Tháp Thần Trung Quốc
Dương Thanh-Phương
(Yang Xifan)
Xifan Yang – Journalistin und Autorin
Cộng Sản trung quốc đang hoàn thiện mạng lưới điện tử để kiểm soát dân. Nhưng tại sao dân lại không phản đối? Bài của Dương Thanh-phương (Yang Xifan), phóng viên của Die Zeit tại Pê-kinh (Die Zeit số 3 ngày 10.01.2019).
Người dịch: Phạm Hồng-Lam.
Tựa do người dịch đặt.
● ● ●
Danh sách sổ đen được cập nhật hàng ngày. Đã có trên 12 triệu danh tính trên trang mạng của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao (TA), gồm tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, tội vi phạm. Từng ngày, từng giờ, từng phút danh sách kết án về tội «phá vỡ lòng tin» cứ dài thêm theo sau mỗi nhát búa đóng xuống bàn của các quan tòa.
Sơn-phương, 46 tuổi, ở thành phố Tangshan , tỉnh Hồ-bắc (Hebei ). Đương sự đã phá vỡ niềm tin do nhân dân trao phó, khi đương sự gây ra tai nạn xe
hơi và không bồi thường cho nạn nhân.
Quý-châu, 18 tuổi, quận Hua, tỉnh Hà-nam (Henan ). Đương sự trốn nhiệm vụ quân dịch trong
tỉnh bất an Tân-cương (Xinjiang) và bỏ trốn về nhà.
Tính, 60 tuổi, quận Taojiang, tỉnh Hồ-nam (Hunan ).
Dắt chó đi chơi. Chó chồm lên một ông già về hưu, làm ông trượt té gãy xương. Đương sự còn nợ ông già tính ra 3000 âu kim
tiền bồi thường.
Việt-linh, 45 tuổi, thành phố Linfen,
tỉnh Sơn-tây (Shanxi ).
Tỉ phú với một hệ thống công ti làm phim điện tử và bán điện thoại số -
cho tới khi thất bại và không còn trả được
nợ nữa.
Hứa, 40 tuổi, đơn vị hành chánh Trùng-khánh (Chonqging). Bị kết án «làm tổn hại thanh danh» và «phao
tin đồn». Ông này trước đó là một nhà báo phóng sự điều
tra và đã khám phá ra nhiều vụ tham
nhũng.
Trong thời Trung Cổ, ai bị tố là đã không tuân thủ quy luật của cộng đồng, người đó bị trói vào một cây cọc nơi công cộng. Người
qua lại có quyền nhạo báng, nhổ nước bọt, ném bất cứ một thứ gì lên đương sự.
Trang mạng của TA giờ đây biểu hiện cho
thời Trung Cổ kĩ thuật số, nó là cọc bêu xấu tội nhân lớn nhất xưa
nay chưa từng có. Những người bị
bêu tên trên đó dĩ nhiên không bị
người khác nhổ lên mặt. Nhưng họ không còn được phép mua nhà nữa. Không được mua vé máy bay. Không được lập công ti. Không còn được
bước lên xe lửa tốc hành nữa.
Nhà nước bêu tên những người phá vỡ niềm tin ra nơi công luận. Điều đó không có nghĩa là những
người này muốn công khai
nói về số phận của họ. Dĩ nhiên cũng chẳng ai muốn liên hệ với báo chí ngoại quốc. Họ
sợ lại gặp phải những khó khăn khác, nhiều người tránh né vì mắc cở. Vì thế người đàn ông ngồi nơi hàng ghế sau cùng của một quán cà-phê ở đâu đó trên miền bắc
Trung Quốc này, với hai điện
thoại cầm tay không ngừng reo để
trước mặt, cũng chẳng phải là người có tên thật là Vương Việt-du. Bức
tường nơi anh ngồi có treo những tấm hình nạm bạc của Marilyn Monroe và Bruce Willis. Bên ngoài cửa quán, gió như cắt da,
những người đàn bà trùm khăn trên đầu
đứng rán và chào bán khoai lang chiên đàng sau mấy cái lò rỉ sét. Đây hẳn không phải là vùng đất đầy ánh đèn lấp lánh của Trung Quốc, nơi sinh thành của anh Vương dễ mến, mà là nơi anh tự chọn
tới đây để tị nạn.
Vương kể chuyện mình như sau: tại quê hương,
gia đình anh có một công ti vận chuyển, chủ yếu chuyên chở bê-tông, Vương lo chuyện tài chánh.
Những năm 2000´ là thời gian béo bở, trong nghành xây dựng chẳng ai kí hợp đồng, chỉ cần một bữa nhậu và cái bắt tay là có thể bắt đầu công việc làm ăn. Nhưng rồi năm
2014 khách hàng quan trọng nhất của
Vương bị phá sản và chẳng bao lâu gia đình Vương ngồi trên đống nợ tính ra khoảng 3 triệu âu kim. Vì không có hợp đồng, cá nhân Vương phải chịu trách nhiệm. Cơ sở bị đấu giá. Các trương mục bị
đóng. Khi các chủ nợ sai một nhóm đầu gấu tới siết, Vương hoảng sợ, đưa vợ con với hai chiếc
va-li phóng một mạch 2500
cây số tới đây trốn. Một tòa án đưa tên anh lên bảng đen.
Với món tiền mặt do thân nhân
cho trên đường lẫn trốn, Vương mua một
chiếc xe con cũ và cố gắng kiếm sống bằng cách chở người qua đường. Cho đến lúc bị cơ quan tín chỉ xã hội rút giấy phép hành nghề, cho
dù anh đã phấn đấu có được hàng ngàn đánh giá tích cực: Anh bị loại do «kiểm tra hậu cảnh», có lẽ vì có tên trên bảng
đen của tòa án.
Vương biết hàng trăm trường hợp như
thế. Anh mở một diễn đàn trao đổi, để những
người bị khinh miệt như anh trao đổi với nhau. Nhiều người vừa khóc vừa gọi điện cho anh ban đêm. Một chị cho biết, chị bị kết án phá vỡ lòng tin, vì bên đơn có liên hệ tốt với quan tòa. Những người khác phải mất việc, vì chủ đọc được tên của họ trên danh
sách đen của tòa án. «Đa số những người có tên trên danh sách đen là vì thiếu nợ. Họ cũng muốn trả cho xong, nhưng không làm
sao trả được.» Vương cho hay, anh biết nhiều người đã trả hết nợ, nhưng không hiểu sao tên họ vẫn nằm trên danh
sách. Có lẽ là do sự chuyên quyền của tòa án, anh
nghĩ.
Sở dĩ hôm nay Vương dám ngồi đây nói
chuyện với nhà báo, chỉ duy nhất là vì anh muốn «làm rõ một
điều». Anh nói: «Chẳng có luật lệ nào giúp chúng tôi cả. Cái hệ thống ở
Trung Quốc đối xử với chúng tôi như những người bị loại ra lề.»
Trên các chuyến tàu lửa người kiểm vé nhắc nhở qua loa phóng thanh: «Lưu ý, yêu cầu hành khách không được hút thuốc trong toa, và đừng đi lậu.
Ai vi phạm sẽ bị ghi tên vào danh sách những kẻ phá vỡ lòng tin!»
Trong các phi trường người kiểm soát cảnh báo: «Hành khách không được mang theo máy lửa
hoặc dao theo mình – Đừng hành động như kẻ làm hại đến lòng tin!»
Trong một số thành phố ở Trung
Quốc có bảng chỉ dẫn bên đường: «Không chạy ẩu, và đừng lái xe khi
say – Đừng làm hại tới tín chỉ xã hội của quý vị!»
Mỗi người có một «tín chỉ xã hội» - đó là tiêu
đích của các nhà cầm quyền Pê-kinh. Trong tương lai nhà nước canh kiểm (canh chừng và kiểm soát) qua mạng kĩ thuật số (digital) này muốn đánh giá mọi người dân, mọi công ti, mọi cơ quan
qua cách ứng xử của họ có đúng với khuôn thước nhà nước muốn hay không. Dưới con mắt phương tây, danh sách đen của TA là điều kinh khủng. Nhưng đó chỉ mới là giai đoạn đầu. Nếu các kế hoạch của nhà cầm quyền thành hiện thực, thì hiện thực này cũng chỉ là một yếu tố của một xã hội - đánh giá (Rating-Gesellschaft) bao trùm.
Và rồi nhà nước không chỉ nắm tóc những ai bị coi
là đã trốn thuế hoặc đã trốn thuế thật, những kẻ lừa đảo, tham nhũng. Nó sẽ đồng thời khen thưởng những ai ứng xử tích cực, đã giữ đúng luật, đó là những người thành thật, những anh hùng lao động, những nhân dân bình thường. Tín chỉ xã hội của họ,
nghĩa là sự tin tưởng của nhà nước vào họ, sẽ được nâng cấp.
Khen và trách, thưởng và phạt. Tất cả
những thứ này gắn liền với mình ngày
đêm như bóng với hình. Hệ thống tín chỉ xã hội của Trung Quốc đang trong giai đoạn hình thành
từng mảng đây đó.
Nhưng danh sách đen đã được thực hiện
khắp nước. Tín chỉ xã hội mới chỉ được bắt đầu thử nghiệm ở một số nơi. Ở những
nơi này nhà nước đã ứng xử như một công ti vốn dành ưu tiên cho khách hàng trung thành của mình. Ở Đông-trang
(Rongcheng), người dân nào
hăng hái việc đảng, giúp tiền hoặc hiến máu cho bộ đội, được thành phố giảm cho
tiền lò sưởi và được sử dụng miễn phí xe đạp của thành phố. Ở
Thẩm-trấn (Shenzhen), chính quyền lập một
quầy mua vé nhanh ở phi trường
dành cho những ai đặc biệt đáng tin cậy. Trong thành phố này ai lái xe vượt đèn đỏ và rơi vào ống kính máy
hình, sẽ gian nan với những hậu quả. Chính quyền cho biết: «Ai lạm dụng trong phạm vi lòng tin,
người đó sẽ nhận được những hạn chế tại mọi nơi.»
Đó là cuộc thí nghiệm xã hội lớn nhất trong thời đại chúng ta: Cả một dân tộc chịu để
cho người ta điều khiển động thái của mình? Các
nhà cầm quyền Trung Quốc trong tương lai sẽ
tổng kết được mọi kiến thức của từng người trong các ngân
hàng dữ liệu – và từ đó có thể kiểm soát hoàn
toàn được mọi người dân? Và rồi một nhóm người ưu tuyển
sẽ giáo dục 1,4 tỉ con người như dạy dỗ
một đám con nít, kịp thời khen thưởng hoặc khiển
trách chúng đúng lúc?
Cơn ác mộng của Orwell. Năm 1984 cho thế kỉ 21. Như thế, đối với phương tây dân chủ, mọi chuyện có thể đã rõ: Người dân trung
quốc bị đàn áp, ngay từ lúc này bởi kĩ thuật
điện tử số (digital). Chỉ có một điều trái khoáy,
đó là kết quả thăm dò ý kiến của Genia Kostka.
Kostka là nữ giáo sư về Trung Quốc
Học tại Đại Học Berlin .
Đầu năm 2018 bà hỏi hơn 2000 người Trung Quốc về
các kế hoạch của nhà cầm quyền. Bà đã ngạc nhiên: «80% coi hệ thống tín chỉ xã hội là tích cực.» Bà thêm:
cho dù ta thêm vào yếu tố người dân trong
các nước độc tài thường có khuynh hướng nói theo
chính quyền, thì yếu tố này cũng chẳng làm thay đổi kết quả, vì nó đã quá rõ ràng. Và nhất là, theo bà, giới có học và có của lại tán đồng tín chỉ xã hội nhiều hơn. Hỏi các bạn bè, người quen hoặc
kẻ gặp trên đường tại Pê-kinh,
Thượng-hải (Shanghai) hoặc Thành-đô
(Chengdu), thì câu trả lời gần như luôn là tán
đồng.
Có thể có hai lối giải thích. Hoặc là hầu hết người
dân trung quốc chỉ muốn phục tùng nhà nước như những người máy. Hoặc là họ có những lí do để tán đồng kế hoạch của nhà nước...
Vân-châu (Wenzhou )
nằm trong một eo biển phía đông
nam, một thành phố với nhiều triệu dân cư; lịch sử mới mẻ
của thành phố này giải thích cho ta hiểu, vì sao có
nhiều người Trung Quốc nhìn vào hệ thống tín chỉ xã hội như một cơ may. Trong một công viên
cách vùng đi bộ 20 phút lái xe,
Dư Đông-phong đang đứng chờ trước một gian hàng triển lãm nhỏ - đó là «Viện Bảo Tàng Đức Hạnh» (VBT). Dư 38 tuổi, mặc áo sọc ô vuông xanh với
quần ka-ki, là cán bộ lãnh đạo trong Ủy Ban Phát Triển Và Kế Hoạch của thành phố. Anh khai trương VBT này trước đây nửa năm. Viện có mục đích đưa người dân thành
phố trở lại thành người chân chính.
Là vì đức hạnh đã bị tổn thương trong thành phố này. Và không chỉ thành phố này mà thôi.
Dư dẫn rảo khắp VBT. Trên tường treo đầy
chứng chỉ hạnh kiểm mà thành phố đã trao cho
các nhân dân gương mẫu. Này là chứng chỉ của một anh sinh viên đã cứu hai cháu bé gái khỏi tai
nạn xe lửa. Kia là chứng chỉ của một người bán cá 80
tuổi, vì bác có mặt ở chợ đều đặn suốt tháng suốt năm, để kí cóp trả nợ cho con
cái. Dư đứng lại trước một bức ảnh chụp
năm 1999. ảnh chụp một núi giày cao bằng
một tòa nhà đang bốc cháy. Anh
nói: «Đây là thời điểm đen
tối nhất của thành phố chúng tôi.»
Khi tôi còn nhỏ, Dư kể, đôi giày của tôi vừa đi chưa được một ngày đã hư.
Vân-châu trước đây nổi tiếng về loại «giày một ngày» này. Con
buôn âm thầm sản xuất hàng nhái
hiệu ngoại quốc, đôi khi cả hiệu trung quốc. «Sáng ra xỏ vào chân, chiều tối vứt vào đống rác».
Khắp nước đều biết loại giày một ngày của Vân-châu. Người chủ
của một hãng sản xuất giày ở Trung Quốc, người bị thiệt hại nặng nề vì loại giày nhái đó, đã kêu gọi dân chúng tẩy chay. Ông cho chất một núi thứ hàng đó và
châm lửa đốt. Đây là hình chụp vụ đốt giày đó. Phong trào lan ra khắp nước. Năm 2002 thành phố bắt đầu ra lệnh bắt phạt những kẻ làm giày nhái.
Rồi tới hè 2011 Vân-châu lại gặp một
khủng hoảng nữa. Một sáng một chiều hàng trăm
công ti xí nghiệp bị phá sản, dịch vụ mua bán bất động sản ngắc ngoải. Lí do: nạn tín dụng bóng (Schattenkredit).
Kinh tế Vân-châu gồm trên 90% xí
nghiệp nhỏ và vừa của tư nhân. Vì những xí nghiệp loại này khó vay được
tiền của ngân hàng nhà nước, nên họ phải tìm cách vay mượn qua
trung gian. Các ông trung gian trao tiền tay trực tiếp, thường chẳng có hợp đồng gì cả và lãi có
thể tới 40%. Rồi bong bóng bể. Các ông trung gian ngồi trên đống tiền chết lên tới hàng tỉ. Chẳng còn ai biết ai mắc nợ ai. Các băng đầu gấu của các tổ chức siết tiền lượn khắp thành phố, các chủ xí nhiệp nhảy từ lầu cao tự tử.
«Sự thành thật rơi vào khủng hoảng» Dư nói. Lãnh đạo thành phố tìm mọi cách đưa dân trở về
đường ngay, và theo họ, cải tạo là phương
cách hay nhất. Vì thế sau đó Dư không những đã khai
trương VBT mà còn góp phần xây dựng một hế thống tín chỉ xã hội cho thành phố. Vân-châu là một
trong những địa điểm thí nghiệm hệ thống tín chỉ xã hội của nhà nước Trung Quốc.
Cùng với các chuyên viên lập trình, Dư lập nên một chương trình ứng dụng (App) mang tên «Vân-châu đáng được hưởng tín dung». Huy hiệu là hình một con chim
trắng đang dang cánh, chữ trung quốc
có nghĩa là «lòng tin». Thay vì
các người trung gian, giờ đây chính
thành phố mở ra một trung tâm dịch vụ để giúp tư nhân vay vốn. Qua hệ thống mạng điện tử người cho vay có thể tìm hiểu người vay,
xem họ đã vay ai chưa và có trả tiền
đúng hẹn không. Địa chỉ của người vay ở đâu. Người đó còn nợ tiền mua nhà bao
nhiêu. Có trả thuế đều đặn không. Người đó có quên biên lai trả tiền điện tháng nào không. Đậu xe ẩu bị
bắt phạt mấy lần. Dĩ nhiên người vay ngược
lại cũng có thể tìm hiểu kẻ cho mình vay.
Kể thừ khi App được đưa lên mạng, tiền bắt
đầu chu chuyển trở lại ở Vân-châu, và người ta
dễ dàng hơn để đặt kế hoạch trở lại. Đây là lí
do đầu tiên cắt nghĩa tại sao người Trung Quốc coi hệ thống tín chỉ xã hội là điều tích cực.
Ngay tự ban đầu nhà nước trung quốc quả thật muốn lập
một hệ thống kiểm tra tín dụng cổ điển.
Một loại hệ thống kiểm soát nợ (Schufa)
như ở Đức. Chỉ thế thôi. Nhưng cái mà Vân-châu hiện nay có, Dư hãnh diện nói, còn
hay hơn Schufa của Đức nhiều. Chẳng bao lâu, nhà nước hiểu ra, với hệ thống này họ có thể làm được nhiều thứ khác nữa, chứ không chỉ để điều
khiển tín dụng mà thôi!
Giờ đây App của Dư Đông-phong
còn hoàn thành những vai trò khác nữa. Ở Vân-châu, trước khi
bước vào một siêu thị, khách hàng có thể tầm
tra xem siêu thị này trước đây có bán thức ăn
đồ uống gây độc hại không. Bệnh nhân có thể biết ông bà bác
sĩ kia đã bị án phạt nào chưa vì tội chữa bậy.
Người cho thuê nhà có thể biết người
sắp thuê nhà của mình có nợ nần hay chạy làng lần nào chưa. Muốn xem tín chỉ xã hội của người
khác, các tư nhân phải có phép của chủ nhân của nó. Hồ sơ của các công ti xí nghiệp và các cơ quan chính quyền được mở công khai.
Xem ra Dư xác tín, là nhờ hệ thống tín chỉ xã hội mà đời sống ở Vân-châu tốt đẹp hơn. Người dân không còn phải lo
bị lừa: «Những tay phá vỡ lòng tin
không còn cơ hội thoát lưới nhà nước nữa.»
Đã từ lâu người Trung Quốc sống trong một xã
hội chụp giựt của tư bản
rừng rú
Để hiểu nỗi lo sợ trước việc phá vỡ lòng tin nơi người Trung Quốc
xuất phát từ đâu, ta phải trở về với thập niên 1970´. Thời đó những người thống trị Trung Quốc
đang gặp khủng hoảng về tính chính đáng pháp lí của họ. Sau nhiều chục năm nội chiến, chết đói và những chiến dịch đấu tranh giai cấp tương tàn, người ta nhận ra: Chủ nghĩa mác-xít đã thất bại. Phải cần một mô hình xã hội mới. Cần ổn định và phát triển kinh tế.
Nhưng quyền thống trị thì đảng cộng sản
phải bám giữ.
Muốn vậy, phải làm sao với một dân như dân
tộc Trung Quốc, một dân tộc mà nhà cách mạng Tôn Dật Tiên đã có lần gọi là «một đống cát rời». Đặng Tiểu Bình, người cầm quyền lúc đó, ngước trông đây đó để tìm mẫu gương – và ông đã thấy Singapour. Ở đây, các nhà cầm
quyền xem ra đã thực hiện được cái không
thể làm nổi: đã gom chặt cái đống cát lại, biến dân họ thành một xã hội phồn vinh và kĩ luật. Thị trường tự do và luật lệ nghiêm nhặt xem ra là công thức đưa tới thành công cho nước này. Đặng muốn biến Trung Quốc thành Singapour.
Thị trường tự do hoạt động khá tốt. Đặng tháo cũi xổ lồng cho một phép lạ kinh tế mà từ trước tới lúc đó chưa
ai thực hiện được trên đất nước này. Ở Vân-châu là
những xí nghiệp sản xuất giày dép, nơi khác là các công ti lắp ráp xe hơi, kĩ nghệ cơ điện.
Đứng ngoài mà nhìn thì Trung Quốc ngày nay quả là một hệ thống được tổ chức hoàn hảo, một Singapour vĩ đại, trong đó mỗi người chu toàn vai trò của mình. Ngày
một ngày hai ở đây xuất hiện những
phi trường mênh mông và những thành phố hàng triệu người,
nhiều đập nước to lớn, xe lửa chạy nhanh và đúng giờ hơn tại Đức.
Phần luật lệ nghiêm nhặt thì trái lại không thành công. Đống cát rời ra như chưa bao giờ có.
Sau bốn chục năm phát triển kinh tế liên tục, cuộc sống hàng ngày của hầu hết người dân trở nên bất an và hỗn loạn hơn
bao giờ hết. Nhà cầm quyền ra hết luật này tới nghị quyết kia, mà có mấy ai theo. Tư pháp kết án một cách áp đặt, tùy tiện, và trong toàn quốc chỉ
có khoảng 200.000 luật sư, tính so
theo đầu người, tại Đức có nhiều gấp 14 lần hơn. Một phần lớn dân Trung
Quốc không đóng thuế. Hiếm có một cán bộ nào không tham nhũng. Hiếm có một bạn kinh doanh nào không lừa đảo.
Người Trung Quốc đau khổ vì nạn bon chen
của xã hội tư bản rừng rú. Và đây
là lí do thứ hai để họ chấp nhận hệ thống tín chỉ xã hội, cả ở Vân-châu lẫn các nơi khác: Các khẩu hiệu về «Lòng tin» và «Sự thành thật» không chỉ là những câu tuyên truyền. Quả
thật đa số người Trung Quốc mong ước có sự trong sáng, có luật lệ rõ ràng và
văn minh trong xử thế xã hội. Nhiều người tự hỏi, sống dưới một chế độ độc tài nhưng
trật tự có tốt hơn dưới một chế độ độc tài hỗn độn không? Đảng có lí
không, khi họ vận dụng nguồn dữ liệu điện tử
không lồ (Big Data) để thực hiện sự hứa
hẹn từ mấy chục năm nay: biến đất nước thành Singapour? Phải chăng lòng tin được tạo thành do từ trên?
Các dự án mở đường đầu tiên tại địa phương, nay đã lên đến 40 dự án, bắt đầu thí nghiệm từ năm 2010. Đấy là cái văn hóa thí nghiệm đặc thù của hệ thống
cai trị tại Trung Quốc: thử từ những bước nhỏ, để xem cái nào vận hành, rồi áp dụng cái ấy ra toàn quốc. Cả việc phát triển kinh tế cách đây bốn chục năm
cũng khởi đầu như thế, bắt đầu từ một vài khu kinh tế đặc biệt trong một số vùng.
Năm 2015 nhà nước có thêm một sáng kiến. Họ ủy cho một số công ti kĩ thuật, song song với các thành phố đang
thử nghiệm, lập ra những hệ thống tín chỉ xã hội riêng cho
mình. Nhà nước có ý đồ riêng. Các công ti sẽ chuyển khối dữ liệu khổng lồ cần thiết cho nhà nước, để nhà nước kềm giữ
người dân. Dữ liệu điện
tử được coi là xăng dầu của thế kỉ
21. Càng nhiều người dân nạp dữ liệu mình cho máy, máy tính càng thông
minh, độc tài kĩ thuật số càng làm việc hữu hiệu
hơn. Vì thế những nhân dân như
Trần Việt dưới đây rất cần cho Trung Quốc.
Ngay cả người ăn xin cũng nhận tiền tặng qua điện
thoại di động
Trần Việt, 32 tuổi, ngồi trên chiếc ghế ni-lông trong
xưởng sửa xe của anh ở ngoại ô Pê-kinh.
Anh bận chiếc áo ngắn tay có chữ «Surfing Long Beach». Trần là một con cá nhỏ hưởng lợi nhỏ từ cuộc phồn
thịnh kinh tế (Boom). Anh kể, từ một người dân quê ở làng, anh đã làm việc cật
lực để trở thành chủ của xưởng
sửa xe hơi Volkswagen này. Ngày nay anh có nhà riêng, có tiền cho vợ và hai con đi nghỉ mát ở bãi biển.
Được hỏi làm sao quản trị xưởng
này, anh chỉ lên một cái kệ trống trơn
sau lưng. Đây là chìa khóa của câu chuyện.
Trần nói, anh đã hủy hết tất cả
các hồ sơ của ngân hàng.
Hiện nay anh thực hiện mọi giao dịch tiền
nong qua điện thoại di động, bằng một cái App có tên Alipay: Anh vay mượn tiền ngân hàng, trả tiền cho các dịch vụ cung cấp, đặt tã cho con,
mua phở cho mình, tất thảy đều qua trực tuyến (online). Và khi có việc ra đường, gặp một người ăn mày làm mình mủi lòng, anh lấy điện thoại
ra quẹt số mật mã (QR-code) do người ăn
mày đưa. Trần đánh vào
máy số tiền muốn cho. Ngay lập tức khoản
tiền hiện lên trên mặt chiếc điện
thoại của người ăn xin – qua Alibay. Ở Trung Quốc hiện có nhiều người ăn xin sử dụng kĩ thuật này.
Hiếm có một quốc gia nào có cuộc sống hàng ngày với mức độ kĩ
thuật số cao như ở đây, và có số
lượng người say mê phương tiện kĩ thuật
mới nhiều như ở đây. Gọi thợ đấm bóp tới nhà, trả tiền điện
nước, mua vé xi-nê, lấy hẹn bác sĩ, giải quyết hẹn với các cơ quan, tất thảy những thứ đó dân trong các thành phố lớn đều giải quyết bằng điện thoại di động.
Alipay thuộc sở hữu của Alibaba - một thứ Amazon của Trung Quốc. Đại công ti điện tử này là một trong số các công ti
được nhà nước ủy nhiệm cách đây ba năm. Hệ thống tín chỉ xã hội của
Alibaba hiện có khoảng 500 triệu
người dùng, bằng tổng số
người dân Liên Quốc Âu châu. Mỗi người có một số điểm, số điểm này phản ảnh tình trạng tín chỉ xã hội của người đó. Alibaba giữ kín không cho biết hệ thống tín chỉ đó vận hành ra
sao, cũng giống như Coca-Cola giữ kín công thức nước uống của mình. Chỉ biết: Trần càng mua hàng hay trả tiền
nhiều, số điểm của anh càng tăng; số điểm
cũng tăng lên, nếu anh nối
mạng với nhiều người khác. Anh cho hay: «Tôi có được 756 điểm rồi». Tối đa là 950 điểm. Xem ra
Trần rất hài lòng.
756 điểm, gần giống như được thẻ vàng trong trò gom góp hải lí của các hãng
hàng không. Phần thưởng: Trần giờ đây có thể thuê khách sạn mà không phải đặt tiền cọc. Nếu phải vào bệnh viện, anh được vào ngay phòng khám, khỏi phải xếp hàng chờ. Muốn đi du
lịch Singapour, Luxemburg, Nhật hay Canada, anh nhận được ngay hộ chiếu từ các nước đó thông qua một thủ
tục nhanh. Trên trang điện tử của chính quyền Luxemburg có ghi: «bạn hàng chiến lược» của Alibaba.
Đại công ti này hiện có sức mạnh đến nỗi nó đòi hỏi được chế độ ưu tiên cho khách hàng của nó không những nơi các công ti
khác, mà cả nơi những định chế công và
ngay cả nơi các quốc gia.
Đến một lúc, chính quyền trung quốc
đâm sợ các công ti
này. Năm 2017 họ không trao
cho Alibaba và các công ti khác việc xây dựng hệ thống tín chỉ xã hội của nhà nước nữa. Họ sợ nguy cơ các công ti lợi dụng hệ thống này để gia tăng quyền lực của thị trường riêng, mà ít quan tâm tới «sự ổn định xã hội». Họ sợ rằng,
việc kiểm soát toàn dân vượt khỏi tầm
tay của đảng cộng sản. Điều này không có nghĩa là sự cộng tác với các công ti
là không có ích. Qua các công ti, họ đã thuyết phục được hàng trăm triệu người dân về sự thoải mái của việc đánh giá bằng điện tử.
Xem ra những ai làm tín chỉ xã hội với Alibaba đều có lợi, chứ chẳng thiệt thòi gì.
Trần Việt chẳng lo nghĩ gì về việc anh
trao mọi dữ kiện cho máy, về việc đưa toàn bộ công việc quản trị lên trực tuyến. «Là một cá nhân, tôi chẳng
quan trọng gì.» Nghe như
thể một sự dễ dãi chấp nhận số phận, nhưng Trần cho đó là thái
độ «thực tế».
Lớn lên từ một căn chòi đất, Trần chỉ biết, nhờ điện số hóa
(Digilitalisierung) mà cuộc sống được
cải tiến. Rời xưởng sửa xe của anh…, tôi nghĩ tới sự quyến rũ của tiện nghi. Đó là lí do thứ ba khiến đa số dân Trung Quốc
chẳng âu lo gì về kế hoạch
canh kiểm của nhà nước bằng điện tử.
«Đám đông
có con mắt tinh», đó là một khẩu hiệu
cũ dưới thời Mao, một thời cộng sản chủ trương người chống người, học sinh tố cáo thầy cô, vợ chồng tố cáo nhau.
Trong nhiều thành phố nhỏ và nhiều làng xã miền sâu miền xa chính quyền giờ đây lại làm sống lại câu khẩu hiệu tuyên truyền cũ. Nhưng hôm nay chẳng ai phải khó nhọc theo dõi từng cá nhân làm hại nhân dân để tố cáo nữa. Công việc này đã có trăm con mắt máy ghi hình của nhà nước.
Một người đàn ông ở xã An-huy,
xã có 3000 nhân khẩu thuộc tỉnh Tứ-xuyên, đang bật lửa đốt bao rác trong một ngày mùa đông, có lẽ để sưởi ấm,
thì bỗng từ góc đường bên kia nổi lên tiếng loa yêu cầu anh giữ
trật tự. Thoạt tiên loa xướng tên anh rồi ra lệnh: «Dập tắt lửa ngay lập tức!». Có thể nhìn cảnh hoảng hốt
của người đàn ông ấy trên màn
Video đầu năm 2017. Anh ta tắt vội đống lửa và chạy biến mất.
Dương Liêu-quân, 55 tuổi, cho chạy lại đoạn Video với nụ cười mãn nguyện. Bà là bí thư đảng bộ
xã An-huy, một phụ nữ thanh lịch và quả quyết. Hiếm khi cán bộ ở Trung Quốc chịu nói công khai về các phương
pháp kiểm soát của họ. Nhưng Dương xem ra cũng hãnh diện với vai trò của mình, chẳng khác chi anh cán bộ Dư Đông-phong ở Vân-châu và
anh Trần Việt trong xưởng sửa xe. Bà Dương là
một trong những phụ nữ lãnh đạo hiếm hoi trong vùng này. Bà có thể vào phòng quan sát của xã với 16 màn hình
thu nhận phim từ 24 máy hình
treo khắp các ngõ ngóc của xã. 24 «con mắt
thần», tên gọi chính thức ở đây, có thể xoay 360 độ, cứ mỗi ba cái lại gắn với một cái loa. «Chẳng có chi thoát được máy hình của chúng tôi», Bà nói.
Người ta thấy những ngôi nhà gạch xám. Những cây ăn trái thẳng hàng. Thỉnh thoảng cũng có những nhân dân phá rối. Bà Dương chỉ vào người trên màn
hình nói: «Những người lối xóm, gia
đình đương sự và mọi người chung quanh đó đều nghe được những gì loa nói. Từ đó ở An-huy chẳng còn ai dám đốt rác ở trên đường!»
Trong những thành phố lớn mắt
thần đã được gắn ở hầu hết các đường phố, công viên và bãi đậu xe. Công an Pê-kinh sở hữu loại mắt thần mắc nhất, có thể kéo (Zoom) bảng số xe cách xa 1,6
cây số lại gần. Các loại khác có thể chụp khuôn mặt, có thể nhận diện
giọng nói, phân tích các cử động
và đếm số người qua lại, chúng được trang bị kĩ thuật nhìn ban đêm, xuyên sương mù
và hệ thống chuyển dữ kiện qua WiFi. Công ti
chuyên về trí khôn nhân tạo mới mọc Sense-Time của Trung Quốc với số vốn 4,5 tỉ đô-la có lẽ là công ti chế tạo
kĩ thuật canh kiểm tối tân nhất thế giới
hiện nay.
Chính quyền có chương trình canh kiểm toàn bộ không gian công cộng trong
nước
Giờ tới lượt các làng xã. Ở An-huy, bà Dương kể, trước đây cứ mỗi lần tết đến là gia súc, thịt
nguội và dầu ăn cứ bị đánh cắp hoài. Mấy tay ăn cắp
muốn nhà mình có một lễ tết
thật tươm tất. Ngày nay nạn ăn cắp hầu
như chẳng còn. Đánh nhau, đậu xe trái chỗ, buôn gánh trái phép gần như hết hẳn. Vừa rồi có một người cha
thất lạc đứa con gái năm tuổi. Ông không
vội vã chạy tìm khắp hang cùng ngõ hẻm. Ông chỉ cần bật vô tuyến truyền hình ở nhà, vào kênh «24 mắt thần». Mọi người dân trong xã có thể dùng máy truyền hình của mình để thông báo những gì bất thường trên đường xá tới phòng quan
sát của xã. Có thể phòng quan sát đã không nhận ra được những cái bất thường
kia... Và người cha đã tìm thấy con ở một ngách đường.
Bà Dương phấn khởi cho hay, dân trong xã giờ đoàn kết hơn. Họ không những thấy được những hình ảnh từ mắt
thần, mà còn có thể theo dõi tài
chánh của xã, từng số tiền chi cho mỗi bóng đèn đường và mỗi bóng đèn giao thông. Chính sự kết hợp giữa trong sáng và canh kiểm làm cho người dân An-huy lóa mắt.
Nhưng chỉ sau nửa tiếng đồng hồ phỏng vấn sự phấn khởi của bà Dương kết thúc. Ông trưởng phòng tuyên
truyền trên quận gọi điện thoại. Gió đã đưa tin cuộc
phỏng vấn tới tai ông, và ông yêu cầu phải chấm
dứt ngay cuộc nói chuyện không có
phép với báo ngoại quốc.
Chính quyền Pê-kinh có một kế hoạch,
trong tương lai sẽ dùng máy thu hình canh kiểm toàn bộ không gian
công cộng trên toàn quốc. Khối lượng dữ kiện có được qua hệ thống này sẽ được nối vào hệ thống tín chỉ xã hội, để có thể theo dõi hành vi
thái độ của từng người dân, một khi họ bước ra khỏi nhà. Một công tác vĩ đại. Hệ thống
này đang được thí nghiệm ở Tân-cương.
Không đâu trên thế giới hệ thống canh kiểm này đã đạt mức độ hoàn hảo như tại Tân-cương ở phía tây
Trung Quốc, nơi dân tộc Uiguren theo đạo Hồi phải rơi vào một cuộc phân biệt đối xử
điện tử nặng nề dưới danh nghĩa chống khủng bố. Tân-cương là nơi thí nghiệm Big-Data của bộ máy công an: Các phòng trà đều có gắn máy hình, mỗi chiếc xe hơi theo luật phải gắn máy định vị GPS. Nhà nước đang xây dựng một ngân hàng dữ liệu nhận diện người, với ảnh chụp, dấu tay, mẫu DNA và hình chụp con ngươi của mỗi người dân. Các
chương trình đánh hơi soi xét tường tận các mạng lưới WLAN công cộng. Các điện thoại di động
phải cài một «phần mềm chống gián điệp», phần mềm này có cái tên thật trớ trêu: Phần mềm này kiểm soát toàn bộ mọi sinh
hoạt trực tuyến (online). Theo Human Rights Wacht hiện thời tất cả các dữ liệu đều được nối về một hệ thống chung; nhờ tiến trình học tập của máy, nó sẽ báo trước cho biết,
ai sẽ là người có chiều hướng phạm tội ở một lãnh vực nào. Nếu máy phun ra
dấu hiệu khả nghi, người đó sẽ bị lôi vào trại cải tạo.
Tân-cương có mười triệu dân Uiguren. So với con số này thì dân Trung Quốc đa phần hãy còn đang sống trong vòng «tự do». Họ không thể nào tưởng tượng được, nhà tù lại cũng là một phần của hệ thống tín chỉ xã hội trong hình thái cực điểm của nó. Đó là lí do thứ tư của sự chấp nhận các kế hoạch của nhà nước. Phần đông dân
chúng của nước này chưa có kinh nghiệm bản thân về hệ thống
canh kiểm toàn diện này của đảng.
Ý hướng ban đầu của chế độ là tới năm 2020
sẽ hoàn tất việc lắp ráp toàn bộ hệ thống canh kiểm. Dự tính về thời gian này hẳn sẽ không thực hiện được. Nhiều ủy ban và nhóm làm
việc tại các đại học hiện đang phải làm sáng tỏ điều cốt lõi này:
Làm sao để nối kết được tất cả dữ liệu từ 33
tỉnh và vùng quản lí đặc biệt, từ 2852 quận huyện, 19.322 thành phố và 623.669 làng xã? Làm sao thu thập dữ kiện của 500 triệu dân ở các vùng
thôn quê xa xôi không có trực tuyến? Và làm sao
có thể cân đo và trình bày được giá trị của từng cá nhân đối với xã hội?
Ở Vân-châu,
thành phố với «Viện Bảo Tàng Đức Hạnh», khởi đầu chỉ nghĩ tới một bảng điểm duy nhất cho mỗi
người dân – họ muốn làm việc với người dân giống như Alibaba với khách hàng của nó. Chương
trình này hiện đã bị các nhà lập kế hoạch
vứt bỏ. Không thể nhìn bảng điểm thấp của người chủ nấu bếp, để đánh giá
tình trạng vệ sinh của một nhà hàng, bởi vì có thể anh ta ít điểm là vì bị phạt khi đi
xe bút không mua vé. Không thể lấy một
điểm duy nhất để đánh giá toàn bộ con người,
vì xã hội tân tiến quá phức tạp, mỗi
người ngày ngày phải đóng nhiều vai trò. Cả ở Trung
Quốc cũng thế.
Một thành phố thí nghiệm khác thoạt tiên cho mỗi người 1000 điểm. Người đó lo lắng phục vụ bố mẹ già trong gia đình: được 50 điểm. Lái xe trong lúc say hoặc hối
lộ quan chức: trừ 50 điểm. Thực tế như một trò chơi xã hội. Ai được 970 điểm, thuộc vào hạng A (ưu). Ai dưới 600 điểm, rơi vào hạng D (liệt), và bị tất cả coi là người phá vỡ lòng tin. Kiểu
điểm theo đầu người này bị ngay các cơ quan
truyền thông nhà nước phê bình, và sau nhiều chống đối công khai, chính quyền
tỉnh phải bỏ.
Hệ thống tín chỉ xã hội ít gây thắc mắc cho đa
số người dân Trung Quốc. Nhưng hệ
thống đó sẽ mang bộ mặt như thế nào? Điều này đã tạo ra những
tranh luận khá ồn ào... Một trong những khuôn mặt hàng đầu hướng dẫn
cuộc tranh luận này là Trịnh Xuân-hồng, giáo sư luật học và là giám
đốc «Trung
Tâm Nghiên Cứu Về Luật Tín Chỉ Xã Hội» tại Capital Normal University ở Pê-kinh, một cơ quan cố vấn quan trọng cho nhà nước. Trịnh 68 tuổi, đảng viên, còng lưng, bận chiếc quần xếp ngắn nhiều màu. Ông có
một cuộc sống như cách đây
nhiều chục năm: đạp xe đạp rỉ sét tới đại học, đón phóng viên trong một căn hộ ở tầng áp mái chất đầy bát dĩa, phích đựng nước bằng
sứ và nhiều thùng đồ kỉnh kỉnh khác.
«Trung Quốc đã phá sản về mặt đạo đức», ông nói. Trên bàn viết kê sát chiếc giường ngủ có một miểng giấy khổ A4, trên đó có một chữ tiếng
Hán: «Sứ Mạng», như một lời động viên cho ông làm việc. Trong những ngày này Trịnh đang tra khảo bộ Luật Dân Sự của Đức. Ông muốn tìm gương các nước khác cho
Trung Quốc đi theo. Ông nói,
dân Trung Quốc cần phải tham gia hệ thống tín chỉ xã hội, và một cái «quyền được quên» cũng cần phải được áp dụng: phải xóa điểm xấu sau năm năm. Yêu cầu này của ông đã được chính quyền lắng nghe.
Ông khẳng định cần phải kiểm soát đạo đức. Như
nhiều người Trung Quốc cùng thế hệ, ông coi
nhà nước như một người cha có nhiệm vụ giáo dục con cái. Ai lỗi luật, phải «bị săn đuổi như đuổi chuột băng qua
đường». Trịnh nói nhiều về nhu cầu
phải trở lại cái thời thành thật và khó khăn của ngày xưa. Và
đây là lí do cuối cùng, để Trung Quốc muốn có hệ thống tín dụng xã hội: Nhiều người nắm quyền ngày nay vừa yêu vừa ghét sự tiến bộ. Sở dĩ họ thúc đẩy tiến bộ, là vì nó cần thiết, để
họ tiếp tục nắm quyền. Nhưng là người đã trải qua kinh nghiệm thời trước, nên họ đồng thời cũng rất đau khổ vì thời này. Những người như
Trịnh cảm thấy có sứ mạng phải hàn gắn lại những vấn đề mà thế hệ của họ đã gây ra.
Trịnh là một người theo ý thức hệ, mà cũng chẳng phải là người nặng ý thức hệ. Người
ta nhận ra nơi ông nỗi trăn trở
dằn vặt trước câu hỏi, một xã hội sung túc và nhiều thành phần cá nhân chủ nghĩa như
hiện nay liệu có thể thật sự quay trở về lại được
như thời Mao trước đây, thời tuổi trẻ
của Trịnh, bằng đường lối canh kiểm điện tử không?
Các cỗ máy truyền thông nhà nước không ngớt ca ngợi thành tích của kế hoạch canh kiểm toàn diện, trực tuyến cũng như không trực tuyến
(offline). Dĩ nhiên những ca ngợi này – vẫn còn - mang nhiều nội
dung tuyên truyền. Nhưng các nhà nắm quyền biết mình cần những thứ đó, vì họ tin rằng,
cứ hát riết rồi sẽ có ngày người dân nhập tâm.
Triết gia người Anh Jeremy Bentham trong thế kỉ 18. đã khám phá
ra tháp thần (Panoptikum): một nhà tù hình
tròn, ở giữa là một cái tháp. Từ trên tháp
cao chỉ cần một người thôi cũng đủ nhìn thấy tất cả, còn chính
người đó thì chẳng ai thấy. Tháp thần về sau trở
thành biểu tượng cho nhà nước canh kiểm tân thời. Cái gian manh trong khám phá của Bentham là nhà tù cũng vẫn đạt được
sự hữu hiệu của nó, dù người lính trên
tháp chẳng cần phải canh. Có lẽ cũng chẳng cần tới ai đứng trên đó nữa. Chỉ cần biết là mình có thể bị canh
chừng, là cũng đủ để tù nhân
vâng lời.
Trong một thành phố tại miền
trung Trung Quốc chính quyền đặt một máy hình ở ngã tư giao thông và bên cạnh dựng một màn hình vĩ đại. Chính quyền cho biết, ai chạy ẩu, tên, ảnh và số căn cước của người đó sẽ hiện – ngay – trên màn hình. Song thật ra, theo sự tìm hiểu của New York Times, thì phải đợi một tuần sau hoặc lâu hơn hình mới
xuất hiện. Hoặc là nó chẳng xuất
hiện. Chẳng phải máy điện tử, mà là ông
cán bộ đã phải rị mọ xem, so ảnh và đưa hình lên màn ảnh.
Dù vậy, ở ngã tư ấy hiện nay
hiếm có kẻ vượt đẻn đỏ.
Trong xã An-huy, theo bà bí thư
đảng bộ cho hay, ở một số nơi lượng tội
phạm xuống thấp, ngay cả những nơi có đặt máy, nhưng máy không hoạt
động.
Và trong thành phố thí nghiệm Đông-trang
chính quyền cho biết, số nợ vay không trả tụt xuống 26%, con số «phá phách và
hành động thiếu văn minh nơi công cộng» tụt xuống
40%. Cần biết là cuộc thí nghiệm ở Đông-trang chưa mở hết ga.
Có thể trong tương lai một thứ độc tài
mềm và
tinh vi sẽ nắm quyền ở
Trung Quốc
Một nền kinh tế kế hoạch sẽ thất bại, nếu hoạch định sai hoặc không ai
theo. Có thể những nhà cầm quyền Trung Quốc hẳn sẽ thành công
trong việc tạo ra một nền kinh tế kế hoạch điện
tử, trong đó mỗi người tuân thủ vai trò của mình. Nền kinh tế này sẽ cung ứng cho đa số dân chúng nhiều
thuận lợi hơn là bất lợi, tham nhũng và bất tín sẽ giảm, tuân thủ luật lệ sẽ tăng. Và rồi trong tháp thần trung quốc
một nền độc tài mềm và tinh vi
sẽ ngự trị trên đa phần người dân. Gây mê và dụ dỗ thay vì lo sợ và khiếp hãi. Phục vụ ngày đêm 24 giờ liên tục thay vì bạo động. Chỉ
những ai không tuân luật, sẽ bị
phiền hà.
Cả Vương Việt-du, kẻ phá vỡ lòng tin
đang tự tị nạn, người khởi đầu cho bài viết này, cũng sẽ dùng những kĩ thuật để dọ thám. Anh mua hàng và thanh toán qua
điện thoại di động và siêng
năng gom góp điểm qua App của Alipay. «Cái đó đã
trở thành thói
quen», Anh nói. Lúc này Anh mới chỉ có 552 điểm, nhưng
Vương dự tính sẽ cố gắng gom
điểm tiếp.
Giờ đây Vương lại có thể du lịch bằng máy bay. Anh đã tìm ra được kẽ hở, để qua đó mua vé, dù có tên trên sổ đen. Anh giúp những người bị khinh thường như Anh mua vé. Cụ thể bằng cách nào, Anh không thể nói. Và
thêm: ngay nhà nước cũng không biết được.
Hỏi Anh, một người đang bị hệ thống điện tử kết án, nghĩ
thế nào về hệ thống tín chỉ xã hội, Anh cho hay: Trên đại thể tôi tán thành chuyện đó.
Ghi thêm của người dịch:
Một vài gợi ý để cùng suy nghĩ sau khi đọc bài phóng sự
1. Sự phá sản đạo đức
tại Trung Quốc (cũng như tại Việt Nam ) hiện nay là do đâu?
Tại sao trong quá khứ dân tộc này đã không hư hỏng đến như thế?
2. Có nhất thiết phải dùng hệ thống canh kiểm toàn diện để «hoàn thiện hóa» một con người, một dân tộc không? Và hệ thống này có thành công không?
No comments:
Post a Comment