Hào
khí 10-06-2018
Nguyễn Di Ngữ
Tôi giật mình thức dậy, ngó đồng hồ 7g50 sáng. Thôi chết. Khỏi cần cà
phê cà pháo tôi vừa mặc đồ vừa chạy xuống lầu, đẩy xe ra khỏi nhà là phóng ào
ào về phía trung tâm Sài Gòn. Trước mặt tôi, sau lưng tôi từng tốp xe gắn máy
cũng phóng nhanh như tôi, hình như tất cả thành phố này đều hối hả như tôi.
8g15 tôi có mặt tại nhà thờ Đức Bà, vất chiếc xe bên lề tôi chen ra đứng
nhìn về phía tượng Đức Mẹ. Trên cái công viên nhỏ của nhà thờ trước Bưu Điện có
khoảng hơn 30 người đang đứng sát vai nhau căng biểu ngữ. Một cuộc xuống đường
cả nước sẽ bắt đầu hôm nay và tại Sài Gòn cái nôi của đấu tranh cũng đã bắt
đầu.
Tôi loay hoay tìm chỗ gởi xe, một bạn trẻ kề tai tôi:
– Vô Vincom gởi xe cho chắc ăn chú ơi.
Tôi chạy một mạch xuống Gia Long rồi quẹo trái, phóng xuống đường dẫn
vào hầm gởi xe của Vincom rồi tức tốc leo vô thang máy lên tầng mua sắm để
thoát ra đường. Tôi đi như chạy về phía nhà thờ.
8g51 cuộc xuống đường chính thức tuần hành, nhập vào dòng người mới nhen
nhúm chúng tôi hướng về phía Toà Đô Chính. Những hàng rào thép gai đóng khung
sắt đã có từ lâu rồi nó lại được bày ra trên dọc đường đi, không phải một đường
Tự Do mà nhiều con đường khác nữa. Những ngã ba, ngã tư nhà cầm quyền đã cho
dựng kín tất cả lối dẫn vào trung tâm thành phố. Khu vực này còn tệ hơn. Có
những chiếc xe chữa cháy đậu bên đường, xe bít bùng, xe cảnh sát gần như nối
đuôi nhau làm rào chắn.
– «Đặc
Khu Là Bán Nước».
– «Một
Ngày Cũng Không».
– «Đả
Đảo Đặc Khu».
– «Đả
Đảo Tay Sai Bán Nước».
Hàng trăm, hàng ngàn biểu ngữ. Những
cánh tay vung lên, những tiếng hô hào hùng vang to trên con phố. Quyết tâm lồ
lộ trên từng khuôn mặt tuổi trẻ xuống đường hôm nay.
Tự nhiên tôi được đẩy lên phòng tuyến
đầu của đoàn biểu tình tại Sài Gòn trong vô số các cuộc xuống đường khắp nơi
trên cả nước hôm nay. Có lẽ các bạn trẻ thấy tôi lớn tuổi và không chừng các
bạn cũng muốn có một khuôn mặt đang căm giận tột độ trước viễn ảnh bị mất nước
hôm nay, lồ lộ trước ống kính. Tôi cùng tuổi trẻ xuống đường, cùng đi giành
giật lại núi sông mà người ta, bọn mua quan bán chức đang tìm mọi cách cống nạp
đất đai của tổ tiên cho giặc Tàu.
Tôi bảo các bạn trai đi ra hai bên để
giúp đỡ cho các cô các bà, và làm một vành đai an toàn cho các bạn đang cầm
biểu ngữ dẫn đầu. Tự nhiên, giữa chúng tôi như có một lực hút, một tiếng gọi
núi sông, các bạn nghe tôi và trật tự tiến từng bước chậm về phía đường Nguyễn
Huệ, cùng theo những bước chân xuống đường là những tiếng hét từ buồng ngực:
– «Đả
Đảo Bọn Bán Nước» .. «Đả đảo bọn bán
nước»
– «Một ngày cũng không cho thuê»..
«Một ngày cũng không cho thuê»
– «Phản đối Đặc Khu»… «Phản đối Đặc Khu»
Trước toà Đô Chính Sài Gòn, các em bối rối không biết phải làm thế nào
trước một dàn ngang cảnh sát và trật tự.
Chỉ một tích tắc, không ai bảo ai, chúng tôi, sắp hàng trên lề đường sát
Toà Đô Chính (Uỷ ban nhân dân thành phố HCM), vươn cao biểu ngữ. Sau đó tiến ra
Nguyễn Huệ, hướng về bến Bạch Đằng. Dĩ nhiên hào khí ngút trời với những tiếng
gầm uất hận của mọi người.
Tới phút này đoàn người tham gia đã khá đông, Những người đi đầu tới nửa
đường Nguyễn Huệ mà cái đuôi hãy còn ở Toà Đô Chính.
Phải nhận ra rằng con số đứng nhìn, quay phim chụp ảnh bên lề đông hơn
những bước chân của đoàn người biểu tình vừa cắt ngang để ra trục giữa của con
lộ rộng thênh thang này. Nhưng đó cũng là một biểu hiện tỉnh thức sau nhiều năm
ngủ yên trong những cuộc xuống đường ở những lần trước.
So với những lần xuống đường mấy năm trước đây. Hôm nay, đoàn biều tình
trật tự, nhưng phẫn nộ, đông hơn và hào khí hơn.
Vây quanh tôi rất đông các bạn trẻ. Âm thanh của những câu hô to từ đáy
lòng họ cuồn cuộn, vang lên dưới cái nóng của nắng Sài Gòn:
– «Một ngày cũng không cho Trung
Quốc thuê đất»
– «China Get Out».. «China Get Out»
– «No Đặc Khu».. «No Đặc Khu»
– «Đả Đảo Cộng Sản Bán Nước»… «Đả Đảo Cộng Sản Bán Nước»
Hàng ngàn cánh tay đưa lên, hàng vạn trái tim cuồng nhiệt.
Thật là cám ơn tuổi trẻ hôm nay. Cám ơn Người Sài Gòn đã dấn thân, thực
sự chung lưng gìn giữ giang san.
Làm sao không cảm động, khi nhìn những anh chị chạy xe gắn máy bên đường
mang theo những két nước uống đóng chai, chuyền cho đoàn người đang nhỏ từng
giọt mồ hôi trên mặt đường nhựa nóng bỏng dưới cái nắng của trưa Sài Gòn .
Làm sao không rơi nước mắt khi kế bên tôi là một nữ tu mặc áo dòng cầm
biểu ngữ đi đầu hàng, một lão tướng chắc khoảng gần 70 cố hát vang và bắt nhịp
bài ca «Dậy Mà Đi»…. «Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi…»
Khi đoàn người từ đoạn cuối Nguyễn Huệ (phía bến Bạch Đằng) quay lại
trước Toà Đô Chính. Một hàng rào chắn ngang lối đi ngay trên Nguyễn Huệ. Một bà
cụ 77 tuổi nói với tôi:
– Chú để già này đi dẹp cái hàng rào này.
Tôi dìu bà bước lên, bà nói to với các chú công an đang canh gác:
– Các anh nên nhớ chúng tôi biểu tình chống nhà nước bán đất cho Trung
Cộng. Tại sao các anh lại ngăn cản, các anh trả lời đi.
Ngay lập tức một tiếng gầm rung chuyển cả trung tâm thành phố:
– Đả đảo bọn bán nước tiếp tay giặc tàu
– Đả đảo
Tưởng như tiếng gào vang dậy cả Sài Gòn, cả đất nước thân yêu.
Chúng tôi vượt qua hàng rào này, không xô ngả, mà len qua đi giữa những
khe hở của những khung sắt đan dầy dây thép gai. Nhưng cuối cùng dưới bước chân
như vũ bão, cái hàng rào cũng bị các bạn trẻ bực dọc đạp ngả, và mọi người tiến
sát Toà Đô Chính.
Cả đoàn đi đã mệt, tất cả ngồi xuống khi đã vượt qua những khung thép đan kẽm gai chận ngang. Những bài ca vang lên, tiếng vỗ tay hoà nhịp vang một góc trời, ngay trước Toà Đô Chính, trước hàng trăm cảnh sát đứng dọc bên đường.
Quả thật tôi rất lưỡng lự không biết có nên quẹo trái về chợ Bến Thành
không? Bởi ở đó chung quanh các tấm che cho công trường đang xây dựng làm các
lối đi rất chật. Thôi thì cho chắc ăn chúng tôi quẹo phải lên đường Công Lý
(NKKN), ra phía Dinh Độc Lập (Dinh Thống Nhất).
Khi đoàn biểu tình đi về phía lãnh sự quán Hoa Kỳ. Sau lưng nhà thờ Đức
Bà, tại quảng trường mênh mông là một rừng người. Có hàng trăm người đang cầm
biểu ngữ đứng trên lề. họ hoan hô đoàn người đang đi trên đường. Cảnh sát, xe
bắt người đậu nối đuôi trước lối vào nhà thờ. Đường Duy Tân bị cô lập.
Vượt qua Uỷ ban nhân dân Quận 1, tôi nhìn thấy phía xa là một đoàn người
biểu tình từ công viên Hoàng Văn Thụ (sân bay TSN) đi xuống.
Bởi chúng tôi là một đoàn người tự phát, không ai dẫn dắt, cùng nhau
xuống đường, Chúng tôi đã đi từ Nhà Thờ xuống Tự Do, qua Lê Thánh Tôn, xuống
Nguyễn Huệ, rồi lại đi ngược lên theo đường Công Lý.
Tôi nói với các bạn trẻ «tất cả
cùng xuống đường biểu lộ sự phẫn uất trước cảnh tổ quốc lâm nguy, hãy chung
cùng một hướng». Chúng tôi liền cắt ngang đường nhập tất cả cùng đoàn người
kia tại đó và cùng nhau tiến ra Hai Bà Trưng.
Tôi cố quay nhìn lại, con đường Hai Bà Trưng bây giờ đông như nêm, không
có khe hở cho người đứng, nói chi là xe chạy, đoàn biểu tình trải dài tới tận
bến Bạch Đằng. Có thể nào đếm được số người có mặt khi hai đoàn nhập một như
vầy? Một con rồng rắn không đầu, không đuôi đang lồng lộn giữa Sài Gòn.
Một hàng rào chắn dày đặc ba lớp nằm ngay trên đường, bên kia ngả tư là
toà nhà sứ quán Trung Cộng. Bên kia là hàng rào, công an chống biểu tình trang
bị khiên và áo giáp. Chúng tôi không đàm phán, không yêu cầu.
– Nếu các anh chống lưng cho Tàu, quay lại nhân dân. Các anh là tội đồ
trước tổ quốc.
Những tiếng hét vang lên như vậy
– Đả đảo tay sai bán nước … Đả đảo tay sai bán nước
– Đả đảo đảng cộng sản bán nước… Đả đảo đảng cộng sản bán nước
Vài người quá khích đòi đạp đổ hàng rào vượt qua. Tôi ngăn họ. Có thể
chúng ta rơi vào cái bẫy chống người thi hành công vụ, phá hoại của công…
Mặc cho đám công an đứng đó hiên ngang bảo vệ lối vào lãnh sự quán Trung
Cộng, chúng tôi quẹo trái và đi thẳng tới trường Luật Khoa Sài Gòn, Đại học
Kiến Trúc.
Dưới tàng cây cao và mát đoàn người ngồi lại trên đường nghỉ mệt. Đồng
hồ chỉ đúng 11g30.
Những tiếng hát hào hùng vang lên «Dậy
mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi…». Hàng bao nhiêu bản nhạc đấu tranh người
Sài Gòn đã cất lên suốt đoạn đường dưới nắng. Tiếng kêu thống thiết của tuổi
trẻ hôm nay, của người Sài Gòn hôm nay, và tiếng kêu đó vang lên tại Luật Khoa
Đại học Sài Gòn. Dù bây giờ nó thay tên đổi thành đại học Kinh Tế. Nhưng nơi
đây 45 năm trước từng là cái nôi của những cuộc xuống đường.
Tôi đứng trong đoàn người biểu tình chống Tàu Cộng, trước ngôi trường
cũ, nơi mình đã từng có một thời miệt mài không khỏi ngậm ngùi. Tuổi trẻ ngày
xưa đã có lúc làm những điều quá bậy, bị bọn hoạt động thành, bị một số sư sãi
kích động làm nhiễu nhương hậu phương. Khi mà ngoài chiến trường cũng có những
tuổi trẻ đang quên thân chiến đấu bảo vệ giang san.
12g20 đoàn người còn đứng đó tụ đầy tại ngã tư hai trường đại học đóng
cửa. Phía sau tại ngã tư Duy Tân (Phạm ngọc Thạch) một hàng rào chắn bởi 4
chiếc xe bít bùng cùng cả chục chiếc mô tô cảnh sát 113 đang chận các xe mà các
bạn trẻ cố vượt qua để gia nhập vào đoàn người trước mặt.
Tôi mệt, rất mệt. Tôi ngồi xuống bên đường, trước mặt tôi là những anh
cảnh sát 113 đang điện đàm với nhau để có phương thức chận đường đoàn người
đang dừng lại nghỉ giây lát, trên hành trình lấy lại quê hương.
Khi tôi đi ngược lên khu nhà thờ băng ngang con đường Thống Nhất rộng
thênh thang qua công trường Kenedy. Tiếng loa phóng thanh của cảnh sát đậu giữa
quảng trường oang oang, chung quanh người Sài Gòn vẫn chen vai đứng dưới nắng
và trên tay không phải là một mà hàng sấp biểu ngữ.
– Đây là thông báo số 4 của Uỷ ban nhân dân thành phố, chúng tôi phát
hiện một số kẻ xấu trà trộn vào đám đông, trang bị dao và hung khí và đã tấn
công lực lượng bảo vệ, đề nghị bà con cẩn thận không để bị lợi dụng, chính
quyền sẽ tuyệt đối nghiêm trị những phần tử này…..
Những cái loa làm điếc tai người qua đường, chắc cái loa đang cố đàn áp
tiếng đả đảo của người Sài Gòn vẫn còn vang trong thành phố.
Tôi quay về Vincom lấy xe. Đi trên
đường Tự Do tôi thấy mấy em chắc là sinh viên đứng cầm biểu ngữ phản đối bên vệ
đường, tôi bước ra giữa con lộ vắng xe chụp ảnh họ, đó là một góc đấu tranh lẻ
loi của người trẻ hôm nay. Tôi muốn nghiêng mình cám ơn họ. Như cám ơn tuổi trẻ
đã cho tôi một lần chống gậy xuống đường.
Tôi rời khu trung tâm Sài Gòn lúc 13g
trưa ngày đáng nhớ 10-06-2018. Sau lưng tôi. Đông, rất là đông tuổi trẻ Việt
Nam hãy còn đội nắng tiếp tục phát lên tiếng nói của mình. Người Sài Gòn đang
còn đi tiếp trên những đường phố rực nắng, Nắng của một mặt trời đỏ lửa chiếu
xuống triệu triệu trái tim hừng hực lửa đấu tranh.
nguyễn
di ngữ
Sài Gòn 10-06-2018
No comments:
Post a Comment