa» (tên cũ của đảo Đài Loan) 2 lần
và 4 lần nhấn mạnh nói lớn «Đài Loan đứng
lên !».
Đài Loan thực sự đã đứng dậy về văn hóa và chính trị. Trần Thủy Biển nêu
lên những sự áp bức, xâm lược bởi đế quốc mà cả hai dân chúng ở Trung Quốc và
Đài Loan đã là nạn nhân chịu dựng trong thế kỷ 20. Thật sự Đài Loan còn khổ sở
nặng hơn dưới chế độ thực dân Nhật. Những kinh nghiệm lịch sử tương tự như thế
đáng ra đã mang lại sự thông cảm và hiểu nhau giữa hai dân tộc ở hai bên của eo
biển Đài Loan, và từ đó đặt nền tảng cho sự theo đuổi thiết lập tự do, dân chủ
và nhân quyền cùng với nhau. Tuy nhiên, do sự phân ly lâu dài trong lịch sử, hai
vùng đã phát triển theo hai hướng khác nhau đi đến sự khác biệt tột độ về nhiều
phương diện từ hệ thống chính trị đến văn hóa và phong cách sống. Điều này đã
cản trở sự thông cảm và thiết lập tình hữu nghị giữa hai nước.
Bài diễn văn này là một tuyên bố chính trị quan trọng. Ông phân biệt rõ
sự khác biệt giữa lịch sử Trung Quốc và lịch sử Đài Loan. Đài Loan đã trải qua
thời kỳ bị Nhật đô hộ lâu dài và đã có lịch sử riêng chứ không phải chỉ có lịch
sử mới đây tách ra khỏi Trung Quốc bắt đầu từ 1949, với nhãn quang của người
Hán đặt trọng tâm vào cuộc nội chiến Quốc - Cộng (Quốc dân đảng - Cộng sản).
Ông nói là cách đây 400 năm, Đài Loan được gọi là Formosa , hòn
đảo xinh đẹp, nay Đài Loan còn là một hòn đảo có một nền dân chủ trưởng thành
và thanh tao. Ông cho rằng lịch sử Đài Loan tiếp diễn cách đây 400 năm từ di
sản của thổ dân Austronesian, cư dân đầu tiên, chứ không phải xuất phát từ
5.000 năm của lịch sử Trung Quốc. Ông là vị Tổng thống Đài Loan đầu tiên đã đặt
trọng tâm của vũ trụ quan vào lịch sử đảo và vào di sản Austronesian.
Ông đặc biệt nói về văn hóa địa phương, các tổ chức của cộng đồng, phi
chính phủ đã được thành lập để phát triển, bảo tồn lịch sử, văn hóa ở mọi địa
phương, làng xã. Tất cả đó là một phần của văn hóa Đài Loan. Đài Loan là một xã
hội đa văn hóa, trong đó mọi người dân mở rộng chấp nhận sự đa dạng và giao lưu
với nhau giữa các người Austronesian, Hoklo, Hakka và người Hoa ở lục địa sang.
Ông nói về văn hóa Hoa kiều và đặt cộng đồng người Hoa ở Đài Loan giống như
cộng đồng người Hoa trên thế giới như ở Singapore ,
Sydney hay San
Francisco trong môi trường đa văn hóa, chứ không phải
người Hoa giữa dân số của một nước Trung Quốc thống nhất.
Ông nhấn mạnh đến cuộc sống «văn
hóa» thường ngày của người dân bình thường và nói về bản thân ông xuất thân
là con của một tá điền trong một gia đình nghèo và đã vươn lên để trở thành
tổng thống của một nước được tín nhiệm của dân Formosa, những người con của Đài
Loan như ông.
Tinh thần từ bài diễn văn giống như tinh thần của một bản tuyên bố độc lập
hơn là của một bài diễn văn nhậm chức bình thường.
2. CÁC DÂN TỘC Ở ĐÀI LOAN
Vì đâu mà ông Trần Thủy Biển đã «tuyên
bố độc lập» như vậy?. Bài ông nói đã phản ảnh được những gì sâu xa xảy ra
trong tư tưởng ở xã hội Đài Loan trong nhiều năm vừa qua ở nhiều lãnh vực.
Một hiện tượng xã hội đáng chú ý gần đây là một số vấn đề nghiên cứu
trong phạm vi khoa học có liên hệ đến các dân tộc ở Đài Loan đã lan ra khỏi
phạm vi hạn hẹp và trở thành một đề tài nóng bỏng trong xã hội mà trước đây ít
có thể xảy ra.
Giáo sư Lâm Mã Lý, nhà di truyền học ở bệnh viện Mckay Memorial ở Đài
Bắc, đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về nguồn gốc di truyền của các bộ tộc thổ
dân sống lâu đời từ thời tiền sử ở Đài Loan. Một đề tài hầu như lúc đó không ai
ở Đài Loan để ý. Sau khi công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học vào
năm 2000 (2), bà đã nhận được rất nhiều thư, điện thư từ các người «Đài Loan» không phải thổ dân (Mân Nam và
Hakka) muốn tìm hiểu thêm về nguồn gốc của họ, họ không cho rằng họ có nguồn
gốc từ người Hán. Giáo sư Lâm Mã Lý từ đó chuyển trọng tâm nghiên cứu của bà
sang người Minnam (Mân Nam )
và Hakka.
Sau hơn một năm nghiên cứu di truyền trên hệ thống miễn nhiễm (Human
Leucocyte Antigen, HLA) ở nhiễm sắc thể 6 (chromosome 6) qua máu của các dân
Mân Nam (Hoklo), Hakka và các mẫu máu từ nhiều nước kết hợp được trong tổ hoạt
động quốc tế về HLA (International Histocompatibility Workshop) ở Nhật năm
1998, giáo sư Lâm Mã Lý đã công bố kết quả (3) về sự liên hệ và khoảng cách của
các nhóm dân trên sơ đồ cây di truyền. Kết quả cho thấy người Mân Nam và Hakka
rất gần với người Việt, Thái và các dân thuộc chủng Mongoloid Nam Á, khác sa
với người Hán thuộc chủng mongoloid Bắc Á. Giáo sư Lâm Mã Lý cho rằng người «Đài Loan» thuộc dân tộc Mân Việt (Min
Yueh) chứ không phải dân tộc Hán, mặc dù đã có sự pha trộn trong lịch sử với
người Hán di cư từ phương Bắc.
Trong cuộc phỏng vấn trên báo Taipei Times (Đài Bắc thời báo) (4), có
câu hỏi là có phải nghiên cứu của bà đã gây chú ý và bàn luận rất nhiều là vì
nó đã thách thức chủ nghĩa Hán trung tâm cho rằng người Hán và văn minh Hán Hoa
là cội nguồn của tất cả mà ra, và do đó đã rơi vào cuộc tranh luận chính trị về
sự thống nhất với Trung Quốc. Bà trả lời là bà cũng biết trước là kết quả
nghiên cứu di truyền sẽ khơi động sự bàn luận tranh cãi, nhưng bà cũng nói rằng
kết luận của nghiên cứu cũng không phải là gì mới lạ vì trước đây hai nhà nhân
chủng học nổi tiếng đã công bố lâu rồi về dân tộc và văn minh của người Mân
Việt, Hakka và Bách Việt. Kết quả của bà chỉ chứng minh một cách khoa học thêm
mà thôi. Cả hai công trình nghiên cứu này đã được biết từ lâu trước khi có chủ
đề bàn luận về thống nhất hay độc lập ở Đài Loan. Đó là công trình nghiên cứu
của Lin Hui Shaing, «The Ethnology of
China», xuất bản năm 1937 và W. Meacham, «Origins and development of the Yueh coastal neolithic: A microcosm of
cultural change on the mainland of East Asia »,
công bố vào năm 1981. Cả hai đã đi đến cùng kết luận về nguồn gốc của dân Bách
Việt.
trong cuộc phỏng vấn này, có câu hỏi là có phải nghiên cứu của bà có mục
đích chính trị không, vì hiện nay có rất nhiều người đã dùng nghiên cứu của bà
trong chính trường. Bà nói rằng mọi người nên hiểu biết về nguồn gốc của mình.
Và bà chỉ muốn tìm ra nguồn gốc của người địa phương sống lâu đời ở Đài Loan.
Bà không hiểu tại sao người Mỹ gốc Phi lại có thể đi tìm được nguồn gốc của họ,
mà người Đài Loan lại không có thể nói được «Chúng ta là người Mân Việt cổ xưa». Bà muốn rằng người Đài Loan nên
xem mình là người địa phương Mân Việt chứ không phải Hán từ Bắc Trung Quốc. Bà
nói : «Bài nghiên cứu của tôi đơn giản là
chỉ để hiểu biết về nguồn gốc. Tôi không biết gì về chính trị và không thuộc tổ
chức chính trị nào».
Để có một cái nhìn tổng quát về tình hình Đài Loan và hiểu thêm về các
dân tộc và văn hóa ở hòn đảo này, chúng ta phải bắt đầu từ các dữ kiện lịch sử
và dân tộc học mà tôi cố gắng tóm lược như sau.
2.1. Bộ tộc Austronesian
Những người bản xứ thuộc dòng ngôn ngữ Austronesian là những dân đã sống
lâu đời ở Đài Loan từ trước thế kỷ 17 khi các người ngoại quốc, như Hà Lan, Tây
Ban Nha và sau này từ Trung Quốc bắt đầu đến chiếm đóng và định cư.
Ngôn ngữ của các bộ tộc bản xứ cũng rất đa dạng và khác nhau, nhưng tất
cả đều thuộc họ ngôn ngữ Austronesian, cùng họ với ngôn ngữ Philippines,
Indonesia, Mã Lai và ở nhiều đảo khác trong Thái Bình Dương. Hiện nay người thổ
dân Austronesian chỉ còn có khoảng dưới 2% dân số Đài Loan và gồm các bộ tộc
sau (theo thứ tự dân số): Amis (130.000), Paiwan (60.000), Tayal (50.000),
Bunun (38.000), Taroko (30.000), Puyuma (8.000), Rukai (8.000), Tsu (6.000),
Yami (4.000), Saisiat (4.000), Thao (250). Một số bộ tộc khác ở đồng bằng và bờ
biển trước đây đã biến mất, qua sự đồng hoá trong cộng đồng các người Hoklo,
Hakka di dân từ Trung Quốc trong các thế kỷ trước. Ngôn ngữ của các bộ tộc này
chỉ còn giữ lại trong các tự điển và bài viết về họ của người Hà Lan, Nhật và
Đài Loan sau này, và một số từ còn sót lại trong tiếng Hoklo.
Trong suốt lịch sử từ 1624, khi người Hà Lan đến chiếm, cho đến thời kỳ
thuộc nhà Thanh, rồi thuộc Nhật Bản và gần đây dưới chế độ Quốc dân đảng, người
thổ dân thường bị phân biệt, chèn ép trong xã hội. Có lúc họ đã nổi dậy, như
năm 1930, một bộ lạc đã nổi lên chống Nhật nhưng họ đã bị đàn áp đẫm máu. Đất
đai của họ đã bị lấn chiếm và mất dần (cách đây không lâu, có nơi đất của họ đã
được dùng để chôn các chất thải nguyên tử nguy hiểm). Năm 1984, Liên minh thổ
dân Đài Loan đã được thành lập bởi một số trí thức và các lãnh đạo các bộ tộc
để bảo vệ quyền lợi và văn hóa thổ dân. Họ đã tranh đấu trong nhiều năm cùng
với đảng Dân chủ tiến bộ đối lập chống lại các chính sách văn hóa và bất công
của chính quyền. Ngày nay, quyền lợi và văn hóa thổ dân đã được khuyến khích
phát triển nhất là từ khi chính phủ Trần Thủy Biển nắm quyền từ năm 2000.
Như các người Austronesian khác ở Đông Nam Á (Mã Lai ,
Philippines , Indonesia ), các
bộ tộc thổ dân đều có tục ăn trầu và xâm mình. Đặc biệt người Atayal còn xâm
hình rất nhiều lên mặt. Theo truyền thuyết của họ, lúc khởi thủy chỉ có hai anh
em. Vì muốn sinh sản con người, người em gái đã xâm hình lên mặt để che dấu gạt
anh và sinh sản con cháu. Người Rukai, trong lễ hội xuân, còn có phong tục chơi
đu xích đu. Người con gái đu xích đu, trong khi người con trai đẩy và bắt lấy.
Trò chơi ở lễ hội xuân này tương tự như trò chơi của lễ hội người Việt và chúng
có nguồn gốc phồn thực.
Vì là thiểu số, hiện nay văn hóa người thổ dân có nguy cơ biến mất khi
đa số thanh niên cố gắng hoà nhập vào xã hội Đài Loan. Trước đây vì bị phân biệt,
nên đa số đã cố gắng giấu đi đặc tính thổ dân để hoà nhập. Ngày nay với chính
sách bảo vệ và phát triển văn hóa bản xứ trong giáo dục, chính trị và kinh tế,
họ đã có mặt ở mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội Đài Loan và hãnh diện là
người có gốc tích thổ dân, dân cư đầu tiên của nước Đài Loan. Cuối năm 2001, ở
Đài Trung, nơi có nhiều thổ dân thuộc các bộ tộc khác nhau, đã có tổ chức lễ
hội về văn hóa Austronesian, với sự hiện diện của nhiều học giả thế giới đến dự
hội nghị nghiên cứu Austronesian tổ chức cùng thời gian.
Chang Hui-mei (Amei), ca sĩ nổi tiếng ở Đài Loan, là một người gốc thổ
dân bộ lạc Puyuma bản xứ đã trình diễn nhiều bài dân ca Austronesian khai mạc
liên hoan văn hóa này. Viện hàn lâm Academia Sinica cũng đã xuất bản nhiều công
trình nghiên cứu về văn hóa và con người Austronesian. Cùng với «Hiệp hội nghiên cứu tiền sử ấn và Thái Bình
Dương», Academia Sinica đã tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về người
Austronesian, như ở Đài Trung và Đài Bắc vừa rồi.
* Nguồn gốc người Austronesian ở Đài Loan
Có nhiều giả thuyết (9) về nguồn gốc của người Austronesian trên đảo Đài
Loan: (a) họ là hậu duệ của người từ đảo Ryukyu ở nam Nhật Bản đến cách đây hơn
2.000 năm (b) họ là những người Mã Lai đi từ các đảo phương Nam lên (c) họ là
hậu duệ của các dân tộc từ đất liền vùng Quế châu (Miao, Thai,..) gần biên giới
hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam. Những người này cũng là tổ tiên của người
«Việt» (yueh) ở Quảng Đông hiện nay.
Các địa điểm khảo cổ thời kỳ đá mới ở Tapenkeng (gần Đài Bắc) và
Fengpitou (gần Cao Hùng) cho thấy các vật tìm thấy (rìu, tên đá, đồ gốm với
trang trí hình thừng..) thuộc vào một nền văn hóa thời đại đá mới cách đây
khoảng hơn 5.000 năm. Các nền văn hóa này có liên hệ với các di chỉ văn hóa ở
đất liền phía nam Trung Quốc và bắc Việt Nam . Các gốm ở các di chỉ văn hóa
trên cũng có sự liên hệ với các gốm tìm thấy ở các di chỉ ở Philippines và
ở Sa Huỳnh. Điều này cho thấy giả thuyết thứ hai và ba ở trên về nguồn gốc của
dân Austronesian có thể là có cơ sở. Tuy khảo cổ học cho ta thấy sự liên hệ ở
thời kỳ đá mới giữa cư dân đảo Đài Loan và đất liền, nhưng về phương diện ngôn
ngữ hiện nay ta không còn tìm được cư dân nào còn lại trên đất liền ở Nam Trung
Quốc và Bắc Việt Nam dùng tiếng nói thuộc họ ngôn ngữ Austronesian.
Nhà khảo cổ P. Bellwood cho rằng xưa kia ngôn ngữ Austronesian có thể đã
được dùng bởi các bộ tộc ở Nam Trung Quốc nhưng đã bị biến mất khi người Hán
tràn xuống phía nam. Vết tích của ngôn ngữ Austronesian có thể tìm được ở tiếng
Mân Nam
(Hoklo). Nhà ngôn ngữ học Benedict cho rằng họ ngôn ngữ Austronesian và ngôn
ngữ Thai-Kadai (hiện vẫn còn ở nam Trung Quốc và bắc Việt nam) có liên hệ và
cùng chung một gốc. Gần đây một số các nhà ngôn ngữ học cũng cho thấy có sự
liên hệ giữa ngôn ngữ Austronesian và Austroasiatics (như Mon-Khmer,
Việt-Mường). Họ gọi gốc chung của hai họ ngôn ngữ này là Austric và dùng phương
pháp ngôn ngữ học để cấu tạo lại các từ gốc tiền-Austric. Ngoài phương diện
ngôn ngữ, ta cũng thấy có sự liên hệ trong lịch sử của các dân tộc nói các thứ
tiếng trên ở nam Trung Quốc và Việt Nam .
Từ các dữ kiện ngôn ngữ, lịch sử và khảo cổ, nhà ngôn ngữ học R. Blust
và khảo cổ học P. Bellwood đã cho rằng, bắt nguồn từ Vân Nam, nơi xuất phát
nhiều sắc tộc nói nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, và nhiều di chỉ văn hóa, người
Austronesian xuống đến bờ biển rồi từ đó qua Đài Loan. Họ sau này, cũng như
nhiều sắc tộc khác, bị Hán hóa, chỉ để lại vài dấu vết ngôn ngữ trong các dân ở
nam Trung Quốc hiện nay.
Tuy vậy, qua sự nghiên cứu về các từ cổ Trung Hoa về các sản phẩm canh
nông như kê, lúa gạo, nhà ngôn ngữ L. Sagart (10) cho rằng nguồn gốc của người
Austronesian là ở phía bắc sông Dương Tử. Những từ này có liên hệ đến các từ
gốc Austronesian. Thuyết của ông đặt cơ sở là các di chỉ trồng lúa cổ nhất tìm
được hiện nay là dọc phía nam sông Dương Tử như Hemudu, Caoxieshan (tỉnh Triết
Giang) cách đây khoảng 6,500 năm và Pentoushan (Hồ Nam) cách đây khoảng 8,000
năm.
Trái với hai thuyết trên là thuyết của Meacham, Terrel và Soldheim (11)
cho rằng người Austronesian chính là bắt nguồn từ các đảo trong khu vực tam
giác bắc Philippines, Indonesia đến tây New Guinea (vùng Wallacea). Họ tỏa ra
các hướng khác nhau: bắc đến Đài Loan và các đảo nam Nhật Bản (Ryukyu), tây đến
bờ biển Việt Nam, đông về Melanesia và các đảo ở Thái Bình Dương (Polynesia).
Meacham cho rằng hiện nay khó có thể xác định là nguồn gốc người Austronesian ở
nam Trung Quốc qua ngôn ngữ học và khảo cổ học. Sự định tuổi về sự phát xuất
các họ ngôn ngữ qua ngôn ngữ học như Blust đã làm là không chính xác và di chỉ
khảo cổ ở Đài Loan chưa đủ để kết luận là người Austronesian từ nam Trung Quốc
đến Đài Loan. Soldheim cho rằng thật sự người Austronesian đi đến bờ biển Trung
Quốc, Đài Loan từ phương nam (Philippines) và họ cũng đến bờ biển Việt Nam như
ở Sa Huỳnh.
Khi kỹ thuật di truyền được bắt đầu sử dụng vào địa hạt nhân chủng học,
một số các nghiên cứu về di truyền dùng các mẫu DNA và mitochondria DNA từ các
bộ tộc Austronesian và các dân cư ở bắc, nam Trung Quốc, các đảo ở Đông Nam Á
và Thái Bình Dương cho thấy có sự liên hệ rất nhiều giữa người Austronesian ở
Đài Loan và các dân ở Philippines và các cư dân tộc phía nam Trung Quốc nhiều
hơn ở bắc Trung Quốc (9). Tuy vậy điều này chưa cho phép ta khẳng định hướng di
dân đi từ hướng nào.
Nguồn gốc của người Austronesian vẫn còn là đề tài tranh luận của các
nhà nghiên cứu.
* Thuyết «Từ Đài Loan» về nguồn gốc
Austronesian ở Thái Bình Dương
Năm 1984, nhà khảo cổ học Peter Bellwood, trong chương trình nghiên cứu
phối hợp với ngôn ngữ học đã cho rằng các người Polynesian ở các đảo Thái Bình
Dương như Tonga, Fiji, Tahiti, Tân Tây Lan, đảo Easter... có nguồn gốc từ Đài
Loan. Họ di cư từ Đài Loan chỉ cách đây hơn 3.000 năm và nhanh chóng toả ra
khắp những nơi trên. Thuyết này được phổ thông hoá nôm na là thuyết «tàu tốc hành từ Đài Loan» («express train from Taiwan »).
Ông Bellwood (13) cho rằng người Austronesian là những người trồng lúa,
với kỹ thuật canh nông, từ nam Trung Quốc đã qua Đài Loan và xuống các đảo phía
nam. Từ đó họ đi về phương đông đến hầu như hết tất cả các đảo ở Thái Bình
Dương. Họ đã thay thế các dân hái lượm địa phương cư ngụ trước đó ở các đảo
Đông Nam Á. Bellwood cũng dựa vào nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học R. Blust để
đưa ra thuyết của ông. Blust đã xếp loại tất cả các ngôn ngữ Austronesian,
khoảng 1.200 loại, thành 10 nhóm chính. Các ngôn ngữ của các bộ tộc
Austronesian ở Đài Loan rất khác nhau và chia ra thành chín nhóm khác nhau.
Trong khi các ngôn ngữ Austronesian khác ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương nằm
vào chung một nhóm. Vì thế Blust cho rằng các ngôn ngữ ở Đài Loan là thuộc loại
xưa nhất, và các ngôn ngữ Austronesian khác bắt nguồn từ Đài Loan.
Bằng chứng khảo cổ học là các loại gốm gọi là gốm Lapita được tìm thấy
khắp các đảo ở Thái Bình Dương, từ quần đảo Bismark, đảo Vanuatu, Caledonia đến
Fiji, Tonga, Samoa. Những người Lapita này chính là tổ tiên của những người Polynesia nói tiếng Austronesian ở Thái Bình Dương hiện
nay. Bellwood cho rằng người Lapita phát xuất
từ Đài Loan.
Vấn đề người Lapita từ đâu đến không đơn giản và đã có nhiều nhà nghiên
cứu tranh luận. Nhà nhân chủng học Terrel cho rằng thật sự tổ tiên người Lapita
là từ Melanesia hơn là từ người Austronesian từ Đài Loan hay Philippines
đến. Đồ gốm Lapita cổ nhất là được tìm thấy ở quần đảo Bismark, xứ sở của người
Melanesia, hơn gốm tìm được ở Philippines, mặc dầu chúng có liên hệ đến gốm
Lapita. Theo ông Terrel, văn hóa người Lapita là sự tổng hợp văn hóa của người
Austronesian đến trong nhiều đợt và của người Melanesia
bản xứ. Thuyết của ông Terrel còn được gọi nôm na là «thuyết bờ rối» («entagled
bank hypothesis»)
Thuyết «tàu tốc hành» của Bellwood , Blust và thuyết «bờ rối» của Terrel là hai mô hình nổi bật khác nhau nhất. Các nhà
nghiên cứu đã chia ra hai trường phái dựa vào hai mô hình khác nhau trên.
Thuyết «tàu tốc hành» của Bellwood và Blust được nhiều người chấp nhận trong một
thời gian lâu trong các năm 1980 và đầu thập niên 1990. Khi các nhà di truyền
học nhảy vào cuộc tranh luận, lúc đầu đã có các nghiên cứu di truyền mtDNA với
các kết quả đầu tiên có vẻ là thuyết Bellwood
và Blust đúng. Nhưng sau này, các kết quả di truyền ở nhiểm sắc thể Y và
mitochondria mtDNA cho thấy giả thuyết trên của Bellwood
là không hoàn toàn đúng.
Di truyền ở nhiểm sắc thể Y cho thấy người Polynesia
có rất ít sự đa dạng, chứng tỏ họ xuất thân từ một số ít người đàn ông. Mặc dầu
ở mtDNA và nhiểm sắc thể Y, có các vết tích và sự liên hệ một ít qua các điểm
(marker) với những người Austronesian và người ở nam Trung Quốc và Đông Nam Á.
Nhưng sự liên hệ di truyền nhiều nhất là với các người Melanesian ở New Guinea
và Austronesian ở Wallacia gần New Guinea (11)(12). Thuyết Bellwood đúng một
phần nhưng mô hình Terrel có cơ sở hơn. Vì thế ông Oppenheimer (11) đã gọi
nguồn gốc và di dân của người Polynesia đến
Thái Bình Dương là «con tàu chậm» («slow boat»)
2.2. Người Hoklo (福佬)
«Hoklo», từ cổ xưa gốc địa
phương nay được dùng để chỉ chung giống người dân tộc và ngôn ngữ vùng Phúc
Kiến thay vì dùng từ Phúc Kiến như trước đây thường xử dụng để chỉ người từ
tỉnh địa phương Phúc Kiến trong một nước Trung Quốc rộng lớn. Các từ thường dùng
khác như Hokkien (Phúc Kiến), Minnan (Mân Nam ), Min (Mân), hay Đài Loan cũng
đã được dùng để chỉ dân tộc này. Nay thì từ «Hoklo» bản địa có khuynh hướng được dùng nhiều (nhất là trong giới
hàn lâm nghiên cứu) vì nó thống nhất cho một giống dân trong dân tộc học, không
mang màu sắc chính trị, thích hợp hơn là dùng danh từ về vị trí địa lý của một
tỉnh. Người Hoklo không những cư trú ở Phúc Kiến mà còn có mặt ở nhiều nơi như
Hải Nam ,
Đài Loan và ở nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á do truyền thống đi biển
của họ. Ở Đài Loan, hiện nay 70% dân số là người Hoklo.
Ngôn ngữ người Hoklo có nguồn gốc cổ xưa ở Nam Trung Quốc. Theo nhà ngôn
ngữ học Norman và Mei Tsu Lin (5)(6) thì tiếng
Hoklo (Mân), Hakka và Quảng Đông có cùng nguồn gốc. Chúng xuất phát từ các bộ
tộc bách Việt phi Hán sống ở phía Nam sông Dương Tử. Những ngôn ngữ này có các
thành phần gốc Thái cổ, Austronesian và Austroasiatic ở tầng ngôn ngữ dưới tầng
pha trộn với tiếng Hán ở trên. Thành phần Austronesian và Thai (Austro-Thai) có
trội hơn thành phần Austroasiatics, nhưng cả ba đều có hiện diện trong các ngôn
ngữ này. Họ ngôn ngữ Austroasiatics, như ta biết, gồm có các ngôn ngữ
Mon-Khmer, Việt, Munda. Điều này cho thấy là các tộc người nói tiếng
Austroasiatics đã có mặt ở nam Trung Quốc từ lâu đời, trước thời kỳ nhà Tần -
Hán (6). Hiện nay trong ngôn ngữ Mân Nam Hoklo, ta vẫn còn tìm thấy có các sự
liên hệ với ngôn ngữ Việt thuộc họ Austroasiatics qua các từ gốc (6).
Một vài thí dụ về các từ Hoklo với các từ trong tiếng Việt như:
vat[bat4] - Việt: biết, Bahnar : băt.
gnial[kian2] - Việt: con, Khmer : koun.
daam[tam5] - Việt: đẫm (ướt).
daanggi[tang5ki1] - Việt: đồng (lên), Proto-Mân: dung, Mon: dong.
doh[toh4] - Việt: đâu (ở).
Và một số từ có nguồn gốc austroasiatics-austronesian (theo thuyết
Austric) như:
dehh[teh4]\- Việt: đè, Proto-Malay : tedes.
qiul [giu2] - Việt: giật (kéo), Quảng Đông: jau1, proto-Malay: guyud
lut[lut4] - Việt: lột, Hakka : lôụt, Quảng Đông: led1, Indonesian:
lucut, Malay: luchut, Hawai Polysnesian: lu.
lerng[leng7] - Việt: lõng, proto-Malay : luan.
Ngoài ra, theo tôi một số các từ Hoklo sau đây cũng có gốc chung
(cognates) với các từ Việt.
bou[po*1] - Việt: bố (cha)
voul[bo*2] - Việt: bu (vợ)
za[cha1] - Việt: ta (người), Proto-Malay: tau, cau.
dẫn tới từ Hoklo, zabou nghĩa là người đàn ông và zavoul nghĩa là người
đàn bà.
Ngoài sự liên hệ về ngôn ngữ giữa người Hoklo (Mân Việt) và người Việt,
trong lịch sử, ta cũng được biết là tổ tiên của nhà Trần, một triều đại rực rỡ
đượm văn hóa Việt ở Việt Nam, đã đi từ Phúc Kiến (Mân) theo đường biển đến định
cư ở Việt Nam vào thế kỷ 13. Họ sống về nghề đánh cá dọc theo bờ biển nam Trung
Quốc.
Người Hoklo ở Đài Loan sau bao thế kỷ chung sống và hợp chủng với nhiều
bộ tộc bản xứ ở vùng thấp và đồng bằng đã dẫn đến sự biến mất của một số các bộ
tộc. Qua quá trình giao lưu này, một số ngôn từ Austronesian đã được thu nhận
và ngôn ngữ Hoklo ở Đài Loan có nét địa phương khác với ngôn ngữ Hoklo ở tỉnh
Phúc Kiến trong lục địa. Ngôn ngữ Hoklo ở Đài Loan nay được gọi là Đài ngữ.
2.3. Người Hẹ hay Khách gia (Hakka) (客家)
Từ «Hakka» chữ Hán có nghĩa là
«khách gia», do người Quảng Đông dùng
để chỉ các người di dân xuống địa phận vùng bắc Quảng Đông và nam Phúc Kiến
hiện nay. Thật sự người Hakka đã có mặt từ ngàn năm trước ở vùng phía nam sông
Dương Tử, chủ yếu ở khu vực nam tỉnh Giang Tây, giáp giới với Phúc Kiến. Vì
hoàn cảnh địa lý và lịch sử họ đã di dân xuống Quảng Đông. Hiện nay chúng ta
không rõ lịch sử và khi nào từ này đã được dùng, chỉ biết là người Quảng Đông
đã đối xử phân biệt với họ, cho họ là dân phi Hán thuộc một loại dân tộc mọi man
di, như các tộc Thái, Choang (Zhuang) hay Mèo (Miao), ở miền núi hoang dã di
dân vào ở các khu vực Hán. Thật sự thì cả người Quảng Đông cũng không phải nòi
Hán, nhưng vì bị Hán hoá quá lâu, nên trong cộng đồng của họ đã không còn gìn
giữ lại được trong trí nhớ di sản chung là trước kia họ thuộc chủng phi Hán.
Vì bị coi như người ngoài đến lấn chiếm, và bị đối xử phân biệt nên một
số người Hakka đã cũng tự cho họ là người Hán từ bắc Trung Quốc đi xuống. Quyển
sách cổ điển nói về nguồn gốc của người Hakka là của giáo sư Lo Hiong Lim, xuất
bản năm 1933 («An introduction to the
study of the Hakkas: its ethnic, historical and cultural aspects»). Ông chủ
yếu dựa vào gia phả cho rằng người Hakka là từ bắc Trung Quốc đã di dân xuống
phương nam qua nhiều đợt vì quê hương của họ đã bị các rợ phương bắc xâm lăng.
Ngày nay thì nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ, ngôn ngữ học và di
truyền học đã cho thấy là thuyết của ông Lo không đúng. Ngay cả tư liệu gia phả
cũng không chính xác và có nhiều sai lầm. Nhà ngôn ngữ học J. Norman cho rằng
tiếng Hakka, Mân (Min) và Quảng Đông «Việt»
(Yue) có cùng một nguồn trong lịch sử, đã hiện diện ở Nam Trung Quốc từ trước
thời Hán, mà ông gọi chung là tiếng cổ nam Trung Quốc (Old southern Chinese)
(5).
Nhà ngôn ngữ học Laurent Sagart trong một nghiên cứu mới đây (2002) về
nguồn gốc tiếng Hakka, đã cho thấy là ngôn ngữ này có nguồn gốc ở phía nam
Trung Quốc, với lớp tầng cổ nhất thuộc họ ngôn ngữ Mèo-Dao (Miao-Yao), hay còn
gọi là Hmong-Mien (4). Ngôn ngữ Hakka cũng rất gần với ngôn ngữ của người Gan
(Cám) cư ngụ dọc lưu vực sông Cám giang. Hiện nay ở vài khu vực các tỉnh Giang
Tây (Jiangxi ),
Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, người She (Xá), thuộc họ ngôn ngữ
Hmong-Mien vẫn còn hiện diện. Ông Sagart cho rằng chính họ là tổ tiên của người
Hakka và Gan, sau này đã bị Hán hoá dần từ thời Tống. Trước đây, nhà ngôn ngữ
học Haudricourt cũng đã cho rằng tiếng Quảng Đông và Hakka có nguồn gốc từ
tiếng Thái và Mèo-Dao, sau khi trải qua các quá trình Hán hoá lâu dài trong
lịch sử (7).
Giáo sư Fong Hok Ka, trong sách nghiên cứu về người Hakka xuất bản ở
Trung Quốc năm 1994 («Investigating in
depth about the origin of Hakka»), đã dùng các tư liệu lịch sử và khảo cổ
tìm được ở các vùng của người Hakka trước đây cư ngụ. Ông cho thấy đã có một
nền văn minh rất cao hiện diện trước lâu khi thời kỳ nhà Tần đánh chiếm các dân
tộc phương Nam .
Từ đó (221BC) bắt đầu có quá trình Hán hoá cho đến các giai đoạn sau thời Bắc
triều - Nam
triều (589AD), khi nhóm tiền-Hakka (proto-Hakka) bắt đầu được thành lập và phát
triển.
Nói chung các công trình nghiên cứu của ông Norman , Sagart và Fong là có cơ sở hơn hết về
nguồn gốc con người và ngôn ngữ Hakka.
Sau người Hoklo, người Hakka bắt đầu di dân vào đảo Đài Loan vào khoảng
thế kỷ 18, chủ yếu là dưới triều Thanh. Hiện nay, dân số người Hakka có khoảng
3 triệu, tức khoảng 15% dân số Đài Loan, đứng hàng thứ 2 sau dân Hoklo.
3. VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ HIỆN ĐẠI ĐÀI LOAN
3.1. Đài Loan đã có người thổ dân
Austronesian sinh sống từ lâu đời
Tài liệu xưa nhất ở Trung Quốc đề cập đến Đài Loan là vào năm 230 AD,
nói về một số người chạy loạn từ bờ biển Phúc Kiến, Quảng Đông đến trú ngụ tại
đảo. Một tài liệu địa lý khác ở thế kỷ thứ 3 có nói về các bộ tộc sống trên đảo
(9). Họ có phong tục và cách sống rất khác nhau, chứ không phải thuần nhất.
Từ cuối thế kỷ 16 đến năm 1624, chỉ có một số rất ít người từ lục địa
sang sinh sống dọc theo bờ biển phía bắc. Chủ yếu họ sống ngoài vòng kiểm soát
của triều đình Trung Quốc. Trong đó không ít là sống theo nghề cướp biển. Thỉnh
thoảng chỉ có một số người bị đắm tàu trôi dạt vào đảo. Họa hoằn lắm là có các
thương thuyền của người Bồ Đào Nha, Hà Lan và các nước tạt qua trên đường hàng
hải buôn bán với Nhật và Trung Quốc. Người Bồ Đào Nha gọi đảo này là Formosa (hòn
đảo đẹp). Thổ dân Austronesian trên đảo cũng có tiếng là hung dữ, nhất là ở
phía sâu trong đảo. Thêm nữa vì không có cảng hay thành phố mà chỉ có các làng
mạc thưa thớt dọc biển, nên không ai để ý đến.
Với sự cạnh tranh càng ngày càng gia tăng của các nước Tây phương trong
thị trường thương mại hàng hải với Nhật và Trung Quốc. Người Hà Lan đầu tiên
chiếm các đảo nhỏ ở eo biển Đài Loan như quần đảo Pescadores và bắt đầu từ năm
1624 đến lập các cơ sở ở bờ biển phía Tây Đài Loan. Người Tây ban Nha cũng đến
phía bắc đảo để chiếm đóng và lập các căn cứ làm thuộc địa từ năm 1626. Người
thổ dân bị lấn chiếm và không chống trả nổi. Chiến tranh giữa Hà Lan và Tây Ban
Nha diễn ra liên tục trên đảo. Trong thời gian này, người Hoa từ lục địa cũng
bắt đầu di dân sang ở một vài nơi phía Tây và Nam trên đảo.
Năm 1642, cuối cùng người Tây Ban Nha đã bị người Hà Lan đánh bại, các
cơ sở, đồn thiết bị ở phía bắc đảo đã rơi vào tay người Hà Lan. Formosa trở
thành thuộc địa và là cơ sở thương mại có lợi nhuận lớn thứ nhì sau Nhật Bản
của công ty Đông Ấn Hà Lan. Trong lúc đó người Hoa từ lục địa tiếp tục di dân
qua đảo Formosa
lập nghiệp ở dọc bờ biển hẻo lánh phía Tây. Người thổ dân nay chịu 2 sức ép của
làn sóng xâm nhập. Từ Đài Loan, Công ty Đông Ấn xuất khẩu đường, các sản phẩm
từ nai thú rừng, và là trạm chuyển tiếp cho đồ sứ Trung Quốc. Các bộ lạc ở vùng
thấp và đồng bằng bị cạnh tranh sinh sống và bị đẩy lùi từ sự phát triển nông
nghiệp lớn dần của các người di dân từ lục địa sang. Dĩ nhiên lâu dần sự việc
cũng đã dẫn đến sự đụng độ không tránh khỏi giữa người di dân Hoa lục với người
Hà Lan. Nhà Minh bắt đầu gởi người và chiến thuyền đến để can thiệp. Chiến
tranh xảy ra khốc liệt trong nhiều năm. Sau cùng vào năm 1662, người Hà Lan vì
giới hạn nhân lực và thực lực đã bị tướng nhà Minh Koxinga (Jeng Cheng Gung) đánh
bại. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thiết lập sự cai trị ở đảo Đài Loan.
Khi nhà Minh bị mất nước vào năm 1683, người Mãn Châu thiết lập triều
nhà Thanh ở Trung Quốc. Tàn quân của nhà Minh đã phải lánh nạn ở bờ biển phía Nam gần Đài
Loan. Một số cũng đi xa hơn nữa về phương Nam đến Việt Nam và được chúa Nguyễn
cho phép định cư ở các vùng đất mới, như miền Nam phía vùng đồng bằng sông Cửu
Long. Ở Trung Quốc, một số hội kín «phản
Thanh phục Minh» như Thiên Địa hội được thành lập. Vùng bờ biển Trung Quốc
và Đài Loan trở thành nơi cứ địa của Thiên địa hội. Lâu ngày tàn quân và Thiên
địa hội đã dần dần trở thành cướp biển quấy phá hàng hải thương mại nhà Thanh ở
eo biển Đài Loan. Sau một thời gian, nhà Thanh tuy dẹp được cướp biển, nhưng ở
Đài Loan họ chỉ kiểm soát được một vài nơi có người Hoa định cư dọc bờ biển.
Còn lại đa số là ngoài vòng kiểm soát. Nhà Thanh vì thế chỉ xem Đài Loan là một
vùng biên giới để giữ an ninh, không coi đó là nơi quan trọng và cần thiết. Nhà
Thanh dùng chính sách «chia rẽ và cai trị»
rất hiệu nghiệm. Họ dùng người bản xứ Austronesian để đàn áp các cuộc nổi loạn
thường xảy ra của người Hoa di dân vẫn còn thần phục nhà Minh.
Năm 1895, nhà Thanh thua trận trong chiến tranh với Nhật. Một trong
những điều kiện thương thuyết là Nhật đòi nhà Thanh phải nhường lại Đài Loan.
Vì không coi là nơi quan trọng thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhà Thanh đã đồng ý
với Hoà ước Shimonoseki kết thúc cuộc chiến tranh Trung - Nhật. Đài Loan trở
thành thuộc địa, trực thuộc Nhật từ năm 1895 đến 1945. Trong 50 năm dưới chế độ
thực dân Nhật, Đài Loan đã trải qua một sự thay đổi khá sâu rộng trong các địa
hạt văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị. Tiếng Nhật và văn hóa Nhật được áp
dụng trong toàn xã hội. Văn hóa bản xứ Hoa, Hoklo và Austronesian không đươc
phát triển. Họ cai trị Đài Loan rất chặt chẽ. Ngay cả vào sâu trong nội địa,
vùng núi rừng để chế ngự các bộ tộc Austronesian miền núi, để đặt họ vào vòng
kiểm soát của người Nhật. Kỹ nghệ được phát triển khai thác tận lực tài nguyên
thiên nhiên như thuỷ điện, nhôm, hoá học.... Đài Loan sau này đóng góp nhiều
vào bộ máy chiến tranh của Nhật trong thế chiến thứ hai. Dưới sự cai trị của
Nhật, một cuộc nổi dậy lớn nhất chống Nhật, do một bộ tộc người Austronesian
lãnh đạo, đã xảy ra vào năm 1930. Để trả thù, chính quyền Nhật đã đàn áp, giết
và bắt đi hầu hết các người của bộ tộc Austronesian này trong cuộc nổi loạn
trên. Trong lịch sử Đài Loan, ngay cả Quốc dân đảng đã đề cao biến cố nổi dậy
quan trọng này của các «đồng bào dân tộc».
Trong thế chiến thứ hai, Trung Quốc đánh nhau với Nhật ở mặt trận châu
Á, Thái Bình Dương và vì thế đứng về phía Đồng minh chống lại trục phát xít
Đức-Nhật-Ý. Trong hội nghị của ba cường quốc đồng minh (Mỹ, Anh, và Trung Quốc)
về mặt trận Thái Bình Dương ở Cairo vào năm 1943, Đồng minh đã đồng ý là sẽ
giao Đài Loan cho Trung Quốc (Quốc dân đảng) khi Nhật bị bại trận sau chiến
tranh.
3.2. Biến cố 28/2 - Thảm sát ở Đài Bắc và khắp Đài Loan
Cuối năm 1945, sau khi Nhật đã đầu hàng đồng minh, chính phủ Trung Quốc
của Quốc dân đảng gởi người và quân đội đến Đài Loan để giải giới và thiết lập
chính quyền mới trên đảo. Họ đến từ lục địa nhưng nắm hết quyền trong chính
phủ, quân đội. Từ sự cách biệt gần 100 năm trong lịch sử trong thời kỳ lệ thuộc
Nhật và trước đó trong thời nhà Thanh, lối sống xã hội của người Đài Loan bản
xứ đã khác nhiều với tập tục suy nghĩ nếp sống của những người tràn qua từ đất
liền.
Điều này bắt đầu dẫn tới những bất đồng và căng thẳng, nhất là sự hối
lộ, tham nhũng, vơ vét, áp bức dân địa phương của chính quyền Quốc dân đảng
trong các năm đầu khi họ vừa đến Đài Loan. Người dân bản xứ không quen về tệ
nạn tham nhũng, vơ vét khi còn dưới thời Nhật cai trị, nên rất ta oán. Họ đã
biểu tình phản đối bắt đầu từ Đài Bắc rồi lan ra khắp Đài Loan. Quốc dân đảng
đã phản ứng lại bằng cách dạy dân địa phương một bài học, như một số tướng và
nhân vật quốc dân đảng đã tuyên bố. Trong ngày 28/2/1947, quân đội đã nổ súng
vào đoàn biểu tình và mở chiến dịch càn quét tấn công vào các dân bản xứ, hậu
quả thật khốc liệt, hơn 20.000 người đã bị thảm sát. Thiết quân luật đã được
ban hành và áp dụng trên toàn lãnh thổ. Biến cố này là một bản lề quan trọng
nhất trong lịch sử cận đại Đài Loan.
Năm 1949, chính phủ Quốc dân đảng ở Trung Quốc sau khi bị thua trận
trong cuộc nội chiến đã phải chạy ra đảo Đài Loan củng cố. Thiết quân luật được
áp dụng chặc chẽ hơn, viện cớ tình trạng chiến tranh với Đảng cộng sản ở Trung
Quốc lục địa. Thiết quân luật chỉ chấm dứt sau này vào năm 1987. Biến cố ngày
22/8/1947 có ảnh hưởng sâu rộng và đã nằm sâu trong tiềm thức của dân Đài Loan.
Mặc dù nó đã bị các chính phủ Quốc dân đảng che đậy và cấm được bàn hay đề cập
đến từ lúc đó cho đến cuối thập niên 1980s, nhiều trí thức bản xứ và ngay cả
một số trong Quốc dân đảng ly khai đã đặt lại vấn đề và từ đó thành lập đảng Dân
chủ Tiến bộ đối lập với chính quyền.
Năm 1972, Đài Loan đã lỡ một cơ hội trở thành một nước độc lập gia nhập
vào Liên hiệp quốc. Trong thời điểm này Mỹ đang hoà hoãn với Trung Hoa lục địa
(Cộng hoà nhân dân Trung Hoa). Liên hiệp quốc cũng vừa công nhận chính phủ Cộng
hoà nhân dân Trung Hoa (PRC) đại diện cho Trung Quốc ở Liên hiệp quốc, thay thế
chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (ROC) của Quốc dân đảng ở Đài Loan. Đài Loan lúc
đó có thể từ bỏ chính sách là mình có chủ quyền ở Trung Hoa lục địa và là thực
thể đại diện cho tất cả mọi người dân Trung Hoa. Thay vào đó, Đài Loan nên
tuyên bố độc lập xin vào Liên hiệp quốc với tư cách một nước mới. Đây cũng là
hành động mà Mỹ khuyên Đài Loan nên theo trong cơ hội này lúc Mỹ thương lượng
với Trung Quốc, nhưng chính phủ Đài Loan đã từ chối và tiếp tục theo đuổi đòi
chủ quyền cho cả Trung Hoa lục địa. Đây là một sai lầm chiến lược lớn mà sau
này Đài Loan hối hận. Nhiều người đã đặt lại vấn đề là tại sao lại không có hai
hoặc ba nước nói tiếng Hoa trong Liên hiệp quốc, cũng như Liên Xô trước đây đã
có Ukraine và Bylorussia hiện diện trong tổ chức này. Chính sách sau này của
chính phủ Quốc dân đảng Đài Loan là cố gắng thiết lập được quan hệ ngoại giao
với mọi nước (đa số là các nước nhỏ ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương) và xin được
vào các tổ chức quốc tế như: Y tế thế giới (WHO), Văn hóa - giáo dục (UNESCO),
Thương mại (WTO).
Từ lúc đảng Dân chủ tiến bộ đối lập được thành lập, đấu tranh về đường
lối giữa Quốc dân đảng và đảng Dân chủ diễn ra rất gay gắt trong suốt thập niên
1980s. Đến cuối thập niên 1990s thì người địa phương Đài Loan đã thực sự thắng
lợi, với bản sắc Đài Loan được đặt là nền tảng cho mọi chính sách đối ngoại và
đối nội. Ngay cả Quốc dân đảng đã chọn người địa phương Đài Loan, ông Lý Đăng
Huy, là vị tổng thống với chính sách mới ở giai đoạn cuối cùng trước khi đảng
Dân chủ lên nắm quyền năm 2000, mở đầu cho một kỷ nguyên và một thế kỷ mới.
4. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA TRUYỀN
THỐNG BẢN ĐỊA CỦA CÁC DÂN TỘC Ở ĐÀI LOAN
Tôi đến Đài Trung (dọc bờ biển hướng Tây, cách Đài Bắc 150km phía Nam ) vào tháng
6 năm 2000, một tháng sau khi ông Trần Thủy Biển nhậm chức tổng thống. Trung
Quốc vẫn còn dàn hoả tiển hướng về Đài Loan ngăn cách qua một eo biển nhỏ hẹp.
Dân chúng tuy vậy rất bình tĩnh, tự tin và không còn sợ hãi như trước đây. Mặc
dầu thị trường chứng khoáng chưa hồi phục đến mức bình thường như hồi trước lúc
khủng hoảng, hoạt động kinh tế đã trở lại như trước, các trung tâm thương mại
rất náo nhiệt trừ các trung tâm của các công ty Nhật có rất nhiều ở Đài Loan,
như Daimaru,.. thì vẫn vắng khách như xưa vì giá rất cao. Thành phố Đài Trung
là thành phố lớn mà dân Hoklo hầu như chiếm gần hết, với một số ít còn lại là
người các dân tộc thổ dân Austronesian.
Thành phần dân ở Đài Loan gồm khoảng 15% là người Hakka (Khách gia), 70%
là người Phúc Kiến, 2% là người bản xứ thổ dân và 13% là người từ các vùng ở
Trung Hoa lục địa đến gần đây. Mặc dầu không phải là đa số, nhưng người từ
Trung Hoa lục địa đã chiếm lĩnh các vị trí quan trọng trong chính phủ, quân
đội. Các hoạt động kinh tế phần lớn nằm trong tay họ, trong số đó có một số
công ty có sự liên hệ rất mật thiết với Quốc dân đảng. Ngay Quốc dân đảng cũng
có những công ty riêng rất lớn với nguồn tài chánh và lợi nhuận khổng lồ. Tình
trạng trên kéo dài trong hơn 40 năm, cho đến khi bắc đầu từ năm 1988, đảng Dân
chủ Tiến bộ (DPP) đối lập được thành lập. Đảng Dân chủ tiến bộ đòi hỏi có sự
công bằng và đấu tranh dành lại quyền chính trị với khuynh hướng độc lập, từ bỏ
là đại diện Trung Quốc để lấy lại Hoa lục của chính thể Đài Loan từ khi Quốc
dân đảng thua chạy qua tá túc ở Đài Loan. Mặc dầu có nhiều khó khăn và trở ngại
do chính phủ Quốc dân đảng lập ra, dần dần tiếng nói của các dân bản xứ đã được
thể hiện. Trong những năm cuối của thập niên 1980 và đầu 1990, sự đối lập của
đảng Dân chủ Tiến bộ và Quốc dân đảng về khuynh hướng và chính sách không những
gay gắt trên chính trường (nhiều khi đưa đến xô xát bạo động trong quốc hội,
các nơi diễn thuyết công cộng giữa hai phe mà chúng ta thường thấy trên truyền
hình) mà còn được thể hiện ở dân chúng tuỳ theo dân thuộc thành phần nào, bản
xứ hay không bản xứ.
Năm 1996, ông Trần Thủy Biển được bầu làm Thị trưởng thành phố Đài Bắc.
Trong thời gian làm Thị trưởng, ông đã đổi tên đại lộ trước dinh Tổng thống từ «Đại lộ Tưởng Giới Thạch muôn năm» thành «Đường Ketagalan». Ketagalan là tên một
bộ lạc thổ dân Austronesian cư ngụ vùng xung quanh Đài Bắc đã bị tuyệt chủng từ
lâu sau khi họ đã bị đồng hoá vào xã hội Đài Loan. Mặc dù không phải là người
thổ dân, nhưng ông Trần Thủy Biển đã tích cực ủng hộ và phát triển quyền lợi và
văn hóa thổ dân khắp Đài Bắc.
Quan trọng hơn, ông đã lập ra một viện bảo tàng giữa một công viên lớn
trong trung tâm thành phố tưởng niệm biến cố ngày 28/2/1947. Công viên được đổi
tên là Công viên Hoà bình 282. Tôi có ghé thăm công viên và viện bảo tàng trong
dịp viếng Đài Bắc năm 2000. Thật là cảm động khi thấy những hình ảnh, thơ từ,
áo của các nạn nhân mang những lỗ đạn, sách, báo chí, chứng từ, nói lên sự bất
nhẫn qua hình ảnh của quân đội Tưởng Giới Thạch bắn giết hơn 20.000 người...
Viện bảo tàng mang một biểu tượng với dòng chữ to «confused identity leads to tragedy - Taiwan has to know its past tragic
event in 22/8/1947» (không rõ cá tính chúng ta là ai sẽ dẫn đến thảm kịch -
Đài Loan phải biết quá khứ lịch sử của biến cố ngày 22/8/1997). Dĩ nhiên Viện
bảo tàng đã bị chính phủ Quốc dân đảng lúc bấy giờ rất chống đối và lên án.
Nhưng cũng từ lúc ấy, đa số người Đài Loan bản xứ (Hakka và Hoklo) đã bắt đầu
nhận ra, ý thức được quyền độc lập và tự hào về sự khác biệt của văn hóa, lịch
sử, ngôn ngữ của họ với văn hóa quan thoại của Quốc dân đảng và của Trung Hoa
lục địa.
Ngay cả trong Quốc dân đảng, nhiều người (nhất là các đảng viên gốc
người bản xứ), đã đòi hỏi phải có cải tổ, thay đổi chính sách để thể hiện được
nguyện vọng của dân một cách thực tế và áp dụng được trong tình hình mới. Nó
phải thích với khuynh hướng và trào lưu dân chủ mà quần chúng đòi hỏi. Lý Đăng
Huy, vị tổng thống Quốc dân đảng cuối cùng trước khi Trần Thủy Biển lên thay,
là người gốc bản xứ, đã có những chính sách cởi mở. Chính ông cũng có những
hoài bão độc lập giống như đảng Dân chủ Tiến bộ. Điều này đã làm cho chính
quyền Trung Quốc rất tức giận và hằn học, làm nhiều khó khăn cho ông Lý Đăng
Huy, ngay cả khi ông không còn trong chính trường và là một công dân bình
thường như hiện nay. Thí dụ như khi ông dự định đi đến viếng các nước như Anh,
Mỹ, và gần đây Nhật với tư cách cá nhân riêng tư, chính quyền Trung Quốc cũng
đã gây sức ép đến các nước sở tại để không cho ông thi thực nhập cảnh (visa).
Ai nói là thù hằn sẽ phai đi theo thời gian?.
Để có thể phân biệt và tạo ra được sự khác nhau về xã hội, văn hóa giữa
Đài Loan và Trung Quốc, Đài Loan từ Lý Đăng Huy đến Trần Thủy Biển đã khuyến
khích phát triển và quảng bá rộng rãi văn hóa của những dân tộc thổ dân trong
văn hóa Đài Loan. Ý thức về sự quan trọng của nền văn hóa thổ dân có nguồn gốc
Mã Lai (Malayo-Indonesian) vào sự đóng góp chung với các văn hóa Hakka và Phúc
Kiến để tạo dựng lên một nền văn hóa khác biệt với văn hóa Hán Trung Hoa. Điều
này đã được nhận diện và chấp nhận là một yếu tố quan trọng bật nhất đặt nền tảng
cho sự thành hình một đặc tính (identity) mới ở Đài Loan. Thêm nữa mặc dầu Đài
Loan đã có thời gian ngắn chỉ khoảng hơn 80 năm là một phần của Nhật Bản, trong
thời kỳ Nhật cai trị. Nhưng ảnh hưởng văn hóa Nhật đã có thể hiện một phần
trong văn hóa và con người Đài Loan. Đài Loan và Nhật hiện nay có quan hệ kinh
tế và văn hóa khá sâu rộng.
Đặc tính riêng biệt là điều kiện tiên quyết cho sự khởi đầu thành lập
một quốc gia của một quần thể với một văn hóa riêng. Quá trình văn hóa, tư
tưởng như nói trên xảy ra ở Đài Loan trong sự tiến đến tạo thành một nước có
bản sắc riêng cũng mang mán tựa như quá trình mà người Việt đã trải qua trong
thời kỳ Bắc thuộc. Trong quá trình này, nguy cơ văn hóa bản xứ có thể bị Hán
hoá và tiêu diệt, trước khi có sự độc lập trong thế kỷ thứ 10 là rất cao, nếu
không nhờ có văn hóa làng xã thuần Việt ở nông thôn được giữ vững.
Sau bao nhiêu năm dưới các chính phủ Quốc dân đảng, ngôn ngữ Hakka,
Hoklo và các thổ ngữ bị cấm dùng trong nền giáo dục và các công sở, thay thế
bởi ngôn ngữ chính thức Quan thoại (mandarin). Trước đây, một số trí thức Hakka
và Hoklo đã cố gắng giữ gìn tiếng nói của họ bằng nhiều phương tiện. Một trong
những phương tiện là sáng tạo ra chữ viết mới dùng chữ Hán tạo ra loại chữ gọi
là Koa-a-chheh (歌仔冊) vào thế kỷ 17 dưới thời kỳ thuộc nhà Thanh. Cấu tạo
loại chữ này cũng tương tự một phần như chữ Nôm (Việt Nam ), hoặc dùng
chữ âm chữ Hán để chỉ chử địa phương hoặc dùng nghĩa chữ Hán cho âm địa phương.
Tuy nhiên nó chưa được thống nhất tiêu chuẩn và có sự tuỳ tiện của người viết.
Đến cuối thế kỷ 19, thì loại chữ viết này biến mất dần. Đầu thế kỷ 20, chữ cái
Latin cũng đã dùng để thể hiện tiếng nói địa phương (tương tự như chữ quốc ngữ
sau này ở Việt Nam ).
Nhưng hệ thống chữ này, gọi là Poe-oe-ji (白話字), đã
không thành công, một phần là do chính sách của Quốc dân đảng. Chính sách của
Quốc dân đảng là phát triển chính thức chữ Hán Quan thoại để nó trở thành phổ
thông trong đời sống xã hội, chính trị. Chữ mới này có thể gây nguy cơ phổ biến
cho văn hóa địa phương đe doạ sự độc tôn của Hán văn cổ điển mà Quốc dân đảng
xây dựng khi đến Đài Loan (8). Vì thế chính quyền Quốc dân đảng đã ngăn cấm
loại chữ mới này.
Vì chính sách ngôn ngữ và văn hóa độc tôn trọng Hán của chính phủ Quốc
dân đảng trước đây, rất nhiều thanh niên thuộc các thế hệ mới gần đây đã quên
đi tiếng cha mẹ của họ. Chính sách này được thể hiện qua sự cấm dùng tiếng địa
phương ở các nơi công cộng, công sở, hay giảm thiểu tối đa tiếng địa phương
trên truyền thanh và truyền hình. Không những thế, trường học nào để học sinh
nói tiếng địa phương, không phải Quan thoại bị phạt tiền.
Ông Trần Thủy Biển (và trước đó ông Lý Đăng Huy) hiện nay đã có chính
sách cho phép các ngôn ngữ điạ phương được dùng và dạy trong môi trường đa văn
hóa ở xã hội Đài Loan. Bảo tồn và phát triển các loại văn hóa bản xứ đều được
khuyến khích. Ở Đài Bắc, Cao Hùng và nhiều nơi khác, các trung tâm văn hóa
Hakka, Hoklo, thổ dân đã được thành lập. Tháng 4/2001, ông Trần Thủy Biển cũng
đã chính thức khai mạc mở viện bảo tàng văn hóa và lịch sử Hakka lớn nhất Đài
Loan ở thành phố Meinung, thuộc quận Cao Hùng. Trong nội các chính phủ, ông
thành lập Uỷ ban văn hóa Hakka, với hy vọng sẽ biến Đài Loan thành trung tâm
nghiên cứu về văn hóa Hakka cao cấp nhất trên thế giới.
Từ giữa thập niên 1980s cho đến nay, song song với sự thành lập phong
trào dân chủ và đảng đối lập Dân chủ Tiến bộ, có phong trào Taibun (Đài văn)
phổ biến văn học bản xứ Taigi (Đài ngữ). Mục đích của phong trào Đài văn là
phát triển văn học Đài Loan dùng ngôn ngữ, và chữ viết địa phương trong các địa
hạt giáo dục, xã hội, để chống lại quan điểm là chỉ có văn học Hán văn viết về
Trung Quốc là có văn hóa cao được quý trọng. Còn văn học viết về Đài Loan chỉ
là văn hóa «xóm làng» ở địa hạt nhỏ
bé trong văn học rộng lớn Trung Quốc. Quan điểm coi nhẹ, đánh giá thấp văn hóa
địa phương từ trước đến nay của chính quyền Quốc dân đảng và của đa số các nhà
trí thức Hán học quan thoại cổ điển từ lục địa đi qua, đè nặng vào lối suy nghĩ
tâm linh của họ, đã bị chỉ trích.
Phong trào Đài văn ngược lại lấy văn học, những gì liên quan hay viết
đến Đài Loan bản xứ làm sự hãnh diện chứ không phải là một sự hổ thẹn «xóm làng». Phong trào Đài văn một phần
đã thành công trong sự gơi dậy niềm tin và phát triển văn hóa, cũng như ngôn
ngữ Đài Loan bản địa (Hoklo). Nhưng sự thống nhất và tiêu chuẩn hóa chữ viết đã
chưa thực hiện được. Lý do chính là vì có nhiều hệ thống chữ (dùng từ Hán để
phát âm, tương tự như chữ Koa-a-chheh trước đây) được sáng chế khác nhau. Ngay
cả khi một trong các loại chữ này, như chữ Ganbun (諺文) chẳng hạn, được nhiều người dùng hơn, thì vấn đề kỹ thuật
trên máy tính và phần mềm xử lý để tạo ra chữ Ganbun đã gặp khó khăn. Vì hiện
nay chỉ có chữ Hán là có sẵn và phổ thông trên thị trường máy tính mà thôi. Do
đó hiện nay chỉ có chữ Hán Đài ngữ và Latin Đài ngữ (Peh-oe-ji) là được dùng
nhiều nhất trong phong trào Đài văn.
Nói tóm lại, có thể cho rằng tình trạng của các dân tộc Hakka, Hoklo («Mân Việt» ở Đài Loan cũng giống như tình
hình ở Giao châu trước khi Ngô Quyền dành độc lập cho Lạc Việt. Dân tộc Lạc
Việt đã cố gắng giữ gìn văn hóa trong gần 1.000 năm Hán thuộc mà không bị Hán
hóa. Nhưng tình hình ở thế kỷ 21 có khác nhiều về không gian thế giới, do đó
tình trạng của họ có khó khăn nhiều hơn và có thể không có nhiều hy vọng trên
con đường tiến đến độc lập như chúng ta thuở trước. Tuy vậy không ai có thể
đoán trước được những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Đối với Việt Nam , những gì
sẽ xảy ra ở Đài Loan đều có ảnh hưởng ít nhiều về phương diện kinh tế và chính
trị. Quan trọng hơn, nó còn chứa nhiều ý nghĩa đáng cho ta suy nghĩ về chính
mình trong lãnh vực tư tưởng.
TS. Nguyễn Đức Hiệp
*******
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Scott, S., «Formosa diary #22, May 20: A great proletarian
cultural revolution», Southeast Asia Discussion List, 25 May 2000.
(2) Lin, M., Chu L., Lee H. et al, «Eterogeneity
of Taiwan ’s
indegenious population: possible relation to prehistoric Mongoloid dispersals»,
Tissue Antigens, 2000: 55: 1-9.
(3) Lin M, Chu CC, Chang SL, Lee HL, Loo JH, Akaza T, Juji T, Ohashi J,
Tokunaga K., «The origin of Minnan and
Hakka, the so-called "Taiwanese", inferred by HLA study», Tissue
Antigens, 2001; 57: 192-199.
(4) Tsai Ting-I, «Tracing
Taiwanese bloodlines», The Taipei Times, 6 May 2001.
(5) Norman, J., «Chinese» Cambridge language surveys,
Cambridge University Press, 1988.
(6) Norman , J. , Mei Tsu-lin. «The Austroasiatics in ancient south China : some
lexical evidence». Monumenta Serica, 1976, 32, 274-301.
(7) Sagart, L., «Gan, Hakka and
the formation of Chinese dialects». Tài liệu qua liên lạc cá nhân (chưa
đăng trên tạp chí).
(8) Wi-vun Taiffalo Ching, «Language,
Literacy and nationalism: A comparative study of Taiwan
and Vietnam »,
Vietnam Journal, Vol. 1, Oct. 2001.
(9) Melton, T., Clifford S., Martinson J., Batzer M., Stoneking M., «Genetic evidence for the proto-Austronesian
homeland in Asia : mtDNA and nuclear DNA
variation in Taiwanese aboriginal tribes», Am. J. Hum. Genetics, 63:
1807-1832, 1998.
(10) Sagart, L., «The vocabulary
of cereal cultivation and the phylogeny of East Asian languages», The 17th
Indo-Pacific Prehistory Association Congress (IPPA 17), 9-15 September 2002, Taipei .
(11) Oppenheimer, S., Richards, M., «Fast
trains, slow boats, and the ancestry of the Polynesian islanders», Science
Progress, 2001, 84(3), 157-181.
(12) Gibbons, A., «The peopling of
the Pacific», Vol. 291, No. 5509. 2 March 2001, 1735-1737.
(13) Bellwood , P., «The Austronesian dispersal and the origin of
languages», Scientific American, 265, 70
*****
[Nguồn:
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/van-hoa-trung-hoa-va-dong-bac-a/103-nguyen-duc-hiep-dai-loan-va-coi-nguon-bach-viet.html]
No comments:
Post a Comment