Cuộc
đầu thú kỳ lạ và đẫm nước mắt
Mai Quốc Ấn
An Ninh Thế Giới
11:15 15/11/2016
Bị can Đặng Văn Hiến và bị can Ninh Viết Bình trong vụ án nổ súng tại
Đak Nông làm 3 người chết vào ngày 23-10-2016 đã ra đầu thú. Đó là một cuộc đầu
thú rất kỳ lạ và đầy nước mắt.
Ban đầu dân rất nghi ngờ nhà báo. Sau khi tiếp xúc và tạo được lòng tin,
họ bắt đầu kể....
Máu
đổ nơi đất đỏ
Người dân xã Đak Ngo, xã Quảng Tín, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông và xã
Đak Nhau, xã Đường 10, huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước đa phần đều biết nhau. Lý
do là khi lập tỉnh mới, tên Đak Nông nằm giữa 2 tỉnh Bình Phước và Đak Lak vào
năm 2004 về mặt hành chính còn thực tế dân cư đã đến đây từ trước đó. Trước khi
nổ súng, Đặng Văn Hiến và Ninh Viết Bình cũng được bà con ở các xã này biết
đến.
Ngày 25-10, hai ngày sau vụ nổ súng, tôi vào Đak Ngo một mình. Từ TP.HCM
đến hiện trường vụ án phải đi 180km. Trong đó có khoảng 20km đường băng qua rẫy
điều, qua sông Bé chảy xiết, vượt những con dốc đứng và sương mù. Riêng muỗi ở
đây thì nhiều vô kể.
Dù giữa trưa nhưng vào bóng râm thì tôi vẫn gửi lại vài giọt máu cho bọn
chúng mỗi ngày. Nhờ có một người dân địa phương dẫn đường và giới thiệu rằng
"anh này không phải người của công ty Long Sơn" nên dân ở đây bớt sự
cảnh giác.
Họ kể cho tôi nghe rất nhiều. Và khi tôi hỏi đến các cái tên liên quan
đến vụ án, người dân im lặng. Tôi thuyết phục họ rằng nếu đầu thú thì sẽ hưởng
sự khoan hồng của pháp luật. Một người dân nói bâng quơ: "Đầu thú ở huyện
Tuy Đức với tỉnh Đak Nông thì chả ai dám đâu...".
Tôi biết "cơ hội" đã đến nên nói ngay: "Nếu bà con tin
tôi, tôi sẽ báo cáo cơ quan để liên hệ Bộ Công an cho các đối tượng đầu thú.
Tôi cũng sẽ liên hệ với luật sư vì người nghèo để hỗ trợ pháp lý cho họ."
Những người dân nhìn tôi rồi nhìn nhau. Tôi để lại số điện thoại và nói:
"Nếu bà con liên hệ được với các đối tượng thì hãy nhắn lời của tôi. Tôi
hứa sẽ giúp họ hết sức".
Tôi đến nhà Đặng Văn Hiến. Ngôi nhà tồi tàn nằm chơ vơ giữa rẫy. Hai con
chó nằm im vì đói. Bà Nguyễn Thị Khải (56 tuổi, dân địa phương) cho biết Hiến
là một người "hiền như đất", chỉ biết làm và làm để nuôi vợ và hai con.
Hiến không hút thuốc và cũng chẳng uống rượu bao giờ. Ngôi nhà có rất nhiều vết
đá ném, một tấm vách gỗ trên gác nằm dưới đất vì Hiến đạp văng ra và nổ súng.
Bà Khải nói nhiều tờ báo viết sai vì khoảng 5 giờ sáng công ty đã bắt
đầu san ủi, trời mưa rất to và Hiến bị 34 người bao vây căn nhà chứ không phải
28 người.
Tôi rời Đak Ngo trên chiếc thuyền sắt nhỏ có gắn dây ròng rọc do người
kéo. Chủ thuyền tên Dũng cũng là một người dân từng bị đánh, bị bắn. Vết sẹo
trên thân anh, nơi chân anh khiến tôi không dám nhìn lâu. Trước đó, vợ anh kể
về chiếc cầu qua sông bị "người của công ty đốt", về trận đòn khiến
chị văng cả đứa con 4 tháng tuổi xuống đất...
Kế
hoạch đón bị can
Khoảng 11 giờ trưa ngày 26 - 10, một người phụ nữ (xin giấu tên) gọi cho
tôi. Chị nói về Đặng Văn Hiến, chị cứ nhắc đi nhắc lại câu "con giun xéo
mãi cũng oằn" khi nói về lý do nổ súng của Hiến. Tôi trấn an chị và hứa sẽ
gọi lại cho chị sau khi báo cáo cơ quan và liên hệ Bộ Công an. Khi ấy tôi đang
trên xe khách về Tp.HCM.
Sau khi báo cáo xong, tôi gọi điện cho Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục
trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an. Tướng Tiến nói nếu đối tượng ra
đầu thú là rất tốt và có 2 phương án: "Nếu đối tượng đã rời địa phương thì
đến Bộ Công an khu vực phía Nam đầu thú. Nếu đối tượng vẫn còn tại địa phương
thì C45 sẽ cử trinh sát lên đón".
Chiều tối cùng ngày, tôi làm việc với Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó
phòng trinh sát C45 và trình bày những điều mình biết. Tuy nhiên, khi anh Huấn
đề nghị tôi cung cấp số điện thoại của người phụ nữ đã gọi điện báo tin thì tôi
từ chối: "Dạ thưa anh, báo chí tụi em có một nguyên tắc là bảo vệ nguồn
tin. Em sẽ hỏi ý kiến của họ rồi báo lại anh". Anh Huấn có vẻ bực trước sự
"bướng" của tôi. Bất ngờ điện thoại đổ chuông. Nguồn tin gọi.
Tôi nghe điện thoại và cho biết mình đang ở Bộ Công an và báo cho chị ấy
biết kế hoạch đón Hiến ra đầu thú. Tôi cũng nói với chị tôi đã thuyết phục luật
sư Nguyễn Kiều Hưng của Hãng luật Giải Phóng sẽ hỗ trợ cho Hiến về pháp lý.
Hai lần tôi đề nghị chuyển máy cho chị gặp Thượng tá Huấn nhưng chị từ
chối vì "chỉ muốn nhờ nhà báo chuyển lời thôi". Tôi nói, "Công
an có nghiệp vụ của họ và việc chị nói chuyện với anh Huấn cũng là giúp Hiến
đấy". Anh Huấn nói chuyện với nguồn tin của tôi nhẹ nhàng và cho chị ấy cả
2 số điện thoại của anh.
Đêm đó nguồn tin của tôi báo cho anh Huấn vào giữa khuya rằng Đặng Văn
Hiến quyết định ra đầu thú.
Trong đêm, tôi và đồng nghiệp Hữu Danh cùng luật sư Kiều Hưng xuất phát
trước, lúc 20h30 và đến ngã tư Bom Bo lúc 0h30. Một đồng nghiệp khác tên Hứa
Phương xuất phát cùng Thượng tá Huấn lúc 3h sáng. Đêm đó tôi không ngủ vì ho
đến gập cả người vì trận mưa rừng quái ác hôm trước. Dân địa phương gọi là
"ngã nước" (một dạng trúng phong hàn). Nhiều người đã ra đi vĩnh viễn
vì ô yên chướng khí khi khẩn hoang ở nơi có tiếng súng nổ...
Đầu
thú trong nước mắt
Tôi cùng hai đồng nghiệp Hữu Danh, Hứa Phương và các trinh sát hẹn gặp
lúc 5h sáng ngày 28-10-2016. Ăn sáng qua loa xong chúng tôi chạy đến điểm hẹn
với nguồn tin. Tại đây, những chiếc xe máy được quấn xích để chở chúng tôi đến
nơi đón Hiến.
Vượt qua những con dốc đứng và trời mờ sương, chúng tôi đến bến thuyền
kéo bằng dây ròng rọc. Qua đò xong thì người dân đã chờ sẵn. Chúng tôi đi bộ
chừng 2km vào rẫy điều.
Chỉ cho các trinh sát những thân điều bị chặt, bị đốt, người dân khẳng
định: "Đây là hậu quả của công ty Long Sơn gây ra!". Chúng tôi lại đi
tiếp đến một khu đất khác cỏ cây um tùm và có một ngôi nhà hoang. Hiến tự bước
ra khi chúng tôi đến. Không có cảnh trấn áp, không có cảnh còng tay.
Một số trinh sát đứng lại, chỉ có hai cảnh sát bước đến nói: "Hiến
cứ bình tĩnh ngồi nghỉ đã!". Một trinh sát hỏi Hiến có muốn hút thuốc cho
bình tĩnh không thì Hiến từ chối vì "em không biết hút đâu!". Nhiều
người dân hôm đó cũng nói Hiến không hút thuốc, uống rượu.
Và Hiến bật khóc ngon lành khi được cán bộ vỗ vai hỏi: "Hiến có đói
không?". Hiến không đói mà chỉ muốn nói. Nói trong nước mắt.
Hiến vừa nói vừa khóc và bà con đi cùng để dẫn đường cũng khóc. Câu
chuyện của Hiến cũng là nỗi lòng của họ. Bị lấy đất, không đền bù hoặc đền bù
không thỏa đáng, cây cối đến kỳ thu hoạch bị ủi ngã, nhà cửa bị đập phá, bản
thân và gia đình bị đánh đập. Rạng sáng đó Hiến muốn xông ra cứu vợ nhưng
"người ta" không cho. Hiến quyết định liều mạng...
Hai cán bộ trinh sát ngồi cạnh Hiến cũng mắt đỏ hoe. Tôi tin họ tìm thấy
"điều gì đó" trong câu chuyện của Hiến.
Hiến được đề nghị bịt mặt bằng khẩu trang và lên đường. Trên đường đi,
qua những con dốc đứng mà xe máy chở ba không thể chạy nổi, Hiến cùng người áp
giải mình phụ đẩy xe lên dốc. Nhìn họ, tôi nghĩ đến những nông dân giúp nhau
đẩy xe trên đường vào rẫy mà tôi gặp vài ngày trước khi đến hiện trường...
Đến nơi có người họ hàng ôm con chờ Hiến, tiếng khóc dậy lên xung quanh
tôi. Khi Hiến ôm hôn con, đứa trẻ chỉ hơn 2 tuổi và hỏi: "Sao con không
nói gì với bố? Sao con không nói gì với bố vậy?". Những người phụ nữ đen
nhẻm vì lao động khóc nức nở, những người đàn ông tay chân to bè mắt đỏ hoe. Và
tôi thấy một chiến sĩ trinh sát quay mặt lau nhanh giọt nước mắt...
Khi mẹ nuôi của Hiến ôm con trai ở bến đò xã Đak Ngo, huyện Tuy Đức,
tỉnh Đak Nông. Hiến nói: "Đáng lẽ hôm nay là ngày chở vợ con về nhà các cụ
chơi. Vậy mà...". Tiếng khóc lại vang lên. Đầy ám ảnh!
Ra đến xã Đak Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước thì người dân nơi này
lại ra ôm Hiến. Dân cả hai nơi hứa sẽ lo cho vợ và hai con của Hiến.
Cũng trong ngày Hiến đầu thú, đã thấy nhiều cái ôm, nhiều bàn tay nắm
lấy tay Hiến. Có nhiều người nghe Hiến đầu thú đã lội rừng cả chục km để tiễn
Hiến. Tôi hỏi: Hiến có muốn nói lời gì trước khi đi đến cơ quan điều tra không?
Hiến nói bằng giọng dân tộc lơ lớ: "Không biết nói gì đâu. Chỉ mong vợ
nuôi 2 con nên người tử tế. Mong bà con giúp đỡ vợ".
Khi Hiến hôn con trước khi các trinh sát C45 lái xe đưa đi, nước mắt tôi
tự nhiên lại chảy ra...
Mai Quốc Ấn
No comments:
Post a Comment