Wednesday, April 24, 2019

30 tháng 4. Một vài hồi tưởng...



30 tháng 4. Một vài hồi tưởng...
Hàn Phú
Ngày 30 tháng 4 lại sắp đến.
Lần nào cũng vậy, cứ gần tới ngày này lòng tôi lại thấy xôn xao, ray rứt và buồn mênh mang.
Tâm hồn bị ám ảnh đủ điều. Và rồi kỷ niệm của những ngày đen tối ấy lại có dịp sống dậy.
Đây không phải nỗi buỗn của riêng tôi mà là của nhiều người khác nữa. Mặc dù trang sử đen đã đóng lại, khép kín, và lùi xâu vào dĩ vãng đến cả trên ba chục năm trời. Nhưng khi mốc thời gian này hàng năm trở lại thì những hồi tưởng lại cứ hiện về. Nó ám ảnh như một cơn bệnh trầm kha, rất khó dứt ra khỏi tâm hồn.
Hôm nay ngồi viết ra những dòng dưới đây, tôi hy vọng rằng may ra nó sẽ trang trải được những uẩn khúc, giải tỏa bớt những ám ảnh, làm nhẹ đi những trăn trở để những đám mây đen này không còn trở về nữa!
Nhớ lại những ngày cuối cùng của cuộc chiến, ai cũng phải trải qua những khó khăn của riêng mình. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, do vậy tình huống cũng khác nhau.
Lúc đó còn là một quân nhân, tôi cũng phải trải qua những khó khăn trong nhiệm vụ của mình. Những việc làm của tôi được ghi ra ở đây chỉ phản ảnh một thực tế tôi đã va chạm phải. Nếu cái nhìn và nhận định của mình có chủ quan thì cũng chỉ thu hẹp trong khía cạnh hạn hẹp của điều tôi thấy, tôi nghe, chứ không rộng sang lãnh vực khác. Nhưng tôi biết rằng, ở chính những lãnh vực rộng lớn kia mới là những yếu tố quyết định cho sự thua trận nhục nhã của Việt Nam Cộng Hòa.
Trước hết tôi xin khái lược qua về khả năng một đơn vị tiếp vận của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, cũng là đơn vị mà tôi từng phục vụ, để chúng ta thấy được cái tiềm năng của một đơn vị rất nhỏ nằm trong một Quân Lực to lớn của Việt Nam Cộng Hòa.
Tên đơn vị tôi là Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật và Tiếp Vận Không Quân, đồn trú tại Biên Hòa. Hai đơn vị lớn của Không Quân là Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật và Tiếp Vận Không Quân chúng tôi và Sư Đoàn III Không Quân cùng nằm chung trong một Căn Cứ không quân. Cả hai, chiếm một diện tích rất lớn, có đến hàng 5, 7 trăm mẫu tây. Bên trong có rất nhiều hangar, kho xưởng rộng lớn, bãi đậu phi cơ mênh mông và nhiều phi đạo ngang dọc. Quân số cơ hữu của hai đơn vị cộng lại, gồm cả một số nhỏ gia đình quân nhân sống bên trong, có lúc lên tới hai mươi ba ngàn người.
Sư Đoàn III Không Quân là một sư đoàn không quân chiến thuật lớn nhất quân chủng Không Quân. Nhiệm vụ chính yếu là tác chiến để bảo vệ lãnh thổ vùng 3 và quân khu 3, trong đó có thủ đô Sàigon. Nó còn tăng cường yểm trợ hành quân cho các sư đoàn Không Quân trên các vùng chiến thuật khác khi nhu cầu cần đến. Sư đoàn III Không Quân có những không đòan chiến thuật, các liên đoàn tác chiến, bao gồm các phi đoàn khu trục, phản lực F5.A và F5.E và A37, trực thăng, quan sát v.v.. cộng với các phòng sở tham mưu, các đơn vị yểm trợ sửa chữa phi cơ và trang bị bom đạn, hỏa tiễn cho các phi cơ hành quân.
Trong phạm vi bài này, tôi chỉ nói đến Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật và Tiếp Vận Không Quân mà thôi (xin xem phụ trú 1). Đơn vị này liên can không những đến việc làm của tôi mà còn cho tôi một cái nhìn xác thực về những diễn biến vào giờ chót của cuộc chiến Việt Nam. Vì vậy tôi đã thấy cái quan hệ đồng minh Việt Mỹ nó nhạt nhẽo đến như thế nào. Từ đó tôi nhận ra sự phản bội của người Mỹ đối với chúng ta rất phũ phàng không ai ngờ được.
Cũng cần phải nói qua rằng Việt Nam Cộng Hoà có biết bao nhiêu đại đơn vị chính qui tại 4 Quân Đoàn.
Chúng ta có các sư đoàn tổng trừ bị rất ưu tú và thiện chiến như Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Đông Quân, Biệt Cách Dù v.v... Các quân binh chủng chính qui khác như Hải, Lục, Không Quân, Bộ Binh và rất nhiều đơn vị lớn, nhỏ, và biệt lập nằm rải rác khắp 4 vùng chiến thuật.
Những đại đơn vị này có những chiến tích lẫy lừng và những chiến sĩ dũng cảm mà ai cũng biết. 
Một quân đội có trên một triệu người, với Không Quân đứng hàng thứ tư trên thế giới (phụ chú 2) cùng với các đơn vị đơn vị tinh nhuệ khác, tất cả được huấn luyện tốt, trang bị mạnh, lòng dũng cảm của chiến sĩ có thừa, thì tại sao mình lại thua một đối phương mà mọi vũ khí và trang bị đều thua sút mình?
Nhất là Việt Nam Cộng Hòa lại thua họ chỉ trong vòng 55 ngày đêm!!!
(Tôi cần mở ngoặc ở đây để  nói ra cho rõ là: «Nếu chỉ  nói về một trận bộ chiến giữa một tiểu đoàn này và một tiểu đoàn khác mà đôi bên đều có chỗ ẩn núp đàng hoàng thì cứ đánh nhau hết tháng này qua tháng khác, cũng không thể tiêu diệt hết được nhau. An Lộc là một thí dụ điển hình. Bị vây hãm, bị pháo kích hàng mười ngàn qủa đạn một ngày, ròng rã cả 5, 6 tháng trời mà còn đứng vững, cuối cùng cả sư đoàn Cộng quân phải bị đẩy lui.  Vậy nói chi đến Việt Nam Cộng Hòa có trên một triệu quân? Và tại sao lại thua Cộng quân trong vòng 55 ngày đêm được!???»).
Thật là một chuyện nghịch lý đến khôi hài nếu không nói là đây là một bàn cờ chính trị, được ngoại bang sắp xếp, đổi chác quyền lợi trắng trợn cho nhau để hy sinh đồng minh của mình!
Thật vậy. Chúng ta đã gặp phải một đồng minh bất lương, phản trắc, đã bán đứng đồng minh của mình vì lợi ích riêng, bội phản lý tưởng tự do và bội phản xương máu dân tộc Việt Nam!
Cách đây vài năm khi tài liệu chiến tranh Việt Nam được giải mật, ông Hoàng Đức Nhã, bí thư của tổng thống Thiệu, có viết một bài đề tựa là «Có bạn như vậy, ai cần kẻ thù?». Bài viết cho thấy sự bất nhẫn của chính quyền Mỹ lúc đó như thế nào. Nó cho thấy một thái độ đểu cáng và sự phản bội cùng cực này được thể hiện qua con người của Kissinger ra sao! (phụ chú 3)
***
Biến động khởi đầu
…Tình hình chiến sự vào đầu tháng 2, 1975 tại miền Trung đã trở nên tồi tệ. Các cuộc rút quân, bỏ đất được trung ương dồn dập ban ra. Quân đội và dân chúng thi nhau tháo lui về hướng Nam mà chưa thấy áp lực của cộng quân đâu cả. Tới khi có quyết định bỏ vùng 2 thì cuộc rút quân trở thành hỗn loạn. Gây một tổn thất rất lớn về nhân mạng trên tử lộ 7B. Cuối cùng thì tất cả vùng 1, vùng 2 đều co cụm về vùng 3 và thủ đô Sàigon để tử thủ. Cuộc rút quân đã trả một gía rất đắt về những chết chóc của binh sĩ và dân chúng!
Trở lại những sinh hoạt thường ngày vào lúc đó. Mỗi buổi sáng đơn vị chúng tôi phải họp thường xuyên để được cập nhật tình hình quân sự. Tôi thấy mỗi cố vấn Mỹ trong tay đều có một bản đồ Việt Nam nhỏ, bên trong có vẽ ranh giới của 44 tỉnh Miền Nam Việt Nam.
Mới chỉ là đầu tháng 2 thôi, mà tôi đã thấy một số tỉnh thuộc vùng 1 và vùng 2 đều bị Mỹ bôi đen cả rồi! Điều này cho thấy Mỹ đã bỏ ngỏ để 2 vùng này lọt vào tay Việt cộng. Còn những tỉnh nằm trong vùng 3 như Phú Bổn, Lâm Đồng và Đà Lạt chẳng hạn, Cộng quân đã thấy đâu, nhưng bản đồ cũng vẫn bị bôi đen đi cả 5, 7 ngày trước, có nghĩa là Mỹ đã đưa vào kế hoạch để bỏ những tỉnh này. Trong khi đó thì radio và báo chí Việt Nam đều không hề biết những việc này để loan tin. Người dân cũng như các đơn vị quân đội vẫn còn đóng quân ỏ đó như không biết gì đang xẩy ra quanh họ!
Một yếu tố khác nữa là vào cuối tháng 3, các hãng thầu của Mỹ đồng loạt cúp ngang các khế ước làm việc với không quân Việt Nam. Các huấn luyện viên Mỹ đang huấn luyện cho không quân Việt Nam tại đơn vị tôi, đều đồng loạt bỏ về Mỹ hết. Vài cố vấn của ngành tôi cũng không đến sở làm việc. Họ nói là phải về tăng cường làm việc cho DAO (Defense Attaché Office) tại Sàigòn. Nhưng thực ra, họ đã được rút về làm việc tại Thái Lan và đảo Guam mà họ giấu tôi. Mỗi khi cần phải bàn luận công việc gì qua điện thoại thì tổng đài của họ chuyển tiếp phone tôi sang Thai Lan hay Guam để họ nói chuyện. Cho nên tôi vẫn tưởng là đang nói chuyện với họ tại Sàigòn. Sự việc này mãi sau tôi mới được biết!
Kế hoạch di tản.
Vào ngày 15 tháng 4, tôi được chỉ định đi cùng cố vấn về Sàigòn họp với DAO.  Nội dung buổi họp là để nghe phổ biến về «kế hoạch di tản»!!!.
Kế hoạch này được phân chia ra 2 lãnh vực riêng biệt. Đó là việc «di tản người» và «di tản các đồ viện trợ cao giá» ra khỏi Việt Nam.
1. Về việc di tản người, thì sẽ có một cầu không vận giữa Saigon - Thai Lan được thành lập, đặt dưới sự điều hành trực tiếp của tòa đại sứ Mỹ và DAO. Mục đích là sẽ không vận khoảng 150,000 người ra khỏi Nam Việt Nam.
Những thành phần được di tản là:
- Tất cả nhân viên dân chính quốc phòng, đang làm việc tại các toà đại sứ Mỹ và ngoại quốc, hoặc tại các hãng thầu, các cơ sở dân sự Mỹ trong đó có cả vợ con và các thân nhân là Việt Nam.
- Tất cả nhân viên, quân dân chính và gia đình của các nước đồng minh.
-  Một số ít gia đình các giới chức cao cấp dân sự và quân sự của Việt Nam Cộng Hòa. 
- Một số ít gia đình những phi công khu trục. Và hầu hết các sĩ quan từng làm việc trong Uỷ Ban Liên Hợp Quân Sự Hai Bên và Bốn Bên, cộng với gia đình của họ, v.v…
2. Về việc di tản các đồ viện trợ, thì không quân Việt Nam, tức đơn vị tôi (còn gọi là Air Logistics Command) phải đảm nhiệm phần chuyển đi tất cả phi cơ và các vật dụng còn mới chưa từng xử dụng tới, đang để trong các kho bãi, đặc biệt là phi cơ A37, F5A và F5E, các động cơ phi cơ, các thiết bị cao giá, các quân dụng thượng đẳng, ra khỏi Nam Việt Nam trong thời hạn 24 giờ đồng hồ của ngày D.
Kế hoạch di tản khởi sự từ ngày 19 tháng 4 và dự trù chấm dứt vào ngày 5 tháng 5, 1975.
Phương tiện di tản sẽ là phi cơ của không lực Mỹ gồm các loại C130, C141, CA 5, v.v….
Cũng nên biêt rằng từ nhiều tháng trước đó, chính phủ Mỹ đã làm những việc trên một cách đơn phương và âm thầm mà mình không biết. Đó là họ đã thâu hồi những đồ viện trợ có kỹ thuật cao từ các sư đoàn và căn cứ không quân như Đà Nẵng, Nha Trang, Pleiku, Phù Cát, Phan Rang v.v... để mang về Mỹ. Họ đặc biệt lấy đi những thiết bị đã trang bị cho các đài B.O.B.S (Bearing Only Bombing System) và đài D.A.R.T. (phụ chú 4).
xxx
Sau buổi họp trên đường trở về đơn vị, tôi bồi hồi, hoang mang và lòng nặng trĩu xuống.
Tôi hỏi người cố vấn:
-  Tại sao Mỹ lại bỏ Việt Nam. Sao không tính một giải pháp nào khác à? 
Ông ta trả lời nguyên văn:
- We can not win a lost war. (Chúng ta không thể thắng một cuộc chiến đã mất)!
Người tôi lặng đi một giây, rồi sự bất mãn trổi dậy. Không kìm lòng được tôi buột miệng chửi:
 - Đ. mẹ đám con cháu Chú Sam này. Thật là một lũ đểu cáng!
Viên cố vấn quay sang nhìn tôi như muốn hỏi tôi nói cái gì. Tôi lạnh lùng nhìn thẳng không thèm trả lời…
Từ trước tới giờ, chắc viên cố vấn này cũng hiểu rằng, có một số nhỏ sĩ quan trẻ trong đơn vị tôi thường có thái độ chống lại họ, trong đó có thể có cả chuẩn tướng Từ Văn Bê nữa (phụ chú 5). Cũng vì vậy mà khi ông Bê được Bộ Tư Lệnh Không Quân đề nghị thăng thiếu tướng, thoạt đầu được tổng thống Thiệu chuẩn thuận nhưng sau đó bị bác. Có phải do áp lực của Mỹ chăng? 
Còn nhóm sĩ quan trẻ chúng tôi thì bị đám cố vấn đơn vị gọi là «The young turks» (ý nói bọn cứng đầu hoặc bọn chống đối) .
Tôi ôn nhanh lại những sự việc hàng ngày mà các viên cố vấn Mỹ, có lẽ được chỉ thị từ cấp trên, thường áp lực với chúng tôi trong các công việc:
- Họ kiểm soát và thúc giục mọi công tác phải hoàn thành kịp hoặc trước thời hạn. Họ soi mói vào phần chỉ huy của các sĩ quan Việt Nam. Họ cố tình giới hạn tối đa khả năng hành quân của các quân binh chủng. Họ gây chậm trễ việc viện trợ những vật liệu thay thế có tính cách thượng khẩn. Họ giới hạn việc tiêu thụ nhiên liệu và bom đạn. Họ cắt giảm hẳn một nửa xăng dầu cấp cho phi cơ.  Các phi vụ hành quân thì bom đạn chỉ được trang bị ¼ nhu cầu. Mỗi khi hành quân về, phi công phải báo cáo chi tiết số bom đạn đã sử dụng, v.v... (phụ chú 6)
- Các phi cơ chiến đấu loại khu trục AD5 và AD6 thì bị đưa vào kế hoạch «đình động» tức frozen (xịt foam chung quanh thân tàu để tồn trữ ngoài trời cho khỏi bị hư, không cho hoạt động nữa) và thay thế bằng các phản lực cơ A37 và F5A là loại phi cơ mà người Mỹ gọi là toy aircraft (tàu bay đồ chơi). Những loại này chỉ được cái bay nhanh, nhưng tầm hoạt động rất hạn chế và hỏa lực thua xa AD5 và AD6 là những loại chiến đấu cơ rất thích hợp cho chiến trường Việt Nam và cũng làm cho Việt Cộng rất khiếp sợ.
- Vấn đề trao trả tù binh giữa Việt Nam Cộng Hoà và Bắc Việt cũng vậy. Họ dùng mọi áp lực buộc Việt Nam Cộng Hòa thi hành hiệp định trao trả trong sự thất thế, lép vế. Luôn nhượng bộ những yêu sách của Bắc Việt và để chúng ở thế thượng phong (phu chú 7).
Trong khi đó quốc hội Mỹ chính thức cắt viện trợ. Lãnh thổ vùng 1 và vùng 2 bị mất. Áp lực Cộng quân rất mạnh tại vùng 3 và quân khu 3 quanh Sàigòn. Cơ quan tình báo trung ương CIA Mỹ tung tin tình báo không trung thực, phụ họa vào đó là các đài phát thanh BBC, VOA phát tán những thông tin giả, sai với sự thật về tương quan lực lượng giữa 2 bên, làm tinh thần quân sĩ chao đảo cực kỳ. Đời sống người dân khắp nơi hoảng loạn, xáo trộn.
Và giờ đây thì kế hoạch di tản người ra khỏi Nam Việt Nam được đặt ra như đã kể trên.
Tôi thấy rằng vận mệnh Việt Nam Cộng Hòa sắp đến hồi kết thúc. Không còn cách nào để kéo dài hơn được.
o0o
Cầu không vận thu hồi quân dụng viện trợ
Để chuẩn bị cho cầu không vận này thì có một sĩ quan cao cấp Mỹ từ Thái Lan đến phi trương Biên Hoà để bàn với chúng tôi về chi tiết di tản theo như tinh thần buổi họp đã ấn định.
Ông ta cho biết ngày 24 tháng 4 sẽ là ngày D. Và vào ngày này không quân Mỹ sẽ bay từ Utapao Thái Lan đến Biên Hoà bằng các loại vận tải cơ C5A, C141, C124 và C130 với khoảng trên 100 phi vụ chuyên chở, trong thời hạn 24 giờ đồng hồ.
Để tận dụng phi đạo, bãi đáp và thi hành cho kịp thời gian đã hoạch định, các phi cơ này khi đáp xuống sẽ không đậu vào parking để chờ chất hàng, mà sẽ chạy chậm chậm trên taxiway để những xe «chất-sẵn-vật-liệu»  của không quân Việt Nam chạy theo, đẩy thẳng những kiện vật liệu ngoại khổ, kích thước cao và dài vào lòng phi cơ cho được khít khao với đường ray của sàn phi cơ.Trong những thứ chở đi, có rất nhiều phi cơ F5 còn mới tinh, gập cánh lại để trong thùng.
Phía Mỹ đã phải tăng cường nhân sự bằng một toán tăng phái (augmentee team) gồm 7, 8 chục thuỷ quân lục chiến Mỹ, cộng với quân số Không quân Việt Nam, tổng số có khoảng 150 người.
Và ngày D bắt đầu.
Bầu trời Biên Hoà vần vũ phi cơ đến từ Thái Lan bay trên không như đàn bướm. Tiếng động cơ gầm thét. Chiếc này nối đuôi chiếc kia đáp xuống rồi bay lên. Cuối cùng thì cầu không vận được chấm dứt theo ý muốn của Mỹ.
Các phi cơ, động cơ, chiến cụ và quân trang quân dụng được Mỹ thu hồi gần hết về Thái Lan.
Cần phải nói thêm là trong suốt khoảng thời gian có cuộc không vận này, tuyệt nhiên phi trường Biên Hòa không hề phải nhận một trái pháo kích nào của cộng quân cả! Chẳng bù trước đó, hàng ngày căn cứ Không Quân Biên Hòa bị cộng quân pháo kích liên miên. Hàng đêm nhận trung bình từ 100 đến 200 trái hỏa tiễn 122 ly. Thiệt hại rất đáng kể về phi cơ và cơ sở vật chất.
Để duy trì những hoạt động hàng ngày, và để che mắt các nhân viên các hãng thầu Mỹ và quân nhân không quân Việt Nam không thể biết được sự thiệt hại ở mức độ nào, chúng tôi đã phải yêu cầu các hãng thầu RMK của Mỹ, mỗi buổi chiều trước khi nghỉ việc, phải trộn sẵn đá và xi măng đựng trong các xe trộn hồ lớn của họ, để sẵn đó. Đêm xuống, khi dứt một đợt pháo kích nào thì các xe này phải chạy ngay đến những nơi nào bị hỏa tiễn tàn phá, đổ ngay những mẻ xi măng trộn sẵn này lấp đi những khoảng đất mới bị đào sới lên bởi hỏa tiễn.
Vậy mà vào ngày D, không hề xảy ra trận pháo kích nào cả! Còn ngay sau khi cầu không vận chấm dứt, thì phi trường lại bị pháo kích mãnh liệt trở lại như trước đây.
Điều này cho thấy Mỹ và Bắc Việt đã thỏa thuận riêng với nhau từ trước đó!
Ngoài ra, phi trường Biên Hòa quá rộng lớn, đòi hỏi một kế hoạch phòng thủ tinh vi, tốn kém, chặt chẽ và phức tạp. Các cơ sở nội vi được tăng cường canh gác cẩn mật để tránh tình trạng đặc công và nội tuyến xâm nhập. Các vọng gác phải thay đổi mật khẩu từng 2 giờ một. Các hàng rào kẽm gai, hệ thống ánh sáng trong ngoài đơn vị được tăng cường tối đa. Hàng đêm quân số phải sử dụng tới từ 600 đến 700 người, trải ra các tuyến phòng thủ sát vòng đai phi trường hoặc trên các tuyến tiền trạm để tăng cường với các chi đội thiết giáp và các tiểu toàn công vụ bộ binh đang bảo vệ vòng ngoài của phi trường. Mìn claymore, hỏa châu, máy sensor được cài đặt dầy đặc trên 8, 9 lớp hàng rào kẽm gai consertina trong và ngoài vòng đai phi trường. Với trên dưới 140 chòi gác chung quanh vòng đai phi trường là một công tác rất lớn lao cho việc phòng thủ đơn vị.
Nhưng chúng tôi đã bảo vệ hữu hiệu đơn vị, và giữ cho các phi cơ được ở trong tình trạng an toàn, mức khả dụng cao, nâng tiềm năng chiến đấu trên không, không bị sút giảm. Và việc yểm trợ cho các đơn vị bộ binh bạn trên các chiến trường được Không Quân làm việc rất có hiệu qủa. Vì vậy, đã nâng cao tinh thần chiến đấucao độ cho các đơn vị bạn.
o0o
Những ngày cuối
Khi mà tình hình ngày một xấu đi thì tại Sàigòn, tôi đã liên lạc được với người cố vấn ngành của tôi tại Bô Tư Lệnh Không Quân. Ông ta là Charles Emberger. Ông này vừa làm cố vấn tiếp vận cho Không quân Việt Nam và làm việc cho DAO. Nhưng mọi quyết định di tản đều do các giới chức Mỹ tại DAO định đoạt mà Không quân Việt Nam không được dự phần.
Tôi liên lạc được cả với Dickward, một trung tá Hải Quân Mỹ làm việc cho DAO. Ông có nhiệm vụ điều hành cầu không vận di tản. Tôi quen Dickward trong buổi họp di tản gần 2 tuần trước.
Tôi nghĩ rằng cả hai người này đều có khả năng giúp chúng tôi thoát khỏi Việt Nam vào giờ chót nếu tôi cần đến họ.
Dickward rất tích cực lấy cho tôi một mẫu đơn di tản do toà đại sứ Mỹ cấp gọi là «Last Minute Evacuation» (Di tản vào giờ chót). Phần cuối mẫu đơn này có câu: «Yêu cầu các phương tiện quân và dân sự Mỹ khi gặp những người có tên trong danh sách này, có nhiệm vụ phải giúp họ thoát ra khỏi Nam Việt Nam bằng mọi cách, nếu không họ sẽ bị Việt cộng trả thù».
o0o
Cơ quan DAO nằm trong khu quân sự trên đường vào phi cảng Tân Sơn Nhất. Dickward rủ tôi mỗi tối sau giờ làm việc ra Sàgon ăn tối và tìm chỗ ngủ đêm để tránh những cơn pháo kích vào phi trường. Chúng tôi mướn phòng tại Sàigon Hotel nằm sát thương xá Tax.
Không may cho tôi là trong lúc này, đứa con gái đầu lòng của tôi là Tú bị sốt xuất huyết nặng. Vợ chồng tôi phải đưa cháu vào bệnh viện Nhi Đồng gần Ngã Bẩy Sàigòn để điều trị và tiếp nước biển.
Vào khoảng ngày 20 tháng 4, văn phòng Phụ Trách Di Tản thuộc bô tư lệnh không quân, cho tôi hay nếu muốn di tản thì đưa danh sách vợ con vào để làm thủ tục. Họ cho biết hàng ngày cơ quan DAO có gởi 2 sĩ quan Mỹ sang bộ tư lệnh không quân nhận danh sách di tản của Không Quân đem về lập thứ tự ưu tiên. 
Cũng vào khoảng thời gian này, đã có một số vợ con các sĩ quan Không Quân cao cấp hơn tôi được cho đi trước. Kèm vào đó có cả vợ con các phi công khu trục, đặc biệt là các phi công lái loại F5E. Vì người Mỹ muốn thâu hồi các loại chiến đấu cơ đắt tiền này, cho nên họ lo cho vợ con pilot đi trước để giờ chót, người chồng sẽ lái sang thẳng Thái Lan cùng với phi cơ của mình.
Cần nói thêm là khi các vận tải cơ đến Tân Sơn Nhất chuyên chở người di tản thì mọi thủ tục kiểm soát lên, xuống tàu bay, đều do nhân viên toà đại sứ Mỹ làm cả. Và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đứng làm hàng rào an ninh bao quanh phi cơ, không cho bất cứ ai được lại gần, kể cả Không quân Việt Nam. Những người di tản được chuyển thẳng từ những xe bus của tòa đại sứ Mỹ lên phi cơ mà không cần phải thiết lập danh sách.
Vào ngày 4 tháng 4 đã xẩy ra một tại nạn thảm khốc cho một chiếc vận tải cơ khổng lồ C5A bị cài bom nổ trên không. Bên trong có khoảng 230 trẻ sơ sinh mồ côi và 70 người Mỹ đi theo săn sóc. Tổng số nạn nhân của tai nạn này là khoảng 130 em bé mồ côi và 40 nhân viên Mỹ và 10 người phi hành đoàn bị chết thảm. (phụ chú 8).
Xin nói qua về vài hoạt động trong phòng điều hành Cầu Không Vận, lúc nào cũng rất khẩn cấp, nhộn nhịp và ồn ào. Một số viên chức dân cũng như quân sự cao cấp của DAO, trong đó có Tr/tướng Homer D.Murphy, Th/ tướng Mac Cléon và vài vị tướng khác mặc quần áo dân sự từ Thái Lan bay đến làm việc chung. Còn lại là đại diện các cơ quan của Mỹ như: tòa đại sứ Mỹ, các hãng thầu Mỹ, các toà đại sứ Đồng Minh. Và một vài vài sĩ quan chuyên ngành của không quân Việt Nam Cộng Hòa.
Một hệ thống điện thoại vô tuyến - Call Director - được nối liền với Ngũ Giác Đài, với Bộ Chỉ Huy Hành Quân Thái Bình Dương của Mỹ (CINCPAC) đang đồn trú tại đảo Guam và Thái Lan. Những người điều động chỉ cần vặn tầng số vô tuyến là có thể nói chuyện thẳng với các phi công Phantom F4 đang bay trên trời hoặc với Đệ Thất Hạm Đội của Mỹ ngoài khơi. Có cả một màn ảnh radar lớn treo trên tường, để theo dõi các vị trí phi cơ và vị trí các tầu của các hạm đội ngoài Thái Bình Dương. Một phóng đồ thành phố Sàigòn cũng khá lớn treo trên tường, bên trên đánh dấu vị trí các cao ốc để trực thăng đáp xuống chở người di tản.
Tình hình quân sự toàn thể Quân Khu 3 và Saigon được cập nhật từng giờ, từng phút trên bản đồ. Tôi nhận thấy có 5, 6 hướng tiến vào Sàigòn của cộng quân. Đó là Hốc Môn, Củ Chi, Phú Lâm, Long Khánh, Biên Hòa và Long An ...
Mức độ tiến quân mỗi lúc mỗi gần vào thủ đô cho thấy Saigon đang bước vào giờ phút hấp hối!!!
o0o
Dưới đây là một số những diễn biến tình hình theo thứ tự thời gian, tôi còn nhớ được như sau :
- Ngày 19/4, các vận tải cơ khổng lồ C141, C5A kể cả C130 của Mỹ ào ạt bay đến phi trường Tân Sơn Nhất ngày và đêm để bốc người di tản.
- Chiều ngày 21/4, bài nói chuyện lần chót của TT. Thiệu với dân chúng trước khi từ chức, được phát trên đài phát thanh Sàigòn. Toàn bộ bài nói chuyện này chỉ để chửi Mỹ và chửi sự bội phản của họ.
Sau bài nói chuyện, ông và gia đình đi ra nước ngoài tị nạn!
- Ngày 22/4, nội các Việt Nam Cộng Hoà được trao cho phó tổng thống Trần Văn Hương lãnh đạo.
- Ngày 28/4, phó tổng thống Trần Văn Hương trao lại trách nhiệm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa cho đại tướng Dương Văn Minh với sự đồng ý của lưỡng viện Quốc Hội.
- Chiều 28/4, phi công phản bội Nguyễn Thành Trung dẫn mấy chiếc A.37 từ Phan Rang bay về đánh bom phi trường Tân Sơn Nhất gây một số thiệt hại vật chất.
Ngay sau lúc phi trường TSN bị đánh bom xong thì có hai, ba vận tải cơ C130 của không quân Việt Nam vội vã cất cánh. Trên đó có chở một số yếu nhân trong chính phủ ra đi.  Phi cơ cất cánh trong hỏa lực dầy đặc của cộng quân quanh phi trường. Phi cơ chao đảo tưởng phải bị lâm nạn.
- Cùng ngày 28 tháng 4, đơn vị tôi, Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân, được lệnh đốt hết cơ sở để rút về Sàigòn.
- Khoảng 9 giờ tối cùng ngày, các vận tải cơ nào của Không Quân còn khả dụng thì đều được lệnh di tản các quân nhân và gia đình Không Quân ra phi trường An Thới và Côn Sơn. Một số phi cơ khả dụng khác bay về vùng 4.
- Khoảng 4 giờ sáng 29/4, Việt Cộng pháo kích dữ dội vào phi trường Tân Sơn Nhất. Một số hoả tiễn rơi vào DAO. Đúng vào lúc này chuyến bay C141 cuối cùng di tản người đi Thái Lan vội vã cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhất.
Cầu Không Vận chấm dứt ngay sau đó.
Cuộc pháo kích còn kéo dài lác đác tới 8, 9 giờ sáng.
-  Khoảng 7 giờ sáng 29/4, một chiếc AC/ C119 của không quân Việt Nam do Tr/úy Thành đang bay yểm trợ quân bạn trên bầu trời phi trường Tân Sơn Nhất, bị hỏa lực phòng không quân đội Bắc Việt từ dưới bắn lên. Phi cơ trúng đạn rớt và trong lúc chúi đầu xuống đất, mọi người chứng kiến hình ảnh một xạ thủ phi hành phóng ra khỏi phi cơ, rơi xuống đất!
- 9giờ 30 sáng 29/4, trong Bộ Tư Lệnh Không Quân còn diễn ra một buổi họp của một số các tướng lãnh, không quân và bộ binh. Ít phút sau thấy tướng Nguyễn Cao Kỳ bước ra trực thăng đậu gần đó để đi, nói là lên Dinh Độc Lập để gặp đại tướng Dương Văn Minh. Nhưng sau này được biết ông lên bộ Tổng Tham Mưu để đón vài vị tướng khác, bay ra Nhà Bè đổ xăng, rồi trực chỉ Đệ Thất Hạm Đội! - 10 giờ sáng 29/4, thủ tướng Vũ Văn Mẫu tuyên bố trên đài phát thanh Sàigòn yêu cầu: «Tất cả người Mỹ phải rút ra khỏi Việt Nam trong thời hạn 24 giờ».
Liền sau lời tuyên bố của ông Mẫu thì rất nhiều phi cơ trực thăng của không quân Mỹ, loại HU1B và Chinook Jolly Green, được các phản lực cơ Phantom F4 bảo vệ, từ các hàng không mẫu hạm của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ ngoài hải phận, ào ạt bay vào các địa điểm tập trung người di tản để bốc họ ra các hạm đội. Những địa điểm này nằm trong DAO và trên nóc của khoảng 28 cao ốc quanh Saigòn.
-  Cùng lúc đó, người ta cũng thấy một số trực thăng của Không Quân Việt Nam, được các phi công cất giấu trước hoặc cướp được từ những phi trường khác, bay về đáp trên các cao ốc, trên sân cỏ, hay trên vệ đường của Sàigon để đón gia đình tháo chạy. Vài chiếc bị bắn rơi. Có chiếc hư máy phải bỏ nằm dọc đường, nhưng cánh quạt trực thăng vẫn còn tiếp tục quay cho mãi tới ngày hôm sau mới ngừng.
-  9 giờ sáng 30/4, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Đài phát thanh Sàigòn phát đi lệnh đầu hàng của tướng Dương văn Minh, yêu cầu các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hoà phải buông súng, chờ giao nạp vũ khí cho cộng quân. Sau đó ít phút, người ta thấy Trịnh Công Sơn và một số nghệ sĩ phản bội có mặt tại đài phát thanh Saigon. Họ ồn ào vừa hát vừa vỗ tay, đồng ca bài «Nối vòng tay lớn» của chính tác giả TCS.
- 11 giờ sáng ngày 30/4, chiếc xe tăng T54 đầu tiên của quân đội Bắc Việt ủi sập cổng sắt dinh Độc Lập tiến vào bắt giữ toàn thể nội các chính phủ và quốc hội Việt Nam Cộng Hoà đang tập họp bên trong để chờ đại diện Bắc Việt vào bàn giao chính quyền.
Sau này nghe thuật lai một đại tá quân đội Bắc Việt khi vào gặp các giới chức Việt Nam Cộng Hòa đã huyênh hoang tuyên bố: 
«Các ông không có gì để bàn giao cả. Chúng tôi đã chiếm Sàigòn và bắt giữ các ông»!
- 11giờ 30 sáng 30/4, lá cờ đỏ sao vàng được quân đội Bắc Việt cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Cờ vàng ba sọc đỏ bị hạ xuống.
- Việt Nam Cộng Hoà đã cáo chung!!!
o0o
Giờ phút long đong.
Khi biết rõ được tình hình thời cuộc qua buổi họp di tản ngày 15/4, tôi đã chuẩn bị về tình huống vào giờ chót sẽ phải tìm đường ra khỏi nước ra sao.
Buổi sáng sớm ngày 29/4 tại Sàigon Hotel, được tin phi trường Tân Sơn Nhất đang bị pháo kích, tôi và Dickward vội vã phóng xe vào DAO.
Trên đường đi, Dickward biết giờ phút cuối đã đến. Ông giục tôi về nhà đón gia đình đón vào DAO để ra đi. Tôi bỏ ông xuống DAO rồi phóng xe tới bệnh viện Nhi Đồng đón con tôi. Bệnh viện Nhi Đồng lúc này đa số y tá và bác sĩ đều không có mặt. Con tôi vẫn đang nằm trong nôi không có người coi sóc. Trên cánh tay vẫn còn những ống giây nilong nối từ chai nước biển để truyền vào người. Tôi vội vã ôm con chạy ra khỏi bệnh viện, vừa chạy vừa giơ cao chai nước biển lên trời!
Tôi gấp rút lái xe giữa dòng người suôi ngược. Đường phố lúc này đông đúc vô kể. Xe nhích từng thước hướng về phía phi trường Tân Sơn Nhất, nơi gia đình tôi đang tạm trú.
Ngay lúc đó thì trên radio tôi nghe tiếng ông Vũ văn Mẫu, tân thủ tướng của nội các
Dương Văn Minh, yêu cầu:
«Mọi người Mỹ phải rút ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ»!
Lòng tôi nao nao, bấn loạn từng hồi khi nghĩ tới chẳng còn bao lâu nữa Sàigòn có thể chìm trong cơn bão lửa. 
Trong tình huống cấp bách như vậy thì tại một ngã tư đường nào đó, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng hát vang ra từ một quán Café. Lời ca rên rỉ, xót xa của những kẻ đang yêu nhau và sắp phải xa nhau. Vô tình nó phù hợp với cảnh huống hiện tại. Nước sắp mất, nhà sắp tan! «Tình yêu như trái phá, con tim tật nguyền, tình đi âm thầm, nghìn trùng như vết thương !!!...» (TCS).
o0o
Cuối cùng, tôi đưa được gia đình vào đến cổng DAO. Lúc đó, đã có rất nhiều lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, với nón sắt, áo ráp đang đứng gác đầy trên các vọng gác và cổng ra vào DAO, thay thế lực lượng an ninh cũ của Mỹ. Những Thủy Quân Lục Chiến này được không vận từ Đệ Thất Hạm đội vào để bảo vệ an ninh cho cuộc di tản phút chót, sau lời «đuổi Mỹ» của thủ tướng Vũ Văn Mẫu.
Các cuốn kẽm gai concertina đã được kéo ngang dọc, chắn các lối vào và ra của DAO. Thủy Quân Lục Chiến Mỹ quyết liệt không cho ai ra vào kể cả người Mỹ. Có một số sĩ quan Mỹ từ trong DAO chạy ra can thiệp cho một số người vào trong, nhân viên an ninh quyết liệt từ chối. Nhiều người chen chúc nhau tiến lại gần cổng, dơ cao đủ lọai giấy tờ của Mỹ đã cấp cho, nhưng nhân viên an ninh không tiếp, không nhận và không cứu xét. Ai mà tiến sát lại gần hơn thì bị lính Thủy Quân Lục Chiến đứng trên vọng gác bắn súng, đạn cầy xuống mặt đường để chận lại!
Các cổng vào DAO đều bị khóa kín. Nội bất xuất, ngoại bất nhập!
Dickward nhận được điện thoại của tôi cũng từ trong DAO chạy ra gần vọng gác, chỉ về hướng tôi đang đứng, can thiệp với mấy Thủy quân Lục Chiến Mỹ. Nhưng chỉ nhận được sự lắc đầu!
Ngay lúc đó có một chiếc trực thăng của không quân Việt Nam bị trúng phòng không, đáp khẩn cấp xuống mặt đường, cầy một vệt dài trên mặt đất, lật nghiêng. Bụi cát tung bay mịt mù! Mọi người bỏ chạy tán loạn. Xe cộ nằm ngổn ngang. Nhiều xe máy vẫn nổ, nhưng không một ai ngồi bên trong.  
Biết là không xong, tôi vội chở gia đình về nhà người chị vợ ở đường Bùi Thị Xuân trước khu Lăng Cha Cả. Tôi liên lạc được điện thoại với ông Emberger lúc đó ông cũng đang về nhà ở khu ngã tư Phú Nhuận để đón gia đình vợ vào DAO để di tản. Gia đình vợ không ai chịu đi cả. Emberger nhờ tôi thuyết phục hộ. Qua điện thoại, tôi nghe tiếng khóc lóc thảm thiết ồn ào của gia đình cô vợ người Việt Nam. Và cuối cùng tôi đã thành công để gia đình này phải nghe tôi. Theo chồng về Mỹ.
Emberger hẹn tôi đứng chờ ở lối vào cổng sau của DAO, gần ngả rẽ vào trường Sinh Ngữ Quân Đội sau bộ Tổng Tham Mưu. Ông nói sẽ đưa gia đình ông vào cổng đó đứng chờ và sẽ cùng đưa gia đình tôi theo vào bên trong DAO luôn để cùng ông rời khỏi Việt Nam.
Nhưng chuyện này không hề xảy ra, vì tôi đã không đến điểm hẹn!
Lý do là, khi vừa cúp điện thọai với Emberger thì ngay lúc đó gia đình anh Cường tôi, từ Long An Bến Lức chạy về. Chở theo cả một bầu đàn thê nhi. Gia đình anh ấy cũng bị kẹt lại không đi được bằng phương tiện Hải Quân.
Chúng tôi bùi ngùi nhìn nhau! Nhìn đàn con và các cháu thơ dại đứng quanh, lòng tôi chùng xuống.
Ai nỡ lòng nào bỏ lại vợ trẻ, con thơ để ra đi một mình???
Hai anh em tôi đã quyết định ở lại. Chấp nhận mọi sự thương đau xẩy đến, dù tới đâu cũng được !!!...
Anh Albert Boussière, một Pháp kiều cũng là người anh em cột chèo với tôi, chứng kiến cảnh này từ đầu. Anh ái ngại nhìn tôi. Rồi đập tay vào vai tôi, quyết liệt giục giã:
- Vous allez ! Nous prendrons soin tout de votre famille allant en France avec nous plus tard. Allez, allez ! Vous, seulement, vite, vite !
(Chú cứ đi đi, để vợ con lại cho tôi, tôi sẽ lo cho tất cả về Pháp cùng với chúng tôi sau này. Chú đi đi, đi đi ! Mình chú thôi, nhanh lên !).
Lúc đó mặt tôi đanh lại, tôi cương quyết :
- Merci ton ton, j'ont pris ma décision. Je n'irai pas n'importe où maintenant !
(Cám ơn anh, em đã quyết định rồi. Em sẽ không đi đâu hết!).
o0o
Bầu trời Sàigòn nờm nợp trực thăng bay tới bay lui, đáp xuống các cao ốc để đón người di tản. Người ta thi nhau phóng xe đuổi theo hướng trực thăng đang bay để tìm đến các cao ốc nào có trực thăng sẽ đáp. Hy vọng được cứu vớt. Trong lúc đó thỉnh thoảng lại có vài qủa đạn pháo rơi đó đây, nổ ầm ầm, xé tai. Mọi người hốt hoảng, chạy ngược chạy suôi. Có người mang thương tích trên người đầy máu me. Họ chở nhau trên Honda, trên Vespa, xích lô và ngay cả trên xe ba gác. Phụ nữ, bà gìa, trẻ con vừa chạy vừa khóc than. Ở một cuối một con đường, đột nhiên có một chiếc trực thăng trúng đạn phòng không, đâm bổ nhào xuống sân thượng của một căn nhà làm nóc nhà xập xuống. Cũng may phi cơ không bị cháy !
Những tiếng súng cá nhân của một số quân nhân rã ngũ, vô kỷ luật, tức tối không được đi vì bị bỏ lại, chĩa thẳng súng vào trực thăng bắn lên như mưa. Tiếng đạn vèo vèo lướt trên đầu mọi người, thật khủng khiếp. 
Một vài căn nhà chủ đã bỏ chạy, đã bị một số người xông vào hôi của. Quần áo, đồ đạc, giấy tờ vung vãi bay tứ tán khắp đường phố. Có vài xác người chết tức tưởi đang nằm co quắp bên lề đường. Thân thể được đắp phủ bằng những đống quần áo hoặc đống chăn màn cũ.
Cảnh tao loạn vô cùng thảm thương !  Sàigòn đang rẫy chết từng hồi….
o0o
Ngay buổi chiều hôm đó, khi đã quyết định ở lại rồi, lòng tôi bớt bức xúc, bình thản lại hơn. Tôi phóng xe lại nhà bạn rủ nhau chạy một vòng Sàigòn đến các bãi đáp trực thăng đang đón người trên các cao ốc, để quan sát. Đến đâu cũng thấy đông nghẹt người. Họ chen lấn nhau vào bên trong sân nhà để tìm đường lên sân thượng. Nhưng sân thượng thì đã tràn đầy người ngồi chờ mà trực thăng thì đáp thưa dần. 
Tại bến tàu Sàigòn, hàng ngàn người chen chúc trèo lên boong của một thương thuyền rất lớn. Boong tầu đã chật cứng mà người thì vẫn đu đưa trên những mảng lưới để trèo lên. Ấn tượng hãi hùng về những cảnh chết chóc đã xẩy ra trên những chiếc tàu đông kịt người, di tản từ miền Trung vào Nam từ tháng trước đây, làm chúng tôi lo lắng cho số phận của những người này.
Chiều đã xuống….
Chúng tôi vòng xe về đường Công Lý, nơi có một điểm bốc trên một cao ốc cạnh tiệm bánh bao ông Cả Cần, cũng thấy hàng trăm người còn chờ đợi, chen chúc đầy dưới sân. Dường như trực thăng đã bỏ địa điểm này rồi !
Khi Sàigòn bước vào bóng đêm, cũng là lúc không còn một bóng dáng trực thăng nào bay lượn trên không nữa. Cuộc cứu người di tản của Mỹ trên các cao ốc đã hoàn toàn chấm dứt. Và chấm dứt luôn cả số phận của một quốc gia mà biết bao người đã hy sinh xương máu để xây dựng lên nó!...
Chúng tôi thẫn thờ trở về. Lòng nặng trĩu lo buồn. Mỗi người đeo đuổi một suy nghĩ riêng tư. Không ai nói với ai một lời. Tôi cắm mặt xuống đường lái xe. Nhìn những đoạn đường gập ghềnh sỏi đá mà xe chạy ngang qua, thấy nó giống hệt như cuộc đời của chúng tôi vậy. Khi lên bổng lúc xuống trầm, lúc sóng sô biển động, có lúc nào được bằng phẳng cả đâu. Số phận thế hệ chúng tôi là vậy, đành phải chấp nhận định mệnh. Bây giờ nó muốn đưa mình tới đâu thì mình theo tới đó !
Tôi tự hỏi có phải đây là lúc khởi đầu cho bước ngoặt của đời mình không?
Đêm hôm đó tôi đưa vợ con đến nhà Tiến, bạn tôi để ở vài ngày. Tôi không trở về nhà của tôi cốt là để cho qua đi những nguy hiểm và xáo trộn của mấy ngày đầu hỗn quân hỗn quan.
Gia đình bạn tôi đã đi hết, nhà cửa hoang vắng, chỉ còn lại người tớ gái. Sự có mặt của gia đình tôi làm cho bầu không khí được ấm cúng và mọi người được an tâm hơn lên.
Buổi tối đến, chúng tôi ngồi trầm tư, nghĩ ngợi và rồi bàn luận chuyện thờì sự. Tính toán với nhau những bước đường sắp tới, cho mãi đến tận nửa khuya.
Phần tôi, tôi không hối hận đã quyết định ở lại bên người vợ trẻ và mấy đứa con thơ dại.
Tôi cởi bỏ bộ quân phục, mũ nón, giầy bốt-đờ- sô đem lên sân thượng tìm chỗ kín cất giấu. Còn khẩu Browning 9 ly, tôi vẫn giữ trong người để phòng thân.
Tuy vậy, suốt đêm đó cũng thao thức không ngủ được. Tâm trạng rối bời, u uất trong bóng đêm tối đen như đêm sa mạc, khi tôi nghĩ đến ngày mai...
Huệ nằm bên tôi khóc rấm rức, lòng tôi quặn thắt lại. Trên mười năm trong quân ngũ, cũng là thời gian hai chúng tôi và các con sống hạnh phúc bên nhau. Người lo việc nước. Người việc nhà. Cùng chăm lo đàn con nhỏ dại. Bây giờ tất cả hạnh phúc bỗng chốc cao bay. Tương lai xám đen như mầu chì và chấm dứt trong nghịch cảnh một cách đành đọan, tan nát và bẽ bàng !
Tôi tiếc cho sự nghiệp của mình !
Nhìn lại suốt đoạn đời tuổi thơ, tôi đã trải qua bao nghịch cảnh nghiệt ngã. Thế hệ tôi là một thế hệ đầy dẫy những thiệt thòi, bất hạnh, kể cả những gian truân. Chiến tranh triền miên. Quê hương đầy thương tích. Đói khổ khắp nơi. Chia lìa, bơ vơ và tan tác. Hạnh phúc không bao giờ ở lại lâu dài cho tôi và cho cả thân phận bọt bèo của những người cùng thế hệ. Cuộc đời chúng tôi như những đụn cát trên xa mạc. Lúc đầy lúc vơi, lúc tụ rồi tan. Hứng chịu bao nghịch cảnh và đau thương qua biết bao lớp sóng phế hưng của thời gian.
Trước mắt đây sẽ là một viễn ảnh đổi đời. Chắc chắn là phải chia xa, là chết chóc và tù đày. Biết có ngày về hay không. Vợ con sẽ bơ vơ, đói khổ. Cuộc đời sẽ rẽ về hướng nào ?
Có những khoảnh khắc trong đêm, quẫn trí tôi đã nghĩ tới khẩu súng. Tôi tự hỏi, nếu tôi tự kết liễu đời mình thì có chắc gì vợ con mình có được hạnh phúc trong chế độ cộng sản hay không ?
Hay là cùng nhau chết cả !?
Quay nhìn những đứa con thơ dại đang say ngủ say như những thiên thần, tôi chợt thấy lòng mình chùng xuống, quặn đau và đầy hối hận vì những ý nghĩ cuồng dại của mình.
Người ta sống một đời, chết một người, sao lại kéo theo những người vô tội khác chết theo mình. Thiên Đàng đâu có dung chứa những kẻ cuồng sát và nhẫn tâm như vậy.
Cứ nghĩ ngợi miên man như thế, đêm thâm u đã đưa tôi chìm vào giấc ngủ chập chờn, bồng bềnh và mệt nhọc....
o0o
11 giờ sáng hôm sau.
Khi đang ngồi trong nhà, chúng tôi nghe mọi người bên ngoài đường phố xôn xao :
- Xe tăng Việt Cộng đang tiến vào thành phố !   
Dân chúng bắt đầu hoảng sợ. Người thì trốn chạy. Người thì thập thò ngó ra đường. Nhưng theo tiếng loa kêu gọi của bọn nằm vùng, mọi người dù sợ sệt vẫn buộc phải ra đứng bên đường để đón chào những chiếc xe tăng đang tiến vào. Khi người dân thấy những xe tăng bò chậm chạp trên đường phố, tay họ vội giơ lên cao, vờ vẫn vẫy vẫy để đón chào kẻ thù. Miệng thì hô to những tiếng hoan hô miễn cưỡng, nhưng trong lòng thì chắc đang rỉ máu như nhau!
Một vài người đã được ai đó phát cho mấy lá cờ giấy nhỏ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và cờ Đỏ Sao Vàng từ hồi nào không biết, cũng giơ cao phất phất trên đầu, như muốn cho mọi người đứng quanh thấy rằng mình cũng là những thành phần đang vui mừng, đang sung sướng được đứng đón chào đạo quân giải phóng tiến vào tiếp thu thủ đô!
Trên đường phố đám người đeo băng tay đỏ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Có đứa mặc giả cả những bộ đồ tu hành của các vị sư sãi, tay chúng cầm cờ đỏ sao vàng và cờ mặt trận giải phóng miền nam, phất lia phất lịa. Miệng thì hô lên những khẩu hiệu cò mồi để mọi người cùng hô theo để đón mừng kẻ chiến thắng. Mặt mũi đứa nào đứa ấy vênh váo, tỏ ra quan trọng. Mắt thì đằng đằng sát khí nhìn xoi mói vào dân chúng hai bên đường, xem có ai là không vỗ tay hay không. Chúng làm như chính chúng là việt cộng thứ thiệt trong guồng máy tiếp thu thành phố. Nhưng ai cũng biết tỏng, chúng chỉ là một bọn thời cơ, bất lương, theo đóm ăn tàn, sinh ra đúng vào ngày 30 tháng tư để nước đục thả câu, kiếm điểm với chính quyền mới sau này mà thôi.
Tôi đứng lẫn lộn trong đám đông bên đường, lòng đau xót chứng kiến những hình ảnh ngang trái đau thương. Những chiếc xe tăng T54 đầu tiên của Việt Cộng chậm chạp và dọ dẫm bò trên mặt đường Công lý, đi ngang qua trước cửa chùa Vĩnh Nghiêm. Chúng tiến một cách thận trọng và đầy cảnh giác về hướng bộ Tổng Tham Mưu. Những chiếc xe lấm láp bùn đất, chung quanh xe còn phủ những cành lá ngụy trang. Có cả xoong nồi treo lủng lẳng hai bên. Quanh xe treo luôn cả những bao tải cũ rách tơi tả. Có cả một hai chiếc xe đạp cải tiến và một hai cây đàn guitar trầy trụa nữa.
Đám lính Việt cộng mặt non choẹt đứng trên pháo tháp, tay cầm súng lăm lăm chĩa lên các ngôi nhà có lầu cao.
Nhìn kẻ thù đang ngạo nghễ trên những xe tăng và đại pháo, dân chúng hai bên đường miễn cưỡng vỗ tay chào đón, trong đó có cả chính mình. Tự dưng không cầm được nước mắt, người tôi rung lên rồi bật khóc. Nhưng tay thì vẫn phải giơ cao cờ, để vờ vẫy vẫy trong không trung!!! 
Rồi không thể chịu đựng nổi nữa, tôi bỏ đám đông bước vào sau cổng chùa, tìm chỗ vắng úp mặt vào tường khóc tức tưởi. Khóc như chưa từng được khóc bao giờ. Nước mắt tôi cứ ràn rụa ra, không kìm hãm lại nổi! Tôi khóc tủi hận cho vận nước và khóc tủi nhục cho phận mình.
Chúng tôi như những võ sĩ bị bán độ. Bị kẻ khác bắt buộc phải thua trận trong nhục nhã, đắng cay. Thật là một sự thua cuộc bất công và đầy sỉ nhục. Mình muốn đánh địch thủ mà chân tay bị kẻ khác trói lại!
Trời đất trước mặt tôi nghiêng ngửa, quay cuồng. Mắt tôi tối xầm xuống như đêm tối giữa đại dương…
Sau một hồi lâu, tôi gạt nước mắt bước ra khỏi cổng chùa.
Trước mặt tôi, tôi chợt nhận ra một đoàn người mặc quân phục màu rằn ri với vũ khí cá nhân bám đầy bụi đất, đang lủi thủi đi sau lưng những hàng người dân đứng bên đường, tay đang mải mê vẫy cờ và hoan hô.
Đoàn người này là những chiến sĩ của Liên Đòan 81 Biệt Cách Dù. Họ được lệnh phải đầu hàng. Phải đi bộ về dinh phó tổng thống để giao nạp vũ khí. Họ đi rải rác từ hướng Tổng Tham Mưu về phía Sàigòn. 
Nhìn những người lính oai hùng này, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, quân phục rách từng mảng, thân thể trày trụa, lủi thủi đi sau lưng đám đông, mặt họ còn rực lên những nét căm hờn, lòng tôi bỗng se thắt và quặn lên một niềm đau khôn tả.
Những trái lưụ đạn mini, những khẩu M72 chống tăng, những vũ khí chiến đấu gọn nhẹ, tối tân đang đeo quanh người họ, toát lên một nét kiêu hùng và oai dũng. Đó là hình ảnh muôn đời của người lính chiến Việt Nam Cộng Hoà trong những giờ phút cuối của cuộc chiến.
Suốt đời tôi không thể quên được những hình ảnh này!
Những hình ảnh kiêu dũng đó sẽ in đậm nét mãi trong lòng mọi người dân Việt Nam. Không bao giờ chúng ta còn nhìn thấy lại được nữa !
Sự nghiệp chiến đấu vĩ đại của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đến đây là chấm dứt!
Vinh quang của họ chúng ta đã cùng nhau chia sẻ, thì giờ đây, sao nỗi cay đắng này lại để họ hứng chịu một mình? Biết đến bao giờ thì nỗi oan khiên này mới nhạt phai khỏi tâm hồn của những chiến sĩ bất tử này ?!
Tôi len đến gặp vị sĩ quan chỉ huy đang đi cùng lính của mình. Anh thấy mắt tôi đỏ hoe, còn hoen nước mắt nên biết tôi là người cùng phe. Anh lật nắp túi áo trận lên, cho tôi thấy 3 bông mai vàng đã cũ nằm dưới nắp áo. Tôi nói nhỏ vào tai anh :
- «Đại uý nên cho các anh em vứt hết súng đạn đi. Quần áo trận cũng vậy, cởi ra và bỏ đi hết. Không cần phải mặc như vậy trên đường đi về tới phủ phó tổng thống. Chúng nó trên các xe tăng nhìn thấy tưởng mình muốn kháng cự lại, nó nã đạn xuống thì rất thiệt thòi cho anh em và dân chúng».
Mắt anh nhìn tôi long lanh rực ánh lửa. Sự căm tức khiến đôi môi anh mím chặt, thâm tím trước những cặp mắt xót thương của đồng bào đứng quanh.
Có nhiều tiếng bật khóc đâu đây !
Rồi có lẽ anh thấy lời khuyên của tôi hữu lý anh đã ra lệnh cho binh sĩ thuộc quyền cởi bỏ quân phục ra. Nhưng anh vẫn còn hậm hực nói:
- «Đ. mẹ tụi nó, tụi tôi sợ gì. Tụi tôi mới « thổi » sụm 3 chiếc tăng của đám nó. Một, ở ngã tư Bảy Hiền, hai chiếc kia, ở trước cổng bộ Tổng Tham Mưu thì bị lệnh đầu hàng chó đẻ bắt phải buông súng. Nếu không thì tụi tôi chơi chết mẹ tụi nó, chứ sợ thằng nào đâu. Thiệt là khốn nạn. Uất hận qúa!».
Nghe anh nói tôi vội quay mặt đi hướng khác, nước mắt tôi lại ràn rụa chảy xuống.
Có một cái gì cao cả, lớn lao và hào hùng được nhìn thấy trên khuôn mặt những người chiến sĩ này!
Tôi đau xót cho anh, cho các chiến hữu khác, và cho cả dân tộc Việt Nam này nữa. 
Ôi trời cao có thấu !
Những binh sĩ đã nghe lệnh người chỉ huy mình, ra cầu Công Lý gần đó, vứt rải rác xuống dòng sông những vũ khí, những bộ quân phục đã từng ôm ấp thân thể của họ đêm ngày trên bước đường bảo vệ quê hương.
Dòng nước lặng lờ cuốn đi những bộ chinh y của một binh chủng hào hùng. Cuốn đi những vũ khí chiến đấu nhuỗm đầy hào khí. Cuốn luôn cả những qúa khứ dũng cảm. Và chôn lấp đi luôn cái lý tưởng cao vời của một dân tộc hiền hòa, yêu hòa bình, yêu tự do, mà những chiến binh này đã dành trọn đời mình chiến đấu để giữ lấy.
Những dấu tích vàng son của một thời, bao giờ mới tìm lại được nữa !
Những người dân đứng quanh nhìn họ xót thương. Nhiều người đã khóc. Tất cả đều đang chia sẻ niềm đau chung.
Một số người nhà ở gần đó chạy về, mang vội đến cho những đứa con thân yêu này những bộ quần áo dân sự để họ mặc, thay cho những bộ quân phục trên người.
Họ phải chấp nhận mặc, để đổi đời...
o0o
Ngày trình diện học tập tại trường Trần Hoàng Quân gần Ngã Sáu Chợ Lớn, tôi có gặp một sĩ quan cấp tá cùng đơn vị. Người này đã từng nhận nhiều ân sủng và sự nâng đỡ của tướng Bê. Nhưng có lẽ thỉnh thoảng trong các buổi họp đơn vị, anh bị vị tướng này khiển trách khuyết điểm của mình trong việc điều hành đơn vị, nên anh mang trong lòng sự oán hận nào đó chăng.
Nhìn thấy tôi đứng xếp hàng, chỉ cách anh vài thước, để vào sân trường bên trong trình diện học tập, chung quanh có đầy lính gác Việt Cộng, miệng anh ta bô bô hỏi tôi tin tức về tướng Bê. Lối hỏi hỗn hào và đểu cáng. Anh không cần che chở cho sự an nguy của bằng hữu : -  «Ê bồ ! “thằng”    có đi thoát không. Ông có gặp “nó” ở đâu không?»
Tôi cho rằng, anh ta muốn tỏ cho những người cùng cảnh ngộ đứng quanh biết là chỉ có mình anh ta là có lòng ở lại với quê hương. Còn những tướng lãnh và các nhà lãnh đạo khác, đều hèn hạ bỏ chạy hết ?!
Tôi sững sờ với câu hỏi này. Có thể nào một ngôn từ như vậy lại được sử dụng ở miệng một người đã từng chỉ huy hay không? Mặt tôi đỏ lên vì giận nhưng vẫn kịp giữ lại sự bình tĩnh. Tôi bước sang hàng anh đứng, bắt tay chào hỏi anh hờ hững. Rồi làm như đột ngột bị xặc ho, tôi khạc một bãi nước bọt xuống trước mặt và bỏ về hàng bên này đứng!
Thay cho lời kết :
Vết thương của trên 30 năm trước đã qua. Bây giờ nghĩ lại tuy thấy vẫn thấm đau nhưng cường độ đã giảm bớt nhiều. Thời gian là một liều thuốc tuyệt diệu để hàn gắn vết thương lòng.
Dù cho lịch sử được viết sai bởi kẻ chiến thắng, nó có bóp méo chân lý của sự thật và đã làm cho ngay cả thế hệ hiện tại, chứ đừng nói là thế hệ mai hậu, đang nhìn cha ông của chúng thiếu đi lòng kính trọng. Nhưng công lý vẫn là công lý.
Sự thật vẫn là một bất biến của đất trời.
Chúng ta vẫn có sẵn tấm lòng bác ái và vị tha! Chúng ta đã tha thứ và bỏ qua sự bội phản của đồng minh cũng như những sự dã man, tàn ác và bất nhẫn của kẻ thù, để nghĩ tới hạnh phúc của con cháu. Và mong cho sau này chúng có một tương lai tốt đẹp hơn, thanh bình, tự do và hạnh phúc hơn, cho cuộc đời chúng được thăng hoa.
Nhắc lại chuyện cũ không phải là để oán hận ai mà là để rút ra cho đời một kinh nghiệm sống.
Tôi không oán trách ai. Không oán hận các nhà lãnh đạo và các cấp chỉ huy cũ của mình. Cho dù họ có những khuyết điểm trong việc điều hành và lãnh đạo đất nước. Có khuyết điểm trong việc điều khiển cuộc chiến này. Họ đều đáng được tha thứ và kính trọng. Nếu trước đây thái độ sống cũng như tư cách đạo đức của mỗi người có tốt hay xấu, thì người đó sẽ được người đời nể trọng ít hay nhiều mà thôi. Còn tất cả chúng ta đều đáng được thương hại như nhau, đều là nạn nhân của những cuộc mua bán bẩn thỉu.
Tất cả mọi người Việt Nam đều mang trong người một lòng yêu nước sắt son, một lòng mong ước nhiệt thành là có được tự do, dân chủ, phú cường và không cộng sản.
Chúng ta là một nước nhược tiểu mà số phận được định đoạt bởi kẻ khác. Cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến được khởi đầu và kết thúc bởi bọn con buôn. Nó được định đoạt không bởi những con người dũng cảm chiến đấu bảo vệ cho lý tưởng và quê hương họ, mà bởi những quyền lợi của những kẻ nước ngoài, của những kẻ chỉ biết biểu tình phản đối cho quyền lợi họ ngay trên chính đường phố của nuớc họ : nước  Mỹ!
Ở đây tôi xin bầy tỏ lòng kính trọng với các cấp chỉ huy cũ, những người đã cho tôi cơ hội được hãnh diện phục vụ dưới quyền, mở mắt cho tôi bao nhiêu bài học làm người.
Tôi cũng xin bầy tỏ lòng qúi mến đối với các anh em sĩ quan và binh sĩ đã cùng tôi phục vụ dưới chung một màu cờ tổ quốc, mà chẳng may cột cờ bị gãy ngang ở đọan giữa. Không phải lỗi tại mình, mà tại chúng ta là một nước nhược tiểu, vận nước chúng ta tùy thuộc vào một bàn cờ chính trị của ngoại bang.
Hàn Phú            
Union City, Sept. 2004
 ------------------------------------------------------------------------
Phần phụ chú :
1/  .Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & TiếpVận Không Quân là một đơn vị kỹ thuật và tiếp vận lớn và duy nhất của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Quân số có khoảng 6,000 người với trên dưới 420 sĩ quan các cấp.
Đơn vị này có trách nhiệm là yểm trợ và trang bị mọi nhu cầu từ A tới Z cho 6 sư đoàn Không Quân Việt Nam và 9 đơn vị không quân biệt lập khác. Ngoài ra còn đảm nhiệm huấn luyện những chuyên viên kỹ thuật và điện toán từ sơ cấp tới cao cấp cho các sư đoàn không quân, kể cả huấn luyện cho những khóa tân sĩ quan tốt nghiệp từ trường sĩ quan bộ binh Thủ Đức đưa sang ..
Nổi bật nhất là KHÔNG ĐOÀN TÂN TRANG & CHẾ TẠO phi cơ:
Không đoàn này chuyên sữa chữa phi cơ, trang cụ và quân dụng thượng đẳng ở cấp cao nhất. Nơi đây có thể phục hồi, tổng kiểm (overhauled) và sửa chữa nặng (retrofit) các động cơ, trang cụ và những cấu trúc khung phòng phi cơ (structrural). Làm mới lại những động cơ, những phi cơ hư hỏng hay phi cơ bị tai nạn trên chiến trường để trở thành phi cơ khả dụng.
Kỹ thuật sử dụng plasma (một nguồn năng lượng có sức nóng cực cao) đã được dùng để làm ra hoặc đắp những thỏi kim loại thành các trục của động cơ phản lực, đưa thành phẩm lên đúng theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự kiện này đã nói lên sự lớn mạnh mang tích cách đột phá trong ngành chế tạo phi cơ mà Không quân Việt Nam đã biết áp dụng kỹ thuật cao này vào những ứng dụng việc chế tạo cơ phận phi cơ trước năm 1975.
Không đoàn TTCT cũng đã dự phần và phối hợp với Khối Không Cụ thuộc BTLKhông quân Việt Nam, chế tạo thành công chiếc phi cơ đầu tiên của không quân Việt Nam lấy tên là Tiền Phong 001. Người Mỹ rất thán phục nhưng không chịu cấp ngân khoản cho việc sản xuất.
Không đoàn TTCT còn có các xưởng Chế Tạo Dưỡng Khí Lỏng, xưởng Truyền Lực Động Cơ, xưởng Kiểm Thử Rạn Nứt Động Cơ, xưởng làm khung phòng phi cơ v.v..
Đối với các quân xa cơ giới và các quân dụng đặc biệt của không quân Việt Nam, thì không đoàn này cũng sửa chữa ở cấp cao, tức Cấp Công Xưởng.
Cũng nên biết thêm là vị tham mưu trưởng của Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật và Tiếp Vận Không Quân là một đại tá. Ông là một nhà khoa học. Tốt nghiệp tiến sĩ không gian năm 1973 tại Mỹ. Trong lúc đang là tham mưu trưởng cho Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật và Tiếp Vận Không Quân, ông còn được chính phủ Mỹ và Nha Kế Hoạch Bộ Kinh Tế Việt Nam Cộng Hòa ủy thác việc điều hành và giám sát một vệ tinh không gian của Mỹ gọi là E.R.S.T tại vùng Đông Nam Á, nằm trong một chương trình riêng của Liên Hiệp Quốc tại Bangkok. Vệ tinh này có mục đích tìm kiếm và xác định những khu vực có tài nguyên thiên nhiên tại đồng bằng sông Cửu Long.
 Sau năm 1975 ông làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Không Gian Pháp tại Toulouse.
 Hiện ông đang cư ngụ tại Denver tiểu bang Colorado và đang là một giáo sư cho trường đại học Colorado và là Nghiên Cứu Trưởng của một số dự án về không gian và phi cơ không người lái.
2/.  Giờ chót sau khi đã bỏ vùng 1 và vùng 2 rồi, Không Quân tái phối trí lại các phi đoàn cho nhu cầu hành quân thì kiểm kê lại còn được khoảng 3,000 phi cơ các loại, trong đó có khoảng 20 phi đoàn khu trục và phản lực. (tư liệu từ  Chuẩn Tướng Đặng Đình Linh, tham mưu phó Tiếp Vận Không Quân  cho biết ).
3/. Theo bài viết của ông Hoàng Đức Nhã thì buổi sáng trước khi rời Hà Nội đến Sàigòn để họp với TT Thiệu vào đầu tháng 10-1972, Kissinger đã tổ chức tiệc ăn mừng với cộng sản Bắc Việt, để mừng về những thỏa thuận Mỹ đã đạt được với Bắc Việt sẽ ký kết tại Paris với nhau. Trong bữa tiệc, Phạm văn Đồng, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ mừng đến nỗi phải khóc lên vì qúa sung sướng. Vì hiệp định này đã rất có lợi cho họ!
Trước những áp lực này, tổng thống Thiệu đã rất đảm lược cương quyết khước từ mọi việc ký kết, và cũng không gửi đại diện Việt Nam Cộng Hòa đi dự hội đàm Paris! 
Kissinger quá tức giận phải bỏ về Mỹ và tuyên bố rằng: «Đây là một thảm bại ngoại giao lớn nhất trong đời tôi». Rồi nhắn lại với TT Thiệu, qua ông Hoàng Đức Nhã bằng lời đe dọa rằng:
-  «Tổng Thống của anh không nên làm thánh tử đạo»! 
4/ Đài B.O.B.S (Bearing Only Bombing System) là một hệ thống hướng dẫn các pháo đài bay B52 khi bay trên không phận Việt Nam.
Còn đài Trực Giác Tự Động (D.A.R.T) là đài tiếp nhận các tín hiệu phát ra từ các máy cảm nhận (sensors), còn gọi là «Hàng Rào Điện tử Mac Namara». Các máy cảm nhận được rải đầy trong rừng núi và dọc biên giới Lào Việt. Khi phát hiện có sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt vào miền Nam Việt Nam, được báo động bởi hàng rào điện tử, thì phi cơ B52, phi pháo của không quân Việt Nam, hải pháo của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ hoặc pháo binh của Việt Nam Cộng Hòa sẽ được yêu cầu oanh kích để tiêu diệt.
5/.  Ch/Tướng Từ Văn Bê vừa qua đời tại Oklahoma City ngày 28 tháng2-2008.
6/. Theo Bill Laurie là sử gia Hoa Kỳ thì đến giữa năm 1974, Hoa Kỳ bắt đầu cắt giảm viện trợ để quân đội QLViệt Nam Cộng Hòa suy yếu dần dần. Đến 1975, cấp số cung ứng có sẵn (Available Supply Rate- ASR) dành cho đạn đại bác đă giảm nhanh tới mức không thể chấp nhận, theo như bảng dưới đây, cho mỗi khẩu đội bắn trong một ngày:
Cấp số năm 1972 /    Năm 1973
Đạn 105 ly 180 viên   giảm còn 10 viên, tỉ lệ giảm là 94%
Đạn 155 ly 150 viên    giảm còn 5 viên, tức giảm 97%
Đạn 175 ly 30 viên    giảm còn 3 viên, tức giảm 90%
Mọi thứ bị cắt đến tận xương, tận tuỷ. Nhìêu binh sĩ bộ binh được cấp số đạn căn bản là 60 viên M16 cho một TUẦN LỄ. Nhiều đơn vị cấm binh sĩ bắn M16 liên thanh, chỉ được bắn từng phát một. Các đơn vị chạm địch có khi bị giới hạn chỉ còn được bắn yểm trợ hai trái đạn đại bác một ngày, ngoại trừ khi bị tràn ngập.
Thiếu cơ phận thay thế, xe tăng, tàu giang tuần, máy bay... nằm ụ chờ rỉ sét.
Trong tang lễ của Trung Tướng Dư Quốc Đống Tư Lệnh Nhẩy Dù Việt Nam Cộng Hòa, Trung Tướng James B. Vaught, một cựu Cố vấn Hoa Kỳ đến từ Myrtle Beach, South Carolina đã nhắc lại những kỷ niệm lúc làm việc với TT Dư Quốc Đống từ Tháng Tư, 1971, ông nói ông và cựu T.Tướng Đống coi nhau như anh em ruột, T.Tướng Đống là một vị tướng can đảm, tài ba v.v… Ông Vaught đã xin lỗi cách đối xử của HK đối với dân tộc Việt Nam như sau: «Vào năm 1973, lúc đó QLViệt Nam Cộng Hòa sắp chiến thắng, cựu Tổng Thống Nixon muốn được tái đắc cử  nên đã cùng với những nhà chính trị Mỹ quyết định bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, đem quân đội HK về nước nên Việt Nam Cộng Hòa mới không còn cách nào để tự vệ chống lại Cộng Sản Bắc Việt nữa !».
7/.  Cuộc trao trả 1,000 tù binh cho Bắc Việt.
Những tù binh này được chuyển từ nhiều nơi về trại tù binh Tân Hiệp tại Lò Than Biên Hòa để sau đó di chuyển đến địa điểm trao tại phi trường Lộc Ninh.. Vì là buổi trao trả đầu tiên sau khi hiệp định Ba Lê ký kết nên được diễn ra long trọng trong phi trường Biên Hòa với sự hiện diện của đầy đủ quan chức cao cấp các nước và đại diện Uỷ Hội Kiểm Soát Quốc Tế bao gồm 4 nước là Ba Lan, Hung Gia Lợi, Nam Dương và Canada. Có cả các phóng viên báo chí, truyền thanh truyền hình của các nước cộng sản và quốc gia đến dự.
Trong lúc không quân đã sẵn sàng 4, 5 phi cơ C130 chờ trực ở bãi đậu gần khán đài để đưa tù binh trao trả, và quan khách tham dự chờ đợi những chuyến xe chở tù binh Việt Cộng tới, thì ở trại giam, tù binh Việt cộng làm reo nhất định không chịu ra phi trường. Theo đám tù binh này nói thì họ không phải là tù binh mà là các nhà trí thức khoa bảng, như các… sinh viên học sinh như Huỳnh Tấn Mẫm, Trịnh Đình Ban, Trần Thị Lan, Lê Văn Nuôi, Võ Như Lanh, Nguyễn Xuân Lập v.v... và là các nhà sư yêu nước cuả miền Nam chống đối lại chính quyền, vì vậy bị chính quyền chụp mũ là cộng sản nên bị giam giữ tù đầy. Bây giờ họ không đi đâu hết!
Cuộc làm reo này kéo dài cho đến khi có đại diện Bắc Việt và phái đoàn ủy hội kiểm soát bốn bên đến tận nơi thuyết phục thì họ mới chịu đi.
Trước khi đi, họ đưa ra yêu sách là phải tìm cho họ 15 bộ đồ tu hành của các vị sư sãi để họ mặc, một số tràng hạt để họ đeo và gậy để họ chống. Phía Việt Nam Cộng Hòa bị áp lực của Mỹ nên phải nhượng bộ. Nhưng sau khi đạt yêu sách họ cũng không chịu lên xe mà đòi đi bộ trong những bộ đồ tu hành trông rất lố bịch và bôi bác tôn giáo.
Tại địa điểm trao trả Lộc Ninh, các tù binh Việt Nam Cộng Hòa được Việt cộng trao trả nhìn thật là thảm hại và thương tâm. Đa số bị bịnh hoạn, đói ăn, nằm la liệt trên cáng, trên võng, hoặc trên nền đất trong những căn nhà lá lụp xụp. Máu mủ từ những vết thương, những chỗ sâu quảng và những mụn ghẻ lở, bốc ra hôi thối. Quần áo rách rưới, mắt lõm sâu vì gày guộc. Có người qúa đói phải xin ngay đồ ăn Ration C của phái đoàn để ăn. Họ cho biết đã phải khiêng nhau đi bộ từ biên giới Cam Bốt mấy ngày đêm, dưới cơn mưa đạn, mới về tới địa điểm trao trả này.
8/.   Chiếc phi cơ C5A này cất cánh khỏi Tân Sơn Nhất để bay ra hướng Vũng Tàu. Khi bay ra biển được khá lâu, ở độ cao 45,000 feet thì một cánh cửa phát nổ. Không khí bên ngoài ập vào mãnh liệt gây thương tích cho nhiều người trong phi cơ, đồng thời hút ra khỏi phi cơ rơi xuống biển khá nhiều hành khách. Vì không đủ áp xuất bay tiếp nên phi công vội vã lèo lái phi cơ bay về đáp khẩn cấp lại phi trường TSN.  Nhưng về gần tới đầu phi đạo thì phi công buộc phải đáp bụng cho phi cơ trượt trên cánh đồng, gây thiệt hại nặng nề cho phi cơ. Tầng trên phi cơ, nơi có nhiều hành khách, bi thiệt hại nặng. nhiều ngườibị thương. Động cơ, cánh và đuôi phi cơ bị văng ra rơi vung vãi trên cánh đồng. Giới chức trách nhiệm của DAO và Không Quân Việt Nam điều động trực thăng, cứu hỏa và các toán cứu hộ tới tiếp cứu nạn nhân sống sót và thu lượm các xác nạn nhân đưa vào bệnh viện. Việc làm này tiến hành ngay trong cả giờ giới nghiêm. Và trên hệ thống radio của Mỹ, DAO đã đứng ra kêu gọi sự hiến máu của mọi người để cứu các nạn nhân còn sống sót. (Theo lời thuật lại của ông Charles Emberger hiện đang sống tại tiểu bang Florida. Ông là cố vấn tiếp vận cho Không quân Việt Nam). 
9/ Ba Mươi Lăm Năm Sau, cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, trong cuộc hội thảo tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 29-9-2010 đã tự thú «Sự thảm bại tại Việt Nam vào ngày 30-4-1975 là do Hoa Kỳ gây nên, chứ không phải Việt Nam Cộng Hòa.»
10/ Tướng Westmoreland xin lỗi cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
«Chúng ta không thua tại Việt Nam, nhưng chúng ta đã không giữ đúng lời cam kết đối với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.»
«Thay mặt cho quân đội Hoa Kỳ, tôi xin lỗi các bạn cựu quân nhân của Quân Lực Miền Nam Việt Nam vì chúng tôi đã bỏ rơi các bạn.» (On behalf of the United States Armed Forces, I would like to apologize to the veterans of the South Vietnamese Armed Forces for abandoning you guys.)

No comments:

Post a Comment