Một
Nghịch Lý Rất Thực Tế
Cuộc đời thường có những nghịch
lý, tức những điều khó hiểu vì chúng xảy ra ngược lại với cách suy nghĩ hay
lý luận bình thường. Có những nghịch lý ít xảy ra, nhưng có những nghịch lý
luôn luôn xảy ra và hết sức thực tế trong mọi thời đại. Chẳng hạn trong những
xã hội đầy bất công và đàn áp luôn luôn có tình trạng nghịch lý này, mà một nhà
thơ (xin được dấu tên) diễn tả một cách biểu tượng, sâu sắc và ý vị trong bài
thơ sau đây:
Chuyện của rừng
«Bão táp nổi
lên thật cuồng bạo,
«Rừng xác xơ
cây cối ngả nghiêng,
«Đám cổ thụ
giữa rừng khiếp vía,
«Cúi rạp mình
rên rỉ van xin.
«Bão vẫn cứ
tung hoành ngang dọc,
«Bỏ ngoài tai
những tiếng nỉ non,
«Mắt không thấy
lệ rơi thống thiết,
«Đầm đìa trên
nứt nẻ làn da.
«Ở cuối rừng
kìa một đám sậy,
«Mím chặt môi
áp sát vào nhau,
«Mắt trừng lên
nhìn thẳng mặt bão,
«Tay trong tay
đảo chao chống chọi.
* * *
«Rồi bão lặng.
«Có eo óc một
vài tiếng chim,
«Cỏ vật vờ dăm
ba cánh bướm,
«Vội vàng cổ
thụ lau nước mắt,
«Môi dúm dó cố
nở nụ cười,
«Và đám sậy
ngửa cổ nhìn mây.»
Trước những bất công đàn áp, những kẻ có quyền thế, những kẻ đáng kính
đáng nể, có khả năng, có tiếng nói mạnh mẽ, những kẻ có bổn phận phải lên tiếng, những kẻ có thể thay đổi được tình huống thì lại khiếp vía trước bạo lực,
không dám nói gì hay làm gì cả, đành chấp nhận cho bất công hoành hành. Nếu có
những kẻ nào dám chống lại bạo lực,
dám tố cáo bạo lực, thì những kẻ ấy rất nhiều khi lại nằm trong số những kẻ thấp cổ bé miệng, không có tiếng nói,
không có thế lực hay một tấc sắt trong tay. Họ chẳng làm được gì ngoài việc cho những kẻ đàn áp biết sự sai trái của chúng. Làm như
thế, họ phải sẵn sàng chấp nhận tất
cả mọi hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra cho họ, cho gia đình họ, bạn bè họ.
Thật là nghịch lý phải không? Tại sao những người có thế giá hơn họ, có
tiếng nói mạnh mẽ hơn họ, những kẻ đáng lý phải lên tiếng chứ không phải họ,
những kẻ nếu có lên tiếng cũng được an toàn hơn họ rất nhiều, và gây được ảnh
hưởng to tát hơn họ biết bao, thì lại câm
lặng như những kẻ hèn nhát? Tại sao thế?
Có phải vì những người này thấy mạng sống của họ quí giá hơn những người
kia? Còn những người kia thì thấy mạng sống mình rẻ mạt nên sẵn sàng hy sinh?
Có phải vì họ sợ bị tra tấn, đánh đập, tù đày, bị điều tra, sách nhiễu, quản
chế tại chỗ? Hay vì họ còn có nồi cơm hoặc những điều kiện cần thiết để sống
cần phải bảo vệ, không phải chỉ cho họ mà còn cho gia đình họ, hay những người
họ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục? Rất có thể, nhưng những kẻ thấp
cổ bé miệng mà lên tiếng thì có nhiều
nguy cơ phải chấp nhận đau thương như thế gấp trăm lần: cha mẹ còn sống
phải lo lắng khổ sở, vợ con nheo nhóc lao đao, con cái mất học, mất việc làm,
gia đình có thể tan rã!
Thật ra, ai cũng hết sức quí trọng và bảo vệ mạng sống mình! Có điều
cũng khá dễ hiểu là những ai sống trên nhung lụa, đang được kẻ hầu người hạ,
thì sợ chết, sợ đau, sợ khổ hơn
những người khác rất nhiều. Và một nghịch lý nhỏ khác là trong số những người
này, có nhiều người vẫn tự hào mình
đang sống lý tưởng dấn thân, phục
vụ, cho chân lý, công lý, người nghèo, nhân dân, theo chân giáo chủ này hay anh
hùng nọ. Điều nghịch lý ở đây là: sợ chết sợ khổ như thế làm sao theo lý tưởng
cao cả ấy được?
Họ còn sợ gì nữa? Có phải họ sợ phải xuống khỏi cái ghế đang ngồi mà họ đã phải bỏ ra bao công, bao của, bao thời gian
mới trèo lên được? Hay là vì họ có một vài cái «tẩy» nào đấy phải tuyệt
đối giữ bí mật? Công chúng biết được
cái «tẩy» này thì họ chẳng còn mặt
mũi nào mà tiếp tục ngồi trên cái ghế cao cả ấy, và lúc ấy nồi cơm nấu bằng gạo
thơm của họ trên bếp cũng trở nên khê cháy chẳng ăn được. Vì thế, ai mà nắm
được những cái «tẩy» ấy, thì có thể
làm áp lực, tống tiền, thậm chí sai khiến họ được. Có phải vì thế mà họ đành
phải im lặng, chịu đựng cho qua «truông»?
Còn những kẻ thấp cổ bé miệng, có thật là trong đám ấy có những người
dám lên tiếng, dám nói sự thật, dám tố cáo bất công, dám bênh vực công lý, dám
chống lại «bão», đang khi những kẻ
quyền thế hơn lại phải im lặng không ? Hiện nay họ là những ai? Đó là những Trần
Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Đoan Trang,
Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, v.v... nhiều lắm, không tiện kể hết. Họ là
những kẻ thấp cổ bé miệng nhưng lại dám lên tiếng. Đặc biệt, trong số những vị thuộc
loại có tiếng nói mạnh hơn đã dám lên tiếng như Lm Đặng Hữu Nam, Lm Nguyễn Đình
Thục, Lm Nguyễn Duy Tân, v.v... và trước đây có HT Thích Quảng Độ, Thích Không
Tánh, Thích Thiện Minh, Lm Nguyễn Văn Lý, Lm Nguyễn Hữu Giải, Lm Phan Văn
Lợi... Tất cả những con người can đảm ấy là những ngôn sứ cho sự thật, cho công
lý của thời đại.
Nhưng cũng cần phải xét xem họ làm như thế là can đảm hay ngu xuẩn? Rất
nhiều người khen họ là can đảm, nhưng cũng không ít người chê họ là ngu xuẩn!
Kẻ khen người chê, ai cũng có lý của mình, tùy theo quan niệm và não trạng mà
mỗi người có. Thật khó mà xác định được ranh
giới giữa khôn ngoan và hèn nhát, giữa can đảm và ngu xuẩn! Biết bao người
núp bóng hay nhân danh khôn ngoan để tha hồ mà hèn nhát! Họ hèn nhát nhưng lại
cứ tưởng mình khôn ngoan! Nhưng cũng có biết bao kẻ bạo dạn chỉ vì «điếc không sợ súng»! Họ ngu xuẩn mà cứ
tưởng mình can đảm! Liệu những người dám lên tiếng kia có phải là những kẻ «điếc không sợ súng»? Không phải đâu, vì
ai trong bọn họ cũng đều nhìn thấy trước mắt những nghịch cảnh mà họ phải chấp
nhận cho sự lên tiếng của họ! Nhiều người đang bị nghịch cảnh mà vẫn tiếp tục
lên tiếng!
Những kẻ chỉ biết nghĩ tới
quyền lợi của mình và gia đình mình chắc chắn sẽ cho họ là quá ư dại dột! Có
rất nhiều trường hợp tương tự như thế trong lịch sử. Anh hùng ta ngày xưa chủ
trương «châu chấu đá xe» là ngu xuẩn
hay can đảm? Chắc chắn vẫn có những người cho họ là ngu xuẩn! Hãy xem: đang khi
cả một phần ba thế giới tôn sùng và theo chân Đức Giêsu như gương mẫu của khôn
ngoan và đức hạnh, thì vẫn có những Hêrôđê chê Ngài là dại dột (x. Lc 23,11),
và trong đám dân chúng vẫn có những kẻ cho rằng Ngài bị «mát», bị «mất trí» (x. Mc
3,21)! Biết sao được?! Phải chấp nhận!
Những kẻ dám lên tiếng ấy dường như «không
sợ chết, không sợ tù, không sợ bị đau, không sợ tra tấn, không sợ người thân bị
liên lụy, không sợ bị sách nhiễu, bị mất nồi cơm». Phải vậy chăng? Không
phải đâu! Họ cũng sợ những thứ ấy
không kém gì người khác. Giữa họ cũng có những người bản tính nhút nhát nên sợ
những thứ ấy còn hơn những người bình thường khác!
Nhưng tại sao họ lại có vẻ như
không sợ? Chính vì họ có một nỗi sợ khác
lớn hơn: «sợ phản bội lương tâm mình, sợ
bị lương tâm cắn rứt, sợ bị lương tâm kết án là hèn nhát». Họ không chịu
nổi những điều ấy. Song song với nỗi sợ
cao cả ấy là tình yêu quê hương
đất nước, yêu tôn giáo của mình, yêu đồng loại, và ý thức trách nhiệm của mình đối với những đối tượng mình yêu thương
ấy: «Quốc gia hưng vong, thất phu hữu
trách» mà!
Họ ý thức hơn ai hết: sống là phải
chọn lựa, mà chọn cái này rất nhiều khi lại phải từ bỏ cái kia, không chọn
cả hai được! Cái tốt cái đẹp nào cũng đều phải
trả giá mới có được! Lương tâm, tình yêu và ý thức trách nhiệm là những thứ
mà họ quí nhất, muốn giữ được những
thứ ấy, họ đành phải mất những thứ
khác mà họ cũng hết sức yêu quí.
Trước khi quyết định lên tiếng họ đã phải trầy da tróc vẩy tranh đấu kịch liệt với
chính mình và họ đành chấp nhận thương đau khi phải hy sinh mất đi những
thứ quí giá ấy.
Thế còn những người có thế giá, có tiếng nói, có bổn phận phải nói phải
làm, nhưng vì sợ hãi, sợ mất quyền lợi, sợ mất «ghế», sợ bị «lật tẩy» mà
im lặng, họ có đáng trách không? Đáng trách thì vẫn đáng trách, nhưng thiết
tưởng cũng còn có thể thông cảm và
chấp nhận được, vì bản tính con người yếu đuối mà! Họ chỉ không làm điều mà
đáng lẽ họ phải làm thôi! (đáng buồn!). Rất mong mọi người bao dung thông cảm
cho họ. Trong Giáo Hội Công giáo, trong những Giáo Hội khác, tôn giáo khác và
trong bất kỳ một tập thể nào, vẫn luôn luôn có những trường hợp tương tự.
Nhưng còn một hạng người nữa mà bài thơ trên chưa đề cập đến. Đó là
những hạng người mặc dù biết rõ ai tốt ai xấu, ai lợi dân ai hại dân, nhưng chỉ
vì chút ít hư danh hay quyền lợi chóng qua mà sẵn sàng làm tay sai, chỉ điểm, «ăng-ten»,
làm công cụ tiếp tay cho những kẻ áp
bức, cho ngoại bang, cho kẻ thù của đồng bào mình, gây tai họa thêm cho đám dân
lành đang chịu đủ mọi thứ thiệt thòi. Nếu họ không đủ can đảm để nói sự thật,
để chống lại bất công bạo tàn, thì ít ra họ nên giữ im lặng hay chấp nhận «án binh bất động», như thế lại đỡ tội!
Đằng này họ biết rõ sự thật, nhưng lại sẵn sàng nói sai, sẵn sàng làm chứng dối, sẵn sàng phản bội lương
tâm! Họ biết rõ ai thiện ai ác nhưng lại sẵn sàng đồng lõa hoặc tiếp tay với
tội ác!
Trong lịch sử Việt Nam ,
thời nào cũng có những tên Việt gian như thế! Trong lịch sử các nước, thời nào
cũng có những tên Hán gian, Pháp gian, Mỹ gian sẵn sàng tiếp tay cho kẻ thù của
dân tộc mình, phản bội lại dân tộc mình! Trong lịch sử các tôn giáo thời nào
cũng có những tên giáo gian! Những người này có thể xuất thân từ bất kỳ ngành
nghề nào, cấp bậc nào trong xã hội hay trong các tôn giáo: từ những kẻ có quyền
thế cao nhất trong xã hội đến những kẻ cùng đinh, từ những chức sắc cao cấp
nhất trong các tôn giáo đến những tín đồ không tên không tuổi. Nếu không có
những người này tiếp tay cho kẻ xấu, kẻ áp bức, cho ngoại bang, thì những thế
lực ác ấy không thể làm gì được. Vì thế, họ cũng là những kẻ phạm tội ác, họ sẽ
bị lịch sử lên án, tên tuổi họ sẽ bị những thế hệ mai sau khinh chê và phỉ nhổ
cùng với các quan thầy của họ!
Rất mong bạn, người đang đọc bài này, và cả tôi, người viết bài này,
không bao giờ ở trong số hạng người ấy! Hãy xử sự làm sao để lúc nào chúng ta
cũng có thể «ngửa mặt nhìn đời» một
cách bình thản, không mặc cảm, không hổ thẹn. Hãy can đảm sống theo đòi hỏi của
lương tâm mình!
Sự việc rồi sẽ kết thúc giống như đoạn cuối của bài thơ trên:
«Rồi bão lặng.
«Có eo óc một
vài tiếng chim,
«Cỏ vật vờ dăm
ba cánh bướm,
«Vội vàng cổ
thụ lau nước mắt,
«Môi dúm dó cố
nở nụ cười;
«Và đám sậy
ngửa cổ nhìn mây.»
Nguyễn Chính Kết
No comments:
Post a Comment