Toàn
văn bài phát biểu của TT Trump trước Đại Hội đồng LHQ
Xuân Thành dịch
Ngày 19/9/2017 Tổng
thống Hoa Kỳ Donald Trump lần đầu tiên phát biểu trước 193 đại diện các nước
của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Bài phát biểu nhấn mạnh các nguyên tắc đối
ngoại của chính quyền Mỹ dưới sự cầm quyền của ông từ sau khi nhậm chức và
trong tương lai. Bài phát biểu nhận được cả sự ủng hộ của nhiều cử tri Mỹ trung
thành cũng như vô vàn chỉ trích của các kênh thông tấn và đối thủ chính trị.
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của ông Trump:
Thưa ngài Tổng thư ký, ngài Chủ tịch, các vị lãnh đạo
thế giới và các đại biểu đáng kính: Chào mừng tới New York. Thật là một vinh dự lớn lao khi
tôi đứng tại thành phố quê hương mình, với tư cách là đại diện cho người Mỹ
phát biểu trước người dân thế giới.
Trong khi hàng triệu người dân của chúng tôi tiếp tục
phải chịu hậu quả của những cơn bão tàn phá nước Mỹ, tôi muốn bắt đầu bằng việc
bày tỏ sự cảm kích đối với mỗi vị lãnh đạo trong khán phòng này, những người đã
đề nghị giúp đỡ và hỗ trợ. Người dân Mỹ mạnh mẽ và kiên cường, và chúng tôi sẽ
vượt qua những khó khăn này còn quyết tâm hơn nữa.
May mắn là Hoa Kỳ đã làm rất tốt trong Ngày bầu cử,
8/11 năm ngoái. Thị trường chứng khoán đang ở mức cao nhất trong lịch sử – một
kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 16 năm, và bởi vì các cải tổ
luật lệ cùng nhiều thứ khác, nhiều người Mỹ đang làm việc hơn bất cứ khi nào
trước đây. Các công ty đang trở lại, tạo ra tăng trưởng việc làm, điều mà đất
nước chúng tôi chưa được chứng kiến trong một thời gian rất dài rồi. Và một
điều mới được công bố là chúng tôi sẽ chi gần 700 tỷ USD cho quân đội và quốc
phòng.
Quân đội của chúng tôi sẽ sớm trở nên mạnh nhất trong
lịch sử của nó. Hơn 70 năm qua, trong thời chiến cũng như hòa bình, các lãnh
đạo của quốc gia, phong trào và tôn giáo đã đứng trước hội đồng này. Giống như
họ, tôi muốn nói về những mối nguy hiểm nghiêm trọng đang đe dọa chúng ta hôm
nay, cũng như những tiềm năng khổng lồ đang chờ được khám phá.
Chúng ta sống trong một thời đại của những cơ hội kỳ
khôi. Các đột phá trong khoa học, công nghệ và y học chữa được các loại bệnh và
giải quyết các vấn đề mà thế hệ trước tưởng rằng không thể.
Nhưng mỗi ngày qua, chúng ta lại nghe tin tức về các
mối nguy hiểm ngày càng gia tăng đang đe dọa tất cả những gì ta trân quý. Những
kẻ khủng bố và cực đoan đã tụ hợp được sức mạnh và gieo rắc lo sợ trên khắp
hành tinh. Các chế độ hiếu chiến mà có đại diện trong cơ quan này không chỉ ủng
hộ khủng bố mà còn đe dọa các quốc gia khác và người dân của chính họ bằng loại
vũ khí có sức hủy diện lớn nhất mà nhân loại từng biết.
Các thế lực độc tài tìm cách làm sụp đổ các giá trị,
hệ thống và liên minh mà đã giúp ta ngăn xung đột, hướng thế giới tới hòa bình
từ sau Thế Chiến II. Những mạng lưới tội phạm quốc tế buôn lậu ma túy, vũ khí,
con người và vô số người trong cuộc đại di cư; đe dọa biên giới của chúng ta;
và các các hình thức lạm dụng công nghệ mới đang tấn công người dân của chúng
ta.
Nói đơn giản lại, chúng ta gặp nhau tại một thời điểm
của cả những hứa hẹn lớn lao cũng như hiểm họa khổng lồ. Nó phụ thuộc hoàn toàn
vào lựa chọn của ta, để nâng thế giới lên tầm cao mới, hay để nó rơi xuống vực
sâu không thể cứu vớt. Chúng ta có sức mạnh đó trong mình, nếu ta chọn giúp
hàng triệu người thoát nghèo đói, giúp nhân dân chúng ta thực hiện giấc mơ của
họ và đảm bảo thế hệ trẻ em mới của ta được nuôi dưỡng trong thế giới không có
bạo lực, sợ hãi và thù địch.
Cơ quan này được thành lập sau sự kiện 2 cuộc thế
chiến với mục tiêu định hình một tương lai tốt đẹp hơn. Nó dựa trên tầm nhìn
rằng các quốc gia khác biệt có thể hợp tác với nhau để bảo vệ chủ quyền, an
ninh và thúc đẩy sự thịnh vượng. Cùng thời gian đó, chính xác vào 70 năm trước,
nước Mỹ đã phát triển Kế hoạch Marshall để khôi phục Châu Âu. 3 cột trụ đẹp đẽ
đó là: hòa bình, chủ quyền, an ninh và thịnh vượng.
Kế hoạch Marshall được xây dựng trên ý tưởng cao
thượng rằng thế giới sẽ an toàn hơn khi các quốc gia mạnh mẽ, độc lập và tự do.
Như Tổng thống Truman đã nói trong thông điệp gửi Quốc hội vào thời gian đó:
“Sự ủng hộ của chúng ta đối với việc phục hồi Châu Âu là hoàn toàn hòa hợp với
sự ủng hộ của chúng ta đối với Liên Hiệp Quốc. Sự thành công của LHQ phụ thuộc
và sức mạnh độc lập của các nước thành viên”.
Để vượt qua hiểm họa trước mắt và hoàn thành những
lời hứa đối với tương lai, chúng ta phải bắt đầu với trí tuệ của quá khứ. Sự
thành công của chúng ta phụ thuộc vào liên minh những quốc gia mạnh mẽ và độc
lập, một liên minh tôn trọng chủ quyền, thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và hòa
bình cho bản thân họ và cho cả thế giới.
Chúng tôi không mong muốn các quốc gia đa dạng chia
sẻ cùng một nền văn hoá, truyền thống, hay thậm chí các hệ thống chính phủ.
Nhưng chúng tôi rất muốn các quốc gia hãy duy trì hai nhiệm vụ then chốt cót lõi
sau: tôn trọng lợi ích của nhân dân nước mình và tôn trọng quyền lợi của mọi
quốc gia có chủ quyền khác. Đây là tầm nhìn tuyệt vời của tổ chức này,
và đây là nền tảng cho sự hợp tác và thành công.
Các quốc gia mạnh mẽ và có chủ quyền hãy để các quốc
gia đa dạng với các giá trị khác nhau, văn hóa khác nhau và những giấc mơ khác
nhau, không chỉ cùng tồn tại, mà còn cùng sát cánh bên nhau hành động dựa trên
nguyên tắc cơ bản của việc tôn trọng lẫn nhau.
Các quốc gia mạnh mẽ, có chủ quyền hãy để nhân dân
của mình làm chủ tương lai đất nước và kiểm soát vận mệnh của họ. Và các quốc
gia mạnh mẽ, có chủ quyền hãy cho phép các cá nhân được phát triển thịnh vượng
suốt cả cuộc đời họ theo sự an bài của Thiên Chúa.
Ở Mỹ, chúng tôi không tìm cách áp đặt lối sống của
mình cho bất cứ ai, mà để nó tỏa sáng như một tấm gương cho mọi người nhìn vào.
Tuần này mang lại cho đất nước chúng tôi một lý do đặc biệt để tự hào về ví dụ
đó. Chúng tôi đang kỷ niệm 230 năm Hiến pháp tuyệt vời của chúng tôi – bản hiến
pháp lâu đời nhất vẫn được sử dụng trên thế giới ngày nay.
Tài liệu vượt thời gian này đã trở thành nền tảng cho
hòa bình, thịnh vượng và tự do cho người Mỹ cũng như vô số hàng triệu người
khác trên thế giới, những người sống trong các quốc gia có khát vọng và tôn
trọng đối với nhân văn, phẩm giá và pháp trị.
Điều vĩ đại nhất trong Hiến pháp Mỹ là 3 từ đầu tiên
của nó: We the people (Người dân chúng ta). Nhiều thế hệ người Mỹ đã hy sinh để
bảo vệ lời hứa đằng sau những chữ này, lời hứa của đất nước chúng ta, của lịch
sử vĩ đại của chúng ta. Ở Mỹ, nhân dân quản lý, nhân dân cai trị và nhân dân có
quyền lực tối cao. Tôi được bầu lên không phải để nắm quyền, mà để trả quyền
lực về cho người dân Mỹ, nơi nó thuộc về.
Về vấn đề ngoại giao, chúng tôi đang rà soát lại
nguyên tắc nền tảng về chủ quyền. Nhiệm vụ trước tiên của chính phủ chúng tôi
là vì nhân dân mình, vì công dân của mình – để phục vụ nhu cầu của họ, đảm bảo
sự an toàn của họ, duy trì quyền lợi của họ và bảo vệ giá trị của họ.
Với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi sẽ luôn luôn
đặt nước Mỹ lên trên hết, cũng giống như quý vị, là lãnh đạo của đất nước các
vị, sẽ luôn luôn và nên luôn luôn đặt ưu tiên quốc gia của quý vị lên trên hết.
Tất cả những nhà lãnh đạo có trách nhiệm đều có nghĩa
vụ phải phục vụ công dân của nước mình và thể chế nhà nước vẫn là phương tiện
tốt nhất giúp nâng cao điều kiện con người.
Nhưng việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho
nhân dân của ta cũng yêu cầu chúng ta phải làm việc cùng nhau một cách chặt chẽ
và hòa ái, tạo ra một tương lai an toàn và yên bình hơn cho tất cả mọi người.
Hoa Kỳ sẽ mãi mãi là người bạn vĩ đại của thế giới,
và đặc biệt là với các đồng minh của mình. Nhưng chúng tôi sẽ không còn chịu để
bị lợi dụng, hoặc tham gia vào thỏa thuận một chiều, nơi đổi lại Hoa Kỳ không
nhận được gì. Chừng nào tôi còn tại nhiệm, tôi sẽ bảo vệ lợi ích của nước Mỹ
hơn hết thảy mọi thứ khác.
Nhưng để hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của chúng ta đối
với đất nước chúng ta, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng mọi người đều quan tâm
tìm kiếm một tương lai mà tất cả các quốc gia đều có thể có chủ quyền, thịnh
vượng và an toàn.
Nước Mỹ đã làm nhiều hơn nói vì những giá trị được
thể hiện trong Hiến Chương LHQ. Các công dân của chúng tôi đã trả cái giá cuối
cùng để bảo vệ tự do của chúng tôi cũng như tự do của rất nhiều quốc gia có đại
diện trong đại sảnh đường này. Sự cống hiến của nước Mỹ được kể đến qua các
trận chiến, nơi mà những người trẻ, cả đàn ông và phụ nữ của chúng tôi đã chiến
đấu và hy sinh bên cạnh các đồng minh, từ bãi biển Châu Âu, các sa mạc của
Trung Đông tới các rừng rậm châu Á.
Lịch sử sẽ ghi những dòng vĩnh hằng cho chí khí Mỹ
rằng thậm chí sau khi chúng tôi và các đồng minh chiến thắng các cuộc chiến đẫm
máu nhất, chúng tôi không tìm cách xâm chiếm lãnh thổ, chiếm giữ hay áp đặt lối
sống của chúng tôi lên người khác. Thay vào đó, chúng tôi hỗ trợ họ xây dựng
các thể chế, giống như LHQ này để bảo vệ chủ quyền an ninh và thịnh vượng cho
tất cả.
Vì sự đa dạng quốc gia trên thế giới, đây là hy vọng
của chúng ta. Chúng ta muốn hòa hợp và hữu nghị, không muốn xung đột và đấu
tranh. Chúng ta được định hướng bởi kết quả, không phải ý thức hệ. Chúng ta có
chính sách về chủ nghĩa hiện thực nguyên tắc, bắt nguồn từ các mục tiêu, lợi
ích và giá trị chung.
Chủ nghĩa hiện thực buộc chúng ta phải đối mặt với
một vấn đề mà mọi nhà lãnh đạo và quốc gia trong căn phòng này đều phải đối
mặt. Đó là vấn đề mà chúng ta không thể trốn chạy hoặc né tránh. Chúng ta sẽ
trượt xuống con đường tự mãn, tê liệt trước những thách thức, đe dọa và ngay cả
những cuộc chiến mà chúng ta phải đối mặt. Hoặc là chúng ta sẽ có đủ sức mạnh
và niềm tự hào để đương đầu với những nguy cơ ngày hôm nay, để dân chúng của
chúng ta có thể hưởng thụ hòa bình và thịnh vượng ngày mai?
Nếu chúng ta muốn nâng cao điều kiện sống cho công
dân của mình, nếu chúng ta mong muốn sự chấp thuận của lịch sử, thì chúng ta
phải hoàn thành nhiệm vụ trọng yếu của mình đối với những người mà chúng ta
trung thành đại diện. Chúng ta phải bảo vệ dân tộc mình, lợi ích và tương lai
của nhân dân chúng ta.
Chúng ta phải phản đối các mối đe dọa tới chủ quyền
của chúng ta, từ Ukraine
tới biển Đông. Chúng ta phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới và tôn
trọng văn hóa, và cho phép sự can dự hòa bình.
Và cũng giống như những người sáng lập ra cơ quan này
[Liên Hiệp Quốc], chúng ta phải làm việc cùng nhau và cùng nhau đương đầu với
những kẻ đe dọa tạo ra sự hỗn loạn, xáo động và khủng bố.
Tai họa của hành tinh chúng ta hôm nay là có một nhóm
nhỏ các chế độ lưu manh vi phạm mọi nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc. Họ
không tôn trọng chính công dân của họ và quyền chủ quyền của chính các quốc gia
mình.
Nếu nhiều người công chính không đối đầu với những kẻ
độc ác, vậy thì điều ác sẽ chiến thắng. Khi nhiều dân tộc và quốc gia trở thành
những người ngoài cuộc trong dòng chảy lịch sử, các thế lực hủy diệt [văn minh
nhân loại] sẽ ngày càng tập hợp được quyền lực và sức mạnh.
Không nước nào từng bày tỏ thái độ khinh rẻ các quốc
gia khác và coi thường phúc lợi của chính nhân dân mình hơn chế độ đồi bại tại
Bắc Triều Tiên. Chế độ này phải chịu trách nhiệm cho hàng triệu sinh mạng người
Triều Tiên bị chết đói, và vô số người bị giam cầm, tra tấn, giết chóc và đàn
áp.
Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến sự lạm dụng chết
người của chế độ này khi một sinh viên người Mỹ vô tội, Otto Warmbier, đã thiệt
mạng chỉ vài ngày sau khi được đưa về nước. Chúng ta đã được thấy chính quyền
đó thực hiện ám sát người anh trai của lãnh tụ độc tài bằng việc sử dụng chất
độc thần kinh bị cấm ở một cảng hàng không quốc tế. Chúng ta biết họ đã bắt cóc
một bé gái 13 tuổi dễ thương người Nhật Bản ngay tại bãi biển trên đất nước của
em và biến em bé thành nô lệ để dạy tiếng Nhật cho các điệp viên Bắc Hàn.
Nếu điều này không đủ trở ngại, mưu cầu về vũ khí hạt
nhân và tên lửa liều lĩnh hiện nay của Bắc Hàn đe dọa toàn thế giới với sự
thiệt hại về nhân mạng là không thể tưởng tượng nổi.
Thật phẫn nộ khi một số quốc gia không chỉ giao
thương với chế độ như vậy, mà còn hỗ trợ, cung cấp, ủng hộ tài chính cho một
đất nước đe dọa thế giới với cuộc xung đột hạt nhân. Không nước nào trên trái
đất này quan tâm đến việc tự trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa phạm pháp như
vậy.
Hoa Kỳ có sức mạnh và kiên nhẫn lớn lao, nhưng nếu
buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ đồng minh, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác
ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên.
Gã tên lửa (Roket Man) đang có hành vi tự sát cho bản
thân và cả chế độ của mình. Hoa Kỳ sẵn sàng, sẵn lòng và có thể, nhưng hy vọng
điều này sẽ là không cần thiết. Đó là tất cả những gì Liên Hiệp Quốc thuộc về;
đó là điều Liên Hiệp Quốc vì thế [mà tồn tại]. Chúng ta hãy xem cách họ làm.
Đã đến lúc Bắc Hàn phải nhận thức rằng phi hạt nhân
hóa là tương lai duy nhất mà họ có thể được chấp nhận. Hội đồng Bảo an Liên
Hiệp Quốc hiện tại đã hai lần bỏ phiếu thống nhất 100% thông qua các nghị quyết
cứng rắn đối với Bắc Hàn, và tôi muốn cảm ơn Trung Quốc và Nga đã tham gia bỏ
phiếu áp đặt chế tài, cùng với tất cả các thành viên khác của Hội đồng Bảo an.
Cảm ơn tất cả các quí vị đã hợp tác.
Tuy nhiên chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa. Đã
đến lúc tất cả các nước phải làm việc cùng nhau để cô lập chế độ nhà họ Kim cho
đến khi họ chấm dứt hành vi thù địch.
Chúng ta phải đối mặt với quyết định này không chỉ ở
Bắc Triều Tiên. Đã đến lúc các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với một chế
độ liều lĩnh khác – một chế độ nói công khai về hành vi giết người hàng loạt,
thề tiêu diệt nước Mỹ, đe doạn hủy diệt Israel và hủy hoại nhiều vị lãnh đạo và
quốc gia có mặt trong khán phòng này.
Chính quyền Iran che dấu một chế độ độc tài hủ
bại đằng sau mặt nạ về nền dân chủ. Chế độ này đã biến một quốc gia giàu có với
lịch sử và văn hoá phong phú thành một quốc gia suy kiệt kinh tế và thứ xuất
khẩu chính là bạo lực, đổ máu và hỗn loạn. Những nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề
nhất của các nhà lãnh đạo của Iran, trên thực tế, là những người dân của chính
đất nước này.
Thay vì sử dụng các nguồn lực của mình để cải thiện
cuộc sống của người Iran, lợi nhuận dầu mỏ của họ lại được dùng để tài trợ cho
Hezbollah và các phần tử khủng bố khác giết chết những người Hồi giáo vô tội và
tấn công các nước láng giềng Ả-rập và Israel.
Sự giàu có này, đúng là phải thuộc về nhân dân
Iran, nhưng cũng được dùng vào việc củng
cố chế độ độc tài Bashar al-Assad [ở Syria], châm ngòi cho cuộc nội chiến tại
Yemen, và phá hoại hòa bình trên toàn bộ Trung Đông.
Chúng ta không thể để chế độ giết người này tiếp diễn
các hành động gây mất ổn định bằng việc sản xuất các loại tên lửa nguy hiểm, và
chúng ta không thể chấp nhận một thỏa thuận nếu nó cung cấp sự che chở cho việc
xây dựng một chương trình hạt nhân. Thỏa thuận Iran là một trong những vụ đàm phán
gần nhất, tồi tệ nhất mà Hoa Kỳ từng tham gia. Thành thật mà nói, thỏa thuận đó
là một sự bối rối đối với Hoa Kỳ, và tôi không nghĩ rằng quý vị đã nghe thấy
điều cuối cùng về nó – hãy tin tôi.
Đã đến lúc toàn thế giới phải tham gia cùng chúng tôi
trong việc yêu cầu chính quyền Iran
kết thúc tham vọng sở hữu sự chết chóc và hủy diệt. Đã đến lúc chế độ này phải
thả tự do cho tất cả người Mỹ và công dân của các quốc gia khác mà họ đã từng
giam giữ bất hợp pháp. Và trên tất cả, chính quyền Iran phải dừng ngay việc ủng hộ
những kẻ khủng bố, bắt đầu phục vụ chính nhân dân của họ, và tôn trọng quyền
chủ quyền của các nước láng giếng của họ.
Toàn thế giới hiểu rằng người dân lương thiện ở Iran
muốn thay đổi, và hơn cả quyền lực quân sự áp đảo của Hoa Kỳ, chính nhân dân
Iran mới là điều mà các nhà lãnh đạo của họ e sợ nhất. Đây là điều khiến cho
chế độ này thực hiện hạn chế tiếp cận internet, phá hỏng các thiết bị vệ tinh,
nã đạn vào những người biểu tình sinh viên không có vũ trang, và bỏ tù những
nhà cải cách chính trị.
Các chế độ áp bức không thể tồn tại mãi, và sẽ có
ngày người dân Iran
được đối mặt với một lựa chọn. Họ sẽ tiếp tục lao dốc xuống con đường của sự nghèo đói, đẫm máu và
khủng bố? Hay nhân dân Iran
sẽ trở lại nguồn cội đáng tự hào của họ khi là trung tâm của văn minh, văn hóa
và sự thịnh vượng, nơi người dân lại có thể hạnh phúc và thịnh vượng?
Sự ủng hộ của chế độ Iran dành cho những kẻ khủng bố là
tương phản hoàn toàn với những cam kết hiện tại của nhiều quốc gia láng giềng
của nước này trong việc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và dừng cung ứng
tiền cho khủng bố.
Tại Ả-rập Saudi đầu năm nay, tôi đã rất vinh dự được
phát biểu trước lãnh đạo của hơn 50 quốc gia Ả-rập và Hồi giáo. Chúng tôi đã
đồng ý rằng tất cả các quốc gia có trách nhiệm phải làm việc cùng nhau để đương
đầu với các phần tử khủng bố và chủ nghĩa cực đoan hồi giáo, ý thức hệ đã
truyền cảm hứng cho chúng.
Chúng ta sẽ ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực
đoan vì chúng ta không thể cho phép chúng tàn phá quốc gia của chúng ta, và
thực sự phá nát cả thế giới.
Chúng ta phải hủy bỏ những nơi trú ẩn an toàn cho
khủng bố, quá cảnh, tài chính, và bất cứ hình thức hỗ trợ nào cho hệ tư tưởng
xấu xa và độc ác của chúng. Chúng ta phải đánh đuổi chúng ra khỏi đất nước của
chúng ta. Đã đến lúc phải phơi bày và quy trách nhiệm cho những quốc gia ủng hộ
và tài trợ cho những nhóm khủng bố như al-Qaeda, Hezbollah, Taliban và nhiều
nhóm chiến binh giết người vô tội khác.
Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi đang làm việc
cùng nhau trên toàn Trung Đông để càn quét những kẻ khủng bố thua cuộc và ngăn
chặn sự tái bùng phát của những nơi trú ẩn an toàn mà chúng sử dụng để triển
khai các cuộc tấn công nhắm vào tất cả người dân của chúng ta.
Tháng trước, tôi đã công bố một chiến lược mới để
chiến thắng trong cuộc chiến chống lại cái ác này ở Afghanistan. Từ bây giờ trở đi, các
mối quan tâm an ninh của chúng tôi sẽ chỉ sự lâu dài và phạm vi hoạt động của
quân đội, chứ không phải các tiêu chuẩn và thời gian biểu tùy ý do các chính
trị gia thiết lập.
Tôi cũng đã thay đổi toàn diện các quy tắc tham dự
vào các cuộc chiến của chúng ta chống lại Taliban và các nhóm khủng bố khác.
Tại Syria và Iraq, chúng ta
đã giành được những thắng lợi lớn hướng tới sự thất bại cuối cùng của IS. Thực
tế, trong vòng 8 tháng qua, đất nước của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu
trong cuộc chiến chống IS hơn những gì
mà nhiều, nhiều năm trong quá khứ cộng lại.
Chúng tôi tìm kiếm sự xuống thang trong xung đột tại Syria, và một giải pháp chính trị tôn trọng ý
chí của người dân Syria.
Những hành động tội ác của chế độ Bashar al-Assad, trong đó có việc sử dụng vũ
khí hóa học chống lại chính nhân dân của họ –
thậm chí là cả những đứa trẻ vô tội –
gây sốc cho mọi người tử tế có lương tâm. Không xã hội nào có thể được
an toàn nếu những vũ khí hóa học bị cấm vẫn được phép sử dụng tràn lan. Đó là
lý do tại sao Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc tấn công tên lửa vào căn cứ không
quân [của chính quyền Syria], nơi đã thực hiện cuộc tấn công [bằng vũ khí hóa
học].
Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan
của LHQ, nơi đang cung cấp cứu trợ nhân đạo thiết yếu tại các vùng đã được giải
phóng khỏi IS, và chúng tôi đặc biệt cảm ơn Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Li Băng vì
vai trò của họ trong việc tiếp nhận những người tị nạn trốn chạy từ cuộc xung
đột Syria.
Hoa Kỳ là một quốc gia thiện lương và đã từng viện
trợ hàng tỷ tỷ USD để hỗ trợ cho nỗ lực [trợ giúp người tị nạn] này. Chúng tôi
tìm kiếm cách tiếp cận để tái định cư cho người tị nạn, được thiết kế để giúp
những người bị đối xử tàn nhẫn này, và cho phép họ có thể trở lại quê hương của
họ, đó là một phần của quá trình tái thiết.
Với chi phí của việc tái định cư cho một người tị nạn
tại Hoa Kỳ, chúng tôi có thể giúp đỡ được hơn 10 người ngay tại quê nhà của họ.
Với lòng tốt của chúng tôi, chúng tôi hỗ trợ tài chính cho việc các nước trong
khu vực cho người tị nạn lưu trú và chúng tôi ủng hộ các hiệp định gần đây của
các quốc gia trong khối G20 nhằm tìm kiếm nơi ở cho người tị nạn càng gần đất
nước của họ càng tốt. Đây là cách tiếp cận an toàn, trách nhiệm và nhân đạo.
Qua hàng thập kỷ, Hoa Kỳ đã giải quyết các thách thức
về nhập cư ở đây, ngay tại Tây bán cầu. Qua thời gian dài, chúng tôi đã nhận
thức được rằng nhập cư không kiểm soát là cực kỳ bất công cho cả những quốc gia
có người ra đi và đất nước đón nhận người nhập cư.
Đối với những nước có người ra đi, nó làm giảm áp lực
trong nước để theo đuổi cải cách chính trị và kinh tế cần thiết, và thất thoát
nguồn nhân lực cần thiết để thúc đẩy và thực hiện những cải cách đó.
Đối với các nước tiếp nhận, chi phí đáng kể của việc
di cư không kiểm soát là dẫn tới các công dân có thu nhập thấp chiếm đa số áp
đảo – những mối quan ngại thường bị các phương tiện truyền thông và chính phủ
bỏ qua.
Tôi muốn lần đầu làm việc với LHQ trong việc tìm cách
giải quyết các vấn đề khiến mọi người phải trốn chạy khỏi quê hương của họ. LHQ
và Liên minh Châu Phi dẫn dắt các sứ mệnh gìn giữ hòa bình phải có những cống
hiến vô giá trong việc ổn định các cuộc xung đột tại Châu Phi. Hoa Kỳ lãnh đạo
thế giới trong việc cứu trợ nhân đạo, trong đó có ngăn chặn đói nghèo và cứu
trợ tại Nam Sudan, Somalia, miền bắc Nigeria và Yemen.
Chúng ta đã từng đầu tư vào sức khỏe và cơ hội tốt
hơn trên toàn thế giới thông qua các chương trình như PEPFAR, nơi tài trợ cho
hỗ trợ bệnh nhân AIDS; Sáng kiến Sốt rét của Tổng thống; Chương trình An ninh Y
tế Toàn cầu; Quỹ Toàn cầu cho việc Chấm dứt Chủ nghĩa Nô lệ Hiện đại; và Sáng
kiến Tài chính Doanh nghiệp Phụ nữ – một phần trong cam kết của chúng ta về
trao quyền cho phụ nữ trên toàn cầu.
Chúng tôi cũng cảm ơn Tổng thư ký LHQ vì đã nhận thấy
rằng LHQ phải cải cách nếu tổ chức này là đối tác hiệu quả trong việc đương đầu
với các đe dạo về chủ quyền, an ninh và thịnh vượng. Tổ chức này trước nay
thường không tập trung vào kết quả, nhưng lại quan tâm tới quản lý quan liêu và
quá trình.
Trong một vài trường hợp, các quốc gia muốn loại bỏ
các mục tiêu cao quý của tổ chức này, họ đã chiếm quyền kiểm soát các hệ thống
được cho là thúc đẩy họ tiến bộ. Chẳng hạn như, LHQ thực sự gây bối rối lớn khi
một vài chính phủ với hồ sơ vi phạm nhân quyền trầm trọng lại có ghế trong Hội
đồng Nhân quyền LHQ.
Hoa Kỳ là một trong 193 nước thành viên Liên Hiệp
Quốc, nhưng chúng tôi đóng góp 22% của toàn bộ ngân sách của tổ chức này và còn
hơn thế nữa. Thực tế, chúng tôi đã chi trả nhiều hơn bất cứ ai có thể nhận ra.
Hoa Kỳ chịu gánh nặng chi phí không công bằng, nhưng nó sẽ là công bằng nếu
thực sự tổ chức này có thể đạt được tất cả các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là
mục tiêu hòa bình, thì khoản đầu tư này sẽ đáng giá.
Phần lớn thế giới đang trong xung đột và một vài nơi,
thực tế là đang hướng tới địa ngục. Nhưng, dưới sự định hướng và bảo trợ của
LHQ, những người có quyền lực trong khán phòng này có thể giải quyết được nhiều
vấn đề xấu xa và phức tạp này.
Người dân Mỹ hy vọng rằng một ngày không xa LHQ có
thể là một tổ chức hỗ trợ, bảo vệ nhiều trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn vì phẩm
hạnh và tự do của con người trên toàn thế giới. Đồng thời, chúng tôi tin rằng
không quốc gia nào nên phải chịu gánh nặng về khoản không tương xứng, cả về
quân lực và tài chính. Các quốc gia trên thế giới phải đóng góp vai trò lớn hơn
nữa trong việc thúc đẩy các xã hội an toàn và thịnh vượng trên các khu vực của
chính họ.
Đó là lý do vì sao ở nửa Tây bán cầu, Hoa Kỳ đã từng
đứng lên chống lại chế độ tham nhũng và gây bất ổn ở Cuba
và che chở cho giấc mơ lâu dài được sống trong tự do của nhân dân Cuba. Chính phủ
của tôi hiện tại đã thông báo rằng chúng tôi sẽ không dỡ bỏ chế tài đối với
chính quyền Cuba
cho đến khi nào họ thực hiện các cải cách cơ bản.
Chúng tôi cũng đã áp đặt những chế tài cứng rắn đối
với chế độ chủ nghĩa xã hội của Maduro ở Venezuela, chế độ đã biến một quốc gia
từng rất thịnh vượng tới bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn.
Chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa của Nicolas Maduro đã
gây ra đau thương khủng khiếp và nỗi thống khổ cho những người tốt trên đất
nước này. Chế độ hủ bại này đã phá hủy một quốc gia thịnh vượng bởi áp đặt một
ý thức hệ thất bại, ý thức hệ mà đã tạo ra đói nghèo và khốn khổ ở mọi nơi từng
thử áp dụng nó. Để làm cho vấn đề tồi tệ hơn, Maduro đã thách thức người dân
của mình, đánh cắp quyền lực từ các đại diện dân biểu để bảo vệ luật lệ thảm
khốc của mình.
Nhân dân Venezuela đang đói khổ và đất nước
của họ đang sụp đổ. Các thể chế dân chủ của họ đang bị phá hủy. Tình cảnh này
là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được và chúng ta không thể chỉ đứng nhìn.
Là một nước láng giềng và người bạn có trách nhiệm,
chúng tôi và tất cả các nước khác có một mục tiêu. Mục tiêu đó là giúp họ giành
lại tự do của họ, phục hồi đất nước của họ, và khôi phục nền dân chủ của họ.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các vị lãnh đạo trong khán phòng này vì đã lên án
chế độ [Maduro] và cung cấp sự ủng hộ thiết yếu cho nhân dân Venezuela.
Hoa Kỳ đã tiến hành các bước quan trọng để giữ cho
chế độ đó [hành xử] có trách nhiệm. Chúng tôi đang chuẩn bị để hành động tiếp
nữa nếu chính quyền Venezuela
tiếp tục đi trên con đường áp đặt chế độ độc tài đối với người dân Venezuela.
Chúng tôi rất may mắn có được những mối quan hệ
thương mại lành mạnh và mạnh mẽ với nhiều nước châu Mỹ La-tinh, tập hợp ở đây
hôm nay. Sự uy tín về kinh tế của chúng ta tạo thành nền tảng quan trọng cho
việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng cho tất cả nhân dân trong đất nước chúng
ta và tất cả người dân của các nước láng giếng chúng ta.
Tôi yêu cầu các quốc gia có mặt ở đây hôm nay hãy
chuẩn bị hành động nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng thực sự này.
Chúng tôi kêu gọi khôi phục đầy đủ nền dân chủ và tự do chính trị tại Venezuela.
Vấn đề tại Venezuela không phải nước này đã thực thi
chủ nghĩa xã hội một cách yếu kém, mà là chủ nghĩa xã hội đã được thực hành một
cách thành thực. Từ Liên bang Xô viết tới Cuba tới Venezuela, nơi nào chủ nghĩa
xã hội hay chủ nghĩa cộng sản chân chính được áp dụng, nơi đó đều phải chịu
đắng cay, tuyệt vọng và thất bại. Những ai còn rao giảng về giáo lý của thứ chủ
nghĩa đầy tai tiếng này thì chỉ góp phần kéo dài đau khổ cho những người phải
sống dưới những chế độ độc ác này.
Nước Mỹ sát cánh cùng với mọi người dân sống dưới chế
độ tàn bạo. Sự tôn trọng chủ quyền của chúng ta cũng là một lời kêu gọi hành
động. Tất cả mọi người dân đều xứng đáng có được một chính phủ biết quan tâm
đến sự an toàn, lợi ích và phúc lợi của họ, kể cả sự thịnh vượng của họ.
Ở Mỹ, chúng tôi tìm kiếm các mối quan hệ mạnh mẽ hơn
về kinh tế và thương mại với tất cả các quốc gia có lương tri, nhưng hoạt động
thương mại này phải công bằng và nó phải có tính đối ứng.
Trong thời gian dài, người dân Mỹ được nói rằng các
giao dịch thương mại đa quốc gia khổng lồ, các tòa án quốc tế phức tạp và các
cơ quan hành chính toàn cầu mạnh mẽ là cách tốt nhất để thúc đẩy thành công của
họ. Nhưng khi những hứa hẹn đổ vỡ, hàng triệu việc làm và hàng ngàn nhà máy
biến mất. Những người khác [tham gia sân chơi toàn cầu] đánh lừa hệ thống và
phá vỡ các quy tắc. Và tầng lớp trung lưu vĩ đại của chúng ta, nền tảng của sự
thịnh vượng của Mỹ, đã bị lãng quên và bỏ rơi, nhưng bây giờ họ không bị lãng
quên thêm nữa và họ sẽ không bao giờ lại bị lãng quên nữa.
Mặc dù nước Mỹ sẽ theo đuổi hợp tác và giao thương
với các nước khác, nhưng chúng tôi cũng đang làm mới lại các cam kết của mình
đối với nhiệm vụ trước tiên của mọi chính phủ: phục vụ công dân của chúng ta.
Mối liên kết này là nguồn sức mạnh của Hoa Kỳ và của mọi quốc gia có trách
nhiệm có mặt ở đây hôm nay.
Nếu tổ chức này có bất kỳ hy vọng nào về việc đương
đầu thành công với các thách thức trước mặt chúng ta, như cựu Tổng thống Truman
đã từng nói từ 70 năm trước, điều đó sẽ phụ thuộc vào “sức mạnh độc lập của mỗi
thành viên”. Nếu chúng ta muốn nắm lấy các cơ hội của tương lai và vượt qua
những thách thức hiện tại cùng nhau, không gì thay thế được cho các quốc gia
mạnh mẽ, có chủ quyền và độc lập – những quốc gia khởi nguồn từ lịch sử của họ
và đã đầu tư vào vận mệnh của họ; các quốc gia muốn tìm kiếm các đồng minh để
làm bạn, không phải kẻ thù để chinh phục; và điều quan trọng nhất trên tất cả,
các quốc gia chính là quê hương của những người yêu nước, của những người đàn
ông và phụ nữ sẵn lòng hy sinh vì đất nước mình, vì đồng bào mình, và vì tất cả
những điều tốt đẹp nhất trong tinh thần con người.
Nhớ lại chiến thắng vĩ đại dẫn đến sự ra đời của LHQ,
chúng ta không bao giờ quên rằng những anh hùng đã chiến đấu chống lại cái ác
cũng chiến đấu vì các quốc gia họ yêu mến.
Chủ nghĩa yêu nước đã dẫn dắt những người Ba Lan
quyên sinh bản thân mình để cứu đất nước Ba Lan, người Pháp đã đấu tranh vì tự
do của nước Pháp, và người Anh đã đứng lên mạnh mẽ vì nước Anh.
Ngày nay, nếu chúng ta không chú trọng đến bản thân
chúng ta, trái tim của chúng ta, và khối óc của chung ta trong đất nước chúng ta, nếu chúng ta sẽ
không xây dựng các gia đình mạnh mẽ, cộng đồng an toàn, và xã hội lành mạnh vì
bản thân chúng ta, thì không ai có thể làm điều đó cho chúng ta.
Chúng ta không thể đợi bất kỳ ai khác, các quốc gia
đâu đó hoặc các quan chức xa xôi – chúng ta không thể làm điều đó. Chúng ta
phải giải quyết các vấn đề của chúng ta, để xây dựng sự thịnh vượng của chúng
ta, an toàn cho tương lai chúng ta, bằng không chúng ta sẽ dễ bị phân rã, thống
trị và thất bại.
Vấn đề thực sự đối với LHQ ngày nay, đối với tất cả
người dân trên toàn thế giới, những người hy vọng có được cuộc sống tốt đẹp hơn
cho bản thân họ và con cái của họ, là điều cơ bản sau: Chúng ta vẫn là những người
yêu nước chứ? Chúng ta có yêu đất nước chúng ta đủ để bảo vệ chủ quyền của đất
nước và nắm quyền làm chủ tương lai đất nước?
Chúng ta có tôn kính đất nước đủ để bảo vệ lợi ích của nước mình, duy
trì văn hóa quốc gia, và đảm bảo một thế giới hòa bình cho công dân của đất
nước mình?
Một trong những người yêu nước Mỹ vĩ đại nhất, John
Adams, đã viết rằng Cách mạng Mỹ “đã được thực hiện trước khi chiến tranh bắt
đầu. Cuộc cách mạng đó đã ở trong tâm trí và trái tim của người dân”.
Đó là khoảnh khắc khi người Mỹ bừng tỉnh, khi chúng
ta nhìn xung quanh và hiểu được rằng chúng ta là một dân tộc. Chúng ta đã nhận
ra rằng chúng ta là ai, giá trị của chúng ta là gì và chúng ta sẽ hy sinh mạng
sống của mình vì điều gì, câu chuyện về nước Mỹ là câu chuyện về những gì có
thể khi mọi người dân nắm lấy quyền làm chủ tương lai của họ.
Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã từng là một trong những lực
lượng vĩ đại nhất vì sự tốt đẹp trong lịch sử thế giới, và là những người bảo
vệ vĩ đại nhất cho chủ quyền, an ninh và sự thịnh vượng cho tất cả.
Bây giờ chúng tôi đang kêu gọi vì sự thức tỉnh quốc
gia vĩ đại, vì phục hồi tinh thần của quốc gia, niềm tự hào, dân tộc và chủ
nghĩa yêu nước.
Lịch sử đang hỏi chúng ta liệu chúng ta có làm nhiệm
vụ này hay không. Câu trả lời của chúng ta sẽ là một sự đổi mới của ý chí, khám
phá lại sự quyết tâm, và tái sinh lòng sùng kính. Chúng ta cần đánh bại những
kẻ thù của nhân loại và mở ra tiềm năng của cuộc sống.
Hy vọng của chúng ta là một từ, và thế giới của các
quốc gia đáng tự hào, độc lập, nắm bắt trách nhiệm của họ, tìm kiếm tình hữu
nghị, tôn trọng nước khác và giải quyết vấn đề chung trong lợi ích chung lớn
lao nhất: một tương lai của nhân phẩm và hòa bình cho người dân trên trái đất
tuyệt vời này.
Đây là tầm nhìn thực sự của LHQ, là hy vọng từ xa xưa
của mọi người dân, và là khao khát sâu thẳm nhất tồn tại trong mỗi linh hồn
thiêng liêng.
Vì vậy hãy coi đây là sứ mệnh của chúng ta, và hãy
coi đây là thông điệp của chúng ta gửi tới thế giới: Chúng ta sẽ chiến đấu cùng
nhau, hy sinh cùng nhau, và sát cánh bên nhau vì hòa bình, vì tự do, vì công
bằng, vì gia đình, vì nhân loại và vì Thiên Chúa toàn năng đã ban cho chúng ta
tất cả.
Cảm ơn quý vị. Thiên Chúa ban phước cho quý vị. Thiên
Chúa ban phước cho mọi quốc gia trên thế giới. Và Thiên Chúa ban phước cho Hợp
chúng quốc Hoa Kỳ. Cảm ơn quý vị rất nhiều!
Xuân Thành dịch
No comments:
Post a Comment