Monday, August 27, 2018

Cảm nghĩ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 64 ngày thọ nạn của Đức Huỳnh Giáo Chủ, Vị sáng lập Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo


Cảm nghĩ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 64
ngày thọ nạn của Đức Huỳnh Giáo Chủ,
Vị sáng lập Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo




Nguyễn Chính Kết



Khi tìm hiểu các tôn giáo, tôi đặc biệt lưu ý đến hai tôn giáo phát xuất từ lòng dân tộc: Đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Hai tôn giáo này có chung một đặc điểm là khả năng hội nhập văn hóa rất cao, nghĩa là diễn tả và thực hành sứ điệp của tôn giáo mình phù hợp với văn hóa, cung cách suy nghĩ và ngôn ngữ của dân tộc. Đạo Cao Đài thì dùng nền tảng Kinh Dịch để giải thích về Thượng Đế, PGHH thì diễn tả và giải thích đạo Phật theo cung cách Việt Nam, đặc biệt phù hợp với giới nông dân.


Riêng PGHH, khi đọc về Đức Huỳnh Giáo Chủ, tức Đức Huỳnh Phú Sổ (1920-1947), tôi rất cảm phục về đầu óc và trí tuệ của ngài. Dù mới chỉ học xong sơ học yếu lược Pháp-Việt, tương đương với bằng tiểu học (do bị bệnh nên không thể tiếp tục học cao hơn), thế mà chỉ trong thời gian 8 năm (từ 1939 đến 1947), ngài đã lập nên một mối đạo có khá nhiều tư tưởng tiến bộ và có hàng triệu tín đồ tại Việt Nam.


Chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ


Tôn giáo nào cũng có một số ưu điểm vượt trội so với những tôn giáo khác. PGHH cũng có một số ưu điểm đặc biệt. Là một người đang đấu tranh cho dân chủ, tôi rất tâm đắc với một số đặc điểm của PGHH, đương nhiên do Đức Huỳnh Giáo Chủ chủ trương.


1) Tinh thần dân chủ của PGHH: Các vị lãnh đạo PGHH −các Ban Trị Sự− là do các tín hữu bầu lên với một nhiệm kỳ nhất định, chứ không do các bề trên chỉ định và bổ nhiệm với nhiệm kỳ hầu như vô thời hạn. Các vị lãnh đạo PGHH được bầu lên không được thần thánh hóa theo kiểu tôn sùng lãnh tụ.


Tại Việt Nam, vào thời Đức Huỳnh Giáo Chủ, ý niệm dân chủ còn rất xa lạ đối với quần chúng, thậm chí đối với cả giới trí thức, thế mà ngài −một người mà bằng cấp chỉ tương đương với bằng tiểu học− lại biết áp dụng tinh thần dân chủ vào ngay tôn giáo và tổ chức chính trị mình sáng lập. Có thể nói PGHH là một tôn giáo rất tiến bộ về tính dân chủ.


2) Tinh thần quốc gia dân tộc của PGHH. Theo giáo lý của PGHH, người tín hữu phải ghi lòng tạc dạ “tứ trọng ân” để lo báo đáp suốt đời. 4 trọng ân đó là: ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại. Trong 4 trọng ân, thì ân đối với đất nước và ân đối với đồng bào, dân tộc đã chiếm hết hai trọng ân rồi, nên một tín hữu PGHH chân chính phải luôn nặng lòng đối với tổ quốc, dân tộc và đồng bào mình. Ít có tôn giáo nào coi đất nước, quê hương, đồng bào nặng tình đến như vậy.


4 trọng ân ấy khiến các tín đồ PGHH trở nên rất kiên cường, sẵn sàng bảo vệ đạo pháp, đồng thời rất anh hùng chống lại giặc ngoại xâm thời Pháp thuộc cũng như hiểm họa bị Hán hóa hiện nay. Và cũng rất kiên quyết chống lại chế độ độc tài phản dân hại nước do đảng CSVN lãnh đạo, đang sẵn sàng tiếp tay giúp Trung cộng Hán hóa dân tộc.


3) Tinh thần dấn thân chính trị của PGHH: Một khi đặt nặng tinh thần quốc gia dân tộc, thì khi đất nước lâm nguy, dân tộc đau khổ, đạo đức xuống cấp, bất công tràn lan… việc tự nhiên phải làm là có hành động thích hợp cứu nguy tổ quốc. Khác với rất nhiều tôn giáo, PGHH chủ trương dấn thân chính trị, nhất là khi đất nước bị ngoại bang hay bị một chế độ phi nhân tàn bạo cai trị. Dấn thân làm chính trị trong trường hợp này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đạo Phật, là đạo gốc của PGHH. Trong Lục Độ Tập Kinh, một bộ kinh Phật xuất hiện vào thế kỷ II, có câu: “Thấy dân đau khổ oán thán, vị Bồ tát gạt nước mắt xông vào môi trường chính trị hà khắc cứu dân khỏi lầm than”. Chính Đức Huỳnh Giáo Chủ đã làm gương về mặt này.


Ngài đã thành lập Dân Xã Đảng với chủ trương “Toàn Dân Chính Trị” được xây dựng trên nguyên tắc nền tảng “chủ quyền thuộc toàn dân”. Tư tưởng dân chủ của ngài quả đi trước thời đại: người dân muốn làm chủ đất nước thì phải hành xử quyền làm chủ của mình. Hành xử quyền làm chủ đất nước là đã dấn thân vào chính trị. Ngược lại có dấn thân vào chính trị mới thể hiện được quyền làm chủ đất nước. Ngài cũng lập quân đội để chống lại thực dân Pháp, đồng thời chống lại Việt Minh vì ngài biết ý đồ đen tối và thủ đoạn độc ác của họ, dù họ cũng cùng chống lại thực dân Pháp như ngài. Vì thế, ngài bị cả thực dân Pháp lẫn Việt Minh thù ghét. Nhưng Việt Minh còn tệ hơn thực dân Pháp, đã mưu sát ngài ngày 16-4-1947 (tức 25 tháng 2 năm Đinh Hợi).


Chính trị mà ngài chủ trương là chính trị vương đạo, khác hẳn với thứ chính trị bá đạo mà Cộng sản và nhiều nhà chính trị trên thế giới áp dụng. Chính trị vương đạo là đường lối chính trị chủ trương đạo đức, phù hợp với đòi hỏi của lương tri, lương tâm, với Thiên đạo cũng như Nhân đạo, nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng dân tộc hoặc cộng đồng nhân loại. Còn chính trị bá đạo là thứ chính trị sẵn sàng sử dụng những thủ đoạn gian trá, bịp bợm, tàn bạo để nắm quyền lực, nhằm phục vụ tham vọng và lợi ích cá nhân hoặc đảng phái.


Đối với ngài, tôn giáo và chính trị vương đạo không hề đối kháng nhau, trái lại phải đi đôi với nhau. Bản chất của mọi tôn giáo là chống ác và khuyến thiện. Các tôn giáo có bản chất chống lại sự ác, cho dù sự ác ấy là do nhà cầm quyền đương thời gây nên. Thật phi lý và mâu thuẫn khi cho rằng sự ác do ai gây nên thì tôn giáo có quyền chống, còn sự ác do cộng sản hay nhà cầm quyền đương thời gây nên thì không được chống vì chống như thế là làm chính trị. Lý luận như thế rõ ràng là ngụy biện. Đó chính là thứ thuốc phiện làm tê liệt bản chất chống ác, chống bất công của các tôn giáo. Tôn giáo nào mất đi bản chất chống ác khuyến thiện, lại còn sẵn sàng thỏa hiệp với sự ác, thì không còn là tôn giáo đúng nghĩa nữa. Tương tự như muối mà mất đi vị mặn thì không còn là muối nữa.


Với tư tưởng, chủ trương và việc làm kể trên của Đức Huỳnh Giáo Chủ, ngài không chỉ là giáo chủ một tôn giáo, mà còn là một nhà ái quốc xuất sắc, một vị anh hùng dân tộc, một tấm gương sáng ngời xứng đáng làm bổn mạng cho những người đang đấu tranh cho tự do dân chủ Việt Nam hiện nay.


Houston, ngày 9-4-2011


Nguyễn Chính Kết

No comments:

Post a Comment