Những gì đáng sợ hơn cái chết?
Vũ Thạch
«Chết diễm phúc phải là chết già, trên
giường, và có người chung quanh khóc ầm ĩ».
Ít nhất đó
là hình ảnh hầu hết người Việt chúng ta được dậy từ thuở nhỏ. Hơn thế nữa,
chúng ta còn nghĩ hình ảnh «chết lý tưởng», «chết êm ả» đó cũng là ước muốn chung của loài người. Chí ít cũng
bao gồm mọi người thuộc văn hóa Đông phương.
Nhưng thật
thế không?
Có ngay
thí dụ: Một trong những điều giới võ sĩ đạo Nhật sợ nhất là phải chết già, chết
trên giường. Họ tha thiết cầu phật khấn thần để đừng phải chết như vậy. Cảnh
một samurai lưng còng, chân tay run rẩy, không cử động được theo ý muốn, ngay
cả đi đứng cũng phải cậy dựa vào người khác là cơn ác mộng đối với họ. Rõ ràng
viễn cảnh trở nên «vô dụng» đối với
họ đáng lo hơn cái chết.
Và có thể
nói hầu hết chiến binh phương Đông, từ Mông Cổ đến Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn
Quốc, Việt Nam, đều khoái được «da ngựa
bọc thây» hơn nằm giường.
Sang đến
văn hóa phương Tây thì người ta lại càng không thích để lại hình ảnh chết già.
Người càng có học, có tài, có tiếng càng muốn cả người thân lẫn công chúng chỉ
nhớ tới thời điểm cực thịnh mà họ đẹp nhất, thành công nhất, quyền thế nhất,
hay sáng chói nhất về trí tuệ. Rõ ràng họ quan tâm đến di sản họ để lại hơn cái
chết rất nhiều.
Do đó,
quan điểm «chết già là sướng» chẳng
đáng được điểm cao đến thế đâu. Và ngược lại «chết lúc chưa già» cũng chưa chắc đáng sợ như ta vẫn nghĩ. Còn lắm
thứ đáng sợ hơn cái chết nhiều.
Nhiều cán
bộ lớn tuổi tâm sự điều mà họ sợ nhất vào cuối cuộc đời là phải nhìn lại những
gì họ đã làm hay không làm trong những năm dài đã qua. Từ đó, họ sợ những nạn
nhân đang chờ họ ở thế giới bên kia hơn sợ cái chết, vì chết chỉ là ngưỡng cửa
bước qua trong khoảng khắc. Với thời đại Internet, chúng ta có thể thấy được
khá nhiều lãnh đạo đảng đi qua giai đoạn cuối đời như vậy, kể cả những hung
thần một thời như Tố Hữu, Lê Khả Phiêu, …
Cũng có
lãnh đạo sợ phải đối diện những người bạn đang chờ họ bên kia thế giới hơn cả
cái chết. Đó là những đồng đội mà họ từng phản bội hay bỏ rơi để giữ an toàn
cho bản thân, kể cả những người đứng lên theo lời kêu gọi của họ. Chúng ta có
thể thấy loại ân hận đó ở những ông Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, …
Và cũng có
những lãnh đạo sợ phải thừa nhận mình đã sống qua cả một cuộc đời vô ích, vô
nghĩa, vô vị. Vì quá lo an toàn cho bản thân mà chẳng để lại được gì, chẳng
hoàn thành được gì. Mà cái chết, tức lằn ranh sau cùng của an toàn, vẫn đến,
chẳng né tránh được. Hơn thế nữa, họ phải thừa nhận chính họ là một phần của cỗ
máy đem lại điêu linh cho biết bao người khác. Chúng ta có thể nhận ra loại tâm
tư này ở những ông Phạm Văn Đồng, Trần Quang Cơ, …
Trong tình
trạng thê thảm của dân khí hiện nay, chúng ta khó còn cảm được lời dạy của cha
ông: Chết vinh hơn sống nhục. Nhưng 5 chữ đó là kết tinh kinh nghiệm sống của
biết bao cuộc đời. Một trong những lý do chết vinh hơn sống nhục là vì «sống nhục» chỉ được một thời gian ngắn rồi
vẫn dẫn đến cái chết, mà luôn là «chết
nhục». Mọi hối tiếc vào lúc sắp «chết
nhục» đều đã quá trễ.
Qui luật
đó ứng dụng cho cả nhân loại chứ không riêng gì người Việt. Gần 80 năm trước,
hàng triệu người Do Thái khi gần chết trong trại tập trung của Đức Quốc Xã mới
quặn lòng hối tiếc đã không tham gia kháng chiến vì sợ chết; hối tiếc đã không
mang thân ra hứng đạn cản đường cho vợ con chạy trốn vì sợ chết; hối tiếc đã
riu ríu kéo cả nhà lên xe vào trại tập trung vì sợ chết, … để rồi giờ đây vẫn
chết, chết riêng từng người, chết từng phần cơ thể vì kiệt lực, và chết với
nhận thức từng người trong gia đình mình ở đâu đó cũng đang chết dần ở mức dưới
hàng súc vật như mình. Đối với họ cái đau của hối tiếc lớn hơn cái đau của sự
chết.
Ngày nay,
tại nước ta, cả dân tộc đang bị đẩy vào loại chọn lựa đó. Gần nhất là những bà
con tại 4 tỉnh miền Trung đang sống dở chết dở vì thảm họa môi trường do Formosa gây ra.
Nhiều người đang phân vân: đứng lên đấu tranh đòi tẩy rửa môi trường bây giờ có
thể bị trấn áp nhưng dẫu có chết đi nữa thì vẫn hơn cảnh ngồi nhìn từng người
trong gia đình nhiễm ung thư, đau đớn nhiều năm tháng, rồi lần lượt ra đi, kể
cả bản thân mình. Cái đau của hối tiếc sẽ lớn hơn nhiều cái đau của sự chết.
Còn nếu đứng lên đấu tranh giành lại môi sinh bây giờ, gia đình mình sẽ sống.
Dĩ nhiên
câu hỏi lương tâm này cũng được đặt ra cho từng người chúng ta chứ chẳng riêng
gì bà con 4 tỉnh miền Trung. Chất độc nay không chỉ có trong cá mà trong hầu
hết mọi loại thực phẩm và không từ một ai trên cả nước. Liệu chúng ta có dám
chấp nhận để đứng lên mạnh mẽ đòi nhà cầm quyền phải đóng ngay các cánh cửa dẫn
chất độc vào Việt Nam ?
hay ngồi chờ ngày ung thư đến đón từng người trong gia đình ra đi?
Và còn
nhiều quốc nạn khác nữa, đặc biệt là số phận của đất nước sau thời điểm 2020.
Liệu chúng ta có dám chấp nhận để đứng lên bảo vệ chủ quyền đất nước ngay bây giờ, bất kể những kẻ cứ nhất định ôm chân
quân xâm lược? hay ngồi chờ ngày «chết
nhục» dưới chân chủ mới như dân tộc Tây Tạng? Đến lúc đó có muốn chọn lại cũng đã quá muộn.
oOo
Chẳng ai
muốn tìm lấy cái chết nhưng nghĩ cho cùng chết có phải là chuyện khủng khiếp
nhất chưa?
No comments:
Post a Comment