Đa nguyên,
đa đảng thì làm sao lại cần đến
‘lật đổ chính quyền nhân dân’?
‘lật đổ chính quyền nhân dân’?
Trần Thành (VNTB)
Từ trái sang phải: Bà Lê Thu Hà, Ký giả Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Luật gia Nguyễn Bắc Truyển.
Lập luận công tố mâu thuẫn rất rõ, trong khi cáo buộc nhóm có tên Hội
Anh em dân chủ là “đấu tranh nhằm thay đổi quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng”, thì làm sao lại quy kết “lật đổ
chính quyền nhân dân”?
Vì nếu chính quyền thực sự là của nhân dân, đó đã là đa nguyên – đa
đảng, vì nhân dân có quyền lựa chọn những đảng phái đại diện cho mình trong
điều hành đất nước.
Người viết không được tiếp cận các bút lục của vụ án 6 công dân Hội Anh
em dân chủ vừa kết thúc phiên hình sự sơ thẩm. Các trao đổi tiếp theo đây là
căn cứ vào lời tuyên án của thẩm phán Ngô Thị Ánh, tối ngày 5-4-2018.
Thứ nhất. Chủ tọa phiên xét xử đã hiểu về thành lập hội như sau (trích):
“Việc các bị cáo thành lập nhóm kín trao đổi, sinh hoạt thông qua mạng
Internet, có nhiều người tham gia, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có cương lĩnh,
điều lệ hoạt động, về bản chất đó là thành lập hội, là một tổ chức. Việc sinh
hoạt thông qua mạng Internet chỉ là phương thức sinh hoạt của “Hội anh em dân
chủ”.
Nhận định này của thẩm phán Ngô Thị Ánh là thiếu căn cứ pháp lý. Cho đến
thời điểm hiện nay, Việt Nam
chưa có luật về quyền lập hội. Thủ tục về thành lập hội hiện nay chịu sự điều
chỉnh của các văn bản sau:
Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy
định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm
2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ Nội vụ quy
định chi tiết thi hành nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của
Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và
Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP;
Thông tư số 03/2014/TT-BNV ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội
vụ sửa đổi Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ
Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4
năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và
Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.
Như vậy, nếu có một tổ chức mang tên Hội Anh em dân chủ, thì hội đoàn ấy
được sự bảo hộ về nguyên tắc của Hiến pháp 2013, Điều 16.2 “Không ai bị phân
biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; Điều
25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội
họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Ở
đây, chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính nếu 6 công dân trong vụ án nói trên
đã thành lập hội không đúng trình tự về thủ tục.
Việc 6 công dân cùng tham gia nhóm sinh hoạt trên mạng Internet không
thuộc trường hợp pháp luật cấm. Nhóm sinh hoạt trên mạng không phải là việc
thành lập hội như theo quy định của hàng loạt Nghị định và Thông tư đã kể ở
trên.
Thứ hai. Trong phần tuyên án, thẩm phán Ngô Thị Ánh cho rằng, “Mục đích
của Hội này là đấu tranh nhằm thay đổi quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng”; “Đồng thời, đã bước đầu xây dựng lực
lượng và đào tạo để có thể lãnh đạo đất nước khi các bị cáo đạt được mục đích.
Hành vi của các bị cáo không phải là đấu tranh cho dân chủ mà là hoạt động nhằm
lật đổ chính quyền nhân dân. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố các
bị cáo về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, theo quy định tại
Điều 79, Khoản 1 – Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật”.
Cá nhân người viết cho rằng nhận định này của thẩm phán chủ tọa tiếp tục
vi phạm Hiến pháp 2013 và Luật Trưng cầu ý dân 2015. Hiến pháp 2013, Điều 28.1.
“Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và
kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.
Nếu thẩm phán Ngô Thị Ánh đã xác nhận “Mục đích của Hội này là đấu tranh nhằm
thay đổi quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên,
đa đảng”, thì những thành viên của Hội được quyền bảo hộ Hiến định, trong yêu
cầu cơ quan nhà nước thực hiện việc trưng cầu ý dân là có cần thay đổi quyền
lãnh đạo của một đảng nhằm để có sự cạnh tranh chính sách giúp đời sống tốt
hơn?
Quy định 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về cấm tuyệt đối “đa nguyên, đa
đảng” chỉ áp dụng đối với đảng viên Đảng cộng sản. Cả 6 công dân nói trên đều
không phải là đảng viên, nên việc kêu gọi “đa nguyên – đa đảng” là quyền được
bảo hộ của Hiến pháp. Việc kêu gọi “đa nguyên – đa đảng” còn là hình thức bất
bạo động, không vũ trang, không tổ chức lực lượng quân sự đối kháng thì không
thể đưa đến hành động “lật đổ chính quyền” đang có quân đội chính quy với bề
dày lịch sử chiến tranh.
Thứ ba. “Hội đồng xét xử kết luận, hành vi của các bị cáo là đặc biệt
nguy hiểm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chính quyền nhân dân, do
vậy cần xử lý nghiêm khắc để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm”.
Thẩm phán Ngô Thị Ánh đã lập luận như vậy. Điều này cho thấy vị chủ tọa phiên
xét xử đã xem nhẹ các lực lượng công an và quân đội chính quy của Nhà nước Cộng
hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam .
Tại khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 trang trọng khẳng định: “Nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là
liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Như vậy, nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là
liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”
gắn liền với quy định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm
chủ” khẳng định nguồn gốc thế tục của quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Điều này
cũng có nghĩa rằng, quyền lực nhà nước ở Việt Nam không có nguồn gốc từ thần
quyền, mà có nguồn gốc từ Nhân dân.
Với nền tảng vững chắc đó từ nhân dân, một nhóm người chủ trương bất bạo
động như Hội Anh em dân chủ, chắc chắn không thể gây “ảnh hưởng trực tiếp đến
sự tồn vong của chính quyền nhân dân”, mà ngược lại, bằng việc kêu gọi đa
nguyên – đa đảng để người dân có nhiều sự lựa chọn hơn cho lá phiếu của mình,
sẽ củng cố thêm sức mạnh cho một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân.
Trần Thành (VNTB)
No comments:
Post a Comment