Bảo
Vệ Công Dân Hoa Kỳ Tại Việt Nam
Luật Sư Nguyễn Quốc Lân
Các tin tức gần đây liên quan đến các vụ bắt giữ hay hành hung công dân
Hoa Kỳ bởi chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã để lộ một thái độ rất tắc trách của
chính phủ Hoa Kỳ trong trách nhiệm bảo vệ công dân Hoa Kỳ, đặc biệt là công dân
gốc Việt, khi đến Việt Nam.
Trường hợp của ông Michael Phương Nguyễn, hiện đang còn bị giam giữ tại
Việt Nam, là một trường hợp điển hình.
Ông đã bị bắt ngày 7 tháng 7, nhưng chính quyền Việt Nam đã không thông
báo cho Toà Lãnh Sự (TLS) Hoa Kỳ cho tới ngày 17 tháng 7. Thêm vào đó, TLS lại
không thông báo cho gia đình ông Phương viện dẫn đạo luật bảo vệ quyền riêng tư
của công dân Hoa Kỳ khi di chuyển tại hải ngoại theo Đạo Luật Privacy Act ban
hành năm 1974. Gia đình ông Phương đã không nhận được tin tức gì cho tới khi
nhân viên TLS được vào thăm ông Phưong vào ngày 31 tháng 7 và chính thức cho
phép TLS thông báo đến gia đình.
Trường hợp của ông Will Nguyễn cũng tương tự như vậy, nhưng vì chuyện
xảy ra trước hình ảnh có phổ biến trên mạng xã hội nên TLS được thông báo sớm
hơn. Tuy nhiên, ông Will Nguyễn bị bắt ngày 10 tháng 6 vì tham gia biểu tình
chống luật đặc khu cho Trung Công, nhưng nhân viên TLS vẫn không được vào thăm
cho tới ngày 16 tháng 6 và ông Will đã không được thả tự do cho đến ngày 1
tháng 8 sau khi đã ra tòa xét xử vào ngày 20 tháng 7 và trãi qua tiến trình thú
nhận tội lỗi trên truyền hình theo các tin tức phổ biến trên các cơ quan truyền
thông chính thức của chính quyền CSVN.
Mặc dầu chính quyền CSVN đã vi phạm trắng trợn các quyền tự do căn bản
của mọi công dân Việt Nam hay ngoại quốc dựa trên tiêu chuẩn trong các công ước
quốc tế mà Việt Nam đã ký kết chấp nhận, chính quyền Hoa Kỳ qua bao thời đại
tổng thống đã mặc nhiên tạo điều kiện cho tình trạng đó vẫn tiếp diễn. Kể từ
khi ký hiệp ước bang giao từ năm 1995, chính phủ Hoa Kỳ đã có nhiều cơ hội và
thời gian để cải thiện hiện trạng này nhưng Hoa Kỳ đã không hề có nỗ lực cụ thể
nào để đối phó với tệ nạn này.
Thỏa Hiệp Lãnh Sự và Bang Giao giữa Hoa
Kỳ và Việt Nam
Thỏa hiệp Lãnh Sự và Bang Giao gọi là Thỏa Thuận Về Bình Thường Ngoại
Giao và Lãnh Sự Vụ được ký kết giữa Hoa
Kỳ và Việt Nam vào tháng 7 năm 1995 sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao
giữa hai quốc gia. Thỏa thuận này có những điều khoản rất phi lý, đặc biệt là
đối với các công dân gốc Việt, bao gồm những điểm sau đây
1. Tất cả mọi người có mang dòng máu Việt Nam đều được coi là công dân
Việt nam, cho dầu là có quốc tịch Hoa kỳ, sinh đẻ tại Hoa Kỳ hay hải ngoại hay
có bố hay mẹ là người ngoại quốc không phải gốc Việt. Vì Hoa Kỳ đã đồng ý với
điều khoản này, sự phân biệt đó có thể vi phạm hiến pháp hay luật pháp HK vì
các công dân không phải gốc Việt không bị phân biệt đối xử như vậy.
2. Chính quyền CSVN chỉ công nhận những công dân Hoa Kỳ gốc Việt là «US passport holder» (người mang hộ chiếu
Hoa Kỳ) chứ không phải công dân Hoa Kỳ, trong khi những công dân khác không có
liên hệ đến Việt Nam thì được công nhận là công dân Hoa Kỳ. Hoa Kỳ thì không
màng gì đến sự phân biệt này vì tất cả những người mang hộ chiếu HK đều có quốc
tịch HK trong khi đó CSVN được quyền coi các công dân HK gốc Việt là công dân
Việt Nam trong khi họ không được làm như vậy đối với các công dân HK không phải
gốc Việt.
3. Luật Việt Nam lúc ký kết thỏa hiệp này không công nhận quan hệ vợ
chồng của công dân HK nếu hôn thú không được công nhận bởi tòa lãnh sự Việt Nam
tại hải ngoại. Như vậy có nghĩa là những hôn thú làm trong trại tỵ nạn hay ở
hải ngoại vẫn không đuợc công nhận tại Việt Nam và do đó người vợ không được tự
nhận vai trò là vợ hay chồng để can thiệp với CSVN khi người phối ngẫu bị giam
giữ. HK đã không đả động gì đến sự phi lý này khi ký thoả thuận với CSVN.
Hậu quả của những điều khoản phi lý này là các công dân gốc Việt vẫn có
thể bị đối xử như là công dân Việt Nam và theo luật Việt Nam trong khi các công
dân không phải gốc Việt thì không bị đối xử như vậy. Sự phân biệt đối xử này có
thể vi phạm hiến pháp và luật pháp liên bang Hoa Kỳ vì chính phủ Hoa Kỳ không
được phân biệt đối xử các công dân Hoa Kỳ dựa trên yếu tố sắc dân hay quốc gia
nguyên quán mà không chứng tỏ được lý do cần thiết (compelling interest). Mặc dầu CSVN là thành phần gây ra phân biệt
đối xử, nhưng chính phủ Hoa Kỳ là thành phần ký vào hiệp ước để tuân theo và
thi hành hiệp ước và do đó tạo điều kiện cho việc phân biệt đối xử đó xảy ra.
Thỏa hiệp này cần phải được điều đình và ký kết lại. Nếu không, chính
phủ HK có thể bị kiện tại tòa án Hoa Kỳ vì vi phạm hiến pháp và luật lệ HK dựa
trên yếu tố kỳ thị và phân biệt đối xử vì lý do sắc dân và quốc gia nguyên quán
mà không có lý do cần thiết. Lập luận trước tòa án có thể là HK đã biết trước
sự phân biệt đối xử có thể vi hiến này nhưng vẫn ký kết thỏa thuận và do đó một
công dân gốc Việt đã bị phân biệt đối xử bới CSVN dựa trên sự khác biệt này
theo thoả thuận.
Đạo Luật Bảo Vệ Quyền Riêng Tư của Công
Dân Hoa Kỳ
Việc viện dẫn đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của TLS Hoa Kỳ trong trường
hợp của ông Phương Nguyễn là hoàn toàn vô lý. Cho dầu đạo luật đó được áp dụng,
TLS phải nhìn nhận ra rằng việc cần phải có sự cho phép trên văn bản của ông
Phương có thể không thực tế dựa trên những yếu tố như CSVN đã không thông báo
sớm cho TLS, không cho phép TLS nhanh chóng tiếp xúc với ông Phương, và vấn đề
an toàn của ông Phương cần phải vượt qua quyền riêng tư của ông Phương, tối
thiểu là đối với trách nhiệm thông báo với gia đình. Việc thông báo sớm cho gia
đình có thể giúp TLS có thêm tin tức giúp đỡ ông Phương được hiệu quả và nhanh
chóng hơn. Việc tuân theo luật bảo vệ quyền riêng tư trong trường hợp này cũng
vô lý giống như thấy một người rớt xuống sông mà cần xác nhận có sự cho phép
tiếp cứu của nạn nhân rồi mới quyết định tiếp cứu.
Việc viện dẫn điều luật bảo vệ quyền riêng tư trong trường hợp ông Phương
chỉ có thể có được giải thích là TLS đã tỏ thái độ quá quan liêu vì đã chọn
tuân theo luật lệ mà bất kể đến mục tiêu và ý nghĩ của điều luật đó hay chính
phủ Hoa Kỳ đã tỏ ra bó tay trước hành động quá vô lý của CSVN trong khuôn khổ
của hiệp ước bang giao và lãnh sự giữa Hoa Kỳ và CSVN.
Giải Pháp Sắp Tới
Cộng Đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ cần phải cứu xét những
phương hướng hành động cụ thể để chứng tỏ chính sách của chính phủ Hoa Kỳ là
luôn bảo vệ công dân Hoa Kỳ tại khắp nơi trên thế giới.
1. Chính phủ Hoa Kỳ cần vận dụng mọi quyền lực và ảnh hưởng về chính
trị, kinh tế và ngoại giao của mình để điều đình lại thỏa hiệp bang giao và
lãnh sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu về công
ước lãnh sự quốc tế, hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ và thực tế về thi hành luật
pháp và phong tục của CSVN.
2. Các vị dân biểu hay thượng nghị sĩ trong Quốc Hội Hoa Kỳ cần đề nghị
các dự luật đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cần phải
tuân theo và nếu không Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hay chính quyền CSVN phải chịu
những biện pháp chế tài do luật lệ đặt ra.
3. Tiến hành các đơn kiện chống lại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để qua hệ thống
tòa án buộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải tuân theo các tiêu chuẩn tối thiểu theo
hiến pháp và luật lệ Hoa Kỳ.
Trách nhiệm bảo vệ công dân Hoa Kỳ tại khắp nơi trên thế giới cần phải
được thi hành một cách nghiêm trọng, không phân biệt hay kỳ thị dựa trên các
yếu tố cấm kỵ của Hoa Kỳ và không thể để tùy tiện cho các quốc gia độc tài tự
do hành động. Cộng Đồng Việt Nam tại khắp nơi cần đòi hỏi các vị dân cử đại
diện cho mình trong chính phủ Hoa Kỳ thi hành trách nhiệm này một cách công
bình và thích đáng.
Luật Sư Nguyễn Quốc Lân
No comments:
Post a Comment