Cho
phép Tòa án nước ngoài vào xét xử công dân Việt Nam trên lãnh thổ quốc gia!
Quyền tài phán là một quyền thiêng liêng của quốc gia
để phán quyết bảo vệ công lý trên lãnh thổ quốc gia. Điều này được ghi nhận
không chỉ trong các bản hiến pháp mà còn ở rất nhiều trong các Công ước quốc
tế. Bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng thượng tôn triệt để quyền xét xử
thiêng liêng này. Quyền tài phán do Tòa án đại diện quyền lực nhà nước thực
hiện. Hiến pháp Nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2013 ghi nhận tại Điều
102 «Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ
công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ
nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá
nhân».
Công dân khi bị thiệt hại quyền lợi trên lãnh thổ
quốc gia mình thì có quyền yêu cầu Tòa án của quốc gia minh bảo vệ (trừ trường
hợp hai bên hoạt động doanh nghiệp cùng có thỏa thuận yêu cầu trọng tài thương
mại quốc tế phán quyết).
Thế nhưng Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế
đặc biệt Vân Đồn - Bắc Vân Phong - Phú Quốc, có điều khoản cho phép tòa án nước
ngoài nhảy vào giải quyết để phán quyết quyền lợi công dân Việt Nam ngay trên
lãnh thổ đặc khu (là lãnh thổ quốc gia).
Trích Dự thảo Luật «Khoản 3 Điều 7. Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh
3. Ngoài các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này, tranh chấp giữa
các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó
có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài còn có thể được giải quyết tại Tòa
án nước ngoài, trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án
Việt Nam theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.»
Theo điều khoản này thì khi áp dụng trong thực tế, có
tranh chấp giữa Công ty của Trung Quốc và người Việt Nam về việc giao dịch sản phẩm của
công ty (không loại trừ sản phẩm là bất động sản), do Tòa án Trung Quốc xét xử.
Dĩ nhiên tòa án của họ sẽ xét xử bằng tiếng Trung. Khi đó công dân Việt Nam trở
thành «người nước ngoài» tham gia tố
tụng đối với sự việc diễn ra ngay trên lãnh thổ Việt Nam (đặc khu kinh tế) và
muốn kháng cáo để lên tòa cấp trên thì phải về Bắc Kinh để được xét xử. Như
vậy, quyền lực lãnh thổ quốc gia về mặt tài phán thử hỏi có còn quốc gia Việt Nam hay không?
Ở điểm này của Dự luật, chúng ta cần phải khẩn cấp kêu gọi các Đại biểu Quốc
Hội bình tâm khi đưa tay vào chiếc nút bấm «điểm
mốc lịch sử lãnh thổ quốc gia» ở Hội trường Ba Đình.
Trên thế giới hệ thống pháp luật quốc gia có chủ
quyền độc lập chưa từng có chuyện chấp nhận cho tòa án quốc gia khác xét xử
công dân mình khi sự việc xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia mình. Quyền tài
phán mặc định theo chủ quyền quốc gia này khác hoàn toàn với việc tranh chấp
thương mại giữa các doanh nghiệp mà các bên lựa chọn Trọng tài thương mại quốc
tế để phán quyết thương mại.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam , đây là lần đầu tiên một đạo luật cho phép
Tòa án nước ngoài phán quyết sự việc xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam của công dân Việt Nam .
Khi đưa vào thực thi Khoản 3 Điều 7 của luật này,
công dân Việt Nam không còn quyền yêu cầu tòa án quốc gia bảo vệ quyền lợi của
công dân đã được hiến định và qui định trong các đạo luật cơ bản: Hiến pháp
2013 (Điều 102), Bộ luật dân sự 2015 (Điều 14), Bộ luật tố tụng dân sự 2015
(Điều 4). Kéo theo đó, tòa án nước ngoài xét xử sẽ mất hết các quyền trong tố
tụng như Sử dụng tiếng Việt trong xét xử, Yêu cầu luật sư bảo vệ, Xét xử công
khai… Ngoài ra, công dân Việt Nam còn bị phải chịu ràng buộc các quyền cưỡng
chế của tòa án nước ngoài như có thể bị dẫn giải, bị xử phạt nội qui tòa án
nước ngoài…
Phần đầu chương thứ nhất của dự luật có nêu «Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (sau đây
gọi là đặc khu) là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, do Quốc hội quyết định thành
lập…» – Điều 3 Dự luật. Mặc nhiên đã qui định nhắc lại các đặc khu là lãnh
thổ quốc gia nhưng sau đó qui định tại Khoản 3 Điều 7 đã làm cho chủ quyền quốc
gia về mặt quyền tài phán bị xâm hại, ngược hẳn với việc mặc nhiên lãnh thổ này
thuộc chủ quyền quốc gia. Hơn nữa Dự luật chỉ trong phạm vi theo tên gọi «Đơn vị hành chính - kinh tế» nên việc
điều chỉnh luôn cả quan hệ tư pháp, chồng chéo lên các bộ luật tố tụng, là bất
bình thường, trái với nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Thông qua một Đạo luật, trong đó có chuyển giao quyền
tài phán (xét xử) cho tòa án nước ngoài đồng nghĩa với việc giao một phần chủ
quyền lãnh thổ quốc gia hiểu theo nghĩa quyền hạn chính quyền nhà nước, là trái
với hiến pháp về sự vẹn toàn lãnh thổ như Hiến định tại Điều 1 Hiến pháp 2013 «Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất
liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời».
No comments:
Post a Comment