Thế
trận từ không gian
Vũ Hiến
August 20, 2018
Share on Facebook Tweet on Twitter
Giả dụ trong tương lai nếu chiến tranh xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc thì
nhiều khả năng đó sẽ là một trận chiến trên không gian, và bất cứ trận chiến
không gian nào cũng sẽ tập trung vào mục tiêu tiêu diệt các loại vệ tinh nhân
tạo của đối phương – là những thiết bị đang bay ngoài không gian và làm những
công việc như thu thập tin tức tình báo, trạm nối kết viễn thông, và hệ thống
định vị toàn cầu (GPS). Hiện Mỹ có khoảng hơn 800 vệ tinh nhân tạo đang bay
trong quỹ đạo và Trung Quốc có khoảng hơn 200.
Một khi sự đối đầu giữa hai bên đạt tới mức không thể cứu vãn bằng ngoại
giao được nữa thì bên nào hành động trước sẽ là bên ít bị thiệt hại nhất. Lực
lượng Không gian của Hoa Kỳ và Quân đội Giải phóng Nhân dân của Trung Quốc sẽ
sử dụng những loại vũ khí như tia laser và hệ thống gây nhiễu sóng để tạm thời
vô hiệu hoá khả năng tác chiến của đối phương. Nếu tình trạng căng thẳng tiếp
tục leo thang thì đến một lúc nào đó cả hai bên sẽ phải sử dụng đến những loại
vũ khí thật sự có khả năng phá huỷ hoàn toàn những loại vệ tinh nhân tạo ngoài
không gian kia.
Nhưng đó là chuyện giả dụ thôi vì không ai muốn thấy một cuộc chiến
tranh tương lai như vậy xảy ra và sẽ tìm mọi cách để tránh. Chiến tranh luôn
luôn là sự lựa chọn cuối cùng, và chiến tranh không gian, nếu xảy ra, thì đây
là điều gần như bảo đảm một phần lớn kiến trúc của hệ thống internet, dự báo
thời tiết và những hệ thống khác, như bản đồ định vị và viễn thông, sẽ bị huỷ
diệt, và đưa văn minh nhân loại thụt lùi lại ít nhất là vài thập niên.
Chiến tranh không gian là chuyện hết sức xa vời và nói vào lúc này thì
cũng không khác gì chúng ta đang nói tới một câu chuyện khoa học giả tưởng. Tuy
nhiên, một cuộc chạy đua không gian giữa các cường quốc như Nga, Mỹ và Trung
Quốc đang diễn ra trong mấy năm qua, tuy âm thầm nhưng có phần nào quyết liệt,
và quốc gia nào kiểm soát được không gian thì sẽ được lợi thế cạnh tranh trong
tương lai.
Ba năm trước, Nga đã âm thầm cho thành lập Lực lượng Không gian Vũ trụ,
một nhánh mới của lực lượng vũ trang Liên bang Nga, thông qua sự liên kết giữa
hai đơn vị quân đội hiện nay là Không quân và Lực lượng Phòng thủ Không gian.
Trung Quốc chưa có một lực lượng như vậy nhưng chương trình phát triển không
gian của họ thì vẫn đang ráo riết hoạt động, chính quyền Bắc Kinh đầu tư hầu
như không có giới hạn vào trong lãnh vực này và cũng chẳng thèm che đậy tham
vọng không gian của họ.
Có thể nói kỹ thuật không gian của Hoa Kỳ cho đến nay vẫn là số một và
điều này đã được chứng minh qua cuộc chạy đua không gian giữa Nga và Mỹ trong
thời chiến tranh lạnh. Ngoài cơ quan không gian NASA nổi bật nhất, Hoa Kỳ còn
có một số chương trình không gian khác được đặt dưới quyền chỉ huy của quân
đội. Tuy nhiên, với cuộc chạy đua không gian giữa các cường quốc như hiện nay
được cho là một thách đố đối với nền an ninh quốc gia, phải chăng đã đến lúc
Hoa Kỳ cần phải tiến thêm bước nữa, lập ra hẳn một lực lượng không gian riêng
biệt để đối phó với tình hình mới?
Phó Tổng thống Mike Pence, qua một bài diễn văn đọc tại Bộ Quốc phòng
hôm Thứ Năm 9/8 nhấn mạnh đến những thách đố và cạnh tranh ráo riết trong lãnh
vực không gian từ phía Nga và Trung Quốc, đã tuyên bố một kế hoạch đầy tham
vọng là đến năm 2020 sẽ cho thành lập Lực lượng Không gian Hoa Kỳ, được xem như
một binh chủng mới riêng biệt và là binh chủng thứ sáu của quân đội Mỹ. Ý tưởng
này đã được Tổng thống Trump nhắc đến nhiều lần trong mấy tháng qua và cho biết
đây là việc cần thiết để bảo đảm ưu thế của Mỹ trong lãnh vực không gian tương
lai. Trong bài diễn văn, Pence đã mô tả không gian như một khu vực trước đây
được cho là rất hoà bình và không bị quấy phá nhưng nay đang trở thành nơi được
nhiều quốc gia khai triển và phần nào đối nghịch với chính sách không gian của
Mỹ.
Ðây là một kế hoạch rất phức tạp và tốn kém sẽ phải mất nhiều năm để
được quốc hội chuẩn thuận và đưa vào hoạt động. Theo ý kiến của bà Deborah
James, Bộ trưởng Không quân trong ba năm cuối của chính quyền Obama, tiến trình
để thành lập một binh chủng riêng biệt có thể sẽ mất từ 5 đến 10 năm.
Phó Tổng thống Pence cũng cho biết thêm là Toà Bạch Ốc sẽ làm việc với
quốc hội về kế hoạch này và sẽ phác thảo một ngân sách trong năm tới. Lần cuối
cùng một binh chủng của Hoa Kỳ được thành lập với đồng phục và huy hiệu riêng
là vào năm 1947, khi ấy binh chủng Không quân được thiết lập sau Ðệ nhị Thế
chiến để tham gia vào lực lượng của quân đội cùng những binh chủng khác là Bộ
binh, Hải quân, Thuỷ quân lục chiến và Tuần duyên.
Bước đầu tiên của tiến trình là Bộ Quốc phòng sẽ cho thành lập Bộ chỉ
huy Không gian để phác hoạ các kế hoạch tác chiến, một Cơ quan Phát triển Không
gian để nhận diện và phát triển các kỹ thuật mới, một Lực lượng Hành động Không
gian bao gồm các sĩ quan chỉ huy và binh lính, và một cơ cấu hỗ trợ mới cho
binh chủng. Bước thứ hai, Ngũ Giác Ðài sẽ gom tất cả các thành phần trên vào
một mối để trở thành binh chủng thứ sáu của quân đội.
Một phần lớn hoạt động không gian hiện nay của quân đội được đặt dưới
quyền của Bộ chỉ huy Không gian Không quân với tổng hành dinh tại căn cứ không
quân Peterson ở Colorado Springs thuộc tiểu bang Colorado. Bộ chỉ huy này hiện
có khoảng 38,000 nhân viên và điều hành 185 hệ thống vệ tinh nhân tạo của quân
đội, bao gồm các loại vệ tinh định vị GPS, viễn thông và thời tiết. Bộ chỉ huy
này cũng giám sát hoạt động chiến tranh mạng của Không quân. Trong khi những
hoạt động không gian khác được phân tán nhiều nơi trong Bộ quốc phòng, và vì
vậy nếu gom vào dưới quyền một bộ chỉ huy duy nhất sẽ bảo đảm được sự hoạt động
hợp nhất hơn.
Cũng trong bài diễn văn, Phó Tổng thống Pence đã ngầm ám chỉ một cuộc
xung đột không gian có thể xảy ra trong tương lai, trong đó có đoạn: «Trong khi những quốc gia khác ngày càng tỏ
ra có khả năng hoạt động trong không gian, nhưng không phải tất cả đều có chung
những cam kết về tự do, quyền sở hữu và quy tắc pháp lý như chúng ta.»
Một trong «những quốc gia khác»
đó trong ngụ ý của Pence chắc hẳn không ai khác hơn là Trung Quốc, mà chương
trình không gian của họ đã và đang được đẩy mạnh, và Bắc Kinh đã bắt đầu nói
đến những phần đất bên ngoài không gian kia như là đất của chính họ vậy.
Năm ngoái, Diệp Bồi Kiến (Ye Peijian), nhân vật số một của chương trình
thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc, đã ngang nhiên đưa ra một so sánh khi trả
lời phỏng vấn tại một cuộc họp thường niên của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc cho
thấy dã tâm của họ: «Vũ trụ giống như là
biển vậy, mặt trăng là đảo Ðiếu Ngư, hoả tinh là đảo Hoàng Nham. Nếu chúng ta
không chịu tới đó mặc dù có dư khả năng để làm việc này, thì chính chúng ta sẽ
bị thế hệ hậu bối trách cứ. Nếu những nước khác tới đó trước rồi họ chiếm cứ,
và ta sẽ không thể nào tới đó sau dù có muốn hay không. Ðiều này đã nói lên đủ
lý do rồi.»
Ðiếu Ngư Ðảo mà Diệp nói đến chính là đảo Senkaku đang có tranh chấp mà
Nhật Bản nhận chủ quyền từ lâu, và Hoàng Nham Ðảo chính là bãi đá cạn
Scarborough cũng đang có tranh chấp và Philippines đã nhận chủ quyền của họ.
Chưa lên được mặt trăng mà đã có giọng điệu như thế thì thử hỏi Biển
Ðông nằm ngay đó tránh sao khỏi dã tâm xâm lấn của họ. Trong mấy năm qua, Trung
Quốc đã đơn phương và bất chấp luật biển quốc tế tự nhận chủ quyền 90% diện
tích của khu vực Biển Ðông, nơi được xem là một trong những đường hàng hải quan
trọng nhất thế giới. Trung Quốc đã ra sức quân sự hoá các hòn đảo nhân tạo họ
chiếm cứ. Nếu như Bắc Kinh tìm cách cô lập khu vực Biển Ðông cũng có nghĩa là
họ cắt đứt phần huyết mạch của Á châu và đặt dưới quyền kiểm soát của chính
quyền độc tài của họ.
Dã tâm xâm chiếm không gian của Trung Quốc cũng không khác gì dã tâm
chiếm Biển Ðông của họ. Hoa Kỳ sẽ không đứng khoanh tay để Trung Quốc thao
túng.
Vũ Hiến
No comments:
Post a Comment