NGUYỄN VŨ BÌNH
LINH ĐẠO
(ĐẠO CỦA LINH
HỒN)
HÀ NỘI - 2013
CHƯƠNG I
DẪN NHẬP
Thế giới Tâm
Linh là lĩnh vực khám phá đầy thú vị và thách thức đối với bất cứ nhà nghiên
cứu nào. Bản thân tác giả, ngay từ nhỏ đã có sự quan tâm và hứng thú trong việc
tìm hiểu những vấn đề bí ẩn của cuộc sống. Sự quan tâm và hứng thú, cùng với
một chút khả năng nào đó trong việc nghiên cứu Thế giới Tâm Linh có thể tới từ
việc tác giả được sinh ra đời dưới chòm sao Bọ cạp, theo Chiêm tinh học Tây
Phương, là người có đường chân trời, tức là có khả năng tìm hiểu về Thế giới
Tâm Linh. Tuy nhiên, trong suốt hành trình dài đã qua, cho tới rất gần đây, tác
giả cũng chưa có điều kiện và cơ hội để thực sự bắt tay vào nghiên cứu lĩnh vực
đầy thú vị và thách thức này. Rải rác theo thời gian, tác giả tìm và đọc được
một số cuốn sách, chủ yếu là những cuốn sách bói toán, tử vi,vài ba năm trở
lại đây, tác giả đã đọc được những cuốn sách thực sự về vấn đề Tâm Linh. Tuy
vậy, đó cũng chỉ là những sự việc đơn lẻ. Chỉ tới gần đây, từ đầu năm 2012 tới
nay, chính xác hơn là khoảng sáu tháng gần đây, tác giả thực sự bắt tay vào sưu
tầm tài liệu, đọc, nghiên cứu và lĩnh hội các kiến thức này. Ban đầu, theo suy
nghĩ của tác giả, thời gian nghiên cứu trước khi bắt tay vào viết cuốn sách,
chia sẻ những hiểu biết của bản thân, có lẽ phải mất từ một đến hai năm.
Khi đã đọc và
nghiên cứu được một thời gian, với khoảng mấy chục cuốn sách về vấn đề Tâm
Linh, tác giả cảm thấy rất hoang mang, không thể hiểu nổi các vấn đề trong các
cuốn sách đề cập. Sách nọ có quan điểm khác, thậm chí ngược với sách kia; ngay
trong một cuốn sách, đoạn đầu nói thế này, đoạn cuối lại nói khác, thực sự là
cả một trời hỗn độn. Nhưng rồi, đột nhiên, đến một lúc nào đó, tác giả đã tìm
ra được các luận điểm gắn kết các vấn đề và tự nhiên thấy rằng, sự hỗn độn đó
đã được sắp đặt lại, những sự khó hiểu đã có lời giải đáp, nhưng mâu thuẫn đã
được giải quyết một cách hợp lý. Thật là một sự kỳ lạ, tác giả đã được thọ ơn
của Thượng Đế! Sự việc không đến từ vầng hào quang hay cảm giác kỳ lạ nào cả.
Chỉ là tự nhiên, tác giả nhận ra được một vài nguyên lý (ý) trong các sách đã
đọc, lấy đó để liên kết, soi chiếu vào các nguyên lý, quan điểm và lập luận
khác và thấy tính hợp lý, sự liên kết, mối quan hệ giữa các vấn đề. Đồng thời,
từ những nguyên lý đó, tác giả đã hiểu ra được rất nhiều các vấn đề Tâm Linh
khác. Nếu như những nguyên lý đó chỉ là một số ý hay, giá trị để hiểu một vài
khía cạnh, một vài vấn đề, hoặc chỉ một vài cuốn sách, có lẽ tác giả cũng không
cho đó là sự thọ ơn của Thượng Đế. Thế nhưng, tất cả đã được khai mở dưới những
nguyên lý mà tác giả đã nhận ra (chứ không bao giờ là nghĩ ra được). Đó mới
thực sự là món quà mà Thượng Đế trao tặng - CON XIN
TẠ ƠN THƯỢNG ĐẾ!
Một sự trải
nghiệm có thể coi là sự chứng tỏ phần nào giá trị các nguyên lý của Thế giới
Tâm Linh đối với tác giả. Đó là, trước khi nhận ra được các nguyên lý này, tác
giả có đọc, nghiên cứu mấy cuốn sách Cổ thư là Áo Nghĩa Thư (Upanishads), Âm
Phù Kinh, Đạo Đức Kinh nhưng tác giả đã không hiểu được gì, không làm thế nào
để hiểu được nội dung các cuốn sách đó dù đã hết sức cố gắng. Nhưng sau khi tác
giả nhận thức được các nguyên lý của Thế giới Tâm Linh, tác giả đã đọc lại ba
cuốn sách trên, một phép màu đã xảy ra, các cuốn sách đó đã được hiểu một cách
cơ bản, khá dễ dàng. Hóa ra, nội dung cơ bản của mấy cuốn sách đó là những
nguyên lý tối thượng trong Thế giới Tâm Linh, nhưng với cách thức trình bày vô
cùng khó hiểu.
Lý do viết cuốn
sách về Tâm Linh này, trước hết là mong muốn khám phá, tìm hiểu về một lĩnh vực
tác giả rất quan tâm, yêu thích. Sự khó khăn trong việc hiểu được lĩnh vực này
càng làm quyết tâm của tác giả mạnh mẽ hơn. Và tất nhiên, chia sẻ những hiểu
biết của bản thân với người đọc luôn luôn là một lý do chính đáng. Với mong
muốn độc giả sẽ không còn mất nhiều thời gian và công sức tìm hiểu về Thế giới
Tâm Linh, tác giả hy vọng cuốn sách của mình sẽ là một bức tranh tổng thể, tiếp
cận được những nguyên lý cơ bản nhất của Thế giới Tâm Linh, tìm ra được những
mối liên hệ, tương tác giữa thế giới Vật chất và Thế giới Tâm Linh, và cuối
cùng, dựa vào các nguyên lý tối thượng, có thể giải thích, lý giải được phần
lớn (về cơ bản) những vấn đề mà thường rất khó hiểu và mâu thuẫn trong Thế giới
Tâm Linh.
Những khó khăn
trong việc nghiên cứu Thế giới Tâm Linh và giới hạn của cuốn sách.
Những ai đã từng
tìm hiểu và nghiên cứu về Thế giới Tâm Linh ít nhiều đều đã biết được những khó
khăn mà họ gặp phải. Có thể liệt kê ra những khó khăn để người đọc hình dung
được phần nào.
- Phạm vi của
Thế giới Tâm Linh là vô cùng rộng lớn. Một cách giản dị, Thế giới Tâm Linh bao
gồm thế giới vật chất và Cõi giới Tâm Linh. Có rất nhiều khía cạnh, lĩnh vực và
cấp độ nghiên cứu trong Thế giới Tâm Linh. Đối với thế giới vật chất của con
người, việc tìm ra những nguyên lý và phương thức vận hành của con người và thế
giới đã là việc rất khó khăn thì việc trải rộng phạm vi bao trùm thế giới vật
chất và phi vật chất sẽ khó khăn hơn gấp bội.
- Thế giới Tâm
Linh là thế giới vô hình, hay chủ yếu là vô hình. Bản thân
con người của
chúng ta chưa được trải nghiệm qua thế giới đó (mặc dù, thực ra Linh Hồn ta đã
trải nghiệm nhưng không thể nhớ được). Kể cả các bậc Chân Sư, Giác ngộ đã được
trải nghiệm phần nào của cõi giới Tâm Linh đó, nhưng với mỗi bậc Chân Sư cũng
chỉ được trải nghiệm ở từng khía cạnh và cấp độ nào đó.
- Các sách báo,
tài liệu khi đề cập và nghiên cứu về Thế giới Tâm Linh có rất nhiều sự khác
nhau. Các sách của Phương Tây và Phương Đông khi đề cập đến những vấn đề này
cũng khác nhau rất nhiều. Cùng một vấn đề
nhưng các sách
có những quan điểm khác nhau, thậm chí đối ngược nhau.
- Bản thân các
Tôn giáo, về lý thuyết là nguồn dẫn và con đường đi tới Thế giới Tâm Linh cũng
có những quan điểm hết sức khác nhau. Có tôn giáo thừa nhận có Linh Hồn, có tôn
giáo không thừa nhận. Có tôn giáo độc thần, lại có tôn giáo đa thần.
- Các nghiên cứu
khoa học chỉ mới tiếp cận được một vài khía cạnh rất nhỏ về Thế giới Tâm Linh.
Chúng ta không có cơ sở kiểm nghiệm thực tế nào có thể khẳng định hoặc phủ định
các quan điểm được nêu ra. Chính vì vậy mà việc tìm hiểu các vấn đề về Thế giới
Tâm Linh mới trở nên khó khăn và vô cùng phức tạp.
Ngoài những khó
khăn nêu trên, cuốn sách cũng có những giới hạn nhất định, bởi vì trước hết và
trên hết, cuốn sách là quan điểm của một cá nhân, của một bộ lọc trong vô số
quan điểm của người khác, bộ lọc khác. Giới hạn của cuốn sách còn đến từ quán
tính sai lầm của người đọc chúng ta "đã là Thế giới Tâm Linh thì phải biết
hết, phải đúng mọi thứ". Mặt khác, phương pháp tiếp cận, tìm hiểu và
nghiên cứu về vấn đề Thế giới Tâm Linh của rất nhiều người chưa thực sự hợp lý
do bị chi phối bởi sự nghi ngờ. Một tình trạng chung là, khi gặp bất kỳ một
điều gì kỳ lạ xảy ra, điều đầu tiên người ta nghĩ tới là việc xem xét đối chiếu
với các định luật, quy luật, nguyên tắc trong vật lý, hóa học, toán học, vv,
nhằm chứng minh điều kỳ lạ đó theo khoa học. Trong khi khoa học của con người
còn bó tay trước rất nhiều những câu hỏi thông thường của đời sống thì rất
nhiều người lại muốn sử dụng khoa học để giải thích cho những điều kỳ lạ! Chính
vì vậy, khi tìm hiểu, tiếp cận và nghiên cứu về Thế giới Tâm Linh, chúng ta
cũng cần phải có phương pháp hợp lý. Chúng ta cần phải chấp nhận và thừa nhận
một số tiên đề có tính chất phổ quát, bao trùm làm cơ sở cho toàn bộ các nghiên
cứu về Thế giới Tâm Linh. Cũng như các tiên đề trong các môn khoa học khác của
con người, đó là những điều không thể chứng minh mà chúng ta chỉ đơn thuần là
công nhận nó. Chỉ có từ những nguyên lý phổ quát (mà trong cuốn sách này gọi là
Chân lý Tối thượng) chúng ta mới có thể đi vào nghiên cứu, tìm hiểu những vấn
đề vô cùng phức tạp của Thế giới Tâm Linh.
Trong bất cứ một
bài viết hoặc một cuốn sách nào, tác giả đều đặt một
nguyên tắc viết
dễ hiểu bao gồm những tiêu chí sau: hệ thống - ngắn gọn, khái quát - giản dị.
Tuy nhiên, bản thân nội dung những vấn đề tác giả đề cập đã là những vấn đề vô
cùng khó hiểu, phức tạp. Chính vì vậy, dù tác giả có cố gắng đến đâu, nếu người
đọc không có sự quan tâm, khát khao hiểu biết về lĩnh vực đó, thì cũng khó lĩnh
hội hết được những điều tác giả đã trình bày. Tác giả đã nghiên cứu rất nhiều
sách báo, tài liệu và gửi lời tri ân tới tất cả những tác giả của các sách báo
tài liệu đó. Nhưng tác giả đặc biệt gửi lời tri ân tới tác giả các cuốn sách:
Đối thoại với Thượng Đế (Conversations With God), tác giả Neal Donald Walsch;
Thượng Đế giảng Chân Lý, tác giả Kim Thân Cha; Hành trình về với các Chân Sư
Phương Đông, tác giả Baird T.Spalding; Pháp Luân Công - Chuyển Pháp Luân của Sư
phụ Lý Hồng Chí.
CHƯƠNG II
TÌM HIỂU KHÁI
NIỆM
Những chuyện lạ
và kỳ lạ xảy ra, chuyện về Thần Tiên, ma quỷ, những chuyện về cái chết bí ẩn,
những vấn đề Tôn giáo, những khó khăn và giới hạn của khoa học và tri thức nhân
loại, những vấn đề về sự xuất hiện, tồn tại và biến mất của các nền văn minh,
giống người, ..vvtất cả đều thuộc về Thế giới Tâm Linh. Sau khi đọc xong cuốn
sách này, chúng ta sẽ thấy rằng, phạm vi của Thế giới Tâm Linh bao trùm hết mọi
vấn đề và mọi lĩnh vực của hiện hữu và phi hiện hữu. Đầu đề của chương sách là
tìm hiểu khái niệm thay vì khái niệm là do những nguyên nhân sau: có quá ít sự
trải nghiệm thực tế và không có sự kiểm nghiệm nào có thể khẳng định hoặc phủ
định các khái niệm trong Thế giới Tâm Linh; đồng thời, có nhiều cấp độ của khái
niệm, tức là cùng một khái niệm, khi tri thức về Thế giới Tâm Linh khác nhau và
thay đổi, thì nhận thức về khái niệm sẽ thay đổi theo. Đây chính là điều mà các
Chân Sư thường nói: "cây cối và núi non là cây cối và núi non";
"cây cối và núi non không phải là cây cối và núi non"; cuối cùng
"cây cối lại là cây cối và núi non lại là núi non".
Trong sự tương
đối đó, ta thấy có rất nhiều hạn chế trong các sách báo viết về Thế giới Tâm
Linh. Đầu tiên là các tác giả đưa ra quá nhiều khái niệm, dẫn tới việc người
đọc không hấp thụ được, đồng thời cũng không biết được đâu là những khái niệm
trung tâm. Thứ hai, các khái niệm thường được viết và mô tả theo cùng một cách,
quá phức tạp và chuyên sâu. Nhận thức được những hạn chế này, tác giả đề cập
tới các khái niệm theo một cách ngắn gọn, giản dị và dễ hiểu, mặc dù, trong
nhận thức hiện tại, tác giả cũng thấy là chưa đầy đủ và chưa hoàn toàn chuẩn
xác. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra một số lượng rất ít các khái niệm, và đó
chính là những khái niệm trung tâm để có thể nắm bắt được các vấn đề của Thế
giới Tâm Linh cũng như cách thức hoạt động, vận hành của các lực lượng trong
Thế giới Tâm Linh. Ngoài ra, tùy theo từng khái niệm, tác giả cũng cố gắng đối
chiếu với các thuật ngữ thông thường và thuật ngữ trong Tâm lý học để độc giả
có thể hiểu rõ hơn.
Các khái niệm
trung tâm:
Tâm Linh: là
nhận thức về Linh Hồn hay ý thức về sự sống của Linh Hồn.
Linh Hồn: là
dạng năng lượng sống bên trong con người, vẫn tồn tại sau
khi con người
chết đi.
Thế giới Tâm
Linh: là thế giới Linh Hồn tồn tại, sống và hoạt động, bao
gồm thế giới vật
chất và cõi giới Tâm Linh (vô hình)
Thượng Đế: là
tất cả hiện hữu và phi hiện hữu và hơn thế nữa. Đây là người, là điều, là cái,
là vấn đề không thể định nghĩa. Việc trình bày chỉ giới hạn trong phạm vi tìm
hiểu khái niệm để độc giả có sự hình dung nhất định.
Thế giới vật
chất: là tất cả thế giới hiện hữu trong nhận thức của con người. Bao gồm rất
nhiều thiên hà, vũ trụ, các hành tinh, các hành tinh có sự sống (trong đó có
trái đất), vvtrong nhiều trường hợp, thế giới vật chất được gọi là thế giới
vật lý, và trong một số trường hợp, gọi là hành tinh trái đất.
Cõi giới Tâm
Linh: có thể có cách gọi khác là cõi giới vô hình, cõi giới siêu hình. Là nơi
các Linh Hồn tồn tại và hoạt động khác với khi Linh Hồn trong hình hài con
người sống ở thế giới vật lý.
Luân hồi: Sự
quay trở lại trải nghiệm cuộc sống con người của Linh Hồn. Luật Nhân - Quả: nếu
sử dụng luật nhân quả đi cùng, hoặc đồng nghĩa
với nghiệp báo,
thì đó là sự đáp trả tương ứng, ngược lại với những kết quả, hoặc hậu quả mà
Linh Hồn (trong dạng thức con người) tạo ra.
Thực ra, luật
nhân-quả phản ánh sự trải nghiệm của Linh Hồn theo nguyên lý cặp đôi: tốt-xấu,
thiện-ác, thủ phạm-nạn nhân, vvđiều đó có nghĩa là khi Linh Hồn ở kiếp sống
này trải nghiệm thông qua con người ác độc, làm điều ác thì ở một trong số kiếp
sống sau sẽ trải qua kiếp sống bị người khác làm điều ác với mình. Đó là nguyên
lý trải nghiệm cặp đôi đối xứng.
Tôn giáo: trong
giai đoạn khởi thủy của tất cả các tôn giáo, thì tôn giáo là con đường và cầu
nối dẫn tới thế giới khác của con người. Tuy nhiên, trải qua thời gian, các tôn
giáo không còn giữ được nguyên vẹn bản chất tốt đẹp ban đầu.
Chân Sư: là
người (bằng xương thịt, nhìn thấy được), có khả năng trải nghiệm cuộc sống ở
cõi giới Tâm linh, tùy theo mức độ, có quyền năng, phép lạ. Đó là những người
(Linh Hồn) có sứ mạng truyền bá giáo lý, hoặc dẫn dắt, khai sáng một nhóm
người. Có nhiều cấp độ, tên gọi của các bậc Chân Sư, từ Chúa Giê-Su, Phật
Thích-Ca, Nhà Tiên tri Mô-ha-mét, các Xu- phi (soufi - Chân Sư Hồi giáo), Gu-Ru
(Tôn sư Ấn giáo), các Đại Giác giả
(Tôn sư Đạo
phật), vv
Phép lạ: là
những sự việc xảy ra tự nhiên, hoặc do con người thực hiện vượt quá kinh
nghiệm, hiểu biết và giới hạn khoa học của con người. Những việc đặc biệt do
con người thực hiện (trong phạm trù phép lạ) nhiều khi được gọi là phép Thần
Thông hoặc Công năng đặc dị
Tôn giáo độc
Thần, đa Thần: Tôn giáo độc Thần là tôn giáo cho rằng có một vị thần cai quản
và chi phối mọi sự; tôn giáo đa Thần cho rằng có nhiều vị Thần cai quản nhiều
cõi giới mà không có một vị Thần chung cho mọi cõi giới.
Các cụm khái
niệm liên quan
Khái niệm về con
người trong Thế giới Tâm Linh cũng là một khái niệm rất quan trọng, có lẽ chỉ
sau khái niệm về Thượng Đế, về Linh Hồn. Ở đây tìm hiểu về con người dưới góc
độ Tâm Linh nhằm hiểu rõ hơn về Thế giới Tâm Linh. Chính vì vậy, một lần nữa
cần nhắc lại, khái niệm không hẳn chính xác như các khái niệm trong thế giới
vật lý.
Con người là một
dạng sự sống tiến hóa cao nhất trên trái đất, một trong số các hành tinh có sự
sống, có khả năng tự nhận thức về bản thân. Con người là chủ thể trải nghiệm
chủ yếu của Linh Hồn.
Con người bao
gồm thể xác, tâm trí và Linh Hồn xét trong phạm vi cả ý thức lẫn vật chất. Xét
dưới góc độ ý thức-tâm linh, hay phân chia như khoa Phân tâm học, ngoại trừ thể
xác, con người bao gồm ý thức, tiềm thức, và vô thức (có người gọi là siêu ý
thức). Diễn giải điều này, chúng ta có thể hiểu, ý thức (có những cách gọi khác
là tâm trí, là bản ngã) gắn liền với thể xác và điều kiện, môi trường của cá
nhân. Ví dụ, tôi là A, sinh vào năm (thế kỷ), trong điều kiện và hoàn cảnh
sinh ra và lớn lên,tôi đang làm công việc này, với các kế hoạch và dự định
này, tính cách của tôi là thế này, hình thành lên một cá nhân, một bản ngã A
Tiềm thức, là ý
thức tiềm ẩn, chính là Linh Hồn. Trong ví dụ trên tiềm thức của A chính là Linh
Hồn A, trong trải nghiệm thông qua thân xác và bản ngã A.
Vô thức, hay
siêu ý thức là năng lượng vĩ đại, là năng lực tuyệt đỉnh hay đơn giản là Thượng
Đế trong mỗi con người. Đây là điều mà các Chân Sư thường nói: "trong mỗi
con người đều có Thượng Đế", hay như Đức Chúa Giê-Su nói: "Ta và Cha
Ta là một". Điều đó có nghĩa là, trong mỗi con người có một sự hiểu biết
và quyền năng vô hạn. Đây là một sự thực theo nghĩa đen, tuy nhiên có rất ít
người tin vào điều này. Có hai lý do để giải thích: đó là điều quá tốt đẹp, đến
mức không tin nổi, và việc mang trong mình khả năng đó là một chuyện, còn kích
hoạt và sử dụng được (và sử dụng đến đâu) khả năng đó lại là chuyện khác. Vậy
nên, việc tin rằng có Thượng Đế trong mỗi con người là điều kiện đầu tiên trong
việc tiếp nhận năng lực của Thượng Đế.
Ý nghĩa của vấn
đề Tâm Linh, hay của cuốn sách này đối với đời sống con người, hay mỗi cá nhân
trước hết là việc nhận thức được có một Linh
Hồn bên trong
mỗi con người chúng ta. Điều này, nếu một cá nhân có sự xác nhận, tức là tin
vào sự tồn tại của Linh Hồn trong con người thì đó sẽ là sự thay đổi vô cùng
lớn đối với cuộc sống của người đó. Sự thay đổi diễn ra như sau.
Nếu một người
chưa có nhận thức, hoặc chưa tin vào việc có Linh Hồn, thì cuộc sống của anh ta
(hoặc cô ta) sẽ chỉ gói gọn trong thời gian anh ta sống trên cõi đời này
(khoảng 75 năm). Như vậy, tất cả cuộc sống , suy nghĩ, kế hoạch, dự định của
anh ta chỉ tập trung vào cuộc sống trong vòng 75 năm tồn tại trên trái đất.
Những điều anh ta theo đuổi sẽ là những việc anh ta thấy rằng sẽ đem lại những
điều tốt đẹp nhất cho anh ta và gia đình anh ta trong khoảng thời gian đó. Việc
tập trung thỏa mãn những nhu cầu của thể xác và bản ngã của cá nhân là điều
hoàn toàn bình thường.
Nhưng đến một
ngày, anh ta nhận thức rằng, có một Linh Hồn tồn tại bên trong con người mình,
và sau khi tìm hiểu các vấn đề của Linh hồn và thế giới Tâm Linh, anh ta sẽ
nhận ra rằng có một cuộc sống khác. Anh ta vẫn còn sống sau khi thân xác của
anh ta chết đi (chưa hẳn đã mất đi thân xác). Cuộc sống của anh ta kéo dài vô
tận, hay sẽ kéo dài rất lâu trước khi Linh Hồn hòa nhập với Linh Hồn Vĩ Đại. Để
hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ dùng ví dụ và hình ảnh theo cách hiểu về thời gian để
diễn giải.
Một kiếp người
trung bình sống trên trái đất là 75 năm. Chúng ta cũng giả sử, một Linh Hồn từ
khi được chia tách đến khi hòa nhập trở lại với Linh Hồn Vĩ Đại là 75 năm (theo
cách hiểu về thời gian của chúng ta). Vậy thì một kiếp người mà Linh Hồn trải
nghiệm trên trái đất 75 năm đó (cuộc sống 75 năm của con người), sẽ tương ứng
với 1 ngày trong kiếp sống 75 năm của Linh Hồn. Đó chính là hình dung khá đúng
và dễ hiểu về vấn đề Thế giới Tâm Linh. Vậy thì, khi đã nhận thức được, một
kiếp sống của đời người, chỉ tương đương với 1 ngày trong kiếp sống của Linh
Hồn, thì vấn đề sẽ đặt ra với anh ta là toàn bộ các tiêu chuẩn, tiêu chí về
cuộc sống sẽ thay đổi hoàn toàn. Anh ta sẽ sống theo các tiêu chí, tiêu chuẩn
tốt đẹp nhất trong một ngày của Linh Hồn (tương đương với 75 năm cuộc sống con
người) hay sẽ sống theo tiêu chí, tiêu chuẩn tốt đẹp nhất trong 75 năm của kiếp
sống Linh Hồn. Khi một người nhận thức được như vậy, và lựa chọn theo các tiêu
chí, tiêu chuẩn cuộc sống của Linh Hồn thì người đó được gọi là Giác Ngộ. Thông
thường, khi việc nhận thức và lựa chọn đó diễn ra một cách bất chợt được gọi là
"đốn ngộ". Điều này có thể xảy ra kèm theo cảm giác hoan hỉ, dễ chịu
và thú vị đối với chủ thể nhận thức.
Trên đây là nhận
thức, ý nghĩa đầu tiên, rất cơ bản và quan trọng về Thế giới Tâm linh. Tuy
nhiên, còn rất nhiều những vấn đề về Linh Hồn, về Thế giới Tâm Linh sẽ được đề
cập trong các phần sau của cuốn sách.
CHƯƠNG III
THẾ GIỚI TÂM
LINH
Thế giới Tâm
Linh, trong chương trước, là thế giới Linh Hồn tồn tại, sinh sống và hoạt động.
Đó là những điều vắn tắt, có tính chất định nghĩa. Thực chất, thế giới Tâm Linh
là toàn bộ biểu hiện và hoạt động của Thượng Đế. Thế giới Tâm linh bao gồm toàn
bộ thế giới hiện hữu và phi hiện hữu. Thế giới hiện hữu bao gồm toàn thể các
thiên hà, vũ trụ, các hành tinh, các hành tinh có sự sống (trong đó có trái đất
của chúng ta)thế giới phi hiện hữu là toàn bộ các cõi giới tinh thần, cõi giới
Tâm Linh, hay cõi giới vô hình (đối với con người của chúng ta)
CÁC NGUYÊN LÝ
(CHÂN LÝ) TỐI THƯỢNG
TRONG THẾ GIỚI
TÂM LINH
Tất cả thế giới
hiện hữu và phi hiện hữu: bao gồm tất cả các thiên hà, các vũ trụ, các hành
tinh, các hành tinh có sự sống.tất cả các cõi giới Tâm Linh, cõi giới vô hình,
tất cả các sự vật, sự việc, tất cả con người, các Linh hồn, các Thần, Thánh,
Tiên, Chúa, Phậtvv TẤT CẢ ĐỀU LÀ MỘT VÀ CHỈ LÀ MỘT, ĐÓ LÀ THƯỢNG ĐẾ, ĐÓ CŨNG
LÀ BẠN, CŨNG LÀ TÔI.
Toàn bộ sự vận
động và tương tác của thế giới hiện hữu và phi hiện hữu nói trên đang diễn ra
hàng ngày, hàng giờ, tất cả đời sống của con người, của Linh Hồn, của Thần,
Thánh, Tiên, Chúa, Phật.toàn thể và toàn bộ những điều đang diễn ra đó là SỰ
TRẢI NGHIỆM CỦA THƯỢNG ĐẾ, không hơn, không kém!
Bạn là một khía
cạnh, một cấp độ trải nghiệm của Thượng Đế hay Bạn là Thượng Đế trải nghiệm ở
khía cạnh này, cấp độ này. Bởi vì tất cả là Thượng Đế và tất cả là sự trải
nghiệm của Thượng Đế, nên ý nghĩa đích thực của một con người (dưới góc độ Tâm
Linh) là trải nghiệm thực tại này, cái giây phút hiện tại là duy nhất có ý
nghĩa vì đó là giây phút trải nghiệm được nhận thức. Đó là sự trải nghiệm,
ngoài ra không có gì khác cả. Đây chính là điều mà các Chân Sư thường nói:
"THỰC TẠI LÀ TỐI HẬU"
Bởi vì tất cả là
Thượng Đế, và tất cả là sự trải nghiệm của Thượng Đế nên sẽ không có một giới
hạn nào cho sự trải nghiệm, càng mở rộng sự trải nghiệm thì sự trải nghiệm càng
có ý nghĩa và thành công. Điều này có nghĩa là, không có một giới hạn nào cho
sự sáng tạo, hay không có một giới hạn nào cho hoạt động của Linh Hồn và cũng
đồng nghĩa với việc không có một giới hạn nào cho hoạt động của con người - ĐÓ
CHÍNH LÀ TỰ DO Ý CHÍ TUYỆT ĐỐI.
BIỂU HIỆN CỦA
THẾ GIỚI TÂM LINH HAY CÁCH THỨC DIỄN RA CÁC CHÂN LÝ TỐI THƯỢNG
Khi chúng ta nói
rằng, tất cả hiện hữu và phi hiện hữu, tất cả các sự vật, sự việc là Thượng Đế
và là một thì cách hiểu đơn giản nhất chính là mọi sự vật, sự việc đều từ cùng
một chất liệu mà ra. Đồng thời, đều do bàn tay của Thượng Đế tạo thành. Điều
này cũng phù hợp với nhiều ý kiến, quan điểm được các bậc Chân Sư, các sách vở,
tài liệu đề cập. Đó là, từ một nguồn năng lượng Tinh Tuyền, Thượng Đế đã sử
dụng phương thức rung động để tạo ra các dạng thức vật chất, các dạng thức sự
sống, các cõi giới tinh thần, tâm linh (hay vô hình đối với con người). Cái gọi
là rung động của Thượng Đế, có thể hiểu, đó là sự tương tác của hai đơn vị cơ
bản cấu thành lên mọi vật. Đó là âm và dương, theo cách hiểu của người Trung
Quốc cổ đại, đó có thể là hạt Hiss và hạt (phản Hiss?) mà thế giới vừa tìm
ra.tóm lại, đó là hai đơn vị cơ bản có đặc tính trái ngược nhau, vừa mâu thuẫn
vừa thống nhất, tương tác lẫn nhau theo các cách thức, phương thức và các tổ
hợp khác nhau để tạo ra các dạng thức vật chất, vật chất sống, sự sống, sự sống
có ý thức, các cõi giới,vv ..và đây chính là môi trường và điều kiện để vật
chất sống, sự sống, sự sống có ý thức, sự sống siêu ý thức tồn tại và hoạt
động.
Sự trải nghiệm
của Thượng Đế được diễn ra như thế nào? Sau khi tạo ra được các dạng thức vật
chất, vật chất sống, sự sống, sự sống có ý thức, sự sống siêu ý thức, tức là
sau khi tạo ra môi trường, điều kiện sống và muôn loài, Thượng Đế với tư cách
Linh Hồn Vĩ Đại, hay Linh Hồn Tổng Thể, đã tự chia tách bản thân tạo ra các
tiểu Linh Hồn, hay các Linh Hồn cá thể, phù hợp với các dạng thức vật chất
sống, sự sống, sự sống có ý thức, sự sống siêu ý thức (Thần, Thánh, Tiên, Phật)
thâm nhập vào các dạng thức sống đó, thông qua cuộc sống của các dạng thức sự
sống đó để trải nghiệm.
Như vậy Thượng
Đế đã sử dụng một nguồn năng lượng tinh tuyền (một chất liệu) để tạo ra các
dạng thức vật chất và các dạng thức sự sống. Các dạng thức vật chất tương tác
lẫn nhau để tạo để tạo ra môi trường và điều kiện cho các dạng thức sự sống tồn
tại, vận động và phát triển. Sau đó Thượng Đế chia tách bản thân mình (Linh Hồn
Vĩ Đại) thành các tiểu Linh Hồn thâm nhập vào các dạng thức sự sống để trải
nghiệm mọi điều. Đó chính là cách thức mọi việc xảy ra.
Thế giới Tâm
Linh, xét dưới góc độ nhận thức dựa trên thị giác của con người, có thể chia
làm hai thế giới: thế giới hiện hữu và thế giới phi hiện hữu. Thế giới hiện hữu
là tất cả sự vật, hiện tượng, sự sống mà con người có thể nhìn thấy được bằng
mắt thường hoặc bằng các dụng cụ khoa học mà con người tạo ra. Như vậy, từ
những thiên hà, vũ trụ, các hành tinh vô cùng to lớn, tới các sự vật, sự việc,
sự sống xung quanh tới các hạt, các phân tử, nguyên tửmà con người có thể nhìn
thấy bằng mắt thường, bằng kính thiên văn, bằng kính Lúp siêu phóng đại vv đều
thuộc về thế giới hiện hữu. Thế giới phi hiện hữu là thế giới mà con người
không nhìn thấy được bằng mắt thường, hoặc các dụng cụ khoa học do con người
chế tạo ra (tính đến thời điểm này). Đó là cõi giới tinh thần, cõi giới Tâm
Linh hay cõi giới vô hình. Đó là nơi các dạng thức sự sống siêu ý thức tồn tại
và hoạt động.
Xét dưới góc độ
các dạng thức sự sống, Thế giới Tâm Linh cũng bao hàm hai thế giới khác nhau
(trong nhận thức của con người). Thế giới của các dạng thức sự sống có ý thức
và thế giới của các dạng thức sự sống siêu ý thức. Thế giới của các dạng thức
sự sống có ý thức bao gồm thế giới vật chất sống và thế giới sự sống có ý thức
mà con người là dạng thức sự sống cao nhất. Đó là các dạng thức sự sống như cỏ
cây, hoa lá, các sinh vật đơn bào, đa bào, động vật cấp thấp và cấp cao, con người.
Các dạng thức sự sống này đều bao hàm các Linh Hồn thực hiện sự trải nghiệm.
Nhưng đó là các Linh Hồn ở trạng thái tiến hóa cấp thấp. Trong thế giới này,
cao cấp nhất của sự trải nghiệm, đó là các Linh Hồn trong dạng thức sự sống con
người. Tuy vậy, trong thế giới dạng thức sự sống có ý thức này, cũng có những
dạng thức sự sống siêu ý thức trú ngụ làm nhiệm vụ tạo dựng, khai sáng, dẫn dắt
muôn loài và con người trong bước tiến hóa của các loài. Thế giới của các dạng
thức sự sống siêu ý thức: đây là thế giới của các Linh Hồn đã tiến hóa ở bậc
cao. Và đây cũng chính là thế giới vô hình hay cõi giới Tâm Linh, cõi giới tinh
thần. Theo các bậc Chân Sư, có rất nhiều tầng, bậc trong cõi giới Tâm Linh. Có
thể tạm chia, theo cách mà người phương Đông thường nhắc tới, có 4-5 tầng bậc
sự sống siêu ý thức. Đó là Thần, Thánh, Tiên, Phật và theo hiểu biết của tác
giả có thể có thêm Chúa Sáng tạo, ngoài 4 dạng thức sự sống siêu ý thức kể
trên. Nhận thức về các Chúa Sáng tạo của tác giả có được dựa trên ba tài liệu:
Các Thông điệp từ các Chúa Sáng tạo (ebook);
Chuyển Pháp Luân
của Sư phụ Lý Hồng Chí; Di ngôn Phật sống Lưu Công
Danh. Trong tài
liệu Các Thông điệp từ các Chúa Sáng tạo, có đề cập tới các Chúa sáng tạo làm
nhiệm vụ sáng tạo, tạo dựng và điều khiển các lĩnh vực của sự sống, cuộc sống
của muôn loài và con người. Các Chúa Sáng tạo này được sinh ra trực tiếp từ
Thượng Đế, nhận nhiệm vụ và thay mặt Thượng Đế để tạo dựng ra các dạng thức vật
chất và sự sống.
Hai tài liệu còn
lại, thật thú vị, đều đề cập tới cùng một nội dung, vấn đề. Đó là cả hai tài
liệu đều nói về các Chúa (Thần) sáng tạo ra hành tinh trái đất và mọi sự sống,
vận động trên trái đất. Sư phụ Lý Hồng Chí, trong cuốn Chuyển Pháp Luân đã nói,
Đức Phật Thích Ca có nói rằng, có 6 vị (Thần, Chúa) đã tạo dựng lên hành tinh
trái đất và điều khiển mọi sự trên hành tinh trái đất. Trong cuốn sách Di ngôn
Phật sống Lưu Công Danh, có nhắc tới, Phật sống được Thần Tam Tông cho biết,
hành tinh trái đất được tạo dựng và điều khiển bởi 6 vị Thần, với các chức năng
rõ ràng của từng vị Thần như sau:
Đấng Quang Minh
Vạn Năng Tối cao điều khiển chung Đấng Kiến Tạo Vạn Năng lo cuộc sống cho muôn
loài
Đấng Hóa Công
Vạn Năng lo bảo vệ muôn loài
Đấng Khai Hóa
Vạn Năng lo cho sự hiểu biết của muôn loài
Đấng Tam Tông
Vạn Năng lo Tôn giáo cho loài người
Đấng Tồn Tại Vạn
Năng lo sự tồn tại, giới tính muôn loài
Thế giới tương
đối và thế giới tuyệt đối: Thế giới Tâm Linh còn được chia thành hai thế giới
được phân biệt với nhau về vấn đề thời gian. Thế giới tương đối là thế giới
trong nhận thức của con người, có tồn tại vấn đề thời gian. Sự nối tiếp nhau
của các sự kiện được tính toán, đo đạc bằng thời gian. Ngược lại, thế giới
tuyệt đối là thế giới không tồn tại khái niệm thời gian, mọi thứ đều đã, đang
và sẽ diễn ra, không thể phân biệt. Có thể giải thích một cách sơ lược và giản
dị như sau. Ví dụ, cuộc đời của một con người là 75 năm, tương ứng với một
Album ảnh 75 chiếc, sắp xếp theo thứ tự thời gian từ năm thứ nhất đến năm thứ
75. Nếu là thế giới tương đối thì con người đó sẽ đang sống trong 1 chiếc ảnh,
tương đương với 1 năm cuộc đời. Anh ta (hoặc cô ta) không thể biết được năm
tiếp theo của mình, cũng như những năm tiếp theo sẽ như thế nào. Nhưng nếu là
một người ở bên ngoài Album ảnh đó, sẽ biết được toàn bộ 75 chiếc ảnh tương ứng
với 75 năm cuộc đời của anh (hay cô) kia. Như vậy, ở thế giới tuyệt đối, sẽ
khác thế giới tương đối ở chỗ góc nhìn và năng lực của người nhìn. Có nghĩa là,
thế giới tuyệt đối là thế giới của những dạng thức sự sống siêu ý thức.
Một vấn đề rất
quan trọng của thế giới Tâm Linh cần được nhận thức rõ ràng và triệt để. Đó là
vấn đề Thiên đường và địa ngục (hỏa ngục) và vấn đề Thần Tiên và ma quỷ. Có hay
không có Thiên đường và địa ngục? có hay không có Thần Tiên và ma quỷ? Đã có
nhiều sách báo và tài liệu đề cập và lý giải vấn đề này. Tuy nhiên, có cảm giác
những vấn đề đó chưa được làm sáng tỏ một cách thật rõ ràng và giản dị.
Câu trả lời của
tác giả là Có và Không!
Có: theo nghĩa
phụ thuộc vào suy nghĩ, tư tưởng của cá nhân, cùng với tâm thức (nhận thức
chung, văn hóa chung) của cộng đồng văn hóa và tín ngưỡng nơi cá nhân đó sinh
ra, lớn lên và sinh sống. Điều này có nghĩa là, một cá nhân, được sinh ra nơi
một gia đình, cộng đồng có một tín ngưỡng chung và cá nhân đó tin vào tín ngưỡng
chung đó, thì đối với cá nhân đó, Thiên đường, địa ngục và Thần Tiên, ma quỷ là
có thật. Hình ảnh Thiên đường và địa ngục, Thần Tiên và ma quỷ đối với cá nhân
đó sẽ là hình ảnh của Thiên đường, địa ngục, Thần Tiên, ma quỷ của cộng đồng
Tâm Linh, tín ngưỡng nơi cá nhân đó sinh hoạt. Nếu một người sinh ra ở châu Âu
và Mỹ, là người da trắng theo Cơ đốc giáo, thì hình ảnh Thiên đường và địa
ngục, Thần Tiên và ma quỷ sẽ là hình ảnh do Cơ đốc giáo đã tạo ra. Đó là có
Thiên đường, nơi những Linh Hồn không có tội, hoặc đã được rửa tội sinh sống,
địa ngục, nơi những người đã làm điều ác, tội lỗi, chưa được rửa tộitrú ngụ và
bị đày đọa. Hình ảnh của Thần Tiên và ma quỷ sẽ là hình ảnh những nàng Tiên có
cánh, quỷ Sa tăngNhưng nếu là một người châu Á, chẳng hạn như người Việt nam,
tin theo đạo Phật, Thiên đường sẽ là Thiên Đình, nơi có Ngọc Hoàng Thượng Đế,
có Phật Tổ Như Lai, có Quan Âm Bồ Tát, còn địa ngục thì sẽ có Âm Ty, có Quỷ Môn
quan, có Diêm Vương,vv Tại sao lại như vậy? bởi vì sự tin tưởng, suy nghĩ của
con người có sức mạnh tạo dựng được mọi thứ, suy nghĩ và sự tin tưởng của một
cộng đồng Tâm Linh, tín ngưỡng càng có sức mạnh hơn, sẽ tạo thành các thế giới
giống như suy nghĩ đó. Mặt khác, trong các cõi giới Tâm Linh, nơi các Linh Hồn
tiến hóa ở trạng thái bậc cao, có thể biết được suy nghĩ của cá nhân con người
cũng như cộng đồng Tâm Linh, tín ngưỡng đó. Và các Linh Hồn đó sẽ tham gia vào
việc tạo dựng ra hình ảnh của các thế giới đúng như suy nghĩ và tư tưởng của
các cá nhân và cộng đồng Tâm Linh, tín ngưỡng nơi cá nhân đó sinh sống. Nhưng
chúng ta cũng cần hiểu thêm, những Thiên đường, Thần Tiên, địa ngục, ma quỷ đều
do suy nghĩ của con người và các Linh Hồn tiến hóa bậc cao tạo ra. Đặc biệt,
địa ngục và ma quỷ cũng đều do các Linh Hồn bậc cao tạo ra với mục đích giáo
dục, cảm hóa đối với con người và Linh Hồn. Chính vì vậy, đạo Phật có câu:
" tà ma ngoại đạo là Bồ Tát thị hiện". Như vậy, chúng ta đã giải
quyết được câu trả lời Có Thiên đường và địa ngục, Thần Tiên và ma quỷ.
Không: có hai
hình thức của câu trả lời là không. Thứ nhất, Không đối
với những cá
nhân con người. Mặc dù ai cũng sinh ra và sống trong một cộng đồng Tôn giáo,
Tâm Linh, tín ngưỡng nào đó, nhưng có những con người không hề có bất cứ một
chút niềm tin nào về tất cả những vấn đề liên quan đến Thế giới Tâm Linh. Người
ta không tin các hiện tượng ngoại cảm, không tin có Linh Hồn, không tin có cõi
âm, tóm lại, họ không tin gì hết cả. Như vậy, đối với những người này, 100% là
không có Thiên đường, địa ngục và Thần Tiên, ma quỷ.
Thứ hai, Không
theo nghĩa Thiên đường và địa ngục, Thần Tiên và ma quỷ tồn tại một cách khách
quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kỳ cá nhân hoặc tập thể nào.
Điều này có nghĩa là, nếu Thiên đường, Thần Tiên, địa ngục và ma quỷ là có
thật, tồn tại một cách khách quan, thì ai ai cũng có thể nhìn thấy, nhận biết,
cảm nhận giống nhau về Thiên đường, Thần Tiên, địa ngục, ma quỷ. Trong thực tế,
điều này là không có, có nghĩa là Thiên đường, Thần Tiên, địa ngục và ma quỷ
không tồn tại khách quan, và như vậy là không có Thiên đường và địa ngục, không
có Thần Tiên và ma quỷ.
Vấn đề tín
ngưỡng độc thần và tín ngưỡng đa thần. Theo Chân lý Tối thượng ở phần đầu
chương này, tất cả hiện hữu và phi hiện hữu đều là Thượng Đế. Như vậy, không
cần phải bàn cãi, chúng ta đều biết rằng, truy tìm tới cùng, tất cả là một, là
Thượng Đế và điều này, theo nghĩa nào đó, là tín ngưỡng độc thần.
Nhưng trong thực
tế, đã tồn tại hai hình thức tín ngưỡng tôn giáo độc thần và đa thần. Lý giải
điều này như thế nào? Tín ngưỡng độc thần, với sự thể hiện khác nhau của Thượng
Đế, bằng các cách gọi khác nhau, đều thể hiện được Chân Lý Tối Thượng - do đó
không có nhiều sự khác nhau cũng như mâu thuẫn trong vấn đề này. Ngược lại, tín
ngưỡng đa thần có hai cách hiểu. Nếu một cá nhân tìm hiểu, nghiên cứu và nhận
thấy rằng, mỗi hình thức tín ngưỡng, tôn giáo thờ một vị thần, nhưng các vị
thần (của mỗi tôn giáo) đó lại có tên gọi và đặc điểm khác nhau từ đó gọi chung
cho tín ngưỡng tôn giáo (nói chung) là đa thần thì việc giải thích để đi tới nhận
thức chung không khó. Ví dụ, đối với Cơ Đốc giáo, Đức Chúa Trời là danh xưng vị
thần cao nhất, tương đương với Thượng Đế, thì đối với Phật giáo, lại gọi là Đức
Đại Nhật Như Lai, đối với Hồi giáo thì gọi là Thánh A-lathực chất đó chỉ là
cách gọi khác nhau chỉ Thượng Đế. Và cách hiểu này thực ra không phải là cách
hiểu về tín ngưỡng đa thần. Trên thực tế, tín ngưỡng đa thần là tín ngưỡng của
một tôn giáo, hay một giáo phái nào đó tuyên xưng và thờ cúng nhiều vị Thần
cùng một lúc, và không có vị thần nào đứng đầu, hay cao nhất, chịu trách nhiệm
chính. Điều này chỉ có thế lý giải được theo cách giả thiết rằng, năng lực của
vị thần hóa thân tạo dựng và dẫn dắt, lãnh đạo tôn giáo, giáo phái đó còn hạn
chế, ở một tầng mức chưa đủ để nhìn nhận thông suốt các cõi giới và tiến tới
nhận thức cao nhất về đấng Tạo Hóa, đấng Tối cao, hay Thượng Đế.
CHƯƠNG IV
LINH HỒN
Sau khi Thượng
Đế sáng tạo ra thế giới vật chất và các cõi giới Tâm Linh, cùng với việc sáng
tạo ra các vật chất sống, các dạng thức sự sống, Thượng Đế (hay Linh Hồn Vĩ
Đại) đã tự chia tách mình thành các tiểu Linh Hồn thâm nhập vào các dạng thức
sự sống để trải nghiệm. Như vậy các tiểu Linh Hồn, hay vẫn thường gọi là Linh
Hồn, là đơn vị cơ bản (chủ thể chủ yếu) để thực hiện việc trải nghiệm của Thượng
Đế. Chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu về Linh Hồn, các nguyên lý tồn tại, hoạt động
và tiến hóa của Linh Hồn sẽ hiểu được sự trải nghiệm của Thượng Đế, một nội
dung quan trọng của Thế giới Tâm Linh.
Các Linh Hồn
được chia tách, thực hiện việc trải nghiệm đều có những đặc tính, nguyên lý
chung. Những nguyên lý chung này, sẽ theo suốt cuộc hành trình của Linh Hồn qua
tất cả các dạng thức sự sống. Nhưng có một dạng thức sự sống đặc biệt, đó là
con người, sẽ có những nguyên lý đặc thù, ngoài các đặc tính chung.
I/Những nguyên
lý chung của Linh Hồn
1- Nguyên lý về
sự chia tách và hợp nhất
Nguyên lý đầu
tiên của các Linh Hồn, đó là các Linh Hồn được chia tách từ Linh Hồn Vĩ Đại
(Thượng Đế), thực hiện việc trải nghiệm, qua tất cả các dạng thức sự sống, sau
đó quay trở về hợp nhất với Linh Hồn Vĩ Đại. Đây chính là điều một số Chân Sư
thường nói "ra đi rồi trở về". Nếu theo cách hiểu về thời gian trong
thế giới tương đối, thì vòng tròn chia tách và hợp nhất này là khoảng thời gian
vô cùng lớn. Giống như một ví dụ trong chương II, giả sử thời gian đó là 75 năm
thì một kiếp sống của con người trong chuỗi thời gian trải nghiệm này chỉ là
một ngày. Các Linh Hồn là các phân mảnh của Linh Hồn Vĩ Đại (Thượng Đế) nhưng
đều mang trong mình tất cả các thông tin, tri thức, quyền năng giống như Linh
Hồn Vĩ Đại. Tuy nhiên, tùy theo mức độ tiến hóa của Linh Hồn, các thông tin,
tri thức và quyền năng đó sẽ được khai mở và sử dụng tương ứng và theo một quy
định nghiêm ngặt. Nguyên tắc trải nghiệm của Linh Hồn từ dạng thức sự sống thấp
đến dạng thức sự sống cao, tức là dạng thức sự sống có ý thức và siêu ý thức.
Trong toàn bộ quá trình tiến hóa của Linh Hồn, Linh Hồn cũng trải qua hai giai
đoạn lớn, đó là ý thức về sự chia tách và ý thức về sự hợp nhất.
Điều này có
nghĩa là, giai đoạn đầu của chu kỳ lớn chia tách và hợp nhất, ý thức về sự chia
tách sẽ chi phối các trải nghiệm của Linh Hồn. Đương nhiên, trong giai đoạn
này, vẫn có các chu kỳ về sự chia tách và hợp nhất nhỏ hơn bên trong các trải
nghiệm. Chúng ta hình dung, chia tách và hợp nhất (cùng với nó là ý thức về sự
chia tách và hợp nhất) là hai đầu mút của quá trình tiến hóa, trải nghiệm của
Linh Hồn. Giai đoạn đầu, ý thức về sự chia tách chi phối các trải nghiệm, đồng
thời bên trong toàn bộ quá trình có rất nhiều chu kỳ ý thức về sự chia tách và
hợp nhất nhỏ hơn..
Đến một giai
đoạn tiến hóa nào đó của Linh Hồn, Linh Hồn ở trong dạng thức sự sống (thường
là con người), dạng thức sự sống đó có sự "giác ngộ", tức là nhận
thức được bên trong mình có tồn tại một dạng năng lượng sống là Linh Hồn, đồng
thời, dạng thức sự sống này đồng ý cam kết thực hiện việc sống cuộc sống của
Linh Hồn, thì Linh Hồn bắt đầu chịu sự chi phối trong ý thức về sự hợp nhất. Từ
khi Linh Hồn được giác ngộ đến khi hợp nhất với Linh Hồn Vĩ Đại cũng vẫn là một
quá trình rất lâu dài, và cũng trải qua nhiều chu kỳ nhỏ của sự chia tách và
hợp nhất, nhưng ý thức chi phối là ý thức về sự hợp nhất.
2- Nguyên lý về
sự trải nghiệm cảm xúc sợ hãi và yêu thương
Tất cả các Linh
Hồn đều trải nghiệm hai cảm xúc cơ bản nhất Sợ hãi và Yêu thương. Cũng tương tự
và song hành với sự chia tách và hợp nhất, Linh Hồn cũng có hai đầu mút cảm
nghiệm trong toàn bộ quá trình tiến hóa của mình, đó là cảm giác sợ hãi và yêu
thương. Trong toàn bộ quá trình trải nghiệm các cảm giác của các dạng thức sự
sống khác nhau, Linh Hồn sẽ trải qua rất nhiều các chu kỳ trải nghiệm cảm giác
sợ hãi và yêu thương nhỏ hơn bên trong toàn bộ chu kỳ trải nghiệm mà hai đầu
mút của nó là sợ hãi và yêu thương. Tuy nhiên, cũng tương tự như ý thức về sự
chia tách và hợp nhất, Linh Hồn trong giai đoạn đầu của sự chia tách (với Linh
Hồn Vĩ Đại), hay giai đoạn đầu của sự tiến hóa thì cảm giác sợ hãi sẽ chi phối
toàn bộ các trải nghiệm của Linh Hồn. Có thể hiểu điều này thông qua động lực
chi phối cảm giác và hành động của con người là sự sợ hãi. Con người hoạt động,
làm việc này việc kia xuất phát từ sự sợ hãi. Chúng ta học hành, phấn đấu, đạt
được thành quả này khác được thúc đẩy bởi sự sợ hãi khi nghĩ tới mọi người sẽ
coi thường mình khi mình không có địa vị cũng như những thành quả kèm theo.
Hoạt động của con người, hướng tới kết quả, suy nghĩ tới kết quả, bảo đảm bởi
kết quả và bị chi phối bởi kết quả chính là hoạt động từ động cơ, từ sự sợ hãi.
Đến một lúc nào
đó, một dạng thức sự sống mà Linh Hồn trải nghiệm (thường là con người) nhận
thức được sự tồn tại và cuộc sống của Linh Hồn bên trong mình, người đó cam kết
sống theo cách sống của Linh Hồn, hay người đó được giác ngộ, thì toàn bộ cảm
xúc lớn, chi phối người đó (Linh Hồn đó) trong các bước tiến hóa tiếp theo sẽ
là tình yêu thương. Điều này có nghĩa là, động cơ toàn bộ hoạt động của con
người, hay dạng thức sự sống mà Linh Hồn trải nghiệm sẽ là tình yêu thương chi
phối. Tất nhiên, Linh Hồn này vẫn trải qua các chu kỳ nhỏ của cảm xúc sợ hãi và
yêu thương, nhưng tất cả đều được đặt trên cảm xúc gốc, lớn nhất là tình yêu
thương. Khi con người giác ngộ, hay các Chân Sư hoạt động, họ không quan tâm
tới kết quả, chỉ có tình yêu thương, chỉ có cho đi mà không quan tâm tới việc
nhận về, hay có gì sau mỗi hành động.
Thực ra, ngay từ
điểm xuất phát, các Linh Hồn đều được sống trong sự bao bọc của tình yêu
thương. Thượng Đế chính là tình yêu thương. Xuyên suốt toàn bộ quá trình trải
nghiệm của các Linh Hồn cũng đều được bao bọc trong tình yêu thương vô bờ của
Thượng Đế. Tất cả các Tôn giáo, các giáo phái, tông phái, tất cả các bậc Chân
Sư, các bậc giác ngộ đều kêu gọi thực thi tình yêu thương. Cơ sở của tình yêu
thương chính là ý thức về sự hợp nhất. Ở bất cứ đâu có sự hiện diện của tình
yêu thương, ở đó đều có sự yên bình, cảm giác thanh thản và những kết quả tốt
đẹp tự thân.
3- Nguyên lý về
cấu trúc tự hoàn thiện của Linh Hồn
Mỗi một Linh Hồn
đều mang trong mình một cấu trúc tự hoàn thiện. Cấu trúc này thể hiện rất rõ
trong việc Linh Hồn trải nghiệm qua chu kỳ chia tách và hợp nhất, sợ hãi và yêu
thương. Toàn bộ quá trình trải nghiệm của Linh Hồn là một quá trình tự hoàn
thiện theo những phương diện sau.
- Các Linh Hồn
đều tự trải nghiệm qua tất cả các dạng thức sự sống, từ cỏ cây, hoa lá đến động
vật đơn bào, đa bào, động vật cấp thấp và động vật cấp cao, đến con người, con
người tiến hóa (ở các hành tinh khác), đến các dạng thức sự sống siêu ý thức,
.. vvBằng cách này hay cách khác, sớm hay muộn, các Linh Hồn đều thực hiện
việc trải nghiệm qua tất cả các dạng thức sự sống tồn tại trong thế giới Tâm
Linh.
- Các Linh Hồn
đều tự trải qua tất cả các cảm xúc của loài người trước khi cảm nghiệm được
tình yêu hoàn hảo. Qua rất nhiều chu kỳ luân hồi, chuyển kiếp, Linh Hồn sẽ trải
nghiệm được mọi cảm xúc của loài người. Mục đích trải nghiệm các cảm giác là
mục đích quan trọng của Linh Hồn. Khi chưa được trải nghiệm cảm giác nào đó,
hoặc chưa trải qua đầy đủ các cấp độ của một cảm giác nào đó, Linh Hồn sẽ tìm
cách quay trở lại kiếp sống con người để thực hiện việc trải nghiệm đầy đủ và
trọn vẹn cảm giác đó với đầy đủ các cấp độ. Chỉ khi đã trải nghiệm đầy đủ tất
cả các cảm giác, với đầy đủ các cấp độ, Linh Hồn mới tiến tới cảm giác cao độ
nhất là kinh nghiệm hợp nhất với tất cả tồn tại (Linh Hồn Vĩ Đại). Đây là cuộc
trở về vĩ đại với sự thật mà Linh Hồn khắc khoải mong chờ. Đây là cảm giác về
tình yêu trọn vẹn.
- Linh Hồn tự
trải qua tất cả các cấp độ tiến hóa trước khi hiệp nhất với Linh Hồn vĩ Đại.
Các cấp độ tiến hóa của Linh Hồn là sự tổng hòa của ba phương diện: Tri thức
(sự hiểu biết), Đạo đức (thực thi tình yêu thương) và Phụng sự (nhiều khía cạnh
và cấp độ). Có rất nhiều cấp độ tiến hóa của Linh Hồn, và ở mỗi cấp độ đều có
sự trải nghiệm các cảm giác tương ứng. Điều này có nghĩa là, khi Linh Hồn ở cấp
độ tiến hóa thấp, thì những cảm giác của Linh Hồn như khoan khoái, dễ chịu, ấm
áp (tức là những cảm giác tuyệt vời) xuất hiện rất ít và ngắn ngủi. Nhưng khi
Linh Hồn tiến hóa ở cấp độ cao hơn, những cảm giác tuyệt vời xuất hiện thường
xuyên, đều đặn và kéo dài lâu hơn so với cấp độ thấp. Càng lên cấp độ tiến hóa
cao hơn, Linh Hồn càng trải qua nhiều những cảm giác tuyệt vời hơn. Điều này
cũng có thể hiểu đơn giản, đó là động lực cho sự tiến hóa của Linh Hồn.
II. Những nguyên
lý của Linh Hồn trong dạng thức sự sống con người
Linh Hồn trong
trải nghiệm thông qua dạng thức sự sống con người thu hoạch được những kết quả
đầy đủ và phong phú nhất. Các cảm xúc của loài người được trải nghiệm, cũng như
các nguyên lý chung của Linh Hồn được thể hiện với tần suất và mức độ rất sâu
sắc.
1/ Linh Hồn trải
nghiệm rất nhiều chu kỳ chia tách và hợp nhất, tương ứng với các trải nghiệm
cảm xúc sợ hãi và yêu thương.
Lịch sử của con
người chính là lịch sử của các chu kỳ chia tách và hợp nhất, các cảm giác con
người trải qua cũng là các cảm giác từ sợ hãi tới yêu thương. Ngay từ thủa con
người xuất hiện, khi sự sống của con người chưa có hình thức tổ chức nào, thì
con người tồn tại độc lập, nhìn người khác, các loài động vật khác là các cá
thể riêng biệt. Việc tranh giành để nhận được thức ăn và duy trì nòi giống là
điều thường xuyên, bình thường. Nhu cầu tự tồn tại, xuất phát từ sự sợ hãi bị
tiêu diệt đã đẩy những cá nhân con người vào các cuộc tranh giành đó. Khi xuất
hiện hình thức tổ chức đầu tiên của con người, đó là bộ lạc thì nhu cầu tự bảo
tồn, xuất phát từ sự phân biệt, chia tách với bộ lạc khác dẫn tới nỗi sợ hãi bị
tiêu diệt tất cả bộ lạc, đã đẩy tới tình trạng chiến tranh giữa các bộ lạc. Sau
các cuộc chiến tranh, các tù binh sau một thời gian dài hòa nhập vào bộ lạc
chiến thắng, hình thành một cộng đồng mới. Đó là lúc con người trải nghiệm tình
yêu thương, không còn phân biệt con người với tư cách bộ lạc nữa, đó cũng là
lúc gọi là hợp nhất. Tuy nhiên, sau khi tâm lý, hình thái bộ lạc không còn nữa
thì xuất hiện lãnh chúa, xuất hiện sự phân biệt và chia tách về địa lý, địa
giới. Các lãnh địa và lãnh chúa lại phân biệt với nhau. Khi có sự phân biệt,
chia tách này, nhu cầu tự bảo tồn, được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi bị tiêu diệt,
đã khởi động một động cơ chiến tranh liên miên giữa các lãnh chúa, lãnh địa.
Cùng thời điểm này, sự xuất hiện các tôn giáo, và sự phân biệt các tôn giáo
cũng như nỗi sợ hãi bị các tôn giáo khác đồng hóa đã dẫn tới các cuộc chiến
tranh tôn giáo khốc liệt. Chu kỳ chia tách và hợp nhất cứ thế hoạt động, cùng
với các trải nghiệm sợ hãi và yêu thương của con người đã dẫn dắt con người qua
các hình thái nhà nước như Phong Kiến (các Vương quốc), nhà nước dân tộc, các
quốc gia như hiện nay. Cuộc chiến tranh tôn giáo tạm lắng xuống bởi các hình
thái nhà nước đã dung hòa khá nhiều các tôn giáo bên trong nó.
Con người đã
trải qua rất nhiều sự phân biệt, chia tách và trải qua rất nhiều các cảm giác
sợ hãi, cũng như các chu kỳ sợ hãi và yêu thương. Cái giá để trả cho sự phân
biệt, chia tách đó là máu, nhân mạng và nước mắt trong suốt chiều dài lịch sử
nhân loại. Con người đã chia tách nhau, từ bộ lạc, màu da (chủng tộc), tôn
giáo, giai cấp, vvtrong thời kỳ đầu của lịch sử nhân loại, thì nhu cầu tự tồn
tại (nỗi lo sợ bị tiêu diệt) là nhu cầu cơ bản, nỗi lo sợ lớn nhất. Sau này,
nhu cầu tự thể hiện, hay nhu cầu so sánh hơn kém lại chi phối nhiều hơn. Quốc
gia này sợ thua kém quốc gia khác, dân tộc này sợ thua kém dân tộc khác, tôn
giáo này sợ thua kém tôn giáo khácTrong lịch sử Cận đại và Hiện đại, sự phân
biệt, chia tách khủng khiếp nhất là sự phân biệt chủng tộc, giống nòi đưa tới
chế độ Phát-xít, và sự phân biệt giai cấp đã đưa nhân loại tới họa Cộng sản.
Tóm lại, con người đã trải qua rất nhiều chu kỳ chia tách và hợp nhất, và hiện
nay vẫn còn tiếp tục. Chúng ta vẫn còn phải tiếp tục trả giá cho nỗi sợ hãi
xuất phát từ các sự phân biệt, chia tách mà sau này nhìn lại thấy hết sức vô lý
và khủng khiếp. Tuy nhiên, điều gì rồi cũng có kết thúc. Hiện nay nhân loại
đang đứng trước thách thức cực lớn cũng như cơ hội chưa từng có. Đó là hiểm họa
hủy diệt toàn bộ loài người, do chiến tranh hạt nhân cũng như môi trường bị hủy
hoại. Chính thách thức lớn nhất này, lại là cơ hội để loài người tiến tới một
trạng thái hoàn mỹ, đó là con người sẽ được sống trong tự do và hòa bình hoàn
toàn. Loài người đã trải qua sự phân biệt và chia tách vô lý nhất (phân biệt
giai cấp), đã trải qua nỗi sợ hãi lớn nhất trong lịch sử nhân loại (họa Cộng
sản) thì con người cũng sắp được trải qua sự hợp nhất vĩ đại nhất, với tình yêu
thương trọn vẹn nhất trong suốt chiều dài lịch sử. Tất cả các sách báo, tài
liệu, các hé lộ của các bậc Chân Sư đều nói rằng, sau khi trải qua thời kỳ Mạt
Pháp (thời kỳ Vô thần Cộng sản), nhân loại sẽ bước sang một trang sử mới, giai
đoạn thái bình vĩnh viễn. Đó cũng là giai đoạn thể hiện đầu mút của tình yêu
thương trong chu kỳ lớn sợ hãi và yêu thương mà Linh Hồn trải nghiệm trong dạng
thức sự sống con người.
2/ Nguyên lý
trải nghiệm cặp đôi đối xứng
Trong tất cả các
trải nghiệm của Linh Hồn, dù là trải nghiệm về tri thức, hiểu biết hay trải
nghiệm về cảm xúc, cũng như các hoàn cảnh thì có một nguyên lý rất quan trọng
và nghiêm ngặt đó là trải nghiệm cặp đôi đối xứng.
Linh Hồn sẽ trải
qua các hoàn cảnh của một ông Vua cũng như kẻ ăn mày, người tốt - người xấu,
thủ phạm - nạn nhân, nguyên nhân - kết quảcác cảm giác mà Linh Hồn trải nghiệm
cũng đi theo xu hướng cặp đôi đối xứng, ví dụ cực kỳ hạnh phúc - cực kỳ đau
khổ. Lý giải nguyên nhân của việc Linh Hồn trải nghiệm cặp đôi đối xứng không
khó, bởi vì bất kỳ là ai cũng sẽ không thể biết là thấp nếu chưa từng biết cao,
không thể biết là khổ nếu chưa từng biết tới sướng..vv Những vui buồn và các
cảm xúc sẽ được trải nghiệm qua các kiếp sống đầy đủ. Kể cả vị thế con người,
Linh Hồn cũng sẽ trải qua hầu hết các vị thế cặp đôi đối xứng: vợ - chồng; bố
mẹ - con cái; ông bà - cháu chắtnhưng có một điều, các Linh Hồn sẽ tự lựa chọn
thời điểm, hoàn cảnh để hoàn tất các trải nghiệm cặp đôi đối xứng. Nguyên lý
trải nghiệm cặp đôi đối xứng, trong một cách hiểu khác, đó chính là luật Nhân-
Quả. Tuy nhiên luật Nhân - Quả chỉ là một trong số các khía cạnh trải nghiệm
của Linh Hồn, đồng thời nguyên lý trải nghiệm cặp đôi đối xứng có phạm vi bao
trùm, rộng lớn hơn. Luật Nhân -Quả chủ yếu đề cập tới khía cạnh hoạt động của
Linh Hồn, nhưng Linh hồn con người có nhiều phương diện trải nghiệm hơn: vị
thế, hoàn cảnh, hoạt động, cảm xúc, vv Một điều rất quan trọng nữa là khi xác
định nguyên lý trải nghiệm cặp đôi đối xứng, ta sẽ không làm hạn chế, hoặc ảnh
hưởng tới Chân Lý Tối thượng, đó là tự do ý chí của Linh Hồn trải nghiệm mọi
điều (cả ác, cả thiện) trong dạng thức sự sống con người. Vậy tại sao luật
Nhân - Quả lại được đề cao và được coi như một luật lệ chính thức khi nhắc tới
thế giới Tâm Linh. Bởi vì luật Nhân - Quả có vai trò giáo hóa rất lớn, không
chỉ đối với đời sống con người mà cả đối với con người được giác ngộ, hay những
người tu hành. Những điều được gọi là trả "nghiệp", trả
"quả" đối với nguyên lý trải nghiệm cặp đôi đối xứng chỉ giản dị là
trải nghiệm nốt những vế còn thiếu trong các cặp đôi mà Linh Hồn mới trải
nghiệm được một vế.
3/ Nguyên lý về
Luân hồi, chuyển kiếp
Nguyên lý này
được rất nhiều người biết tới và thừa nhận. Đó là Linh Hồn trải qua nhiều kiếp
sống con người để trải nghiệm mọi phương diện, khía cạnh, cấp độ của đời sống
và cảm xúc của con người. Điều mà nhiều người còn chưa biết, đó là số lần, số
kiếp sống con người của Linh Hồn trải nghiệm là rất lớn. Theo cuốn sách
"Đối thoại với Thượng Đế" khi tác giả Neale Donald Walsch hỏi Thượng
Đế về số kiếp sống mà Linh Hồn trong con người ông đã trải qua, thì số lượng đó
là 647 kiếp sống con người, và đến tác giả (Neal) là kiếp sống thứ 648. Như vậy
số lần trải nghiệm qua dạng thức sự sống con người của Linh Hồn là rất lớn.
Điều này suy cho cùng cũng là hợp lô-gic bởi Linh Hồn phải trải qua rất nhiều
phương diện, khía cạnh và cấp độ của đời sống và cảm xúc con người. Linh Hồn
hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn kiếp sống con người mà mình trải nghiệm,
đồng thời cũng tự do trong việc từ bỏ sự trải nghiệm đó. Linh hồn cũng thường
xuyên rời bỏ thể xác để được tự do trong không gian Tâm Linh của mình thông qua
giấc ngủ của con người. Một đặc điểm quan trọng là khi đã lựa chọn đầu thai ở
một kiếp sống nào đó, Linh Hồn thường không thể nào nhớ lại được (ký ức bị đóng
lại) các trải nghiệm ở những kiếp sống trước đó. Ngay cả khi Linh Hồn rời bỏ cơ
thể trong giấc ngủ, Linh hồn cũng không nhớ lại được trọn vẹn các hoạt động của
mình sau khi con người thức dậy. Trong trải nghiệm dạng thức sự sống con người,
hoạt động của cơ thể, tâm trí và Linh Hồn độc lập với nhau. Có những lúc, hoạt
động của thân xác và tâm trí là đồng nhất, có những khi hoạt động của tâm trí
và Linh Hồn là trùng khớp,vvcó những khi, cả ba bản thể hòa đồng trong một
công việc, hành động. Nhưng chỉ đến khi thân xác, tâm trí và Linh Hồn cùng hòa
hợp và hợp nhất, thì Thượng Đế trong con người sẽ được tỏ hiện (tức là con
người có đầy đủ tri thức và quyền năng của Thượng Đế).
4/ Nguyên lý về
Phép lạ
Phép lạ, như
phần tìm hiểu khái niệm đã có các tên gọi khác như phép Thần thông (trong Phật
giáo) và Công năng đặc dị (trong một số giáo phái, có Pháp Luân Công) là những
sự việc xảy ra tự nhiên, hoặc do con người thực hiện vượt quá kinh nghiệm, hiểu
biết và giới hạn khoa học của con người. Có thể thấy rằng, Đạo Phật đã trình
bày rất bài bản và đầy đủ về các phép Thần thông, trong đó chia thành sáu loại
sức mạnh Thần thông (Lục trí Thần thông). Tuy nhiên, phép lạ là khái niệm rộng
hơn, bao trùm hơn khái niệm về phép Thần thông trong Phật giáo. Phép Thần thông
trong Phật giáo đặt nguồn gốc từ sự tu luyện, tu hành và giác ngộ mà có được,
đồng thời việc sử dụng được liên tục và tự chủ. Nhưng phép lạ thì bao gồm phép
Thần thông và những điều kỳ lạ khác nữa.
Về cơ bản, phép
lạ được thể hiện bởi hai dạng Linh Hồn, đó là Linh Hồn tiến hóa bậc cao (trong
trải nghiệm kiếp sống con người như Chúa Giê-Su, hoặc những Linh Hồn thuần túy
không trong kiếp sống con người) và Linh Hồn con người bình thường, tức là
người thường. Nếu là những Linh Hồn tiến hóa bậc cao, như Chúa Giê-Suthì chúng
ta không thể tìm hiểu nguồn gốc, cũng như cách thức sử dụng phép lạ. Như vậy,
chúng ta chỉ có thể tìm hiểu những con người bình thường có khả năng (hoặc đã
từng) sử dụng phép lạ.
Có hai nguồn gốc
hình thành năng lượng, và năng lượng đặc biệt, đó là từ vật chất và từ bên
ngoài (tức không phải từ vật chất, theo cách hiểu vật chất của con người). Điều
đó có nghĩa là, phép lạ có thể được tạo ra từ bản thân con người và từ bên
ngoài, hay lực lượng siêu nhiên, Tâm Linh.
- Phép lạ do sự
tu luyện tạo thành: điển hình nhất là phép Thần thông Phật giáo, các phương
pháp tu luyện Yoga, các phương pháp luyện Đan trong đạo Tiên (Tiên Đạo). Cách
thức chung là tu luyện để khai mở các Luân Xa (huyệt lớn) trong con người và
giải phóng các nguồn năng lượng, hấp thụ và sử dụng được các nguồn năng lượng
bên ngoài để biến thành các nguồn năng lượng, sức mạnh theo ý muốn của con
người. Chính vì khai mở được những huyệt đạo do tu luyện mà những người này có
thể sử dụng phép lạ một cách tự chủ và liên tục.
- Phép lạ có
được từ bên ngoài, do lực lượng Tâm Linh (siêu nhiên) mang lại cho con người.
Dạng phép lạ này lại được chia thành hai loại: những người bình thường tự nhiên
có được khả năng kỳ lạ và những người tu theo phương pháp đặc biệt (ví dụ như
Mật Tông). Những người bình thường phần lớn gặp những biến cố đặc biệt như sét
đánh, tai nạn nguy hiểm, chó cắn, ốm không rõ lý do ..vvsau biến cố đó, họ có
được những khả năng đặc biệt. Nhưng có những trường hợp, có người sinh ra đã có
được khả năng đặc biệt, hoặc tự nhiên có mà không gặp biến cố đặc biệt nào cả.
Điểm chung của những người này là phép lạ của họ hiếm khi sử dụng được liên tục
và tự chủ, có người chỉ có khả năng đặc biệt trong một thời gian ngắn rồi mất
đi.
Những người có
phép lạ bằng cách tu đạo theo phương pháp đặc biệt, hoặc sử dụng Bùa Chú. Chúng
ta biết, có một Tông phái của Đạo Phật, gọi là Mật Tông là điển hình nhất của
việc sử dụng phép lạ do tu đạo. Đây là một hệ phái rất bài bản và linh ứng,
luôn luôn có một lực lượng Tâm Linh, siêu nhiên hỗ trợ những người tu, trong
mục đích giáo hóa các Linh Hồn, con người và Chúng sinh. Những người theo phép
tu này phải được Điểm Đạo, kiên trì luyện Thần Chú, và không sử dụng phép lạ để
thu lợi cá nhân. Những người này sau đó sẽ có phép lạ sau khi luyện Thần Chú do
các lực lượng Tâm Linh thực hiện (Thần, Phật). Một số giáo phái khác, như Đạo
Giáo của Trung Quốc, hoặc các giáo phái đặc biệt tại các quốc gia cũng có những
hình thức tương ứng, nhưng không bài bản và linh ứng bằng Mật Tông. Có những
nguyên tắc trong sử dụng phép lạ nói chung, đó là không được làm đảo lộn cuộc
sống của những người dân bình thường, không được sử dụng để thể hiện năng lực
bản thân (khoe khoang), không được sử dụng để thu lợi... Việc sử dụng phép lạ
phần lớn trong việc giáo hóa con người, Linh Hồn và Chúng sinh.
CHƯƠNG V
LINH ĐẠO
(ĐẠO CỦA LINH
HỒN)
Đạo của Linh
Hồn, hay phương thức tiến hóa của Linh Hồn bao giờ cũng nằm trong cấu trúc tự
hoàn thiện của Linh Hồn. Sau khi được chia tách khỏi Linh Hồn Vĩ Đại, các Linh
Hồn (tiểu Linh Hồn) thâm nhập vào các dạng thức sự sống để trải nghiệm. Trong
quá trình này, Linh Hồn vẫn tự tiến hóa đến nhiều trải nghiệm kiếp sống của con
người. Đến một kiếp sống nào đó, con người mà Linh Hồn đang trải nghiệm nhận
thức được Linh Hồn tồn tại bên trong con người mình, và người đó hiểu được Linh
Hồn có một cuộc sống khác, tiêu chuẩn sống khác con người hiện tại, người đó
chấp nhận sống theo tiêu chuẩn sống của Linh Hồn, thì con người này khi đó gọi
là giác ngộ, và gọi là người tu hành. Như vậy, Linh Hồn trong trải nghiệm của
người này cũng bắt đầu bước vào cuộc sống tu luyện. Kể cả sau khi người này
chết đi, Linh Hồn trải nghiệm qua kiếp sống khác, cũng sẽ tìm cách để tiếp tục
tu hành, tu luyện. Trong sâu thẳm, Linh Hồn luôn luôn muốn "trở về",
muốn hợp nhất với Linh Hồn Vĩ Đại, với Thượng Đế. Khi ý thức được sự tu luyện,
Linh Hồn sẽ tự nguyện, tự giác tu luyện để đáp ứng các tiêu chuẩn tiến hóa của
Linh Hồn, từng bước tiến tới hòa nhập với Thượng Đế. Việc tu hành, tu luyện của
con người mà Linh Hồn trải nghiệm sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tu luyện của Linh
Hồn. Việc tu luyện của Linh Hồn, cũng như con người chính là việc rèn luyện và
tu dưỡng để có sự tiến hóa, phát triển trên ba phương diện: Tri thức (cách gọi
khác là hiểu biết, Trí - trí tuệ, Chân - chân lý); Tình thương (Bi - từ bi,
Nhẫn,); Phụng sự (Thiện- làm việc thiện, cứu độ,..) . Đây cũng là ba phương
diện, tiêu chuẩn để xác định mức độ tiến hóa của Linh Hồn. Trong cõi giới Tâm
Linh, theo hé lộ của các bậc Chân Sư, có rất nhiều tầng mức mà Linh Hồn cần
phải trải qua để tiến tới hợp nhất với Linh Hồn Vĩ Đại. Để đơn giản hóa, và có
cách thức hình dung dễ hiểu nhất, chúng ta sử dụng cách thức phân chia tầng mức
của người Phương Đông cho các bậc tiến hóa của Linh Hồn: đó là Người - Thần -
Thánh - Tiên - Phật - Chúa Sáng tạo - Thượng Đế. Như vậy, ứng với mỗi tiêu
chuẩn tiến hóa trên ba phương diện tri thức, tình thương, phụng sự, Linh Hồn sẽ
được xác định các bậc tiến hóa của mình. Và, kể cả tiến hóa tới bậc Phật, Chúa,
Linh Hồn vẫn phải tu luyện tiếp để hòa hợp hoàn toàn với Thượng Đế.
Trong các bước tiến
hóa của Linh Hồn, không nhất thiết cả ba phương diện cùng được tăng tiến đều
nhau. Đồng thời, mỗi sự tăng tiến của một phương diện sẽ kéo theo sự tăng tiến
của hai phương diện còn lại.
Đích đến cuối
cùng trong sự tiến hóa của Linh Hồn trên ba phương diện là gì? Đó là hiểu biết
cao nhất, biết tất cả mọi điều, và biết rằng tất cả là Thượng Đế, là Một, không
có sự phân biệt nào nữa cả. Yêu thương cao nhất là gì? Là yêu thương hết thảy
Chúng sinh, không phân biệt, kể cả kẻ thù, kể cả tà ma ngoại đạo Phụng sự cao
nhất là gì? Là phụng sự để mỗi con người, mỗi Linh Hồn đều cảm nhận được mình
là Thượng Đế. Khi Linh Hồn đã tiến hóa và đạt tới mức này, Linh Hồn chính thức
hợp nhất, hòa hợp với Thượng Đế trên mọi khía cạnh.
Vấn đề Linh Hồn
trong trải nghiệm tu luyện của con người hay con người trong vấn đề tu luyện
Có hai phương
thức tu luyện, đó là tu thế gian pháp và tu xuất thế gian pháp. Tu xuất thế
gian pháp là tu của Linh Hồn, hay chính xác hơn đó là của Linh Hồn tiến hóa bậc
cao. Còn tu thế gian pháp là của Linh Hồn trong trải nghiệm con người, nói dễ
hiểu hơn, đó là việc tu hành, tu luyện của con người.
Con người tu
luyện, cũng giống như Linh Hồn, là việc rèn luyện và tu dưỡng bản thân để có sự
tiến hóa trên ba phương diện: tri thức - tình thương - phụng sự tương ứng với
ba hoạt động của con người: suy nghĩ - ứng xử - hành động. Có nhiều cách gọi
tên ba phương diện tiến hóa của Linh Hồn, hay của người tu hành, tùy theo các
tôn giáo, giáo phái ví dụ Pháp Luân Công của Sư phụ Lý Hồng Chí gọi là Chân - Thiện
- Nhẫn, hoặc giáo phái
Vô Vi, đạo Cao
Đài của Việt Nam
gọi là Bi - Trí - Dũng ..vv
Con người tu
luyện có hai phương thức, tu luyện tại gia (môi trường sống xã hội bình thường)
và tu luyện trong các không gian Tâm Linh (Chùa, Nhà Thờ, Tu viện). Những
người tu luyện trong không gian Tâm Linh thường là theo một tôn giáo, giáo phái
đều có sự hướng dẫn, giúp đỡ và quản lý trong một mức độ nào đó. Điều này đều
được thực hiện bởi các Tôn giáo, và các giáo phái, cuốn sách này không bàn tới.
Việc tu luyện tại gia, trong môi trường sống bình thường của con người, khó
khăn hơn rất nhiều, nhưng lại ít được sự hướng dẫn, giúp đỡ của những người có
trách nhiệm của các tôn giáo cũng như các giáo phái.
TU TẠI GIA
Điều đầu tiên,
quan trọng nhất, người tu hành tại gia cần biết rõ ý nghĩa của việc tu hành, đó
là việc nhận thức có một Linh Hồn sống trong con người mình, và Linh Hồn vẫn
tồn tại sau khi cơ thể chết đi. Linh Hồn có cuộc sống riêng theo những tiêu
chuẩn của nó, và người tu hành cam kết đi theo, sống cuộc sống của Linh Hồn.
Nếu người tu hành nào chưa hiểu được điều này, thì chưa thấy rõ thực sự ý nghĩa
của việc tu hành, dẫn tới quyết tâm và cam kết tu hành không được bảo đảm, và
việc tu hành sẽ không có hiệu quả. Đồng thời, khi con người nhận thức được Linh
hồn và cam kết tu hành, sẽ có được sự quan tâm và trợ giúp của các lực lượng
Tâm Linh. Điều này như Sư Phụ Lý Hồng Chí đã từng nói: khi một người cam kết tu
hành, sẽ " chấn động mười phương Chư Phật". Tiếp theo, người tu hành
cần biết, nội dung của việc tu hành sẽ là việc học tập, trau dồi để nâng cao
nhận thức của mình về mọi phương diện. Cùng với việc nâng cao nhận thức, người
tu hành thực thi tình yêu thương, hay nói cách khác, thay đổi bản tính, rèn
luyện đạo đức. Đây chính là việc từ bỏ dần các thói xấu như tham lam, ghen tỵ,
nóng giận,là thay đổi từng bước bản tính của người tu hành tiến tới việc yêu
thương con người như người thân, hay như chính bản thân mình. Cuối cùng, đó là
việc thực hiện những hành động, hoạt động giúp đỡ người khác trên mọi khía
cạnh: nhận thức, tinh thần, vật chất..vv.. đó là phụng sự, gọi theo cách gọi
thông thường, là cứu độ, gọi theo cách người tu hành.
Người tu hành
tại gia cần quán triệt những vấn đề quan trọng sau
1- Nhận thức rõ
tác dụng của việc tu hành, tu luyện với đời sống cá nhân,
với cuộc sống
thường ngày. Thông thường, việc tu luyện của một cá nhân, có nghĩa là cá nhân
sẽ phải làm thêm một số công việc trong cuộc sống hàng ngày. Trong bối cảnh áp
lực cuộc sống hiện tại, chỉ nghĩ tới việc làm thêm bất cứ điều gì đã là một sự
mệt mỏi đối với bất kỳ ai. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong giai đoạn rất
ngắn của cuộc sống tu hành. Có nghĩa là, có sự mệt mỏi hơn so với khi chưa tu
hành, nhưng thời gian này rất ngắn, không đáng kể so với lợi ích của việc tu hành
đem lại. Tại sao lại như vậy? bởi vì khi thực hiện việc tu luyện, cá nhân sẽ có
nhiều hiểu biết hơn, sẽ có nhiều sức khỏe hơn, tinh thần thoải mái hơn nhiều và
có sự tập trung cao hơn để thực hiện công việc bình thường hàng ngày nhanh
chóng, dễ dàng hơn nhiều so với khi chưa tu luyện. Sức khỏe của người tu hành
sẽ thay đổi và tăng lên nhanh chóng nhờ tập Thiền, tức là làm chủ hơi thở, dẫn
tới việc tăng cường lưu thông khí huyết trong cơ thểNhư vậy, khi nhận thức rõ
tác dụng của việc tu hành, tu luyện chúng ta sẽ không còn lo sợ sự mệt mỏi,
cũng như mất thời gian của việc tu luyện nữa.
2- Nhận thức
được giới hạn của việc tu hành, tu luyện trong cuộc sống hiện tại. Đây là việc
rất quan trọng. Cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân, với đầy đủ lo toan và áp
lực, sẽ không thể đạt được hiệu quả nếu chúng ta đặt ra mục tiêu tu luyện quá
cao. Mục tiêu đặt ra cao quá, không phù hợp sẽ dẫn tới việc không nhận thức
được sự tiến bộ của việc tu luyện, sẽ đưa tới chán nản và bỏ bê việc tu hành,
tu luyện ví dụ, việc thay đổi thái độ, cách ứng xử hay bản tính của người tu
hành không thể thực hiện một sớm một chiều. Một người bản tính nóng nảy, chỉ
biết suy nghĩ cho bản thân, không thể ngay lập tức từ bỏ sự nóng nảy, ngay lập
tức nghĩ cho người khác được. Đây là một quá trình rất lâu dài, nhất là cuộc
sống có sự va chạm hàng ngày. Người đó trước hết phải học, rèn luyện từ bỏ tính
nóng nảy, từng bước từ thấp đến cao. Tóm lại, đặt mục tiêu vừa tầm, phù hợp sẽ
là bước đi quan trọng thực hành thành công việc tu luyện của cá nhân.
3- Phương pháp
tu hành, tu luyện rất quan trọng. Người tu hành cần thực hiện việc tu luyện từ
thấp tới cao, từ dễ tới khó và quan trọng nhất, phải thực hành thường xuyên,
đều đặn hàng ngày. Khi đặt ra những mục tiêu nho nhỏ, từ chỗ thấp, đơn giản, người
tu trong một thời gian ngắn thấy có sự tiến bộ, có kết quả sẽ tạo ra sự hứng
thú, hưng phấn để tiếp tục việc tu luyện của mình. Một điều cần đặc biệt nhấn
mạnh, và người tu tại gia nên ghi nhớ, dù bất cứ hoàn cảnh nào, khi có bất cứ
sự mệt mỏi nào, người tu cũng phải thực hiện việc tu hành, tu luyện hàng ngày,
đều đặn. Bởi vì, thực hiện việc tu luyện hàng ngày đều đặn một thời gian, người
tu hành sẽ không bao giờ từ bỏ việc tu hành, tu luyện của mình nữa.
4- Sử dụng hiệu
quả hai phương thức hỗ trợ tu hành, đó là Cầu Nguyện và Thiền Định. Trước khi
đi vào nội dung này, chúng ta cần phân biệt rõ hai khái niệm tu hành và tu
luyện. Tu hành là việc thực hiện những hoạt động liên quan tới việc tăng tiến
của con người, của Linh Hồn trên ba phương diện tri thức (hay nhận thức), thay
đổi bản thân (thực thi tình thương) và phụng sự (làm việc thiện trên nhiều khía
cạnh). Nói cách khác, đó là nội dung của việc tu, gọi là tu hành. Còn tu luyện,
đó là việc thực hiện hai phương thức hỗ trợ tu hành là Cầu Nguyện và Thiền
Định. Cầu Nguyện là tạo ra và duy trì mối liên hệ với với các lực lượng Tâm
Linh, với Thượng Đế cũng như đánh thức bản chất Thượng Đế trong con người mình.
Việc duy trì mối liên hệ với các lực lượng Tâm Linh và đánh thức bản chất
Thượng Đế trong con người sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tu hành. Còn Thiền
Định là phương pháp tập luyện làm chủ hơi thở, tăng cường sự lưu thông khí
huyết, làm cho con người có sức khỏe và tăng cường sự tập trung, thanh thản để
hỗ trợ việc tu hành. Trong thực tế, có những cách thức, có những con người thực
hiện việc Cầu Nguyện hoặc Thiền Định và đạt được những phép lạ, phép Thần
thông, nhưng đó là một số lượng cực ít và về bản chất, Cầu Nguyện và Thiền Định
không phải nội dung của tu hành, đó là hình thức của việc tu luyện. Có một cách
gọi khác cũng sử dụng để phân biệt hai nội dung đó là tu và luyện, nội dung của
tu hành là tu, còn hình thức, cách hỗ trợ gọi là luyện. Người tu hành cần thực
hiện cả việc tu lẫn luyện để đạt được hiệu quả cao nhất. Vậy người tu hành tại
gia cần làm gì để thực hiện việc tu hành của mình? Đó là việc nâng cao nhận
thức bằng nhiều hình thức, nghiên cứu sách báo, tài liệu nâng cao chuyên môn,
hiểu biết mọi mặt, tự học, tự trau dồi kiến thức. Đó là việc rèn luyện đạo đức,
từ bỏ dần các bản tính xấu, xác lập tình cảm với tha nhân (người khác).đó là
việc giúp đỡ người khác trên mọi phương diện một cách vô tư. Như vậy, thực hiện
đều đặn, thường xuyên các công việc thuộc nội dung của việc tu hành, kết hợp
với Cầu Nguyện và Thiền Định hàng ngày chính là cách thức và con đường của
người tu hành.
Tác giả có ý
định sẽ đề xướng một phương thức tu hành, tu luyện đơn giản, dễ thực hiện trong
tương lai. Phương thức này đặt căn bản trên trên sự hiểu biết và tự nguyện.
Phương thức này không thay thế bất cứ phương thức tu hành nào mà chỉ hỗ trợ,
kết hợp với các phương thức tu hành khác. Bản thân các phương thức tu hành chỉ
là phương tiện, và phương tiện thì có thể thay đổi hoặc kết hợp với nhau. Tác
giả đang định hình phương pháp tập luyện Thiền, hay Yoga để nâng cao sức khỏe
và sự tập trung để hỗ trợ việc tu hành. Còn Cầu nguyện, tác giả chỉ sử dụng một
lời Cầu nguyện duy nhất, được lấy trong cuốn sách "Hành trình về với các
Chân Sư Phương Đông" của tác giả Baird T.Spaiding. Đây là lời cầu nguyện
của Đức Chúa Giê-Su mà ngài Baird T. Spalding chứng kiến và ghi lại được. Đây
là lời Cầu nguyện vượt trên cả sự tuyệt vời mà ngài Baird T.Spalding nói rằng
sẽ không bao giờ quên dù sống mười ngàn năm nữa.
ÁNH SÁNG
Khi Tôi đứng một
mình trong sự im lặng vĩ đại của Người, Đức Chúa Cha của tôi. Ngay giữa cơ thể
tôi, rực rỡ tia sáng thuần khiết và nó làm đầy từng tế bào trong con người tôi.
Cuộc sống, tình thương, sức mạnh, thuần khiết, vẻ đẹp, hoàn hảo tất cả đều chịu
sự chi phối bên trong tôi. Khi tôi nhìn chăm chú vào Ánh Sáng này, tôi thấy một
thứ Ánh Sáng khác, mềm mại, màu trắng sáng như vàng và sáng ngời rực rõ. Hấp
thụ, nuôi nấng và mang tới trước ngọn lửa quan tâm của Ánh Sáng Vĩ Đại.
Bây giờ, tôi
biết, tôi là Thượng Đế và là một với toàn thể vũ trụ của Thượng Đế. Tôi thì
thầm với Đức Chúa Cha của tôi.
VẪN TRONG IM
LẶNG
Trong sự im lặng
hoàn hảo đó, vẫn tồn tại một hoạt động vĩ đại của Thượng Đế. Một lần nữa, sự
tĩnh lặng hoàn toàn là tất cả những gì bao bọc tôi. Bây giờ, Ánh Sáng này trải
rộng khắp vũ trụ mênh mông nơi tôi nhận biết có sự sống đầy ý thức của Thượng
Đế. Một lần nữa, tôi nói, tôi là Thượng Đế, trong tĩnh lặng và không sợ hãi.
Tôi đề cao Đấng
Chris bên trong tôi và ngợi ca Thượng Đế, càng ngày càng lớn hơn trong tôi bài
hát về một cuộc sống mới. Càng lớn hơn và rõ ràng hơn cùng với mỗi ngày, nguồn
cảm hứng nâng nhận thức của tôi đến khi nó hòa hợp với nhịp điệu của Thượng Đế.
Một lần nữa, tôi đề cao Đấng Chris và lắng nghe giai điệu hân hoan này. Chủ âm
của tôi là sự hài hòa, chủ đề bài hát của tôi là Thượng Đế và Thượng Đế xác
nhận bài hát của tôi với Dấu Son Chân Lý.
TÔI ĐƯỢC HỒI
SINH VÀ ĐẤNG CỨU THẾ ĐANG Ở ĐÂY
Tôi được tự do
với Ánh Sáng Vĩ Đại của Người, Đức Chúa Cha của tôi.
Dấu Son của
Người được đặt trên trán tôi, tôi chấp nhận.
Tôi giữ Ánh Sáng
của người, Đức Chúa Cha của tôi, một lần nữa, tôi chấp nhận.
PHẦN KẾT
I - Chúng ta sẽ
đi về đâu?
1/ Loài người sẽ
đi về đâu?
Loài người sẽ
bước vào giai đoạn kết thúc chu kỳ lớn SỢ HÃI VÀ YÊU THƯƠNG, CHIA TÁCH VÀ HỢP
NHẤT. Con người sẽ bước vào thế giới của sự Hợp Nhất, của Tình Yêu Thương.
Con người đã
trải qua rất nhiều chu kỳ chia tách và hợp nhất, sợ hãi và yêu thương. Thế kỷ
XX vừa qua, con người đã trải qua sự chia tách vô lý và khủng khiếp nhất, đã
trải qua nỗi sợ hãi lớn nhất, hay đã tạo ra những tội ác khủng khiếp nhất: Phát
-xít, Cộng Sản đó là lúc con người đi tới tận cùng của chu kỳ chia tách - hợp
nhất, sợ hãi - yêu thương. Khi đi đến tận cùng của chu kỳ lớn đó, con người sẽ
sống trong sự hợp nhất, trong tình yêu thương.
Nơi thế giới mà
loài người sắp bước vào, tuyệt đại đa số con người sống ở đó sẽ nhận thức được
sứ mệnh của con người, của đời người - đó là sự trải nghiệm của Linh Hồn trong
thế giới vật chất. Bản thân tác giả không biết điều đó sẽ xảy ra khi nào và như
thế nào, nhưng tác giả vẫn chắc chắn một điều, việc này sẽ xảy ra.
Những diễn tiến
của thế giới vật chất sẽ đi tới chỗ con người nhận thức được và thực thi sự
bình đẳng, tự do cá nhân, không còn bất kỳ sự phân biệt nào giữa con người,
dưới bất cứ khía cạnh nào, đó là thế giới hòa đồng.
Trong thế giới
đó, con người không còn phải quan tâm tới việc mưu sinh nữa, các nhu cầu cơ bản
của con người được đáp ứng đầy đủ trên phạm vi toàn thế giới.
Toàn bộ các hoạt
động biểu thị sức mạnh ngoại hiện, sức mạnh bên ngoài nhằm kiểm soát môi trường
sống và tạo vật sẽ chấm dứt. Sẽ chỉ còn đó những nỗ lực của con người thực hiện
sức mạnh nội tại, sức mạnh của sự hợp nhất, của tình yêu thương.
Ở thế giới đó,
con người sống trong tình yêu thương tuyệt đối, con người coi nhau là anh em,
cùng một nguồn gốc, cùng đi về một nơi, về với Thượng Đế.
2/ Linh Hồn của
chúng ta sẽ về đâu?
Chu kỳ của Linh Hồn, sau khi được tách ra từ Linh Hồn Vĩ
Đại (hay
Thượng Đế) sẽ
trải qua rất nhiều trải nghiệm, các kiếp sống con người theo vòng luân hồi
trong thế giới vật chất, tu luyện ở nhiều cõi giới Tâm Linh cuối cùng sẽ quay
trở về hợp nhất với Thượng Đế.
Như vậy, tùy
thuộc vào từng Linh Hồn, vào hành trình của từng Linh
Hồn mà Linh Hồn
sẽ đi về đâu. Tuy nhiên, có thể có ba con đường mà Linh Hồn sẽ đi tiếp.
- Tiếp tục trải
nghiệm qua kiếp sống con người, trên hành tinh trái đất hoặc các hành tinh có
sự sống khác.
- Chuyển tới tu
luyện tại các cõi giới cao hơn (tu xuất thế gian pháp)
- Hợp nhất với
Thượng Đế: đây là trường hợp đặc biệt, cực kỳ hiếm xảy ra.
KẾT LUẬN: Thượng
Đế trải nghiệm sự hoành tráng, vĩ đại của NGƯỜI thông qua việc tạo ra các Linh
Hồn, thông qua sự trải nghiệm của các Linh Hồn. Bản thân các Linh Hồn cũng chứa
đựng đầy đủ các phương diện và quyền năng của Thượng Đế. Các Linh Hồn mang sẵn
trong mình cấu trúc tự hoàn thiện, tự đi tìm tòi, sáng tạo trong trải nghiệm,
và cuối cùng sẽ lại trở về hợp nhất với Linh Hồn Vĩ Đại (với Thượng Đế). Trong
quá trình ra đi rồi trở về đó, Linh Hồn sẽ trải nghiệm muôn vàn kiếp sống, muôn
vàn khía cạnh cuộc sống, muôn vàn cõi giới, muôn vàn cấp độ nhận thức Tâm Linh.
Cũng trong quá trình vĩ đại đó, điều đặc biệt đáng quan tâm của Linh Hồn chính
là SỰ TRẢI NGHIỆM, cùng với đó là SỰ TIẾN HÓA của Linh Hồn.
II - Đôi điều
tri ân của tác giả với những cuốn sách Tâm Linh tuyệt vời
Có thể nói rằng,
không có các cuốn sách Tâm Linh mà tác giả được đọc sẽ không có cuốn sách này
được viết ra. Một lần nữa, tác giả đặc biệt tri ân tới các cuốn sách cực kỳ đặc
biệt này. Trước hết và trên hết, tác giả xin được nói về cuốn sách "Đối
thoại với Thượng Đế - Conversations With God". Đây là một cuốn sách cực kỳ
đặc biệt và tuyệt vời. Tác giả Neal Donald Walsch trong một lần viết thư trách
móc gửi tới Thượng Đế (thói quen của ông - thư không gửi), Ông đã được Thượng
Đế "nhập hồn" tạo ra một cuộc đối thoại vô cùng thú vị. Cuốn sách có
ba quyển, ở Việt Nam mới xuất bản quyển I, nhưng tôi (tác giả Linh Đạo) đã được
đọc cả ba quyển, hai quyển còn lại tìm được trên mạng Internet. Quyển II, rất tiếc,
bản dịch còn thiếu 4 chương cuối cùng. Đây là cuốn sách có ảnh hưởng nhất tới
cuốn Linh Đạo này. Tất cả mọi điều, rất chi tiết, và thậm chí rất chính xác (vì
Thượng Đế tạo ra) đã được viết ra bởi một người hỏi vô cùng thông minh, và
trình bày dễ hiểu. Có rất nhiều điều ở cuốn sách làm chúng ta kinh ngạc, và cá
nhân tôi có thể khẳng định, không phải do lực lượng siêu nhiên (tức Thượng Đế)
không thể nào có được các kiến thức và trải nghiệm tuyệt vời đó. Một điều đặc
biệt ở cuốn sách này, Thượng Đế đã khẳng định, có sự sống con người ở các hành
tinh khác, và cuộc sống này được miêu tả thật thú vị, chi tiết và lô- gic. Bất
kỳ người nào muốn tìm hiểu về Thế giới Tâm Linh, xin đặc biệt chú ý tới cuốn
sách này. Cuốn sách này sẽ mãi là cuốn sách "gối đầu giường" của cá
nhân tôi.
Cuốn sách thứ
hai cũng rất lạ lùng, đó là cuốn "Thượng Đế giảng Chân Lý". Đây là
cuốn sách cũng có xuất xứ thật đặc biệt. Một giáo phái ở miền Nam Việt Nam, có
tên gọi Vô Vi, do ông Đỗ Thuần Hậu (1883-1967) sáng lập ra, người kế tục là
Thiền sư Lương Sĩ Hằng. Năm 1976, theo tài liệu của giáo phái Vô Vi thì Đức
Ngọc Hoàng Thượng Đế đã giáng trần, hóa thân nơi một phụ nữ tên Lê Hoàng Kim,
một người ăn chay, tu nhiều năm theo Tây học, thông hiểu giáo lý Thông Thiên
Học. Cuốn sách được bà Lê Hoàng Kim (hóa thân của Ngọc Hoàng Thượng Đế) viết ra
dưới dạng vấn - đáp, có 64 câu hỏi và trả lời. Đây cũng là một cuốn sách giải
thích rất nhiều những vấn đề hóc búa về Thế giới Tâm Linh, và những câu trả lời
cũng thật tuyệt vời, làm kinh ngạc nhiều người. Điểm khác biệt của cuốn sách
"Thượng Đế giảng Chân Lý" với cuốn sách "Đối thoại với Thượng
Đế" là cách viết, lập luận theo kiểu người Á Đông, và cuốn sách này
nghiêng nhiều về vấn đề tu hành, tu luyện. Cuốn "Đối thoại với Thượng
Đế" là cuốn sách viết chung cho tất cả mọi người, chủ yếu miêu tả, giải
thích về tất cả các vấn đề Tâm Linh, ít nói tới vấn đề tu hành, tu luyện. Tác
giả cuốn sách "Thượng Đế giảng Chân Lý" được ghi là Kim Thân Cha (Cha
trong xác thân Cô Kim).
Cuốn sách thứ
ba, tác giả cũng tri ân là bộ sách hai quyển: Hành trình về Phương Đông và Hành
trình về với các Chân Sư Phương Đông. Đây là một bộ sách viết về một nhóm các
nhà khoa học người Anh, nghiên cứu những vấn đề Tâm Linh của Ấn Độ, vào khoảng
cuối thế kỷ 19. Cuốn sách Hành trình về Phương Đông nhiều người đã biết và đọc,
đó là cuốn sách khá nổi tiếng tại Việt Nam. Nhưng cuốn sách Hành trình về
với các Chân Sư Phương Đông thì còn ít người biết tới. Đây là trải nghiệm của
tác giả, cùng với các nhà khoa học khác, có ghi chép, đối chiếu và kiểm chứng.
Trong cuốn sách này có rất nhiều chi tiết lạ lùng như việc tác giả đã gặp Đức
Chúa Giê-Su bằng xương bằng thịt, đã nghe Đức Chúa Giê-Su Cầu Nguyện, nói
chuyện với Đức Chúa Giê-Su. Những việc các nhà khoa học đã chứng kiến cũng lạ
lùng không kém. Đó là việc một số người đi trên mặt nước vượt qua sông, trong
một lần thuyền bị hỏng và phải sang sông gấp. Tác giả Baid T.Spalding, đã cùng
với hai Chân Sư đi xuyên qua lửa, trong lúc cháy rừng không còn cách thoát ra
được. Đặc biệt, có chuyện một người dân Ấn Độ ở sông Hằng bị cá Sấu cắn đứt mất
một bàn tay, người này cầu khẩn sự giúp đỡ của một vị Chân Sư, sau một thời
gian khoảng 45 phút thì bàn tay của người này đã mọc trở lại lành lặn như chưa
hề có chuyện gì xảy ra. Đây là những câu chuyện có thật, nhưng người đọc nếu
không có đức tin mạnh mẽ sẽ không tin nổi những chuyện này.
Bộ sách Pháp
Luân Công - Chuyển Pháp Luân của Sư phụ Lý Hồng Chí cũng đã khai sáng cho tác
giả rất nhiều vấn đề. Trong đó có những vấn đề về tu hành, những kiến thức rất
bổ ích về vấn đề Tâm Linh. Điều đáng tiếc là một môn pháp tu hành, tu luyện quý
báu như Pháp Luân Công lại không được phép thực hành tại quê hương của nó, đồng
thời các học viên lại bị truy bức một cách thảm khốc. Tác giả bày tỏ tình cảm
với môn pháp Pháp Luân Công, tri ân với Sư phụ Lý Hồng Chí, và sự phẫn nộ với
nhà cầm quyền Trung Quốc.
Cuốn sách mỏng
và nhỏ nhưng cũng rất đặc biệt với tác giả, đó là cuốn Di ngôn Phật Sống Lưu
Công Danh, tác giả Hà Văn Thùy. Cụ Lưu Công Danh (1900-2003) sinh tại tỉnh Kiên
Giang, Việt Nam, thời trẻ sinh sống và làm ăn tại Cam-Pu-Chia, lấy một cô gái,
con một thương gia Ấn Độ rất giàu có, sau đó chuyển về sinh sống tại Ấn Độ. Tại
Ấn Độ, Cụ Lưu Công Danh đã ghi tên đi Tu Phật, sau 6-8 năm, Cụ đã tới được chùa
Tây Phương, đắc quả thành Phật Sống. Theo lời Thần Tam Tông (Vị Thần lo Tôn
giáo cho loài người) thì Cụ Lưu Công Danh là người thứ ba, sau khi Phật Thích
Ca tịch diệt, được công nhận là Phật Sống. Trong cuốn sách, có những điều Cụ
Lưu Công Danh được cho biết trước về thế sự, ví dụ thế giới có ba lần khủng
hoảng: khủng hoảng thiếu, khủng hoảng thừa, và khủng hoảng lần thứ ba về tiền.
Có rất nhiều sự việc Cụ Lưu Công Danh được cho biết trước, về sau xảy ra đúng
như vậy.
Một bộ sách
Tuyển tập Thần bí và Đạo của giáo phái Mật Tông Thiên Đình, do cư sĩ Triệu
Phước, tức Đức Quý biên soạn gồm những cuốn sách Mật Tông Phật giáo Tinh hoa
Yếu lược; Phong Thần và Huyền bí học, Những tư tưởng về Đạo, và Những câu
chuyện về Đạo của giáo phái Mật Tông Thiên Đình là những kiến thức và trải
nghiệm lý thú.
Tác giả, một lần
nữa xin chân thành tri ân với các cuốn sách nêu trên, cũng như các cuốn sách
trong danh mục Tài liệu tham khảo./.
Hà Nội, ngày
07/02/2013
Nguyễn Vũ Bình
DANH MỤC TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1/ Đối thoại với
Thượng Đế, Neale Donal Walsch, quyển I - NXB Tri Thức, 2011, quyển II và III,
ebook 2012
2/ Thượng Đế
giảng Chân Lý, Kim Thân Cha, ebook
3/ Hành trình về
Phương Đông, Baird Thomas Spalding, NXB Thế giới, Hà Nội, 2009
4/ Hành trình về
với các Chân Sư Phương Đông, Baird T. Spalding, NXB Tổng hợp Thành phố HCM,
2012
5/ Pháp Luân
Công - Chuyển Pháp Luân, Sư phụ Lý Hồng Chí, ebook
6/ Di ngôn Phật
sống Lưu Công Danh, Hà Văn Thùy, NXB Văn học, 2008
7/ Mật Tông Phật
giáo Tinh hoa Yếu lược, Cư sĩ Triệu Phước, ebook
8/ Phong Thần và
Huyền bí học, Cư sĩ Triệu Phước, ebook
9/ Những Tư
tưởng về Đạo, Cư sĩ Triệu Phước, ebook
10/ Một phút
Minh triết, Athony de Mello, ebook 11/ Các Thông Điệp từ các Chúa Sáng tạo,
ebook
12/ Áo Nghĩa Thư
(Upanishads), Shri Aurobindo (bình giải), NXB Văn Hóa Thông tin, 2009
13/ Âm Phù Kinh,
ebook
14/ Đạo Đức
Kinh, Lão Tử, NXB Thanh Niên, 2007
15/ Khám phá Thế
giới Tâm Linh, Gary Zukav, NXB Hồng Đức, 2011 16/ Những Câu chuyện Tâm Linh,
Gary Zukav, NXB Hồng Đức, 2011
17/ Chúng ta
thoát thai từ đâu, E-rơ-nơ mun-đa-sep, NXB Thế giới, 2009
18/ Tri thức Tôn
giáo - Qua các vấn nạn và giải đáp, John Renard, NXB Tôn giáo, 2005
19/ Hành trình
Tâm Linh siêu việt, Gyalwang Drukpa, NXB Văn hóa Thông tin, 2011
20/ Bản đồ Tâm Hồn
con người của Jung, Murray Stein, NXB Tri Thức, 2011
21/ Tủ sách Bách
khoa Phật Giáo - Toàn tập giải thích Phép Thần Thông Phật Giáo, Nguyễn Tuệ
Chân, NXB Tôn giáo, 2012
22/ Tủ sách Bách
khoa Phật Giáo - Toàn tập giải thích các Thủ ấn Phật giáo, Nguyễn Tuệ Chân, NXB
Tôn giáo, 2012
23/ Sự Sống sau
Cái Chết, Deepak Chopra, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2010
24/ Thiền Thư
Tây Tạng, Lama Christie McNally, NXB Phương Đông, 2010 25/ Khai mở cảnh giới
Tâm Linh, Concetta Bertoldi & Jemes Van Praagh, NXB Thời Đại, 2010
26/ Đạo Phật
không như bạn nghĩ, Steve Hagen, NXB Từ điển Bách khoa, 2012
27/ Sức mạnh
Tiềm thức, Joseph Murphy, NXB Văn Hóa Thông tin, 2010
28/ Luận về Mật
Tông, Lý Cư Minh, NXB Từ điển Bách khoa, 2011
29/ Kinh Dịch
Tân giải, Lê Quý Thụ, NXB Tổng Hợp TH HCM, 2005
30/ Tư tưởng
Phật Học, Walpola Rahula, NXB Phương Đông, 2011
31/ Bản Ngã vô
biên, Stuart Wilde, NXB Tôn Giáo, 2005
32/ Hành trình
đi tìm Chân Ngã, Nguyễn Kiên Trường, NXB Tôn Giáo, 2006
34/ Tìm về thực
tại, B. Alan Wallace, NXB Tôn Giáo, 2009
35/ Dưới Ánh
sáng của Thiền, Mike George, NXB Hồng Đức, 2012
36/ Bên kia cửa
tử, Charles Leadbeater, ebook
37/ Những bí ẩn
của cuộc đời, Dale Carnegi, ebook
38/ Đạo - Nguyên
lý sống hòa hợp và quân bình, C. Alexanderr Simpkins & Annellen Simpkins,
NXB Mũi Cà Mau, 2004
39/ Ngôn ngữ của
Chúa, Francis S. Collins, NXB Lao Động, 2010
40/ Thượng Đế và
Khoa học, Jean Guitton & Grichka Bogdanov - Igor Bogdanov, NXB Đà Nẵng,
2002
41/ Những điều
bí ẩn của thế giới, Sylvia Browne, NXB Văn hóa Thông tin, 2005,
42/ Vô Ngã Vô
Ưu, Ayya Khema, NXB Phương Đông, 2010 .
© Tác giả giữ
bản quyền cuốn sách
* Tác giả trân
trọng đề nghị độc giả nào có thời gian và điều kiện giúp
chuyển ngữ cuốn
sách "Linh Đạo" này sang các ngôn ngữ khác. Do hoàn cảnh hiện tại,
tác giả xin hậu tạ sau khi bán được bản quyền cuốn sách - Xin chân thành cảm
ơn!
* Nguyễn Vũ Bình
Mobile: 0987 572 844 - 0987 572 847
Email:
thanglongdoicho@gmail.com
datrolai2007@yahoo.com
No comments:
Post a Comment