Đọ
sức thương mại với Mỹ:
Bắc Kinh dè dặt do sợ lãnh đòn nặng
Bắc Kinh dè dặt do sợ lãnh đòn nặng
Trọng Thành
Mỹ tái áp đặt trừng phạt kinh tế Iran , Luân Đôn cáo buộc Paris làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính
của Anh Quốc, vua đầu bếp Pháp Joel Robuchon qua đời là một số tít lớn trang
nhất các báo hôm nay. Về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Le Monde có bài phân
tích về các phản ứng rất dè dặt từ phía Bắc Kinh, trước viễn cảnh Trung Quốc
chịu nhiều tổn thất nặng nề, xét về «trung
hạn».
Bài «Thương mại:
Trung Quốc chưa muốn xung trận» của Le Monde mở đầu với nhận định «Bắc Kinh đang bị kẹp giữa hai gọng kìm».
Một mặt, chắc chắn Trung Quốc không thể làm thinh trước các đe dọa tăng thuế
với 200 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ. Ngày 3/8 vừa qua, Bắc
Kinh đã trả lời bằng các biện pháp đánh thuế 60 tỉ đô la hàng Mỹ. Tuy nhiên, cùng
lúc đó, Trung Quốc cũng hiểu rằng không thể địch lại với chính quyền Donald
Trump trong cuộc chạy đua gia tăng trừng phạt hàng hóa nhập khẩu.
Lý do đơn giản là Trung Quốc chỉ nhập khẩu có 130 tỉ
đô la hàng hóa Mỹ hàng năm, trong lúc Hoa Kỳ nhập đến 550 tỉ đô la hàng Trung
Quốc.
Chênh lệnh rất lớn này buộc Bắc Kinh phản ứng
rất chừng mực. Bộ Thương Mại Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ trả đũa «về mặt số lượng», nhưng đồng thời cả «về mặt chất lượng». «Về mặt chất lượng» có nghĩa là, không
chỉ hàng xuất khẩu Mỹ, mà cả các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc cũng sẽ
là đối tượng trừng phạt.
Thế nhưng trên thực tế, chưa có gì cho thấy Bắc Kinh
thực sự làm đúng như nói. Ngay giữa tháng 7 vừa qua, việc phó chủ tịch Trung
Quốc Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) đón tiếp ông chủ doanh nghiệp Mỹ Tesla nổi
tiếng ngay tại Trung Nam Hải – được coi là đầu não của chính quyền Trung Quốc, cho
thấy Bắc Kinh sẵn sàng mở rộng cửa cho các doanh nghiệp Mỹ. Elon Musk đến Trung
Quốc ký hợp đồng hợp đồng xây dựng một nhà máy lớn tại Thượng Hải.
Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc chưa biết cách
làm thế nào để khiến Donald Trump nguôi giận. Đích thân phó thủ tướng Trung
Quốc Lưu Hạc (Liu He) – một cựu sinh viên trường Harvard− đến Washington hồi
tháng 5, với hy vọng tìm được một thỏa thuận nhằm giảm bớt tình trạng nhập siêu
của Hoa Kỳ, với các biện pháp như nới lỏng hàng rào thuế quan với máy bay và
đậu nành Mỹ. Tuy nhiên, thương thuyết không đạt kết quả.
Theo một giảng viên đại học Trung Quốc, ngay từ đầu, Bắc
Kinh đã bị động trước cuộc chiến về thuế của Mỹ, và tìm cách tránh né, bởi về
trung hạn, xung đột với Mỹ sẽ gây tổn hại cho kinh tế Trung Quốc.
Bắc
Kinh cấm báo chí dùng từ «chiến tranh
thương mại»
Lo ngại căng thẳng với Mỹ gây bất lợi trong nội bộ, Bắc
Kinh đã ra lệnh cho báo chí Nhà nước không được sử dụng cụm từ «chiến tranh thương mại», mà phải thay
bằng những cách diễn đạt khác mềm mại hơn. Tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh cũng buộc
báo chí ngừng quảng bá cho chương trình «Made
in China 2025», dự kiến đầu tư ồ ạt, để biến Trung Quốc thành quốc gia dẫn
đầu thế giới về các công nghệ mũi nhọn. Một chương trình vốn bị lên án mạnh mẽ
tại Mỹ , Washington
cáo buộc Trung Quốc cạnh tranh bất chính.
Thêm một yếu tố nữa khiến Bắc Kinh lo ngại hơn, đó là
trong tháng vừa qua, Hoa Kỳ và Liên Âu đã đạt được một thỏa thuận hưu chiến về
thương mại. Bruxelles và Tokyo
cũng nhanh chóng thông qua một thỏa thuận mậu dịch tự do. Trung Quốc ngày càng
cảm thấy cô độc, bởi Liên Âu có cùng chung quan điểm với Hoa Kỳ, chống lại
chính sách quản lý chặt thị trường của Bắc Kinh.
Theo giáo sư kinh tế Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), Viện Công
Nghệ Bắc Kinh, thì «cuộc chiến tranh kinh
tế» hiện nay có mặt tích cực của nó, đó là điều này buộc Trung Quốc phải
gia tăng các cải cách, có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài.
WTO:
Ba cải cách chống Trung Quốc thao túng thị trường
Cuộc chiến thương mại mà tổng thống Mỹ vừa khởi sự, ngoài
Trung Quốc là đối thủ trực tiếp, còn có một đích ngắm khác, đó là gây áp lực để
buộc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) - định chế thương mại lớn nhất của thế
giới, với 164 thành viên - phải cải cách.
Bài «Cải cách
WTO: Những hướng đi bắt đầu xuất hiện» của Les Echos nhấn mạnh đến việc Hoa
Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản và cả Trung Quốc trong ít tháng gần đây bắt đầu
có các nỗ lực đi theo hướng này. Les Echos điểm lại năm hướng cải cách, trong
đó không phải hướng nào cũng được Washington
hưởng ứng. Tuy nhiên đa số có mục tiêu hạn chế các can thiệp của chính quyền
vào thị trường, gây bất lợi cho các nước khác. Đích nhắm chủ yếu không ai khác
hơn là Trung Quốc.
Les Echos nhắc đến ba cải cách chủ yếu chống lại việc
thao túng thị trường. Thứ nhất là minh bạch hóa các khoản trợ giá của chính
quyền cho doanh nghiệp. Cho đến nay, hơn một nửa quốc gia thành viên WTO không
thông báo về trợ giá, do vậy các nước bị thiệt khó đưa ra các biện pháp trả đũa
tương xứng. Liên Hiệp Châu Âu đề nghị minh bạch hoàn toàn, quốc gia nào không
cung cấp thông tin sẽ bị trừng phạt.
Cải cách thứ hai là chống lại các ưu đãi dành cho các
doanh nghiệp Nhà nước. «Chủ nghĩa tư bản
Nhà nước Trung Quốc» là đích ngắm chính, bởi các doanh nghiệp Nhà nước
Trung Quốc là xương sống của hệ thống kinh tế nước này. Liên Hiệp Châu Âu, Hoa
Kỳ, Nhật Bản, Canada và Mêhicô cùng chung quan điểm không nhắm mắt làm ngơ
trước việc các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc được hưởng các khoản vay với
lãi suất thấp hơn thị trường, được coi là thủ phạm của cạnh tranh bất chính, và
gia tăng tình trạng nhiều ngành công nghiệp Trung Quốc, do Nhà nước nắm, sản
xuất dư thừa, và các mặt hàng này được bán ồ ạt ra các thị trường bên ngoài. Tuy
nhiên, một vấn đề khó với trường hợp Trung Quốc, đó là còn cần phải tìm ra các
biện pháp riêng đối với những doanh nghiệp, về hình thức là của tư nhân, nhưng
thực chất do một thành viên của đảng Cộng Sản chi phối.
Một cải cách quan trọng khác, mà Liên Hiệp Châu Âu và
Hoa Kỳ cùng ủng hộ. Đó là phải sửa đổi quy định của WTO để chấm dứt tình trạng
nhiều quốc gia sở tại, đặc biệt là Trung Quốc, gây áp lực buộc các doanh nghiệp
nước ngoài muốn làm ăn phải chuyển giao công nghệ, bản quyền. Cho đến nay, các
quy định của WTO chưa cho phép khắc phục các tệ nạn trong lĩnh vực này.
Đối
đầu với Mỹ, Bắc Kinh nhập nhiều hơn hàng châu Á
Về ảnh hưởng lâu dài của cuộc chiến tăng thuế nhập
khẩu mà Washing đang tiến hành, Le Monde có bài dự báo: «Cuộc chiến thương mại của Mỹ có thể vẽ lại các dòng lưu chuyển hàng hóa
toàn cầu». Châu Á là một khu vực có triển vọng được hưởng lợi trong bối
cảnh này.
Do cuộc chiến thương mại với Mỹ, xu hướng Trung Quốc
gia tăng nhập khẩu từ các nước trong vùng, vốn đã gia tăng, sẽ tiếp tục tăng
mạnh hơn. Theo kinh tế gia trưởng của tập đoàn Edmond Rothschild, đi liền với
việc tăng thuế với hàng hóa nông phẩm Mỹ, Trung Quốc cũng hạ thuế đối với hàng
hóa từ nhiều nước trong khu vực, như Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào, Sril Lanka… để cân
bằng lại. Thuế nhập khẩu xe hơi của Trung Quốc từ các nước láng giềng cũng giảm
xuống.
Riêng về vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ trong bối
cảnh chiến tranh kinh tế với Mỹ khởi sự, theo Les Echos, chính quyền Trung Quốc
đang lo ngại đồng tiền quốc gia sụt giá quá nhanh. Đồng yuan sụt liên tục từ 8
tuần qua, lần đầu tiên kể từ năm 1994. Đồng yuan xuống giá giúp cho hàng xuất
khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, nhưng mặt khác nếu xuống quá mạnh, vượt vòng kiểm
soát, sẽ gây lạm phát và làm mất lòng tin trong xã hội. Gần 80% các nhà đầu tư
chờ đợi đồng nhân dân tệ tiếp tục xuống giá.
Trọng Thành
No comments:
Post a Comment