Sunday, November 17, 2019

Con đường trở thành tổng thống của Donald Trump



Con đường trở thành tổng thống của Donald Trump


Trần Minh

Con đường trở thành tổng thống của Donald Trump không phải bắt đầu từ ngày 16/6/2015, khi ông tuyên bố ra tranh cử. Bước chân đầu tiên mà ông đã đặt, để bước tới Nhà Trắng bắt đầu từ cách đây gần 3 thập kỷ.

Mùa đông năm 1987, Trump, 41 tuổi, đáp trực thăng xuống tòa nhà thành phố New Hamsphire và thực hiện một bài phát biểu hùng hồn trước công chúng về việc Mỹ đang thua thiệt các nước khác như thế nào. Nghe thật quen thuộc phải không?

Theo tạp chí Politico ghi lại, ngày 22/10/1987, Donald Trump bước ra khỏi chiếc trực thăng Pháp bóng loáng đang đáp tại bãi cỏ phía nam thành phố New Hamspire. Trump, lúc này đã là ông trùm bất động sản, mặc bộ com-lê màu xanh nước biển cùng chiếc cà vạt đỏ, lách người vào chiếc limo dài.

Ngồi cạnh Trump là người đã mời ông tới đây – Michael (Mike) Dunbar, một nhà hoạt động Đảng Cộng hoà địa phương kiêm một tay thợ gỗ lành nghề.

Những ngày tháng miệt mài đọc Nhật báo phố Wall đã khiến Dunbar hết sức tin tưởng rằng Trump sẽ là một tổng thổng tuyệt vời – một điều oái oăm nếu bạn đọc giọng điệu của cùng tờ báo 30 năm sau. Dunbar lúc đó đang khởi động một nỗ lực vận động Trump đứng ra tranh cử.
Chiếc limo dừng tại một nhà hàng cổ kính tên là Yoken’s tại thành phố Portsmouth, địa điểm họp mặt hàng tuần của thành viên câu lạc bộ từ thiện Rotary của những doanh nhân nổi tiếng. Chờ đợi hai người là đám đông khoảng 500 người, nhiều hơn tới 300 so với nhà tổ chức dự tính.

Bên ngoài toà nhà, người ta giơ những tấm bảng lớn ghi «Trump năm 88», «Trump cho chức Tổng thống», «Bỏ phiếu cho một Trump-doanh nhân». Vào trong quán, đến người tổ chức là Dunbar còn kinh ngạc.

«Tôi nhớ mình nhìn quanh phòng và nghĩ: Trời đất, không còn một lỗ hổng để nhét thêm người vô nữa», ông nói trong cuộc phỏng vấn tại cùng căn phòng này với tạp chí Politico.

Donald Trump (bên trái) đi xuống từ chiếc trực thăng riêng ở bãi đáp Hampton Airfield tại New Hampshire, tháng 10/1987. Mike Dunbar đi tới chiếc trực thăng để đón ông (Ảnh do Mike Dubar cung cấp)

Trước 500 người, Donald Trump bắt đầu nói rằng ông sẽ không tranh cử tổng thống năm 1988, một điều khiến nhiều người, đặc biệt là Dunbar thất vọng. Sau đó, ông nói tiếp trong khoảng 30 phút về Nhật, Iran, Ả rập Saudi, Kuwait, Washington, Phố Wall, chính trị gia, nhà kinh tế, và «những người rất tốt» mà ông «chịu đựng đủ rồi».

Ông nói về đất nước này đang đối mặt với «thảm họa» và bị những nước khác «đá vòng quanh» như thế nào.
«Các quốc gia khác đang cười vào mặt chúng ta».

«Điều này làm tôi phát bệnh».

«Nếu không có một người đúng đắn ngồi vào vị trí đó», ông cảnh báo những thành viên giàu có của hội Rotary,” các vị sẽ chứng kiến một thảm hoạ trên đất nước này trong vòng 4 năm nữa, những điều mà các vị chưa bao giờ dám tin. Và sau đó, các vị sẽ phải cầu xin một người như thế xuất hiện”.

Chiến dịch tranh cử 2016 của ông Trump thường bị coi là một quyết định tức thời nông nổi của một kẻ xế bóng «ngồi không yên chỗ» muốn làm cái gì đó ầm ĩ nhằm thu hút sự chú ý.

 Nhưng sự thật có thể gây sốc cho nhiều người Mỹ không có mặt tại quán Yorken’s mùa đông năm 87 là bài phát biểu của ông Trump lúc đó đã dự đoán chính xác tầm nhìn thế giới và nước Mỹ khiến ông bước ra tranh cử, một quyết định làm cả Đảng Cộng hoà lẫn nước Mỹ kinh ngạc.

Bài phát biểu với giọng hằn học, thất vọng và bực dọc vì nước Mỹ đang bị lợi dụng, bị «chơi khăm» và đang thua kém thế giới. Thông điệp về «nước Mỹ thất bại» của ông hoàn toàn nhất quán từ thời điểm đó tới tận 28 năm sau này.

 Khác biệt là ở chỗ, người ngồi trong phòng Bầu dục tại Nhà Trắng lúc đó không phải Barack Obama, mà là Ronald Reagan, một trong những tổng thống được kính trọng nhất thời cận đại của Đảng Cộng hoà.
Giống như Reagan, Trump đã từng chuyển đảng, từ một đảng viên Dân chủ, một người tự do, thành viên Đảng Cải cách (Reform) và cuối cùng là về Đảng Cộng hoà.

Việc chuyển đảng liên tục này là một trong những điểm mà đối thủ cùng đảng hay khác đảng tấn công Trump, cho rằng ông là một kẻ «lật lọng», vào Đảng chỉ là để có bệ đỡ tranh cử, chứ chẳng có nguyên tắc nào.

Tuy nhiên, tại Hội nghị quốc gia Đảng Cộng hoà 1988, Donald Trump đã giải thích về quyết định chuyển đảng của mình như sau:

PV: Ông tự coi bản thân mình là một người thuộc đảng Cộng hoà?

Trump: Có thể nói như vậy.

PV: Tại sao ông lại chọn Đảng Cộng hoà?

Trump: Có lẽ đơn giản là tôi tin tưởng vào những nguyên tắc nhất định, mà những điều này ngẫu nhiên lại cũng là những nguyên tắc của đảng Cộng hoà.

Trong bài phỏng vấn gần đây, ông Trump nói rằng ông có nhớ đã xuất hiện trước công chúng chừng 30 năm trước để thực hiện một bài phát biểu mà ông gọi là «thực sự nói về thành công».

Gần 30 năm sau, Donald Trump thống trị cuộc bầu cử tổng thống, cả ở vòng sơ bộ lẫn cuộc đối đầu với chính trị gia kỳ cựu Hillary Clinton. Ông tuyên bố tranh cử hồi tháng 6/2015, nhưng những người ủng hộ có mặt hiếm ai nhớ được những điều ông đã nói 30 năm trước.

«Ông ấy thu hút và đầy năng lượng», Timothy Connors, người từng làm việc cho Cơ quan Nhà đất Portsmouth nhớ lại.

Morton Schmidt, bác sĩ thú y, một người có mặt tại đó trầm trồ sự tự tin của Trump: «Ông ấy có vẻ không hề lung lạc».

Warren Wilder, chủ một hãng bảo hiểm thì nhắc: «Tôi nghĩ rằng ông ta rất tự cao tự đại».

«Ông ta nói cái gì cũng về mình, tôi, tôi, tôi», cựu Thị trường Portsmouth Peter Weeks nói.

«Ông ấy khá là xấc xược. Ông được mọi người vỗ tay ầm ĩ khi bước vào phòng, và cũng một tràng pháo tay khi ngừng nói chuyện», Addison Red eld, chủ cửa hàng chăm sóc thú cưng kể lại.

500 người nhồi nhét trong quán Yorken’s ấy không thể biết được rằng họ đã được chứng kiến một phần rút ngắn của bài phát biểu tuyên bố tranh cử tổng thống của Donald Trump.

***

«Ông có muốn trở thành tổng thống Hoa Kỳ không?»

Người hỏi ông Trump là Rona Barrett, một phóng viên chuyên phỏng vấn người nổi tiếng, vào năm 1980.

Trump trả lời: «Tôi không thực sự tin rằng tôi sẽ tranh cử, Rona ạ. Nhưng tôi rất muốn nhìn thấy ai đó, với tư cách là tổng thống, có thể làm công việc này. Đất nước này có những người rất có khả năng.»

«Tại sao?» Barrett hỏi «Tại sao ông lại không cống hiến phục vụ cho công việc quốc gia?»

«Bởi vì tôi nghĩ rằng chính trị là một cuộc đời xấu xa.» Trump nói: «Tôi muốn cống hiến cuộc đời tôi cho đất nước này nhưng tôi thấy đó là một cuộc đời không đẹp đẽ. Và tôi cũng thấy rằng một người có tầm nhìn mạnh mẽ, có thể không nổi tiếng, nhưng đúng đắn, khó có cơ hội chiến thắng một người thiếu não nhưng cười đẹp».

Năm 1984, tạp chí New York Times trong một câu chuyện tranh bìa đã viết một bài cổ vũ danh tiếng Trump hết lời. Trong đó Trump nói rằng ông không muốn tranh cử vì «những nụ cười gian trá» và «thói quan liêu».

Tới mùa hè năm 1987, Dunbar háo hức được đầu quân cho Trump. Ông cho rằng Phó tổng thống George H.W.Bush là người «nhàm chán». Ông nói với New York Times rằng cả Bush lẫn Thượng nghị sĩ Bob Dole đều không thể truyền được ngọn lửa nào.

 «Chúng ta cần một doanh nhân, một người có thể bỏ qua hết những lời nhàm chán vô nghĩa». Tuy nhiên năm đó người phát ngôn của Trump tiếp tục khẳng định ông không muốn tranh cử.

Nhưng Dunbar vẫn không nản chí. Ông là chủ tịch của 3 chiến dịch vận động nghị sĩ quốc hội thành công. Nhưng khi nhìn về thủ đô Washington, ông nói ông thấy chướng ngại và sự bất lực.

Ông cũng quyên 1.000 đô la để thuê người gửi mail thu hút ủng hộ viên cho «ứng viên Tổng thống Trump» và nói chuyện với cử tri tiềm năng về vị doanh nhân thành đạt này.

Trump lúc đó đang lên như diều. Ông được tạp chí GQ và Fortune đăng ảnh bìa, là chủ của 2 casino, 3 toà nhà sang trọng. Quyển sách đầu tiên «Nghệ thuật thương lượng» chuẩn bị xuất bản và trở thành một best- seller.

Hôm 2/9/1987, độc giả của New York Times, Washington Post và Boston Globe đọc được một bức «tâm thư từ Donald Trump» in kín một trang quảng cáo. Ông đã trả 94.801 đô la để in trên các tờ báo danh tiếng này một bức thư «Gửi người Mỹ». Bức thư bắt đầu bằng:

«Trong hàng thập kỷ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã lợi dụng Hoa Kỳ. Thế giới cười vào mặt các chính trị gia Mỹ khi chúng ta bảo vệ những con tàu không phải của ta, chở theo dầu chúng ta không cần, tới cho những đồng minh không giúp đỡ ta».

«Hãy bắt Nhật, Ả Rập Saudi, và những nước khác trả tiền cho sự bảo vệ mà chúng ta đang cung cấp cho đồng minh. Hãy giúp nông dân, những người ốm bệnh, những người vô gia cư của chúng ta bằng cách lấy tiền từ một trong số những cỗ máy lợi nhuận lớn nhất từng tạo ra – những cỗ máy được chính ta tạo ra và nuôi dưỡng.»

«Hãy đánh thuế những quốc gia giàu có này, chứ không phải nước Mỹ. Chấm dứt tình trạng thâm hụt khổng lồ hiện tại, giảm thuế và để nền kinh tế Mỹ được phát triển không bị ràng buộc bởi chi phí phải bảo vệ những nước có thể dễ dàng chi trả chúng ta số tiền cần để bảo vệ nền tự do cho họ. Đừng để đất nước tuyệt vời của chúng ta bị cười vào mặt nữa»,  Trump kết luận.
Nếu nói chuyện với các chuyên gia ngoại giao hôm nay, hẳn họ sẽ cho Donald Trump điểm vì sự nhất quán của ông, tuy nhiên sẽ xem quan điểm trong lá thư mở của ông là «ngây thơ, quá đơn giản và nguy hiểm».

Lúc đó, tờ New York Times đã coi bức thư của ông đủ nghiêm túc tới mức họ đã viết bài phản hồi nói rằng «sẽ tốt hơn nếu điều chỉnh lại sự cân bằng của những gánh nặng mà Mỹ đang gánh vác, nhưng từ một góc độ hiểu biết rõ ràng về các cam kết quan trọng của đất nước, chứ không phải từ sự thù ghét».

Nhưng tờ báo được Trump trả tiền in quảng cáo chỉ viết có thể, cuối cùng thì ông ta không phải là một nhà lập pháp tương lai mà chỉ là một tay thương gia đang gặp thời.

Người phát ngôn Trump khẳng định: «Chắc chắn Donald Trump không có kế hoạch tranh cử thị trưởng thành phố, thống đốc bang hay thượng nghị sĩ. Ông sẽ không bình luận về chức tổng thống».

Ông nói với tờ People rằng ông hy vọng một tay chính trị gia đang ngồi vắt vẻo đâu đó sẽ nhìn thấy tờ quảng cáo, đọc nó và vỗ đùi «thật là ý kiến tuyệt vời».

«Nhưng thực sự, tôi không có dự định tranh cử tổng thống», ông nói với phóng viên Miami Herald. Tuy nhiên đây chưa phải kết thúc.

Donald Trump nói chuyện với các chuyên gia ngoại giao

Dưới đây là cuộc phỏng vấn giữa người dẫn chương trình Oprah Winfrey và Donald Trump năm 1987:

– Điều này nghe có vẻ như nói chuyện chính trị tổng thống. Tôi biết có người đã nói chuyện với ông về chuyện ông có muốn ra ứng cử hay không, liệu ông có bao giờ muốn ứng cử hay không?

– Có lẽ là không. Nhưng đúng là tôi phát chán với việc nhìn thấy nước ta bị lợi dụng.

– Tại sao lại không?

– Tôi nghĩ rằng tôi không có đủ say mê để làm việc này. Tôi thực sự thích điều tôi đang làm. Có lẽ tôi sẽ không tranh cử, nhưng nếu mọi chuyện đi xuống quá tệ thì tôi không muốn hoàn toàn loại bỏ mọi khả năng. Vì tôi cực kỳ chán khi chứng kiến những điều tồi tệ xảy ra đối với đất nước chúng ta, trong khi chúng ta khiến những nước khác sống như vua còn ta thì không được như vậy.

– Ông từng nói rằng nếu ông ra ứng cử tổng thống thì ông tin rằng mình sẽ chiến thắng?

– Tôi nghĩ vậy. Tôi sẽ không bao giờ bắt đầu làm gì để nhận thất bại. Trong đời tôi chưa bao giờ bắt tay vào cái gì để thất bại cả. Nếu tôi quyết định ra tranh cử, tôi nghĩ rằng tôi có cơ hội chiến thắng rất lớn.

Cuốn sách «Nghệ thuật thương lượng» sắp ra vào tháng 11/1987 và Trump không quên nhắc tới nó tại buổi tập trung ở Yoken’s: «Các bạn phải đọc nó», theo tờ Eagle- Tribune.

Tất nhiên là ông không chỉ dừng ở đó. Phố Wall, ông nói, là «sòng bài lớn nhất thế giới. Còn lũ kinh tế gia, có lẽ là ngành nghề tôi dành cho ít sự tôn trọng nhất».

Nói theo cách chính trị, Trump chịu đủ những người chỉ biết nói «hãy bầu cho tôi vì tôi là người tốt».

Tờ Foster’s Daily trích lời Trump: «Tôi chẳng thù ghét gì những người tốt nhưng một cách cá nhân, tôi chịu đủ những người như thế rồi».

«Tôi muốn ai đó cứng rắn và biết cách thương lượng. Tôi muốn người mạnh mẽ, khôn ngoan. Tôi muốn những người giỏi nhất đại diện cho tôi, cho dù là trong một thỏa thuận hay cho đất nước này – bởi vì, tin tôi đi, sẽ không có gì khác biệt»,

 Los Angeles Times trích lời Trump.
«Những người Nhật, khi đàm phán với chúng ta, mặt họ dài như cái bơm, nhưng khi xong việc thì họ cười như được mùa».

Đề xuất đối ngoại của Trump? «Bất cứ điều gì Nhật Bản muốn, cứ làm ngược lại».

Ngày sau buổi phát biểu tại Yoken’s, tờ Portsmouth Herald có bài viết rằng Donald Trump thu hút được sự chú ý của những đoàn ký giả và ống kính còn nhiều hơn phần lớn ứng viên tổng thống.

 Tờ báo gọi ông là «một diễn giả đầy sức thuyết phục, người có những phát ngôn thẳng tuột với một phong thái tràn đầy năng lượng và chạm tới dây cót của rất nhiều người đồng cảm với ông, rằng Mỹ đang cho phép kẻ thù và cả một số đồng minh hiếp đáp».

Tới tháng 11, trong khi Bush, Dole, Gephardt và các ứng viên thổng thống khác bận rộn chuẩn bị cho những ngày bầu cử quan trọng, trên đài ABC, Trump được hỏi ông có chấp nhận làm Tổng thống nếu ông có thể được «bổ nhiệm ngay lập tức». Ông trả lời rằng ông muốn có được sự thoả mãn của việc ra tranh cử và chiến thắng. «Tôi tin rằng cái tôi yêu là cuộc đi săn», Trump nói.

Nhưng tới mùa bầu cử 1992, 1996, không ai còn nhắc tới Donald Trump. Trong năm 1992, những sòng bài của ông tại Atlantic và New Jersey đã đệ đơn xin phá sản, các công ty của ông thì nợ hàng tỷ đô. Tới năm 1996, ông đã bật dậy được, ông lại xuất hiện trên danh sách những người giàu có nhất tại Forbes, nhưng người ta còn chưa quên thất bại cách đó vài năm.

Tới năm 2000, 2004, 2008 và một giai đoạn ngắn vào năm 2012, người ta lại thấy Donald Trump «lờn vờn» quanh cuộc đua vào Nhà Trắng với những phát ngôn không mấy thay đổi về sự thua thiệt của nước Mỹ trên trường quốc tế.

Cho tới mùa hè năm ngoái, tại toà tháp Trump Tower, khi ông chính thức tuyên bố ông sẽ ra tranh cử thật.

«Đất nước này đang gặp rắc rối nghiêm trọng…Mexico đang cười vào mặt chúng ta. Tin tôi đi», Trump gằn giọng trong khi tuyên bố ông chính thức chạy đua cho chức Tổng thống Hoa Kỳ ở tuổi 70.

Những hội viên Rotary giờ nhớ lại buổi sáng ở quán Yoken’s 28 năm về trước và trầm trồ:

«Tôi nhìn thấy là cùng một người», Schmidt, bác sĩ thú y nói.

«Con báo rình mồi vẫn không rời vị trí», Connors từ Cơ quan nhà đất Portsmouth nói.

«Ông ta là đứa học sinh hay bắt nạt người khác ở sân trường và tôi không nghĩ rằng điều này thay đổi chút nào», Wilder, chủ hãng bảo hiểm nói.

«Đó là những lời vớ vẩn từ dạo đó đến nay ông ta lại phun ra tiếp», Weeks, cựu Thị trưởng Portsmouth nói.

«Điều này cho thấy tôi nhất quán như thế nào», Trump nói với phóng viên tờ Politico đầu năm 2016. «Tôi được công nhận vì sự thống nhất trong thông điệp của mình. Hãy xem những thoả thuận thương mại mà ta ký, xem Mexico, Trung Quốc đang làm gì đối với ta… Nhiều người đơn giản là không hiểu».

Từ Hampton, Dunbar nói rằng Trump đã gọi cho ông sau bài phát biểu năm 87, cảm ơn và mời ông tới Mar-a-Lago, cơ ngơi của ông tại Palm Beach bang Florida. Dumbar từ chối vì lý do bận việc.

Tới tháng 12, Trump lại gọi cho Dunbar để chúc mừng giáng sinh, và gửi một cuốn «Nghệ thuật thương lượng» với mấy dòng đề tặng mà Trump viết:

«Gửi Michael, Tôi thực sự trân trọng tình bạn của chúng ta. Bạn đã tạo ra một chương rất thú vị trong cuộc đời của tôi. Vì tương lai, Donald»

Bút tích của Donald Trump trên bìa cuốn Nghệ thuật Đàm phán gửi Mike Dunbar năm 1987 (Ảnh: Dunbar cung cấp cho Poli co)

Gần 3 thập kỷ đã trôi qua, nhiều điều đã thay đổi.

Bush cha, người mà Dubar cho rằng quá «nhàm chán», đã đắc cử năm đó, sau đó là Bill Clinton, tiếp đến là con trai của vị tổng thống «nhàm chán», rồi đến một người da đen.

Những cảnh báo đen tối của ông Trump năm đó may sao không thành hiện thực. Nhật Bản tiến vào thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài, Liên Xô tan rã và Hoa Kỳ chứng kiến những giai đoạn trồi sụt kinh tế gần như là vòng lặp tự nhiên.
Nhưng một điều không đổi: những cảnh báo của Trump về nguy cơ sụp đổ của đất nước và cơ hội cuối cùng để khôi phục nước Mỹ.

Về Mike Dunbar, vài năm sau cuộc hội ngộ với Trump tại Yoken, ông đã từ giã chính trị để chuyên tâm chăm sóc đứa con mới chào đời. Ông viết 9 quyển sách về nghề mộc và 18 tiểu thuyết phiêu lưu. Đến nay ông sắp sửa nghỉ hưu.

Theo Politico, ông vẫn thích Donald Trump vì cùng lý do mà ông muốn Trump tranh cử năm 1987.

«Ông ấy nói về những điều đi thẳng vào tâm trí tôi. Khi tôi nhìn những vị ở Washington làm việc, tôi chỉ muốn tới đập đầu họ vào nhau và hét lên ‘bọn ngu!’, và ông ấy làm đúng như vậy», Dunbar nói.

Một hôm ông mở lại cuốn sách cũ «Nghệ thuật thương lượng» có bút tích của Trump và đọc to một dòng: «Bạn đã tạo ra một chương rất thú vị trong cuộc đời của tôi.»

Chứng kiến Trump qua màn hình TV, trong những buổi tập trung đông hàng ngàn người tại sân vận động, đưa ra cùng một thông điệp, cùng những lời nói y như 30 năm trước tại Yorken’s, Dunbar nói:

«Tôi là anh chàng có mặt ở ngay điểm khởi đầu. Hơn một lần tôi nghĩ, điều này chẳng phải kỳ lạ sao? Làm sao mọi chuyện lại đi thành đúng một vòng tròn như vậy?»
Trần Minh

No comments:

Post a Comment