Friday, December 7, 2018

Tướng Nguyễn Hữu Hạnh đang sống trong nghĩa trang



Tướng Nguyễn Hữu Hạnh
đang sống trong nghĩa trang

Nhật Bình
(báo Người Việt)

December 6, 2018

Cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cùng vợ, bà Trần Thị Hiệp, trước ngôi nhà trong nghĩa trang. 
(Hình: Nhật Bình/Người Việt)
TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Chuẩn Tướng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Nguyễn Hữu Hạnh, người từng là phụ tá tổng tham mưu trưởng Quân Lực VNCH, đang sống những năm tháng cuối đời tại một căn nhà tuềnh toàng trong khu nghĩa trang ở tỉnh Tiền Giang, cùng với người vợ sau, nhỏ hơn ông 33 tuổi, trước đây làm nghề bán vé số.
Không chỉ là tướng VNCH, ông Hạnh, năm nay 95 tuổi, còn là «cơ sở nội tuyến chiến lược của Ban Binh Vận Trung Ương Cục Miền Nam» của Cộng Sản. Trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông từng ra lệnh cho sĩ quan, binh sĩ án binh bất động, thuyết phục Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ buông súng đầu hàng.
Đã lập được công trạng với chế độ Cộng Sản như vậy, ông Nguyễn Hữu Hạnh nay bị bỏ rơi như thế nào?

Gian nan tìm nhà Tướng Hạnh

Phóng viên báo Người Việt tìm về «nhà» của ông Nguyễn Hữu Hạnh vào một ngày cuối Tháng Mười Một, năm 2018, với «vốn liếng» chỉ là một địa chỉ khá mơ hồ: «Ở thôn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ngôi nhà được cất bên cạnh một nghĩa trang.»
Từ Sài Gòn, chúng tôi đến Bến Xe Miền Tây để bắt xe đi xuống Tiền Giang. Sau khi xem địa chỉ mà chúng tôi muốn đến, cô bán vé xe bảo: «Không có chuyến xe nào về chỗ Tân Hiệp này đâu. Chỉ có xe đi Sóc Trăng sẽ đi ngang khu vực này, rồi lên xe em dặn bác lơ xe khi tới vòng xoay Lương Phú thì cho xuống. Rồi từ đó bắt xe ôm thêm 10 km mới tới Tân Hiệp.»
Khi nghe chúng tôi thắc mắc: «Không còn đường nào khác nhanh hơn hả chị?» Cô bán vé lắc đầu: «Chỉ có cách này là nhanh nhất rồi. Vì chỗ đó là vùng quê, không xe nào chạy ngang đó đâu?»
Chúng tôi đành mua vé rồi lên xe.
Ngã tư vòng xoay Lương Phú thuộc tỉnh Tiền Giang, cách Bến Xe Miền Tây ở Sài Gòn tầm 70km. Tới đây chúng tôi xuống xe và đón xe ôm về ấp Me, thôn Tân Hiệp, huyện Châu Thành.
Lên xe ôm chạy được một đoạn, tôi mới hỏi người chạy xe ôm là có biết nhà ông «Nguyễn Hữu Hạnh, khoảng hơn 90 tuổi, trước làm tướng cho chế độ cũ không?» Bác xe ôm lắc đầu, bảo: «Tôi làm nghề này ở đây chắc cũng 40 năm rồi mà chưa nghe đến cái tên như vậy?»

Ông Hạnh và tấm bằng ghi nhận công lao trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, 
do chính quyền Cộng Sản trao tặng. 
(Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Chúng tôi hỏi tiếp: «Bác có biết có nghĩa trang nào ở khu vực ấp Me đó không? Vì con biết nhà ông Hạnh bên cạnh nghĩa trang.»
 «Thật ra người dân ở đây gọi là ‘gò’ chứ không ai gọi là nghĩa trang cả? Vì hầu hết khu vực miền Tây, nghĩa trang không được qui hoạch tập trung, mà mạnh nhà nào nhà đó tự chôn cất người thân khi mất ở đất nhà mình, hoặc đất công cộng nào đó mà không có ai ở là họ tự chôn mà thôi.» Bác tài xế xe ôm cho biết.
Quả thật, đoạn đường từ vòng xoay Lương Phú tới ấp Me, Tân Hiệp có rất nhiều nghĩa trang nhỏ lẻ. Người dân nơi đây tự chôn cất người thân của mình.
Khi đến nơi, tôi hỏi nhiều người dân xung quanh khu vực ấp Me này, về ngôi nhà của «ông Hạnh, đã hơn 90 tuổi sống bên cạnh một nghĩa trang» nhưng không ai biết hết.
Chạy đến khu vực nào có mồ mả là chúng tôi đều dừng lại hỏi, nhưng tất cả đều lắc đầu không biết. Tìm mãi không ra, tôi bèn kêu bác xe ôm chạy ngược ra lại quán nước đầu hẻm, ngõ vào ấp Me, ngồi uống nước.
Chúng tôi đem câu chuyện về ông Hạnh để hỏi cô chủ quán, cô cũng lắc đầu bảo «chắc em tìm lộn địa chỉ, chứ tôi bán quán ở đây hơn 20 năm cũng chưa nghe ông Hạnh nào hơn 90 tuổi ở khu vực này cả. Chỉ có một ông Hạnh, khoảng 80 tuổi, nhưng đã mất cách đây cũng hơn 2 năm rồi.»
Trong lúc đang tuyệt vọng thì có một ông bán vé số vào mời mua. Chúng tôi vội mua tờ vé số ủng hộ ông nhưng chủ yếu để hỏi nhà ông Hạnh, thì lập tức ông trả lời ngay: «Có phải ông Hạnh lớn tuổi, trước ở Sài Gòn làm lớn lắm phải không?» Tôi vui mừng gật đầu «đúng rồi!»
Lập tức ông chỉ đường, bảo cứ chạy vào hẻm này đến gần cuối đường có một cái «» (nghĩa trang) lớn lắm. Hỏi nhà bà Tư Bóng là mọi người biết, chứ hỏi nhà ông Hạnh không ai biết đâu.”
Ông giải thích thêm: «Bà Tư Bóng lúc trước bán vé số như tui, nên tui biết. Bà bây giờ cũng hơn 60 tuổi rồi, bà có 5 đứa con, một đứa bị bệnh cũng tội nghiệp lắm. Chồng mất sớm nên bà một tay bán vé số nuôi con. Từ ngày bà gặp ông Hạnh và kết thành vợ chồng thì bà không còn đi bán vé số nữa. Có lẽ ông chồng bả lương cũng khá nên gia đình thấy đỡ lắm rồi.»
Hai vợ chồng ông Hạnh và căn nhà 
có một ngôi mộ tọa lạc ngay trước cửa nhà. 
(Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Như cánh cửa bị đóng và nay đã có chìa khóa trong tay, quả thật hỏi nhà bà Tư Bóng thì người dân ở đây  biết và chỉ dẫn cặn kẽ. Đến gần cuối con đường ấp Me, một nghĩa trang to hiện ra với nhiều ngôi mộ đã được chôn cất. Bên cạnh là một ngôi nhà cấp 4 (loại nhà mái tôn, xây gạch rẻ tiền), khá cũ.
Tiếp chung tôi là một người phụ nữ tầm hơn 60 tuổi. Khi được hỏi «có phải bà là Tư Bóng?» bà liền xác nhận và bảo «các chú đến tìm anh Hạnh phải không?» Tôi hơi bất ngờ về câu hỏi này, liền được bà cười bảo: «Tìm đến nhà tôi thì chỉ có gặp anh Hạnh, chứ bán vé số như tôi thì ai mà tìm.»
Rồi bà vừa chỉ vào ngôi nhà, vừa bảo: «Ổng mới ngủ dậy đó. Bây giờ già rồi cũng lẫn, không nhớ được gì hết. Mới 3 tháng trước ông phải vào bệnh viện vì bị cao huyết áp.» Bà dẫn chúng tôi đi ngang một ngôi mộ nằm ngay chính giữa cửa chính của ngôi nhà, khiến ai lần đầu bước vào cũng thấy rợn người.
Sống khép kín, ít giao tiếp bên ngoài
Trong nhà không có vật dụng gì quý giá. Trên tường có treo tấm «bằng khen» của chính quyền Cộng Sản trao tặng. Cùng với tấm bảng ghi dòng chữ «Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, sáng ngày 30/4/1975, cơ sở nội tuyến chiến lược của Ban Binh Vận Trung Ương Cục Miền Nam, phụ tá tổng tham mưu Ngụy đã lệnh cho sĩ quan, binh sĩ án binh bất động, thuyết phục Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng.»
Trước mặt chúng tôi là ông Nguyễn Hữu Hạnh, dáng người ốm, tay chống gậy. Mặc dù ông đang ngồi trên ghế để uống cà phê, nhưng mắt vẫn lim dim mơ màng. Mái tóc lưa thưa bạc trắng, răng rụng hết, nước da sạm với nhiều chấm đồi mồi, đuôi mắt đầy những vết chân chim.
Bà Tư Bóng ghé sát tai ông Hạnh bảo: «Có nhà báo trên Sài Gòn xuống thăm anh.» Ông gật đồng ra vẻ biết chuyện.
Khi chúng tôi hỏi: «Ông năm nay được bao nhiêu tuổi rồi?» – Bà Tư ghé sát tai ông nói lại. Ông liền trả lời rất nhanh «Tôi tên Nguyễn Hữu Hạnh, năm nay 95 tuổi.» Rồi như chắc ăn thêm, ông quay sang hỏi vợ: «95 rồi bà nhỉ?» Bà Tư liền trả lời: «Ừ, đúng rồi!»
Rồi bà Tư quay sang bảo tôi: «Tai ông nặng lắm, nói gì phải ghé sát tai nói mới nghe. Chứ nói chuyện bình thường ông không nghe được đâu.»
Những ngôi mộ xung quanh nhà ông Nguyễn Hữu Hạnh. 
(Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Bà nói thêm: «Cách đây 2 năm thì ông còn nhớ nhiều, chứ bây giờ dường như ông chẳng nhớ gì hết. Mới 3 tháng trước ông phải vào bệnh viện vì cao huyết áp. Bây giờ ông đi lại rất khó khăn, ăn uống cơm nước một tay tôi lo thôi.»
Ông tướng nên vợ nên chồng với bà bán vé số
Nói về cuộc hôn nhân với ông Hạnh, bà Tư kể: «Tôi tên thật là Trần Thị Hiệp, dân đây gọi là Tư Bóng. Hồi đó nhà nghèo không đất đai gì. Nên về cái ‘gò’ này để tự làm chòi để ở. Vì nghĩ đất nghĩa trang thì không ai đuổi đi. Chồng tôi mất sớm để lại 5 đứa con, nên một tay tôi phải đi bán vé số nuôi con.»
 «Tôi gặp ông Hạnh vào năm 2010. Hồi đó ông từ Sài Gòn về ở nhà ông Bảy Rết, là anh em họ hàng với ông Hạnh, nhà cũng sát bên cạnh đây thôi. Ông Hạnh thường hay mua vé số giúp tôi. Gặp nhau vài lần tôi mới biết vợ ông cũng mới mất, nên ông buồn, tìm về quê cho thanh thản, kiếm người hủ hỉ tuổi già. Hồi đó không biết ông là tướng lãnh gì ngày xưa đâu.»
«Tôi lúc đó cũng 53 tuổi rồi. Mới nhìn ông cứ tưởng là cỡ 75 thôi, ai ngờ ông cũng đã 86 tuổi, hơn tôi đến 33 tuổi. Con đầu ông còn lớn tuổi hơn cả tôi. Mới đầu chúng phản đối dữ lắm, vì cho rằng tôi lấy ông là vì tiền bạc, chứ ông già vậy ai mà đi bước nữa với ông. Nhưng bây giờ thì tụi trẻ đã hiểu chuyện, biết cảm ơn tôi, bảo: ‘không có chị chắc ba không sống đến ngày hôm nay?’»
 «Hồi đó ở đây chỉ là nhà tranh vách đất. Nhờ ông vay mượn được 30 triệu VND (khoảng $1,300) để xây căn nhà này. Tiền lương của ông lúc đó được 8 triệu, nên ông vừa trả dần một tháng 2 triệu và giúp tôi trả các khoản nợ cũ. Bây giờ thì lương ông đã hơn mười mấy triệu rồi (khoảng $600/tháng, so với thu nhập của người dân là khá cao).»
Chúng tôi hơi bất ngờ về chi tiết này, vì nghĩ ông đã về hưu thì làm sao có mức lương được chính quyền trả như vậy? Thắc mắc thì được bà Hiệp bảo: «Thật ra khoảng 3 năm nay ông không còn đi họp hành gì nữa, nhưng vẫn có tên trong thành viên ‘Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc’ nên mới được mức lương như vậy. Hiện 2 vợ chồng sống dựa vào đồng lương đó thôi.»
Hỏi bà là chính quyền có hay cử người tới thăm ông không? Bà trả lời: «Không, chỉ lâu lâu đến dịp 30 Tháng Tư thì có vài nhà báo xuống thăm trò chuyện mà thôi. Ở đây, ông cũng ít khi ra ngoài nên hàng xóm cũng ít biết đến ông.»
Tới đây chúng tôi mới hiểu lý do vì sao mà lúc tìm nhà ông lại khó khăn như vậy, vì hàng xóm không biết có ông Hạnh nào ở xóm mình cả.
Gần cuối đời sống ở nghĩa trang
Chúng tôi quay sang hỏi ông Hạnh: «Ông có nhớ gì ngày 30 Tháng Tư, 1975 không?» Bà Hiệp kề tai ông nói lại như phiên dịch. Ông trả lời: «Có cái nhớ, có cái không?» Nghe đến đây chúng tôi cũng mừng thầm, vì nghĩ biết đâu ông sẽ kể được chi tiết về biến cố này.
Cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh trước căn nhà trong nghĩa trang. 
(Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Nhưng khi hỏi tiếp: «Lúc đó ông làm gì?» Thì ông chỉ trả lời: «Lúc đó ở trong mặt trận, tôi là giám đốc miền Nam»
Rồi ông im lặng, người đơ ra như đang «nghiệm» điều gì đó mà không nhớ ra. Bà Hiệp bên canh nói thêm như giải thích, «ổng quên hết rồi!»
Biết là không thể hỏi thêm được điều gì, nên tôi quay sang nói chuyện tiếp với bà Hiệp.
Thế mấy con của ông có hay từ Sài Gòn xuống thăm không? Bà Hiệp nói như thở dài: «Không, lâu lâu có đám cưới hỏi gì của mấy cháu trong nhà thì cũng có gọi điện báo tin và mời ông về Sài Gòn thì tôi đưa ông lên thôi. Chứ con cái không thấy xuống thăm ông. Có lẽ tụi nó bận công việc.»
Về con cái và nhà cửa của ông Nguyễn Hữu Hạnh, báo Tiền Phong ở Việt Nam trong bài «Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh bây giờ…» xuất bản ngày 26 Tháng Tư, 2017, có đoạn: «…Ngôi biệt thự (của ông Hạnh) ở đường Phan Kế Bính sau khi người bạn đời của 14 người con mất đã bán đi, mua mảnh đất ở ấp Tám, Tân Phú Trung, Củ Chi, Sài Gòn để ở, rồi lại khóa cửa để đấy, ông Hạnh về đây quanh quẩn vui thú điền viên với bạn bè…»
Báo này kể có chi tiết trùng với lời kể của bà Trần Thị Hiệp: «Mươi năm trước, Mặt Trận Tổ Quốc thành phố cho mượn 30 triệu làm 30m2 nhà cấp 4 này, trừ dần vào lương tháng, ông đã trả hết. Mới rồi ông lại mới vay được 10 triệu xây thêm căn bếp.»
Trở lại thực tại, nhìn những ngôi mộ bên cạnh nhà, đặc biệt ngôi mộ ngay chính cổng ra vào, chúng tôi e ngại hỏi: «Sống gần mồ mả vậy có sợ không?» Bà Hiệp nói «thấy cũng bình thường, vì ở đây riết cũng quen rồi. Nghĩa trang này hiện nay họ vẫn tiếp tục chôn. Cứ có người mất thì họ lại đem tới chôn thôi. Không vấn đề gì cả.»
Chúng tôi hỏi nước uống mà gia đình bà đang dùng được lấy từ đâu? Bà bảo: «Thì nước giếng thôi!» Vừa nói bà chỉ ra cái giếng nước bên ngoài, sát bên cạnh những nấm mồ. Nghĩ mà nổi da gà vì nãy giờ cũng đã uống một ly nước ở nhà bà, nguồn nước có thể bị ô nhiễm khi bên cạnh là những nấm mồ.
Câu chuyện giữa chúng tôi và bà Hiệp lâu lâu lại bị ngắt quãng bởi những tiếng ho hay khạc nhổ của ông Hạnh. Dường như ông không còn tự chủ trong các hành động của mình. Nhìn ông, ít người ở đây biết rằng «ông già lẩm cẩm» ở trong căn nhà nhỏ xíu, xung quanh toàn mồ mả này trước đây từng là một vị tướng VNCH quyền uy, một nhân vật quan trọng trong biến cố 30 Tháng Tư 1975, khiến miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.
Chào ông ra về mà trong đầu chúng tôi băn khoăn về một kiếp người. Phải chăng đây là số phận của một người làm tướng Việt Nam Cộng Hòa nhưng lại nằm vùng cho Cộng Sản, những ngày tháng cuối đời phải sống trong nghĩa trang, làm bạn với những nấm mồ.
(Nhật Bình)
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, sinh năm 1924, là chuẩn tướng Bộ Binh của Quân Lực VNCH. Ông thường được biết đến với vai trò là phụ tá tổng tham mưu trưởng cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, người đã tác động để Tổng Thống Dương Văn Minh sớm đi đến quyết định kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa buông vũ khí đầu hàng quân đội Bắc Việt vào ngày 30 Tháng Tư, năm 1975.
Năm 1946, ông gia nhập quân đội Pháp dưới quyền Thiếu Úy Dương Văn Minh, người sau này trở thành tổng thống cuối cùng của VNCH.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh từng kinh qua các chức vụ: Tham mưu trưởng Phân Khu Sài Gòn-Chợ Lớn (1952). Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 30 Việt Nam Biệt Lập (1954). Du học lớp Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp tại trường Fort Leavenworth, tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ (1958). Tham mưu trưởng Quân Khu Thủ Đô, sau đổi thành Biệt Khu Thủ Đô (1960). Đại tá tham mưu trưởng Quân Đoàn IV do Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao làm tư lệnh (1963). Ủng hộ Tướng Dương Văn Minh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1963). Trở thành cơ sở của Ban Binh Vận Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt (1970) trong cùng năm được thăng làm chuẩn tướng của Quân Lực VNCH. Phó tư lệnh Quân Đoàn II (1972). Chánh thanh tra Quân Đoàn I (1973).
Ngày 15 Tháng Năm, 1974, ông Hạnh bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho về hưu khi mới 48 tuổi. Ngày 28 Tháng Tư, năm 1975, sau khi Đại Tướng Dương Văn Minh lên tổng thống, ông Hạnh giữ chức phụ tá cho tân tổng tham mưu trưởng, Trung Tướng Vĩnh Lộc. Sáng 29 Tháng Tư, Tướng Vĩnh Lộc đi di tản, vì vậy, nhân danh tổng tham mưu trưởng, ông đã ra tuyên bố kêu gọi binh sĩ VNCH buông súng.
Cùng với Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, ông Hạnh là một trong 2 vị tướng bên cạnh Tổng Thống Dương Văn Minh trong giờ phút cuối cùng của VNCH.
Sau năm 1975, được ghi nhận công lao trong tác động đến buông súng của Quân Lực VNCH, ông Hạnh không bị đi tù cải tạo, mà còn được giữ chức vụ tổng thư ký Hội Nhân Dân Bảo Trợ Nhà Trường, sau được bầu «ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc thành phố» với tư cách là «nhân sĩ yêu nước» và giữ chức vị đó cho đến nay.

No comments:

Post a Comment