Saturday, May 12, 2018

Ngõ nhà tôi an toàn nhất thành Hồ


Ngõ nhà tôi 

an toàn nhất thành Hồ

Trần Văn Tích


Thời Việt Nam Cộng Hoà gia đình tôi ngụ tại số nhà 102/9 Nguyễn Trãi Chợ lớn. Ngõ 102 Nguyễn Trãi thực ra hầu như đã bị bít do bà con xây nhà loạn xà ngầu nhưng không ai phản đối vì còn có ngõ 80 Nguyễn Trãi rộng thênh thang. Vào ngõ 80 Nguyễn Trãi quẹo trái là đến nhà tôi, ngõ rộng đến nỗi có thể đi xe hơi vào đậu tận trước nhà. Nhà 102/8 là nhà Ông Ba, y tá nghỉ hưu. Nhà 102/7 là nhà anh em Nguyễn Quốc Quân-Nguyễn Đan Quế. Nói cho gọn và rõ, nhà Bác sĩ Nguyễn Đan Quế hiện đang ở dưới chế độ cộng sản cách ngôi nhà tôi từng ở thời chế độ quốc gia một căn nhà.

Sau 75 Nguyễn Đan Quế không phải đi tù cộng sản vì được xem như thuộc thành phần dân sự. Tôi ở tù cộng sản ba năm thì đáo hạn dành cho chuyên viên khoa học mà Việt cộng rất cần nên nhận "giấy ra trại" tháng hai năm 1978. Về nhà đang lo thu xếp một số công việc riêng tư chưa kịp tiếp Nguyễn Đan Quế sang chơi thì bà xã tôi cho biết tên công an khu vực tên Oanh đã cùng mấy tên công an khác vào nhà Nguyễn Đan Quế lục lọi tìm tòi đủ thứ và cuối cùng bắt Nguyễn Đan Quế dẫn đi. Bà xã tôi chứng kiến cảnh đó khi bả dắt xe đạp ra khỏi nhà đi dạy học buổi sáng.

Gia đình chúng tôi rời căn nhà 102/9 từ tháng 2 năm 1984 để sang xin tỵ nạn cộng sản tại Đức và cho đến bây giờ không hề về lại căn nhà đó. Khi làm thủ tục xuất cảnh, Việt cộng cho phép giao nhà lại cho thân nhân ruột thịt quản lý nên tôi ủy quyền quản lý ngôi nhà 102/9 cho em gái tôi.

Vừa rồi có người quen ở Đức về Việt Nam và muốn đến nhà Nguyễn Đan Quế coi cho biết. Anh ta đã nghe hai vợ chồng tôi kể nhiều lần là nhà Quế chỉ cách nhà chúng tôi một căn. Anh ta nhờ người ngụ tại căn nhà số 102/8 chụp một vài bức ảnh bên ngoài ngôi nhà cũ của chúng tôi bằng máy điện thoại cầm tay. Trở lại Đức, anh ta kể cho chúng tôi nghe đôi điều ba chuyện liên quan đến ngõ hẻm 102 Nguyễn Trãi. Theo người quen này thì trái với tình trạng an ninh Sài gòn hiện nay rất tồi tệ với đủ loại tệ nạn cướp giật, ăn cắp, móc túi, tai nạn lưu thông v.v..ngõ hẻm 102 Nguyễn Trãi rất an toàn. Nguyên do là vì ngõ luôn luôn có ít nhất một tên công an thường trực canh gác trước nhà Nguyễn Đan Quế, mỗi ngày 24 giờ. Rất nhiều khi có đến hai tên mật vụ phụ trách rình mò do thám. Thỉnh thoảng nhóm chó săn tăng lên ba tên. Đôi khi đông hơn nữa, bốn năm tên hay hơn. Bà con trong ngõ nhìn số nhân viên an ninh hiện diện là có thể đoán được sắp có nhân vật nước ngoài đến thăm viếng Nguyễn Đan Quế. Nhân vật muốn tiếp xúc càng quan trọng thì số nhân viên mật thám càng đông đảo. Mật vụ, mật thám, công an, an ninh thường xuyên đêm ngày hiện diện như vậy thì còn có kẻ gian nào dám léo hánh đến ngõ 102 Nguyễn Trãi để hành nghề nữa! Nhờ thế mà đồng bào trong ngõ chẳng bao giờ thấy bọn côn đồ lưu manh bén mảng đến ngõ. Có điều khi tình hình có vẻ nghiêm trọng - tức là có nhân vật quan trọng VIP đến gặp Nguyễn Đan Quế - khiến số công an mật vụ tăng lên bốn năm tên hay hơn thì giặc cộng chơi đòn hạ cấp cúp điện, khiến cả ngõ bị vạ lây.

Tôi chỉ biết tường thuật lại những điều tôi được nghe kể, đúng sai bao nhiêu phần trăm tôi không có cách gì kiểm chứng.

*

Khi Nguyễn Đan Quế ngồi tù đã đời và được thả thì có nguồn tin cho biết ViXi muốn tống khứ Quế sang Mỹ. Vợ chồng tôi vội vàng tìm mọi cách để nhắn tin cho Quế hay rằng Quế chớ có rời nước vì ra ngoài này Quế sẽ trở thành một con dêrô, hay tệ hơn nữa, một con số âm. Quế đồng ý.

Nhân ngày Quốc Hận năm nay, tôi tìm cách liên lạc với Linh mục Phan Văn Lợi ở Phú Cam, Huế và ngỏ ý muốn mời Ngài sang Đức một chuyến. Liên hội Người Việt Tỵ nạn tại Cộng hoà Liên bang Đức sẽ chịu mọi phí tổn di chuyển, cư trú, ẩm thực cho Linh mục. Linh mục cám ơn nhưng cho biết Ngài mà ra khỏi nước là đừng có hòng trở lại.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và Linh mục Phan Văn Lợi đã thực hiện khẩu hiệu wir bleiben hier (chúng tôi ở lại đây) của người dân Đông Đức ngày nào. Những người dân Đông Đức can trường dũng cảm và thông minh sáng suốt đã biết lợi dụng cả thời lẫn thế. Và nhất là họ thấy rằng chỉ có họ mới đòi được tự do dân chủ cho họ. Cho nên họ đã chuyển hướng và chuyển hoá hình thức đấu tranh. Thoạt đầu là bỏ nước ra đi bằng mọi giá, kể cả bằng sinh mệnh bản thân; nhưng đến một thời điểm nào đó, họ không bỏ phiếu bằng xe bằng chân nữa, họ bỏ phiếu bằng tay bằng miệng. Họ quyết định ở lại để đấu tranh, wir bleiben hier.

Những người Việt Nam hiện đang đấu tranh quyết sống mái với giặc cộng biết rằng họ cần những nhân vật tiêu biểu nào. Họ cần một sinh viên Jan Palach, họ cần một thanh niên Mohamed Bouazizi; họ cần một Linh mục Jerzy Popieluszko, họ cần một Mục sư Laslo Tokes.

Tháng 4 năm 1968, Trung ương đảng cộng sản Tiệp Khắc công bố chủ trương nới lỏng chính trị theo khuôn mẫu một thứ chủ nghĩa xã hội mang chân dung nhân đạo, socialisme à visage humain. Công cuộc canh tân này ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Âu và làm lung lay vai trò lãnh đạo của Liên Xô. Đêm 20.08.1968, hơn nửa triệu hồng quân Liên Xô và quân đội của bốn nước Đông Âu trong khối Varsovie đã ào ạt tràn vào Tiệp Khắc, lật đổ chế độ của Alexander Dubcek và dập tắt hy vọng dân chủ tự do của người dân Tiệp. Tháng giêng năm 1969, người sinh viên Jan Palach châm lửa tự thiêu nơi quảng trường Venceslas. Cách mạng dân chủ tự do tiêu diệt chế độ cộng sản Tiệp khắc đã tìm ra được người đi tiên phong diệt cộng.

Tháng 12 năm 2010, Mohamed Bouazizi, một tiểu thương người Tunisie tự thiêu ở thị xã Sidi Bouzid để phản đối chính quyền độc tài Ben Ali; ngọn lửa này châm ngòi cho cách mạng Tunisie bùng nổ để rồi cháy lan sang các quốc gia lân bang tạo thành Mùa xuân Ả rập.

Linh mục Jerzy Popieluszko chống cộng sản Ba lan. Để tống khứ thành phần đáng ghét này đi cho khuất mắt, Tổng giám mục Jósef Glemp tặng cho Linh mục một học bổng nghiên cứu ở La mã. Linh mục từ chối. Ngày 19.10.1984 Ngài bị mật vụ Ba lan bắt cóc và tra tấn. Người ta phát hiện di thể của Ngài ngày 30.10.1984.

Mục sư Laslo Tokes là giáo sĩ điều hành Giáo hội Cải cách chi nhánh Timisoara, một thành phố nhỏ, nghèo nàn ô nhiễm thuộc Roumanie. Chống lại chế độ độc tài Ceausescu, mục sư bị mật vụ Securitate bắt giữ và tra tấn. Mục sư bị trục xuất khỏi cơ sở Giáo xứ nhưng dân chúng biểu tình phản đối. Khởi đầu chỉ chống lại biện pháp trục xuất nhưng rồi đám đông chuyển qua đả đảo Ceausescu, đả đảo độc tài, nêu cao khẩu hiệu dân là chủ, đòi hỏi tự do ngay lập tức. Trung tâm thành phố Timisoara bị chiếm giữ, phong trào lan rộng và cuối cùng hai vợ chồng Ceausescu bị xử tử hình.

*

Người dân Việt Nam đã tìm mọi cách đào thoát khỏi thiên đường xã hội chủ nghĩa nhưng nay thì phong trào đó không còn hợp thời nữa. Người dân Đông Đức cũng vậy, họ từng tuyên bố nếu đồng Đức mã không đến với chúng ta thì chúng ta tìm đến nó nhưng rồi vào một thời điểm thích hợp, họ chuyển sang khẩu hiệu “chúng tôi ở lại đây“.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã “ở lại đây“ cùng với Linh mục Phan Văn Lợi. Bên cạnh nhị vị còn có những người khác, Luật sư Nguyễn Văn Đài chẳng hạn.

Đó là chuyện những người quyết định ở lại. Nhưng cũng còn chuyện những người quyết định không trở về.

Chống đối chế độ quốc xã của Hitler, hàng ngàn văn nghệ sĩ Đức đã ra đi, tạo thành phong trào Exilliteratur, văn học lưu vong, với những tên tuổi nỗi tiếng Thomas Mann, Bertolt Brecht, Anna Seghers v.v.. Thomas Mann không bao giờ quay trở lại sống ở Đức, Bertolt Brecht và Anna Seghers chỉ trở lại Đông Đức sau khi chế độ quốc xã bị tiêu diệt. Victor Hugo chống đối nền đế chế độc tài của Napoléon III nên sống lưu vong ở hai hòn đảo Jersey và Guernesey thuộc Anh. Nhà thơ nhà văn nổi tiếng của Pháp tuyên bố : Quand la liberté rentra, je rentrerai (Khi nào tự do trở lại thì tôi mới trở về). Nữ ca sĩ Gloria Estafan người Cuba tỵ nạn tại Mỹ, hiện sống ở Miami, không trở về quê hương chừng nào còn cộng sản. Thân phụ của cô từng phục vụ trong Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Một lần được mời về Cuba trình diễn trong một buổi nhạc hội có sự hiện diện của Đức Giáo hoàng và Fidel Castro, cô từ chối. Một lần khác, được mời qua Vatican hát trong một đại lễ, cô chấp nhận với điều kiện duy nhất : xin Đức Thánh Cha cầu nguyện và làm mọi cách cho đất nước Cuba của cô được tự do, có nhân quyền.

Không ra đi vì không thể ra đi nhưng không trở về cũng vì không thể trở về.

*



Chính trị − Văn hóa − Xã hội

No comments:

Post a Comment